Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Loại thảo dược mọc nhiều ở Việt Nam chứa chất kháng ung thư

1. Mô tả:

Cây dừa cạn hay còn có tên gọi khác là rau dừa, cây hoa trường xuân, tứ thời hoa, bông dừa, cây sừng dê, cây nhật tân, cây hoa hải đăng … tùy theo từng địa phương.

Dừa cạn có tên khoa học của nó là Vincarosealin hay Catharanthus Roseus (L.) G.Don thuộc họ trúc đào (Apocynaceae). Cây có nguồn gốc xuất xứ ở đảo Madagascar thuộc châu Phi nhưng được trồng ở nước ta rất nhiều để làm cảnh và làm thuốc.

Dừa cạn thuộc loại cây thân cỏ, cao chừng 0,4 – 0,8m, có nhựa màu trắng.

Lá cây: Lá dừa cạn hình bầu dục, thuôn hẹp ở gốc, có cuống ngắn.

Hoa: Hoa dừa cạn mọc thành cụm, cụm hoa gồm 2 bông mọc ra từ kẽ lá. Hoa có nhiều màu, màu đỏ, hồng, trắng với đốm vàng hay đỏ ở gần họng tùy theo chủng. Hoa có cánh hợp thành ống hẹp dài, ở phía trên chia 5 thùy.

Quả: Quả dừa cạn gồm 2 đại, nhiều hạt đen nhỏ.

Phân bố: Dừa cạn là loại cây mọc hoang. Ở nước ta loại cây này phân bố từ tỉnh Quảng Ninh đến Kiên Giang dọc theo vùng ven biển, tương đối tập trung ở các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Bình Ðịnh và Phú Yên.

2. Dược tính:

Người ta chỉ mới phát hiện ra những dược tính của dừa cạn trong việc áp dụng chữa bệnh vì trong tài liệu cổ của y học cổ truyền không thấy đề cập đến cây này.

Tuy vậy, y học cổ truyền một số nước cũng có ghi lại một vài kinh nghiệm sử dụng dừa cạn để chữa bệnh. Ví dụ, ở Ấn Độ, châu Úc, nam châu Phi, quần đảo Antilles, người ta dùng dừa cạn sắc uống để chữa bệnh tiểu đường cho thấy kết quả rất khả quan.

Ngoài ra, rễ dừa cạn còn được dùng để tẩy giun, chữa sốt, làm thuốc thông tiểu, điều kinh, trị tăng huyết áp, chữa sốt rét, kiết lị, tiêu hóa kém…

Bộ phận dùng để làm thuốc của dừa cạn là rễ, lá hoặc cả cây. Thông thường, người ta thường nhổ nguyên cả bụi cây dừa cạn về rửa sạch, cắt nhỏ, phơi khô để cất dùng dần. Trước khi sử dụng có thể sao qua cho thơm rồi sắc nước uống.

Tùy theo mục đích trị liệu, dừa cạn có thể được phối hợp với các vị thuốc khác hoặc dùng độc vị.


Năm 1958, xuất phát từ kinh nghiệm dùng dừa cạn chữa khối u của người dân Ấn Độ, các nhà khoa học Canada là Noble và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện chất kháng ung thư trong lá cây dừa cạn là vincaleucoblastine (còn gọi là Vinblastin).

4 năm sau, Svoboda và cộng sự cũng tìm thêm một alkaloid nữa là Vincaleucocristin (còn gọi là vincristin).

Những thực nghiệm lâm sàng cho thấy, chiết xuất vinplastin, vincristin có tác dụng làm giảm bạch cầu, ức chế mạnh sự phân bào.

Các alkaloid này liên kết đặc hiệu với Tubulin, là protein ống vi thể ở thoi phân bào, phong bế sự tạo thành các vi ống này và gây ngừng phân chia tế bào ở pha giữa. Ở nồng độ cao, thuốc diệt được tế bào, còn ở nồng độ thấp làm ngừng phân chia tế bào.

Hàm lượng các alkaloid này trong dừa cạn rất nhỏ (khoảng 1 phần vạn trong lá dừa cạn khô đối với Vinblastin còn đối với Vincristin thì ít hơn 10 lần nữa ). Vì thế, quá trình điều chế hai alkaliod từ cây dừa cạn là 1 quá trình phức tạp và chi phí giá thành cao.

Hiện nay người ta đã tìm cách sinh tổng hợp hoặc bán tổng hợp hai loại alkaloid trên để giảm giá thành của thuốc.

Dừa cạn trồng ở Việt Nam chứa khoảng 0,1 – 0,2% alkaloid toàn phần. Trong đó, loại hoa trắng có tỷ lệ hoạt chất cao nhất. Tỷ lệ alkaloid trong rễ (0,7 – 2,4%) cao hơn trong thân (0,46%) và lá (0,37 – 1,15%).

3. Dừa cạn dùng để chữa ung thư như thế nào?

Chiết xuất alkaloid trong dừa cạn được dùng dưới dạng muối sulfat để chữa bệnh ung thư.

– Vinblastin sulfat: Vinblastin sulfat được coi là lựa chọn hàng đầu để điều trị ung thư biểu mô tinh hoàn, ngoài ra nó rất hiệu quả trong liệu pháp trị bệnh Hodgkin, ung thư nhau, ung thư biểu mô da đầu và ung thư biểu mô thận.

Vinblastin sulfat cũng dùng để điều trị u nguyên bào thần kinh, ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư dạng nấm da.

– Vincristin sulfat: Là một trong những thuốc chống ung thư được dùng rộng rãi nhất, đặc biệt có ích đối với các bệnh ung thư máu, thường được dùng để làm thuyên giảm bệnh bạch cầu lympho cấp.

Đây là lựa chọn hàng đầu để điều trị bệnh Hodgkin, u bạch huyết không – Hodgkin, ung thư biểu mô phổi, u Wilm, bạch cầu tủy bào mạn (đợt cấp tính), sarcom Ewing và sarcom cơ vân.

Ngoài ra, ở dạng dùng phối hợp, Vincristin sulfat còn được dùng cho ung thư biểu mô vú, ung thư cổ tử cung, u nguyên bào thần kinh và bệnh bạch cầu lympho mạn tính.

Nhân dân ta đã có bài thuốc chữa bạch cầu cấp ( bệnh máu trắng) bằng cách sắc uống thân và lá cây dừa cạn ( khoảng 15 gam thân lá khô/ngày).

Có thể dùng dừa cạn dưới dạng thảo dược để chữa ung thư được hay không?

TS.DS Nguyễn Phương Dung, trưởng bộ môn bào chế, khoa y học cổ truyền, đại học Y dược TP.HCM trả lời trên trang Sài gòn tiếp thị:

“Dừa cạn là cây thuốc quý, nhưng hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào thể trạng của người dùng, diễn tiến của bệnh, các thuốc dùng kèm…

Việc tự theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh là yếu tố quan trọng hàng đầu. Các chuyên gia y tế sẽ thăm khám và hướng dẫn phương pháp điều trị thích hợp với từng đối tượng cụ thể.

Dù “thuốc hay” đến đâu cũng cần phải có “thầy giỏi” và sự hợp tác tích cực của chính bản thân người bệnh để quá trình điều trị đạt được hiệu quả cao nhất.

(Theo Tri Thức Trẻ) 

Không có nhận xét nào: