Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Truyện Kiều đã bị hậu nhân làm méo mó ra sao?

Từ khi ra đời tới nay, "Truyện Kiều" đã trở thành tác phẩm văn học thẩm thấu vào tâm trí người Việt với biết bao dạng thức như ngâm Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều… "Truyện Kiều" cũng là một tác phẩm văn học kiệt xuất của dân tộc Việt Nam trên diễn đàn văn hóa thế giới. Bản thân tác giả của "Truyện Kiều" là đại thi hào Nguyễn Du cũng trở thành Danh nhân văn hóa Thế giới. Thế nhưng, nhiều ý nghĩa của tác phẩm này đã bị hậu thế hiểu sai đi hoặc làm "méo mó". Cách đây gần trăm năm, Phạm Quỳnh, cố học giả, nhà báo, nhà văn, đã viết: ""Truyện Kiều" còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn…". Nếu hậu nhân cứ theo ý mình làm "méo mó" "Truyện Kiều" thì không biết văn hóa nước ta sẽ trông vào đâu để định hình? 
HẬU NHÂN LÀM MÉO MÓ TRUYỆN KIỀU

Vua Tự Đức "sửa" "Truyện Kiều"
Nhiều tài liệu viết rằng, sau khi Nguyễn Du viết xong "Truyện Kiều", những bạn hữu của ông đọc rồi đem khắc bản gỗ và bán tại các cửa hàng sách. Sau đó, người ta thêm, bớt, sửa chữa và lại đem khắc in. Chẳng hạn, trong bài Tựa quyển "Đoạn Trường Tân Thanh" (tên Nguyễn Du đặt cho "Truyện Kiều"), ông Đào Nguyên Phổ, một vị quan nhà Nguyễn có viết rằng: "Mùa hè năm Mậu Tuất 1898, tôi ở Kinh về vinh quy, có đem quyển "Truyện Kiều" ấy biếu ông Kiều Oánh Mậu.
Ông Kiều Oánh Mậu đã theo bản Kinh ấy mà tham khảo, chép theo một số chữ và còn ghi thêm những câu của bản Kinh khác với bản Phường…". Vị quan họ Đào này viết tiếp: "Truyện giai nhân diễn thành giai tác, lại đượm hương trời càng là thêm vẻ, nên chi người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, tranh nhau sao chép đến nỗi giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô". Như vậy, "Truyện Kiều" đã không còn nguyên bản như Nguyễn Du viết. Bởi ngoài nguyên bản của Nguyễn Du còn có bản Phường của Phạm Quý Thích, bản Kinh do vua Tự Đức sửa chữa mà thành và nhiều bản quốc ngữ khác nhau.
Vua Tự Đức "mê" "Truyện Kiều". Điều này đã được dân gian ví von: Mê gì? Mê đánh tổ tôm/Mê ngựa hộ bổn, mê nôm Thúy Kiều. Và tuy là người hay bắt bẻ nhưng đọc "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, Tự Đức cũng phải công nhận đúng là "hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu". Có giai thoại rằng, sau khi đọc "Truyện Kiều", vua Tự Đức bỗng dưng đùng đùng nổi giận: "Nếu Tố Như (tên tự của Nguyễn Du) mà còn sống, phải nọc nằm xuống đánh cho 30 roi!". Bởi khi viết về Từ Hải, Nguyễn Du đã viết: "Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!", đó là hình ảnh của Nguyễn Huệ ngày xưa trong liên tưởng của Tự Đức. Bởi qua thơ, vua Tự Đức thường xét lập trường chính trị của tác giả.
Còn một điều nữa là vua Tự Đức tên là Nguyễn Phúc Thì. Nhưng trong "Truyện Kiều" chỗ nào có chữ "Thì" thường là xấu xa bỉ ổi: "Khi thì lừa đảo, nơi thì ai thương?" (2.291), "Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng" (1.729), "Thôi đà mắc lận thì thôi đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh" (1.157). Đặc biệt, câu: "Thì con người ấy ai cầu làm chi" đã được ngắt thành: "Thì/con người ấy/ai cầu làm chi" và được hiểu theo nghĩa: "Một con người như Tự Đức thì chẳng ai cầu làm gì!". Như vậy là Nguyễn Du đã mắc vào tội vừa phạm huý, vừa phạm thượng, một tội rất nặng trong chế độ phong kiến! Cũng may là Nguyễn Du đã mất và vua Tự Đức cũng cảm phục tài ông nên chỉ tức giận vài câu mà thôi.

Kiều thành Phật Bà nghìn tay nghìn mắt (?!)
Chắc chúng ta vẫn còn nhớ về vở kịch "Nguyễn Du với Kiều" do NSND Lan Hương làm đạo diễn và dàn dựng được công diễn lần đầu vào tháng 2-2012. Nếu như nhiều sự sáng tạo và đột phá của vở kịch "Nguyễn Du với Kiều" được khán giả đón nhận thì cái kết của nó với hình ảnh nàng Thúy Kiều hóa thân thành Phật bà nghìn mắt nghìn tay đã khiến dư luận tỏ ra không đồng tình.
Trả lời báo chí, NSND Lan Hương cũng đã khẳng định: "Tôi sẽ không thay đổi hình ảnh Phật bà nghìn tay nghìn mắt dù dư luận có nhiều phản đối". Lý do của NSND Lan Hương đưa ra là: "Kiều là người kiếp này tu và kiếp sau sẽ tu tiếp. Ý tứ tôi đưa ra chỉ muốn nói Kiều sẽ đi lên trong vòng tay che chở của đức Phật bởi ngài là người hiểu thấu trái tim nhân hậu, trong sáng và quá đỗi nhân ái của Kiều". Rõ ràng, câu trả lời của NSND Lan Hương vẫn không đủ sức để thuyết phục dư luận.
Việc Thúy Kiều được thành Phật bà là một điều không thể xảy ra. Đọc kỹ đoạn kết "Truyện Kiều" chúng ta sẽ thấy rõ hơn về điều này. Thứ nhất, đến cuối cùng Kiều vẫn chưa thoát khỏi phong trần. Bởi câu 3243 - 3244 của "Truyện Kiều" cũng là: "Bắt phong trần phải phong trần/Cho thanh cao mới được phần thanh cao". Như vậy, chuyện phong trần của Kiều đến cuối cùng vẫn được đại thi hào Nguyễn Du nhắc đến như một "điểm nhấn". Và Vương Thúy Kiều đến cuối cùng vẫn phải sống ở chốn hồng trần, vẫn phải kết hôn với Kim Trọng chứ không thể "thanh y" để trở thành Phật được.
Thứ hai, Thúy Kiều cũng không thể cưỡng lại dục vọng với Kim Trọng. Bởi lẽ thường con người phong trần như Kiều không thể cưỡng lại được dục vọng trong tình yêu, nhất là sau khi Kiều đã 15 năm lưu lạc và Kim Trọng vẫn thủy chung chờ đợi và tìm kiếm nàng. Và dù trong đêm tân hôn, Thúy Kiều có xin đổi duyên "cầm sắt" (vợ chồng) với Kim Trọng thành duyên "cầm kỳ" (tri kỷ) thì cũng không ai có thể khẳng định cái duyên "cầm kỳ" ấy lại chiếm vị thế độc tôn mãi mãi trong cuộc sống vợ chồng giữa hai con người trần gian xác thịt.
Cuối cùng, kể cả đại thi hào Nguyễn Du cũng không muốn Thúy Kiều trở thành tiên thành Phật. Trong câu kế cuối của "Truyện Kiều", Nguyễn Du đã viết rằng: "Thiện tâm ở tại lòng ta". Như vậy Nguyễn Du có muốn Kiều thành Phật đâu!

Chữ "Trinh" bị hậu thế hiểu sai
Đề thi của Đại học FPT ngày 8-4-2012 có nội dung để thí sinh bàn về chữ "Trinh" xưa và nay với những câu trong "Truyện Kiều" làm dẫn chứng. Tuy nhiên, sự khập khiễng về logic đã khiến đề thi trở thành câu chuyện "lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia" và "đầu voi, đuôi chuột" khá khôi hài. Bởi lẽ chữ "Trinh" trong "Truyện Kiều" không phải là việc "Ngày xưa, nếu cô dâu bị mất trinh thì coi như mất hết, hôn nhân đổ vỡ, người vợ bị đem trả lại" như người ra đề khẳng định.
Cá nhân người viết cũng "thông cảm" cho người ra đề. Bởi cách hiểu của người ra đề được đặt trong bối cảnh xã hội và dân gian còn nặng cách hiểu một chiều. Như: "Gái khôn tránh khỏi đò đưa/ Trai khôn tránh khỏi vợ thừa người ta!".
Nhưng chữ "Trinh" của "Truyện Kiều" lại là quan niệm riêng của tác giả Nguyễn Du thông qua sự bày tỏ quan điểm của hệ thống nhân vật của kiệt tác này. Đặc biệt là quan điểm của hai nhân vật Thúy Kiều và Kim Trọng. Với Thúy Kiều, lúc yêu Kim Trọng, nàng đã dám trèo tường sang để gặp người yêu nhưng vẫn:
"Thưa rằng đừng lấy làm chơi,
Đã cho vào bậc Bố-kinh,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.
Ra tuồng trên Bộc trong dâu,
Thì con người ấy ai cầu làm chi!"
(câu 499-508)
Sau này, mặc dù bị sa vào chốn bùn nhơ nhưng cuộc đời đó không do ý muốn của Thúy Kiều. Mục đích của Kiều bán mình chuộc cha là để làm vợ Mã Giám Sinh chứ không phải vì tiền bạc bán mình vào chốn lầu xanh. Nếu hiểu sâu xa và nhận xét một cách từ bi quảng đại, thì cái tiết hạnh về lĩnh vực tinh thần hay đạo lý của nàng đối với Kim Trọng không bị tổn thương. Và khi trở về với gia đình sau 15 năm lưu lạc hồng trần thì món quà tiết hạnh cao quý còn lại mà nàng muốn dâng hiến cho Kim Trọng để chu toàn cho cả hai lại là chữ "Hiếu" và chữ "Tình".
Như vậy, thi hào Nguyễn Du, qua vai trò Kim Trọng, một đại diện điển hình của chế độ phụ quyền phong kiến (nho sĩ, quan lại) đã làm một cuộc cách mạng về tư tưởng và đem lại giá trị sống cho phụ nữ, không còn xem việc trai tơ lấy gái mất "cái màng trinh" là xấu nữa.
Người xưa từng nói "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng". Vì thân xác hay vật chất có thể tan đi, nhưng danh tiết vẫn còn. Chữ "Trinh" của người xưa vì thế cũng không hẳn là còn trinh theo nghĩa xác thịt như Đại học FPT đã nhầm lẫn trong đề Văn ngày 8-4-2012.

"Truyện Kiều" còn, tiếng ta còn…"
Thời gian gần đây, chuyện ông Đỗ Minh Xuân, một kỹ sư, đã sửa hơn 1.000 chỗ trong 3.254 câu "Truyện Kiều", nghĩa là đã làm méo mó đi 1/3 kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du đã khiến dư luận bàng hoàng! Lý do ông Xuân đưa ra là người đọc "Truyện Kiều" ngày nay có rào cản về điển tích, từ Hán, từ cổ, từ địa phương. Trong khi đó chữ nghĩa của "Truyện Kiều" lại rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh… nên ông sửa lại cho phù hợp (?).
Ngay những câu đầu tiên mở đầu của "Truyện Kiều" đã bị ông Đỗ Minh Xuân sửa thành "Trải qua mỗi cuộc bể dâu". Tiếp đó, chẳng hạn, câu: "Trộm nghe thơm nức hương lân/ Một nền Đồng Tước khóa Xuân hai Kiều" cũng được ông kỹ sư đổi thành "Trộm nghe thơm nức hương lân/ Buồng đào nơi tạm khóa Xuân hai Kiều". Có nghĩa là, đài Đồng Tước mà Tào Tháo kỳ công xây lên để mong cướp được nàng tuyệt thế mỹ nhân Đại Kiều và Tiểu Kiều - vợ của Tôn Sách và Chu Du - dưới ngòi bút của Nguyễn Du đã biến thành một cái buồng nhỏ nhoi và thô tục.
Không biết có phải là do ông Đỗ Minh Xuân muốn "nổi bật" tại cuộc hội thảo về "Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ "Truyện Kiều" đến phong trào Thơ mới" tổ chức vào ngày 15-12-2012 tại khu di tích Nguyễn Du, Hà Tĩnh không chứ "Truyện Kiều" đã trở thành "Thơ mới" mất rồi, có còn là tinh túy của đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa Thế giới nữa đâu?
Cách đây gần trăm năm, Phạm Quỳnh, cố học giả, nhà báo, nhà văn, đã viết: ""Truyện Kiều" còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn…". Nếu hậu nhân cứ theo ý mình làm "méo mó" "Truyện Kiều" thì không biết văn hóa nước ta sẽ trông vào đâu để định hình?

NGUYỄN VĂN TOÀN

Không có nhận xét nào: