Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

(33) LÝ NHÂN DUYÊN CÁC PHÁP

"Tất cả pháp nhờ nhân duyên mà khởi ra. Nếu không nhân thì pháp chẳng thể được khởi ra. Nếu không duyên thì pháp chẳng thể được khởi ra. Ví như cây lúa. Nhân là hạt giống, là chất dinh dưỡng trong đất, là không khí, là ánh sáng, là nước, là công trồng và chăm sóc, là phân bón,... Duyên là tất cả nhân ấy gặp được nhau và kết hợp được nhau. Nếu không nhân thì lúa chẳng có, nếu các nhân không gặp nhau thì lúa chẳng có, nếu các nhân gặp nhau mà không kết hợp được nhau thì lúa chẳng có". (Pháp Không Chân Như)
***
Cư sĩ Sang Ho chia sẻ: Các pháp do duyên sinh.
Pháp Không Chân Như chia sẻ với Cư sĩ: Sang Ho! Chẳng nên nói, chẳng nên nghĩ, chẳng nên cho là "các pháp do duyên sinh".
Cư sĩ Sang Ho hỏi: Cho con hỏi pháp là gì vậy? Duyên không sinh pháp thì pháp do đâu mà sinh? Nhờ Thầy chỉ thêm.
Pháp Không Chân Như nói: Hỏi rất hay. Trước hết, tôi hỏi Sang Ho: "duyên sinh" và "nhân duyên sinh" thì giống nhau hay khác nhau. Nếu khác nhau thì Sang Ho hiểu sự khác đó như thế nào?
Cư sĩ Sang Ho chia sẻ: Khác nhau, giống nhau cũng được. Nếu ta tách ra nhân và duyên thì là khác. Ví như hạt lúa là nhân, điều kiện thuận lợi (đất, nước, không khí,...) là duyên thì có đủ duyên mới sinh cây lúa. Nếu ta đem hạt lúa vào trong lu gạo thì khi nào mới có cây lúa, trường hợp này gọi là duyên sinh. Giống nhau gộp cả nhân duyên. Trường hợp hai là nhân duyên sinh. Nếu ta đem hạt lúa đã luộc chín mà gieo trồng thì cũng không thể sinh cây lúa. Như vậy nhân lúc cũng có thể gọi là duyên.
Không phải tất cả hạt lúa đều sinh cây lúa, phải đủ duyên mới sinh.
Không phải lúc nào có điều kiện thuận lợi thì sinh cây lúa, bản thân của nhân không đủ duyên.
Trong nhân có duyên, trong duyên có nhân thì mới sinh, có sự tương quan qua lại.
A Di Đà Phật. Nhờ Thầy chỉ dạy thêm.
Pháp Không Chân Như nói: Sang Ho! Không nên cho rằng "duyên sinh" và "nhân duyên sinh" thì giống nhau cũng được, khác nhau cũng được. Nói như vậy xem như bị nhiễm "bệnh dịch rối loạn ngôn ngữ" hiện nay trong Phật giáo. Vì sao? Tất cả pháp nhờ nhân duyên mà khởi ra. Nếu không nhân thì pháp chẳng thể được khởi ra. Nếu không duyên thì pháp chẳng thể được khởi ra. Ví như cây lúa. Nhân là hạt giống, là chất dinh dưỡng trong đất, là không khí, là ánh sáng, là nước, là công trồng và chăm sóc, là phân bón,... Duyên là tất cả nhân ấy gặp được nhau và kết hợp được nhau. Nếu không nhân thì lúa chẳng có, nếu các nhân không gặp nhau thì lúa chẳng có, nếu các nhân gặp nhau mà không kết hợp được nhau thì lúa chẳng có.
Sang Ho! Nay tôi vì ông nói "duyên" cho rõ tường. Duyên là gì? Duyên là "sự" "gặp gỡ được" và "sự" "kết hợp được". Duyên có hai thứ như vậy. Nếu thiếu một trong hai thứ đó thì gọi là vô duyên. Nếu hội đủ hai thứ đó thì gọi là duyên. Ví như sóng ti-vi. Nếu sóng ti-vi gặp máy ra-di-o thì không kết hợp để cho ra ảnh và tiếng. Nếu sóng ti-vi gặp ti-vi mà chẳng kết hợp được do sóng kênh không tương ưng, nên chẳng có ảnh và tiếng hiện diện. Nếu sóng ti-vi gặp ti-vi, sóng tương ưng với kênh thì ti-vi hiện thị ảnh và tiếng. 
Ví như chúng sinh mang nghiệp đã huân tập, khi hết kiếp này, chúng sinh mang theo nghiệp ấy, giống như sóng ti-vi mang theo thông tin ảnh và tiếng. Nếu nghiệp ấy chưa gặp chủng thân thì cũng không thể kết hợp. Nếu nghiệp chúng sinh là thiện thì nghiệp ấy gặp chủng thân xấu ác chẳng thể kết hợp, nếu nghiệp ấy gặp chủng thân thánh thiện tương ưng thì mới có thể kết hợp. Nếu nghiệp chúng sinh là xấu ác thì nghiệp ấy gặp chủng thân thánh thiện chẳng thể kết hợp, nếu nghiệp ấy gặp chủng thân xấu ác tương ưng thì có thể kết hợp. Đây chính là lý nhân quả vậy. Lý nhân quả chẳng do ai đặt ra là vậy, chẳng do ai phán xét, chẳng do ai quyết định, chẳng do ai quản lý là vậy.
Sang Ho! Pháp là gì? Một tồn tại dạng hợp thể từ nhiều thành phần mà chúng sinh có thể phân biệt nhận biết hợp thể đó thì gọi là Pháp. Như sắc thân, vật này, vật kia, quy chế, luật pháp, chữ viết,… Hoặc một tồn tại dạng hiện tượng do động mà có mà chúng sinh có thể phân biệt nhận biết hiện tượng đó thì gọi là pháp. Như thọ, hành, tưởng, thức, âm thanh, ánh sáng, sóng, bức xạ,… Sang Ho! Tất cả pháp đều từ hai thứ mà có. Thế nào là hai thứ? Đó là do chúng sinh chẳng nhận biết được thật tướng mà có và thật tướng đó chính là thật tướng của vật chất. Do nghĩa này, hai thứ đó là chúng sinh si mê và vật chất. Sang Ho! Nếu chúng sinh không si mê thì pháp chẳng thành lập. Nếu không nương vào vật chất thì pháp chẳng thành lập. Nương vào chúng sinh si mê và vật chất mà pháp được thành lập. Thế nào là pháp được thành lập? Chúng sinh nhận biết một thứ chẳng thật tướng, gọi giả tướng đó là thứ này, thứ kia nên có thứ này thứ kia, vì vậy mà gọi là pháp được thành lập. Vậy nên bất cứ pháp đều chẳng thật tướng, đều huyễn thuật. Vì tất cả pháp đều từ hai thứ mà có như tôi đã nói, nên bất cứ pháp đều vô ngã.
Hai thứ ấy chính là nhân trong "Tất cả pháp nhờ nhân duyên mà khởi ra.". Vậy, nhân duyên trong câu này thì nhân từ hai thứ mà có, duyên cũng từ hai thứ mà có.
Sang Ho! Thật tướng mà nói thì chẳng có bất cứ pháp. Tại sao nói là chẳng có bất cứ pháp? Vì tất cả pháp đều từ hai thứ mà có, chúng sinh si mê và vật chất. Khi nói thật tướng nghĩa rằng nói không si mê, vì không si mê nên pháp chẳng được thành lập. Pháp chẳng được thành lập nên nói chẳng có bất cứ pháp. Ví như ông nhìn vào cái bàn mà nói nó là cái bàn, đây là pháp cái bàn. Nếu như ông không si mê, trí huệ của ông sáng suốt thì khi ấy ông nhìn thấy thật tướng của vật chất (hạt sơ cấp và tánh của nó) và nói nó là một nhóm hạt sơ cấp chứ chẳng nói nó là cái bàn, nên chẳng có cái bàn, nghĩa là chẳng có pháp cái bàn. Ví như ông nhìn vào thân ngũ ấm của tôi mà nói đây là Pháp Không Chân Như, ông nhìn vào thân ngũ ấm của con mèo mà nói đây là con mèo. Nếu như ông không si mê, trí huệ của ông sáng suốt thì khi ấy ông nhìn thấy thật tướng của vật chất và nói đây là một nhóm hạt sơ cấp và những động có liên quan, kia là một nhóm hạt sơ cấp và những động có liên quan chứ ông chẳng nói đây là Pháp Không Chân Như, kia là con mèo. Nghĩa là chẳng có pháp thân ngũ ấm Pháp Không Chân Như, pháp thân ngũ ấm con mèo.
Sang Ho! Vậy thì tại sao chư Phật nói pháp này, pháp kia trong khi chư Phật thấy được thật tướng của chúng sinh và vật chất? Sang Ho! Vì chúng sinh si mê nên phải có phân biệt thì mới biết, không phân biệt thì chẳng thể nhận biết. Phải dụng cái biết của từng loài chúng sinh mà nói giáo pháp thì chúng sinh mới hiểu. Nếu chỉ nói bằng nghĩa thật tướng thì chúng sinh chẳng hiểu. Nhưng nếu dụng nghĩa thế gian để nói về thật tướng thì chúng sinh có thể hiểu. Nếu chẳng dụng nghĩa thế gian để nói ra giáo pháp thì chẳng có giáo pháp để chúng sinh học và tu. Ví như khi tôi nói “Sang Ho” thì mọi người đều hiểu tôi đang nói với ông. Nếu tôi nói “ngã ơi” thì chẳng ai biết tôi đang nói với ông hay nói với Phật. Ví như có vài con mèo đứng cạnh tôi, ông đứng từ xa nhìn về chúng tôi nói “nhóm hạt sơ cấp và những động có liên quan này là thân ngũ uẩn của con người, nhóm hạt sơ cấp kia và những động có liên quan là thân ngũ uẩn của con mèo” thì tôi chẳng thể biết ông đang nói thân tôi là thân con người hay thân con mèo.
Cư sĩ Sang Ho nói: Cảm ơn Thầy vì con mà giảng dạy! Con hiểu rồi.

Không có nhận xét nào: