Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

VÌ SAO TIẾNG VIỆT THÍCH HỢP DÙNG CHỮ VIẾT LOẠI GHI ÂM CÒN TIẾNG HÁN THÌ KHÔNG?

Đó là do tiếng Việt có cực nhiều âm tiết (syllable). Âm tiết là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất trong ngôn ngữ. Mỗi con chữ trong tiếng Việt thể hiện một âm tiết. Ở đây tôi dùng từ "con chữ" (hoặc "tiếng" hoặc "từ") để tránh nhầm với "chữ". Ví dụ con chữ (tiếng/từ) "Nam" gồm 3 chữ cái: n, a và m; con chữ này thể hiện 1 âm tiết. Nếu thêm dấu thì thành 6 âm tiết: Nam, Nám, Nàm, Nảm, Nãm, Nạm.
Thử so với tiếng Hán: Ví dụ ta hãy thống kê các âm tiết bắt đầu bằng nguyên âm A, không tính đến thanh điệu. Kết quả cho thấy tiếng Hán có 5 âm tiết (a - ai - an - ang - ao) . Tiếng VN có 29 âm tiết, trong đó A có 13 âm tiết (a - ac - ach - anh - am - an - ang - ao - ap - at - au - ay). Ă có 7 âm tiết, Â có 9 âm tiết. Nghĩa là trong ví dụ này tiếng Việt có số âm tiết nhiều gấp gần 6 lần tiếng Hán.
Chịu khó thống kê như vậy, nếu tính số âm tiết có thanh điệu (tiếng VN có 6 thanh điệu, tiếng Hán có 4) thì cuối cùng tiếng VN có gần 20 nghìn âm tiết, tiếng Hán có max = 1324 âm tiết (thực tế chỉ vào khoảng trên 1000 âm tiết, vì nhiều âm tiết không dùng đủ 4 thanh điệu).
Theo thống kê của GS Nguyễn Quang Hồng nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm VN, tiếng VN có 4312 âm tiết không xét thanh điệu và 19520 âm tiết có xét thanh điệu. Nghĩa là số âm tiết nhiều gấp hơn 10 lần tiếng Hán. Đặc điểm này cho thấy hai tộc người Việt Nam và Hán khó có thể cùng nguồn gốc như có người vẫn nghĩ.
Do giàu âm tiết nên tiếng VN có rất ít từ đồng âm. Tiếng Hán nghèo âm tiết nên có quá nhiều chữ đồng âm. Hãy thử lấy tổng số chữ Hán là khoảng 100.000 chữ, chia cho 1000 âm tiết thì tính đổ đồng mỗi âm tiết có 100 chữ cùng đọc như nhau.
Theo thống kê của chúng tôi, trong tổng số 415 âm tiết (không xét thanh điệu) của toàn bộ chữ Hán, chỉ có 22 âm tiết không có chữ đồng âm, còn lại 393 âm tiết đều có chữ đồng âm. Hán ngữ có quá nhiều chữ (từ) đồng âm là một tai họa khiến cho nó không thể thích hợp dùng chữ biểu âm (ghi âm), chỉ có thể dùng chữ biểu ý (ghi ý).
Trên thực tế chữ đồng âm tập trung vào một số âm tiết người Hán dùng nhiều nhất. Thống kê theo sách "Từ Hải" cho thấy riêng âm tiết [yì] có 195 chữ đồng âm. Các âm tiết có nhiều (khoảng 100) chữ đồng âm gồm: ji, qi, xi, yu, zhi ..., Tóm lại chữ Hán có tình trạng đồng âm quá nghiêm trọng, nếu dùng chữ ghi âm thì hoàn toàn bế tắc. Vì thế tiếng Hán không thể dùng chữ ghi âm. Đây là kết luận thực tế chứ không phải lý thuyết.
Tiếng Việt và tiếng Hán đều là ngôn ngữ đơn lập (mỗi từ một âm tiết), vì thế vấn đề chữ đồng âm gây tác hại nặng nề; ngôn ngữ đơn lập mà lại nghèo âm tiết sẽ không thể dùng chữ ghi âm. Tiếng Việt đơn lập nhưng bù lại giàu âm tiết, cho nên thích hợp dùng chữ ghi âm.
Trong ngôn ngữ đa lập (một từ có thể có trên 1 âm tiết, như tiếng Anh, Pháp, Nhật...) vấn đề đồng âm không nặng nề, hoàn toàn có thể dùng chữ viết ghi âm. Tiếng Nhật tuy nghèo âm tiết nhưng do là ngôn ngữ đa lập nên có thể dùng được chữ ghi âm. Có điều vì đã dùng chữ Hán quá lâu nên người Nhật khó chuyển sang dùng chữ ghi âm; sự chuyển đổi ấy lợi bất cập hại, làm cho họ không kế thừa được nền văn hóa cổ xưa chủ yếu dùng chữ Kanji.
Chủ nhân Nobel Vật lý 1957 Dương Chấn Ninh nói các ngôn ngữ nguyên thủy và ngôn ngữ chín muồi trên thế giới đều là ngôn ngữ đa lập, rất hiếm có ngôn ngữ đơn lập, và Hán ngữ có thể vốn là đa lập nhưng sau đó do ảnh hưởng của Kinh Dịch mà biến thành đơn lập [xem thế đủ biết Kinh Dịch đã tác hại như thế nào tới văn hóa TQ; thế mà vẫn có người ca tụng tận mây xanh].
Ngôn ngữ đa lập không tồn tại vấn đề đồng âm, do đó hoàn toàn thích hợp dùng chữ viết loại ghi âm. Hiển nhiên, nếu giữ được tính đa lập thì Hán ngữ hoàn toàn thích hợp dùng chữ viết loại ghi âm, chứ không buộc phải dùng chữ viết loại ghi ý (như chữ Hán), cho dù Hán ngữ nghèo âm tiết.
Tư duy của những người làm ra Kinh Dịch (hoặc tán dương Kinh Dịch) là tư duy thiếu logic, vì thế làm cho Hán ngữ từ đa lập trở thành đơn lập và chữ Hán trở thành thứ chữ duy nhất thuộc loại ghi ý. Sau cả thế kỷ cải cách, các nhà ngôn ngữ học TQ đã thấy chữ Hán không thể nào thay bằng chữ ghi âm, và họ đành ngậm ngùi thỏa mãn với chế độ "Song Văn": vừa dùng chữ Hán vừa dùng Hán ngữ Pinyin, và Châu Hữu Quang kết luận: " Chữ Hán vừa là báu vật của văn minh cổ đại lại vừa là gánh nặng của văn minh hiện đại". Suy ra: đã là gánh nặng thì phải tìm cách quẳng nó đi cho nhẹ. Nhưng để quẳng nó đi thì phải cần tới 500 năm (lời Châu Hữu Quang).
Tiếng Việt tuy là đơn lập nhưng may sao trời cho lại giàu âm tiết đến mức kỳ lạ, vì thế thích hợp dùng chữ ghi âm. Đây là căn nguyên sâu xa khiến nỗ lực (của các giáo sĩ châu Âu đến VN truyền giáo) tạo chữ ghi âm cho tiếng Việt đã thành công một cách khá thuận lợi. Họ đã phiên âm được tất cả các chữ Nôm thành một dạng chữ Latin, sau này dân ta gọi là Chữ Quốc ngữ. Dĩ nhiên không thể phủ nhận sự cố gắng và biệt tài về ngôn ngữ học của các giáo sĩ Dòng Tên như Pina và Rhodes... (nghe nói Dòng Tên chỉ kết nạp giáo sĩ có học vị tiến sĩ!). Nhưng khi đưa về Rome in cuốn Từ điển Việt-Bồ-La thì do không mang theo thợ VN chuyên làm ván khắc chữ Nôm nên Từ điển này không in được phần chữ Nôm. Đây là lý do mà Giáo sư Roland Jacques nói cuốn Từ điển Việt-Bồ-La vừa là một thành công lớn lại vừa là một thất bại. Ông nói thất bại ở chỗ không in được phần chữ Nôm - chữ của thế giới chữ tượng hình Hán Việt.
Nguyễn Hải Hoành
NHHFB200104
ảnh R. Jacques tại Hội thảo 100 năm Chữ QN tại Đà nẵng 28-29-12/2019

Không có nhận xét nào: