1. Nhớ lại năm xưa, khi còn ở bậc trung học, chúng tôi được một vị thày dạy sử thường khuyên rằng: "Dân tộc ta trải qua trên một ngàn năm bị Tàu đô hộ nên sử Việt đã bị sửa đổi rất nhiều, học sử không phải chỉ ghi nhớ chính sử mà còn phải lưu tâm đến dã sử và đặc biệt là huyền sử". Dã sử là lịch sử ghi chép những chuyện lưu truyền trong dân gian do tư nhân viết. Huyền sử là những truyền thuyết có tính cách tưởng như hoang đường nhưng thực ra là những ẩn dụ tổ tiên muốn trao truyền cho con cháu.
Theo chính sử ghi trong Việt Sử Khảo Luận của cụ Hoàng Cơ Thụy, họ Hồng Bàng là một thị tộc của giống Lạc Việt thuộc hệ thống Bách Việt gốc Mông Cổ Nam. Các con của Lạc Long Quân suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, xưng là Hùng Vương đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ. Hùng Vương đặt các em làm tướng văn gọi là Lạc Hầu và tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai là Quan Lang, con gái là Mỵ Nương, đời đời cha truyền con nối đều hiệu là Hùng Vương.
Huyền sử Việt được kể qua những huyền thoại như chuyện "Bọc trứng trăm con" ghi lai lịch các dòng Bách Việt, chuyện "Tiên Rồng" nêu sự quân bình tuyệt diệu, chuyện "Chử Đồng Tử Tiên Dung" bàn sự bình đẳng và thuận hòa giữa vợ chồng, chuyện "Trầu cau" đề cao tình nghĩa vợ chồng anh em, chuyện "Phù Đổng Thiên Vương" dạy về bổn phận làm trai đất Việt, chuyện "Sơn Tinh và Thủy Tinh" bàn việc giữ nước, chuyện "bánh giầy bánh chưng" luận việc trị nước, chuyện "Mai An Tiêm" tả việc làng xóm v.v... (xin xem phần khai triển qua bài "Các huyền thoại Việt Nam" của người viết).
2. Nước Văn Lang là nước có văn hóa cao, vốn thuộc nền văn hóa nông nghiệp, trọng tình hơn lý nên tính tình hiếu hòa nhã nhặn, ưa nhịn nhường, tả nhậm tức thuận phía trái hay phò yếu và trọng người nữ; khác với văn hóa du mục đặt lý trên tình, trọng nam khinh nữ, ưa tính toán nên ham tranh đoạt dễ đưa tới chế độ nô lệ và chủ nghĩa cá nhân (đọc bài "Những khác biệt giữa hai nền văn hóa nông nghiệp và du mục" của người viết). Chữ Vạn của nhà Phật, cây Thánh Giá của Thiên Chúa Giáo và chữ Văn (chữ nho) của nước Văn Lang đều có Điểm Giao nói lên vai trò quan trọng của con người. Điểm giao trong chữ Vạn là Thái Hư nắm giữ cả dọc (Trời) lẫn ngang (Đất) tức làm chủ cả nội tâm lẫn ngoại cảnh. Cây Thánh Giá trông đơn giản minh bạch như tâm hồn người Tây Phương ngang bằng sổ ngay, dọc chỉ Trời (Thượng Đế) hay tình thương, ngang chỉ Đất hay tình yêu và điểm giao chỉ Người tức muốn giao hòa cùng Trời Đất con người phải biết cả Thương lẫn Yêu. Còn chữ Văn theo hán tự có hai nét chéo cắt nhau trông hòa hài mềm mại nên cũng chỉ Trời Đất và Người nhưng ra vẻ "ngang cơ" trong thế Tam Tài bình quân thái hợp, có Trời có Đất thì cũng có Ta, có Trời Đất mà không có Ta thì vũ trụ cũng chỉ xoay vần như là vô tri vô giác, phải có Người đóng góp thì mới có tiến hóa. Trong gia đình, người ta thường kêu vợ chồng tức vợ trước chồng vì người vợ là chính quán xuyến mọi việc, chăm sóc đầy đủ cho chồng con mà lại còn thêm gánh vác giang sơn nhà chồng nên được gọi là nội tướng. Nhưng với con cái lại kêu cha mẹ tức đề cao cha trước mẹ vì mẹ lo việc trong nhà còn cha lo việc ngoài xã hội trọng đại hơn. Ra ngoài làng thì kể như trong họ hàng nên xưng hô với mọi người theo tuổi tác là ông bà chú bác cô dì anh chị em cháu như trong gia tộc; do đó ăn ở có tình nghĩa lễ giáo và tôn ty, cùng nhau đùm bọc khi hữu sự.
Đến việc nước gọi nhau là đồng bào tức sinh cùng một bào thai nên sử sự với nhau như anh em ruột thịt. Ta thường nói Gia Đình và Làng Nước; Gia là nhà với Đình là đình làng rồi Làng với Nước cho ta hiểu rằng Nhà, Làng và Nước luôn luôn gắn bó rất mật thiết. Đọc Gia trước Đình tức coi việc nhà hơn việc làng, Làng trước Nước tức việc làng trước việc nước vì Nhà có yên Làng mới ổn, Làng có ổn Nước mới định. Yên ổn thì giầu tiền giàu tình, ổn định tức trên dưới có kỷ cương, dân mà giàu nước phải mạnh. Cai trị nước toàn là "Vua Hùng" đến 18 đời thì chắc chắn vua phải là bậc minh quân, tài đức vẹn toàn, gọi dân chúng là con dân tức lo cho dân như cha mẹ lo cho con cái; triều thần toàn những Lạc Hầu Lạc Tướng (nghĩa là bá quan "lạc" tức sung sướng) cùng nhau đoàn kết thuận hòa phò vua giúp nước. Nhờ vậy nên dân mới là dân lạc tức có hạnh phúc. Dân Lạc Việt (Lạc là vui mừng, Việt là vượt cùng Bách Việt) là dân có đời sống lạc quan sung sướng, mọi việc coi như trò cười nên được tiếng là dân hay cười, trong ngôn ngữ Việt có những từ vui cười, buồn cười, tức cười và chết cười; vui thì cười đã đành mà buồn cũng cười, tức cũng cười và đến chết cũng còn cười, vậy xin hỏi có dân tộc nào lạ đến như thế, thật là sướng hết cỡ rồi. Hãy xét trong lịch sử Việt Nam, mẫu mực "nước Văn Lang, Vua Hùng và dân Lạc Việt" đã gây được những ảnh hưởng gì cho dân nước và dân tộc Việt từ xưa đến nay sinh sống thế nào trong việc xây nhà giúp làng dựng nước?
3. Cổ nhân đã dạy: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Muốn tu thân cần biết đến văn hóa và văn minh; văn hóa là phải sống làm sao và văn minh là làm sao để sống. Triết gia Kim Định nói dân Việt thời nay, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, phải mưu sinh thì thành công là cần nhưng phải thành nhân mới là đủ. Ông nói những người xa quê hương cần học hiểu hai chữ "need" và "want". Need là cần, want là muốn. Cần thì có hạn tức làm việc trong khả năng sao đủ thỏa mãn nhu cầu cho mình và người thân, ăn chơi cũng vừa phải, ăn nhiều sinh bệnh mà chơi nhiều cũng sinh bệnh lại còn thêm tật nữa. Còn Muốn thì vô bờ vì lòng tham vô đáy; ai có một, mình phải có hai, thấy người có nhà có xe, mình phải có nhà to hơn xe đẹp hơn, người làm một "job", mình làm hai ba "job" rồi bắt vợ phải làm thêm giờ, con thay vì học nhiều lại phải đi làm nhiều. Làm nhiều thì vợ chồng không có thời giờ lo cho nhau và dạy dỗ con cái, con làm nhiều ắt có tiền đua đòi ăn mặc trai gái cờ bạc hút xách; cuối cùng là gia đình lộn xộn, vợ chồng cãi cọ rồi ly dị, con cái chơi bời hư hỏng. Ông đưa ra triết lý An Vi là triết lý sống của dân Lạc Việt. Tộc An Việt, một tổ chức văn hóa, khai triển và cho rằng An Vi là lối sống dung hòa giữa Hữu Vi và Vô Vi, giúp con người có đường trở về Bản Ngã Siêu Nhiên qua đường lối Quy Tâm. An Vi, đặt nền trên Nhân Bản, là triết lý Nhân Chủ, Thái Hòa và Tâm Linh. Con người An Vi là người thấu triệt bản chất An, không để Cảnh trùm Tâm, không vong thân theo hoàn cảnh, hành động vì ý nghĩa chứ không vì kết quả việc mình làm. Thành bại, được mất, hơn thua chỉ là những làn sóng trên biển đời, lòng người An Vi là đáy biển trầm lắng và an tịnh nên người An Vi tu dưỡng nội tâm, lấy việc tu thân làm gốc rễ, hành động thì không cưỡng hành cũng không lợi hành mà chỉ an hành. An hành là thấy việc phải và cần thì làm và làm hết sức rồi theo gương đức Phù Đổng Thiên Vương ngày xưa, làm xong là "hóa". Bà Đông Lan trong cuốn sách "Yêu Mến An Vi" nói: "An Vi không tư bản, không cộng sản mà là Bình Sản. An Vi không duy vật, không duy tâm mà là Nhân Bản, An Vi không nhập thế, không xuất thế mà là xử thế".
4. Con người từ khi sinh ra đã được cha mẹ tốn bao công lao khó nhọc nuôi dưỡng và dạy dỗ đến lúc lớn khôn trưởng thành nên yếu tố Gia Đình xét cần phải đặt thành vấn đề suy tư cẩn trọng. Gia đình là nơi chung sống hai ba đời trong sự tương thân tương ái; ông bà cha mẹ nuôi dưỡng con cháu, khi về già lại đươc con cháu chăm lo phụng dưỡng chu đáo. Gia đình lại là nơi nương tựa khi có sự rủi ro thất bại. Gia đình còn là căn bản của xã hội vì nhà là nền móng có vững chắc thì làng nước mới hùng mạnh. Khởi đầu, hai người nam nữ kết hôn thành vợ chồng, cần sống như đôi đũa (xin đọc bài "Đôi Đũa và Mâm Cơm" của người viết). Luận về đời sống lứa đôi, một nhà tư tưởng Việt Nam đã nêu ba tiêu chuẩn cho hai người cần thực hiện là Trinh, Bình, Hòa. Trinh là chồng phải trung, vợ phải trinh. Bình là bình đẳng, không ai lấn ai, không có cảnh chồng chúa vợ tôi hay vợ là phái yếu chồng phải làm hết mọi việc trong nhà ngoại trừ việc đẻ. Bình là chia việc theo khả năng, vợ nấu ăn chồng rửa chén, vợ lau nhà chồng cắt cỏ v.v... Cuối cùng, Hòa là thuận hòa, vì thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn; muốn hòa là phải nhịn nhường vì một sự nhịn chín sự lành. Vợ chồng tuy hai mà một nên gọi nhau là "mình" và khi ra ngoài xã hội dùng chữ "nhà tôi" để nói hai người quan trọng như cái nhà của mình vậy. Người viết có một bài văn vần tặng các con khi chúng lập gia đình như sau:
Đạo Vợ Chồng
Phượng hoàng kết tóc xe tơ
Khiêm cung đại lượng đứng đầu
Vợ chồng học chữ trung trinh
Mâm cơm dạy chữ hòa hài
Khuyên chồng răn vợ từ giờ lấy nhau
Nhịn nhường phục thiện là câu răn mình
Sống như đôi đũa quân bình cả hai
Ăn đời ở kiếp thiên thai là nhà
Tiếp đến khi có con, vợ chồng thành cha mẹ nên bổn phận và trách nhiệm rất nặng nề vì con cái hư hỏng phần lớn tại lỗi nơi cha mẹ. Thời xưa ở Việt Nam, nhờ còn giữ được lễ giáo theo phong tục tập quán nên trong gia đình cha mẹ nói là con nghe theo. Trên kính dưới nhường giữ được nề nếp gia phong nhưng từ khi dân ta bị ảnh hưởng nếp sống tây phương thì xã hội bị xáo trộn. Càng theo văn minh vật chất con người càng tính toán lợi hại cùng mưu toan tranh đoạt theo kiểu "lợi hành". Do đó, dân Việt xa dời nguồn gốc, đạo lý suy đồi đến nỗi cụ Kim Định phải than "Đạo mất trước, nước mất sau". Sang nước Mỹ học tiếng Anh nên mình là "I" và ai cũng là "you" hết, bình quyền tự do ăn nói trống không chẳng cần thưa gửi. Người trên nói sai hay không vừa ý là cãi lại rồi cha đập bàn đập ghế con đóng cửa cái rầm và bỏ đi. Xét cần phải học bài "Đạo Nghĩa" trong mâm cơm tức trên biết hy sinh và nhường, dưới có lễ độ và nhịn. Cha mẹ cần làm gương tốt, đặc biệt là người mẹ gần con hơn cha nên có ảnh hưởng rất lớn trong gia đình. Có người nói đến thăm nhà ai, cứ nhìn phong cách của bà mẹ là biết con cái tốt hay xấu. Bậc cha mẹ đã sống ở Việt Nam nay qua định cư nơi xứ người thường nhiễm quen thói cũ là cứ tưởng mình từng trải và nhiều kinh nghiệm nên khôn hơn con cái, nói gì cũng bắt chúng phải nghe mà quên rằng chúng học trong các trường Âu Mỹ quen lý luận nên muốn dạy bảo điều gì ta phải chứng minh rõ ràng lợi hại phải trái. Lại có gia đình thấy xứ lạ văn minh tân tiến nên nhất cử nhất động bắt chước từ việc dùng "thẻ tín dụng" đến mua chịu xả láng, khi mất việc không có tiền trả nợ là bị ngân hàng xiết nợ lâm cảnh điêu đứng tang thương. Còn thêm cảnh cả nhà gặp nhau là "xổ" tiếng Tây tiếng Mỹ, con thì líu lo cha ngọng nghịu, tưởng sẽ giúp con nói giỏi như dân bản địa và mình cũng có dịp tập ăn nói cho lưu loát; ai ngờ sau một thời gian con "ăn nói" còn giỏi hơn bạn hữu trong trường nghĩa là chúng nói tục và sống lố lăng vượt xa thiên hạ, lại coi thường và chê cha mẹ sống cổ hủ không hợp trào lưu. Khổ cho người Việt vốn thông minh tài cán nên cái gì cũng hơn người kể cả giỏi lẫn dở. Một bà nói rằng mình "đấu" tiếng Mỹ với con cái, thua là cái chắc, tại sao trong nhà không dùng tiếng Việt là sở trường của mình và là sở đoản của chúng vừa để chúng nói được hai thứ tiếng lại có dịp dạy chúng điều hay lẽ phải của dân mình, chứng cớ là các con bà học đều giỏi cả và được bạn bè rất quí trọng khi nghe chúng kể những tinh hoa của văn hóa Việt Nam và nói lưu loát cả hai thứ tiếng Mỹ Việt. Điều nguy hại nhất là giữa cha mẹ và các con thiếu chuyện trò trao đổi, mỗi ngày chỉ gặp nhau trong bữa ăn là ăn cho lẹ rồi người coi TV kẻ vô phòng làm chuyện khác, đến ngày cuối tuần ai cũng lo vui chơi giải trí theo ý mình, như vậy làm sao mà hiểu được nhau. Gia đình nào lấy "lao động là vinh quang", làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm mà tránh khỏi cảnh tan cửa nát nhà nghĩ thật là điều hy hữu. Sống ở đời như đứng trên đồi, đi lên mới khó chứ đi xuống thật là quá dễ, đi lên là tu tập những điều tốt đẹp khôn ngoan. Va chạm với nền văn minh cơ khí, ta cần tìm hiểu xem người Âu Mỹ họ có cái gì hay mình phải học cùng cái gì dở mình nên tránh.
5. Đọc sử Việt Nam từ thời lập quốc, so với Tàu nước ta nhỏ bé dân ta thưa thớt lại bị lệ thuộc trên ngàn năm mà sao không bị đồng hóa như các dân Bách Việt khác rồi còn vùng lên đánh đuổi quân xâm lăng lấy lại nền độc lập tự chủ, phải chăng nhờ sức sống mãnh liệt của Làng Xã? Nói đến làng Việt Nam, ta nghĩ ngay đến đình chùa, lũy tre xanh cùng cây đa bến nước. Đình làng là nơi lo việc chung cho dân, là công sở cho ban hương lý làm việc, là tòa án hòa giải xử các vụ kiện cáo, là nơi thờ cúng Thành Hoàng làng cùng tổ chức cúng tế và hội hè đình đám. Có thể nói không nơi đâu chỉ dùng một tòa nhà lo việc cho cả làng mà lại đa năng đa hiệu như vậy. Chùa thờ Phật nhưng cũng là nơi giúp dân lo việc tâm linh lúc còn sống cũng như khi đã chết. Chùa biểu hiện cho sự thanh cao trong tâm hồn với các sư sãi nêu gương tốt cho nếp sống thanh bần lạc đạo. Lũy tre coi như thành trì của làng chống trộm cướp. Cây tre cung cấp vật liệu vừa chắc chắn lại bền lâu dùng đủ mọi việc như dựng nhà, làm đồ gia dụng và đồng áng v.v.... Cây đa thường là cây cổ thụ cành lá xum xuê là nơi tránh nắng cho nông dân nghỉ trưa, có quán nước cho người qua lại giải lao cùng là điểm chuẩn cho khách phương xa muốn tìm hướng về làng. Bến nước là bờ sông hay bến nước cạnh hồ ao để dân tắm giặt và gánh nước về dùng trong nhà. Làng là cộng đồng cơ bản của quốc gia, là gạch nối giữa dân với nước. Từ xa xưa, làng là một cơ chế tự trị, tự trị về nhiều phương diện như chính trị qua việc bầu cử, kinh tế bình sản theo chế độ công điền, xã hội với sự tương thân tương trợ, an ninh bởi toán tuần đinh, thương mại với chợ búa, tư pháp do chức sắc xử kiện hòa giải, giáo dục với các thày đồ và đặc biệt là luật pháp theo hương ước.
Trần Quý Minh
Nguồn: Anviettoancau
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét