Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP THIỆN VÀ BẤT THIỆN

- Hỏi: Một người vô tình làm chết người. Không ai (người) biết, người đó cũng không biết, “xem như” không có cách chi chi để hành động “nhân” đó thu thành tàng thức để tạo “quả” trong những kiếp sau.
Vậy hỏi người đó có chịu nghiệp không? Nếu có thì nghiệp quả vận hành thế nào?
- Đức Quang Vô Sắc đáp:
Nghiệp của chúng sanh có hai loại. Nghiệp của chúng sanh đó được hình thành trong tâm của chúng sanh đó, gọi tắt là nội nghiệp. Nghiệp của chúng sanh đó được hình thành trong tâm của những kẻ[1] khác, gọi tắt là ngoại nghiệp.
Thế nào là nội nghiệp?
Kẻ này thường tưởng đến, thường nghĩ đến, thường tác ý, thường hành vi thiện hoặc bất thiện. Việc thiện, việc bất thiện đó được tâm thức ghi nhận như một định dạng thông tin và được lưu trữ trong tâm thức của kẻ này. Thông tin do kẻ này tạo tác, được định dạng và lưu trữ trong tâm thức của kẻ này gọi là nghiệp trong tâm của kẻ này. Khi nghiệp này gặp đủ nhân duyên tương ưng với định dạng của nó thì chúng phối hợp với nhau hiển lộ thành sự vật hiện tượng thông qua kẻ này nên gọi là nghiệp báo. Nội nghiệp là tác nhân chính dẫn dắt chúng sanh thọ thân trong lục đạo luân hồi. Chúng sanh được thọ thân ở cõi tốt hay xấu, môi trường tốt hay xấu, cha mẹ tốt hay xấu, gia đình tốt hay xấu, thân tốt hay xấu,... là phụ thuộc chủ yếu vào nội nghiệp.
Thế nào là ngoại nghiệp?
Kẻ này từng có những hành vi thiện hoặc bất thiện. Những kẻ khác chịu ảnh hưởng bởi hành vi thiện, hoặc bất thiện đó[2] thì được tâm thức của họ ghi nhận như một định dạng thông tin và được lưu trữ trong tâm thức của họ. Thông tin do kẻ này tạo tác, được định dạng và lưu trữ trong những kẻ khác gọi là ngoại nghiệp. Thông thường hành vi tạo tác của kẻ này có tính ảnh hưởng mạnh thì mới có thể tạo thành ngoại nghiệp. Khi nghiệp này gặp đủ nhân duyên tương ưng với định dạng của nó thì chúng phối hợp với nhau hiển lộ thành sự vật hiện tượng đến với kẻ này nên gọi là nghiệp báo. Nghiệp báo của ngoại nghiệp có hai dạng. Một là được đền đáp, được hộ trì, được giúp đỡ. Hai là bị trả thù, bị đòi lại công bằng, bị đòi nợ.
Ví như ngài Mục Kiền Liên, là một bậc đắc đạo Giải thoát nhưng ngài không tránh được sự giết hại. Có người cho rằng ta tu đắc đạo thì nghiệp liền được tiêu trừ. Không phải vậy. Bản thân ta tu hành đắc đạo thì nội nghiệp được tiêu trừ và ngay lập tức, ngoại trừ dư y báo thân này. Còn đối với ngoại nghiệp thì không như vậy vì nó còn phụ thuộc vào kẻ khác. Những kẻ đang cố chấp tạo tác đó của ta có tha thứ cho ta hay không, hay là những kẻ đó quyết phải đòi cho bằng được. Có những kẻ sẽ tha thứ cho ta khi thấy ta đã quay đầu, đã trở thành người lương thiện, đã trở thành người thánh thiện, đã giúp đỡ nhiều kẻ khác, đã cứu độ nhiều kẻ khác. Có những kẻ vẫn cố chấp tạo tác đó của ta mà đòi cho bằng được. Khi ta gặp phải những kẻ như vậy thì nên trả nợ cho họ. Như ngài Mục Kiền Liên đã quyết định trả nợ bằng cách để cho người khác giết hại.
Cũng như vậy, khi ta vô ý làm một việc mà việc đó dẫn đến chúng sanh bị giam giữ, bị khổ đau thân xác hoặc bị chết thì ngoại nghiệp này phụ thuộc vào kẻ khác. Ta không thể kết luận rằng ta có tội nghĩa là có ngoại nghiệp bất thiện, hay không có tội nghĩa là không có ngoại nghiệp bất thiện, vì ngoại nghiệp này còn phụ thuộc vào những kẻ khác. Nếu như không có kẻ khác cố chấp tạo tác này của ta thì ta không có tội, ta không phải trả nợ. Nhưng nếu có kẻ khác cố chấp tạo tác này của ta và đòi cho bằng được thì ta có tội, ta nên trả nợ.
Chú thích:
- [1] Kẻ: nói chung cho chúng sanh các loài.
- [2] Những kẻ khác chịu ảnh hưởng bởi hành vi thiện, hoặc bất thiện đó: bao gồm kẻ được lợi, hoặc bị hại; thân quyến hiện tại và quá khứ của kẻ được lợi, hoặc bị hại; bất kỳ chúng sanh nào hoan hỷ bởi hành vi thiện, hoặc bất bình trước hành vi bất thiện đó.

Không có nhận xét nào: