Phần V - Chương 25
2: SÁU CĂN HỔ TƯƠNG
Trong kinh Lăng Nghiêm, trang 509, Phật dạy về Sáu căn thanh tịnh và trang 307, Phật dạy về Sáu căn hổ tương.
Về sáu căn thanh tịnh, Phật dạy "Nếu tu pháp Tam ma địa được nhãn căn thanh tịnh thì chẳng cần có Thiên nhãn, chỉ với cái thân cha mẹ sinh ra tự nhiên nhìn thấy thế giới trong mười phương, thấy Phật, nghe pháp, được phép đại thần thông, chơi khắp mười phương quốc độ, được túc mạng thông, nghĩa là hiểu thấu quá khứ, vị lai v.v..."
Thế nào là Sáu căn thanh tịnh? Nghĩa là quí vị tu đến mức độ tâm quí vị ra khỏi sáu căn đó khiến không dính mắc và đeo đuổi sáu trần, và trở về Tàng thức. Vào Tàng thức, quí vị sẽ mở tâm nhãn thấy được chư Phật và chư Bồ tát mười phương cùng những cảnh giới mà quí vị chưa thấy bao giờ.
Trang 306, Phật dạy về tu Sáu căn hổ tương như sau:
"A Nan! Tánh sáng suốt của sáu dụng tất phải tùy nơi sáu căn rồi sau mới phát ra được. Ngươi hãy trông coi trong hội này, ông A Na Luật Ðà không mắt mà thấy, ông Bạc Nan Ðà không tai mà nghe, nàng Cang Ðà thần nữ không mũi mà biết mùi hương, ông Kiều Phạm Ba Ðề không lưỡi mà biết vị, thần Thuấn Nhã Ða không thân mà biết xúc, ông Ðại Ca Diếp Ý căn diệt đã lâu chẳng hề dùng đến tâm niệm để suy xét mà cũng sáng tỏ".
Cách đây 25 thế kỷ, các vị trên đây không có sáu giác quan mà không gặp trở ngại gì. Tại sao vậy? Tại vì tu hành nên đạt đến sáu căn hổ tương, nghĩa là căn nọ hư thì căn kia thế vào. Còn nhân loại bây giờ thì sao? Khoa học đã giúp họ được những gì?
Xin mời quí vị đọc một loại bài sau đây nói về những cố gắng đáng kể của Khoa học trong việc phụng sự nhân loại:
Mắt nhân tạo
Các nhà sưu tầm đang nghiên cứu một Hệ thống tí hon tạo hình ảnh bằng số để giúp người mù thấy được.
Họ hy vọng sẽ chế tạo được một con mắt nhân tạo mẫu vào năm 2010.
Phục hồi thị giác (54)
1. Máy ảnh bằng tia Laser thâu nhận hình ảnh và biến đổi thành những Dữ kiện số.
2. Linh kiện (*) cấy trên Võng mô phát hiện tia sáng Laser.
(*) Chip.
3. Sợi dây kim khí truyền tín hiệu đến những dây thần kinh của Võng mô.
Thị cụ giúp người không có Trung tâm Thị giác Thần kinh thấy được (54)
Một máy ảnh tí hon và tối tân được gắn vào một cặp kính đặc biệt khiến người mang kính thấy được vật y như người có thị giác vậy.
1. Máy ảnh tí hon phát hiện hoạt động của tròng mắt khi nhìn xuống, nhìn lên, và nhìn sang phải hay sang trái.
2. Một máy ảnh tí hon thứ hai, được nối liền với máy Vi tính (*), xoay tròn để theo dõi hoạt động của tròng mắt.
(*) Computer.
Cùng lúc, máy này ghi nhận bất cứ hình ảnh nào đang nhắm tới.
3. Tia hồng ngoại truyền hình ảnh từ phía sau của Máy ảnh đến một Phiến bắt ánh sáng được gắn trên Võng mô. Phiến này được nối với dây thần kinh chạy tới bộ não.
4. Thị giác Thần kinh được nối với máy Vi tính để được tiếp diện.
Ông A Na Luật không mắt mà thấy
Có cách làm hết mù (55)
Trong một cuộc hội thảo của một nhóm chuyên nghiên cứu về việc ngăn ngừa bệnh mù, Bác sĩ Carl Kupler, Giám đốc Viện Nhãn thị Quốc gia, tuyên bố rằng "Chỉ còn là vấn đề thời gian, chúng ta sẽ khám phá được cái bí ẩn của bệnh mù".
Cuộc hội thảo nhắm vào những chứng bệnh làm hư Võng mô (Retina) - là những lớp Tế bào hình roi, hình nón, cùng những tế bào khác ở trong phần sau của con mắt - biến đổi các hình ảnh thành những Xung động (Impulse) và đưa lên óc.
Kupler tiên đoán rằng cuối thập niên này, các nhà sưu tầm có thể thí nghiệm ghép Tế bào Võng mô (Retina - cell transplant) vào loài người để trị bệnh Hư Tâm điểm Võng mô vì lão hóa (Mascular degeneration - AMD), và bịnh Hư Cảm quang Tế bào (Retinitis pigmentosa).
Bệnh Hư thị giác thần kinh do di truyền khiến Võng mô hư dần và đưa đến mù lòa.
Bác sĩ Eugene de Juan Jt. thuộc đại học Johns Hopkins ở Baltimore, hu vọng sẽ phát minh một Thị cụ nhân tạo (Artificial vision device) để phục hồi thị lực bị hạn chế bằng cách kích thích Tế bào Võng mô (Retina cells).
Nếu Dụng cụ bắt ánh sáng (Light - sensing device) được cấy vào Võng mô, có thể giúp một số người mù thấy những đồ vật hay những cử động, và có thể đọc được sách.
Cấy linh kiện (Computer chip) vào Võng mô khiến người mù thấy được (56)
Một hệ thống thị giác gồm có những máy chụp hình nhỏ xíu và một Linh kiện khiến người mù thấy được.
Máy chụp hình nhỏ xíu được gắn ở cặp kính (Eyeglasses) để truyền những tín hiệu bằng tia sáng Laser vô hình đến Phiến điện toán nhỏ bằng đồng xu đã cấy vào Võng mô. Phiến này có những cục pin chạy bằng ánh sáng mặt trời (Solar cells) và được tia sáng laser phát động.
Linh kiện đổi Tín hiệu thị giác thành những Xung điện (Electrical impulse) và truyền đến bộ não.
Linh kiện có hai ngăn: Ngăn trên chứa pin chạy bàn ánh sáng mặt trời, và ngăn dưới là mạch điện của máy điện toán.
Bác sĩ nhãn khoa Jean Bennett nói "Sáng chế này có ích lợi cho trường hợp này nhưng không ích lợi cho trường hợp khác".
Bác sĩ Rizzer nói "Trợ cụ đầu tiên lớn giá $500,000 nhưng sau này nhờ sản xuất dây chuyền, giá này xuống còn $50.
Các nhà sưu tầm còn phải thí nghiệm nhiều năm nữa mới cấy được Linh kiện vào con người.
Sang năm, họ dự định cấy Linh kiện này vào mắt một con thỏ.
Thiên lý nhãn
Các phi hành gia trong một loạt phim Star Strek đều đeo một cặp kính đen che cả hai mắt. Ðiều đó chứng tỏ mắt không phải là cơ quan tuyệt đối của thị giác vì người ta có thể nhìn sự vật bằng cách khác. Ðó là câu truyện khoa học giả tưởng. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy Tánh thấy là do ở Tịnh sắc căn mà Phù trần căn (Ngũ quan) chỉ để làm mai mối. Thực tế, gần đây, một khoa học gia chuyên về máy Vi tính đã chế ra một Thị cụ Vi tính chụp lên đầu khiến ông thấy được người và mọi vật trong đêm tối rất rõ ràng. Thị cụ này còn tối tân hơn loại kính nhìn trong đêm tối của Quân lực Hoa Kỳ. Với Thị cụ Vi tính này, ông ta có thể đọc đưọc những hàng chữ và đếm được những con ốc trên những bánh xe của một chiếc xe hơi đang chạy với tốc khá nhanh.
Ngoài ra, khoa Thiên văn gần đây đã khám phá ra một lối ghép nhiều Lăng kính gọi là Optical Interferometry khiến các Thiên văn gia thấy được hai Sao Capella ở cách xa nhau khoảng chừng một triệu dặm mà ngay Viễn vọng kính Hubble cũng không thấy được lằn ranh của chúng. Hai Sao này ở cách Trái đất 40 quang niên.
Trong tương lai, cũng nhờ lối ghép kính này, người đứng ở Trái đất có thể thấy được một cái bút chì để trên Mặt trăng.
Dần dần, nhờ những tiến bộ của khoa học, những truyện thiên lý nhãn, thiên lý nhĩ, thiên lý cước v.v... sẽ trở thành sự thật.
Kinh Pháp Hoa, Phẩm Pháp Sư Công Ðức thứ mười chín, trang 431 nói "Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thụ trì kinh Pháp Hoa, người đó nhục nhãn thanh tịnh của cha mẹ sinh ra, thấy khắp cõi tam thiên đại thiên, trong ngoài có những núi, rừng, sông biển, dưới đến địa ngục A tỳ, trên đến cõi trời Hữu đỉnh ..."
Ðó là thiên lý nhãn của người tu được sáu căn thanh tịnh, nghĩa là sáu căn không dính mắc với sáu trần.
Khoa học ngày nay cũng có thể giúp con người có thiên lý nhãn. Như vậy, lời kinh không hề nói những điều hư vọng.
Bây giờ đến ông Bạc Nan Ðà không tai mà nghe:
Nghe là thế nào? (57)
Khi đứa trẻ nghe tiếng nói, bộ óc của nó ghi nhớ và sắp xếp các Tế bào óc thành một hệ thống cần thiết để phát ra ngôn ngữ. Ðứa trẻ khi lên 10 tuổi mà không nghe được tiếng nói tức là những Tế bào thần kinh đã làm công việc khác, và đứa trẻ không bao giờ biết nói.Việc cấy Con Sên (Cochlear implant) là một Trợ thính cụ giúp các trẻ điếc bẩm sinh phát triển các đường dây thần kinh để tạo thành ngôn ngữ.
Chúng ta thường nghe tiếng động ra sao?
Các làn sóng âm thanh vào tai làm cho Màng Nhĩ rung động. Những rung động này chạy dọc theo xương của tai giữa đến con Sên làm cho Tế bào hình tóc (Hail cell) dẹp xuống và kích thích những Dây Thần kinh cảm thọ (Sensory nerve fibers).
Những dây thần kinh này hoán chuyển những Xung động thành những Xung động điện (Electrical impulse) và đứa đến khu Thính giác của Bộ não (Auditory cortex).
Con Sên được cấy tạo âm thanh như thế nào?
(1) Âm thanh được máy vi âm thâu.
(2) Âm thanh được đưa đến máy Chuyển âm (Speech processor).
(3) Máy Chuyển âm chọn lựa và mã số (Encode) những tiếng động hữu ích.
(4) Mã số được truyền đến một Máy Phát (Tranmitter)
(5) Máy phát truyền mã số đến Máy thu (Receptor) đã cấy dưới da.
(6) Máy thâu/kích thích (Receiver/Stimulator) đổi mã số thành những Ðiện tín hiệu (Electrical signals).
(7) Ðiện tín hiệu được truyền đến những Ðiện cực (Electrodes) đã cấy trong Con Sên để kích thích các sợi dây thần kinh.
(8) Ðiện tín hiệu được truyền đến khu Thính giác của não xám (Auditory cortex).
Nghe và nói như thế nào?
(1) Khu Thính giác của Não xám nhận biết những tiếng nói.
(2) Khu Wernicke (Wernicke's area) thông dịch ý nghĩa của tiếng nói và nhập kho danh từ để trả lời.
(3) Khu Broca (Broca's area) tiếp thu những tin tức trả lời, và điều hòa cử động trong khi nói.
(4) Khu phát động Não xám (Motor cortex) truyền chỉ thị cho những bắp thịt phát tiếng nói.
Những thành phần được cấy (Transplant components) gồm có:
(1) Máy phát. Ðược uốn vòng và đặt trên vành tai.
(2) Máy Vi âm. Làm khuôn cho vừa lỗ tai từng người.
(3) Máy thu/kích thích. Cấy dưới da và ở trên vai.
(4) Máy Phát âm (Speech processor). Cỡ bằng cái beeper có thể dắt vào túi áo.
Nghe là thế nào?
(hình vẽ với chú thích)
Khứu giác (58)
Khứu giác có thể phân biệt hàng ngàn mùi khác nhau. Sau dây là cơ hành của khứu giác:
(a) Khi hít vào, không khí được hít vào mũi và được đưa đến những Lông bắt mùi (Hair-like receptor) nằm trong màng nhầy ở trên đầu hai lỗ mũi. Những Phân tử tạo mùi kích thích những Tế bào bắt mùi (Receptor cells).
(b) Những Dây Thần kinh (Nerve fibers) nối liền với những Tế bào này truyền tín hiệu qua những lỗ nhỏ của xuơng sọ đến Núm Bắt mùi (Olfactory bulb) là đoạn cuối hình tròn của những Dây Thần kinh bắt mùi.
(c) Những Dây Thần kinh này truyền tín hiệu đến những phần của Hệ thống Limbic (Limbic system) và Trấy óc trước (Frontal lobe of the brain) để nhận biết mùi.
Nàng Ca Ðà Thần Nữ không mũi mà biết mùi hương
Ngửi là thế nào? (59)
Chúng ta có một vũ trụ bao la trên mũi của chúng ta. Loài người và loài có vú có 1,000 Di tử bắt mùi (Smell gene) ở trong mũi.
Các khoa học gia đã khám phá ra một số Di tử khác nhau được tạo ra để đáp ứng vói một số mùi hương khác nhau. Những Di tử này hợp với những Di tử cảm thọ (Sensory gene) có thể nhận biết trên dưới 10,000 mùi hương khác nhau khiến các loài có vú có thể ngửi được.
Các Di tử này truyền những tín hiệu của các mùi từ các Tế bào thần kinh trong mũi đến một vùng của bộ não tên là Núm bắt mùi (Olfactory bulb).
Sau khi đã khám phá ra được một số Di tử bắt mùi, các khoa học tự hỏi làm sao phát giác đưọc mùi, và bộ óc phiên dịch mùi đó như thế nào?
Nhờ một số Thần kinh thu mùi (Receptor), mũi và óc có thể phân biệt mùi chua của nước chanh, mùi ngọt của mật, và mùi hăng của con chồn thối (shunk).
Các khoa học gia rất ngạc nhiên sau khi khám phá những Dây thần kinh thu hình (Photoreceptor) đáp ứng với màu đỏ, xanh dương, và xanh lá cây. Khi thấy một vật, ba loại Dây thu hình này truyền những tín hiệu với cường độ khác nhau vào óc, và óc sẽ phối hợp và phân biệt những tín hiệu đó.
Ðược cấu tạo khác biệt, Hệ thống bắt mùi Olfactory system), có một số Dây thần kinh bắt mùi khác nhau ở trong những Tế bào mũi để nhận biết một số lớn các mùi khác nhau.
Bây giờ đến ông Kiều Phạm Ba Ðề không lưỡi mà biết vị.
Vị giác (60)
Ông Tổ chế rượu Martini gọi lưỡi là "Phòng thí nghiệm ướt của miệng". Những Tế bào Vị giác (Taste cells) ở trong lưỡi có thể nhận biết bốn vị căn bản là mặn, ngọt, chua, và đắng.
Trên mặt lưỡi có một lớp Gai thịt (Papilliae) gồm có 2,250 Búp nếm (Taste bud), được chia làm bốn loại:
1. Loại giống cây nấm (Fungiform). Nằm ở một phía ngoài lưỡi.
2. Loại giống sợi chỉ (Filiform). Nằm ở một nửa lưỡi phía ngoài. Có nhiều hơn loại hình nấm.
3. Loại giống lá cây (Foliate). Nằm ở phía sau lưỡi.
4. Loại giống hình bánh Ðo nất (Doughnut shaped). Tạo thành hình chữ V ở phía sau lưỡi.
Chúng ta nếm thử gia vị của món Sốt tôm (Shrimp marinate) ra sao:
1. Muối: Chảy qua những hệ thống nằm trong màng của Tế bào Vị giác (Taste cell).
2. Nước chanh: Ðóng kín hệ thống cho Potassium chảy ra khỏi Tế bào.
3. Ớt: Kích thích những Dây thần kinh Cảm thọ trong mũi và lưỡi.
4. Mật ong: Những Dây thần kinh trên mặt Tế bào Vị giác (Cell surface receptor) truyền vị giác đến ngưỡng cửa của màng Tế bào.
5. Vỏ cam: Vị đắng đóng kín hệ thống Potassium, có thể tiếp nối với những Dây Thần kinh Vị giác, và gây nên một phản ứng để nhả chất vôi ra khỏi Tế bào.
Nếm là thế nào?
(hình vẽ với chú thích)
Bây giờ đến ông Ðại Ca Diếp, ý căn đã diệt mà còn suy xét rành rẽ.
Nói bằng Ðiện não (61)
Bộ não người ta trung bình có 15 tỉ tỉ (tỉ tỉ: 1,000 tỉ) Ðường dây Ðiện thoại Sinh học (Biological telephone line).
Kỹ thuật dùng điện não có thể giúp một người hoàn toàn tàn phế - nghĩa là không nói, không làm bắp thịt cử động, hay liếc mắt được - có thể truyền thông với người khác bằng cách phát ra những Ðiện tín hiệu từ óc.
Kỹ thuật này một ngày kia có thể giúp phi công dùng óc để xử dụng một số nút bấm. Căn cứ Không quân ở Dayton, Ohio; đã chứng tỏ rằng dùng điện não để bấm nút là một bước tiến đáng kể, không phải là khoa học giả tưởng.
Gần đây, các khoa học gia đã trình bày rằng một người chỉ cần điều khiển não bộ có thể khiến Con thoi (Cursor) di chuyển trên màn ảnh. Những điện cực, khi được gắn vào da đầu, có thể phát giác được điện từ lực yếu từ bộ não phát ra.
Sau này, nhờ những cải tiến mới, một người tàn phế hoàn toàn có thể di chuyển Con thoi để bày tỏ ý tưởng, thay đổi băng tần Truyền hình, hoặc làm những việc giản dị mà hiện nay những người khuyết tật chưa làm được.
Từ đầu năm 1930, các nhà tâm lý học đã biết bộ não phát ra những làn sóng điện từ, và nếu gắn những điện cực vào da dầu, người ta có thể phát giác và đo đạc những làn sóng đó.
Nhiều nhà sưu tầm đã nghiên cứu mẫu mực nhịp nhàng của việc phát sóng này, và nghĩ rằng đó là công việc riêng của bộ não. Một trở ngại là mỗi mẫu mực đáng kể của Sóng não (Brain wave) bị "tiếng động" hay nhiễu âm (Interference) của bộ não làm yếu đi một phần.
Dẫu sao, các Phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ và Âu Châu đã chứng tỏ rằng một người chuyên tâm có thể kiểm soát được một số Phát sóng của bộ não (Brain emission).
Bởi vì bán cầu não phải và trái làm hai công việc khác nhau, các khoa học gia đang tìm hiểu sự khác biệt đó để giúp người tàn phế liên lạc với thế giới bên ngoài mà không hề cử động.
Hệ thống này quan sát việc phát sóng não tự nhiên ở nhịp độ từ 8 đến 12 lần trong một giây đồng hồ.
Sau khi lọc những tín hiệu cần thiết, máy Vi tính áp dụng phương pháp cộng vào Biên độ (Amplitude) của những tín hiệu đã chọn do hai Bán cầu não phát ra, và dùng tổng số đó để di chuyển Con thoi lên xuống. Ðồng thời, máy Vi tính tính hiệu số của những tín hiệu giữa Bán cầu não phải và trái, và dùng thành số này để di chuyển Con thoi sang phải hay trái ...
Nhân bịnh mù của ông A Na Luật, tôi xin kể qua truyện của ông:
Trong kinh A Hàm, Phật gọi Mục Kiều Liên là "Trưởng lão thùy miên", nghĩa là ông Trưởng lão ngủ gật.
Còn ông A Na Luật thì cứ mỗi lần Phật nói pháp, ông đều ngủ một giấc ngon lành. Một hôm, bị Phật quở nhẹ, ông thề từ nay không ngủ gật nữa. Rồi ông đọc sách ngày đêm khiến mắt sưng to, và dần dần lòa đi. Ngự y coi mạch nói ông cần phải ngưng đọc sách một thời gian sẽ khỏi bệnh. Ông cứ tiếp tục đọc, Phật cản ngăn, ông cũng không nghe. Ông cương quyết học tập ngày đêm không ngủ khiến mù luôn hai mắt.
Bài kệ trong "Trưởng lão tăng kệ" có ghi rằng trong suốt thời gian 55 năm trong cuộc đời của ông, ông không bao giờ nằm, và 25 năm đoạn nhất ngủ nghỉ.
Có điều lạ lùng là những vật ở gần ông không thấy, nhưng những cảnh giới ở trong Tam thiên Ðại thiên thế giới ông đều thấy rõ mồn một.
Nói đến ngủ gật, nếu không sợ lạc đề, xin quí vị cho phép tôi kể một truyện gần đây rất hi hữu:
Có một số tướng tá và sĩ quan các nước đến học quân sự ở Hoa Kỳ. Có một ông tướng Tàu, ngày nào cũng ngủ gật. Một hôm, thuyết trình viên đánh thức ông và hỏi "Xin Thiếu tướng nhắc lại bài giảng". Ông Tướng mở mắt nói "Ai tống nầu" (I don't know), rồi lại tiếp tục ngủ.
Về truyện ông Ma Ha Ca Diếp, xin nhắc lại quí vị khi thần thức hành giả đến cõi Trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ và đạt đến cái định gọi là Diệt thọ tưởng định, sẽ đắc quả A La Hán, vượt qua Tam giới, tức là không phải chịu sinh, tử, luân hồi. Ðắc quả A La Hán có nhiều thần thông và diệu dụng. Lúc đó, đâu có cần giác quan.
* * *
Ðọc qua những tài liệu nói trên, quí vị thấy khoa học ngày nay mới đạt được vài tiến bộ trong việc chữa bệnh mù và bệnh điếc. Còn mũi, lưỡi thân và ý, chưa nói gì đến. Ý căn hay bộ não là một vũ trụ vô biên khiến khoa học còn lâu mới khám phá ra được.
Về mắt, các khoa học gia hy vọng đến cuối thập niên này sẽ phát minh được dụng cụ trợ thị cho người mù. Bây giờ, đang thí nghiệm trên Võng mô của con thỏ. Về tai, khoa học mới cấy được Con Sên (Cochlear) cho người điếc, và kết quả chưa có bao nhiêu.
Về việc Phật kể có sáu vị mất hết giác quan mà vẫn hoạt động như thường, có nhiều người nói rằng khoa học tuy tiến chậm, nhưng chắc chắn vì có những thí nghiệm cụ thể và những chứng minh đàng hoàng. Còn kinh sách nói mơ hồ như vậy thì làm sao mà tin được?
Câu trả lời là những vị nói trên nhờ tu hành đắc đạo nên đã đạt đến trình độ sáu căn hổ tương.
Thế nào là sáu căn hổ tương? Sáu căn hổ tương cũng gọi là sáu căn dung thông, nghĩa là căn nọ hư thì căn kia làm giúp. Ví dụ Mắt mù thì Tai trông dùm, Tai điếc thì Mắt nghe dùm, Mũi thúi Lưỡi ngửi dùm, và Lưỡi mất Thân nếm dùm v.v...
Ðối với phàm phu chúng ta thì căn nào làm việc riêng của căn đó chứ các căn khác không giúp dùm. Lý do là trong các căn của chúng ta toàn là cột, là gút cả nên phân cách căn nọ với căn kia. Khi tu hành đắc đạo, các cột gút biến hết khiến các căn dung thông với nhau.
Trong kinh Lăng Nghiêm, trang 319-324, Phật đã dạy về pháp mở gút lục căn như sau:
Phật lấy khăn Kiếp ba của Ngài làm ví dụ. Lúc đầu cái khăn bằng phẳng không có cột, có gút. Phật bèn thắt sáu cái nút tượng trưng cho sáu căn bị ngăn cách với nhau. Rồi Phật mở một gút, hai nút, ba nút đến sáu nút, và trải thẳng cái khăn ra. Bấy giờ, cái khăn trở lại như lúc ban đầu, nghĩa là không còn bị những cột, gút ngăn cách nữa. Tu hành cũng tương tự như vậy, nghĩa là mở cột, gút.
Có sáu cột gút là trường hợp của phàm phu, và có sáu căn dung thông là trường hợp của những vị đắc dạo, của các vị Thánh.
Trang 121, Phật dạy chúng sanh trầm luân trong biển khổ, bến mê cũng vì những cột, những gút đó. Chư Phật mười phương khác miệng, đồng tiếng, đều bảo với ông A Nan rằng sáu căn của ông là nguồn gốc của sinh, tử luân hồi.
Cũng nằm trong ý nghĩa sáu căn là nguồn gốc của sinh, tử luân hồi; tôi xin phép kể qua truyện một trong hai con khỉ mà Hòa thượng Thanh Từ đã kể trong băng giảng:
Một chú khỉ con đã bỏ đoàn đi kiếm ăn một mình để có nhiều mồi mà khỏi phải chia chác. Nó thấy một con mồi bị người thợ săn trói vào một cái bẫy nhựa. Mừng quá, nó vồ lấy con mồi thì tay phải của nó bị nhựa cứng giữ lại. Nó bèn lấy tay trái gỡ ra. Tay trái lại bị kẹt cứng. Nó lấy chân phải đạp cho hai tay văng ra, Nhưng chân này cũng dính luôn. Rồi tới chân trái cũng bị tương tự như vậy. Nó bèn lấy đầu xô vào để gỡ tứ chi. Nhưng đầu cũng dính luôn. Chỉ còn cái đuôi, không có cách nào khác nó lấy đuôi quật mạnh vào chỗ đầu và tứ chi bị kẹt dính. Rồi cái đuôi cũng bị kẹt dính luôn.
Bấy giờ, người thợ săn mỉm cười, trói con khỉ lại và đeo nó lên vai.
Bốn chân tay, đầu và đuôi con khỉ tượng trưng cho sáu căn. Sáu căn dính mắc không gỡ được mà phải mạng vong cũng chỉ vì con khỉ tham lam. Theo đó, con khỉ với con người đâu có khác!
Trở lại vấn đề sáu căn hổ tương, xin quí vị đọc thêm Tính thấy và Tính nghe mà Phật đã dạy trong kinh Lăng Nghiêm.
Tất cả cái Thấy Nghe Hay Biết của mình nhờ ở sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý mà kinh Phật dạy khác hẳn với lối giải thích của khoa học.
Năm căn đầu: Mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân gõi là Tiền ngũ thúc là những căn ở bên ngoài làm mai mối đưa những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, và xúc chạm v.v... vào trong Ý thức (Thức thứ 6) của chúng ta. Tiền ngũ thức chỉ là những Phù trần căn (căn thô phù) ở ngoài, Tịnh sắc căn mới là Tứ đại thanh tịnh. Cái đó mới thật là cái Thấy Nghe Hay Biết của mình. Tính thấy, tính nghe và các tính khác đều nằm trong Tịnh sắc căn, và Tịnh sắc căn này đi sâu vào Diệu tâm. Phù trần căn của Thức thú 6 là Ý căn, của Thức thứ 7 là bộ óc, của Thức thứ 8 có thể là tướng Bạch Hào (năm chòm lông. Xin xem kinh A Di Ðà: "Bạch Hào uyển chuyển năm Tu di").
Một khi tu lọt được vào Tàng thức, lúc bấy giờ những Phù trần căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, không cần thiết nữa vì nhờ Tịnh sắc căn mình vẫn Thấy Nghe Hay Biết được.
Vì vậy, Phật đã dạy "Ông A Na Luật Ðà không mắt mà thấy, ông Bạc Nan Ðà không tai mà nghe, nàng Cang Ðà Thần Nữ không mũi mà biết mùi hương ...".
Ðó là những truyện cách đây trên 25 thế kỷ. Gần đây, có một cô bé người Nga bị mù từ lúc lên một. Ðến năm 20 tuổi, cô bỏ nhiều năm học cách nhìn bằng mười ngón tay. Rồi nhờ "phép lạ" hay "thần thông" gì đấy, cô đã thấy sự vật bàng mười ngón tay.
"Cách đây hơn 20 năm, một bác sĩ tên là Vincent ở Montréal, Canada đã dùng hai điện cực tiếp xúc với não bộ của một người để làm thí nghiệm. Ông ta giải phẩu da đầu của một người đàn bà để hai cây kim có dẫn theo dòng điện có thể tiếp xúc được não bộ của bà này. Khi hai cây kim chạm vào một chỗ nào của óc bà này, bà ấy liền nói rằng bà đang nghe một tiếng hát quen thuộc nào đó. Thực ra, lúc bấy giờ chẳng có ai đang hát cả. Khi hai cây kim được rút ra, bà ta lại nói tiếng hát đã chấm dứt; và cứ thế mỗi khi cây kim điện chạm vào là bà ta nghe thấy tiếng hát, khi cây kim được rút ra thì tiếng hát lại chấm dứt. Thí nghiệm kể trên cho chúng ta thấy rằng bà ấy chỉ sử dụng não bộ mà vẫn nghe thấy âm thanh. Chúng ta gọi cái đó là: Văn" (sự nghe thấy: Audial conciousness). Lúc nằm chiêm bao, chúng ta nghe người khác kể chuyện, đó cũng là sự nghe thấy, chứ không phải là Nghe (hearing)".*
* Trích trong cuốn "Phương pháp và Quá trình tu chứng của Bồ Tát Quán Thế Âm" của Giáo sư Trầm Gia Trinh.
Thí nghiệm này cũng tương tự như việc những phi hành gia trong phim Star Strek đeo cặp kính đen che hết hai mắt. Như vậy, họ đâu cần đến hai mắt? Tuy là khoa học giả tưởng, nhưng giả tưởng này phù hợp với lời dạy của Ðức Phật.
Như trên đã nói, khoa học giúp người mù thấy được bằng cách ghép Linh kiện vào Võng mô, giúp người điếc nghe được bằng cách cấy Thính cụ vào tai, và giúp người tàn phế hoàn toàn dùng điện não để nói chuyện bằng cách di chuyển Con Thoi của máy Vi tính.
Ðúng như Phật đã dạy trong kinh Lăng Nghiêm về Tính Thấy và Tính Nghe. Năm căn ngoài, gọi là Phù trần căn, chỉ làm mai mối đưa Sắc trần hay Thanh trần vào Thức thứ sáu (Ý thức). Khi hai Phù trần căn này hư rồi, không có nghĩa là mất hết Tính nghe, Tính thấy. Tính nghe, Tính thấy ăn sâu và Tịnh sắc căn, và Tịnh sắc căn dung thông với Diệu Tâm, mà Diệu Tâm là cái màn Thiên la võng, là Pháp giới bao la.
Như vậy, khi tìm hiểu những thí nghiệm khoa học hiện nay và đọc lại những lời Phật dạy về Sáu căn hổ tương, chúng ta thấy Phật đâu có nói những điều hư vọng?
Có những bí mật lạ lùng khác mà chúng ta không thể hiểu nổi. Ví dụ gần đây, chó của cảnh sát Mỹ có thể đánh hơi một phần tỉ của một gram ma túy. Mắt con chó chỉ thấy hai màu đen trắng, nhưng nó thấy được bóng dáng của ma quỷ nên người ta gọi là "chó cắn ma". Có một loại bướm nhỏ phát những siêu âm để gọi đồng bạn ở cách xa hàng mấy cây số. Nghe nói, ngựa cũng bắt được siêu âm mà tai người không bắt được, vì siêu âm có những Âm tần (Acoustic frequencies) cao hơn Âm giai khả thính (Audible range) của tai người, hay trên 20,000 chu kỳ trong một giây đồng hồ.
Như vậy, quí vị thấy cách đây 2 thế kỷ, Phật đã dạy rất rõ ràng về Phù trần căn và Tịnh sắc căn, điển hình là Sáu căn hỗ tương mà khoa học ngày nay đang tìm cầu, thí nghiệm.
Như vậy, quí vị có đồng ý với tôi rằng đạo Phật là một đạo Siêu khoa học không?
Nguồn: http://truyengicungco.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét