Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

ĐỌC KINH TRƯỜNG BỘ - TẬP 1

Lời thưa

Đức Phật ra đời vì một hạnh nguyện cao quý nhất là truyền dạy giáo pháp giải thoát cho hết thảy chúng sinh. Bất cứ ai nhận hiểu được những lời dạy của ngài và thực hành theo đều có thể đạt được lợi ích lớn lao, giảm nhẹ dần khổ đau trong hiện tại và hướng đến một cuộc sống hoàn toàn giải thoát.
Vì thế gian này có vô vàn khổ đau nên Phật pháp cũng có vô vàn phương thức đối trị, và mỗi con người là một trường hợp cá biệt nên phương pháp tu tập trong Phật giáo cũng vô cùng đa dạng. Mặc dù vậy, để phù hợp với sự truyền dạy cho từng nhóm người khác nhau, điều tất yếu là Phật pháp cũng dần được phân chia ra những tông phái khác biệt. Tuy nhiên, những khác biệt đó chỉ là phần hình thức hay phương thức vận dụng, trong khi phần tinh túy hay ý nghĩa giáo pháp không hề khác biệt. Do vậy, những ý niệm phân biệt nào dẫn đến sự so sánh hơn kém hay đúng sai giữa các tông phái Phật giáo đều là sai lầm. Mặc dù hệ thống kinh điển, giáo lý đồ sộ của mỗi tông phái đều được bảo lưu và truyền bá với những đặc thù khác biệt, nhưng kết quả cuối cùng nhắm đến thảy đều như nhau. Trong nhiều thế kỷ qua, Kinh điển Bắc truyền được Việt dịch từ Hán tạng hay Kinh điển Nam truyền được Việt dịch từ Kinh tạng Pali đều góp phần tích cực trong việc đưa lời Phật dạy đến với người Phật tử. Và việc thực hành những lời dạy này chắc chắn đều mang đến kết quả lợi lạc như nhau.

Từ thập niên 1960, Hòa thượng Thích Minh Châu đã chuyển dịch và lần lượt xuất bản các bộ kinh Nam truyền. Bản Việt dịch Kinh Trường Bộ được ấn hành Tập I vào năm 1965, Tập II vào năm 1967 và Tập III, Tập IV vào năm 1972. Từ đó đến nay, bản dịch này được tái bản nhiều lần có chỉnh sửa, và lần chỉnh sửa gần đây nhất là bản in vào năm 2020 do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết các chỉnh sửa được thực hiện đều chỉ nhắm đến các lỗi in ấn, chỉ một số rất ít chỉnh sửa thuộc về nội dung. Và như vậy, văn phong nguyên thủy mà Hòa thượng sử dụng từ cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn được bảo lưu gần như nguyên vẹn. Và điều này đã tạo ra một khoảng cách nhất định đối với những độc giả hiện nay, nhất là các độc giả trẻ tuổi, khi tiếp cận kinh văn. Đặc biệt khi những kiến thức về từ ngữ Hán Việt trong thời gian qua đã nhanh chóng suy giảm ngay cả trong tầng lớp trí thức. Do vậy, những trở ngại trong việc đọc hiểu kinh văn cho dù đã được Việt dịch là điều hầu như không tránh khỏi.

Trong thực tế, chính Hòa thượng Thích Minh Châu cũng đã sớm nhận ra điều này khi viết Lời giới thiệu cho Kinh Trung Bộ vào năm 1986, nghĩa là cách nay đã 35 năm. Thầy viết như sau:

“... ... Một sự cố gắng nữa của chúng tôi là Việt hóa một số danh từ để gần với bản sắc dân tộc hơn. Như trước dịch Trung Bộ Kinh, nay sửa lại Kinh Trung Bộ. Trước dịch kinh ‘Nhứt thiết lậu hoặc’, nay sửa lại kinh ‘Tất cả lậu hoặc’. Trước dịch kinh ‘Bố dụ’ nay đổi lại kinh ‘Ví dụ tấm vải’. Trước dịch là ‘Ngưu giác lâm tiểu kinh’ nay dịch lại ‘Tiểu kinh Rừng sừng bò’... ...”

Mặc dù vậy, từ đó đến nay khoảng cách khác biệt đối với các thế hệ trẻ đã ngày càng lớn hơn, vì ngôn ngữ có nhiều chuyển biến nhưng các bản kinh đã dịch thì hoàn toàn cố định. Do vậy, việc tiếp nhận ý nghĩa kinh văn ngày nay lại càng khó khăn hơn với giới trẻ.

Nhận biết được điều này, từ nhiều năm qua chúng tôi luôn mong muốn tìm ra một phương cách để giúp các độc giả trẻ tuổi dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận ý nghĩa kinh văn. Bản văn “Đọc Kinh Trường Bộ” này là kết quả những thao thức suy nghĩ của chúng tôi trong những năm qua, nhằm giúp người đọc có thể nhận hiểu được ý nghĩa kinh văn không quá khó khăn.

“Đọc Kinh Trường Bộ” không phải là một bản dịch, mà là kết quả sự nhận hiểu của bản thân chúng tôi khi tiếp cận kinh văn cùng với sự so sánh, đối chiếu nhiều bản dịch trong các ngôn ngữ khác. Khi trình bày lại những kết quả nhận hiểu đó trong “Đọc Kinh Trường Bộ”, chúng tôi hy vọng sẽ có thể giúp người đọc hiểu được lời Phật dạy một cách dễ dàng hơn. Một khi đã nhận hiểu được những ý nghĩa cơ bản, người đọc sẽ có thể tự mình tìm đọc bản dịch kinh văn để nắm hiểu một cách đầy đủ hơn.

Để thực hiện công việc này, trước hết chúng tôi sử dụng bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu làm nền tảng căn bản. Sau đó, chúng tôi đối chiếu với một số văn bản khác để giúp hiểu rõ kinh văn trước khi ghi lại bằng văn phong và từ ngữ gần gũi hơn với thế hệ độc giả hiện nay. Một cách cụ thể, những văn bản được chúng tôi sử dụng gồm có:

1. Bản Việt dịch từ Pali của Hòa thượng Thích Minh Châu, sẽ được viết tắt là: TMC.

2. Bản in lại (bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu) năm 2019 của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, sẽ được viết tắt là: VNC.

3. Kinh Phạm động (梵動經), thuộc kinh Trường A-hàm (長阿含經), quyển 14, do hai ngài Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm dịch sang Hán ngữ vào đời Hậu Tần, niên hiệu Hoằng Thủy (339-416), được đưa vào Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新脩大藏經), Tập 1, kinh số 1. Đây là bản dịch tương đương của cùng một nội dung kinh. Chúng tôi sử dụng bản Hán ngữ, sẽ được viết tắt là: H1.

4. Kinh Phạm võng lục thập nhị kiến (梵網六十二見經), do Cư sĩ Chi Khiêm (支謙) dịch sang Hán ngữ, được đưa vào Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新脩大藏經), Tập 1, kinh số 21. Đây cũng là bản dịch tương đương của cùng một nội dung kinh. Chúng tôi sử dụng bản Hán ngữ, sẽ được viết tắt là: H2.

5. Kinh Phạm võng (梵網經), là cùng nội dung kinh này được Trang Xuân Giang (莊春江) dịch từ Pali sang Hoa ngữ, lưu hành trên trang SuttaCentral (www. suttacentral.net). Bản Hoa ngữ này sẽ được viết tắt là: H3.

6. The Supreme Net - What the Teaching Is Not, cùng bản kinh này, do Maurice Walshe dịch từ Pali sang Anh ngữ, sẽ được viết tắt là: MW.

7. The Prime Net, cùng bản kinh này, do Bhikkhu Sujato dịch từ Pāli sang Anh ngữ, sẽ được viết tắt là: BS.

8. The All-embracing Net of Views, cùng bản kinh này, do Bhikkhu Bodhi dịch từ Pāli sang Anh ngữ năm 1978, sẽ được viết tắt là: BB.

9. The Perfect Net, cùng bản kinh này, do T. W. Rhys Davids dịch từ Pali sang Anh ngữ, sẽ được viết tắt là: RD.

10. Kinh văn Pali, bản song ngữ Pali-English lưu hành trên trang SuttaCentral (www. suttacentral.net), được đăng kèm theo bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Sujato.

Khi đối chiếu so sánh nội dung từ các văn bản trên, chúng tôi nhận hiểu được rõ hơn ý nghĩa kinh văn trong từng đoạn, từ đó mới diễn đạt lại theo văn phong giản dị và gần gũi nhất với thế hệ trẻ hiện nay. Hy vọng cách làm này sẽ có thể giúp ích phần nào cho các bạn trẻ trong việc tiếp nhận lời Phật dạy. Cho dù chỉ như một khóm hoa góp thêm vào vườn hoa Kinh điển Phật giáo muôn hương ngàn sắc, chúng tôi mong rằng tập sách này sẽ giúp người đọc có thêm một phương tiện mới để học tập Kinh điển. Tuy nhiên, xin nhắc lại rằng đây không phải một bản dịch, càng không nhằm thay thế cho bản dịch hiện có, mà chỉ là một cách chia sẻ sự nhận hiểu trong khả năng hạn hẹp của chúng tôi với những ai cũng đang có cùng ý hướng tìm hiểu lời Phật dạy qua Kinh điển.

Chúng tôi xin chân thành tri ân tất cả những dịch giả Hán ngữ, Hoa ngữ và Anh ngữ, đã đóng góp công sức của mình qua nhiều thế hệ để lưu truyền và đưa lời Phật dạy đến với hết thảy mọi người trên thế giới này, và đặc biệt nhất là Hòa thượng Thích Minh Châu, bậc thầy tiên phong đã khơi mở con đường chuyển dịch Kinh điển Pali sang tiếng Việt, với những đóng góp lớn lao mà cho đến nay vẫn chưa một dịch giả nào khác có thể so sánh được.

Ngoài ra, bên cạnh việc diễn đạt kinh văn chúng tôi cũng bổ sung thêm một số nội dung để giúp người đọc có một góc nhìn rộng hơn về kinh văn, cụ thể gồm các phần như sau:

1. Dẫn nhập: Giới thiệu khái quát nhất về nội dung bản kinh, nhằm giúp người đọc làm quen trước khi đọc kinh.

2. Đọc kinh: Là phần nội dung chính của kinh văn.

3. Cấu trúc: Phân tích kết cấu bản kinh, nhằm giúp người đọc tổng kết lại nội dung kinh văn sau khi đọc qua.

4. Hội ý: Gợi ý tìm hiểu ý nghĩa kinh văn trong bối cảnh ra đời và khả năng vận dụng thích hợp trong bối cảnh hiện đại.

Những phần này chỉ là gợi mở, nhằm giúp người đọc qua đó có thể tự mình đạt đến một nhận thức hay phán đoán độc lập theo chiều hướng chiêm nghiệm và so sánh kinh nghiệm tu tập của tự thân. Như vậy, người đọc sẽ không chỉ tiếp cận kinh văn như một bản văn đơn thuần, mà còn thực sự cố gắng đi sâu vào tìm hiểu những ý nghĩa, nội hàm sâu xa và tính chất thực nghiệm của bản kinh, cũng như những ý nghĩa tương đồng có thể tìm thấy trong bối cảnh ngày nay.

Cuối cùng, nếu việc làm này có thể mang lại được đôi chút lợi ích cho người học Phật, chúng tôi xin hồi hướng mọi công đức về cho hết thảy chúng sinh, nguyện cho tất cả đều được thấm nhuần lời Phật dạy để sớm có được cuộc sống an vui ngay trong hiện tại và mãi mãi về sau.

Trân trọng,
NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN
---

Kinh LƯỚI TÀ KIẾN - I. Dẫn nhập

Bản kinh này được đức Phật thuyết dạy khi Ngài và đại chúng tỳ-kheo đang trên đường đi từ Rājagaha (Vương Xá) đến Nālanda và nghỉ đêm lại ở một nhà nghỉ do đức vua xây dựng, nằm ở khoảng giữa cuộc hành trình.

Thầy ngoại đạo Suppiya và người đệ tử của ông, trong lúc cùng đi theo sau đức Phật và chúng tăng, đã có những lời lẽ trái ngược nhau. Trong khi vị thầy dùng nhiều lời hủy báng Tam bảo thì người đệ tử của ông lại nói ra nhiều lời xưng tán. Nhân sự việc này, đức Phật đã dạy các tỳ-kheo về thái độ đúng đắn cần phải có trước những lời khen chê của người khác.

Và liên quan đến những lời khen ngợi, xưng tán của người thế gian, đức Phật đã chỉ ra khác biệt giữa sự khen ngợi, xưng tán của một người thế tục với tầm nhìn hạn hẹp, so với sự khen ngợi, xưng tán của một bậc trí tuệ có khả năng nhận biết được những giáo pháp sâu xa, uyên áo do đức Phật tự thân chứng ngộ và thuyết dạy. Theo đó, sự kính ngưỡng của người thế gian đối với đức Phật chỉ xuất phát từ những gì họ nhận biết được bằng nhận thức hạn hẹp của mình, và đó chỉ là những biểu hiện hình tướng qua các oai nghi, giới hạnh mà đức Phật đã tự mình thực hành cũng như dạy cho tất cả các vị tỳ-kheo. Những điều này là cao quý, rất đáng xưng tán giữa thế gian, nhưng sẽ là “những điều nhỏ nhặt” khi so sánh với chỗ thấy biết thâm sâu và siêu việt của đức Phật, là những hiểu biết có thể giúp hành giả chấm dứt sinh tử luân hồi.

Và để nêu bật tính chất siêu việt của Giáo pháp, vốn là “những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được”, đức Phật đã giảng giải tổng quát về 62 tà kiến của các luận sư ngoại đạo đương thời, cũng chính là những quan điểm, nhận thức sai trái đã trói buộc hành giả trên con đường giải thoát. Khi chỉ rõ sự hạn cuộc và sai lệch của những tà kiến này, đức Phật đã cho thấy những gì Ngài đã tự thân chứng ngộ và thuyết dạy là hoàn toàn vượt trên tất cả những tà kiến đó.

Điều tuyệt diệu nhất trong bản kinh này là đức Phật không chỉ vạch rõ những tà kiến ấy, mà còn nêu rõ nguyên nhân nào đã làm sinh khởi chúng và bằng cách nào một vị tỳ-kheo chân chánh có thể vượt ra khỏi những tà kiến ấy để tự mình thấy biết và chứng nghiệm được con đường giác ngộ.

Cuối cùng, khi Tôn giả A-nan (Ānanda) thưa hỏi về tên kinh, đức Phật nói ra 5 tên gọi, cũng chính là 5 ý nghĩa tiêu biểu quan trọng của kinh này:

1. Kinh Lưới lợi ích (Atthajāla Sutta): Kinh này là tấm lưới mang lại sự lợi ích cho người đời, vì người học kinh có thể đạt được lợi ích lớn lao từ sự nhận biết, phân biệt và dứt trừ các tà kiến, tu tập đúng chánh kiến.

2. Kinh Lưới pháp (Dhammajāla Sutta): Kinh này là tấm lưới dệt bằng giáo pháp, hay chân lý, tóm gọn hết thảy các phạm vi lý luận siêu hình của tất cả ngoại đạo đương thời, giúp người học kinh nhận biết, phân biệt được các pháp đó mà không sợ sai sót.

3. Kinh Lưới Phạm thiên (Brahmajāla Sutta): Kinh này là tấm lưới quý báu, mầu nhiệm của Phạm thiên, vua cõi trời. Gọi tên như vậy là so sánh tấm lưới này có công năng mầu nhiệm tóm bắt tất cả những kiến giải sai lầm, hạn hẹp và nhờ đó giúp người học kinh không bị trói buộc vào những kiến giải sai lầm, hạn hẹp đó.

4. Kinh Lưới tà kiến (Ditthijāla Sutta): Kinh này là tấm lưới tóm bắt toàn bộ 62 tà kiến, tức là những quan điểm, học thuyết sai lệch đương thời của các luận sư ngoại đạo, khiến cho những vị ấy cho dù có biện giải, lập luận theo bất kỳ phương thức nào cũng không thể thoát ra khỏi những điểm sai trái, lệch lạc mà đức Phật đã chỉ rõ.

5. Kinh Vô thượng chiến thắng (Sangāmavijaya Sutta): Kinh này vượt trên tất cả các luận thuyết của ngoại đạo đương thời, nên trong cuộc luận chiến giữa đúng và sai, chánh và tà, người học kinh này sẽ luôn nắm giữ phần chiến thắng cao thượng nhất, không thể bị khuất phục bởi bất kỳ luận thuyết, tà kiến nào của ngoại đạo.

II. Đọc kinh

1. Duyên khởi

1.1. Câu chuyện của ngoại đạo

Đúng thật tôi được nghe thế này. Khi ấy, đức Thế Tôn cùng 500 vị tỳ-kheo đang trên đường từ Rājagaha (Vương Xá) đến Nalanda.

Lúc ấy, thầy ngoại đạo Suppiya và đệ tử là thanh niên Brahmadatta cùng đi trên đường, theo sau đức Thế Tôn. Thầy ngoại đạo Suppiya dùng đủ mọi lời để hủy báng Phật, Pháp và Tăng đoàn, còn người đệ tử Brahmadatta thì dùng đủ mọi lời để xưng tán Phật, Pháp và Tăng đoàn. Như vậy, họ nói ra những lời trái ngược nhau trong khi đi theo sau đức Phật và các vị tỳ-kheo.

Rồi đức Thế Tôn và chúng tỳ-kheo đến nghỉ đêm tại Ambalaṭṭhikā, trong nhà nghỉ do đức vua xây dựng. Thầy ngoại đạo Suppiya và người đệ tử Brahmadatta cũng đến nghỉ đêm tại Ambalaṭṭhikā, trong nhà nghỉ do đức vua xây dựng. Tại đây, Suppiya tiếp tục nói ra đủ mọi lời hủy báng Phật, Pháp và Tăng đoàn, trong khi Brahmadatta thì nói ra đủ mọi lời xưng tán. Như vậy, họ tiếp tục nói ra những lời trái ngược nhau.

Lúc vừa rạng sáng, có nhiều vị tỳ-kheo sau khi thức dậy cùng đến ngồi trong giảng đường hình tròn và bàn luận như sau:

- Này các thầy, thật kỳ diệu, hiếm có thay! Đức Thế Tôn là bậc thấy biết tất cả, bậc A-la-hán, bậc Giác ngộ Vô thượng, thấu hiểu mọi khuynh hướng sai khác của chúng sanh. Vậy mà ngoại đạo Suppiya dùng đủ mọi lời để hủy báng Phật, Pháp và Tăng đoàn, trong khi đệ tử ông ấy lại dùng đủ mọi lời xưng tán. Như vậy, họ đã nói những lời trái ngược nhau trong khi đi theo sau đức Thế Tôn và chúng ta.

Lúc ấy, đức Thế Tôn biết được câu chuyện đang bàn luận giữa các vị tỳ-kheo, liền đi đến giảng đường hình tròn và ngồi xuống chỗ đã được dành sẵn rồi hỏi các vị tỳ-kheo:

- Này các tỳ-kheo, các thầy đang bàn luận chuyện gì ở đây? Có chuyện gì các thầy chưa nói xong?

Khi được hỏi, các vị tỳ-kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Lúc vừa rạng sáng, chúng con thức dậy, đến ngồi trong giảng đường hình tròn này và bàn luận với nhau rằng: “Này các thầy, thật kỳ diệu, hiếm có thay! Đức Thế Tôn là bậc thấy biết tất cả, bậc A-la-hán, bậc Giác ngộ Vô thượng, thấu hiểu được mọi khuynh hướng sai khác của chúng sanh. Vậy mà thầy ngoại đạo Suppiya dùng đủ mọi lời để hủy báng Phật, Pháp và Tăng đoàn, còn đệ tử ông ấy lại dùng đủ mọi lời để xưng tán. Như vậy, họ đã nói những lời trái ngược nhau trong khi đi theo sau đức Thế Tôn và chúng ta.” Bạch Thế Tôn, đó là câu chuyện chúng con đang bàn luận dở dang khi Thế Tôn đến.

1.2. Thái độ đúng đối với sự khen chê

1.2.1. Thái độ đúng khi bị chê

[Đức Phật dạy:] Này các tỳ-kheo, nếu có người hủy báng ta, hủy báng Giáo pháp hay Tăng đoàn, các thầy đừng vì thế mà phẫn nộ, khởi tâm ác hại và bực tức. Này các tỳ-kheo, nếu có người hủy báng ta, hủy báng Giáo pháp hay Tăng đoàn, và nếu các thầy phẫn nộ, khởi tâm ác hại và bực tức, thì chính các thầy sẽ bị chướng ngại. Vì trong trường hợp đó, nếu phẫn nộ và khởi tâm như vậy, các thầy có phán đoán lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai được chăng?

- Bạch Thế Tôn, không thể được!

- Này các tỳ-kheo, khi có người hủy báng ta, hủy báng Giáo pháp hay Tăng đoàn, các thầy phải giải thích những điểm không đúng sự thật. Hãy nói rõ: “Điểm này không đúng thật, vì những lý do này... Điểm này không chính xác, vì những lý do này... Chúng tôi không làm như thế này... Giữa chúng tôi không xảy ra việc này...”

1.2.2. Thái độ đúng khi được khen

Này các tỳ-kheo, nếu có người ngợi khen xưng tán ta, xưng tán Giáo pháp hay Tăng đoàn, các thầy đừng vì thế mà quá thích thú, vui mừng, phấn khích. Này các tỳ-kheo, nếu có người ngợi khen xưng tán ta, xưng tán Giáo pháp hay Tăng đoàn, và nếu các thầy quá thích thú, vui mừng, phấn khích, thì chính các thầy sẽ bị chướng ngại, [không thể phán đoán những lời ấy là đúng hay sai].

Này các tỳ-kheo, nếu có người ngợi khen xưng tán ta, xưng tán Giáo pháp hay Tăng đoàn, các thầy chỉ nên thừa nhận những gì đúng thật. Hãy nói rõ: “Điểm này đúng sự thật, như thế này... Điểm này chính xác, như thế này... Chúng tôi có làm như thế này... Giữa chúng tôi có xảy ra việc này...”

2. Khác biệt giữa người tầm thường và bậc trí tuệ

2.1. Sự xưng tán của người tầm thường

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường xưng tán Như Lai vì những điều nhỏ nhặt thuộc oai nghi và giới hạnh [mà họ nhìn thấy]. Này các tỳ-kheo, thế nào là những điều nhỏ nhặt thuộc oai nghi giới hạnh mà người thế tục thường xưng tán Như Lai?

2.1.1. Oai nghi giới hạnh: Các đoạn ngắn

“Sa-môn Gotama từ bỏ sự giết hại, tránh xa việc giết hại, từ bỏ gậy gộc, dao, kiếm... biết xấu hổ và tự hổ thẹn [đối với việc xấu], có lòng từ ái, bi mẫn, nghĩ đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama từ bỏ sự lấy của không cho, tránh xa việc lấy của không cho, chỉ nhận lấy những gì đã được cho, chỉ mong muốn những gì đã được cho, sống trong sạch không làm việc trộm cướp.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama từ bỏ sự tham dâm, tu hạnh thanh tịnh không dâm dục, sống đời giải thoát, từ bỏ sự dâm dục hèn kém.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama từ bỏ sự nói dối, tránh xa việc nói dối, chỉ nói những lời chân thật, y theo sự thật, đáng tin cậy, giữ lời hứa, không lừa gạt người khác.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama từ bỏ việc nói hai lưỡi, tránh xa việc nói hai lưỡi; không nghe chỗ này đem nói chỗ kia để gây chia rẽ những người này; không nghe chỗ kia đem nói chỗ này để gây chia rẽ những người kia. Sa-môn Gotama nói để hòa hợp những người đang chia rẽ, gắn kết thêm những người đã hòa hợp, hoan hỷ trong sự hòa hợp, nói những lời đưa đến sự hòa hợp.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama từ bỏ việc nói lời độc ác, tránh xa việc nói lời độc ác, chỉ nói những lời không lỗi lầm, những lời dễ nghe, những lời thương yêu, thấu tận lòng người, những lời tao nhã, làm đẹp lòng, vui lòng nhiều người. Sa-môn Gotama nói những lời như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama từ bỏ việc nói lời thêu dệt vô nghĩa, tránh xa việc nói lời thêu dệt vô nghĩa, chỉ nói ra đúng lúc những lời chân thật, có ý nghĩa, nói ra những lời phù hợp với Chánh pháp và Giới luật, nói những lời đáng ghi nhớ, những lời hợp lý, ngắn gọn, súc tích và mang lại lợi ích.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama không làm hư hại các loại hạt giống và thực vật.

“Sa-môn Gotama ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, không ăn sau giờ giữa trưa.

“Sa-môn Gotama từ bỏ không xem hay nghe ca, múa, nhạc, kịch.

“Sa-môn Gotama từ bỏ không trang sức bằng vòng hoa, không dùng hương thơm, dầu thoa và các đồ trang sức.

“Sa-môn Gotama từ bỏ không dùng các loại giường nằm cao rộng.

“Sa-môn Gotama từ bỏ không sở hữu vàng bạc.

“Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận hạt ngũ cốc chưa nấu chín.

“Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận thịt chưa nấu chín.

“Sa-môn Gotama từ bỏ không sở hữu đàn bà, con gái.

“Sa-môn Gotama từ bỏ không sở hữu tôi tớ trai gái.

“Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận cừu, dê. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận gia cầm và heo. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái...

“Sa-môn Gotama từ bỏ không sở hữu ruộng nương đất đai.

“Sa-môn Gotama từ bỏ không sai phái người môi giới hoặc tự mình làm môi giới.

“Sa-môn Gotama từ bỏ không làm việc buôn bán.

“Sa-môn Gotama từ bỏ sự gian lận bằng cách cân đong, đo lường [không chính xác].

“Sa-môn Gotama từ bỏ các thói xấu như hối lộ, gian trá, lừa đảo...

“Sa-môn Gotama từ bỏ những việc gây thương tích, giết hại, giam nhốt, cướp đoạt, trộm cắp, phá hoại.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

2.1.2. Oai nghi giới hạnh: Các đoạn vừa

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn làm hư hại các loài thực vật và cây con, như cây con sinh ra từ củ rễ, cây con sinh ra từ giâm cành, cây con sinh ra từ ghép mắt, cây con sinh ra từ cây mẹ và cây con sinh ra từ hạt giống. Trong khi đó, Sa-môn Gotama không làm hư hại các loài thực vật và cây con.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn cất chứa và thọ hưởng các đồ vật, như cất chứa các món ăn, cất chứa thức uống, cất chứa vải vóc, xe cộ, ngọa cụ, hương liệu, các loại gia vị... Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ không cất chứa các vật như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn ham mê các trò giải trí không chân chánh như ca, múa, nhạc, kịch, ngâm vịnh, nhịp tay, tụng chú, đánh trống, diễn các tuồng thần tiên, diễn võ, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò đực, đấu dê, đấu cừu, đấu gà, đấu chim cun cút, đấu gậy, đấu quyền, đấu vật, đánh trận giả, dàn trận, thao dượt, diễn binh. Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ các trò giải trí không chân chánh như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn đam mê thú vui cờ bạc và các trò tiêu khiển như chơi cờ 64 ô vuông, chơi cờ 100 ô vuông, chơi cờ không bàn, chơi nhảy ô lò cò, chơi rút thẻ, chơi đổ súc sắc, chơi đánh khăng, chơi vẽ hình bằng tay, chơi banh, chơi thổi kèn lá, chơi trò cày ruộng giả, chơi nhào lộn, chơi chong chóng gió, chơi trò đo lường, chơi xe cộ hay cung tên đồ chơi, chơi đoán chữ viết trên không hay do người khác viết trên lưng mình, chơi đoán ý nghĩ của người khác, chơi bắt chước bộ điệu. Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ không ham mê cờ bạc và các trò tiêu khiển như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn ưa thích dùng giường ghế cao rộng như ghế bành, ghế dài, nệm trải giường bằng len, vải trải giường nhiều tấm nhiều màu, chăn len trắng, chăn len thêu bông, nệm bông, nệm thêu hình các con thú, mền lông thú cả hai phía, mền lông thú một phía, mền có đính ngọc, mền lụa, tấm thảm lớn đủ chỗ 16 người múa, các loại thảm dùng cho voi, cho ngựa, cho xe, nệm bằng da sơn dương khâu lại, tấm thảm với mùng che phía trên, ghế dài có gối màu đỏ trên đầu và dưới chân. Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ không dùng các loại giường nệm cao rộng như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn ưa thích dùng các đồ trang sức và mỹ phẩm, như thoa dầu thơm khắp thân thể, xoa bóp thân thể, tắm nước thơm, nắn vỗ chân tay, dùng gương soi mặt, kem thoa mặt, vòng hoa, phấn, son, phấn và sáp thoa mặt, đeo vòng tay, đội tóc giả, gậy cầm tay, ống thuốc, gươm, lọng, dép thêu, khăn đội đầu, ngọc quý, phất trần, vải trắng có viền tua dài... Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ không dùng các thứ trang sức và mỹ phẩm như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn ưa thích nói những câu chuyện vô ích, tầm thường, như chuyện về vua chúa, chuyện về kẻ trộm, chuyện về các quan chức, chuyện về binh lính, những câu chuyện hãi hùng, chuyện về chiến tranh, chuyện về thức ăn uống, chuyện về vải vóc, chuyện về giường nằm, chuyện về vòng hoa, hương liệu, chuyện về bà con, chuyện về xe cộ, chuyện về làng xóm, chuyện về thị xã, thành phố, chuyện về các đất nước, chuyện về đàn bà, đàn ông, chuyện về các anh hùng, chuyện tán gẫu bên lề đường, chuyện ở chỗ lấy nước, chuyện về người đã chết, những câu chuyện tạp thoại, chuyện về hiện trạng của thế giới, hiện trạng của đại dương, chuyện về sự hiện hữu và không hiện hữu... Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ không tham gia những câu chuyện vô ích, tầm thường như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn ham mê bàn luận tranh chấp, như nói: ‘Các người không biết pháp và luật này, ta biết pháp và luật này.’ ‘Làm sao các người biết được pháp và luật này?’ ‘Các người đã rơi vào tà kiến, ta mới thật đúng chánh kiến; lời nói của ta mới thích hợp, lời nói của các người không thích hợp; những điều đáng nói trước, các người lại nói sau, những điều đáng nói sau, các người lại nói trước; lập luận của các người đã bị bác bỏ; câu nói của các người đã bị thách thức; các người đã bị thua. Hãy giải thích về quan điểm của các người; các người hãy cố gắng thoát khỏi bế tắc này...’ Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ hết thảy những biện luận, tranh chấp như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn làm việc đưa tin qua lại, hoặc tự làm môi giới, chẳng hạn như đưa tin cho vua chúa, cho các quan chức, cho các vị sát-đế-lỵ, bà-la-môn, cho các gia chủ, các thanh niên, nói rằng: ‘Hãy đi đến chỗ ấy, hãy đi lại chỗ kia; mang cái này lại đây, đem cái này đến chỗ kia...’ Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ việc đưa tin qua lại hoặc tự làm môi giới.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn sống lừa đảo, nói lời siểm nịnh, gợi ý, gièm pha, lúc nào cũng muốn mưu lợi nhiều hơn. Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ những sự lừa đảo và siểm nịnh như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

2.1.3. Oai nghi giới hạnh: Các đoạn dài

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những việc làm sai trái như xem tướng tay chân, xem tướng thân hình, đoán các điềm lành dữ, đoán mộng, xem các dấu hiệu trên thân thể, xem dấu chuột cắn; tế lửa, tế muỗng, dùng miệng phun hột cải vào lửa, tế vỏ lúa, tế tấm, tế gạo, tế bơ [sữa], tế dầu, tế máu; theo học các khoa xem chi tiết, xem địa lý, xem mộng, cầu thần ban phước, cầu ma quỷ, dùng bùa chú khi ở trong nhà bằng đất; học các khoa rắn, khoa thuốc độc, khoa bọ cạp, khoa chim, khoa quạ, khoa đoán tuổi thọ, khoa ngừa tên bắn, khoa biết tiếng nói của loài vật. Trong khi đó, Sa-môn Gotama tránh xa những việc làm sai trái như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những nghề sai trái như xem tướng các hòn ngọc, tướng que gậy, tướng áo quần, tướng gươm dao, tướng mũi tên, tướng cây cung, tướng vũ khí, tướng đàn bà, tướng đàn ông, tướng thiếu niên, tướng thiếu nữ, tướng đầy tớ nam, tướng đầy tớ nữ, tướng voi, tướng ngựa, tướng trâu, tướng bò đực, tướng bò cái, tướng dê, tướng cừu, tướng gia cầm, tướng chim cun cút, tướng con tắc kè, tướng vật tai dài, tướng rùa, tướng thú vật. Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ những nghề sai trái như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những nghề sai trái như đoán trước vua sẽ tiến quân, vua sẽ lui quân; vua trong nước sẽ tấn công, vua nước ngoài sẽ rút quân; hoặc vua nước ngoài sẽ tấn công, vua trong nước sẽ rút quân; vua trong nước sẽ thắng, vua nước ngoài sẽ thua; hoặc vua nước ngoài sẽ thắng, vua trong nước sẽ thua; như vậy phe bên này sẽ thắng, phe bên kia sẽ thua... Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ những nghề sai trái như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những nghề sai trái như đoán trước sẽ có nguyệt thực, sẽ có nhật thực, các vì sao sẽ bị che khuất; mặt trăng, mặt trời sẽ đi đúng quỹ đạo; mặt trăng, mặt trời sẽ đi ngoài quỹ đạo; các vì sao sẽ đi đúng quỹ đạo, các vì sao sẽ đi ngoài quỹ đạo, sẽ có sao băng, sẽ có lửa cháy các phương hướng, sẽ có động đất, sẽ có sấm trời, mặt trăng, mặt trời, các sao sẽ mọc, sẽ lặn, sẽ mờ, sẽ sáng; nguyệt thực sẽ có kết quả như thế này, nhật thực sẽ có kết quả như thế này, sao khuất sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi đúng quỹ đạo sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi ngoài quỹ đạo sẽ có kết quả như thế này, các vì sao đi đúng quỹ đạo sẽ có kết quả như thế này, sao băng sẽ có kết quả như thế này, lửa cháy các phương hướng sẽ có kết quả như thế này, động đất sẽ có những kết quả như thế này, sấm trời sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng, mặt trời, các sao mọc, lặn, mờ, sáng, sẽ có kết quả như thế này... Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ, tránh xa những nghề sai trái như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những nghề sai trái như đoán trước sẽ có nhiều mưa, sẽ có đại hạn, sẽ được mùa, sẽ mất mùa, sẽ được an ổn, sẽ có hiểm họa, sẽ có bịnh, sẽ không có bịnh; hoặc làm các nghề như đếm trên ngón tay, kế toán, cộng số lớn, làm thơ, phán xét chuyện đúng sai của thế tục. Trong khi đó, Sa-môn Gotama tránh xa các nghề sai trái như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những nghề sai trái, như sắp đặt ngày lành để rước dâu, đón rể; lựa ngày giờ tốt để hòa giải, để chia rẽ, để đòi nợ, để mượn tiền, tiêu tiền; hoặc dùng bùa chú để giúp người được may mắn, để khiến người bị rủi ro, để phá thai, để làm cóng lưỡi, để khiến quai hàm không cử động, để khiến cho người phải bỏ tay xuống, để khiến cho tai bị điếc; hoặc hỏi gương ma thuật, hỏi thiếu nữ lên đồng, hỏi thiên thần để biết họa phước; hoặc thờ mặt trời, thờ đại địa, phun ra lửa, cầu Siri nữ thần may mắn. Trong khi đó, Sa-môn Gotama tránh xa các nghề sai trái như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những nghề sai trái, như dùng ảo thuật để được yên ổn, để không phải thực hiện lời hứa, để được che chở khi ở trong nhà đất, để được cường dương, để làm người bị liệt dương, để tìm đất tốt làm nhà, để cầu phước cho nhà mới; làm lễ rửa miệng, lễ hy sinh; làm cho mửa, làm cho xổ, bài tiết các chất nhơ bẩn về phía trên, hoặc về phía dưới; tẩy tịnh trong đầu, thoa dầu trong tai, nhỏ thuốc mắt, cho thuốc lỗ mũi, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, chữa bịnh đau mắt, làm thầy thuốc mổ xẻ, chữa bịnh trẻ em; cho uống thuốc làm bằng các loại rễ cây, ngăn ngừa công hiệu của thuốc. Trong khi đó, Sa-môn Gotama tránh xa các nghề sai trái như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

2.1.4. Tóm lại

Này các tỳ-kheo, đó là những điều nhỏ nhặt thuộc oai nghi giới hạnh mà người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường xưng tán Như Lai.

Này các tỳ-kheo, lại có những pháp khác, sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

Này các tỳ-kheo, thế nào là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được? Thế nào là những pháp Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và thuyết dạy, chỉ những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến?

2.2. Sự xưng tán của bậc trí tuệ: Phá trừ 62 tà kiến

2.2.1. 18 luận chấp về quá khứ

Này các tỳ-kheo có những sa-môn, bà-la-môn, luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, đưa ra những hiểu biết sai khác, dựa trên sự bám víu vào 18 luận chấp.

Như vậy, dựa trên 18 luận chấp nào mà những sa-môn, bà-la-môn ấy khi luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, đưa ra những hiểu biết sai khác?

2.2.1.1. Luận chấp thường còn

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn, chủ trương những luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn, với 4 luận chấp.

Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 4 luận chấp nào để cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn?

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời, vô số trăm đời, vô số ngàn đời, vô số trăm ngàn đời. Vị ấy nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, ăn uống thế này, có những vui thú và khổ đau thế này, tuổi thọ thế này, chết đi thế này... Từ chỗ ấy chết đi, tôi sanh đến chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, ăn uống thế này, có những vui thú và khổ đau thế này, tuổi thọ thế này, chết đi thế này... Từ chỗ kia chết đi, tôi sanh lại chỗ này.”

Như vậy, vị ấy nhớ được nhiều đời quá khứ, với những đặc điểm và chi tiết. Vị ấy nói rằng: “Bản ngã và thế giới là thường còn [từ vô thủy], vốn không sanh ra, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn các loài hữu tình thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy tất cả vẫn thường còn. Tại sao vậy? Vì rằng tôi nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định, có thể nhớ lại nhiều đời quá khứ với những đặc điểm và chi tiết, nên biết rằng bản ngã và thế giới là thường còn [từ vô thủy], vốn không sanh ra, còn những loài hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy tất cả vẫn thường còn.”

Này các tỳ-kheo đó là lập trường thứ nhất, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số vị sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn.

Trường hợp thứ hai, có một số sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như một kiếp thế giới thành rồi hoại, hai kiếp thế giới thành rồi hoại, ba kiếp thế giới thành rồi hoại, cho đến mười kiếp thế giới thành rồi hoại. Vị ấy nhớ rằng: “Khi sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, ăn uống thế này, có những vui thú và khổ đau thế này, tuổi thọ thế này, chết đi thế này... Từ chỗ ấy chết đi, tôi sanh đến chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, ăn uống thế này, có những vui thú và khổ đau thế này, tuổi thọ thế này, chết đi thế này... Từ chỗ kia chết đi, tôi sanh lại chỗ này.”

Như vậy, vị ấy nhớ được nhiều đời quá khứ, với những đặc điểm và chi tiết. Vị ấy nói rằng: “Bản ngã và thế giới là thường còn [từ vô thủy], vốn không sanh ra, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn những loài hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy tất cả vẫn thường còn.”

Này các tỳ-kheo, đó là lập trường thứ hai, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn.

Trường hợp thứ ba, có những sa-môn hay bà-la-môn, dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như mười kiếp thế giới thành rồi hoại, hai mươi kiếp thế giới thành rồi hoại, ba mươi kiếp thế giới thành rồi hoại, bốn mươi kiếp thế giới thành rồi hoại, năm mươi kiếp thế giới thành rồi hoại. Vị ấy nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, có những vui thú và khổ đau thế này, tuổi thọ thế này. Từ chỗ ấy chết đi, tôi sanh đến chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, ăn uống thế này, có những vui thú và khổ đau thế này, tuổi thọ thế này. Từ chỗ kia chết đi, tôi sanh lại chỗ này.”

Như vậy vị ấy nhớ lại nhiều đời quá khứ với những đặc điểm và chi tiết. Vị ấy nói: “Bản ngã và thế giới là thường còn [từ vô thủy], vốn không sanh ra, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn những loài hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy, chúng vẫn thường còn. Tại sao vậy? Vì rằng tôi nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định, có thể nhớ lại nhiều đời quá khứ với những đặc điểm và chi tiết, nên biết rằng bản ngã và thế giới là thường còn [từ vô thủy], vốn không sanh ra, còn những loài hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy tất cả vẫn thường còn.”

Này các tỳ-kheo, đó là lập trường thứ ba, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn, chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn.

Trường hợp thứ tư, những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì mà chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn là nhà suy luận, khảo sát. Do suy luận chia chẻ và dựa theo sự khảo sát, vị này tuyên bố: “Bản ngã và thế giới là thường còn [từ vô thủy], vốn không sanh ra, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn những loài hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy tất cả vẫn thường còn.”

Này các tỳ-kheo, đó là lập trường thứ tư, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn.

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn này chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn, với 4 luận chấp trên. Nếu có những vị sa-môn, bà-la-môn nào chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn, họ sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 4 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.1.2. Luận chấp thường, vô thường

Này các tỳ-kheo, lại có những sa-môn, bà-la-môn, chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác, với 4 luận chấp.

Vậy những sa-môn, bà-la-môn ấy dựa vào, căn cứ vào 4 luận chấp nào để chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác?

Này các tỳ-kheo, có một thời [xa xưa], vào một giai đoạn nào đó, sau một thời gian rất lâu, thế giới này hư hoại dần. Trong khi thế giới hư hoại dần, phần lớn các loài hữu tình tái sanh qua cõi trời Quang Âm (Abhassara). Tại đó, những loài chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng sự vui thích trong tâm, tự chiếu hào quang, bay đi trên hư không, sống trong sự quang vinh, và họ sống như vậy một thời gian rất dài.

Này các tỳ-kheo, rồi đến một giai đoạn nào đó, sau một thời gian rất lâu, thế giới này hình thành dần. Trong khi thế giới này hình thành dần, cung điện Phạm thiên hiện ra nhưng trống rỗng. Lúc bấy giờ có một hữu tình, hoặc tuổi thọ đã hết, hay phước báo đã hết, chết đi từ cõi trời Quang Âm và tái sanh vào cung điện Phạm thiên trống rỗng ấy. Vị này ở tại đó, do ý sanh, nuôi sống bằng sự vui thích trong tâm, tự chiếu hào quang, bay đi trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy trong một thời gian rất dài.

Vị này sau khi sống lâu một mình như vậy tại chỗ ấy, khởi ý chán nản, không vui thích và có kỳ vọng: “Mong sao có các loài hữu tình khác cũng đến tại chỗ này!” Lúc bấy giờ, các loài hữu tình khác, hoặc tuổi thọ đã hết, hay phước báo đã hết, chết đi từ cõi trời Quang Âm và sanh vào cung điện Phạm thiên để làm bạn với vị hữu tình kia. Những loài hữu tình này cũng do ý sanh, nuôi sống bằng sự vui thích trong tâm, tự chiếu hào quang, bay đi trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy một thời gian rất dài.

Này các tỳ-kheo, lúc bấy giờ vị hữu tình đã sanh qua trước tiên nghĩ rằng: “Ta là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh ra. Những loài hữu tình ấy do chính ta sanh ra. Tại sao vậy? Vì chính do ta khởi ý nghĩ: ‘Mong sao các loài hữu tình khác cũng đến tại chỗ này.’ Chính do ý nguyện của ta mà những loài hữu tình ấy sanh đến chỗ này.”

Các loài hữu tình đến sau cũng nghĩ như thế này: “Vị ấy là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh ra. Chúng ta do vị Phạm thiên này hóa sanh. Vì sao vậy? Vì ta thấy vị này sanh trước ở đây rồi, còn chúng ta thì sanh đến sau.”

Này các tỳ-kheo, vị hữu tình sanh ra trước tiên ấy sống được lâu hơn, sắc tướng tốt đẹp hơn và được nhiều uy quyền hơn. Còn các loài hữu tình sanh sau thì đời sống ngắn hơn, sắc tướng ít tốt đẹp hơn và được ít quyền hơn.

Này các tỳ-kheo, rồi có trường hợp này xảy ra. Một trong các hữu tình ấy, sau khi từ bỏ thân xác kia lại thác sanh đến cõi này. Khi đến cõi này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ lại đời sống quá khứ ấy, nhưng không nhớ được xa hơn đời sống ấy.

Vị ấy nói rằng: “Vị kia là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ của các chúng sanh đã và sẽ sanh ra. Chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh. Vị ấy là thường hằng, kiên cố, thường trú, không bị chuyển biến, thường còn như vậy mãi mãi. Còn chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh đến tại chỗ này, chúng ta là vô thường, không kiên cố, đời sống ngắn ngủi và chịu sự thay đổi.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, dựa vào đó, căn cứ vào đó, một số sa-môn, bà-la-môn, chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác.

Trường hợp thứ hai, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác?

Này các tỳ-kheo, có hạng chư thiên gọi là Khiddāpadosikā (bị nhiễm hoặc bởi dục lạc). Những vị này sống lâu ngày mê say trong sự cười đùa vui thú. Vì sống lâu ngày mê say trong sự cười đùa vui thú nên bị mất chánh niệm. Do mất chánh niệm, các vị ấy chết đi, từ bỏ thân xác ấy.

Này các tỳ-kheo, rồi có trường hợp này xảy ra. Một trong các vị ấy sau khi chết đi từ bỏ thân xác lại sanh đến cõi này. Khi sanh đến cõi này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhất tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ đến đời sống quá khứ vừa qua, nhưng không nhớ được xa hơn đời sống ấy.

Vị ấy nói rằng: “Những chư thiên không bị nhiễm hoặc bởi dục lạc, họ sống lâu ngày không mê say trong sự cười đùa vui thú. Vì không mê say trong sự cười đùa vui thú nên không bị mất chánh niệm. Nhờ không mất chánh niệm nên những chư thiên ấy không phải chết đi từ bỏ thân xác. Họ được sống thường hằng, kiên cố, không bị chuyển biến, thường còn như vậy mãi mãi.

“Còn ta đã bị nhiễm hoặc bởi dục lạc, sống lâu ngày mê say trong sự cười đùa vui thú. Vì ta mê say trong sự cười đùa vui thú nên bị mất chánh niệm. Do mất chánh niệm, ta phải từ bỏ thân thể, sống vô thường, không kiên cố, yểu mạng, chịu sự thay đổi và chết đi rồi sanh đến cõi này.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, dựa vào đó, căn cứ vào đó, một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác.

Trường hợp thứ ba, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác?

Này các tỳ-kheo, có hạng chư thiên gọi là Manopadosikā (bị nhiễm hoặc bởi tâm trí). Họ sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau. Vì nung nấu bởi sự đố kỵ, tâm trí họ oán ghét lẫn nhau. Vì tâm trí oán ghét lẫn nhau, nên thân tâm họ mệt mỏi. Các vị ấy chết đi, từ bỏ thân xác.

Này các tỳ-kheo, rồi có trường hợp này xảy ra. Một trong số chư thiên kia, khi chết đi từ bỏ thân xác lại sanh đến cõi này. Khi sanh đến cõi này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhất tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ lại đời sống vừa qua, nhưng không nhớ được xa hơn đời sống ấy.

Vị ấy nói rằng: “Những chư thiên không bị nhiễm hoặc bởi tâm trí, họ sống lâu ngày không nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau. Vì không nung nấu bởi sự đố kỵ, tâm trí họ không oán ghét nhau. Vì tâm trí không oán ghét nhau, nên thân tâm họ không mệt mỏi. Những chư thiên ấy không phải chết đi và từ bỏ thân xác, họ sống thường hằng kiên cố, không bị thay đổi, thường sống như vậy mãi mãi.

“Còn chúng ta bị nhiễm hoặc bởi tâm trí, sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, nên tâm trí chúng ta oán ghét lẫn nhau. Vì tâm trí chúng ta oán ghét lẫn nhau, nên thân tâm mệt mỏi. Chúng ta chết đi, từ bỏ thân xác, sống vô thường không kiên cố, đời sống ngắn ngủi, chịu sự thay đổi và chết đi rồi sanh đến chỗ này.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ ba, dựa vào đó, căn cứ vào đó, một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác.

Trường hợp thứ tư, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn là nhà suy luận, khảo sát. Do suy luận chia chẻ và dựa theo sự khảo sát, vị này tuyên bố: “Những gì gọi là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân: bản ngã ấy là vô thường, không kiên cố, không thường còn, bị thay đổi. Những gì gọi là tâm, ý, thức: bản ngã ấy là không bị thay đổi, thường còn như vậy mãi mãi.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ tư, dựa vào đó, căn cứ vào đó, một số sa-môn, bà-la-môn, chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới có một phần thường còn và một phần không thường còn.

Này các tỳ-kheo, những vị sa-môn, bà-la-môn này chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác, với 4 luận chấp. Nếu có những sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác, họ sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 4 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.1.3. Luận chấp hữu biên hoặc vô biên

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên hoặc vô biên, cho rằng thế giới là có giới hạn, hoặc không giới hạn, với 4 luận chấp. Vậy những sa-môn, bà-la-môn này, dựa vào 4 luận chấp nào để chủ trương hữu biên hoặc vô biên, cho rằng thế giới là có giới hạn hoặc không giới hạn?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn, nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy trụ yên trong tư tưởng thế giới là có giới hạn. Vị ấy nói rằng: “Thế giới này là có giới hạn, có một đường vòng bao quanh. Vì sao vậy? Vì tôi nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, tôi trụ yên trong tư tưởng thế giới là có giới hạn. Do đó tôi biết rằng thế giới này là có giới hạn, có một đường vòng bao quanh.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên, cho rằng thế giới là có giới hạn.

Trường hợp thứ hai, có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp vô biên, cho rằng thế giới là không có giới hạn?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn nhờ nhất tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy trụ yên trong tư tưởng thế giới là không có giới hạn. Vị ấy nói: “Thế giới này là vô biên, không có giới hạn. Những vị sa-môn, bà-la-môn nào đã nói: ‘Thế giới này là hữu biên, có một đường vòng bao quanh’ là không đúng sự thật. Thế giới này là vô biên, không có giới hạn. Tại sao vậy? Vì tôi nhờ nhất tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, tôi trụ yên trong tư tưởng thế giới là không có giới hạn. Do đó tôi biết rằng thế giới này là vô biên, không có giới hạn.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp vô biên, cho rằng thế giới là không có giới hạn.

Trường hợp thứ ba, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp hữu biên vô biên, cố chấp cho rằng thế giới vừa có, vừa không có giới hạn?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn, nhờ nhất tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy trụ yên trong tư tưởng thế giới có giới hạn về phía trên, phía dưới và không có giới hạn về phía bề ngang. Vị ấy nói: “Thế giới này vừa có, vừa không có giới hạn. Những sa-môn, bà-la-môn nào đã nói: ‘Thế giới này là hữu biên, có một đường vòng chung quanh’ là không đúng sự thật. Những sa-môn, bà-la-môn nào đã nói: ‘Thế giới này là vô biên, không có giới hạn’ cũng không đúng sự thật. Thế giới này vừa có, vừa không có giới hạn. Tại sao vậy? Vì tôi nhờ nhất tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, tôi trụ yên trong tư tưởng thế giới là có giới hạn về phía trên, phía dưới và không có giới hạn về phía bề ngang. Do vậy tôi biết: Thế giới này vừa có, vừa không có giới hạn.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ ba, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên vô biên, cho rằng thế giới vừa có, vừa không có giới hạn.

Trường hợp thứ tư, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp phi hữu biên vô biên, cho rằng thế giới không phải giới hạn, cũng không phải không giới hạn?

Này các tỳ-kheo, ở đây có sa-môn hay bà-la-môn là nhà suy luận, khảo sát. Do suy luận chia chẻ và dựa theo sự khảo sát vị này tuyên bố: “Thế giới này không phải giới hạn, cũng không phải không giới hạn. Những sa-môn, bà-la-môn nào đã nói: ‘Thế giới này là hữu biên, có giới hạn bao quanh”, là không đúng sự thật. Những sa-môn, bà-la-môn nào đã nói: ‘Thế giới này là vô biên, không có giới hạn’, cũng không đúng sự thật. Những sa-môn, bà-la-môn nào đã nói: ‘Thế giới này vừa có, vừa không có giới hạn’, cũng không đúng sự thật. Thế giới này không phải giới hạn, cũng không phải không giới hạn.”

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn này chủ trương luận chấp hữu biên hoặc vô biên, với 4 luận chấp trên. Nếu có những sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương hữu biên hoặc vô biên, cho rằng thế giới là có giới hạn hoặc không giới hạn, họ sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 4 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.1.4. Luận chấp tránh né, ngụy biện

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện. Khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác, họ dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, với 4 luận chấp. Vậy những sa-môn, bà-la-môn ấy dựa vào 4 luận chấp nào để chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định?

Này các tỳ-kheo, trong trường hợp này có những sa-môn hay bà-la-môn không như thật biết “Đây là thiện”, không như thật biết “Đây là bất thiện”. Vị ấy nghĩ: “Tôi không như thật biết: ‘Đây là thiện’, không như thật biết: ‘Đây là bất thiện’ và nếu tôi trả lời: ‘Đây là thiện’ hoặc tôi trả lời: ‘Đây là bất thiện’, thì dục, tham, sân hận khởi lên trong tôi. Nếu dục, tham, sân hận khởi lên trong tôi, tôi có thể bị sai lầm. Nếu sai lầm thì tôi bị phiền muộn. Nếu bị phiền muộn sẽ là một chướng ngại cho tôi.” Như vậy, vì sợ sai lầm, vì chán ghét sai lầm, nên vị ấy không trả lời: “Đây là thiện”, cũng không trả lời: “Đây là bất thiện”. Khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định: “Tôi không nói là như thế này, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định.

Trường hợp thứ hai, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định?

Này các tỳ-kheo, trong trường hợp này có những sa-môn hay bà-la-môn không như thật biết “Đây là thiện”, không như thật biết “Đây là bất thiện”. Vị ấy nghĩ: “Tôi không như thật biết: ‘Đây là thiện’, không như thật biết: ‘Đây là bất thiện’. Vì tôi không như thật biết: ‘Đây là thiện’, không như thật biết ‘Đây là bất thiện’. Và nếu tôi trả lời: ‘Đây là thiện’ hoặc tôi trả lời: ‘Đây là bất thiện’, thì dục, tham, sân hận sẽ khởi lên trong tôi. Nếu dục, tham, sân hận khởi lên trong tôi, như vậy tôi có thể rơi vào bám chấp, nắm giữ; điều đó sẽ khiến tôi phiền muộn, và như vậy sẽ là một chướng ngại cho tôi.”

Như vậy, vì sợ rơi vào bám chấp, nắm giữ, vì chán ghét sự bám chấp, nắm giữ nên vị ấy không trả lời: “Đây là thiện”, cũng không trả lời: “Đây là bất thiện”. Khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định: “Tôi không nói là như thế này, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định.

Trường hợp thứ ba, lại có những sa-môn, bà-la-môn, dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp tránh né,ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn không như thật biết ‘Đây là thiện’, không như thật biết ‘Đây là bất thiện’. Vị ấy nghĩ: “Tôi không như thật biết: ‘Đây là thiện’, không như thật biết: ‘Đây là bất thiện’. Vì tôi không như thật biết ‘Đây là thiện’, không như thật biết: ‘Đây là bất thiện’ và nếu tôi trả lời: ‘Đây là thiện’ hoặc trả lời: ‘Đây là bất thiện’, sẽ có những sa-môn, bà-la-môn bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc, đi chỗ này chỗ kia, muốn đả phá các tà kiến với trí tuệ của họ, có thể sẽ so tài, cật vấn, vấn nạn tôi. Nếu họ so tài, cật vấn, vấn nạn tôi, tôi sẽ không đối đáp được. Nếu tôi không đối đáp được thì tôi bị phiền muộn, điều đó sẽ là một chướng ngại cho tôi.” Như vậy, vì sợ bị thách thức, vì chán ghét sự thách thức nên vị ấy không trả lời: “Đây là thiện”, cũng không trả lời. “Đây là bất thiện”. Khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định: “Tôi không nói là như thế này, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ ba, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định.

Trường hợp thứ tư, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn đần độn ngu si. Vị này vì đần độn ngu si nên khi bị hỏi về vấn đề nay hay vấn đề khác liền dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định:

“Anh hỏi tôi có một thế giới khác hay không? Nếu tôi nghĩ: ‘Có một thế giới khác’, thì tôi có thể trả lời với anh: ‘Có một thế giới khác’, nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.

“Nếu anh hỏi tôi: ‘Không có một thế giới khác, phải không?’ Nếu tôi nghĩ: ‘Không có một thế giới khác’, thì tôi có thể trả lời với anh: ‘Không có một thế giới khác’. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.

“Nếu anh hỏi tôi ‘Hay là vừa có, vừa không có một thế giới khác?’ Nếu tôi nghĩ: ‘Vừa có, vừa không có một thế giới khác’, thì tôi có thể trả lời với anh: ‘Vừa có, vừa không có một thế giới khác’. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.

“Nếu anh hỏi tôi: ‘Hay là vừa không có, vừa không phải không có một thế giới khác?’ Nếu tôi nghĩ: ‘Vừa không có, vừa không phải không có một thế giới khác’, thì tôi có thể trả lời với anh: ‘Vừa không có, vừa không phải không có một thế giới khác’. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.

“Nếu anh hỏi tôi: “Có hữu tình hóa sanh, phải không?”, hoặc là: ‘Không có hữu tình hóa sanh?’, hoặc là: ‘Cũng có và cũng không có hữu tình hóa sanh?’, hoặc là: ‘Cũng không có và cũng không phải không có hữu tình hóa sanh?’ Nếu tôi nghĩ: “Có hữu tình hóa sanh”, hoặc là: ‘Không có hữu tình hóa sanh’, hoặc là: ‘Cũng có và cũng không có hữu tình hóa sanh’, hoặc là: ‘Cũng không có và cũng không phải không có hữu tình hóa sanh’, thì tôi có thể trả lời với anh: “Có hữu tình hóa sanh”, hoặc là: ‘Không có hữu tình hóa sanh’, hoặc là: ‘Cũng có và cũng không có hữu tình hóa sanh’, hoặc là: ‘Cũng không có và cũng không phải không có hữu tình hóa sanh’. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.

“Nếu anh hỏi tôi: ‘Có quả báo của các nghiệp thiện ác, phải không?’, hoặc là: ‘Không có quả báo của các nghiệp thiện ác?’, hoặc là: ‘Cũng có và cũng không có quả báo của các nghiệp thiện ác?’, hoặc là: ‘Cũng không có và cũng không phải không có quả báo của các nghiệp thiện ác?’ Nếu tôi nghĩ: ‘Có quả báo của các nghiệp thiện ác’, hoặc là: ‘Không có quả báo của các nghiệp thiện ác’, hoặc là: ‘Cũng có và cũng không có quả báo của các nghiệp thiện ác’, hoặc là: ‘Cũng không có và cũng không phải không có quả báo của các nghiệp thiện ác’, thì tôi có thể trả lời với anh: ‘Có quả báo của các nghiệp thiện ác’, hoặc là: ‘Không có quả báo của các nghiệp thiện ác’, hoặc là: ‘Cũng có và cũng không có quả báo của các nghiệp thiện ác’, hoặc là: ‘Cũng không có và cũng không phải không có quả báo của các nghiệp thiện ác’. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.

“Nếu anh hỏi tôi: ‘Như Lai tồn tại sau khi chết?’, hoặc là: ‘Như Lai không tồn tại sau khi chết?’, hoặc là: ‘Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết?’, hoặc là: ‘Như Lai không tồn tại và cũng không phải không tồn tại sau khi chết?’ Nếu tôi nghĩ: ‘Như Lai tồn tại sau khi chết’, hoặc là: ‘Như Lai không tồn tại sau khi chết’, hoặc là: ‘Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết’, hoặc là: ‘Như Lai không tồn tại và cũng không phải không tồn tại sau khi chết’, thì tôi có thể trả lời với anh: ‘Như Lai tồn tại sau khi chết’, hoặc là: ‘Như Lai không tồn tại sau khi chết’, hoặc là: ‘Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết’, hoặc là: ‘Như Lai không tồn tại và cũng không phải không tồn tại sau khi chết’. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ tư, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định.

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, với 4 luận chấp. Nếu có những sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, họ sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 4 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.1.5. Luận chấp không nguyên nhân

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, với 2 luận chấp.

Vậy những sa-môn, bà-la-môn ấy dựa vào 2 luận chấp nào để chủ trương rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân?

Này các tỳ-kheo, có hạng chư thiên gọi là Vô tưởng hữu tình, [họ hoàn toàn không có niệm tưởng]. Ngay khi một niệm tưởng khởi sanh thì vị thiên ấy lập tức mạng chung, từ bỏ thân xác cõi trời của mình. Này các tỳ-kheo, rồi có trường hợp này xảy ra: Một trong số chư thiên ấy, khi mạng chung từ bỏ thân xác cõi trời lại sanh đến cõi này. Khi sanh đến cõi này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau đó, vị ấy nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ lại thời điểm niệm tưởng khởi sanh, nhưng không thể nhớ xa hơn nữa. Vị ấy nói: “Bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân. Tại sao vậy? Vì trước kia tôi không có, nay tôi có. Từ trạng thái không có, tôi [tự nhiên] trở thành loài hữu tình.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân.

Trường hợp thứ hai, có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn là nhà suy luận, khảo sát. Do suy luận chia chẻ và dựa theo sự khảo sát, các vị này tuyên bố: “Bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân.

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, với 2 luận chấp như trên. Nếu có những sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, họ sẽ bám víu vào cả hai hay một trong 2 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.1.6. Tóm lại

Này các tỳ-kheo có những sa-môn, bà-la-môn, luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, dựa vào sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất để đưa ra những quan điểm sai khác với 18 luận chấp kể trên.

Này các tỳ-kheo, nếu có những sa-môn hoặc bà-la-môn nào luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, dựa vào sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất để đưa ra những quan điểm sai khác, họ sẽ bám víu vào tất cả hoặc một trong 18 luận chấp kể trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.2. 44 luận chấp về tương lai

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác với 44 luận chấp. Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 44 luận chấp nào để luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều ý kiến sai khác?

2.2.2.1. Luận chấp sau khi chết có sự nhận biết

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết có nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết có sự nhận biết, với 16 luận chấp. Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 16 luận chấp nào để chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết?

Những vị này cho rằng: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và có hình sắc.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và không có hình sắc.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và vừa có, vừa không có hình sắc.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và vừa không có, vừa không phải không có hình sắc.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và có giới hạn.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và không có giới hạn.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và vừa có, vừa không có giới hạn.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và vừa không giới hạn, vừa không phải không giới hạn.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và chỉ có một niệm tưởng duy nhất.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và có nhiều niệm tưởng khác nhau.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và có một số niệm tưởng.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và có vô số niệm tưởng.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và hoàn toàn an vui.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và hoàn toàn khổ não.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và vừa an vui, vừa khổ não.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và không an vui cũng không khổ não.”

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn này chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết có sự nhận biết, với 16 luận chấp như trên. Này các tỳ-kheo, những sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết thì họ sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 16 luận chấp kể trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.2.2. Luận chấp sau khi chết không nhận biết

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn, chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 8 luận chấp nào để chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết?

Những vị này cho rằng: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và có hình sắc.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và không có hình sắc.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và vừa có hình sắc vừa không có hình sắc.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và vừa không có hình sắc vừa không phải không có hình sắc.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và có giới hạn.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và không có giới hạn.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và vừa có, vừa không có giới hạn.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và vừa không giới hạn, vừa không phải không giới hạn.”

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn này chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. Này các tỳ-kheo, nếu có những sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, họ sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 8 luận chấp kể trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.2.3 Luận chấp sau khi chết không phải có, không phải không có sự nhận biết

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không phải có, không phải không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết, với 8 luận chấp.

Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 8 luận chấp nào để chủ trương luận chấp sau khi chết không phải có, không phải không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết?

Những vị này cho rằng: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và có hình sắc.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và không có hình sắc.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và vừa có vừa không có hình sắc.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và không phải có, không phải không có hình sắc.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và có giới hạn.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và không có giới hạn.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và vừa có vừa không có giới hạn.”

Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và vừa không có vừa không phải không có giới hạn.”

Này các tỳ-kheo, những vị này cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết, với 8 luận chấp như trên. Này các tỳ-kheo, nếu có sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp sau khi chết không phải có, không phải không có sự nhận biết, họ sẽ bám chấp tất cả hoặc một trong 8 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.2.4. Luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn, chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình sau khi chết, với 7 luận chấp.

Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 7 luận chấp nào để tin vào sự đoạn diệt, tiêu thất, hủy hoại của loài hữu tình sau khi chết?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hoặc bà-la-môn lập luận và quan niệm rằng: “Vì bản ngã này có hình sắc, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh ra, khi thân thể hư hoại, bị hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã này như thế là hoàn toàn đoạn diệt.” Như vậy, một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình sau khi chết.

Nhưng rồi có người khác bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không hoàn toàn đoạn diệt. Bởi vì còn một bản ngã khác nữa, có tánh trời, có hình sắc, thuộc cõi dục, ăn các loại thức ăn bằng cách nhai nuốt. Bản ngã ấy ông không biết, không thấy được nhưng tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân thể hư hoại, hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt.” Một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Rồi có người khác nữa lại bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không hoàn toàn đoạn diệt. Bởi vì còn một bản ngã khác nữa, có tánh trời, có hình sắc, do ý tạo thành, có đầy đủ chi tiết tay chân lớn nhỏ, các căn không thiếu. Bản ngã ấy ông không biết, không thấy, nhưng tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân thể hư hoại, hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt.” Một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Rồi có người khác nữa lại bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không hoàn toàn đoạn diệt. Bởi vì còn một bản ngã khác nữa do vượt ngoài tất cả niệm tưởng về hình sắc, do dứt trừ các niệm tưởng chống đối, do không lưu tâm vào các niệm tưởng khác biệt nên nhận hiểu ‘hư không là vô biên’, đạt đến Không vô biên xứ. Bản ngã ấy ông không biết, không thấy được nhưng tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân thể hư hoại, hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt.” Một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Rồi có người khác nữa lại bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không hoàn toàn đoạn diệt. Bởi vì còn một bản ngã khác nữa, do vượt ngoài cả Không vô biên xứ nên nhận hiểu ‘thức là vô biên’, đạt đến Thức vô biên xứ. Bản ngã ấy ông không biết, không thấy, nhưng tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân thể hư hoại, hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt.” Một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Rồi có người khác nữa lại bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không hoàn toàn đoạn diệt. Bởi vì còn một bản ngã khác nữa, do vượt ngoài cả Thức vô biên xứ nên nhận hiểu ‘không có sở hữu’, đạt đến Vô sở hữu xứ. Bản ngã ấy ông không biết, không thấy, nhưng tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân thể hư hoại, hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt.” Một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Rồi có người khác nữa lại bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không hoàn toàn đoạn diệt. Bởi vì còn một bản ngã khác nữa, do vượt ngoài cả Vô sở hữu xứ nên nhận hiểu: ‘Đây là tịch tịnh, đây là mỹ diệu’, đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Bản ngã ấy ông không biết, không thấy nhưng tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân thể hư hoại, hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt.” Một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn ấy, chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình sau khi chết, với 7 luận chấp như trên. Này các tỳ-kheo, nếu có những vị sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình, họ sẽ bám chấp vào tất cả hay một trong 7 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.2.5. Luận chấp Niết-bàn trong hiện tại

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình, với 5 luận chấp. Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 5 luận chấp nào để chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình?

Này các tỳ-kheo, một số sa-môn hay bà-la-môn lập luận và quan niệm rằng: “Khi bản ngã này tận hưởng thật đầy đủ năm món dục lạc, nó sẽ đạt đến Niết-bàn tối thượng của loài hữu tình.”

Nhưng rồi có người khác bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không phải hoàn toàn đạt đến Niết-bàn tối thượng. Vì sao? Vì tánh của dục lạc là vô thường, khổ, thường biến đổi. Vì tánh của chúng là biến đổi, chuyển hóa, nên sầu bi, khổ não phát sanh. Khi nào bản ngã ấy lìa bỏ các dục lạc, lìa bỏ các pháp xấu ác, đạt đến và trụ yên vào Sơ thiền, do lìa bỏ dục lạc nên sanh khởi được tầm, tứ, hỷ, lạc. Như thế bản ngã ấy mới đạt đến Niết-bàn tối thượng trong hiện tại.” Một số người chủ trương Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Nhưng rồi lại có người khác nữa bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không phải hoàn toàn đạt đến Niết-bàn tối thượng. Vì sao? Vì trong trường hợp này thiền định có tầm, có tứ nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy không có tầm và tứ, đạt đến và trụ yên vào Nhị thiền, nội tâm yên tĩnh, tâm trí chuyên vào một đối tượng, không tầm, không tứ, do định nên sanh khởi hỷ lạc. Như thế, bản ngã ấy mới đạt đến Niết-bàn tối thượng trong hiện tại.” Một số người chủ trương Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Nhưng rồi lại có người khác nữa bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không phải hoàn toàn đạt đến Niết-bàn tối thượng. Vì sao? Vì trong trường hợp này tâm có hỷ và bị kích động nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy không tham nơi hỷ, trụ yên trong buông xả, chánh niệm, chánh trí, tự thân hưởng được niềm vui mà các bậc thánh gọi là Hỷ niệm lạc trú, đạt đến và trụ yên vào Tam thiền, như thế bản ngã ấy mới đạt đến Niết-bàn tối thượng trong hiện tại.” Một số người chủ trương Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Nhưng rồi lại có người khác nữa bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không phải hoàn toàn đạt đến Niết-bàn tối thượng. Vì sao? Vì trong trường hợp này, tâm thọ lạc nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy buông xả cả lạc và khổ, diệt trừ hỷ và ưu, đạt đến và trụ yên vào Tứ thiền, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, như thế bản ngã ấy mới đạt đến Niết-bàn tối thượng trong hiện tại.” Một số người chủ trương Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn ấy chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình, với 5 luận chấp như trên. Này các tỳ-kheo, nếu có những sa-môn, bà-la-môn nào chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình, những vị này sẽ bám chấp tất cả hoặc một trong 5 luận chấp trên, ngoài ra không còn một luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.2.6. Tóm lại

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác với 44 luận chấp. Này các tỳ-kheo, những sa-môn hay bà-la-môn nào luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác, họ sẽ bám chấp vào tất cả hay một trong 44 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

2.2.3. Tổng kết 62 tà kiến

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều sự hiểu biết khác nhau, với 62 luận chấp.

Này các tỳ-kheo, những sa-môn hay bà-la-môn nào, luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều sự hiểu biết khác nhau, những vị ấy sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 62 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

3. Nguyên nhân và phương thức dứt trừ

3.1. Nguyên nhân khởi sinh tà kiến

3.1.1. Cảm thọ và tham ái là nguyên nhân trực tiếp

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn, với 4 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác, với 4 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên hoặc vô biên, cố chấp cho rằng thế giới là có giới hạn hoặc không giới hạn với 4 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, với 4 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, với 2 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, đưa ra những hiểu biết sai khác, với 18 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết, cố chấp cho rằng bản ngã sau khi chết có sự nhận biết, với 16 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có cũng không phải không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình sau khi chết, với 7 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn trong hiện tại của loài hữu tình, với 5 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác, với 44 luận chấp. Những cách hiểu này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều sự hiểu biết khác nhau, với 62 luận chấp. Những hiểu biết này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

3.1.2. Xúc chạm là nguyên nhân gián tiếp

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, cố chấp cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn, với 4 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác, với 4 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên hoặc vô biên, cố chấp cho rằng thế giới là có giới hạn hoặc không có giới hạn với 4 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, với 4 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, với 2 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, đưa ra những hiểu biết sai khác, với 18 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết, cố chấp cho rằng bản ngã sau khi chết có sự nhận biết, với 16 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương sau khi chết không có cũng không phải không có sự nhận biết, cố chấp cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với 7 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn trong hiện tại của loài hữu tình, với 5 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác, với 44 luận chấp. Những cách hiểu này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều quan điểm khác nhau, với 62 luận chấp. Những quan điểm này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

3.1.3. Không có xúc chạm thì không có cảm thọ

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, chấp bản ngã và thế giới là thường còn với bốn luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác, với 4 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên hoặc vô biên, cố chấp cho rằng thế giới là có giới hạn hoặc không giới hạn với 4 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, với 4 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, với 2 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, đưa ra những quan điểm sai khác, với 18 luận chấp. [Những quan điểm này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết có sự nhận biết, với 16 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không có cũng không phải không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có cũng không phải không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với 7 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn trong hiện tại của loài hữu tình, với 5 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác, với 44 luận chấp. [Những cách hiểu này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều sự hiểu biết khác nhau, với 62 luận chấp. [Những hiểu biết này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

3.1.4. Tổng kết

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn, với 4 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác, với 4 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên hoặc vô biên, cho rằng thế giới là có giới hạn hoặc không có giới hạn với 4 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, với 4 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, với 2 luận chấp.

Có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, đưa ra những quan điểm sai khác, với 18 luận chấp [như trên].

Có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết có sự nhận biết, với 16 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, với 8 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương sau khi chết không phải có cũng không phải không có sự nhận biết, cố chấp cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có cũng không phải không có sự nhận biết, với 8 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình sau khi chết, với 7 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn trong hiện tại của loài hữu tình, với 5 luận chấp.

Có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác, với 44 luận chấp [như trên].

Có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều cách hiểu khác nhau, với 62 luận chấp [như trên].

3.2. Các hiện tượng duyên khởi

Tất cả những vị này đều khởi sinh cảm thọ từ sự xúc chạm giữa sáu căn với sáu trần. Do duyên với cảm thọ mà khởi sinh ái (hay tham ái); do duyên với ái mà khởi sinh thủ (hay chấp thủ); do duyên với thủ mà khởi sinh hữu (hay hiện hữu); do duyên với hữu mà có sinh (hay sự sống); do duyên với sinh mà khởi lên các hiện tượng già, chết, sầu khổ, ưu não...

3.3. Sự dứt trừ tà kiến

Này các tỳ-kheo, khi một vị tỳ-kheo như thật rõ biết sự khởi sinh và diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ 6 chỗ tiếp xúc giữa căn với trần, vị ấy sẽ có sự hiểu biết vượt ra ngoài những luận chấp nói trên.

4. Lưới tà kiến

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn nào luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều quan điểm khác nhau, tất cả những vị này đều bị bao trùm trong tấm lưới 62 luận chấp này. Dù có nhảy vọt lên bằng cách nào, họ vẫn bị hạn cuộc bao phủ trong đó.

Này các tỳ-kheo, ví như người đánh cá lành nghề, hay người học nghề, tung tấm lưới có mắt lưới sít sao trên mặt hồ nước nhỏ. Người ấy nghĩ: “Hết thảy những con cá lớn nhỏ trong hồ nước này, tất cả đều bị bao phủ trong lưới, dù có nhảy vọt lên ở bất cứ đâu, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ trong đó.”

Cũng vậy, này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn nào, luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều quan điểm khác nhau, tất cả những vị này đều bị bao phủ trong tấm lưới của 62 luận chấp này; dù có nhảy vọt lên bằng cách nào, họ vẫn bị hạn cuộc bao phủ trong đó.

5. Như Lai tịch diệt

Này các tỳ-kheo, thân Như Lai còn tồn tại, nhưng những gì đưa đến một đời sống khác đã bị chấm dứt. Khi thân Như Lai còn tồn tại thì chư thiên và loài người còn có thể nhìn thấy, sau khi thân hoại mạng chung thì chư thiên và loài người không thể thấy nữa.

Này các tỳ-kheo, như nhánh xoài có một chùm xoài bị chặt đứt, tất cả những trái xoài dính với nhánh ấy đều bị chung số phận. Cũng vậy, này các tỳ-kheo, thân Như Lai còn tồn tại, nhưng những gì đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt. Khi thân Như Lai còn tồn tại thì chư thiên và loài người có thể nhìn thấy, sau khi thân hoại mạng chung thì chư thiên và loài người không thể thấy nữa.

6. Kết thúc

Sau khi nghe thuyết kinh này, ngài A-nan (Ānanda) bạch đức Thế Tôn: “Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Pháp môn này gọi tên là gì, bạch Thế Tôn?”

- Này A-nan, kinh này gọi là kinh Lưới lợi ích, hãy như vậy mà giữ gìn làm theo; gọi là kinh Lưới pháp, hãy như vậy mà giữ gìn làm theo; gọi là kinh Lưới Phạm thiên, hãy như vậy mà giữ gìn làm theo; gọi là kinh Lưới tà kiến, hãy như vậy mà giữ gìn làm theo; gọi là kinh Vô thượng chiến thắng, hãy như vậy mà giữ gìn làm theo.

Đức Thế Tôn thuyết dạy như vậy, các vị tỳ-kheo hoan hỷ tin nhận. Trong khi kinh này được tuyên thuyết, mười ngàn thế giới đều rung động.

III. Cấu trúc

Nội dung kinh này được đức Phật tự ý nói ra, không do thưa hỏi, do đó cấu trúc bản kinh là những nội dung đức Phật muốn thuyết dạy, được chia ra làm 6 nội dung rõ rệt:

1. Duyên khởi

Duyên khởi là câu chuyện khen chê của thầy ngoại đạo Suppiya và người đệ tử tên Brahmadatta. Từ sự khen chê trái nghịch của 2 người này đã gợi sự chú ý bàn luận của các vị tỳ-kheo, đức Phật nhân đó giảng dạy nội dung thứ nhất về thái độ đúng đắn đối với những lời khen chê từ người khác.

2. Khác biệt trong sự xưng tán của người tầm thường và bậc trí tuệ

Do sự khác biệt về trí tuệ và khả năng nhận thức, những người thế tục tầm thường và những bậc trí tuệ xưng tán Phật vì những lý do khác nhau. Trong nội dung này, đức Phật giảng rõ rằng, một người bình thường chỉ có thể xưng tán qua những gì họ thấy được nơi đức Phật, đó là những biểu hiện cao quý nơi hình tướng, vẻ ngoài, tức là những oai nghi giới hạnh mà Ngài luôn thực hành trong đời sống cũng như dạy cho các vị tỳ-kheo.

Đức Phật tóm lược tất cả các oai nghi giới hạnh này trong 3 phần, gồm những đoạn ngắn, những đoạn vừa và những đoạn dài. Sự xưng tán này là biểu hiện nhận thức giới hạn của những người thế tục chưa đủ trí tuệ, vì họ chưa hiểu được những pháp sâu xa, uyên áo mà đức Phật đã chứng ngộ và giảng dạy. Nếu so với những pháp sâu xa, siêu việt này thì sự cao quý về hình tướng biểu lộ qua oai nghi giới hạnh chỉ được xem là “những điều nhỏ nhặt”.

Và trước khi giảng về các pháp sâu xa, siêu việt đó, đức Phật nêu ra tất cả 62 tà kiến của ngoại đạo đương thời như một bức tranh so sánh để người xem có thể dễ dàng thấy được tính chất siêu việt, vượt trội của giáo pháp do ngài chứng ngộ.

Các tà kiến được chia ra 2 nhóm lớn là các luận thuyết về quá khứ (18 luận thuyết) và các luận thuyết về tương lai (44 luận thuyết). Do sự bám chấp của các luận giả vào luận thuyết của họ nên đức Phật gọi đây là những luận chấp. Đức Phật cũng chỉ rõ, tất cả những luận chấp này đều dựa trên kinh nghiệm tự thân sai lệch của luận giả, hoặc dựa trên sự suy luận, phán đoán sai lầm.

Trong nhóm luận thuyết về quá khứ, có 4 luận thuyết cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn và 4 luận thuyết cho rằng bản ngã và thế giới vừa thường còn, vừa không thường còn. Không thấy có luận thuyết nào nhìn thế giới này là hoàn toàn vô thường.

Tiếp theo là 4 luận thuyết về thế giới hữu biên hay vô biên, thể hiện cách nhìn rối loạn, không căn cứ của các ngoại đạo: 1 luận thuyết cho rằng thế giới là hữu biên, 1 luận thuyết cho là vô biên, 1 luận thuyết cho là vừa hữu biên vừa vô biên, và 1 luận thuyết cho rằng không hữu biên cũng không vô biên.

Ngoài ra còn có 2 luận thuyết cho rằng thế giới hình thành tự nhiên, không có nguyên nhân.

Trong nhóm này, chúng ta cũng thấy có 4 luận thuyết thuộc loại tránh né, ngụy biện, thật ra không chỉ là luận thuyết liên quan đến quá khứ, mà những phương thức ngụy biện này có thể thấy ở khắp thảy mọi chủ đề, khi người tranh luận không đi vào chủ đề mà chỉ cố tình tránh né, đưa ra những câu trả lời mơ hồ, không rõ nghĩa.

Sau khi trình bày 18 luận chấp trong nhóm này, đức Phật tóm gọn lại tất cả trước chuyển sang nói về 44 luận chấp liên quan đến những suy đoán về tương lai.

Trong những luận thuyết suy đoán về tương lai, gồm 44 luận thuyết, có đến 39 luận thuyết suy đoán về trạng thái của bản ngã sau khi chết. Điều này cho thấy mối quan tâm và lo sợ lớn nhất của các luận sư ngoại đạo vẫn là cái chết, điều mà họ thực sự không biết được gì cả, chỉ dựa vào những suy đoán sai lệch của mình để nói ra.

Có 16 luận thuyết cùng đồng thuận cho rằng bản ngã của một hữu tình sau khi chết sẽ tiếp tục tồn tại với sự nhận biết và không có bệnh tật.

Sự bất đồng của 16 luận thuyết này là ở 16 điểm chia thành 4 nhóm sau:

1. Bản ngã sau khi chết có hình sắc; hoặc không có hình sắc; hoặc vừa có vừa không có hình sắc; hoặc vừa không có vừa không phải không có hình sắc.

2. Bản ngã sau khi chết có giới hạn; hoặc không có giới hạn; hoặc vừa có vừa không có giới hạn; hoặc vừa không giới hạn vừa không phải không giới hạn.

3. Bản ngã sau khi chết chỉ có một niệm tưởng duy nhất; hoặc có nhiều niệm tưởng khác nhau; hoặc có một số niệm tưởng; hoặc có vô số niệm tưởng.

4. Bản ngã sau khi chết hoàn toàn an vui; hoặc hoàn toàn khổ não; hoặc vừa an vui vừa khổ não; hoặc không an vui cũng không khổ não.

Những khác biệt trên tạo thành 16 luận thuyết khác nhau trong nhóm này và được gọi chung là luận chấp sau khi chết có sự nhận biết.

Có 8 luận thuyết cùng đồng thuận cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, không có bệnh tật. Sự bất đồng của các luận thuyết này là 8 điểm chia thành 2 nhóm như sau:

1. Bản ngã sau khi chết có hình sắc; hoặc không có hình sắc; hoặc vừa có hình sắc vừa không có hình sắc; hoặc vừa không có hình sắc vừa không phải không có hình sắc.

2. Bản ngã sau khi chết có giới hạn; hoặc không có giới hạn; hoặc vừa có vừa không có giới hạn; hoặc vừa không giới hạn vừa không phải không giới hạn.

Do những khác biệt trên tạo thành 8 luận thuyết khác nhau trong nhóm này, được gọi chung là luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết.

Tiếp theo là 8 luận thuyết cùng đồng thuận cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết. 8 luận thuyết này khác biệt ở 8 điểm chia thành 2 nhóm như sau:

1. Bản ngã sau khi chết có hình sắc; hoặc không có hình sắc; hoặc vừa có vừa không có hình sắc; hoặc không phải có, cũng không phải không có hình sắc.

2. Bản ngã sau khi chết có giới hạn; hoặc không có giới hạn; hoặc vừa có vừa không có giới hạn; hoặc vừa không có vừa không phải không có giới hạn.

Những khác biệt này tạo thành 8 luận thuyết được gọi chung là gọi là luận chấp sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết.

Tiếp theo là 7 luận thuyết cho rằng bản ngã sau khi chết thì hoàn toàn đoạn diệt, tiêu mất. Những luận thuyết này chỉ khác biệt nhau ở sự mô tả về bản ngã mà họ cho là đoạn diệt.

Như vậy, có 39 luận thuyết về bản ngã sau khi chết, hoặc cho là có sự nhận biết, hoặc không có sự nhận biết, hoặc hoàn toàn đoạn diệt.

Cuối cùng là 5 luận thuyết cho rằng bản ngã của loài hữu tình có thể đạt đến Niết-bàn tối thượng trong hiện tại, khác biệt nhau ở phương thức mà các luận sư cho rằng bản ngã nhờ đó sẽ đạt đến Niết-bàn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra qua sự mô tả của họ là tự thân những luận sư này không hề trải nghiệm được cái gọi là Niết-bàn mà họ đang mô tả.

Sau khi trình bày đủ 62 tà kiến như trên, đức Phật đã tổng kết lại tất cả trong một đoạn ngắn để người nghe có thể dễ dàng nắm hiểu tất cả. Vượt trên tất cả những tà kiến ấy, đức Phật dạy:

“Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: ‘Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.’ Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

“Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.”

Đến đây, đức Phật đã làm rõ sự khác biệt giữa những phẩm tính chỉ thuộc về hình thức mà người thế tục thường xưng tán Phật với những phẩm tính sâu xa, siêu việt mà chỉ những bậc trí tuệ mới có thể nhận biết đầy đủ và xưng tán Phật.

3. Nguyên nhân và phương thức dứt trừ

Sau khi nêu ra các nhóm tà kiến khác nhau, trong nội dung tiếp theo này đức Phật chỉ rõ nguyên nhân khởi sinh của các luận thuyết sai lệch đó.

Nguyên nhân được chỉ ra ở đây là do các vị luận sư đã dựa trên cảm thọ của tự thân mà không tự thấy biết mình vẫn đang chìm ngập trong tham ái, bị tham ái chi phối nên dẫn đến những sự kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch. Trên căn bản đó, những luận thuyết mà họ đưa ra không xuất phát từ nhận thức đúng thật mà chỉ là những phóng chiếu từ một tâm thức bất an, bị tham ái chi phối.

Và đức Phật cũng tiếp tục chỉ rõ các cảm thọ khởi sinh chính là do sự tiếp xúc giữa các căn (giác quan) với các trần (đối tượng của giác quan). Do đó, điều tất yếu có thể suy ra được là nếu không có sự xúc chạm thì cũng sẽ không có cảm thọ. Điều này mới nghe qua có vẻ như rất đơn giản, nhưng kỳ thật lại chính là điểm then chốt trong sự tu tập, vì đã chỉ rõ vai trò tác động, ảnh hưởng của các cảm thọ cũng như cội nguồn khởi sinh của chúng.

Đức Phật dạy, tất cả tà kiến hay quan điểm sai lệch đều khởi sinh từ sự chi phối của tham ái:

“Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.”

Do vậy, sau khi tổng kết một lần nữa tất cả 62 tà kiến đã được đề cập, đức Phật nêu ra sự vận hành và tác động của cảm thọ và tham ái trong một chuỗi tương quan giữa các hiện tượng duyên khởi:

“Tất cả những vị này đều khởi sinh cảm thọ từ sự xúc chạm giữa sáu căn với sáu trần. Do duyên với cảm thọ mà khởi sinh ái (hay tham ái); do duyên với ái mà khởi sinh thủ (hay chấp thủ); do duyên với thủ mà khởi sinh hữu (hay hiện hữu); do duyên với hữu mà có sinh (hay sự sống); do duyên với sinh mà khởi lên các hiện tượng già, chết, sầu khổ, ưu não...”

Đây là một phần trong 12 nhân duyên mà đức Phật đã giảng giải trong nhiều kinh điển. Chuỗi tương quan tương sinh được trình bày ở đây cho thấy rõ vai trò của cảm thọ và tham ái trong việc làm tương tục đời sống, dẫn đến tái sinh trong tương lai cũng như mọi khổ đau của đời sống trong luân hồi.

Đến đây, sau khi nhận rõ nguyên nhân làm khởi sinh tà kiến, đức Phật dạy rằng vị tỳ-kheo chân chánh tu tập sẽ có thể vượt ra ngoài những hạn cuộc đó:

“Này các tỳ-kheo, khi một vị tỳ-kheo như thật rõ biết sự khởi sinh và diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ 6 chỗ tiếp xúc giữa căn và trần, vị ấy sẽ có sự hiểu biết vượt ra ngoài những luận chấp nói trên.”

Đoạn kinh ngắn này hàm chứa một nội dung hướng dẫn tu tập quan trọng. “Như thật rõ biết sự khởi sinh và diệt mất của các cảm thọ” là một quá trình tu tập và rèn luyện tâm thức lâu dài và liên tục, bởi đây chính là đi ngược lại với những tập khí sai lầm đã huân tập từ lâu đời trong mỗi chúng sinh.

Khi các căn xúc chạm với các trần, cảm thọ nảy sinh và chúng ta thường không “như thật nhận biết”. Thay vì vậy, chúng ta khởi sinh những nhận thức và cảm xúc sai lầm đối với cảm thọ đó. Khi mắt nhìn, tai nghe... những cảm thọ khác nhau khởi sinh tùy thuộc vào sự khác nhau của các đối tượng hình sắc, âm thanh được tiếp nhận. Khi ấy, thay vì “như thật biết” về sự khởi sinh và diệt mất của các cảm thọ, ta lại thường ngay lập tức khởi sinh sự phân biệt như đẹp, xấu, hay, dở... và tiếp theo đó là ưa thích hay chán ghét. Trong thực tế, tất cả cảm thọ đều “khởi sinh và diệt mất” như một quy luật tất yếu, không có cảm thọ nào có thể kéo dài mãi mãi. Do không tỉnh thức nhận biết được điều này, ta luôn khó chịu với những cảm thọ làm ta không hài lòng và mê đắm những cảm thọ làm ta thích thú, dễ chịu. Khi một cảm giác ngứa ngáy hay đau nhức khởi lên nơi thân, chúng ta bực dọc và khó chịu vì cảm thấy như nó sẽ kéo dài mãi mãi. Nhưng nếu biết rõ rằng cảm giác ấy chắc chắn sẽ diệt mất sau một thời gian, thì sự bực dọc hay khó chịu kia sẽ không còn nữa.

“Như thật rõ biết sự khởi sinh và diệt mất của các cảm thọ” là phương thức đối trị trực tiếp với các cảm thọ và sự lôi cuốn cũng như sự nguy hại của chúng. Chúng ta sẽ không bực dọc khó chịu nhiều với một cảm thọ khi biết chắc nó sẽ mất đi, cũng như sẽ không mê đắm hay chạy đuổi theo một cảm thọ khoái lạc nếu rõ biết về sự ngắn ngủi vô thường của nó. Hơn thế nữa, vị tỳ-kheo trong khi tu tập tỉnh thức luôn nhận biết rõ toàn bộ quá trình khởi sinh và diệt mất của cảm thọ, quan sát quá trình ấy với sự tỉnh thức và do vậy sẽ không rơi vào sự chán ghét hay mê đắm đối với những cảm thọ.

Vị tỳ-kheo cũng cần phải như thật rõ biết về “sự lôi cuốn” của các cảm thọ. Khi như thật rõ biết sự khởi sinh của các cảm thọ, vị tỳ-kheo cũng sẽ tỉnh thức nhận biết được sự lôi cuốn, hấp dẫn, dễ mê đắm của những cảm thọ dễ chịu, khoan khoái... Do tính chất lôi cuốn, hấp dẫn, dễ mê đắm này, hết thảy những ai sống không tỉnh thức đều sẽ bị chúng sai xử, tác động, chi phối. Và do sự chi phối này, chúng sinh khởi tạo các nghiệp xấu ác mà không tự biết hay tự kiểm soát được. Cũng do sự chi phối này, tham ái hay sân hận khởi sinh và chi phối, khiến cho tâm thức luôn rơi vào trạng thái bất an, sợ hãi và dao động. Những tác động này chính là sự nguy hại của các cảm thọ, vì chúng ngăn cản con đường tu tập dẫn đến sự giải thoát, và hơn nữa còn đẩy chúng ta chìm sâu vào khổ đau trong luân hồi.

Do vậy, mục tiêu hướng đến trước tiên của sự tu tập chính là phải “lìa bỏ 6 chỗ tiếp xúc giữa căn với trần” (hay 6 xúc xứ), bởi vì đây chính là biện pháp để chấm dứt những tác động nguy hại của mọi cảm thọ.

“Lìa bỏ” ở đây không có nghĩa là chấm dứt không còn cảm thọ. Trong thực tế, vị tỳ-kheo vẫn có sự nhận biết rõ ràng về những xúc chạm trơn mịn hay thô ráp, những hình ảnh xanh đỏ trắng vàng..., nhưng tất cả những sự nhận biết đó không còn làm khởi lên trong tâm sự ưa thích hay chán ghét, do đó tâm của vị ấy được an nhiên tự tại và không còn chịu sự tác động, ảnh hưởng chi phối của cảm thọ. Và khi tâm thức thoát khỏi những ảnh hưởng chi phối của cảm thọ, vị ấy sẽ có được sự sáng suốt tĩnh lặng để nhận thức đúng thật và “hiểu biết vượt ra ngoài những luận chấp” tà kiến sai lệch.

4. Lưới tà kiến

Để tóm lại toàn bộ nội dung đã thuyết giảng trên, đức Phật đưa ra một hình tượng so sánh rất ấn tượng và rõ nét. Như một người đánh cá tung ra tấm lưới có mắt sít sao, bao trùm khắp trên mặt hồ nước nhỏ, hết thảy những con cá lớn nhỏ trong hồ nước đó đều sẽ không thể nào thoát ra được. Cho dù chúng nhảy vọt lên ở bất cứ chỗ nào cũng đều sẽ vướng lưới, bị hạn cuộc trong lưới, không thể thoát ra khỏi.

Cũng vậy, khi đức Phật tung ra tấm lưới 62 tà kiến này, hết thảy những luận thuyết ngoại đạo đương thời đều bị tóm gọn trong lưới, không thể thoát ra khỏi. Cho dù họ có nỗ lực biện luận theo bất cứ cách thức nào, những luận thuyết sai lệch của họ cũng đều đã bị đức Phật chỉ rõ, không thể thoát ra khỏi.

5. Như Lai tịch diệt

Vượt ngoài tất cả những quan điểm sai lệch như chấp thường, chấp đoạn của ngoại đạo, đức Phật dạy về sự hiện hữu và diệt mất của thân Như Lai chỉ đơn giản như vết tích cuối cùng của một đời sống cuối cùng, sau khi một vị Phật đã hoàn toàn giác ngộ và không còn phải tiếp nối một đời sống nào khác trong luân hồi:

“Này các tỳ-kheo, thân Như Lai còn tồn tại, nhưng những gì đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt. Khi thân Như Lai còn tồn tại thì chư thiên và loài người có thể nhìn thấy, sau khi thân hoại mạng chung thì chư thiên và loài người không thể thấy nữa...”

Và sự hiện hữu của đời sống cuối cùng này được đức Phật mô tả như sự chấm dứt của một nhánh xoài đã bị cắt đứt, sự sống của tất cả những trái xoài trên nhánh ấy cũng sẽ chấm dứt theo:

“Này các tỳ-kheo, như nhánh xoài có một chùm xoài bị chặt đứt, tất cả những trái xoài dính với nhánh ấy đều bị chung số phận...”

Với nhận thức đúng thật, đức Phật đã chỉ rõ nguyên nhân khiến một hữu tình tìm đến đời sống mới không gì khác hơn là sự thôi thúc của tham ái. Do vậy, một bậc giác ngộ đã đoạn trừ tận gốc rễ tham ái thì tất yếu không còn tái sanh trong luân hồi nữa. Đó là cảnh giới Niết-bàn của bậc thánh, là sự tịch diệt của Như Lai, chỉ có thể do tự thân bậc thánh trải nghiệm mà không thể mô tả qua ngôn từ hay suy diễn được.

6. Kết thúc

Nội dung kết thúc bản kinh chính là nội dung tóm lược những ý nghĩa quan trọng nhất mà kinh này đã nêu ra. Đức Phật dạy, kinh này có 5 tên gọi. Mỗi tên gọi này đều tiêu biểu cho một nội dung chính mà chúng tôi đã trình bày trong phần Dẫn nhập.

Một cách ngắn gọn, phần kết thúc này nêu ra những lợi ích của bản kinh, nói lên ý nghĩa phù hợp với chánh pháp, dứt trừ tà kiến, cũng như tính chất quý báu và mầu nhiệm của giáo pháp. Nội dung bản kinh đã thâu tóm toàn bộ những tà kiến đương thời, giúp cho người học Phật thấy rõ được những điểm sai trái, lệch lạc cũng như nguyên nhân dẫn đến các tà kiến đó.

Do vậy, kinh này vượt trên tất cả các luận thuyết của ngoại đạo đương thời, nắm giữ phần chiến thắng cao thượng nhất, vượt hơn tất cả những luận thuyết, tà kiến của ngoại đạo.

IV. Hội ý

1. Ý nghĩa trong bối cảnh đương thời

Bản kinh này cho ta thấy một bức tranh đa dạng về tư tưởng của xã hội Ấn Độ cổ đại vào thời đức Phật. Trong phần oai nghi giới hạnh, chúng ta cũng thấy được những sinh hoạt và niềm tin hỗn tạp của các ngoại đạo vào thời đó. Bằng cách từ bỏ tất cả những điều vô nghĩa tầm thường, vị tỳ-kheo giữ theo những oai nghi giới hạnh do Phật chế định đã vượt trên tất cả ngoại đạo, trở thành hình tượng cao quý được người thế gian kính ngưỡng, xưng tán vì nếp sống thanh cao, giản dị, từ bỏ mọi dục lạc và thói xấu.

Tuy nhiên, đức Phật cũng dạy rằng sự cao quý được người đời kính ngưỡng xưng tán đó, thật ra chỉ là nhỏ nhặt nếu so sánh với những tri kiến chân chánh của bậc giác ngộ có thể giúp người tu tập vượt thoát vòng sinh tử, chấm dứt luân hồi. Và những tri kiến chân chánh, siêu việt này thì người tầm thường không đủ khả năng nhận biết, chỉ những bậc có trí tuệ mới nhận biết được và xưng tán Phật vì những điều đó.

Từ những so sánh này, chúng ta thấy được ngay từ thời đó đức Phật đã phân biệt và chỉ rõ rằng, sự tu tập, hành trì theo giới luật tuy quan trọng nhưng chỉ mới là những nền tảng ban đầu, bởi chỉ riêng những điều đó thôi thì không thể đưa đến sự giải thoát hoàn toàn. Người tu tập còn phải học hỏi, rèn luyện cho mình một tri kiến chân thật, thấy biết đúng thật về thực tại thì mới có thể buông bỏ được những tà kiến, những quan điểm sai lầm, cũng như vượt thoát được sự chi phối của tham ái. Quá trình tu tập, rèn luyện này là một tầng bậc cao hơn nhiều so với việc chỉ đơn thuần giữ theo giới luật, và do vậy đòi hỏi phải có một trí tuệ sáng suốt, chân chánh mới có thể tiếp nhận và làm theo đúng lời Phật dạy.

Tóm lại, bản kinh này đặc biệt nêu rõ và so sánh hai phương diện tu tập song hành của một vị tỳ-kheo khi đi theo con đường do đức Phật chỉ dạy.

Việc nghiêm trì giới luật về phương diện hình thức nhằm tạo ra một nếp sống đúng đắn, ngăn ngừa mọi điều sai trái, tội lỗi xuất phát từ thân, khẩu, ý. Phương diện tu tập này là cần thiết nhưng chưa đủ để hướng đến mục tiêu giác ngộ cuối cùng, và về mặt ý nghĩa cũng như tầm quan trọng thì nó chỉ là nhỏ nhặt khi so với sự tu tập trí tuệ và rèn luyện tâm ý theo chánh kiến.

Do vậy, phương diện tu tập trí tuệ và rèn luyện tâm ý được xem là quan trọng hơn và là yếu tố quyết định trong việc đưa đến mục tiêu giải thoát tối thượng.

2. Ý nghĩa hiện đại

Khi đọc lại bản kinh này trong bối cảnh hiện đại, có thể một số người sẽ tự hỏi: Liệu có ích gì chăng khi tìm hiểu về 62 tà kiến của ngoại đạo từ cách đây hơn 25 thế kỷ?

Sự băn khoăn này là chính đáng, nhưng nó không có nghĩa là bản kinh này ngày nay không còn giá trị thực tiễn nữa. Trong thực tế, những lời dạy của đức Phật vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa dẫn dắt sự tu tập chân chánh cho bất cứ ai muốn đi theo con đường giải thoát.

Bởi vì các tà kiến được nêu trong kinh này có thể không còn nữa, nhưng nguyên nhân làm sinh khởi chúng thì đến nay vẫn không hề thay đổi. Con người ngày nay với tất cả những tri thức văn minh khoa học hiện đại nhưng vẫn chưa hề kiểm soát được tham ái, vẫn chưa hề làm chủ được những cảm thọ của mình nếu không có sự tu tập. Và một khi sự xúc chạm giữa các căn và trần vẫn xảy ra, các cảm thọ vẫn nảy sinh và khi chúng ta không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, chịu sự chi phối của tham ái, thì điều tất yếu là ta sẽ bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Toàn bộ tiến trình được đức Phật mô tả trong kinh này, ngày nay vẫn đang tiếp tục diễn ra như vậy, không hề khác biệt. Do đó, những tà kiến của thời cổ đại tuy không còn nữa, nhưng với sự chi phối của tham ái trong hiện tại này, vẫn có hàng loạt những tà kiến khác tiếp nối nhau sinh khởi mà không hề chấm dứt.

Nhưng chúng ta cũng không cần thiết phải tìm hiểu về bất kỳ tà kiến hay quan điểm sai trái nào khi đã hiểu được đó là hệ quả tất yếu nảy sinh từ sự chi phối của tham ái. Nói cách khác, khi nắm hiểu được nguyên tắc này thì ta luôn biết rằng, bất kỳ một quan điểm, học thuyết nào được khởi sinh từ sự chi phối của tham ái, chắc chắn đó sẽ là một quan điểm sai lệch, không chính xác.

Do vậy, người tu tập không cần thiết phải lặn ngụp trong vô số những tà thuyết sai trái để tìm hiểu, nhận dạng chúng. Chỉ cần tinh tấn tu tập tỉnh thức, luôn như thật rõ biết về các cảm thọ và tính chất của chúng để xa lìa, như đức Phật đã chỉ bày ngắn gọn trong đoạn kinh sau đây:

“Khi một vị tỳ-kheo như thật rõ biết sự khởi sinh và diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ sáu chỗ tiếp xúc giữa căn và trần, vị ấy sẽ có sự hiểu biết vượt ra ngoài những luận chấp nói trên.”

“Vượt ra ngoài những luận chấp nói trên” không chỉ là nói đến 62 tà kiến trong kinh này, mà chúng ta hoàn toàn có thể hiểu đó là tất cả những tà kiến của mọi thời đại, dù là từ cách đây hơn 25 thế kỷ hay ngay trong thời đại ngày nay. Khi người tu tập làm chủ được cảm thọ, vượt thoát được tham ái thì sự thấy biết, nhận thức của vị ấy sẽ luôn đúng thật. Đây chính là ý nghĩa cốt yếu của sự tu tập được nêu ra trong kinh này.

Tác giả: Nguyễn Minh Tiến

Không có nhận xét nào: