Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

THIÊN NHIÊN TRONG KINH PHẬT

1. Hoa 
Kinh Pháp Cú có cả một phẩm gọi là Phẩm Hoa trong đó có các câu vừa gần với đời sống vừa bao hàm triết lý đạo đức qua dụ ngôn bằng các loài hoa thật tuyệt vời. Các kinh khác thì (ta) gặp loài hoa Mạn Đà La, hoa Ưu Đàm, hoa Chiên Đàn, hoa Sen vàng, Sen xanh, Sen đỏ, Sen trắng (Kinh A Di Đà). Một bộ kinh siêu việt cả về nội dung triết lý lẫn văn chương đã mang tên loài hoa sen, là bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh...

2. Trái (Quả) 
Trái được Phật lấy làm dụ ngôn để dạy đệ tử. Kinh Pháp Cú có câu: "Trái hồ lô (tức là trái bầu của ta) về mùa thu thì rụng, thân này cũng vậy, rốt cuộc chỉ còn một đống xương màu lông hạt, rõ thật chẳng có gì vui" (149 phẩm Già). Trong hai đoạn kệ cuối 108 vấn đề của Bồ tát Đại Huệ hỏi đức Phật ở kinh Lăng Già có nói đến các loại quả ở rừng Thi La có hình thù kỳ quặc và loại quả Ha-lê-a-ma-lặc…

3. Cây 
Cây được Phật lấy làm ví dụ để hỏi các vị Tỳ kheo thì cũng nhiều. Ngoài cây Bồ đề nổi danh vừa thực lại vừa làm dụ ngôn để chỉ giáo pháp giác ngộ, Phật có nói đến cây Ma-la-phạm. Cây này được Phật viện dẫn để dụ cho sự phá giới làm hại đời tu hành bởi vì Ma-la-phạm là một loại cây dây leo như bìm bìm thường leo quấn quanh cây Sa la một loại cây lừng danh trong kinh Phật. Lại thấy có nói đến cây Kattha một loại cây lau, hễ ra hoa, kết trái rồi là chết...

4. Động vật 
Động vật nhỏ như vi trùng trong câu chuyện bát nước uống, cho đến muỗi mòng (Kinh Viên giác), đến con rắn, con chuột, đến động vật lớn thường nuôi như con heo (Pháp Cú câu 325), con la (câu 322), con bò (câu 284), con trâu (Kinh 42 chương). Đến như thú hoang trong rừng rậm hoặc ngoài bãi biển cũng đã được Phật lấy làm ví dụ trong các thời Pháp của Ngài. Như rùa trong câu chuyện con rùa mù; nai trong Kinh Lăng già, ví dụ bầy nai khát nước; voi trong kinh Pháp Cú có phẩm gọi là phẩm Voi...

5. Kim loại 
Vàng, bạc, các thứ ngọc quí như lưu ly, xa cừ, mã não,... đều nói đến trong kinh A Di Đà. Kinh Viên Giác nói đến việc lọc quặng vàng để lấy vàng ròng dụ ngôn cho Phật tánh trong tâm chúng sanh. Nhất là nói đến kim cương một thứ quí nhất trần gian, vì cái ánh sáng óng ánh kỳ diệu của nó và nhất là nó cứng không gì địch nổi, nhưng nó lại cắt được chất thủy tinh không để chất này tự nứt vỡ tùy tiện. Một bộ kinh thượng thừa, nhờ đó mà Lục Tổ Huệ Năng đắc đạo, đã mang tên chất kim cương này. Đó là bộ Kinh Kim Cương.

6. Hiện tượng thiên nhiên
Những hiện tượng thiên nhiên như bầu trời, trăng sao, mây, gió, ban ngày, ban đêm đều được Phật dùng để dụ ngôn nói pháp cho đệ tử. Nhất là mặt trăng. Phật đã nói: “Giáo pháp của ta như ngón tay chỉ mặt trăng, chớ lầm ngón tay là mặt trăng”. Trong Pháp Cú câu 382, Phật đã dùng mặt trăng ra khỏi mây mù để dụ cho vị Tỳ kheo trẻ tuổi mà siêng tu giáo pháp Phật đà. Trên mặt đất thì sông, suối, lạch ao, hồ, đầm, núi, tuyết, đá cát đã được Phật nói đến rất nhiều lần. Nhất là “cát sông Hằng” là dụ ngôn quá quen thuộc với hàng Phật tử: "nhiều như cát sông Hằng".

7. Kết
“Này A Nan cùng tột tầm mắt thấy của ông ngó lên thì thấy mặt trời, mặt trăng, đó là vật chứ không phải là ông, xem rộng ra, núi sông, cây cối, cỏ hoa, người, thú, cho đến gió, bụi, chim chóc cũng đều là vật chứ không phải là ông” (Kinh Thủ Lăng Nghiêm). Đây là một trong bảy lần Phật viện dẫn môi trường thiên nhiên quanh ông A Nan để phá tan cái tâm lầm chấp của ông A Nan.

Không có nhận xét nào: