Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

SỬ TRÌNH HÌNH THÀNH VĂN HÓA VIỆT

Theo huyền sử thì bờ cõi Việt là hai châu Kinh và Dương cũng gọi là Xích Quỷ (nước của Lộc Tục cha của Lạc Long Quân) tức miền châu thổ sông Dương Tử và Hoài Giang. Nhiều người cho đó là truyện biến ngôn chứ làm gì nước rộng đến thế.
Nhưng nếu xét kỹ thì đây mới là châu thổ nước Văn Lang, trước nữa còn một thời gọi là Viêm bang thì bờ cõi còn lan lên trên cả sông Lạc và sông Hoàng Hà. Thật quá bao la nhưng có thực và bài này muốn đặt lên đó một cái nhìn bao quát để cắm một hai mốc thời gian. Nhưng xin nói trước đây không là sử địa mà là mấy nét sơ sài phác họa lại khuôn mặt của cái nền văn hóa cổ sơ của Việt, cũng có thể gọi là của Tàu nữa, nhưng ban đầu Tàu chỉ có phần nhỏ còn phần căn bản là của Việt.

Ta hãy chia quá trình hình thành văn hóa này làm năm đoạn như sau:

Giai đoạn khởi đầu là Hoàng Việt hay Viêm Việt gồm khắp nước Tàu.
Giai đoạn hai là Hùng Việt của Văn Lang.
Giai đoạn ba là Bách Việt từ Giang tô, Chiết giang trở xuống.
Giai đoạn bốn là Nam Việt gồm lưỡng Việt (lưỡng Quảng).
Giai đoạn năm là Lạc Việt thu vào Bắc Việt. 

Sự phân chi này căn cứ trên những tên cổ sử, và những dữ kiện văn hóa nông nghiệp. Phải nhận ngay rằng sự phân chia này rất lỏng lẻo, cũng như tên gọi mỗi thời có thể khác. Nhưng xin tạm nhận để làm tiêu điểm mà tựa. Ta hãy lên sổ những dữ kiện của nền văn hóa đó:

                                         Việt                                      Tàu
         Về vật chất
                                  - Lúa ruộng nước                     - Ruộng khô
                                  - Đi thuyền                             - Đi ngựa
                                  - Có trống đồng                     - Trống da
                                  - Nhà sàn                             - Nhà hang
                                  - Ăn trầu                              - Không ăn trầu
                                  - Có cung và nỏ v.v…          - Có cung không nỏ.
         Về tinh thần
                                  - Huyền thoại lưỡng hợp            - 0
                                 - Địa vị đàn bà cao                   - Địa vị đàn bà thấp
                                 - Trọng bên tả                         - Trọng bên hữu
                                 - Vẽ mình v.v…                       - Không vẽ mình
                                 - Đeo lông chim khi múa             - Không đeo

Trên đây là những dữ kiện có để lại ấn tích trong cả khảo cổ, cổ sử lẫn dân tộc học và truyện tích… nên bám sát những dữ kiện đó là có được những tiêu chuẩn vững nhất. Những dữ kiện đó có thể chia hai loại, một thuộc môi sinh vật chất như lúa ruộng nước… Ta tóm vào lối viết chữ Việt cổ với bộ mễ gọi là Việt mễ. Loại hai thuộc tinh thần như huyền thoại có tính cách lưỡng hợp, ta tóm vào chữ Việt siêu: như vậy chữ Việt rất quan trọng vì nói lên nét đặc trưng văn hóa Việt hơn hết, đó là động tính hay nét song trùng. Các nhà khoa học gọi đó là nét lưỡng hợp (dual unit) và bảo là nét đặc trưng văn hóa của miền Đông Nam Á. Đây là nét quan trọng nền tảng sẽ trở nên mối đầu của Kinh Dịch và cũng là nền cho tên Việt siêu: tức là đi từ có tới không, từ sáng tới tối, từ rắn tới mềm… như sẽ bàn dài về sau. Ở đây chỉ ghi chú tên Việt có tính bao trùm và cao siêu nhất.

Bây giờ hãy lược qua các giai đoạn như đã tạm chia ở trên. Trước hết là giai đoạn sơ nguyên thì có những truyện Bàn Cổ, Toại Nhân, Hữu Sào… Đây là giai đoạn chấm phá ghi lại mấy nét lớn của văn hóa như tính tự lập tự cường trong Bàn Cổ. Toại Nhân chỉ giai đoạn phát minh ra việc dùng lửa. Còn Hữu Sào là giai đoạn biết làm nhà: trước hết là tổ trên cây, sau là nhà sàn. Cả ba trang huyền sử trên này sẽ lưu ảnh hưởng quyết liệt trên các giai đoạn sau: Bàn Cổ là nhân chủ tính. Toại Nhân là quẻ li đi với tên Viêm Bang. Hữu Sào đi với nhà sàn sau sẽ chi Tam tài… Toàn là những dữ kiện quan trọng trong văn hóa Việt. Ở đây hãy ghi nét đặc trưng là không có sáng thế ký kiểu thần thoại, mà chỉ là truyện những anh hùng văn hóa. Tôi gọi đó là nhân thoại. Nhân thoại là nét đặc trưng vĩ đại phân biệt với các nền văn hóa khác thường khởi đầu bằng thần thoại, nên không đạt nhân chủ tính như với nhân thoại.

Biết thế rồi bây giờ ta lược qua các giai đoạn sau:

* Giai đoạn nhất gọi là Hoàng Việt hay Viêm Việt. Đây là giai đoạn thờ mặt trời mà ấn tích còn sót lại là tên Xích Quỷ hiểu quỷ làm chủ, còn xích là tinh hoa của cái gì, đây là tinh hoa của thời thờ mặt trời. Cũng trong ý đó nước ta nhận quẻ li (lửa đỏ của mặt trời) cũng như chim chu tước (con trĩ đỏ), cùng trong liên hệ đó là tên “Thần châu xích huyện” mà sau Châu Diễn dùng để gọi nước Tàu. Vua ở giai đoạn này là Viêm Đế Thần Nông, cũng có tên là Liệt Sơn. Thời này chưa có gì gọi là Tàu hết. Nếu có thì cũng chỉ là dăm ba bộ lạc trong cả trăm cả ngàn bộ lạc khác. Nếu muốn nối Tàu vào thì phải gọi Thần Nôn là tổ chung của cả Việt lẫn Tàu. Chính trong ý đó mà nhà Hán khi mới lên ngôi cũng tự xưng Viêm Man, Viêm Hán và cũng tế Si Vưu. Si Vưu dòng dõi Thần Nông. Thần Nông cùng với Phục Hy Nữ Oa làm thành Tam Hoàng. Vì thế Si Vưu cũng cùng dòng máu với Viêm Việt hay Hoàng Việt (chỗ này sẽ bàn rộng trong bài phân tích máu Việt).

* Giai đoạn hai là Hùng Việt của Văn Lang quốc. Đây là giai đoạn thành lập văn hóa riêng của Việt. Trong sách “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền” có lời rằng “Vua Kinh Dương Vương vâng chỉ phụng mệnh trời về núi Nam Miên Sơn lập đô ở phía Hoan Châu thuộc Nghệ An xứ”. Trong câu trên nên chú ý đến chữ nghệ vừa nói về nguồn gốc văn hóa, vừa nói lên nét đặc trưng của văn hóa đó. Người miền Nam quen nói đạo nghệ, tức đặt phương trình giữa đạo và nghệ:

Nghệ = Đạo hay Đạo = Nghệ.

Phương trình này còn gặp thấy trong kinh Thư chương Vũ Cống, học giả Legge đã nhận xét chữ nghệ dùng như chữ đạo, như trong hai câu sau: câu 29, “Hoài Nghi kỹ nghệ” tr. 105, và câu 23 “Duy Tri Kỳ Đạo” tr.102 (dịch nghĩa: sông Hoài và sông Nghi đi theo đường của nó; câu 23: sông Duy và Tri cũng theo đường nó!). Theo cổ tự thì chữ nghệ viết như thập xéo X. Đó cũng là chữ ngũ X, mà ngũ hành cũng là đạo hoặc nói đạo Việt Nho tóm trong ngũ hành cũng vậy. Vì thế chữ nghệ phải làm nền tảng cho các chữ Văn (hán), hay Giao Chỉ (chữ hán) cả hai có bộ nghệ nằm dưới. Còn tượng linh là hình Nữ Oa Phục Hy quấn lấy đuôi nhau (đuôi ông giao (chỉ) với đuôi bà). Vì những ấn tích này thấy cả trong huyền thoại lẫn trong dân gian cũng như cổ thư, cổ tự… nên ta biết mấy phương trình trên kia không là tán tự, mà chính là những ẩn tích đích thực còn sót lại của loại chữ cổ gọi là “điểu tự”- chữ chân chin, còn hoàn toàn tượng hình, nên là những ấn tích rất quý. Vậy những ấn tích đó nói lên nét song trùng nguyên thủy của đạo Việt mà sau này các nhà khảo cổ gọi là lưỡng hợp (dual unit). Chính nét đó làm nên đặc trưng của Văn Lang quốc, tức là tổ quốc của văn hóa Việt. Văn hóa đó đã được thiết lập trong thời Hoàng Việt.



Thời này có thể chia 2. Một là Hồng Bàng Kỷ cũng gọi là Hoàng Việt, hai là thời Hùng Kỷ với tên Văn Lang. Nước Tàu theo huyền thoại khởi đầu với Hiên Viên thuộc giai đoạn này nhưng sau họ Hồng Bàng “182” năm, nên gọi là Đế Kỷ. Chữ đế chỉ ngũ đế là:

Đế Thiếu Hao
Đế Chuyên Húc
Đế Cốc
Đế Nghiêu
Đế Thuấn

Đó không là nhân vật lịch sử mà chỉ là những mẫu mực tiên thiên được sáng chế về sau theo cơ cấu Ngũ hành để tiếp nối với Tam hoàng ở giai đoạn khai nguyên thành ra “Tam hoàng ngũ đế”. Đế cũng có thể hàm ngụ nghĩa “chinh phục”, hiểu là Hoa tộc “chinh phục” Văn Lang của Việt tộc. Cuộc chinh phục này mở đầu bằng Đế Hiên Viên nhưng người ta hay gọi là Hoàng Đế. Chữ Hoàng nối với Tam hoàng còn đế nối với ngũ Đế. Đế mới là chính nên người ta quen nói Hiên Viên xuất hiện tự đế kỷ.

* Giai đoạn ba Bách Việt. Đây là giai đoạn mà truyền thuyết kể rằng: “Hoàng Đế chiến Si Vưu”… Tức Hoàng Việt bị Hoa tộc đẩy lùi bước đầu tiên. Dân Việt bắt đầu được gọi là Tam Miêu và Cửu Lê tức bằng số: số quan trọng nhất là 3 với luỹ nhân của nó là 9 (3*3=9) số 9= Cửu Lê là tên liên đoàn các dân thổ trước tức Việt, còn số 3 = Tam Miêu kể như bộ lạc chỉ huy tất cả. Từ đó sẽ nảy ra tên Bách Việt. Chữ Bách chỉ có nghĩa là nhiều, như Bách tính là nhiều họ, nhưng theo bầu khí văn hóa thì có thể hiểu theo cơ cấu là con số 100 của Hà Đồ (45) và Lạc Thư (55) cộng lại, cũng như Lạc Thư có nghĩa thông thường là sách của sông Lạc, nhưng theo đồng văn thì hiểu là sách của Lạc Việt (đây là tên đầu tiên gọi theo tên sông. Về sau nam tiến thì di cư tên này xuống Bắc Việt). Lạc Thư là hậu thân của Cửu Lạc, mà Cửu Lạc có họ Cửu với Cửu thiên huyền nữ, một tên khác của nữ thần mộc (hành mộc số 3) nên cũng là nữ thần của Tam Miêu và Cửu Lê. Đấy là ý chính của Bách Việt, còn nghĩa thông thường là nhiều thì xin kể ra ít tên:

Phía đông là:
Di Việt
Vùng Giang Tô
Điểu Việt
U Việt (Chiết Giang)
Dương Việt (Giang Tây)
Đông Việt (Quảng Đông cũng gọi là Nam Việt)
Lạc Việt (Bắc Việt)
Phía tây là:
Việt Thường (Trung Việt)
Tây Việt
Vân Nam
Âu Việt
Bộc Việt
Châu Kinh
Mân Việt

Mấy tên địa danh cũng như tên chi tộc chỉ nên hiểu cách hết sức co giãn chứ không có ý đặt bờ cõi ranh giới gì cả, chẳng qua là tạm dùng để mang theo vài ý niệm lơ mơ thôi. Vì thời gian gồm nhiều cuộc thiên di, nên không thể có bờ cõi rõ rệt. 

* Giai đoạn bốn Nam Việt. Chỉ còn lại có lưỡng Việt là 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây mà vua Quang Trung tính đòi lại. Giai đoạn này Việt đã mất thêm ba nước Ngô, Việt, và Sở cũng gọi là Kinh Man tức là Mân Việt, Bộc Việt… Đây là giai đoạn nửa thuộc huyền sử, nửa thuộc sử ký. Huyền sử thì như Hùng Vương với Thục Phán, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, còn sử thì như Triệu Đà với hai Bà Trưng… Đây là giai đoạn suy vi của Văn Lang quốc.

(Hình bản đồ nước Tàu về đời nhà Tần)

* Giai đoạn năm Lạc Việt. Thu gọn vào Bắc Việt và Trung Việt gồm cả Việt Thường. Đây là giai đoạn nam tiến cuối cùng, Bách Việt chỉ còn lại mảnh đất nhỏ là nước Việt Nam hiện nay gọi là Lạc Việt, xét như đại diện cho Bách Việt theo cả hai nghĩa chủng tộc và dân tộc. Chủng tộc thì là sự kết đúc của nhiều chi tộc như Môn Khmer, Thái, Mèo, Mường, Cổ Việt tức những người Sở, Ngô, Việt. Huyền sử tóm vào hai ngành là chim họ mẹ và rồng họ cha. Chim ở phía Tây như Mân Việt, Bộc Việt, Tây Việt, Việt Thường, còn rồng ở về phía đông như Lạc Việt đại diện cho cả U Việt, Đông Việt, Nam Việt… Về khảo cổ thì Đông có thể là di chỉ Long Sơn hay Thành tự Nhai với cái lịch thời danh. Còn phía Tây thì lấy Ngưỡng Thiều làm cứ. Hai đàng đổ xuống gặp nhau ở Bắc Việt để làm nên người Việt ngày nay. Đây là giai đoạn chung đúc các chi tộc lần cuối cùng. Trước kia đã có nhiều cuộc đúc rồi xảy ra ở miền Kinh Dương Vương và trên nữa là lúc Hoàng Đế đánh Si Vưu. Đó là những ý niệm về sự pha giống giữa các chi trải qua nhiều ngàn năm nhiều lần khó lòng phân rõ. Dầu sao đó cũng là việc của nhân chủng học. Còn ở đây chỉ nói về dân tộc tức là về văn hóa truyện tinh thần, không cần bờ cõi theo sử địa, mà chỉ cần những yếu tố văn hóa như tả nhậm, trống Đồng, ruộng nước…

Trên đây là 5 giai đoạn rất lờ mờ (với bờ cõi trồi sụt) đặt ra chỉ cốt làm tiêu điểm cho ý tưởng, nó muốn nói lên rằng văn học từ trước tới nay mới nghiên cứu có giai đoạn 5 và một nửa giai đoạn 4. Còn Việt Nho tính nghiên cứu cả 5 giai đoạn, luôn cả phần mở đầu là Bàn Cổ với Toại Nhân và Hữu Sào. Đó là điều ngược với tự trước tới nay nên có biết bao điều phải được chứng minh như sẽ làm trong các chương sau.

Không có nhận xét nào: