Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

(67) VỀ NIỆM PHẬT

Chân Như Bửu Hạnh: Nam mô Phật! Thưa Thầy con có 3 câu hỏi:
1. Vì sao niệm "Nam mô A Di Đà Phật" và Tứ niệm xứ có tác dụng khác nhau?
2. Niệm "Nam mô A Di Đà Phật" có cần niệm đến vô niệm tự niệm không?
3. Con cần Thầy nói rõ niệm Phật nhất tâm bất loạn là như thế nào?
Pháp Không Chân Như: Chân Như Bửu Hạnh! Chân Như sẽ trình bày theo thứ tự ngược lại, tức là bắt đầu trả lời cho câu hỏi thứ ba, rồi đến câu hỏi thứ hai, cuối cùng là câu hỏi thứ nhất.
(3) Về niệm danh hiệu Phật đến nhất tâm bất loạn.
Tâm ở đây chính là vọng tâm, không phải là chân tâm. Vọng tâm thì có nhiều tâm vọng. Ví như tâm tư thường xuyên thay đổi hết chủ đề này đến chủ đề khác, hết đối tượng này đến đối tượng khác nên nói là có nhiều tâm vọng. Nhất tâm ở đây có nghĩa là chỉ duy nhất một tâm vọng, tâm vọng ở đây chính là câu "Nam mô A di đà Phật". Niệm "Nam mô A Di Đà Phật" đến nhất tâm bất loạn có nghĩa là tâm chỉ sinh diệt, biến hiện một câu "Nam mô A Di Đà Phật" trong một thời gian mà trong thời gian đó, tâm không sinh diệt bất cứ tâm vọng nào khác, không có xuất hiện bất cứ tâm vọng nào khác xen vào, gọi là không có tạp niệm. Thời gian công phu đó được gọi là niệm danh hiệu Phật được nhất tâm bất loạn.
Một sự thật vẫn xảy ra với hành giả tu theo pháp môn niệm danh hiệu Phật đó là không thể thực hành nó một cách tương tục trong suốt cuộc đời mà không làm gì khác, không có tác ý nào khác, không có tư duy, tư tưởng nào khác, hành vi nào khác xen vào. Chúng ta cần phải làm việc, cần phải giao tế, cần phải tắm, cần phải ăn, cần phải đi, cần phải lái xe, cần phải ngủ, cần phải nói chuyện,… Bất cứ hành vi nào như vậy xảy ra đều đã xảy ra tác ý về nó. Nghĩa là tư duy của ta mà nó khác với danh hiệu Phật đã hiện hữu và xen vào (gọi là có tạp niệm). Nghĩa là, thực hành niệm danh hiệu Phật đến nhất tâm bất loạn, nhất tâm bất loạn chỉ có thể xảy ra trong thời gian hành giả đang niệm chuyên nhất câu Phật hiệu mà thôi.
(2) Về vô niệm tự niệm danh hiệu Phật, còn gọi là bất niệm tự niệm danh hiệu Phật, có người gọi nó là niệm Phật tam muội.
Vô niệm tự niệm có nghĩa là không tác ý, khởi ý và chuyển ý đó thành hành vi niệm Phật (bằng miệng hoặc trong tâm) mà câu Phật hiệu vẫn biến hiện, hiển bày nơi tâm và ta nghe thấy câu Phật hiệu đó đang diễn ra trong tâm thức của ta.
Về quan điểm niệm Phật tam muội câu Phật hiệu, hiện nay có hai quan điểm nổi bật đó là: một là nhất tâm bất loạn, hai là TỰ TÁNH biến hiện (gọi là niệm Phật đạt đến kiến tánh).
Quan điểm thứ hai cho rằng do hành giả niệm Phật hiệu đạt đến kiến tánh nên Tự Tánh biến hiện, hiển bày câu Phật hiệu. Quan điểm này cũng cho rằng sự kiện người chưa kiến tánh mà nghe câu Phật hiệu hiển bày trong tâm là do vọng cầu, mong muốn, chấp trước, làm vọng cảnh sanh hoặc chiêu cảm tà mị biến hiện ma cảnh. Quan điểm này là sai lầm trong sự hiểu biết chân chánh về tâm. Chân tâm vốn tĩnh lặng, không có biến hiện. Bản chất của sự hiển bày câu Phật hiệu đều là vọng tâm cho dù chúng ta có tác ý hay không tác ý.
Vô niệm tự niệm vốn là kết quả cao nhất của niệm danh hiệu Phật nhất tâm bất loạn. Khi ta niệm danh hiệu Phật, ta khởi ý, tác ý và chuyển nó thành hành vi bằng miệng hoặc trong tâm, dù quá trình đó xảy ra rất vi tế mà ta không cảm nhận được diễn biến của quá trình đó. Nhưng rõ ràng là ta đã có tác ý, khởi ý và chuyển đổi ý thành hành vi. Các thứ này không phải là sáu chữ "Nam mô A Di Đà Phật". Điều này cho chúng ta hiểu rõ rằng, tạp niệm đã xảy ra.
Từ đó, ta khẳng định chưa nhất tâm bất loạn.
Quá trình diễn biến này có thể xảy ra trong quá trình ta đang trì niệm. Ta đang cố gắng giữ nó. Tức là ta đã tác ý khác sáu chữ kia.
Do đó, đối với hành giả trì niệm danh hiệu Phật đạt đến nhất tâm bất loạn cũng chính là tâm tự niệm mà không có sự can thiệp của ý và ý cũng không xen tạp vào.
Ở đây, Chân Như chỉ trình bày về tác dụng thiết thực hiện tại, có quả tức thời, có thể kiểm tra và chiêm nghiệm ngay tại đời này. Chân Như không đang luận về kết quả không thể nắm bắt ngay trong hiện tại và Chân Như không có chủ trương khuyến khích hành giả hãy nắm lấy cái không thể nắm lấy.
Theo đó, niệm danh hiệu Phật đến vô niệm tự niệm, tức nhất tâm bất loạn cũng chính là cảnh giới cao nhất (nói về trạng thái tâm định tĩnh) của thiền chỉ.
Chân Như Bửu Hạnh: Nam mô Phật! Thưa Thầy câu niệm Nam mô A Di Đà Phật vốn là vọng nhưng điều vi diệu là kiến tánh.
Pháp Không Chân Như: Ở đây, Chân Như chỉ trình bày về tác dụng thiết thực hiện tại, có quả tức thời, có thể kiểm tra và chiêm nghiệm ngay tại đời này. Chân Như không đang luận về kết quả không thể nắm bắt ngay trong hiện tại và Chân Như không có chủ trương khuyến khích hành giả hãy nắm lấy cái không thể nắm lấy.
Theo đó, niệm danh hiệu Phật đến vô niệm tự niệm, tức nhất tâm bất loạn cũng chính là cảnh giới cao nhất (nói về trạng thái tâm định tĩnh) của thiền chỉ.
Câu hỏi thứ 3 và thứ 2, Chân Như đã trình bày xong. Chân Như Bửu Hạnh có thắc mắc gì không.
Chân Như Bửu Hạnh: Nam mô Phật! Thưa Thầy, lúc đầu khi ta niệm danh hiệu Phật, ta khởi ý, tác ý và chuyển nó thành hành vi tức là có tạp niệm xảy ra đến giai đoạn tự niệm mà không có sự can thiệp của ý và ý cũng không xen tạp vào, tức đạt vô niệm tự niệm và có thể tự biến mất; nhưng nếu ta cố giữ tức có tác ý có vọng tâm như vậy bản chất của sự hiển bày câu Phật hiệu đều là vọng tâm để từ đó ta thấy được cái không vọng là chân tâm. Con hiểu như vậy có phải không ạ?
Pháp Không Chân Như: Chân Như Bửu Hạnh! Về các thắc mắc phát sinh của cô, Chân Như trình bày như sau:
Trong thiền định do Đức Phật trình bày gồm có hai phần thiền chỉ và thiền quán. Thiền chỉ, nó xuất hiện trước thời Đức Phật. Nó được Đức Phật khuyến khích áp dụng và đã được Đức Phật thuyết giảng. Thiền chỉ là pháp môn mà Đức Phật đã học và tu thời gian đầu. Nó không đưa đến diệt tận khổ đau. Thiền quán chính do Đức Phật thuyết giàng mà chưa ai thời đó từng được nghe. Nó là đặc thù riêng, sắc thái riêng của đạo giải thoát. Nếu không thành tựu thiền quán, hành giả không thể thoát khỏi mọi ràng buộc.
Thiền chỉ sẽ giúp cho tâm được an định, được định tĩnh, có thể thâm nhập sâu vào các tầng thiền tĩnh (chỉ) cũng như năng lực định của tâm, sức định lực của tâm được phát triển mạnh mẽ và tột đỉnh. Trong 37 phẩm trợ đạo, tức đạo đế do Thế Tôn thuyết giảng, có nhiều trợ đạo thuộc về thiền chỉ. Một hành giả thành tựu về thiền chỉ thì sẽ thuận lợi để thành tựu về thiền quán. Hành giả cần phải thực hành thiền quán, vì đó mới chính là cứu cánh niết bàn. Do nhân ấy, khi thực hành, tuỳ theo mục đích đang khai triển là phẩm trợ đạo nào theo hướng dẫn của Thế Tôn, hành giả duy trì trạng thái nhất tâm bất loạn chuyên nhất đề mục hoặc đi vào thiền quán và thay đổi cách hành xử của tâm, tức là từ không truy quán đối tượng sang truy quán đối tượng.
Đó là nói về nên duy trì hay không nên duy trì thiền chỉ. Hành giả cần phải học pháp của Phật về thiền chỉ và thiền quán.
Trong trường hợp hành giả đang sử dụng đề mục sáu âm tiết "Nam mô A Di Đà Phật" để thực hành, nếu quá trình nhất tâm bất loạn không còn, tức là bị xen tạp thì hành giả có thể lặp lại để được nhất tâm bất loạn.
Tuy nhiên, Chân Như Bửu Hạnh, cô đã hiểu sai về điều này: "để thấy được cái không vọng là chân tâm". Vì cái thấy đó chính là vọng tâm vậy. Hai là: "nhưng nếu ta cố giữ tức có tác ý có vọng tâm như vậy bản chất của sự hiển bày câu Phật hiệu đều là vọng tâm". Lập luận để kết luận sự hiển bày câu Phật hiệu là vọng tâm là không phù hợp. Đây là lập luận: "nhưng nếu ta cố giữ tức có tác ý có vọng tâm" và đây là kết luận: "như vậy bản chất của sự hiển bày câu Phật hiệu đều là vọng tâm". Ở đây, Chân Như Bửu Hạnh, sáu âm tiết "Nam mô A Di Đà Phật" hiển bày trong tâm chính là vọng tâm. Vì chân tâm không có sáu âm tiết đó.
Chân Như đã trình bày xong các thắc mắc phát sinh của cô.
Chân Như Bửu Hạnh: Nam mô Phật! Câu Phật hiệu hiện bày trong tâm là vọng, tác ý giữ cũng là vọng, ta biết rằng đó là vọng nên bỏ vọng, biết rằng đó là vọng tức là chân. Con chưa hiểu câu "Thiền chỉ sẽ giúp cho tâm được an định, được định tĩnh" vì nếu dùng chuyên nhất câu Phật hiệu đến vô niệm tự niệm vẫn là vọng thì sao gọi là được an định. Thưa Thầy, con vẫn còn lẫn quẩn với vọng không vọng cũng là vọng.
Pháp Không Chân Như: (1) Vì sao niệm "Nam mô A Di Đà Phật" và Tứ niệm xứ có tác dụng khác nhau?
Chân Như Bửu Hạnh! Chân Như nói niệm "Nam mô A Di Đà Phật" và niệm bốn xứ có tác dụng khác nhau. Vì sao như vậy?
Khi nói đến pháp môn niệm danh hiệu Phật A Di Đà, chúng ta đang biết chủ trương của pháp môn này hiện nay là chuyên nhất câu Phật hiệu khi niệm. Do nhân ấy, Chân Như biết ý niệm của Chân Như Bửu Hạnh về pháp môn niệm danh hiệu Phật cũng đang như vậy. Theo phương pháp thực hành này, đề mục sáu chữ Phật hiệu có thể giúp hành giả đạt được nhất tâm bất loạn, tức là thành đạt về thiền chỉ. Nó giúp cho tâm an tịnh, định tĩnh, an lạc, sắc bén, có thể chế định tạm thời tham, sân, nghi ngờ, khắc phục hôn trầm, trạo cử. Nó giúp cho hành giả có thể nhập thiền định một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Trong khi đó, bốn niệm xứ mà Thế Tôn thuyết giảng và khẳng định đây là con đường độc nhất đưa đến cứu cánh niết bàn. Nó có đầy đủ thiền chỉ và thiền quán trên mỗi niệm xứ. Bốn niệm xứ này trực tiếp đến thân tâm và những thứ liên hệ đến thân tâm và các pháp nên nó có đầy đủ các đề mục có tính chất huấn luyện tâm được an tịnh, định tĩnh, sắc bén, an lạc, khả năng kiểm soát và chế ngự, khả năng từ bỏ, khả năng dung thông thân khẩu ý, khả năng tuệ tri và sáng suốt, chánh niệm và tỉnh giác, nhận diện rõ và một cách trực tiếp đến vi tế về vô thường, khổ, vô ngã, khả năng sống chung với thực tại mà không bị chi phối; nó có tính chất bảo vệ niềm tin chân chính và bảo vệ sức mạnh tinh tấn; nó có tính chất truy tìm chân lý và giác ngộ; nó giúp cho hành giả thành tựu đạo đế, đoạn trừ mọi tham ưu ở đời, đạt cứu cánh niết bàn.
Do nhân ấy, Chân Như nói niệm "Nam mô A Di Đà Phật" và niệm bốn xứ có tác dụng khác nhau.
Ở đây, Chân Như khẳng định lại một lần nữa, đó là Chân Như chỉ trình bày về pháp thiết thực hiện tại, có quả tức thời, hành giả có thể tự mình kiểm chứng kết quả ngay trong hiện tại và trong đời này. Chân Như không luận bàn về kết quả mà hành giả không thể tự mình kiểm chứng ngay trong hiện tại và trong đời này, trước khi chết.
Chân Như đã trình bày xong về câu hỏi thứ nhất.
Chân Như Bửu Hạnh: Nam mô Phật! Cảm ơn Thầy, con đã hiểu.
(Kết tập: Hoàng Lạc)

Không có nhận xét nào: