Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Thuốc ở trong rau

Kinh nghiệm dân gian ta vẫn thường nói: “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Nhưng thực ra, rau không chỉ là món ăn nhiều chất dinh dưỡng mà còn là những liều thuốc trị bệnh quý giá. Chẳng thế mà danh y Hải Thượng Lãn Ông của ta đã có nhận xét:

“Nên dùng các thứ thức ăn
Thay vào thuốc bổ có phần lợi hơn”

Và thánh tổ y học phương tây Hippocrates có đưa ra một đề nghị hết sức thuyết phục là “Hãy để rau là vị thuốc”. Mà những loại rau củ có vị đắng chứng tỏ các nhận xét này là rất đúng.

Mướp Đắng

Trái Mướp Đắng màu xanh có bề ngoài gồ ghề ngộ nghĩnh đã được ghi trên sáu con tem biểu tượng cho sáu loại cây thuốc thiên nhiên có dược tính trị bệnh cao mà Liên Hiệp Quốc phát hành vào năm 1980.

Mướp đắng chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng căn bản như nước, đạm, carbohydrat, béo, sinh tố và một số khoáng chất với tỷ lệ khác nhau. Mướp đắng có thể dùng để ăn sống, nấu canh, xào với thịt bò, muối dưa, phơi khô làm trà pha nước uống...

Canh thịt heo bằm nhỏ nhồi vào mướp đắng là món ăn đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam.

Mướp đắng hấp với tôm tươi, thịt nạc, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô, mắm muối tiêu, xào với thịt.. tạo ra vị hơi đắng hòa với hương thơm mùi tôm thịt là món ăn giải nhiệt, bổ dưỡng.. Món xà lách mướp đắng cũng rất hấp dẫn, ăn vào mát cơ thể..Mướp đắng được coi như có khả năng làm hạ đường huyết, hạ huyết áp, chữa ho, giảm đau nhức, sát trùng ngoài da, trừ rôm sẩy ở trẻ em.

Trong mướp đắng cũng có một hóa chất có khả năng ngăn ngừa sự thụ thai ở loài chuột.

Trên thị trường hiện nay có bán trà khổ qua, được giới thiệu làcó thể giúp ngủ ngon, đại tiện dễ dàng, mát gan, bổ mật, giải nhiệt, giải độc trong cơ thể và khi dùng thường xuyên sẽ ngừa được các biến chứng của bệnh tiểu đường, sỏi thận, mật....

Actiso

Actiso Đà Lạt là loại thảo mộc nổi danh ở nước ta. Nổi danh vì khí hậu luôn luôn mát lạnh nơi cao nguyên nhiều nắng khiến cho actiso có năng suất cao.

Actisô có nhiều chất dinh dưỡng như các sinh tố C, B, folacin, chất xơ và một vài khoáng chất như sắt, kali. Về phương diện ẩm thực, actisô thường được luộc, hấp cách thủy để ăn hoặc ninh với thịt gà, thịt lợn. Actisô có thể được dùng tươi, để đông lạnh hoặc đóng hộp.

Nhiều nghiên cứu cho biết Actisô có tác dụng bảo vệ gan, làm hạ cholesterol trong máu và đường huyết, kích thích sản xuất mật, giảm đau khớp xương, thông tiểu tiện.

Tại vài quốc gia, dung dịch chế biến từ actisô được dùng làmthuốc chích chữa các bệnh về gan. Trà Actisô là thức uống được rất nhiều người ưa dùng. Theo nhiều nhà chuyên môn, actisô không gây tác hại cho cơ thể.

Diếp cá hoặc rau Giấp

Diếp cá hoặc rau Giấp là món ăn ưa thích của bà con miền Nam.

Cách đây mấy chục năm, dân cư miền sông Hồng, núi Ngự vào giao lưu với Cửu Long Giang là rất lắc đầu “nhăn mặt” vì vị tanh tanh “lợm giọng” khi ăn phải cọng rau này. Vậy mà bây giờ, Nam Trung Bắc một nhà, nhiều người cũng đều ưa thích diếp cá.

Nhưng cái tanh tanh, béo béo của diếp cá lại rất “hiệp nhất” với cái tanh của những miếng cá còn tươi. Phải chăng đây là duyên tiền định với tên “diếp cá”. Trung Quốc gọi diếp cá là “Ngư Tinh Thảo” và tiếng Anh gọi là Fish Mint

Ở nước ta, diếp cá mọc hoang khắp vùng đất ẩm thấp và cũng được trồng làm rau ăn hoặc làm thuốc trị bệnh. Diếp cá có thể ăn sống hoặc dùng làm gia vị chung với các rau khác trong bữa ăn. Có người hầu như ghiền với diếp cá, thiếu nó như thiếu người tình hơi “bị” cho là chanh chua nhưng dễ thương.

Lá diếp cá ăn vào rất mát, có thể làm trĩ hậu môn xẹp xuống. Ngoài ra, diếp cá cũng được y học dân gian tại nhiều quốc gia dùng làm lợi tiểu tiện, hạ cao huyết áp, giảm ho, tiêu diệt vi khuẩn. Nghiên cứu tại viện y dược Toyama, Nhật Bản, cho hay diếp cá có chất chống oxy hóa rất mạnh quercetincó thể ngăn chặn nhiều loại ung thư và tăng cường tính miễn dịch..

Trong Lĩnh Nam Bản Thảo, danh y Hải Thượng Lãn Ông tóm tắt:

“Ngư Tinh Tảo gọi cây rau Giấp
Ấm cay, hơi độc, mùi hôi tanh
Ung thũng, thoát giang với đầu chốc
Đau răng, lỵ ngược chữa mau lành”.

Rau Má

Khát khô cả họng trong nắng tháng Bảy của Sài Gòn mà gặp một xe bán Nước Rau Má xanh mát thì cơn khát không những hết đi mà tâm hồn cón thấy sảng khoái.

Thực vậy, nghiên cứu tại Ấn Độ cho hay nước chiết rau má không những tăng khả năng trí tuệ của trẻ em có thương số thông minh (IQ) thấp mà còn làm người cao tuổi giảm bớt những quên này quên kia, giúp thị lực bớt nhạt nhòa.

Nhiều nghiên cứu khác còn gợi ý rằng rau má trị được cả bệnh vẩy nến, vết phỏng, vết thương, viêm khí quản, chống nhiễm trùng, chống độc, giải nhiệt, lợi tiểu.

Từ những năm 1960, Giáo sư Bửu Hội đã nghiên cứu tác dụng trị bệnh phong với rau má. Ngày nay, nhiều khoa học gia cho là chất Asiatioside của rau má có tác dụng tương đương với dược phẩm trị phong chính là Dapsone.

Rau má có tính lạnh cho nên người tỳ vị hàn, hay đi tiêu chảy, cần cẩn thận khi dùng.

Rau Đắng

Rau Đắng đã đi vào văn hóa âm nhạc trong những bài viết nhiều tình người, tình quê hương của nhạc sĩ Bắc Sơn từ rừng cao su Dầu Tiếng.

Nhăc phẩm “Còn thương rau đắng mọc sau hè” với tiếng hát Hương Lan, Như Quỳnh đã làm bao nhiêu khách ly hương khi nghe mà mắt nhòe ướt lệ.

“Ai cách xa cội nguồn
Ngồi một mình nhớ lũy tre xanh
Dạo quanh khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh”

Vì nhớ tới những lũy tre xanh nơi có người chị đầu bạc tóc ân cần nhổ tóc sâu cho chú em từ xa về thăm quê. Có những bà mẹ hiền luôn luôn chăm sóc miếng ăn, thức uống cho chồng cho con.

Rau đắng nấu canh với các loại cá, nhúng lẩu hoặc chấm mắm kho là những món ăn tuyệt hảo của bà con miệt đồng. Rau đắng còn có thể nấu với thịt heo bầm nhuyễn, với tép, với tôm…

Mới ăn rau có vị khá đắng, chỉ kém có khổ qua, nhưng ăn quen lại thấy ngòn ngọt, nhớ hoài.

Rau đắng cũng được dùng trong y học. Theo Giáo sư Đỗ Tất lợi, rau đắng được dùng làm thuốc lợi tiểu, bổ thận, giúp ăn ngon và giảm đau khi đắp lên nơi tê thấp, rắn cắn.

Rau Sam

Rau Sam là một loại rau mọc hoang, ăn được, không có độc tính, có nhiều chất bổ dưởng như sinh tố A, B1, B2, C, PP, một số khoáng chất và nhiều acid béo omega-3. Ngoài tác dụngthanh nhiệt, lương huyết, cải thiện nồng độ cholesterol cao trong máu, rau Sam còn là một nguồn kháng sinh tự nhiên rất quý trong việc điều trị các chứng viêm nhiểm đường ruột và đường sinh dục tiết niệu.

Từ lâu y học dân gian nước ta thường dùng rau Sam làm thuốc sát trùng trong những chứng lở loét ngoài da, làm tiêu nhọt độc và làm lợi tiểu trong chứng tiểu buốt, tiểu rát . Nhân dân Trung Quốc và Ấn Độ dùng rau Sam để trị bệnh ho, lao phổi, giải độc rắn hoặc côn trùng cắn. Người Ấn Độ còn dùng rau Sam làm thuốc co mạch. Dân Haiti và Thổ Nhỉ Kỳ dùng sau Sam để làm thuốc an thần, chữa bệnh mất ngủ. Nhiều vùng ở Trung Quốc, Thổ Nhỉ Kỳ, Brazil, Cộng Hoà Dominique dùng rau Sam để lọc máu, tiêu viêm, giảm đau. Nghiên cứu khoa học cho thấy rau Sam có tác dụng ngăn chặn sự phát triễn của vi trùng lỵ và thương hàn. Dịch chiết rau Sam bằng cồn etylic có hiệu quả rõ rệt đối với trực khuẩn Coli, kiết lỵ và thương hàn. Những nhà khoa học Mỹ và Úc còn cho biết trong rau Sam có nhiều acid béo Omega-3 có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng cường sức miển dịch của cơ thể

Rau mùi

Ở VN, rau mùi tươi được dùng để làm gia vị nêm các món súp, điều chế các loại nước xốt, trang trí trên các món ăn cho đẹp vì màu xanh tươi và mùi thơm của lá.

Tinh dầu của rau mùi ( lá và hạt) dùng làm hương liệu trong ngành dược ,có tác dụng gây hưng phấn tình dục, được dùng chữa trong các trường hợp suy yếu sinh lý.

Lá rau mùi có tác dụng kích thích tiêu hóa và làm thuốc bổ, chống đầy hơi, làm mạnh dạ dày, làm gia tăng sự bài tiết nước tiểu và làm hạ sốt. Hạt rau mùi giúp hạ sốt và chữa cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi, ngạt mũi

Rau mùi cũng giúp tống các chất đờm nhớt ứ đọng trong đường hô hấp gây khó thở và gây rối loạn đường hô hấp.. Uống dịch ép từ rau mùi còn giúp bổ sung cho cơ thể một lượng lớn các vitamin như A, C, B1, B2 và chất sắt.

Thường xuyên uống nước rau mùi sẽ giúp làm hạ cholesterol trong máu. Uống dịch ép từ rau mùi còn giúp bổ sung cho cơ thể một lượng lớn các vitamin như A, C, B1, B2 và chất sắt.

Rau càng cua.

Rau càng cua có vị mặn, ngọt, chua, lẫn giòn giòn, dai dai làm thành món rau trộn rất ngon. Rau càng cua còn có thể trộn chung với các loại rau khác như rau sam, rau thơm…, chấm với nước cá kho hay thịt kho. Chính vị chua chua của loại rau này khi chấm với nước kho mặn sẽ tạo cảm giác rất ngon miệng. Là loại rau giàu dinh dưỡng, đặc biệt beta-caroten (tiền vitamin A), nên thường được chế biến thành nhiều món ăn dân dã bổ dưỡng.

Ở các nước phương tây, người ta xem rau càng cua như một thứ cỏ dại. Người ta có thể nghiền lá ra dùng đắp trị sốt rét, đau đầu, dịch nhầy từ lá dùng uống trị đau bụng. Tại Trung Quốc, toàn cây rau này được dùng làm thuốc trị đau nhức khớp, đòn ngã và được vò nát đắp lên da trị phỏng do lửa hoặc nước sôi. Theo Đông y, rau càng cua vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tan máu ứ; thường dùng để chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm ruột thừa, viêm gan, viêm dạ dày – ruột, tiêu hóa kém. Ngoài ra rau còn được dùng ngoài chữa rắn cắn, nhọt lở, chấn thương sưng đau, có tác dụng chữa trị bệnh ngoài da rất tốt, nhất là bệnh ghẻ lở (giã nát, vắt lấy nước, bổ sung chút muối và chấm vào vết thương; da sẽ mau lành, liền miệng).. Trong rau chứa nhiều chất sắt, giúp bổ sung cho người thiếu máu do thiếu sắt. Các chất kali, magiê trong rau tốt cho tim mạch và huyết áp trong rau cũng góp phần trong việc chữa bệnh tiểu đường, táo bón, cao huyết áp…

Kết luận

Nhà dinh dưỡng uy tín Hoa Kỳ Jean Carpenter phát biểu rằng “Trong thực phẩm có dược phẩm. Thay đổi dinh dưỡng có thể ngăn ngừa và giảm sự trầm trọng của bệnh tật”. Đây là lời khuyên khá hữu ích mà chúng ta cũng nên theo.

http://tintuccaonien.com
Theo bài của BS Nguyen Y Duc và tài liệu trên mạng

Không có nhận xét nào: