Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÂN BIỆT CHÍNH TÀ TRONG PHẬT MÔN?

Trên các diễn đàn Phật học hiện nay, ngoài việc xiển dương pháp môn niệm Phật Tịnh Độ là chủ yếu thì những năm gần đây đã xuất hiện rất nhiều tông phái có tính chất tà đạo, trà trộn vào trong Phật môn, lôi kéo tín đồ.

Phật tử chúng ta ai cũng biết rằng ngay từ thời Phật Thế Tôn thuyết pháp đã có rất nhiều ngoại đạo cũng như những Phật tử có tà kiến tham gia tăng đoàn. Bản thân Thế Tôn cũng từng dự báo rằng thời Mạt Pháp sẽ có rất nhiều ác ma trà trộn vào tăng đoàn, mục đích của chúng không ngoài việc đội lốt Phật giáo để lôi kéo tín đồ, tham danh văn lợi dưỡng, cúng dường của thí chủ…Phật Thế Tôn cũng cảnh báo rằng Phật pháp cũng bị chính những kẻ trong Phật môn phá hoại chứ ngoại đạo không thể phá được Phật pháp. Bài viết này xin được nói rõ về những biểu hiện bề ngoài của tà đạo trà trộn trong Phật môn để các đạo hữu, các Phật tử chân chính tăng cường hiểu biết, phân biệt chính tà, góp phần hiển dương chính pháp.

Hiện nay, có một quan niệm phổ biến trong giới phàm phu rằng đạo nào cũng tốt, cũng đề ra từ bi bác ái, đưa con người đến chỗ tốt đẹp. Về điểm này, tôi xin không nhắc đến nội dung bản chất của các ngoại đạo khác, không phê phán quan điểm của các đạo khác ngoài đạo Phật. Bởi lẽ, các tín đồ, tùy theo duyên và nghiệp của mình, cộng với phúc huệ của mình, tự lựa chọn con đường tu hành của mình, tự chịu nhân quả. Nhưng với những đệ tử Phật môn, chúng ta cũng không nên giữ quan điểm xuề xòa đó. Bởi lẽ, Phật pháp chỉ có một và duy nhất, đó là con đường đúng đắn, nhưng lại có nhiều pháp môn, nhiều con đường đi đến đích. Tuy rằng Phật Thế Tôn từng khai thị cho Phật tử rằng có đến 8 vạn 4 ngàn pháp môn, nhưng lại không có thời gian giới thiệu hết tất cả các pháp môn. Điều này khiến cho tà ma ngoại đạo và những Phật tử biến chất, tham danh văn lợi dưỡng, mưu đồ danh vọng cá nhân mà bịa đặt, ngụy tạo ra những pháp môn mới mà kinh Phật chưa từng nhắc đến hoặc nếu có thì dưới hình thức “treo đầu dê bán thịt chó”, đồng thời lồng ghép các danh từ chuyên môn (danh tướng) của Phật pháp để che dấu sự thực, thu hút tín đồ theo mình. Cách nói phổ biến của họ là đó là pháp môn của Tổ nọ, Tổ kia, là bí truyền, nay mở rộng để công khai truyền pháp cho người hữu duyên.

Chúng ta biết rằng, người mộ Phật, cầu đạo thì rất nhiều, nhưng trí tuệ để phân biệt chính tà thì rất có hạn. Đó là do phúc huệ của họ còn chưa đủ, đồng thời dưới dã tâm tuyên truyền tà đạo nên nhiều người đã bị mê lầm, tin theo một cách vô điều kiện. Ngay sau khi Phật pháp truyền vào Trung Quốc thì ở đó đã hình thành nên rất nhiều tông phái, kết hợp với tôn giáo bản địa là Đạo giáo tạo nên một bức tranh muôn hình vạn trạng về các phép tu hành. Cũng với mục đích nêu trên, họ thường thêu dệt nên các cuốn kinh bí truyền do Cửu Thiên Huyền Nữ hay Thái Thượng Lão Quân giáng trần, giáng bút, truyền pháp qua nằm mơ…để tạo nên một giáo phái riêng biệt. Điều này, các Phật tử thường nhận thấy rõ vì có sự pha trộn giữa các tiên thánh bên Đạo giáo và các nội dung tu hành cơ bản (ăn chay, phóng sinh, thiền tịnh…) bên Phật môn. Cách thức hình thành tông phái có tính chất mê tín, lừa gạt này đã bị mai một, không còn tái diễn nhưng hiện nay các tông phái mới hình thành ngay trong lòng Phật môn, sử dụng hoàn toàn các danh từ, phương tiện tu hành của Phật môn nên không phải ai cũng nhận ra bản chất của chúng.

Người Việt Nam nếu nói về bên thế gian pháp thì thường được coi là dễ dãi, dễ thỏa hiệp, dễ thỏa mãn, quan hệ với nhau kiểu dĩ hòa vi quý, duy tình hơn duy lí. Đây không chỉ là nhận xét của các nhà văn lão làng từ thời Pháp thuộc mà cũng là những nhận xét sâu sắc của các nhà truyền giáo Pháp, Bồ và dưới con mắt của những học giả ngoại quốc hiện nay. Điểm này, tôi không đi sâu vào chứng minh, mọi người có thể tự do search trên mạng.

Chính vì tâm lí chung đó (có tính chất văn hóa truyền thống, bên Phật môn gọi là cộng nghiệp), nên khi chuyển sang học Phật, mọi người cũng thường xuề xòa, cho rằng pháp môn nào cũng được, ít khi tranh luận pháp nghĩa để phân biệt chính tà, đúng sai. Nếu quả thực là pháp môn thực sự từng được Phật giảng thì điều đó không sai. Nhưng nếu là những pháp môn chưa từng được Phật nói, nhưng nay lại có 1 ông thày nào đó giới thiệu, thì các Phật tử cũng dễ dàng bị đánh lừa, dễ bị ru ngủ. Vừa là do tâm lí chung nói trên, vừa là do chẳng ai có đủ trình độ để thẩm định hoặc đọc đủ hết các cuốn kinh Phật để hiểu đâu là chính là tà.

Một khi chính tà không phân định rõ ràng, thấy người ta khoác áo cà sa, miệng Nam Mô, giảng những giáo pháp đơn giản của Phật môn nên dễ bị tu học mê lầm. Việc này sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng tai tại, nếu không biết thì gây nghiệp xấu mà không biết, dễ bị rơi vào Tam ác đạo. Nếu có duyên mà biết được đó là tà đạo, là sai lầm thì cũng đã muộn rồi. Lí do tại sao lại muộn thì phần dưới sẽ nói rõ.

Đường Tam Tạng – Pháp sư Huyền Trang trong cuốn “Thành duy thức luận” đã từng viết: “Nếu không phá tà thì khó có thể hiển chính”. Cho nên, phàm là người học Phật, phải biết phân định chính tà, nếu không sẽ góp phần phá hoại Phật pháp, đi theo tà đạo mà không biết.

Dưới đây, tôi xin được nêu ra cụ thể một số biểu hiện bề ngoài của tà đạo đội lốt Phật môn để lừa thiện nam tín nữ tin theo họ:

1. Các tà đạo trà trộn trong Phật môn thường giới thiệu những pháp môn tu hành kì quặc, lạ lẫm, chưa từng được Phật giới thiệu hoặc chưa từng được ghi nhận trong kinh Phật. Tuy nhiên, do Phật có nhắc đến 8 vạn 4 ngàn pháp môn nên họ thường tự nhận pháp môn của mình là một trong số đó. Điều này rất khó kiểm chứng, bởi chính pháp mà chúng ta dựa vào chỉ là kinh Phật. Mà kinh Phật trải qua hàng ngàn năm, trải qua nhiều kiếp nạn, trải qua nhiều tranh đấu tông phái mà cũng có kinh giả trà trộn, ngụy tạo kinh Phật để hòng chiếm đoạt lòng tin của tín đồ, mưu đồ danh văn lợi dưỡng. Biểu hiện tiếp theo thường thấy là họ cho biết nguồn gốc của pháp môn này rất bí mật, chỉ truyền cho rất rất ít người nên kinh điển không ghi chép, xưa nay không ai biết đến, nay vì lòng từ bi, cứu vớt chúng sinh mới công khai tuyên truyền rộng rãi…Ví dụ điển hình là Pháp Luân Công và Mật tông Thiên Đình.

2. Biểu hiện nữa là họ tự xưng có chứng lượng rất cao, ngang ngửa thậm chí là hơn cả công đức Như Lai. Một mặt giáo pháp của họ mượn những danh tướng, nội dung Phật học cơ bản của Phật pháp chính tông, mặt khác lại tuyên truyền rằng ông Tổ của họ có thần thông, có khả năng giác ngộ vĩ đại, trình độ cao hơn cả chư Phật Bồ Tát. Ví dụ điển hình là Pháp Luân Công và Lạt Ma giáo.

3. Đánh vào tâm lí lười biếng của con người trong xã hội hiện đại bận rộn, nhưng lại tham bằng cấp, tham danh lợi, tham thành quả cho nên họ tuyên truyền rằng tu học theo pháp môn của họ sẽ là con đường tắt, nhanh chóng thành chính quả hơn con đường chính thống của Phật pháp mà chúng ta đang theo học từ hàng ngàn năm nay. Đây là điểm yếu của những người tu học, thấy món hời nên nhắm mắt tin theo, nhất là khi họ giảng pháp cũng có những nội dung cơ bản như Phật pháp nên dễ tin ngay từ đầu.

4. Khi người tu học quyết tâm theo học, bày tỏ ý nguyện tu tập theo pháp môn, tông phái (tà đạo) này, những sư phụ, sư huynh, sư tỉ ở tông phái đó thường tuyên truyền rằng để đạt chứng quả cao, nhanh chóng, đúng pháp thì phải thành tâm cầu xin và phải được sự đồng ý của bề trên, trời Phật, đấng tối cao mới được xin gia nhập học đạo. Sự đồng ý này thường được thể hiện qua một hình thức ấn chứng cụ thể nào đó (điển hình là Mật Tông Thiên Đình). Điều này chưa từng thấy ở các pháp môn Đại Thừa chính tông như Thiền, Tịnh Độ…Phật chỉ trao cho chúng ta Đạo, tức là con đường tu tập để đi đến giải thoát, ngoài ra không ban cho cái gì khác. Do đó, mọi sự ban cho dưới mọi hình thức của một vị Đại sư, Giác giả nào đó đều là Giả (dối).

5. Những người xin tu học pháp môn tà đạo đó thường được yêu cầu phải thề độc trước Tổ sư. Đây là yêu cầu bắt buộc, nhưng cũng là hình thức dụ dỗ, lừa đảo vô cùng tàn độc và tinh vi. Nếu như chúng ta có hành động gì sai lầm, có tổn thất thì thường tự an ủi rằng “của đi thay người”, hoặc “bỏ của chạy lấy người”. Nhưng ở đây, các tà đạo không trói người theo học bằng của cải vật chất mà trói bằng tâm linh. Thường thì họ bắt người tu học pháp môn của họ phải thề độc, không được lừa thầy phản bạn, khi sư diệt tổ, không được cải đạo sang tông phái khác…Nếu vi phạm lời thề thì bản thân người tu học, thậm chí cha mẹ, vợ/chồng, con cái người tu học sẽ bị sét đánh tan thây, thiên lôi đập chết, thánh thần giáng họa, đi đường xe đâm, đi tàu tàu chẹt…Tóm lại là dưới hình thức thề độc qua tâm linh, người tu học sẽ không dám từ bỏ tông phái mà mình đã tin theo. Đây là hình thức trói chân tín đồ suốt đời theo tông phái tà đạo này một cách tinh vi. Bề ngoài thì họ vẫn nói là đi tu theo họ là tự nguyện, không cưỡng ép, nhưng khi vào rồi thì lúc đó mới thấy một rừng giới luật kì quặc, trói buộc người tu hành. Loại tà đạo này, điển hình là Nhất Quán Đạo (ở Đài Loan, nay đã xuất hiện ở TP HCM).

Đứng ở khía cạnh khác, nếu tín đồ có ý muốn rời bỏ giáo phái của họ, những kẻ bề trên sẽ dọa nạt đủ điều, nói rằng mọi tai họa sẽ giáng xuống đầu, sư phụ sẽ rút phép, tước bỏ mọi công đức tu hành, niệm chú để thu công về….
Chúng ta biết rằng, những Phật tử chân chính khi cầu học Phật, dù ở thời nào hay chùa chính tông nào cũng không ép buộc Phật tử phải thề độc. Phật pháp dạy người ta tu hành thành Phật, nếu không đạt được mục đích, chúng ta có quyền từ bỏ. Phật Bồ Tát đại từ đại bi cũng không bao giờ có ý hại chúng sinh, dù chỉ là một ác niệm, cho nên người theo học Phật dù theo hay không theo, Phật cũng không ép, cũng không cho không thu cái gì của người tu học, Nhân Quả tự làm tự chịu mà thôi.

6. Những tà đạo này thường không giới thiệu quá trình tu hành thứ tự ra sao, hoặc nếu nói cũng không nói hết toàn bộ một cách rõ ràng công khai. Ban đầu thì khá rõ, hoặc mượn những danh tướng của Phật môn để dụ dỗ tín đồ. Chỉ khi đã thề nguyền đi theo, cánh cửa đã sập xuống thì họ mới dần dần nói những thứ tự tu hành mà ngày càng càng phức tạp, yêu cầu người tu hành phải thường xuyên thực hành các lễ này lễ nọ một cách tốn kém, tốn thời gian, thậm chí đến mức phải từ bỏ cả công việc và gia đình. Đây cũng là điều trái với các pháp môn tu hành chính thống của Phật pháp. Chúng ta tu hành tinh tấn là điều cần làm, song không vì thế mà phải xa rời gia đình hay xã hội, bỏ cả công ăn việc làm để tu tập. Nhiều tà đạo đã đẻ ra nhiều giới luật khắt khe (ngoài việc ăn chay còn phải tu khổ hạnh, vợ chồng không được hành dâm…) khiến cho nhiều gia đình không còn hạnh phúc, gia đình có nguy cơ tan vỡ. Điều này cũng khiến cho những người hàng xóm láng giềng thấy khó hiểu, cho rằng tu theo Phật pháp mà như thế thì không nên tu nữa, gây hiểu nhầm về Phật đạo, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi và huệ mạng của người khác.

7. Những tà đạo này thường yêu cầu người tu học phải cúng dường cho bề trên. Họ dựa vào giá trị của cải cúng dường để đánh giá mức độ thành tâm của người tu học. Có như thế thì mới dạy những giáo lý cao cấp. Còn nếu không thì chỉ dạy những giáo lý thông thường, cơ bản mà thôi. Cũng có những tà đạo thường xuyên liên tục nhắc nhở người tu hành phải chăm chỉ bố thí, cúng dường cho họ để tích lũy phúc đức. Bố thí thì đúng là việc tốt cần làm, nhưng điều đáng nói là họ đưa tầm quan trọng của bố thí lên cao đến đỉnh điểm, đến mức khiến người ta cảm tưởng rằng, chỉ cần bố thí là có thể thành Bồ Tát, thành Phật. Nhưng điều quan trọng là của cải bố thí đều rơi về tay người chủ trì là chính, bởi họ rao giảng rằng càng bố thí cho giáo chủ, sư phụ thì công đức càng lớn.

8. Vì mục đích danh văn lợi dưỡng ở trên, các tà đạo còn kinh doanh một cách tinh vi nhằm thu lợi từ các tín đồ. Ví dụ, nếu sư phụ họ giảng kinh sẽ in sao thành đĩa VCD và phát cho người theo học mà không có giá cả cụ thể. Nếu nói về giá thành của đĩa VCD thì có lẽ chỉ 5k~10k, nhưng họ lại không phát giá mà bảo các tín đồ trả theo lòng thành. Người tu học sẽ không ngần ngại mà móc túi trả cho các băng đĩa đó với giá 20k~50k hoặc cao hơn nữa. Hoặc nếu như họ thường xuyên tổ chức các lễ cúng này nọ, có bao gồm ăn chay thì giá trị bữa chay cũng bị tính phí theo cách tương tự. Giả sử như giá thành là 30k~50k thì họ yêu cầu tín đồ trả theo lòng thành, tùy tâm. Thế là chẳng ai trả dưới giá thành đó, mà lúc nào cũng là 70k cho đến hơn 100k. Hình thức hộ trì này xét ở góc độ bố thí, tu hành thì không sai, nhưng nếu xét ở góc độ kinh doanh và trốn thuế thì lại là vấn đề khác, chẳng ai quan tâm và chẳng ai biết số tiền chênh lệch đó rơi vào túi ai, chỉ có tín đồ là thơ ngây mà thôi. Hình thức này đang được "Minh sư Trần Tâm" áp dụng.

9. Ngoài những nội dung tu hành cơ bản như Phật giáo chính tông, các tà đạo đôi khi lồng ghép vào một số giáo lý lạ lùng, khác hoặc trái ngược với Phật pháp. Đôi khi họ bắt tín độ đọc kinh mà không có nguồn gốc cụ thể, cũng không đọc tên các vị Phật Bồ Tát cụ thể quen thuộc mà xen lẫn các tên Phật Bồ Tát hoàn toàn xa lạ, chưa từng ghi nhận trong kinh Phật, thậm chí dùng tên Phật Bồ Tát bằng tiếng Anh, tiếng Phạn cho oai, nhưng khi đối chiếu sang âm Hán thì không thấy tương đương như ở kinh Phật truyền thống. Ví dụ điển hình chính là "Minh sư Trần Tâm".

10. Nhiều tín đồ tu học những năm đầu thấy rất tốt, rất tin tưởng bởi lẽ nội dung hoàn toàn như những gì mà Phật giáo chính tông giảng dạy. Những càng tu học lâu, càng tu học lên cao thì lúc này hoặc là sẽ không có nội dung gì hoặc là sẽ lộ rõ bộ mặt tà đạo. Thậm chí có tà đạo còn dạy người tu học ăn thịt, uống rượu, hành dâm…mà cũng không sợ phạm giới. Lý do là họ đã bắt người tu học thề nguyện theo cách khác, trì chú này nọ, thụ những giới nọ giới kia còn cao hơn cả bên Phật pháp chính tông. Ví dụ điển hình là Lạt Ma Giáo.

Những giáo chủ tà đạo do làm trái với Phật pháp (bề ngoài chỉ là mượn danh tướng Phật, đội lốt Phật), không có chứng lượng thực sự, không phải là người khai ngộ nên thường giảng kinh Phật sai – nhất là những kinh Phật có nội dung thâm sâu như Bát Nhã, Kim Cương, Duy Ma Cật, Duy thức…Đa phần các tà đạo này hoặc do không hiểu kinh Phật cao cấp, hoặc do nhìn chữ suy nghĩa mà giảng sai kinh Phật Đại thừa, vì không hiểu nên thấy trước sau mâu thuẫn, cho nên họ bỏ qua không giảng, hoặc giảng bằng con mắt phàm phu, thêm bớt, dẫn đến hiểu sai, giảng sai hoàn toàn kinh Phật, dẫn dắt sai lầm chúng sinh.

Như trên đã nói, ban đầu người tu học không biết nên bị lừa. Sau này nếu như có phúc đức tự nhận ra hoặc có thiện tri thức chỉ ra cho họ thấy rằng họ đã bị lừa thì lúc đó cũng đã muộn. Muộn thứ nhất là mất đi thời gian tu tập chính pháp một cách chính đáng, bỏ thời gian 5 năm, 10 năm tu theo tà đạo mới biết mình sai. Muộn thứ hai là trong quá trình tu học đã tung hô tông phái mình, ca ngợi sư phụ mình, đóng góp công sức, tiền của để hộ trì tà đạo, rủ rê những người khác, tin theo tà đạo mà phỉ báng Phật pháp mà không biết. Tất cả những tội đó đều rất nặng, đều bị đọa vào Tam ác đạo. Sự sai lầm và nhận biết muộn mằn còn dẫn đến việc người tu học vì giữ thể diện, không dám công khai sai lầm của mình, trước đây hoan hô sư phụ, giờ không dám phản lại sư phụ, phản lại lời thề, dẫn đến một vòng luẩn quẩn, tội chồng thêm tội. Nhiều người khi được thiện tri thức chỉ bảo mà còn không biết, chửi rủa phỉ báng lại, cố gắng bảo vệ tà đạo của mình bằng được. Phạm tội phỉ báng Tam Bảo là tội nặng nhất và cũng là tội phổ biến nhất của các tà đạo, càng lún sâu thì cơ hội sám hối gần như không có.

Trên đây là 1 số biểu hiện cơ bản bề ngoài của các tà đạo đội lốt Phật pháp chính tông để lừa phỉnh người tu học nhằm lôi kéo, giữ chân tín đồ, chiếm đoạt danh văn lợi dưỡng, sự cung kính của tín đồ. Chú ý là các tà đạo khác nhau thì cũng có những biểu hiện khác nhau, có thể bao gồm tất cả các biểu hiện trên, nhưng cũng có thể chỉ một vài biểu hiện trong số đó.

Cuốn kinh Lăng Nghiêm quyển 6, Phật Thế Tôn từng dự báo về tà dâm đạo thời Mạt pháp: “Các loại ma đó đều có tín đồ đi theo, ai nấy tự xưng mình là đạo Vô thượng. Ta (Phật) sau khi diệt độ, đến thời mạt pháp sẽ có nhiều loại ma dân này, tràn ngập thế gian mà quảng bá thực hành sự tham dâm, tự cho mà bậc thiện tri thức khiến cho chúng sinh rơi vào cạm bẫy ái dục, mất đi con đường chính tu Bồ Đề.”

Cho nên, tôi viết bài này không phải tự bịa ra mà chỉ làm sáng tỏ một phần nào dự báo của Thế Tôn ở thời mạt pháp. Chỉ những ai đang theo tu học những pháp môn tà đạo đội lốt Phật giáo này mới tự biết mình đang đứng ở đâu. Vì nói thẳng ra, chẳng ai tự nhận mình là tà đạo hoặc nhận mình ngu muội đã tin theo tà đạo. Chưa kể họ còn bị trói bằng những lời thề độc nữa. Chỉ hy vọng các đạo hữu, các Phật tử chân chính chia sẻ những kinh nghiệm này trên trang của mình, góp phần cảnh báo cho những người muốn tu học Phật phải bình tĩnh, sáng suốt khi muốn tu theo một pháp môn kì quặc, lạ lẫm nào đó (nhất là những pháp môn có nguồn gốc nước ngoài). Đồng thời, cũng hi vọng những người đã lỡ theo tà đạo, cần phân biệt đánh giá kĩ những nội dung mình đang tu học, tránh sa lầy quá nặng, tự làm hại mình hại người, sau này chịu quả báo khôn lường.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô A Di Đà Phật 
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát 
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát 
Nam mô Huyền Trang Bồ Tát Ma Ha Tát

Bản Địa Phong Quang

Không có nhận xét nào: