"... Ta tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết- bàn.
Tri kiến khởi lên nơi Ta: 'Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sinh nữa'."
---
5. – Này các tỳ-khưu, có hai loại tầm cầu này: Thánh cầu và phi thánh cầu. Thế nào là phi thánh cầu? Ở đây, có người tự mình bị sinh lại tầm cầu cái bị sinh, tự mình bị già lại tầm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tầm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tầm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tầm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm.
6-11. Cái gì gọi là bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm? Vợ con; đầy tớ nam, đầy tớ nữ; dê và cừu; gà và heo; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái; vàng và bạc: những chiếm hữu các thứ ấy là bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm; và người nào nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sinh lại tầm cầu cái bị sinh, tự mình bị già lại tầm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tầm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tầm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tầm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm. Như vậy gọi là phi thánh cầu.
12. Thế nào là thánh cầu? Ở đây, có người tự mình bị sinh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sinh, tầm cầu cái vô sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tầm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tầm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tầm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tầm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tầm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Như vậy, gọi là thánh cầu.
13. Này các tỳ-khưu, Ta cũng vậy, trước khi giác ngộ, khi còn là Bồ-tát chưa chứng đắc, tự mình bị sinh lại tầm cầu cái bị sinh, tự mình bị già lại tầm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tầm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tầm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tầm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm.
Rồi Ta suy nghĩ như sau: “Tại sao Ta, tự mình bị sinh lại tầm cầu cái bị sinh, tự mình bị già lại tầm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tầm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tầm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tầm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm? Vậy Ta, tự mình bị sinh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sinh, tầm cầu cái vô sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tầm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tầm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tầm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tầm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tầm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn.
14. Rồi sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dù cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
15. Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đến chỗ Ālāra Kāḷāma ở, khi đến xong liền thưa với Ālāra Kāḷāma: “Hiền giả Kāḷāma, tôi muốn sống phạm hạnh trong Pháp và Luật này”. Này các tỳ-khưu, được nghe nói vậy, Ālāra Kāḷāma nói với Ta: “Này tôn giả, hãy sống (và an trú). Pháp này là như vậy, khiến kẻ có trí, không bao lâu như vị bổn sư của mình (chỉ dạy), tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú”. Không bao lâu Ta đã thông suốt Pháp ấy một cách mau chóng. Và này các tỳ-khưu, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí và giáo lý của bậc trưởng lão (thượng tọa) và Ta tự cho rằng Ta như kẻ khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy.
Ta suy nghĩ như sau: “Ālāra Kāḷāma tuyên bố Pháp này không phải chỉ vì lòng tin: ‘Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, Ta mới an trú’. Chắc chắn Ālāra Kāḷāma biết Pháp này, thấy Pháp này rồi mới an trú”. Rồi Ta đi đến chỗ Ālāra Kāḷāma ở, sau khi đến, Ta nói với Ālāra Kāḷāma: “Hiền giả Kāḷāma, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này?” Được nói vậy, Ālāra Kāḷāma tuyên bố về vô sở hữu xứ.
Rồi Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ có Ālāra Kāḷāma có lòng tin, Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Ālāra Kāḷāma mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Ālāra Kāḷāma mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Ālāra Kāḷāma mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Ālāra Kāḷāma mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy cố gắng chứng cho được Pháp mà Ālāra Kāḷāma tuyên bố: ‘Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta an trú’.”
Rồi này các tỳ-khưu, không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt Pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi Ta đi đến chỗ Ālāra Kāḷāma ở, Ta nói với Ālāra Kāḷāma: “Này hiền giả Kāḷāma, có phải hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy?” –”Vâng, hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy”. –”Này hiền giả, tôi cũng tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy”. –”Thật lợi ích thay cho chúng tôi, thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố, chính Pháp ấy hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; Pháp mà hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính Pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố; Pháp mà tôi biết, chính Pháp ấy hiền giả biết; Pháp mà hiền giả biết, chính Pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, hiền giả là như vậy; hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!”
Như vậy, Ālāra Kāḷāma là đạo sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này các tỳ-khưu, rồi Ta tự suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt vô sở hữu xứ”. Như vậy Ta không tôn kính Pháp này và từ bỏ Pháp ấy, Ta bỏ đi.
16. Rồi Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta, khi đến xong Ta nói với Uddaka Rāmaputta: “Hiền giả, tôi muốn sống phạm hạnh trong Pháp và Luật này”. Ðược nói vậy, Uddaka Rāmaputta nói với Ta: “Này tôn giả, hãy sống (và an trú), Pháp này là như vậy, khiến người có trí không bao lâu như vị bổn sư của mình (chỉ dạy) tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú”. Ta đã thông suốt Pháp ấy một cách mau chóng. Và cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí và giáo lý của bậc trưởng lão và Ta tự cho rằng Ta như người khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy.
Ta suy nghĩ như sau: “Rāma tuyên bố Pháp này không phải vì lòng tin: ‘Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta mới an trú’. Chắc chắn Rāma thấy Pháp này, biết Pháp này, rồi mới an trú”. Này các tỳ-khưu, rồi Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta ở, Ta nói với Uddaka Rāmaputta: “Hiền giả Rāma, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này?” Này các tỳ-khưu được nghe nói vậy, Uddaka Rāmaputta tuyên bố về phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Rồi Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ có Rāma mới có lòng tin. Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Rāma mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Rāma mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Rāma mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Rāma mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy ta hãy cố gắng chứng cho được Pháp mà Rāma tuyên bố: ‘Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, tự an trú’.”
Rồi không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt Pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi này các tỳ-khưu, Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta ở, sau khi đến, Ta nói với Uddaka Rāmaputta: “Này hiền giả Rāma, có phải hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy?” – ”Vâng hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy”. –”Này hiền giả, tôi cũng đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy”.
–“Thật lợi ích thay cho chúng tôi! Thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi, tự tri tự chứng, tự đạt và tuyên bố, chính Pháp ấy hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; Pháp mà hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính Pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố; Pháp mà tôi biết, chính Pháp ấy hiền giả biết; Pháp mà hiền giả biết, chính Pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, hiền giả là như vậy; hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!”
Như vậy, Uddaka Rāmaputta là đạo sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này các tỳ-khưu, rồi Ta suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Như vậy, Ta không tôn kính Pháp ấy và từ bỏ Pháp ấy, Ta bỏ đi.
17. Này các tỳ-khưu, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ, tuần tự du hành tại nước Magadha (Ma-kiệt-đà) và đến tại tụ lạc Uruvelā (Ưu-lâu-tần- loa). Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Rồi Ta tự nghĩ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn”. Và Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ: “Thật là vừa đủ để tinh tấn”.
18. Rồi này các tỳ-khưu, Ta tự mình bị sinh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sinh, tìm cầu cái không sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Ta tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Ta tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và đã chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Ta tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và đã chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết- bàn. Ta tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và đã chứng được cái vô sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Ta tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết- bàn.
Tri kiến khởi lên nơi Ta: “Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sinh nữa”.
(Kinh Trung bộ 26, Kinh Thánh cầu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét