Niệm Phật hay Tham thiền (tham câu thoại đầu phát sanh nghi tình) nếu công phu đến "vô niệm" thì tự tâm chuyển sang con đường Mật đạo mà không hề tác ý (muốn hay không muốn tu mật).
Niệm Phật (tâm niệm) giúp nhiếp tâm, tịnh hóa nghiệp chướng, trưởng dưỡng tâm Bồ Đề. Tham thiền đốn siêu thức - biết thế gian (kiến văn giác tri), trực chỉ chơn tâm bổn tánh. Mật chú là mật ngôn mật hạnh của chư Phật, từ tâm Mật vô lượng mà thành nên kẻ phàm phu chẳng thể nào diễn hiểu, ngôn từ chẳng thể nào thuyết tận, diệu dụng trong việc tịnh hóa nghiệp lực, khai ngộ chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới là vô lượng vô biên. Niệm Phật, Tham thiền, Trì chú đến khi thuần thục, đạt "vô niệm" thì Thiền, Tịnh, Mật đều quy về một cội tánh Chơn Như, tức tánh Phật của chính mình. Đến đây, trong Tịnh có Thiền-Mật, trong Thiền có Tịnh-Mật, trong Mật có Tịnh-Thiền… Tuy ba nhưng không khác, trở về bổn Tánh Không nên “Pháp tức Vô pháp”. Thế nên cổ nhân nói: “Vô pháp khả đắc, Vô pháp khả thuyết”, bởi còn có Pháp để đắc, còn Pháp để thuyết sao?
Nên nhớ Tịnh, Thiền hay Mật chỉ khi công phu đạt đến “vô niệm” thì đi, đứng, nằm, ngồi mới an trụ nơi bổn Tánh Chơn Như. Lúc ấy niệm như không niệm, không niệm mà niệm (niệm khởi từ chơn tâm); thiền như không thiền; tu như không tu; an nhiên tự tại tùy duyên hóa độ chúng sanh nhưng tâm hằng nhất như chẳng đắm nhiễm nơi trần cấu. Còn chưa đến thì ngồi công phu vẫn có hiệu quả tốt nhất vì dễ nhiếp tâm.
Đừng nhầm lẫn “Vô niệm” với “Vô ký không”:
- Để đạt VÔ NIỆM, hành giả khi dụng công tọa thiền phải nương nhờ nơi câu niệm Phật hay câu thoại đầu để thu nhiếp và tịnh hóa vọng niệm, kiến-văn-giác-tri (chướng), thức nghiệp nhiều đời khởi tưởng trong tâm. Khi công phu chuyên nhất thì trong tâm chỉ còn “duy nhất” câu niệm Phật miên mật không ngừng hay câu thoại đầu đề khởi không gián đoạn, tuyệt không còn bất kỳ vọng niệm nào xen tạp. Đây còn gọi là “nhất tâm bất loạn”, tức tâm đã được thu nhiếp chỉ còn trụ duy nhất nơi câu niệm Phật hay câu thoại đầu mà thôi, mọi vọng nghiệp đã được tịnh hóa không còn khởi tưởng. Cứ như thế mà nhẫn lực tinh tấn công phu, đến khi công hạnh tròn đầy thì CÂU NIỆM PHẬT HAY CÂU THOẠI ĐẦU “TỰ MẤT” dù hành giả vẫn đang trì niệm hay khán nghi. Nói rõ hơn, hành giả muốn khởi câu niệm Phật hay câu thoại đầu thì cũng không còn khởi niệm được nữa, nên gọi là “VÔ NIỆM”. Nhìn lại cả quá trình ta sẽ thấy rõ rằng: trước tiên dùng chánh niệm (câu niệm Phật hay câu thoại đầu) để thu nhiếp vọng tâm; khi vọng niệm (nghiệp) được tịnh hóa sẽ đạt “nhất tâm”, tức tâm chỉ còn trụ duy nhất nơi chánh niệm; sau cùng chánh niệm cũng “tự mất”, tâm chẳng thể khởi lên được nữa, đạt cảnh giới VÔ NIỆM. Đúng như lời Phật dạy: “Pháp Phật còn buông bỏ, hà huống Phi Pháp”. Do đó, VÔ NIỆM tức VÔ TRỤ, hành giả đến đây đã tự kiến tánh Phật của chính mình (gọi là Kiến Tánh).
- VÔ KÝ KHÔNG là tự thả cho tâm trống không, không nghĩ không nghi, trơ trơ như gỗ đá trước mọi sự. Mặc dù cảm thấy êm dịu, yên tịnh, không lao nhọc gì nhưng đó là thiền bệnh. Mọi người cần thận trọng, kẻo lầm lạc.
Tùy căn tánh và sức công phu của mỗi người mà liễu tri có sâu cạn. Vạn pháp sai khác (trong mắt phàm phu) nhưng khi tu đúng đường, đến “vô niệm” thì là “vô Pháp” (trong mắt bậc kiến tánh). Thế nên chớ sanh tâm phân biệt, ngã tướng hơn thua nơi các Pháp khi tu Phật.
Chúc tất cả tỉnh tâm tu Phật!
DIỆU nam mô A Di Đà Phật _()_
Tu Phật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét