Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

BÁT CHÁNH ĐẠO LÀ NGUYÊN LÝ KHÔNG THỂ THAY ĐỔI

Nếu bất kỳ ai có niềm tin về Bát Chánh Đạo, rồi tìm hiểu, nghiên cứu đúng Bát Chánh Đạo của Đức Phật Thích Ca thì chắc chắn chúng ta không bao giờ tu hành lạc lối.

Không thể bất kỳ ai có quyền lấy Tứ Diệu Đế hay Bát Chánh Đạo mà nói là của mình. Vì đây là nguyên lý chỉ có duy nhất Đức Phật là người tìm ra, rồi triển khai ra. Chúng ta có quyền diễn giải theo ý mình nhưng cũng phải lấy nội dung gốc của những gì Đức Phật để lại. Ở đây Đức Phật không có bắt tội hay trừng phạt chúng ta gì cả, mà hành động diễn giải Bát Chánh Đạo của chúng ta sai thì là nhân sai, chắc chắn sẽ cho kết quả sai và đem lại nhiều người tu tập theo sai. Đây mới là hậu quả nghiêm trọng cho việc diễn giải sai kinh Phật.

Chúng ta hãy đọc Bát Chánh Đạo gốc mà Đức Phật viết ra để mà so sánh với các Bát Chánh Đạo mà nhiều người diễn giải:

"Bát Chánh Đạo là Pháp Thừa (Dhammayana):

"Này Ananda, Con Đường Tám Chánh nầy là đồng nghĩa với cỗ xe tối thượng, là cỗ xe Pháp, là sự chiến thắng vô thượng trong mọi chiến trận nhiếp phục tham, sân, si."

Định nghĩa về tám chi phần:

"Này các vị tỳ kheo, thế nào là chánh tri kiến? Đó là sự thông hiểu về khổ, sự thông hiểu về nguyên nhân của khổ, sự thông hiểu về sự diệt khổ, và sự thông hiểu về con đường diệt khổ.

Thế nào là chánh tư duy? Đó là tư duy về sự xuất ly, tư duy về vô sân, tư duy về vô hại.

Thế nào là chánh ngữ? Đó là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm.

Thế nào chánh nghiệp? Đó là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ hành động tà dâm.

Thế nào là chánh mạng? Đó là đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng.

Thế nào là chánh tinh tấn? Đó là tinh tấn ngăn chận không cho khởi sanh các bất thiện pháp chưa sanh, tinh tấn trừ diệt các bất thiện pháp đã sanh, tinh tấn phát khởi các thiện pháp chưa sanh, và tinh tấn duy trì các thiện pháp đã sanh.

Thế nào là chánh niệm? Đó là sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán thọ trên thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời.

Thế nào là chánh định? Đó là ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền-na thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ; rồi làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú vào Thiền-na thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm; rồi ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú vào Thiền-na thứ ba; rồi xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào Thiền-na thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh."

Tương Ưng Bộ Kinh - Đại Tạng Kinh Nikaya.
Kính ghi: Long Nguyen

Không có nhận xét nào: