Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

ĐÀN NAM GIAO - Tâm Linh Việt

Đàn Nam Giao là nơi các vua Nguyễn tế trời.  Đàn Nam Giao được xây dựng vào năm 1806 thời Gia Long, ở phía Nam của kinh thành, trên một quả đồi lớn thuộc làng Dương Xuân, nay thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đàn có diện tích 390m x 265m,  bao phủ bởi rừng thông xanh mướt được chăm sóc cẩn thận. Trước đó, vào năm 1803, nhà Nguyễn cũng cho đắp một đàn Nam Giao ở cánh đồng làng An Ninh, sau đó mới dời đến vị trí hiện nay.

Đàn có 4 cửa ứng với 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, ở mỗi của có một tấm bình phong lớn, xung quanh đàn có tường cao 1,5m bao bọc. Đàn gồm 3 tầng, xây chồng lên nhau, tượng trưng cho "tam tài": thiên, địa, nhân; xung quanh là các bó gạch xếp chắc chắn. Nền đàn có kích thước 340×265 mét. Tầng trên cùng, hình tròn – Viên Đàn – tượng trưng cho trời, xung quanh có lan can quét vôi màu xanh, đường kính 40,5 m cao 2,8 m. Trên nền Viên Đàn có lát những phiến đá Thanh được khoét lỗ tròn. Đến kỳ tế lễ, những lỗ này được dùng để cắm cột dựng lều vải màu xanh hình nón, gọi là Thanh Ốc. Tầng tiếp theo, hình vuông – Phương Đàn – tượng trưng cho đất, lan can quét vôi màu vàng, kích thước 83×83 m, cao 1 m. Khi tế, người ta dựng lều vải màu vàng, gọi là Hoàng Ốc. Tầng dưới cùng, hình vuông, lan can quét vôi màu đỏ, tượng trung cho con người, có kích thước 165x165 m, nền cao 0,85 m.





Điểm đặc biệt ở tầng trên cùng của đàn là hệ thống khuếch đại âm thanh, trung tâm đàn tế có lát những viên đá thanh với kỹ thuật đặc biệt, bất kỳ ai khi đứng ngay trung tâm nói thì trong phạm vi vài trăm mét vẫn nghe rõ mà không cần dùng bất kỳ vật gì hỗ trợ. Vào mỗi kỳ tế lễ, người ta thường dựng những ngôi nhà tương ứng với các màu trên để làm nơi dâng đồ cúng.



Cả ba tầng đều trổ cửa và bậc cấp ở 4 mặt Đông, Tây, Nam, Bắc. Xung quanh ba tầng đàn này còn có các công trình như Trai Cung (dành cho vua vào nghỉ ngơi trai giới trước khi tế vài ngày), Thần Trù (nhà bếp, nơi chuẩn bị các con vật cúng tế), Thần Khố (kho chứa đồ dùng cho cuộc tế) và một số công trình phụ khác.

Theo quan niệm xưa "Vua là Thiên tử" (con trời) nên chỉ có vua mới được quyền cúng tế trời đất (cha mẹ của vua), cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tạ ơn trời đất. Lễ Tế Giao đầu tiên dưới thời Nguyễn được tổ chức năm 1807 và từ đó trở đi được tổ chức vào mùa xuân hàng năm cho đến thời Thành Thái, vào năm 1907, thì đổi lại 3 năm một lần. Chủ tế - nhà vua - và các quan phải trai giới 3 ngày trước khi tế. Dưới thời Bảo Đại, thời gian trai giới rút xuống còn 1 ngày. Vật tế được gọi là những "con sinh", đó là những con vật như trâu, heo, dê. Dọc đường từ Đại Nội đến Giao Đàn, nhân dân phải kết cổng chào, lập hương án đón đám rước nhà vua đi qua.



Ở một khu đất phía nam đàn có một khu vực đặc biệt là Trai cung, nơi vua ngự giá đến và ở lại đây trong 3 ngày trước khi tế lễ, ngoài ra xung quanh đàn còn có các công trình như: quan cư và bình xá – nơi ở của quan binh trong lúc tế lễ, thần trù – nhà bếp, thần khố - nhà kho, tế sở - nơi phục vụ cho việc tế tam sanh. Hiện nay, các công trình này đã thành phế tích chỉ còn Trai cung tương đối nguyên vẹn.



Lễ tế giao được tổ chức rất quy mô và hoành tráng, mỗi năm một lần, vua rời hoàng cung đến đây để tế cáo trời đất (đến triều Thành Thái do lễ tế quá sức tốn của nên định lệ 3 năm tổ chức 1 lần!). Trải qua dâu bể của thời gian, chiến tranh, sự vô ý thức của con người, Đàn trở nên hoang phế và bị trưng dụng với nhiều mục đích khác nhau. Mãi đến năm 1994, Đàn mới bắt đầu được trùng tu, sau nhiều năm trùng tu, đàn đã lấy lại dáng dấp xưa.



Đến với đàn Nam Giao ngày nay ta sẽ hòa mình vào thiên nhiên trong lành, chứng kiến một giao đàn từng có giá trị về mặt tâm linh rất lớn trong lòng người dân Huế xưa và tộc Việt thời nay. Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ phục dựng lại lễ tế trời của các Vua - Quan - Dân thời xưa. Âu cũng là một cử chỉ cao đẹp nhớ về tổ tiên và bảo vệ di sản văn hoá!

Hoàng Lạc 
Ảnh: Internet
Thông Tin Để Tư Duy

Không có nhận xét nào: