Phương pháp học: " Lãng Quên" là gì?. Có nghĩa rằng khi học tiếng anh chúng ta phải quên đi những gì chúng ta đã học. Phương pháp này trái ngược hẳn với phương pháp truyền thống" là phải cố nhớ cho bằng được những gì mình đã học". Trước tiên, để hiểu được điều này chúng ta phải biết được ba điều căn bản nhất:
- Bản chất của trí nhớ
- Bản chất của ngôn ngữ
- Phải đi ra từ trong thực tế.
* Trí nhớ là gì?
Trí nhớ là một tổ chức có chức năng lưu giữ thông tin, chẳng hạn như hình ảnh, âm thanh, các thông tin từ bên ngoài .v.v. nhằm mục đích phục vụ cho bộ não phân tích và đưa ra quyết định.
Trí nhớ lưu lại những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác, và xúc giác dựa trên năm giác quan của con người.
Trí nhớ có một đặc tính quan trọng đó là nó có tính Chọn lọc, nếu không trí nhớ sẽ bị quá tải vì có rất nhiều sự việc, hiện tượng xung quanh chúng ta. Tính chọn lọc ở đây nó thể hiện ở chổ là trí nhớ lưu lại những sự vật, hiện tượng, sự kiện mang tính chất quan trọng và có ích đối với bản thân chứa đựng trí nhớ (con người chúng ta).
Trí nhớ có một đặc tính là nó phải có một chổ dựa tức là: khi trí nhớ ghi lại một sự vật hiện tượng thì sự vật hiện tượng đó phải có sự liên hệ với một sự vật hiện tượng khác, sự vật hiện tượng này càng quan trọng thì trí nhớ ghi lại càng sâu đậm. Do đó mà người học ngôn ngữ phải học trong một bối cảnh hay hoàn cảnh nhất định.
Nếu đầu óc của chúng ta hưng phấn thì trí nhớ càng minh mẫn, rõ ràng.
Khi chúng ta học ngôn ngữ, nếu lặp đi lặp lại nhiều lần thì trí nhớ sẽ bị trơ đi khi trí nhớ không có nhu cầu tiếp thu hay tiếp nhận dẫn đến trí nhớ sẽ kém đi.
* Ngôn ngữ là gì?
Ngôn ngữ là một công cụ hay là phương tiện để chuyển tải ý tưởng.
Trong ngôn ngữ nó phân ra thành hai hình thái: Ngôn ngữ cụ thể và ngôn ngữ trừu tượng.
Ngôn ngữ cụ thể dùng để diễn đạt những sự vật hiện tượng cụ thể có thực. chẳng hạn như tả một con vật hay đồ vật, hay kể về một câu chuyện .v.v.
Ngôn ngữ trừu tượng dùng để diễn đạt những sự vật hiện tượng mang tính trừu tượng và gián tiếp. Thường thì giữa từ ngữ và ý nghĩa không đi liền với nhau. Ngôn ngữ này thường dùng các biện pháp ẩn dụ, không nói ra rõ ràng nhưng người tiếp nhận vẫn hiểu được ý nghĩa của nó.
Ngôn ngữ cụ thể là ngôn ngữ đơn giản còn ngôn ngữ trừu tượng là ngôn ngữ phức tạp.
Người mới bắt đầu học ngôn ngữ phải bắt đầu từ ngôn ngữ cụ thể sau đó mới đi vào ngôn ngữ trừu tượng. Có nghĩa là phải bắt đầu từ những điều đơn giản, dể hiểu sau đó mới đi vào phức tạp, khó hiểu.
Trong ngôn ngữ có logic của ngôn ngữ.
Logic của ngôn ngữ là gì?
Logic của ngôn ngữ là một chuỗi các từ, cụm từ, câu, đoạn được liên kết lại với nhau hình thành lên tư tưởng có tính chất hài hòa và thông suốt.
Mỗi ngôn ngữ có một trình tự logic riêng. Do đó người học ngôn ngữ nên chuyển từ logic của ngôn ngữ nguồn sang logic của ngôn ngữ đích ( ngôn ngữ nguồn là ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ bản xứ, ngôn ngữ đích là ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ cần học). Trường hợp này dành cho những người muốn học ngôn ngữ thứ hai. Dùng logic của ngôn ngữ nguồn như là một phương tiện để chuyển sang logic của ngôn ngữ đích. Chỉ khi nào chúng ta nắm được, lĩnh hội được tính logic của ngôn ngữ đích thì khi đó ta mới có thể hiểu được ngôn ngữ đích.
Ngôn ngữ có một quá trình chọn lọc tự nhiên. Có nghĩa rằng, những từ ngữ, câu văn trong lúc sử dụng không do chủ quan của con người sử dụng nó, nó phát ra một cách tự nhiên và người sử dụng nó thấy thích hợp thì người ta sử dụng thôi, chứ không áp đặt nó theo ý mình.
Do vậy mà ngôn ngữ tự nó qua một quá trình phát triển lâu dài nó hình thành lên một nền tảng cố định tạo ra tính logic của ngôn ngữ. Và do đó người sử dụng ngôn ngữ không thể tự sáng tác ngôn ngữ theo ý riêng của mình được.
Nếu người sử dụng ngôn ngữ tự ý sáng tác riêng theo ý mình, vô hình chung ( vô tình) người sử dụng đã phá vỡ tính logic của nó.
Thế nào là tự ý sáng tác (sáng tạo) ngôn ngữ?
Tự ý sáng tác ngôn ngữ là khi người ta sử dụng cấu trúc câu để nối các từ ngữ lại với nhau.
Ví dụ: Như cấu trúc: S + V + O
S (Subject): Chủ nghữ
V (Verb) : Động từ
O (Object) : Tân ngữ
Ta lại có: I + love + you
Bản thân I love you tự nó đã hình thành như thế rồi chứ ta không thể tự động thêm dấu cộng vào được.
Giả sử người học biết được ngôn ngữ nguồn ( ngôn ngữ tiếng Việt chẳng han), khi sử dụng phương pháp này để học tiếng Anh, anh ta sẽ dễ dàngViệt hóa tiếng Anh ngay.
Hiện nay người dạy ngôn ngữ (thường là tiếng anh) đòi hỏi người học phải dịch lại chính xác từ ngôn ngữ đích ra ngôn ngữ nguồn, có nghĩa là đòi hỏi một người mới bắt đầu học phải trở thành một dịch giả.
Đây là một điều không thể đối với người bắt đầu học hay tiếp cận, vì người mới học ngay cả ngôn ngữ nguồn anh ta vẫn chưa thông thạo. Do đó anh ta chỉ có thể hiểu được ngôn ngữ đích thông qua ngôn ngữ nguồn, nhưng chưa thể chính xác một cách tuyệt đối được.
Điều quan trọng nhất là người học ngôn ngữ hiểu được ý nghĩa mà ngôn ngữ muốn truyền đạt.
Các bảng văn được xem như là bảng chuẩn trong ngôn ngữ, ta chỉ dựa vào nó chứ không thể thay đổi. Xem nó như là một chuẩn mực có tính cách tương đối.
* Phương pháp học tiếng Anh cổ điển:
- Dựa trên những cấu trúc câu trong đó có các thành phần như là: S, V, O
S (Subject) : Chủ ngữ
V (Verb) : Động từ
O (Object) : Tân ngữ
- Dựa trên các thì trong tiếng Anh.
- Dựa trên các từ trong tiếng Anh.
Khi đó sử dụng tiếng Anh bằng cách kết hợp các từ trong tiếng Anh theo cấu trúc đã cho sẵn tương ứng với các thì trong tiếng Anh. Điều này đòi hỏi người học phải (ép buộc) nhớ một lượng từ ngữ riêng biệt rất lớn mà điều đó là một điều rất khó đối với những người bình thường có trí nhớ bình thường và dưới mức bình thường. Do đó nó đã trái tự nhiên, có nghĩa là bộ não đã quá tải không dung nạp được nữa do bị ép buộc một cách thô bạo ( cố nhớ).
Vì vậy phương pháp này chỉ dành cho những người có trí nhớ tốt, có khả năng lớn về ngôn ngữ và thông minh (hay suy luận), nhưng những người này lại là rất ít, chỉ là những trường hợp đặc biệt. Do đó mà phương pháp này đã trở nên lỗi thời trong sự đòi hỏi của thực tiễn là sử dụng tiếng Anh cho hầu hết mọi người đặc biệt là những người có trí nhớ bình thường và dưới mức bình thường. Những người này lại chiếm đa số tức là nhiều hơn rất nhiều so với những người đặc biệt được nói ở trên. Đó là thực tế không thể phủ nhận được.
Phương pháp này dùng để dạy cho người ta trở thành những nhà ngôn ngữ học chứ không phải là những người sử dụng tiếng Anh trong công việc hàng ngày. Hơn nữa nếu người được đào tạo để trở thành nhà ngôn ngữ học là những người sử dụng thành thạo ngôn ngữ trước đã. Điều này trái với tự nhiên khi ta áp dụng phương pháp này đối với những người chưa biết gì về ngôn ngữ cả ( tức là từ A đến Z) từ nghe - nói - đọc - viết.
Khi sử dụng tiếng anh bằng cách học các từ riêng biệt thì những từ ngữ đó không có một nghĩa đích thực nào hết vì trong tiếng Anh một từ có nhiều nghĩa trong những bối cảnh khác nhau và trong những trường hợp khác nhau, có nghĩa là một từ đứng riêng lẻ thì nó có n nghĩa ( nhiều nghĩa), khi đó bộ não của chúng ta sẽ không phân biệt được đâu là nghĩa đích thực của nó nếu không có bối cảnh của nó. Do đó điều cốt yếu là phải học tiếng Anh trong một bối cảnh của nó. Ví dụ: Trong bối cảnh ở một nhà hàng thì có những từ nào được sử dụng.
Phương pháp cổ điển rất đặt trọng tâm vào các cấu trúc câu nên đã sử dụng những bài tập, bài trắc nghiệm để luyện tập, lấy đó làm mục đích. Bài tập, bài trắc nghiệm chỉ dùng để thẩm tra, đánh giá trình độ của người học chứ nó không phải là tiêu chí người học đạt được nó. Và nó được xem như là một con dao hai lưỡi.
* Phải đi ra từ trong thực tế
Nghe - nói - đọc - viết là một trình tự có tính logic của nó.
Ta hãy nhìn lại quảng thời gian của một đời người từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi.
Từ lúc 1- 2 tuổi, một đứa bé chỉ có thể nghe người khác nói, nghe những âm thanh xung quanh, nhưng bé chưa thể phát âm được.
Từ 2 - 6 tuổi, đứa bé được bố mẹ và người thân tập cho nói bi bô bắt đầu từ tiếng Ba, Mẹ, sau đó mới đến những tên người, vật .v.v.
Từ 6 tuổi trở đi bé bắt đầu dần dần phát âm được những câu ngắn đơn giản chứa những từ riêng biệt, theo những ngữ cảnh riêng biệt.
Trong giai đoạn này bé đã được đi học, bé được đến trường, gặp được bao nhiêu điều mới lạ, thầy cô, bạn bè .v.v. Lúc này trí nhớ của bé dần dần phát triển để thích nghi với hoàn cảnh và môi trường mới.
Trong lớp thầy ( cô) giáo tập cho bé đánh vần từng chữ cái trong bản chữ cái (alphabet), sau đó là các từ được kết hợp từ những chữ cái theo các âm khác nhau. Theo cách này thầy (cô) giáo viết lên bảng, đánh vần từng chữ và bé lặp lại theo cô giáo, sau đó thầy (cô) giáo tập cho bé viết được từng chữ cái cho đến các từ kết hợp từ các chữ cái, ban đầu chỉ dùng bút chì sau đó mới được phép dùng bút mực.
Đi từ dễ đến khó, dần dần từ những chữ, từ câu đơn giản đến những chữ, từ, câu phức tạp. Từ đây các câu được kết hợp thành một đoạn văn và các đoạn văn được kết hợp thành một bài văn, với nội dung và bối cảnh cụ thể mà bé có thể hiểu được. Giai đoạn này bé tuổi từ 6 - 10 tuổi hay từ lớp 1 - 5. Trong giai đoạn này bé cũng được thầy (cô) giáo dạy học những môn học cơ bản và đơn giản chẳng hạn như toán học .v.v.
Giai đoạn bé tuổi từ 11 - 17 hay từ lớp 6 - 12. Bé đã bắt đầu đi vào những vấn đề phức tạp hơn và độ phức tạp tăng dần theo từng năm, trong đó các vấn đề mà bé tiếp cận là thông qua các môn học. Trong giai đoạn này bé không còn ý thức được ngôn ngữ mà bé đang sử dụng, bé sử dụng nó như một phản xạ không có ý thức khi thầy (cô) giáo đọc lên những câu, những đoạn trong bài học và bé chép lại theo lời đọc và hiểu vấn đề theo lời giải thích của thầy (cô) giáo.
Giai đoạn này bé đã sử dụng một cách thành thạo nghe - nói - đọc - viết nhưng trên cơ sở những hiểu biết cơ bản về những môn học và thế giới xung quanh.
Qua đây chúng ta thấy hầu như không có một cấu trúc câu nào được sử dụng chỉ trừ trường hợp môn ngữ văn là dùng để khái quát những cấu trúc căn bản của ngôn ngữ như là chủ ngữ + vị ngữ hay ( S + V) .v.v. chỉ để hiểu một cách khái quát sơ bộ các cấu trúc của câu chứ không đặt trọng tâm hàng đầu.
Giai đoạn bé học đại học là giai đoạn bé đã thành thạo về việc sử dụng ngôn ngữ và càng ngày càng nâng cao lên. Giai đoạn này bé đã đi sâu nghiên cứu một lĩnh vực riêng biệt nào đó chứ không còn chung chung như giai đoạn trước. Càng đi sâu bé càng thành thạo về việc sử dụng ngôn ngữ phục vụ cho công việc nghiên cứu, tìm hiểu của bé. Nếu bé là người đi sâu nghiên cứu về ngôn ngữ thì đây là thời gian thích hợp cho bé sử dụng phương pháp cổ điển như đã được nói ở trên.
Qua đây ta thấy phương pháp cổ điển đã đốt cháy nhiều giai đoạn!
Giai đoạn sau đại học cho đến 50 tuổi bé có thể đi làm việc hoặc có thể học để nâng cao kiến thức của bé. Giai đoạn này tâm sinh lý của bé phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là giai đoạn trí nhớ của bé phát triển mạnh nhất để đáp ứng những yêu cầu mạnh mẽ của hoàn cảnh và môi trường.
Giai đoạn 50 tuổi trở đi sức khỏe của bé bắt đầu suy giảm và trí nhớ cũng giảm dần theo thời gian. Đến khi 80 - 90 tuổi thì trí nhớ của bé lại càng giảm đi một cách rõ rệt và sau đó là như một đứa bé mới lên ba.
Đây là sự khái quát ngắn gọn quá trình mà một em bé từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi tiếp thu một ngôn ngữ.
Do chúng ta nôn nóng muốn học được ngay một ngôn ngữ nên đã đốt cháy nhiều giai đoạn mà một người học ngôn ngữ cần đi qua.
Ngoài ra để hiểu thêm về ngôn ngữ chúng ta nên biết về nguồn gốc của ngôn ngữ.
Trong quá trình phát triển và tiến hóa của loài người từ chổ ban sơ cho đến hiên tại cũng như từ vượn người cho đến con người chúng ta ngày này. Ban đầu loài vượn người chỉ có thể giao tiếp với nhau qua những âm thanh, hình ảnh, điệu bộ, cử chỉ trong việc săn bắt hái lượm của mình, sống theo bầy đàn và ở trong những hang động. Trong quá trình này tư tưởng bắt đầu tích lũy dần. Tư tưởng ở đây chỉ mới là sơ khai đơn giản, chẳng hạn như những phương pháp, mẹo vặt để làm sao săn bắt hái lượm được nhiều hơn, cách thức để sử dụng các công cụ như thế nào .v.v. Dần dần lượng tư tưởng này tăng lên một cách nhanh chóng làm cho người ta không thể nhớ hết nổi. Khi đó người ta mới nghĩ ra một cách là vẻ lên các hình ảnh, ký hiệu lên trên các hang động nhằm lưu giữ lại những điều hay được chọn lọc, tích lũy bấy lâu.
Ban đầu những hình ảnh, ký hiệu này chỉ là thô sơ và đơn giản. Ví dụ như hình ảnh của một con hưu, con nai hay một con thú rừng nào đó chẳng hạn. Dần dần, qua quá trình phát triển nó được nâng lên thành một nghệ thuật. Do đòi hỏi của thực tế mà hiện tượng này được phân chia ra làm hai hướng khác nhau, một hướng là dùng hình ảnh để lưu lại những sự vật, quang cảnh xảy ra xung quanh mà hình thành nên môn hội họa của chúng ta ngày nay. Hướng còn lại là dùng hình ảnh, ký hiệu để giao tiếp, truyền bá tư tưởng qua lại giữa con người với nhau. Nhưng dùng hình ảnh để giao tiếp với nhau nó rất bất tiện. Khi đó người ta mới nghĩ ra một cách là giản lược lại hình ảnh tạo nên biểu tượng mang tính tượng trưng, được ghép lại với nhau và tạo nên chữ viết hay ngôn ngữ viết như chúng ta ngay nay.
Qua đây ta thấy chữ viết hay ngôn ngữ bắt nguồn từ việc con người vẻ lại các sự vật hiện tượng xung quanh. Do vậy, muốn học được chữ viết thì ta phải viết nó hay về mặt nào đó là vẽ lại nó, thông qua nó mà ta có thể nhớ nó. Khi viết chúng ta có thể tiếp thu ngôn ngữ qua hai con đường đó là thị giác, và xúc giác. Thị giác là đôi mắt và xúc giác là đôi tay. Kết hợp với việc ta nghe người khác đọc là thính giác. Khi đó trí nhớ của ta sẽ được in đậm hơn rất nhiều.
Học ngôn ngữ viết thì chúng ta phải viết, đó là điều tiên quyết. Nhưng từ chổ viết tay ta nên chuyển sang sử dụng máy vi tính để đánh, tận dụng lợi thế của công nghệ đem lại. Vì khi viết tay ta mất rất nhiều thời gian và viết tay rất chậm, chữ viết lại không rõ ràng. Nếu đánh máy nhanh ta có thể đánh được trên 40 từ trong một phút. Hơn nữa, khi ta đánh máy, nếu ta đánh một từ sai chính tả ta có thể nhận biết được ngay qua xúc giác của 10 ngón tay. Và muốn tối ưu nhất cho việc đánh máy thì chúng ta nên tập đánh máy 10 ngón. Người sử dụng máy tính đánh được 10 ngón có rất nhiều lợi thế. Họ có thể chủ động được trong việc sử dụng chiếc máy vi tính của họ. Một điều quan trong là khi chúng ta đánh được 10 ngón thì khi tra từ điển ta chỉ mất 1-2 giây là có thể lấy được thông tin từ từ điển điện tử một cách nhanh chóng. Vì tận dụng lợi thế của công nghệ chúng ta không nên sử dụng từ điển cổ điển ( sách từ điển) vì nó lấy đi rất nhiều thời gian. Trong khi chúng ta tra từ điển bằng máy vi tính chúng ta cũng đã vô tình đánh lại những từ ngữ đang tiếp xúc giúp thêm nhiều cho trí nhớ của chúng ta.
Đối với người bản xứ thì nên sử dụng song song giữa viết tay và đánh máy. Viết tay cũng là một đòi hỏi rất quan trọng.
Đối với người không phải là người bản xứ thì nên sử dụng máy vi tính sau khi đã biết viết tay.
Khi người học thông thạo việc đánh máy thì cũng đã thông thạo trong việc dùng ngôn ngữ rồi.
Nếu trong những trường hợp không sử dụng máy vi tính được thì chúng ta có thể viết bằng tay.
* Đỉnh cao nhất của việc dạy ngôn ngữ là dùng ngôn ngữ để dạy học. Dạy học ở đây có nghĩa là dạy ngôn ngữ nói riêng và các môn học khác nói chung. Dạy nó cho đến khi chúng ta không còn ý thức về ngôn ngữ của chúng ta đang sử dụng nữa.
Mục đích cốt lõi của chúng ta là nắm lấy nội dung mà ngôn ngữ truyền đạt thông qua phương tiện ngôn ngữ chứ không nhằm đạt được việc sử dụng ngôn ngữ. Đó là bước đầu tiên, sau đó chúng ta mới có thể sử dụng ngôn ngữ cho những mục đích cao hơn.
Muốn hiểu được sự vật hiện tượng trên đời này chúng ta phải hiểu được ngôn ngữ. Nó là cánh cửa để cho chúng ta bước vào thế giới tri thức.
PHƯƠNG PHÁP " LÃNG QUÊN"
* Đọc chính tả cho người học . Người học đọc lại những chữ, những từ, những câu sau đó viết lại những chữ, những từ, những câu mà người học đã đọc. Người đọc chính tả được xem như là một người thầy hướng dẫn cho người học đồng thời cũng là một người phiên dịch.
Phương pháp này cũng được chia làm hai loại: Phương pháp trực tiếp và gián tiếp
Phương pháp trực tiếp:
Phương pháp này dùng cho những người chỉ sử dụng một ngôn ngữ là tiếng Anh không thông qua ngôn ngữ nguồn hay ngôn ngữ mẹ đẻ. Phương pháp này đòi hỏi nhiều sự minh họa về sự vật và hiện tượng một cách trực tiếp.
Phương pháp gián tiếp:
Phương pháp này dùng cho những người sử dụng cả hai ngôn ngữ (ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích) do đó phải thông qua ngôn ngữ nguồn hay ngôn ngữ mẹ đẻ hay nói cách khác là phải thông qua dịch. Dựa vào sự tưởng tượng của người học, tận dụng được những trải nghiệm của người học qua các sự vật và hiện tượng. Hơn nữa phương pháp này thường được những người học là những người có ngôn ngữ nguồn (ngôn ngữ thứ nhất) ưa thích vì làm cho họ biết được cả hai ngôn ngữ khi học thêm một ngôn ngữ thứ hai (ngôn ngữ đích). Họ thường không muốn bỏ đi cái ngôn ngữ gốc của mình.
* Giao tiếp với người dùng ngôn ngữ mà mình đang học ( tạo nên một môi trường giao tiếp).
* Đọc sách, báo, tạp chí bằng tiếng Anh.
* Xem phim. Để biết được ngôn ngữ được dùng trong những trường hợp, bối cảnh, ngữ cảnh riêng như thế nào.
Đọc chính tả là phương pháp thông ngôn hiệu quả nhất nếu người học nó muốn thông thạo cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
* Kết luận.
Mục đích cuối cùng của bài luận này là nhằm phổ biến tiếng Anh đến tất cả mọi người, trong đó người Việt Nam nói riêng và những người không biết tiếng Anh nói chung.
Tiếng Anh được xem như là một dòng suối trong lành mát rượi, mang trong mình tinh hoa của nhân loại tưới lên những cánh đồng hoang dại khô cằn. Xua tan đi những bóng đêm đã chế ngự đất trời này bấy lâu nay.
Nói đến tiếng anh là nói đến tri thức và khoa học, mọi tinh hoa đều hội tụ vào đây. Chỉ có tiếng Anh mới có thể khai sáng trí tuệ của con người do nó chứa đựng những tư tưởng có giá trị tồn tại mãi với thời gian.
Tất cả hãy cùng chung tay truyền bá tiếng Anh. Khi chúng ta truyền bá tiếng Anh cho người khác thì cũng chính là lúc chúng ta làm lợi cho chính mình rồi.
"Nhân loại có quyền được sử dụng tiếng Anh".
Lê Xuân Nhật
*Tài liệu tham khảo:
1. Không thể sai bảo trí nhớ (Phỏng vấn GS. Tâm lý học Douwe Draaisma)
Nguồn: Tạp chí Tri Thức Trẻ - Số 174, Tr 61. 5.2006
2. Tìm về cội nguồn chữ Hán
Tác giả: Lý Lạc Nghị
- H., 1997 - 1347 tr.
Nguồn: nguyenxuandien.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét