Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Trong kinh A Hàm chứng thực Đức Phật có khai thị hai từ 'Tiểu thừa' và 'Đại thừa'

PHẦN 1: DẪN NHẬP

Trong giới Phật học hiện nay vẫn chia làm 2 nhánh lớn là Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Hán truyền (Phật giáo Bắc truyền). Những người theo Phật giáo Nam truyền chủ yếu tu tập đạo Giải thoát, hay còn gọi là Tiểu thừa, hay Thanh văn thừa, chứng quả vị cao nhất là A La Hán (ở đây tạm không nhắc đến Duyên giác thừa). Còn những người tu theo các pháp môn Phật giáo Bắc truyền là tu theo đạo Phật Bồ Đề, hay còn gọi là Đại thừa, chứng quả vị cao nhất là Phật quả.

Hai danh từ “Tiểu thừa” và “Đại thừa” vốn dĩ là hai cái tên dùng để phân biệt nội dung tu tập khác nhau của đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, hoàn toàn không có ý khinh chê, hạ thấp nhau. Đức Thế Tôn sở dĩ thuyết giảng đạo Giải Thoát là dành cho những người có căn cơ chỉ muốn thoát khỏi cái khổ lục đạo luân hồi, chấm dứt sinh tử, đạt trí tuệ giải thoát. Còn đạo Phật Bồ Đề dành cho những người muốn hành Bồ Tát đạo, thực chứng Bồ Đề, muốn lưu hoặc nhuận sinh, phát Thập vô tận nguyện, thề vĩnh viễn không nhập Niết Bàn, sẵn sàng sinh tử luân hồi để cứu độ chúng sinh, đạt trí tuệ Bát Nhã. Sự khác biệt giữa Tiểu thừa và Đại thừa là vô cùng lớn và rõ ràng. Song, dù trong bất kỳ trường hợp nào thì những người tu học Đại thừa đều coi Tiểu thừa là một bộ phận không thể tách rời của Phật pháp, cũng giống như một nhánh cây lớn vẫn thuộc về Đại thụ Bồ Đề.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà có một bộ phận không nhỏ những người chủ trương “Đại thừa phi Phật pháp”, phủ nhận sự tồn tại chân thực của kinh điển Đại thừa. Chủ trương sai lầm này không chỉ xuất phát từ một nhóm người ở Nhật Bản mà còn tồn tại ngay trong những người tu theo đạo Giải thoát của Phật giáo Nam truyền từ rất nhiều năm nay. Họ chỉ nhất nhất cho rằng Phật giáo Nam truyền mới là Phật giáo chính tông, hô hào người học Phật quay về tu tập “Đạo Phật gốc”, “Đạo Phật nguyên thủy”..., đồng thời ra sức bài bác, phủ nhận và phỉ báng kinh điển Đại thừa. Họ cho rằng, kinh điển Đại thừa là do Tổ sư các tông phái ở Trung Quốc chế ra, gọi là “kinh sách Đại thừa phát triển”, không phải do Phật thuyết. Họ cũng lớn tiếng cho rằng, các Tổ sư chế ra hai từ “Đại thừa” và “Tiểu thừa” để nhằm hạ thấp những người tu theo Phật giáo Nam truyền. Trên thực tế, họ đã hiểu lầm rất nhiều về Phật pháp, đồng thời mắc trọng tội phỉ báng Tam Bảo mà không tự biết. Ngày nay, những người phỉ báng kinh sách Đại thừa không ít, họ vừa là những người mắc trọng tội đồng thời cũng là những nạn nhân thiếu hiểu biết, bị những ác tăng, ác tri thức... (Thích…, ) dẫn dắt sai lầm, hại mất pháp thân huệ mạng.

Ngoài ra, một số người tu học theo Phật giáo Nam truyền còn bày đặt ra rất nhiều vấn đề khác để khẳng định rằng kinh sách Đại thừa là do các Tổ sư chế ra, không phải do Phật thuyết như 1. Nội dung kinh sách có nhiều mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với kinh điển dòng Tiểu thừa. 2. Phật Thế Tôn không dạy giáo pháp Đại thừa cho các đệ tử. 3. Phật Thế Tôn không thuyết kinh A Di Đà.... Tất cả những nội dung này, đều xuất phát từ việc những người tu theo Phật giáo Nam tông không tin Phật đã từng thuyết kinh Đại thừa, đặc biệt nhấn mạnh rằng thời Phật tại thế, không có từ “Tiểu thừa” và “Đại thừa”.

Để trả lời tất cả những câu hỏi, hoài nghi của nhóm những người tu theo Phật giáo Nam Tông cũng không hẳn là khó, xong cần có thời gian nghiên cứu lâu dài kỹ lưỡng, bởi rất khó thỏa mãn những người vốn dĩ đã không tin những gì người Đại thừa nói. Nếu đem kinh điển Đại thừa ra giải thích (vốn dĩ nội dung vô cùng cao thâm, khác biệt hẳn với kinh Tiểu thừa) thì họ nhất định sẽ không chịu, vì họ đã phủ định kinh điển Đại thừa ra thì không thể lấy nội dung kinh điển Đại thừa ra để giải đáp được.

Do đó, điều cần thiết nhất chính là tìm ra được những nội dung của kinh điển Đại thừa nhưng được ghi chép trong kinh Tiểu thừa, đặc biệt là trong hệ thống kinh A Hàm mới đủ sức thuyết phục. Muốn biện luận chính xác thì cả hai bên phải hiểu rõ nội dung kinh điển của cả Tiểu thừa và Đại thừa thì khi trích dẫn kinh điển mới có thể chấp nhận lập luận của nhau. Tuy nhiên, vì sự hiểu biết của mỗi bên có hạn, lại không đồng đều, cũng không nhằm vào một cá nhân cụ thể nào, nên sự biện luận pháp nghĩa sẽ gặp khó khăn, nhất là bên Tiểu thừa vốn dĩ đã không hiểu gì về Đại thừa.
Vì lý do trên, tôi chỉ chọn một nội dung đơn giản nhất, đồng thời cũng là cốt tủy nhất, nhằm chứng minh rằng khi Phật tại thế, có nhắc đến hai từ “Tiểu thừa” và “Đại thừa” khi giảng kinh cho các đệ tử, mà những từ này nằm trong hệ thống kinh A Hàm rất quen thuộc của những người tu Tiểu thừa. Nếu như trích dẫn ra mà họ còn phủ nhận thì không còn gì để nói nữa.

PHẦN 2: KINH A HÀM CÓ NÓI ĐẾN HAI TỪ “TIỂU THỪA”

Những người tu theo Phật giáo Nam tông nhất quyết cho rằng khi Phật Thích Ca thuyết pháp tại Ấn Độ hơn 2500 năm trước không hề nhắc đến hai từ “Tiểu thừa” và “Đại thừa”, đồng thời cho rằng hai từ đó là do các Tổ sư Trung Quốc chế ra để hạ nhấp, khinh miệt những người tu đạo Giải thoát.

Kỳ thực, trong giáo lý hệ thống kinh A Hàm, là bộ kinh cốt lõi của Phật giáo Nam truyền (Thượng Tọa bộ) cũng đã nói đến hai từ “Tiểu thừa”.

Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển thứ 18, phẩm Tứ ý đoạn viết: “Như Lai có bốn việc không thể nghĩ bàn, không phải là (người) TIỂU THỪA có thể biết. Thế nào là bốn việc? Thế không thể nghĩ bàn; Chúng sinh không thể nghĩ bàn; Long không thể nghĩ bàn; Cảnh giới Phật thổ không thể nghĩ bàn”.

Sự việc là rất đơn giản và rõ ràng, vậy mà một nhóm những người tu theo Phật giáo Nam tông không chịu đọc, không chịu tư duy, vô tình hoặc cố ý “dữ Phật cộng tranh – cãi láo với Phật”. Nếu như nhóm những người “Tiểu thừa cực đoan” này cho rằng Phật Thế Tôn không từng khai thị hai chữ “Tiểu thừa”, đổ thừa cho các Tổ sư chế ra, như vậy phải chăng là họ đang phỉ báng Phật?

Nếu như nhóm những người “Tiểu thừa cực đoan” này cho rằng những người Đại thừa chế ra hai chữ “Tiểu thừa” để nhằm mục đích hạ thấp, khinh miệt những người tu theo Đạo Giải Thoát của Phật giáo Nam truyền, thì phải chăng là họ đang công khai chỉ trích Đức Thế Tôn khai thị thế là hạ thấp và khinh miệt họ? Hay là đến nước này, họ dám liều mạng phủ nhận nốt cả “Tiểu thừa” của họ, tiến đến chủ trương “kinh A Hàm phi Phật thuyết” giống như họ đã từng lớn tiếng nói “Đại thừa phi Phật thuyết”?

Từ trong nội dung của kinh Tăng Nhất A Hàm có hai chữ “Tiểu thừa” thì chúng ta thấy, điều này cũng đồng nghĩa rằng có một hệ thống kinh điển “Đại thừa” đối lập, chỉ có những người tu Đại thừa, hành Bồ Tát đạo, muốn đạt trí tuệ Bát Nhã và thành Phật mới hiểu và biết nội dung của nó, còn những người “Tiểu thừa” không thể đủ trí tuệ để hiểu biết đến như lời Phật khai thị. Một khi pháp Đại thừa tồn tại thực sự thì tà kiến “A La Hán chính là Phật” mà họ chủ trương quyết không thể đứng vững được.

Nói đến đây, có người sẽ cố tình chầy cối rằng Phật chỉ nói hai chữ “Tiểu thừa” chứ đâu có nói đến hai chữ “Đại thừa”? Vậy rốt cuộc, Phật Thế Tôn có nói đến hai chữ “Đại thừa” và dạy pháp Đại thừa cho chúng đệ tử không? Hãy xem phần 3 sẽ rõ.

PHẦN 3: KINH A HÀM CÓ NÓI ĐẾN HAI TỪ “ĐẠI THỪA” VÀ NHIỀU NỘI DUNG KINH ĐIỂN ĐẠI THỪA

Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Phật Thế Tôn không chỉ nhắc đến hai chữ “ĐẠI THỪA” mà còn ẩn hiện nhắc đến một số nghĩa lý cao cấp trong giáo pháp Đại thừa. Song vì kinh này là giảng cho đối tượng là các đệ tử tu theo đạo Giải thoát (cao nhất đạt quả vị La Hán) cho nên Phật không đi sâu giảng giải pháp Đại thừa mà thôi.

Kinh Tăng nhất A Hàm ngay từ Phẩm tự (lời nói đầu) của quyển thứ nhất, Phật Thế Tôn đã nhắc đến “Đại thừa” rồi. Phật khai thị rằng: “Cái pháp A Hàm Tăng Nhất này, TAM THỪA GIÁO HÓA KHÔNG SAI BIỆT (so với sự giáo hóa trong Tam thừa không có gì khác biệt), Phật kinh vi diệu vô cùng thâm sâu, có thể trừ kiết sử như nước sông chảy (lôi tuột hết đi). Kinh Tăng Nhất này là tối thượng, có thể làm tịnh Tam nhãn và trừ Tam cấu. Các ngươi chuyên tâm trì Tăng Nhất, tức là TỔNG TRÌ NHƯ LAI TẠNG, chính khiến cho thân đời này dù không tận kết thì đời sau sẽ được tài trí cao siêu. Nếu như người nào viết chép kinh quyển, vẽ sắc hoa lên mà trì cúng dường, Phúc đó vô lượng không kể xiết. Chính vì Pháp bảo này rất khó gặp, cho nên khi thuyết pháp này thì đại địa chấn động, hương hoa trên trời rơi xuống như mưa, chư Thiên trên không thán Thiện tai! Thượng Tôn nói xin thuận nghe theo hết. Khế kinh là Nhất Tạng, Luật là Nhị Tạng, A Tỳ Đàn Kinh là Tam Tạng. PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI THỪA NGHĨA HUYỀN THÚY (nghĩa lý trong Phương Đẳng Đại thừa vô cùng huyền bí và thâm thúy), và các Khế kinh là Tạp Tạng. An trú trong lời Phật mà không thấy sai khác, nhân duyên gốc ngọn đều tùy thuận. DI LẶC CHƯ THIÊN ĐỀU XƯNG THIỆN, Thích Ca văn kinh được trường tồn, DI LẶC tìm được khởi thủ cầm hoa, hoan hỉ trì trì dụng chuyển tán cho A Nan. Kinh này chân thực Như Lai thuyết, khiến A Nan tìm và quả đạo được thành tựu”.

Thông qua những chữ viết hoa trên, mọi người đều có thể dễ dàng nhận thấy quả thực Đức Thế Tôn có nhắc đến hai chữ “ĐẠI THỪA”, đồng thời có đề cập đến những danh tướng thường dùng trong kinh điển Đại thừa sau này như NHƯ LAI TẠNG, TAM THỪA (đối lập với NHỊ THỪA tức Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa), TỔNG TRÌ, PHƯƠNG ĐẲNG, DI LẶC...

Thiết nghĩ như thế đã quá đủ để cho mọi người thấy rằng trong hệ thống kinh A Hàm đích thực Thế Tôn có khai thị về “Đại thừa”. Có người sẽ ngụy biện rằng, Thế Tôn nói có một lần, chúng tôi không đọc kỹ nên không thấy. Sự thực không phải như thế! Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Thế Tôn nhiều lần nhắc đến danh từ này. Tôi không ngại xin liệt kê thêm:

Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 2, Phẩm Quảng Diễn, Phật nói về những người có phẩm chất Bồ Tát tu theo Đại thừa Bồ Đề như sau: “Thánh chúng là chỉ Tứ song Bát bối, là chỉ Thánh chúng Như Lai, cần phải được cung kính, thừa sự lễ thuận. Nguyên nhân của nó là, đó là phúc điền của thế gian. Trong các Thánh chúng này, tất cả đều đồng một chất (đều hành Bồ Tát đạo), vừa là TỰ ĐỘ, lại cũng ĐỘ THA đến được TAM THỪA ĐẠO. Vì hành nghiệp như thế mà gọi là Thánh chúng”.

Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 45, Phẩm Thập bất thiện, Phật Thế Tôn khi tuyên thuyết A Hàm cũng đã khai thị nhiều về giáo pháp Tam thừa: “Thánh chúng Như Lai đáng kính, đáng quý, là phúc điền vô thượng trên thế gian. Nay trong Thánh chúng này có Tứ hướng, Tứ quả và THANH VĂN THỪA, BÍCH CHI PHẬT THỪA, PHẬT THỪA. Trong đó cũng có Thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn đắc đạo TAM THỪA. (các ngươi) nên cầu tìm đến những người đó. Nguyên nhân là vì ĐẠO TAM THỪA đều siêu việt hơn tất cả”.

Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 16, Phẩm Cao Tràng: “Con nay tên là XXX, (nguyện) xa lìa tám chuyện, phụng trì bát quan trai pháp, không đọa tam ác thú, trì giữ công đức này, không rơi vào trong ĐỊA NGỤC, ngạ quỷ, súc sinh và bát nạn. Thường luôn được gặp Thiện tri thức, không làm việc cho ác tri thức; thường luôn được sinh vào nhà có cha mẹ tốt, không sinh vào nơi biên địa, chỗ không có Phật pháp, không sinh lên trời để được trường thọ, cũng không làm nô tỳ cho người ta, không làm Phạm Thiên, không làm Thích thân (Đế Thích?), cũng không làm Chuyển luân thánh vương. Xin mãi mãi được sinh trước Phật (sinh ra gặp Phật pháp), tự mình thấy Phật (ngộ Phật tính), tự mình nghe pháp, để các căn không loạn. Nay con thề nguyền theo TAM THỪA HÀNH, nhanh chóng thành tựu đạo quả”.

Như vậy, ba đoạn kinh văn sau trích từ kinh Tăng Nhất A Hàm, Phật đều khai thị và dạy cho chúng đệ tử đi theo con đường Tam thừa Bồ Đề. Tam thừa tức là Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa (Duyên Giác thừa) và Phật thừa. Nếu tách ra thì Thanh Văn thừa và Bích Chi Phật thừa gọi là Nhị thừa; còn Phật thừa gọi là Tam thừa, tức Đại thừa Bồ Đề. Thế Tôn cũng nhấn mạnh rằng tu theo đạo Tam Thừa là cao nhất, đồng thời hướng dẫn đệ tử thề nguyện hành Tam Thừa đạo, thực hiện hạnh nguyện của Bồ Tát là TỰ ĐỘ - ĐỘ THA, trong đó ĐỘ THA là điều mà các đệ tử theo Đạo Giải Thoát không dám thực hiện. Lý do là vì muốn ĐỘ THA thì phải nguyện đời đời kiếp kiếp sinh tử luân hồi với chúng sinh, trái ngược với ý muốn giải thoát khỏi luân hồi của các La Hán.

Đáng chú ý nữa là, nhóm người tu theo Phật giáo Nam tông chịu sự ảnh hưởng của ác tri thức (Thích…, ) cho rằng không có cái gọi là “Địa ngục”, nói đó là do các Tổ sư chế ra để hù dọa thế nhân. Nhưng ở đây, rõ ràng Phật khai thị có cả “ĐỊA NGỤC”. Từ “Địa ngục” không chỉ xuất hiện có một lần, thậm chí trong hệ thống kinh A Hàm còn có cả một bộ kinh tên là kinh Nê Lê là một tên gọi khác của “Địa Ngục”, nội dung chuyên giảng về Địa ngục và tội đọa Địa ngục. Nhưng vì “Địa ngục” không nằm trong phạm vi biện luận này nên tạm không nhắc đến nữa.

Đến đây thì mọi sự có lẽ đã quá rõ ràng, rành mạch, không có gì phải bàn cãi nữa. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Phật Thế Tôn không chỉ nhắc đến hai từ “Tiểu thừa” và “Đại thừa” mà còn đề cập sơ lược đến nội dung của Đại thừa, và khuyên dạy đệ tử tu theo con đường Tam thừa Bồ Đề. Vậy mà nhóm những người tu theo Phật giáo Nam tông, tự xưng là Đạo Phật gốc, Đạo Phật nguyên thủy, Đạo Phật nguyên chất lấy giáo pháp kinh A Hàm làm nòng cốt lại không biết, không hay, ngang nhiên phỉ báng Phật, cho rằng Phật hạ thấp, khinh miệt mình; cho rằng kinh điển Đại thừa là do Tổ sư Tàu chế ra, không phải do Phật thuyết, vân vân và vân vân...

Nói đến đây, quả thực chẳng biết phải làm sao, đành than thở rằng đến thời Mạt pháp là như vậy. Sẽ luôn có một bộ phận ác tăng trà trộn vào đạo Phật, dạy Phật tử những điều xằng bậy, phá hoại chính pháp Như Lai, phạm tội phỉ báng Tam Bảo vô cùng nghiêm trọng. Nhóm những người tu theo Phật giáo Nam tông chuyên phỉ báng kinh điển Đại thừa, phỉ báng Phật và các Tổ sư vừa phạm trọng tội, đồng thời cũng là những nạn nhân đáng thương, mù quáng tin theo những ác tăng như (Thích…, ) bị họ lừa dối khiến cho tương lai mất đi pháp thân huệ mạng, tội đọa Tam ác đạo vô cùng thống khổ.

Nay nếu như họ biết được điều này, giở kinh điển ra đọc lại, sự thật phơi bày trước mắt, không biết liệu họ có giật mình toát mồ hôi lạnh mà chạy đến ôm chân Phật sám hối chí thành thống thiết hay không? Thay vì tự cắt lưỡi chịu tội, họ có biết đem nội dung bài viết này quảng truyền, dùng cái lưỡi từng phỉ báng Phật để nói lại cho các đạo hữu khác chớ vì vô trí mà vội phỉ báng Tam Bảo, phỉ báng kinh điển Đại thừa như họ từng làm hay không?

Những gì chép lại được từ kinh Tăng Nhất A Hàm trên hoàn toàn là đúng sự thật. Kính mong chư Phật Bồ Tát và các bậc Chân Thiện tri thức từ bi chứng giám. Việc phiên dịch kinh không phải là chuyện dễ dàng, cho nên nếu đệ tử dịch không được toàn mỹ 100%, kính xin các bậc Chân Thiện tri thức từ bi đính chính.

Cũng kính xin các đạo hữu Đại thừa và đạo hữu Tiểu thừa chân chính chứng giám và chia sẻ cho mọi người cùng biết thông tin này, công đức vô lượng! Mong mọi người cùng tinh tấn trong Phật đạo, sớm chứng ngộ Bồ Đề!

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát!

Nam mô Huyền Trang Bồ Tát Ma Ha Tát!

Cẩn bút.

(25.09.2015)

Không có nhận xét nào: