Những người đã từng gặp cụ Trưởng Cần đều ấn tượng với một đôi mắt sáng quắc, như dẫn dắt suy nghĩ, hành động của người khác. Có được "thần nhãn" là do cụ đã khổ luyện. Cho đến nay, những chuyện luyện "thần nhãn" của cụ đã bước đầu được khoa học làm sáng tỏ.
Khổ luyện trên đỉnh Mẫu
Tôi gặp anh Đỗ Văn Nhân trong khu mộ cụ Trưởng Cần khi anh đến thiền. Anh kể: "Ngày cụ còn sống tôi đã được gặp nhiều lần. Cụ có một đôi mắt sáng, lấp lánh ánh tinh quang, năng lượng của những người đã khổ luyện lâu dài".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã nghiên cứu về hiện tượng chữa bệnh lạ của cụ Trưởng Cần từ năm 1974, ông có nhiều câu chuyện khá thú vị. Chuyện "tầm sư học nghệ" của cụ Trưởng Cần cũng thật tình cờ, nó như một cơ duyên.
Ngày ấy, thân phụ cụ Cần bị mắc một chứng bệnh lạ. Người nhà chạy chữa đủ bác sĩ Tây-Ta, uống đủ các thứ thuốc Nam, thuốc Bắc nhưng bệnh không khỏi. Bụng của thân phụ cụ cứ có một khối tròn chạy quanh.
“Có bệnh vái tứ phương”, mẫu thân của cụ đã tìm vào nơi thâm sâu rước về một ông thầy, tung tích khá bí ẩn. Ông thầy đến xem bệnh, chẳng thấy kê thuốc thang gì, chỉ thấy đọc câu gì đó, viết chữ gì đó không ai biết rồi bảo người nhà áp vào bụng người bệnh. Vậy mà chỉ thời gian ngắn thân phụ của cụ Trưởng Cần qua khỏi.
Để trả ơn thầy, mà cũng để con theo học thuật chữa bệnh, mẫu thân xin thầy cho cậu học trò Nguyễn Đức Cần mới tốt nghiệp trường An-be Xa-rô bái sư học nghệ. Vậy là từ đó, hai thầy trò rong ruổi con đường thiên lý. Sau này, khi được đưa vào diện nghiên cứu, cụ Cần đã tiết lộ bí mật luyện "thần nhãn" với nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải. Còn tôi, được nghe chuyện này khi gặp ông Giác Hải.
"Ngày ấy, cụ Trưởng Cần theo thầy đi lên một vùng núi cao. Trên ấy là đỉnh Mẫu, có bàn đá và một loại cỏ mềm như tóc người. Sáng sớm, người luyện "thần nhãn", hấp thụ dương quang phải ngồi đúng tư thế, mở mắt to nhìn thẳng vào mặt trời.
Cứ ngày tháng ròng rã, kiên trì ngồi nhìn đến khi giữa trưa mặt trời chói chang, mắt nhìn mặt trời không bị loá, không bị chói nghĩa là đã thành công. Còn ban đêm, thì ngồi nhìn theo mặt trăng, sự di chuyển của những vì tinh tú để luyện mắt đến độ tinh anh".
Nhiều năm theo thầy, đôi chân cụ Trưởng Cần đã đi qua nhiều vùng đất, có thời gian đặt chân đến Thượng Lào, cứ đi, cứ học triết lý sống, lòng nhân đối đãi với người cho đến năm 1926 thì cụ về Đại Yên. Cụ vẫn chưa chữa bệnh, sau này khi Cách mạng Tháng 8 nổ ra cụ theo cách mạng, quyên góp vàng cho "Tuần lễ vàng".
Thời gian Pháp quay lại, năm 1946 cụ theo kháng chiến lên vùng căn cứ kháng chiến. Thời gian ở Thái Nguyên, cụ lại tiếp tục một con đường khổ luyện. Sau này, cụ Lê Văn Cảnh, pháp danh Tịnh Quang còn kể lại:
"Tôi và cụ Cần có học chung thầy. Tôi nhớ, ngày ấy chúng tôi đến vùng gọi là Đu, Đuổm. Thầy có nhiều tuyệt kỹ, nhưng mỗi trò chỉ học một ngón nghề, tôi theo chân tu, còn cụ Cần theo học chữa bệnh". Về sau khi đất nước giành độc lập, cụ Cần chuyên tâm vào chữa bệnh bằng phương pháp bí truyền đã học được từ thầy.
Ngay với anh Đỗ Văn Nhân cũng cho rằng, việc luyện tập ở mỗi môn phái, trường phái đều có một phương pháp khác nhau chỉ truyền cho đệ tử gọi là bí truyền. Cách của cụ Trưởng Cần cũng là một bí quyết riêng.
Thực tế, đến nay cũng có nhiều người theo luyện khí công, dưỡng sinh năng lượng để mong có sức khoẻ tốt hơn, có người khi đạt trình độ thượng thừa cũng có khả năng chữa bệnh.
Tuy nhiên, để lý giải một cách khoa học theo Đông Y, việc luyện khí công khiến cho khí huyết lưu thông khiến cho cơ thể khoẻ hơn, còn việc truyền nội công, khí công vẫn chỉ là những ảo giác mà khoa học vẫn đang nghiên cứu. Còn những người luyện không đúng phương pháp thì bị đảo ngược chân khí mà người đời vẫn gọi là "tẩu hoả nhập ma".
Khai mở năng lượng trường sinh học
Nhiều nhà nghiên cứu đã từng đặt ra câu hỏi: Có phải nhờ "thần nhãn" mà cụ có khả năng chữa bệnh hay không? Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải thì hiện tượng cụ Cần cũng được coi là một nhà ngoại cảm.
Ông Giác Hải cho biết: " Để nghiên cứu vấn đề này, Hiệp hội Cận tâm lý học của Mỹ đã lựa chọn phương pháp nghiên cứu bằng thực nghiệm, thông qua những số liệu thống kê để kết luận đánh giá về hiện tượng lạ. Phương pháp này sau được nhiều nước áp dụng nghiên cứu những hiện tượng lạ".
Việc nghiên cứu hiện tượng chữa bệnh của cụ Trưởng Cần đã khiến nhiều nhà nghiên cứu khoa học chịu "búa rìu dư luận" thời kỳ những năm 1970 của thế kỷ trước. Hai nhà khoa học say mê với hiện tượng lạ là ông Nguyễn Phúc Giác Hải và Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương từng bị coi là những nhà "khoa học gà mờ".
Ông Giác Hải nhớ lại: "Ngày ấy, tôi nghiên cứu về hiện tượng của cụ, say mê quá mà mất đi nhiều thứ quan trọng của riêng mình. Tôi bị ra khỏi biên chế, bị vợ bỏ. Ngày ấy người ta làm thơ châm biếm cụ Cần và tôi như: "Lão trưởng Cần không cần tiền, lão chỉ cần cứu nhân độ thế, lão chỉ cần chữa bệnh bằng vỗ tay, bịp bợm kiếm ăn sao quá dễ, lão chỉ cần vài chú cò mồi, những nhà khoa học gà mờ quá tệ".
Khi bị ra khỏi Viện khoa học Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ chân lý mình đang theo đuổi. 15 năm sau, ông được trở lại Viện, và hiện tượng lạ của cụ Trưởng Cần được gọi thành tên.
Theo những nhà nghiên cứu, tiếp thu vật chất năng lượng từ vũ trụ bên ngoài mọi cơ thể sống đều có thể phát ra trường sinh học mà những tác động trực tiếp với môi trường xung quanh cơ thể tạo ra những cái gọi là hào quang.
Các hào quang này đã được xác định trong các phòng thí nghiệm sinh học, điện tử và tuỳ theo hình dạng, màu sắc, cường độ đã biến thành những nhân tố mang được những thông tin chính xác những gì đang xảy ra trong cơ thể: Sức khoẻ, bệnh tật và đó chính là cơ sở của việc chẩn đoán bệnh bằng trường sinh học, hoặc trực tiếp, hoặc từ xa, qua thân nhân, trên cơ chế của trí nhớ (theo thuyết trí nhớ ngắn hạn, dài hạn, trí nhớ hoá học hay trí nhớ phân tử hiện hành).
Nếu kiên nhẫn luyện tập thì dù không có khả năng bẩm sinh, chúng ta vẫn tạo ra được một trường sinh học không yếu. Với trường sinh học này, chúng ta có thể tự tác động lên các huyệt của chính cơ thể mình, hay cơ thể của người khác, thay cho các kim châm cứu. Đó là phương pháp chữa bệnh trường sinh học.
Hiện tượng của cụ Trưởng Cần khiến nhà báo Vitali Moiep của Thông tấn xã Liên Xô (cũ) tìm đến mong gặp cụ khi nghe những chuyện lạ. Nhưng nhà báo này đến thì cụ đã mất một tuần rồi. Sau này, khi ông viết một bài trên báo Văn nghệ đã nói: "Rất tiếc khi tôi đến nhà 86 Đại Yên thì nhà chữa bệnh đã qua đời rồi".
Và đến năm 2009, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Đức Cần, bằng những công trình nghiên cứu được công bố của các nhà khoa học, cụ đã được tôn vinh là Nhà văn hoá tâm linh.
Vương Hà
Nguồn: nguoiduatin.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét