I/ THẤY & BIẾT
Trong kinh điển Pāḷi, “thấy” (passaṃ /passato/passati…) vừa có nghĩa về sự nhận thức tri giác, chẳng hạn, “Sopi phasso aniccoti passati (Vị ấy thấy xúc là vô thường); vừa có nghĩa về sự nhận thức thuộc thị giác: “Tamanugacchanto passati nāgavane mahantaṃ hatthipadaṃ..” (khi đi theo, người đó thấy trong rừng voi một dấu chân voi lớn…).
Trong khi, “biết” (jānati/jānato/ jānaṃ…) chỉ mang nghĩa về sự nhận thức tri giác. Nên khi kết hợp hai loại từ này với nhau trong một câu, chẳng hạn, “Thấy & Biết” thì thường, chúng sẽ mang ý nghĩa là “thị giác & tri giác”.
Ý nghĩa này khá hợp lý dù theo kiến thức khoa học hay Phật giáo, bởi cái “BIẾT” của một người không tự nhiên mà có nếu không trải qua giai đoạn kinh nghiệm nhận thức trước đó từ các giác quan: (thị giác) nhìn thấy, (thính giác) nghe thấy, (khứu giác) ngửi thấy, (vị giác) niếm thấy, và (xúc giác) sờ thấy. Các hình thức tư duy hay nhận thức lý tính (tri giác) mới phát sinh sau đó.
Theo cách hiểu thông thường này, thì Biết là nhận thức được kinh nghiệm hóa sau cái Thấy và “trình tự” Thấy (trước), Biết (sau) hay Thấy & Biết là hợp lí.
‘Thấy & Biết’ cũng xuất hiện ở một số bản kinh Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu, chẳng hạn, trong ‘Đại Kinh Sáu Xứ’ (MN 149):
“Này các Tỷ-kheo, THẤY và BIẾT như chơn mắt, THẤY và BIẾT như chơn các sắc, THẤY và BIẾT như chơn nhãn thức, THẤY và BIẾT như chơn nhãn xúc…”
Hoặc, trong ‘Kinh Upavàna (AN.V.175)’:
“Thưa Hiền giả, người phàm phu không có minh và hạnh nên không như thật ‘thấy và biết’, nhưng nếu có minh và hạnh đầy đủ như thật ‘thấy và biết’, là người chấm dứt (đau khổ).”
Tuy nhiên, khi đối chiếu với các bản kinh Pāḷi nguyên gốc, trình tự thấy & biết không được tìm thấy. Thay vào đó, duy nhất chỉ là trình tự “Biết & Thấy”:
“Cakkhuñca kho bhikkhave, jānaṃ (Biết) passaṃ (Thấy) yathābhūtaṃ, rūpe jānaṃ passaṃ yathābhūtaṃ, cakkhuviññāṇaṃ jānaṃ passaṃ yathābhūtaṃ, cakkhusamphassaṃ jānaṃ passaṃ yathābhūtaṃ..”
(Đại Kinh Sáu Xứ /MN 149).
“Caraṇavipanno kho āvuso yathābhūtaṃ na (không) jānāti (biết) na (không) passati (thấy). Caraṇasampanno yathābhūtaṃ jānāti (biết) passati (thấy). Yathābhūtaṃ jānaṃ (biết) passaṃ (thấy) antakaro hotīti.” ( Upavàna /AN.V.175)
Cũng vậy, trong toàn bộ kinh điển Pali, duy nhất chỉ có trình tự Biết & Thấy và phủ định của nó (Không Biết & Không Thấy) mà thôi.
II/ BIẾT & THẤY
Nếu “Thấy & Biết” là hợp lý để giải thích cho tiến trình nhận thức, thì trong kinh điển Pāḷi , “Biết & Thấy” lại có nghĩa như một “thuật ngữ” hay một cách nói liên hệ đến pháp hành giác ngộ, có điều kiện, trình tự và ý nghĩa riêng biệt của nó.
“Này Hoàng tử, có nhân, có duyên để biết, để thấy. Biết và thấy có nhân, có duyên.”
“Vị ấy nhờ tâm được tu tập niệm giác chi… trạch pháp giác chi... tấn giác chi.. hỷ giác chi... tịnh giác chi… định giác chi… xả giác chi nên như thật biết và thấy. Ðây là nhân, đây là duyên, này Hoàng tử, để biết, để thấy. Như vậy, biết và thấy có nhân, có duyên.” ‘Kinh Abhaya (Tương Ưng Giác Chi)’.
Theo lời dạy của Đức Phật, biết & thấy không mang ý nghĩa thông thường về sự nhận thức. Nó lại càng không thuộc cách hiểu của thế gian để có thể “tùy nghi ứng dụng”! Để biết & thấy, vị ấy phải hội đủ những điều kiện tất yếu của một đạo lộ tu tập, ở đây, chính là bảy giác chi.
Để bảy giác chi được viên mãn, Đức Phật có chỉ ra phương cách, đó là thực hành bốn niệm xứ:
“Bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy giác chi. Bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn minh và giải thoát.” (Ananda (S.v,328))
Thế nào là bốn niệm xứ?
“[1] Ở đây vị Tỳ-khưu sống quán thân trong thân... [2] sống quán thọ trong thọ… [3] sống quán tâm trong tâm…[4] sống quán pháp trong các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, có niệm, khi đã đoạn trừ (having removed) tham ưu ở thế gian.”
IV/ NỀN TẢNG CỦA BIẾT & THẤY
Theo ‘Kinh Đại Niệm Xứ’, để có thể tu tập bốn niệm xứ, trước hết, vị ấy phải đoạn trừ “tham ưu”. Liên hệ đến điều này, ‘Chú giải Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya Aṭṭhakathā)’ có giải thích:
“Tham tương ứng với dục triền cái (kāma∙cchanda), và ‘ưu’ tương ứng với sân triền cái, với sự liên hệ này, Đức Phật ám chỉ tất cả năm triền cái.”
Phần giải thích này hoàn toàn phù hợp với lời dạy của Đức Phật trong ‘Kinh Điều Ngự Địa (MN 125)’:
“Vị ấy sau khi đoạn trừ năm triền cái này, những pháp làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy sống quán thân trong thân… quán thọ trong các thọ… quán tâm trong tâm… quán pháp trong các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, có niệm, khi đã đoạn trừ tham ưu ở thế gian.”
Sự đoạn trừ vĩnh viễn năm triền cái chỉ xuất hiện ở Đạo & Quả sau giai đoạn minh sát chín muồi. Tuy nhiên, sự đoạn trừ năm triền cái trước đó tương ứng với sự định tâm hay tâm thanh tịnh.
“Khi vị ấy quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an, do thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ; do lạc thọ, tâm vị ấy được định tĩnh (cittaṃ samādhiyati).”
Cũng trong kinh 'Sa môn Quả’, “tâm định tĩnh” được Đức Phật giải thích bằng bốn bậc thiền định gồm sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.
'Sớ Giải Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya Ṭīkā)’ giải thích thêm về "tâm định tĩnh" do bởi cận định (upacāra∙) và an chỉ định (appanā∙vasena∙pi).
Mặc dù Kinh và Chú giải có đề cập những phương cách đoạn trừ năm triền cái, chẳng hạn, học Pháp, thiện bằng hữu, nói chuyện thích hợp…, tối thắng nhất vẫn là sự thực hành thiền định (samatha).
“Pháp nhĩ là vậy, này các Tỳ khưu, người có tâm Thiền định (samāhito), biết (jānāti ) và thấy (passati) như thật (yathābhūtaṃ )”
(Phẩm Lợi Ích- Tăng Chi Bộ)
III / ĐỐI TƯỢNG CỦA BIẾT & THẤY
Mục đích tối hậu của biết & thấy nhằm để đoạn trừ các lậu hoặc, giải thoát, Niết-bàn. Nhưng chỉ với năng lực của định tâm thì vẫn chưa đủ nếu không có được năng lực minh sát thực thụ. Để khai triển minh sát, vị ấy phải biết và thấy các đối tượng minh sát đúng với bản thể của chúng. Các đối tượng ấy là gì?
“Và này các Tỳ-khưu, như thế nào là đối với người biết, đối với người thấy, các lậu hoặc được đoạn diệt?
[1] Sắc là như vậy, sắc tập khởi là vậy, sắc đoạn diệt là vậy.
[2] Thọ là vậy, thọ tập khởi là vậy, thọ đoạn diệt là vậy;
[3] Tưởng là vậy, tưởng tập khởi là vậy, tưởng đoạn diệt là vậy;
[4] Hành là vậy, hành tập khởi là vậy, hành đoạn diệt là vậy;
[5] Thức là vậy, thức tập khởi là vậy, thức đoạn diệt là vậy;
Này các Tỳ-khưu, đối với người biết như vậy, đối với người thấy như vậy, các lậu hoặc được đoạn diệt.” (Kinh Upanisa - Tương Ưng Nhân Duyên)
Khi giảng về phạm vi minh sát, tùy theo căn cơ của thính chúng mà Đức Phật sẽ có những cách phân loại khác biệt. Trong bài kinh này, chính là năm thủ uẩn.
Chú giải ‘Kinh Đại Niệm Xứ (§382)’ có giải thích: “Đức Phật dạy niệm thân để thông đạt sắc uẩn;… niệm thọ để thông đạt thọ uẩn;... niệm tâm để thông đạt thức uẩn. Và niệm pháp để thông đạt tưởng uẩn và hành uẩn…”
Với ý nghĩa trên, năm thủ uẩn tương ứng với cả bốn niệm xứ.
Ở những bài giảng khác, năm thủ uẩn được thay bằng: ->Sáu giới (địa giới/thủy giới/hỏa giới/phong giới/hư không giới/thức giới)
Hoặc; -> Mười hai xứ (sáu nội xứ (nhãn/nhĩ/tỷ/thiệt/thân/ý) + sáu ngoại xứ (sắc/thanh/hương/vị/xúc/pháp))
Hoặc; -> Mười tám giới (nhãn giới/sắc cảnh giới/nhãn thức giới; nhĩ giới/thanh cảnh giới/nhĩ thức giới….ý giới/pháp cảnh giới/ý thức giới)…vv
Hoặc; -> Danh và sắc. Theo Abhidhamma, sắc uẩn (rūpa ∙kkhandha) tương ứng với 28 loại sắc chơn đế theo 11 khía cạnh (quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô, tế, cao thượng, hạ liệt, xa và gần)
Thọ, tưởng, hành, thức tương ứng với danh uẩn (nāma∙kkhandha) gồm 81 loại tâm (trừ 8 tâm siêu thế) và 52 loại tâm sở (cetasika) cùng phối hợp với chúng theo 11 khía cạnh.
Và có lúc, Ngài rút gọn tất cả chúng thành “các Hành (Saṅkhāra)”.
Tuy khác nhau về cách phân loại, song, tất cả chúng đều là một: Thánh Đế về Khổ.
“Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ... Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ”
(Kinh Chuyển Pháp Luân)
Sự tập khởi của năm thủ uẩn hay Thánh Đế về Nguồn Gốc của Khổ được Đức Phật giải thích trong ‘Kinh Sở Y Xứ (Tăng Chi Bộ)’:
“[1] Do duyên vô minh, hành sanh; [2] Do duyên hành, thức sanh; [3] Do duyên thức, danh-sắc sanh; [4] Do duyên danh-sắc, lục nhập sanh;[5] Do duyên lục nhập, xúc sanh ; [6] Do duyên xúc, thọ sanh; [7] Do duyên thọ, ái sanh; [8] Do duyên ái, thủ sanh; [9] Do duyên thủ, hữu sanh; [10] Do duyên hữu, sanh sanh ; [11] Do duyên sanh, [12] già & chết, sầu , bi, khổ, ưu và não sanh. Đây là nguồn gốc của toàn bộ khổ uẩn này. Như vậy, này các Tỳ-khưu, đây được gọi là Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ.”
Thánh Đế về Khổ (năm thủ uẩn) và Thánh Đế về Nguồn Gốc của Khổ (sự tập khởi của năm thủ uẩn) là hai đối tượng chính yếu của minh sát thực thụ. Với mục đích đoạn diệt các lậu hoặc, theo lời Đức Phật, vị ấy phải biết & thấy được chúng.
Ví như một người luôn hết mực yêu thương chồng hoặc vợ. Khi phát hiện người chồng hoặc vợ mình có bản chất xấu xa, đầy bất tịnh, giả dối, không chung thủy, và thường đem đến sự tai hại cho mình, lúc ấy, sự luyến ái cũng theo đó mà lụi tàn. Nhàm chán và mong muốn được xả ly khởi lên nơi người ấy.
Cũng vậy, khi biết & thấy rõ bản chất thật sự của năm thủ uẩn là vô thường, khổ và vô ngã bằng minh sát trí, nhàm chán & ly tham sẽ khởi lên nơi vị ấy. Do nhàm chán & ly tham, vị ấy được giải thoát.
“Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, người biết và thấy như thật, nhàm chán và ly tham. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, người nhàm chán, ly tham, chứng ngộ giải thoát tri kiến.” (Phẩm Lợi Ích- Tăng Chi Bộ)
Biết & thấy như thật bản chất năm thủ uẩn tương ứng với minh hay vô minh diệt. Nhàm chán và ly tham tương ứng với sự diệt trừ tham ái. Do vô minh diệt dẫn đến ái diệt,với sự liên hệ này, Đức Phật muốn nói đến pháp duyên khởi chiều nghịch (paṭiloma) hay Thánh Đế về Khổ Diệt:
“ [1] Do vô minh diệt , các hành diệt ;[2] Do hành diệt, thức diệt;[3] Do thức diệt, danh∙sắc diệt; [4] Do danh∙sắc diệt, lục nhập diệt; [5] Do lục nhập diệt, xúc diệt; [6] Do xúc diệt, thọ diệt ;[7] Do thọ diệt, ái diệt;[8] Do ái diệt, thủ diệt; [9] Do thủ diệt, hữu diệt; [10] Do hữu diệt, sanh diệt;[11] Do sanh diệt; [12] già, chết, sầu, bi, khổ, ưu ,não diệt . Đây là sự diệt của toàn bộ khổ uẩn này.Như vậy, này các Tỳ-khưu, được gọi là Thánh Đế về Khổ Diệt.” (Kinh Sở Y Xứ)
Thánh Đế về Khổ Diệt hay sự đoạn diệt năm thủ uẩn chính là Niết Bàn, đối tượng tối hậu thứ ba của Biết & Thấy được đề cập trong ‘Kinh Upanisa’ .
Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) cũng đã trình bày tương tự trong “Đại Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (MN 028)”:
“Những pháp này do duyên khởi lên chính là năm thủ uẩn. Sự tham dục, chấp trước, tham đắm, mê say trong năm thủ uẩn này tức là khổ tập; sự nhiếp phục tham dục, sự từ bỏ tham dục tức là sự khổ diệt".
IV/ Ý NGHĨA CỦA BIẾT & THẤY
Đối với người biết & thấy Thánh Đế về Khổ Diệt, vị ấy cũng biết & thấy Thánh Đế về Đạo Khổ Diệt tức Bát Thánh Đạo hay Thánh Đạo Tám Ngành (Ariya Aṭṭh∙Aṅgika Magga).
Bộ ‘Abhidhammattha Saṅgaha’ có giải thích về tám chi của Thánh Đạo chính là tám loại tâm sở đồng sanh trong tiến trình tâm siêu thế có đối tượng là Niết Bàn (Thánh Đế về Khổ Diệt), gồm: tâm sở trí tuệ (Chánh kiến); tâm sở tầm (Chánh tư duy); ba tâm sở tiết chế (virati) thuộc Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng; tâm sở niệm (Chánh Niệm); tâm sở nhất tâm (Chánh Định).
Theo Tiểu Kinh Phương Quảng (Trung Bộ), Thánh Đạo Tám Ngành tương ứng với ba uẩn:
1) Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng tương ứng với giới uẩn (sīla∙kkhandha).
2) Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định tương ứng với định uẩn (samādhi∙kkhandha).
3) Chánh Kiến, Chánh Tư Duy tương ứng với tuệ uẩn (paññā∙kkhandha).
Lại nữa, Sớ Giải Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya Ṭīkā) & Sớ Giải Tương Ưng Bộ Kinh (Saṁyutta Nikāya Ṭīkā) có giải thích:
“Các niệm xứ chính là minh sát, các giác chi được trộn lẫn giữa định, minh sát và Đạo (samattha∙vipassanā∙magga∙vasena missakā).”
Do vậy, biết & thấy theo lời dạy của Đức Phật tương ứng với đạo lộ (magga) giải thoát có sự kết hợp của thiền định (samattha) và thiền minh sát (vipassanā).
Đối với sự kết hợp này, Bộ ‘Abhidhammattha Saṅgaha’ có trình bày như sau:
“Khi được tâm Ðịnh (Samādhi) thanh lọc, Paññā đảm nhiệm vai trò danh dự của Abhiññā (thắng trí).”
Phần giải thích này tương ứng với lời dạy của Đức Phật trong “Đại Kinh Sáu Xứ (MN 149)”:
“Katame ca bhikkhave (Và này các Tỷ-kheo), dhammā abhiññā bhāvetabbā (thế nào là các pháp cần phải tu tập với thắng trí)?Samatho ca vipassanā ca (Định và minh sát)”
Cũng trong bài kinh này, do thắng trí, vị ấy mới có thể biết & thấy đầy đủ (liễu tri) năm thủ uẩn, đoạn tận vô minh & hữu ái, chứng ngộ minh & giải thoát. Tất cả đều do thắng trí (Abhiññā), hay nói cách khác, do năng lực của tuệ (minh sát) có định làm nền tảng.
Biết & thấy cũng là đạo lộ tròn đủ của giới, định và tuệ, được Đức Phật xếp vào một trong phẩm chất tất yếu của bậc giác ngộ:
“Thế Tôn, Bậc biết và thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác…”
(Bhagavatā jānatā passatā Arahatā Sammāsambuddhena_ (Cūḷasīhanādasuttaṃ/MN 11 ) - The Blessed One who knows and sees, accomplished and fully enlightened”_translated by Thanissaro Bhikkhu).
V/ TRÌNH TỰ BIẾT & THẤY
Nếu hệ thống lại những cơ sở trình bày trên, ta có sự nhất quán như sau:
Do duyên thiền định, năm triền cái được đoạn trừ. Do duyên năm triền cái đoạn trừ, bốn niệm xứ (minh sát) được tu tập. Do duyên bốn niệm xứ (minh sát), bảy giác chi viên mãn. Do duyên bảy giác chi, biết & thấy như thật. Do duyên biết & thấy, nhàm chán & ly tham. Do duyên nhàm chán, ly tham, vị ấy được giải thoát!
Như vậy, khởi điểm của đạo lộ giải thoát phải có định hay tâm thanh tịnh.
Đối với sự tu tập định, vị ấy phải biết rõ đối tượng của nó: tịnh chỉ tướng hay bất loạn tướng .
“Này các Tỷ-kheo, có tịnh chỉ tướng (samatha nimittaṃ), bất loạn tướng (byagga nimittaṃ). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay định giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.”
(Món Ăn Cho Các Giác Chi /Tương Ưng Bộ)
Bộ ‘Abhidhammattha Saṅgaha’ giải thích về tướng (Nimitta) của thiền định (Samatha) như sau:
“đối tượng cho cận định (Upacāra) và định an chỉ (Appanā Bhāvanā) chính là ‘Paṭibhāga nimitta’, tợ tướng hay hình ảnh khái niệm”
Paṭibhāga nimitta thuộc nghĩa chế định (aṭṭhapaññatti) vốn chỉ được BIẾT bằng ý môn mà thôi, không ở bất cứ căn môn nào khác (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân). Tâm nhận thức thuộc tiến trình ngũ môn có năm đối tượng tương ứng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) không thể đạt được định thâm sâu. Hướng tâm (tầm) & duy trì (tứ) cái “BIẾT” trên đối tượng (do tưởng đã kinh nghiệm) liên tục tạo thành sự định tâm.
“Cái gì là định có tầm, có tứ, này các Tỷ-kheo, cái ấy là định giác chi. Cái gì là định không tầm, không tứ, cái ấy là định giác chi.” (Tương Ưng Gíac Chi)
Định có tầm, có tứ, tương ứng với mức độ định sơ khởi thuộc sát-na định, cận định và an chỉ định sơ thiền. Định không tầm, không tứ, chính là ba bậc thiền còn lại sau sơ thiền.
Đó là lý do vì sao Bộ Phân Tích (VIBHAṄGA) có đề cập đến Chánh Định để giải thích về định giác chi.
Kế đến, “sau khi đã đắc định, vị tỳ khưu sẽ tuệ tri các pháp như chúng thực sự là” (Samādhi sutta)
Ví như, không có ánh sáng, người ta không thể thấy được đối tượng xung quanh và phân biệt chúng. Cũng vậy, không có ánh sáng của định, không một ai dù theo cổ xe thuần quán có thể thấy được đối tượng minh sát đúng với bản thể của chúng. Bởi “không có tuệ quán nào xảy ra mà không có sát-na định” (Nahi khanikasamādhim vinā vipassanā sambhavati ( Vism. T. 1:11))
Lại nữa, không có tâm sở nhất tâm thuộc Chánh Định, tiến trình tâm Đạo siêu thế (Thánh Đạo Tám Ngành) không thể xảy ra.
Đó là lý do vì sao, “biết” nên được hiểu theo nghĩa “định” của tâm thanh tịnh. Và “thấy” nên được hiểu theo nghĩa “minh sát” của thắng trí. Do đó, trình tự biết & thấy có ý nghĩa sau cùng tương ứng với trình tự thiền định & thiền minh sát (điều kiện khởi sanh thắng trí), và cũng là trình tự của giới, định và tuệ.
“Này các Tỳ-khưu, Ta nói sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết và thấy, không phải cho người không biết và không thấy.”
(Monks, the ending of the fermentations is for one who knows & sees, I tell you, not for one who does not know & does not see_ translated by Thanissaro Bhikkhu)
(Jānato ahaṃ bhikkhave passato āsavānaṃ khayaṃ vadāmi, no ajānato no apassato.)
‘Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc (MN2)’.
Pháp Quang
https://www.facebook.com/chanhphapvasuthat/photos/a.160127797517048/909330249263462/?type=3&theater
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét