Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

LÀM CÁCH NÀO DIỄN GIẢI PHẬT PHÁP CHO DỄ HIỂU

Các vị luận sư ngày xưa có chứng ngộ và họ muốn diễn tả những chứng ngộ đó nhưng họ không có cách diễn tả thích hợp. Tại sao ? Bởi vì muốn giải thích cho người thế gian hiểu, họ phải sử dụng ngôn ngữ và các khái niệm của thế gian. Mà thời xưa khoa học chưa phát triển, nên muốn diễn tả những điều đi trước khoa học hàng ngàn năm, họ không có cách nào để diễn tả cho rõ ràng minh bạch. Họ chỉ có cách dùng lý luận trừu tượng để diễn tả, nên kết quả là các bộ luận rất dài dòng, mơ hồ và khó hiểu.
Thực tế ngày nay chỉ có những học giả mới đủ kiên trì để đọc hết các bộ luận, còn tín đồ bình thường rất hiếm người chịu khó đọc hết các bộ luận, mà dù có cố gắng đọc, tâm trí họ càng rối bời thêm chứ không có ích lợi gì. Các học giả khi dịch kinh đều phải chú thích thêm, nhưng các học giả không phải ai cũng có đủ hiểu biết về khoa học, nên nhiều khi chú thích cũng không giúp cho kinh rõ ràng hơn, mà có khi lại lấy ý chủ quan của mình xen vào khiến cho kinh lại càng đa đoan. Tuy khoa học cũng không phải tuyệt đối đúng nhưng ít nhất nó cũng là tiêu chuẩn được nhiều người công nhận, mặt khác nó còn có khả năng sáng chế ra nhiều công cụ nâng cao khả năng nhận thức của con người, ví dụ nó có khả năng khám phá ra sóng hấp dẫn, một điều mà Einstein đã tiên đoán từ năm 1916 nhưng phải 100 năm sau, đến nay con người mới tìm thấy trong thực tế. Ai cũng biết là khoa học đã làm thay đổi đời sống của con người trên quả địa cầu này ra sao. Chúng ta không quá sùng bái khoa học, nhưng phải công nhận diễn giải của khoa học là minh bạch, dễ hiểu, dễ tiếp thu và có giá trị ứng dụng.

Do đó, ngày nay khi khoa học đã phát triển, cần thiết phải sử dụng các khái niệm và cách diễn tả của khoa học để diễn giải lại Phật pháp cho minh bạch dễ hiểu, dễ tiếp thu. Nhưng trong xã hội cũng có những tín đồ không chịu đổi mới, họ tuyệt đối trung thành với kinh điển xưa, với cách diễn tả xưa và không chịu khai tâm để tiếp nhận cách diễn tả rất rõ ràng của khoa học, một phần bởi vì họ cũng không mấy am hiểu về khoa học. Ngay cả trong khoa học ngày nay, có nhiều khái niệm vẫn còn khó hiểu đối với chính bản thân các nhà khoa học, huống hồ các tín đồ của các tôn giáo không am hiểu khoa học. Do đó vấn đề không phải dễ giải quyết. Chỉ có những ai quyết tâm mong muốn hiểu rõ Phật pháp mới có thể vượt qua những chướng ngại này. Chúng ta thử trích ra một số trường hợp để làm thí dụ.

Thành Duy Thức Luận, chương 1, Thích Thiên Siêu dịch và chú thích như sau :

Đến Du-già Sư Địa Luận hệ thống hóa thành 200 pháp, đến Duy thức tông thì rút lại còn 100 pháp, gom vào 5 vị, trong đó Tâm thức là chủ.
Năm vị 100 pháp là :
1. Sắc là tướng của thức nhận biết, ngoài thức thì không có tướng sắc.
2. Tâm vương là tự thể của thức.
3. Tâm sở là quyến thuộc, sở thuộc của thức.
4. Bất tương ưng hành là cái bóng của Sắc, Tâm, Tâm sở hợp lại.
5. Vô vi pháp là thực tánh của thức.
100 pháp đều là thức, liên hệ với thức mới có được.
Có người ngờ rằng : sông kia núi nọ khi ta chưa sanh nó đã có, khi ta chết rồi nó vẫn còn, thế sao gọi là thức biến. Hoặc như chiếc máy vi tính, khi khoa học chưa chế ra thì không ai biết, khi khoa học chế ra rồi người ta mới biết, thế sao gọi là thức biến ?
Đâu biết rằng sông kia núi nọ khi ta chưa sanh nó đã có, khi ta chết rồi nó vẫn còn, vậy nó có là có với ai ? Còn với ai ? Ai biết nó có ? Ai biết nó còn ? Nếu khi ta đang sống trong hiện tại mà biết được núi sông khi ta chưa sanh, hay sau khi ta chết, thì đó là cái biết theo tưởng tượng, mà tưởng tượng thì đâu phải ngoại thức.
Vả lại núi kia sông nọ là có, máy vi tính là có, cái có đó có giống cái có của Na-tiên dưới mắt vua Di-lan-đà, hay cái có của chiếc xe dưới mắt Na-tiên không ? Nếu cái có đó cũng giống cái có của Na-tiên dưới mắt vua Di-lan-đà, cái có của chiếc xe dưới mắt Na-tiên, thì đều là cái có do thức biến.
Không phải núi mà thấy núi, là thức biến. Không phải sông mà thấy sông, là thức biến. Không phải vậy mà thấy vậy, là thức biến.

Đọc đoạn đó thì chúng ta hiểu Duy thức tông nói gì và giải thích có rõ ràng hơn về nghi vấn ở câu cuối hay không? Đa số người đọc cảm thấy rất mơ hồ, không mấy rõ ràng.

Còn dưới đây là cách diễn tả của khoa học :

Tất cả các pháp thế gian từ vật chất cho tới tinh thần đều là Thức (duy thức). Thức tức là thông tin. Tại sao vật chất (Sắc) cũng là thông tin ? Bởi vì những đồ vật mà ta tiếp xúc như cái nhà, chiếc xe, cái bàn, thân thể tứ đại của mình, chúng ta không hề tiếp xúc trực tiếp với chúng, chúng ta chỉ tiếp xúc với thông tin của chúng. Thông tin đó biến thành dòng điện mang tín hiệu của chúng và được não nhận biết tại các trung khu thần kinh của não. Các trung khu tương ứng với tiền ngũ thức để tạo cảm giác : thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc. Còn đại não là nơi tổng hợp các cảm giác và phân biệt chúng để tạo thành ý thức. Ngoài 6 thức đó, còn có mạt-na là thức chấp ngã, nó giống như ổ đĩa cứng, tự khu biệt mình với các ổ đĩa cứng khác và với internet. A-lại-da thức là cái kho chứa khổng lồ, giống như internet.

A-lại-da thức tức là tâm vương, còn tất cả những nhận thức, cảm giác, phân biệt, tinh thần, tình cảm, sướng khổ… đều là tâm sở.

Thực tướng của Thức là sóng tiềm năng phi vật chất và có thể biểu diễn dưới dạng số (digital). Chúng ta không thể chứng minh là sóng tiềm năng đó tồn tại, vì nó vô hình, vô thể, vô sở trụ. Nhưng biểu hiện của sóng là rõ ràng, đó chính là cảnh tượng chúng ta thấy, cảm nhận trên thế gian. Video sau đây diễn tả lại dưới dạng hình ảnh.


Còn đối với nghi vấn nêu lên ở đoạn cuối, câu trả lời là : Ai biết sông kia núi nọ trước khi ta sanh ra đã có, khi ta chết nó vẫn còn ? Hay đó chỉ là tưởng tượng ? Bởi vì cảm giác có núi có sông, ai cũng cảm thấy nên mọi người đều cho rằng nó khách quan, ở ngoài tâm thức. Ngay cả Einstein, nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20, cũng nghĩ như vậy khi ông cho rằng “Chẳng lẽ khi không có ai nhìn Mặt trăng thì nó không tồn tại hay sao ?”

Quả đúng là Mặt trăng không tồn tại độc lập đối với tâm thức, Duy Thức học nói rằng Mặt trăng chỉ là ảo giác. Vì có đông người có cùng ảo giác giống nhau nên người ta cho là khách quan. Thực tế là Mặt trăng chỉ tồn tại trong tâm thức chứ không có thực thể. Các nhà khoa học hiện đại cũng đồng tình với duy thức học. Mặt trăng thực tế là trống rỗng, đó chỉ là một cấu trúc ảo, cấu tạo bằng các hạt ảo như quark, electron, nó chỉ là cảm giác chứ không có gì là thực cả. Video sau đây giải thích rõ ràng.


Tóm lại diễn giải của khoa học đem lại cho chúng ta sự nhận thức rõ ràng hơn rất nhiều so với kinh luận, kể cả khi các học giả hiện đại cố gắng chú thích thêm cũng không thể tường tận bằng diễn tả của khoa học.

Khoa học còn có thể giải thích tường tận hơn những chú thích của học giả Phật giáo. Chẳng hạn học giả nói : “Không phải núi mà thấy núi, là thức biến. Không phải sông mà thấy sông, là thức biến. Không phải vậy mà thấy vậy, là thức biến.”

Thức biến cách nào, theo cơ chế nào ? Chúng ta dựa vào kinh điển và diễn giải của khoa học để làm rõ hơn cách mà Thức biến, như sau :

Kinh Hoa Nghiêm nói : “Các pháp không có tự tánh” Khoa học, cụ thể là Niels Bohr, hiểu câu này như sau : Các tính chất đặc trưng của hạt photon như vị trí, khối lượng, điện tích, số spin (chiều và vòng xoay) của hạt là bất định (uncertainty), là không sẵn có (unavailable). Những đặc trưng đó là do con người gán ghép cho hạt khi tiến hành quan sát và đo đạc. Tóm lại hạt là ảo “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập thì chỉ là hạt ảo trừu tượng- tức không phải có thật), đặc trưng của hạt là do con người gán ghép. Như vậy các hạt cơ bản chỉ là hạt ảo và các đặc trưng của chúng là do tâm của con người gán ghép, cho nên Mặt trăng hay sông núi chỉ là tưởng tượng của con người dựa trên cấu trúc ảo của các hạt và thói quen tưởng tượng của con người. Vậy vật không phải là thực thể khách quan mà là tưởng tượng chủ quan. Vì nhiều người có tưởng tượng gần giống nhau nên tưởng là khách quan, tưởng là có vật ở ngoài, chứ thực ra là tâm tưởng tượng ra vật bằng cả 6 giác quan đồng bộ nên không có cách nào kiểm tra được tính chất ảo hóa của vật.

Người phản đối Niels Bohr quyết liệt nhất chính là Einstein. Hai người đã tranh cãi nhau từ năm 1935 cho đến khi cả hai qua đời, bất phân thắng bại. (Einstein qua đời năm 1955, Bohr mất năm 1962). Nhưng đến năm 1982 thì Alain Aspect đã tiến hành một cuộc thí nghiệm có tính chất quyết định xem ai đúng ai sai, tại Paris. Đây là cuộc thí nghiệm về liên kết lượng tử (quantum entanglement). Kết quả như giới khoa học đều biết, phần thắng đã nghiêng về Niels Bohr.


Tuy kinh điển là tràng giang đại hải và mơ mơ hồ hồ không mấy rõ ràng đối với tuyệt đại đa số tín đồ, nhưng kinh điển là do các bậc giác ngộ nói ra, trong đó có những ấn chứng. Các bậc giác ngộ đã chứng nghiệm và đúc kết thành những câu rất ngắn gọn nhưng hàm súc nói lên những ý nghĩa quan trọng, tôi gọi đó là những ấn chứng, nghĩa là các tổ sư đã chứng ngộ và đúc kết lại thành những dấu ấn. Tín đồ chỉ cần thấu suốt các dấu ấn đó chứ không thể đọc hết kinh điển.

Lấy thêm một thí dụ khác : (trích Bài Tựa Luận Thành Duy Thức, Thích Thiện Siêu dịch)

Ba tự tánh : Biến kế sở chấp, Y tha khởi và Viên thành thật có ý nghĩa không khác gì ý nghĩa “không, giả, trung” trong bài tụng ở Trung luận : “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị không, thị danh vi giả danh, diệc danh Trung đạo nghĩa”. Biến kế sở chấp ngã pháp là “không”, Tâm, Tâm sở và Kiến tướng phần Y tha khởi huyễn sự là “giả”. Viên thành thật tức chơn như là “trung”.
Ngài Long Thọ đứng trên chơn không vô tướng, Viên thành thật tánh mà phá Biến kế chấp. Ngài Thế Thân đứng trên Duy thức Y tha khởi để phá biến kế chấp. Hai phương thuốc cùng chữa một bệnh, bệnh ảo tưởng về thật ngã, thật pháp.
Luận sư Thanh Biện vì phá vọng tình chấp có cho nên nói hết thảy pháp đều không. Luận sư Hộ Pháp vì phá vọng tình chấp không. Cho nên nói hết thảy pháp Duy thức huyễn có. Nói không để phá có, nói có để phá không, đều cùng mục đích đưa tri kiến người ta tới chỗ ngộ nhập thật tướng Trung đạo, lìa tứ cú tuyệt bách phi.
Nói Bát-nhã không, nhưng ý không phải trụ lại nơi không. Nếu trụ lại nơi không thì thành ác thủ không. Nói Duy thức có, nhưng ý không phải trụ lại nơi Duy thức có. Nếu trụ lại nơi Duy thức có, tức là pháp chấp. Như trong luận Thành Duy Thức cuốn hai nói : “Nếu chấp Duy thức là thật có, thì không khác gì chấp ngoại cảnh, cũng là pháp chấp”.

Đối với đoạn kinh luận trên thì khoa học diễn giải như thế nào ?

Ý nghĩa của 3 nguyên lý khiến cho một pháp xuất hiện là :

Biến kế sở chấp 遍計所執 Biến kế nghĩa là cho là. Sở chấp là cái mà ta nắm giữ. Vậy biến kế sở chấp là cái vọng tưởng mà ta cho là có thật. PG nói tất cả các pháp đều không có thật, nhưng con người tưởng tượng là có thật. 

Khoa học diễn tả nguyên lý Biến Kế Sở Chấp bằng những hình ảnh cụ thể như sau :

Thực tế không có vòng tròn nhưng ta tưởng tượng có một đường tròn

Các đường thực tế là thẳng và song song nhưng ta thấy là cong vì mặt phẳng bị lồi lên hay biến dạng

Các cột đều bằng nhau nhưng ta thấy cột màu xanh lá cây lớn nhất vì gần với góc nhìn nhất

Độ sáng của các chấm tròn đều như nhau nhưng ta thấy chấm số 3 mờ nhất chỉ vì nó tiệp nhất với màu nền

Màu sắc của ánh sáng qua lăng kính hiện lên quang phổ bảy màu đều là do ta tưởng tượng do mỗi loại ánh sáng có độ dài sóng khác nhau chứ màu sắc không có thật

Ta hình dung đây là cô gái hay mụ phù thủy hoàn toàn là do ta tưởng tượng

Tóm lại, tất cả những cảm nhận của con người đều là biến kế sở chấp, là tưởng tượng chứ không phải thật.

Y tha khởi 依他起 nghĩa là dựa vào cái khác mà phát sinh. Ví dụ nguyên tử là phải vào hạt nhân và electron mới xuất hiện, hạt nhân phải dựa vào proton và neutron. Proton và neutron phải dựa vào quark. Hạt quark và hạt electron phải dựa vào sóng tiềm năng phi vật chất cùng với tưởng tượng của lục căn mới xuất hiện được. Tưởng tượng của lục căn cũng chính là biến kế sở chấp.

Viên thành thật 圓成實 còn gọi là Biến y viên 遍依圓 nghĩa là dựa vào nhiều pháp đồng bộ hóa để xuất hiện cái nhận thức chân thực. Ví dụ sở dĩ cho là cái bánh có thật vì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, bụng no, ý thức biết, tất cả đều đồng bộ khiến cho ta cảm thấy cái bánh hoàn toàn là có thật.

Bát Nhã Tâm Kinh nói : “VÔ SẮC, VÔ THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC, VÔ NHÃN, NHĨ, TỶ, THIỆT, THÂN, Ý, VÔ SẮC THINH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP, VÔ NHÃN GIỚI NÃI CHÍ VÔ Ý THỨC GIỚI” Không có vật chất; không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (các đối tượng của lục căn); không có thế giới của mắt thấy, cho đến không có thế giới của ý thức.

Nghĩa là kinh Bát Nhã nói không có cái gì là có thật cả.

Còn Duy Thức thì nói Tất cả chỉ là thức (duy thức) ngoài ra không có gì là thật cả.

Vậy hai cách nói này có mâu thuẫn không? Không có mâu thuẫn. Bởi vì cái Không của kinh Bát Nhã có nghĩa là không có thật, là ảo, chứ không phải hư vô. Còn cái Thức của Duy Thức là sóng tiềm năng phi vật chất, nó cũng vô hình, vô thể, vô sở trụ, không thể chứng minh là có, nên cũng không khác cái Không của Bát Nhã.

Để dung hòa hai cách nói thì khoa học sẽ dịch lại câu “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” trong kinh Bát Nhã như sau: “Hạt (vật chất) không khác Sóng (tiềm năng), Sóng không khác Hạt; Hạt tức là Sóng, Sóng tức là Hạt”

Thức tức là thông tin có thể biểu diễn dưới dạng số (digital) và có hình thái là sóng tiềm năng phi vật chất, không có không gian, không có thời gian, không có số lượng mà Duy Thức học gọi là A-lại-da (Alaya).

Tóm lại đoạn kinh luận trên có thể được khoa học diễn tả lại rõ ràng hơn rất nhiều.

Bây giờ chúng ta hãy xem qua một số ấn chứng của Phật giáo :

Phật tử chắc cũng có nghe qua Tam Pháp Ấn của Phật giáo. Ba dấu ấn đó là : Vô thường, Khổ và Vô ngã.

Vô thường nghĩa là luôn luôn biến đổi. Hoa sớm nở tối tàn, Người trẻ đẹp khỏe mạnh biến thành già yếu xấu xí bệnh tật. Xuân qua Hè tới, Thu sang Đông tàn. Vô thường còn có nghĩa là bất định, không thể xác định. Khi hạt electron ở dạng sóng, vị trí của nó là bất định, nó ở khắp mọi nơi. Khi ở dạng hạt thì vị trí của nó mới xác định. Khi chúng ta rình xem thì electron là hạt và nó chỉ đi qua một trong hai khe hở gần nhau. Còn khi không có ai nhìn thì nó là sóng và đi qua cùng lúc cả hai khe. Bất định còn có nghĩa là không theo quy luật thông thường. Ví dụ tuổi thọ trung bình của con người là 75 tuổi, nhưng có người mới ngoài 20 đã chết cũng gọi là vô thường.

Khổ là một trong Tứ Diệu Đế. Đời sống của chúng sinh trên thế gian là khổ : nghèo đói; bệnh tật; nóng rét; thiên tai như bão lụt, động đất, sóng thần, núi lửa, hạn hán; nhân họa như áp bức, bất công, tham nhũng, khủng bố, chiến tranh, tranh giành tài nguyên, lãnh thổ; tâm lý con người bất an tóm tắt trong bát khổ (8 điều khổ).

Vô ngã là một dấu ấn nổi bật của Phật giáo. Đây là tiêu chuẩn để phân biệt chánh tà. Vô ngã là chánh, chấp ngã là tà. Sở dĩ vô ngã vì Ngũ Uẩn Giai Không. Sắc (vật chất), Thọ (cảm giác), Tưởng (tưởng tượng), Hành (vận động, hoạt động, chuyển động), Thức (hiểu biết, phân biệt, nhận thức). Năm thứ tích hợp làm thành cái tôi đều không thật có.

Ngoài tam pháp ấn, nhiều ấn chứng khác nằm rải rác khắp các kinh điển. Chứng nghĩa là các bậc giác ngộ như Phật, Tổ đã chứng nghiệm. Ấn là dấu ấn. Ấn chứng là dấu ấn hình thành từ chứng nghiệm của các bậc giác ngộ. Ví dụ kinh Hoa Nghiêm nói : “心如工畫師,畫種種五陰。一切世界中,無法而不造。…一切法無自性” (Tâm như họa sư khéo tay, vẽ đủ thứ ngũ ấm. Trong tất cả thế giới, không pháp gì mà không tạo ra được…Tất cả các pháp đều không có tự tính). “Nhất thiết pháp vô tự tính” đó là một ấn chứng rất quan trọng. Einstein mặc dù cũng rất coi trọng Phật giáo nhưng vẫn chưa hiểu hết PG, do đó mới tranh cãi quyết liệt với Niels Bohr và cuối cùng cho đến lúc qua đời vẫn chưa biết mình sai như video trên đã kể rõ.

Chính vì các pháp đều không có tự tính nên pháp sẽ tùy tâm hiện. Hạt electron sẽ tùy theo tâm thức của người quan sát mà hiện ra là sóng hay là hạt như video sau đây chỉ rõ. Khi tâm vô niệm hoặc không có ai nhìn hay đặt thiết bị rình coi thì electron là sóng. Còn khi tâm hữu niệm, có người nhìn hoặc đặt máy đo thì electron là hạt.


Sóng tiềm năng của hạt electron và hạt quark là những pháp rất lạ lùng. Thân thể chúng ta, nhà cửa, cây cối, đường sá, núi sông…cho tới thiên hà, vũ trụ đều cấu tạo bằng quark và electron. Các hạt này đều có hai hình thái : hạt và sóng. Hạt là có, sóng là không. Do đó không thể khẳng định là vũ trụ Có hay Không Có. Chỉ có thể nói vũ trụ Có nhưng không thật, chỉ là ảo mà thôi.

Khoa học đã giải thích tính chất ảo hóa của vũ trụ bằng hai khái niệm : Trường thống nhất (Unified Field) và Vũ Trụ toàn ảnh (Holographic Universe). Dưới đây là video mô tả :


Đến đây có thể tạm kết luận : Khoa học có khả năng diễn giải rất rõ ràng, có chứng cớ, những ấn chứng trong Phật pháp. Từ đây chúng ta có thể rút ra một phương pháp tu học cũng như truyền bá giáo pháp một cách mới mẻ, hiệu quả và thiết thực.

Chúng ta sẽ diễn giải các ấn chứng của chư Phật, chư Tổ nằm rải rác trong các kinh điển bằng phương pháp mới của khoa học. Những ấn chứng đó nên được trích nguyên văn bằng tiếng Phạn La Tinh hóa, kèm theo chuyển ngữ từ trong Hán Tạng và lời dịch bằng tiếng Việt. Ví dụ, trích dịch 4 bài kệ trong Duy Thức Tam Thập Tụng của Thế Thân.

ātmadharmopacāro hi vividho ya.h pravartate ।
vijñānapari.nāme ‘sau pari.nāma.h sa ca tridhā ॥ 1 ॥

01 由假說我法 有種種相轉 彼依識所變 此能變唯三

Do giả thuyết ngã pháp, hữu chủng chủng tướng chuyển, bỉ y thức sở biến, thử năng biến duy tam. 

Cái ta và các pháp có nguồn gốc là giả, có vô số hình tướng chuyển hóa, cái này là sở biến của thức, cái kia là năng biến của thức gồm 3 thứ.

vipāko mananākhyaś ca vijñaptir vișayasya ca ।
tatrālayākhya.m vijñāna.m vipāka.h sarvabījakam ॥ 2 ॥

02 謂異熟思量 及了別境識 初阿賴耶識 異熟一切種

Vị Dị Thục, Tư Lượng cập Liễu Biệt Cảnh Thức, sơ A Lại Da Thức Dị Thục Nhất Thiết Chủng

Là : Dị Thục Thức, Tư Lượng Thức và Liễu Biệt Cảnh Thức. Thức đầu (Dị Thục Thức) tức là A Lại Da Thức (Alaya) chứa tất cả hạt giống và quả báo.

Dị Thục Vipāka xưa dịch là quả báo. Nhân hay hạt giống sẽ biến thành quả, có thể là cách một hay nhiều đời, có thể nhân biến thành quả ngay trong đời hiện tại, hình thức đa dạng. Tư Lượng Thức tức là Mạt-na thức là thức phân biệt, so sánh, chấp ngã. Liễu Biệt Cảnh Thức tức là Tiền ngũ thức và Ý thức.

asa.mviditakopādisthā navijñaptikañ ca tat ।
sadā sparśamanaskāravitsa.mjñācetanānvitam ॥ 3 ॥

03 不可知執受 處了常與觸 作意受想思 相應唯捨受

Bất khả tri chấp thọ, xử liễu thường dữ xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, tương ứng duy xả thọ

Tiếp nhận mà không thể biết, Alaya thường cùng với xúc (chỉ tiền ngũ thức : thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc thân thể) và ý thức, mạt-na thức, tiếp nhận, tưởng tượng, suy nghĩ, (gọi chung là biến hành tâm sở 遍行心所) tương ứng với giữ, buông, cảm nhận (perception) .

Tóm lại bát thức hoạt động tương tác với nhau tạo ra ngã (cái ta) và pháp (thế giới) mà chúng sinh không hay biết.

upekșā vedanā tatrāniv.rtāvyāk.rtañ ca tat ।
tathā sparśādayas tac ca vartate srotasaughavat ॥ 4 ॥

04 是無覆無記 觸等亦如是 恒轉如暴流 阿羅漢位捨

Thị vô phú vô ký, xúc đẳng diệc như thị, hằng chuyển như bạo lưu, A La Hán vị xả

Alaya là trung tính, vô phú là chưa được gán ghép thuộc tính, vô ký là trung tính, nghĩa là nó không phải thiện cũng không phải ác, không phải tốt cũng không phải xấu, nó chưa phân hóa thành cặp phạm trù mâu thuẫn, không mang đặc trưng, không có thuộc tính (properties) gì hết. Xúc (tiền ngũ thức) cũng vậy. Nó luôn luôn biến chuyển mạnh mẽ như dòng nước cuồn cuộn chảy, tới quả vị A La Hán mới buông bỏ được.

Tóm lại diễn giải các ấn chứng Phật giáo bằng khoa học là một cách làm sớm muộn gì cũng phải diễn ra, bởi vì cách diễn giải của khoa học tốt và rõ ràng hơn, tại sao không sử dụng? Tại sao chỉ bằng lòng với cách lý luận trừu tượng mơ mơ hồ hồ của kinh điển xưa? Phật pháp là một khoa học cao cấp, người học Phật muốn hiểu PG phải có một trình độ khoa học rất cao. Phật và các Tổ Sư xưa, chúng ta đừng tưởng là họ không hiểu về khoa học, họ am tường khoa học hơn các nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại, bằng chứng là Einstein không hiểu khoa học bằng Thích Ca, điều đó đã quá rõ ràng qua cuộc tranh luận nổi tiếng thế kỷ 20 giữa Niels Bohr và Albert Einstein.

Truyền Bình

Không có nhận xét nào: