Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

CON ĐƯỜNG SÁNG (SỰ THẬT NHÂN QUẢ)

THAY LỜI TỰA

Trên đời này, hạnh phúc và khổ đau; chiến tranh và hòa bình; giàu và nghèo… nếu chúng ta chịu khó tu tập một chút và giữ tâm thật bình thản, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều hay vô cùng. Có nhiều người có cùng một miếng đất, cùng một hột giống, nhưng người có kết quả tốt, người thì lại không?

Có người sanh ra trong một gia đình giàu có, thừa hưởng một gia tài lớn của ông bà cha mẹ để lại, nhưng tại sao một thời gian sau thì lại bị nghèo? Có người khi còn sống thông minh bặt thiệp về mọi phương diện, nhưng họ đã dùng mọi mưu xảo đi lường gạt người khác dưới nhiều hình thức khác nhau để có một gia tài thật lớn, thế mà cuối cùng họ ăn cũng không ăn được ngon, ngủ không được yên, rồi để người khác giựt lại và chết một cách thảm thiết?!

Nhiều người có quyền uy vào bậc nhất trên trái đất này, từ cha truyền con nối từ mấy trăm năm, đi đâu cũng có hàng trăm ngàn người tung hô vạn tuế; nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thôi, uy quyền, thân thế lại tan theo mây khói?!

Có người khi sống tiền bạc của báu chất để đầy kho, nhưng khi chết không có một cái hòm để chôn?!

Tôi là một người được đào luyện trong môi trường khoa học, gần 50 năm nay sống và làm việc trên nhiều nước khác nhau. Tôi đã để tâm quan sát và nghiên cứu về vấn đề luật nhân quả. Tôi quan sát tìm hiểu, điều tra cặn kẽ theo tinh thần khoa học khách quan không thiên vị hẹp hòi dù bất cứ hoàn cảnh nào. Đôi lúc tôi lấy ngay chính bản thân cuộc đời tôi làm điều thí nghiệm về sự thật nhân quả. Tôi thấy đúng vô cùng. Việc thí nghiệm của tôi lập đi lập lại nhiều lần trong nhiều trường hợp và hoàn cảnh khác nhau, đều thấy rõ sự thật nhân quả rất chính xác, rất khoa học và công bằng mà không ai có thể chạy thoát được.

Người gây tội lỗi, phạm luật của một đất nước, của tổ chức họ, họ có thể tìm cách trốn đi nước khác hay tung tiền bạc ra lo lót chạy tội hoặc mướn nhiều luật sư giỏi để thoát khỏi tù tội. Nhưng tôi quan sát thật kĩ, họ không sao thoát khỏi luật nhân quả.

Tập sách nhỏ này không phải là một hồi ký, phóng sự hay cổ tích mà là sự tổng hợp những nghiên cứu và kinh nghiệm sống của nhiều cá nhân viết và kể ra những sự thật. Sự ra đời của tập sách nhỏ này không có mục đích bêu xấu hay chỉ trích một cá nhân nào hay tổ chức nào hết, mà để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để sống và làm việc tốt hơn, cùng có sự an vui hạnh phúc trong cõi đời này. Xin quý bạn đọc cũng nên quan sát và tham gia nghiên cứu về sự thật nhân quả này. Quý vị hãy quan sát thật kĩ có những người chung quanh bạn, họ có nhiều tiền của, nhiều quyền uy, nhiều danh vọng … nhưng họ không tin nhân quả, chuyên môn đi lừa đảo, bóc lột người khác dưới nhiều dạng khác nhau. Quý bạn hãy quan sát thật kĩ sắc diện và cuộc sống của họ, ít được an vui mà lại thường gặp nhiều trắc trở, chính họ và gia đình họ thường gặp nhiều tai nạn, hoặc nhiều khi phải đợi gần cuối cuộc đời thì họ mới trả nghiệp báo thật nặng.

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta may mắn gặp được một người thầy hay một người bạn mà biết tin nhân quả, tôi nghĩ đó là việc đại phúc đức, vì vị thầy tin nhân quả sẽ đem tất cả những điều hay, những chân lý dạy cho học trò mà không bao giờ hướng dẫn học trò đi đường sai quấy. Người bạn tin nhân quả cũng vậy, họ vì tin nhân quả không bao giờ dám làm điều sai quấy gây đau khổ cho người khác. Nếu chúng ta được may mắn làm bạn với người tin nhân quả, đó là một phước báu lớn, vì họ sẽ không bao giờ làm mình đau khổ, không bao giờ họ gây khó khăn. Khi chúng ta thiếu và cần việc gì họ sẵn sàng chia sẻ, giúp đở cho chúng ta. Nếu chúng ta có tiền hùn hạp làm ăn với người tin nhân quả, họ có lời họ cũng sẽ chia cho mình, họ không nỡ gạt mình. Mà nếu lỡ họ có gặp khó khăn và bế tắc họ cũng gạt mình 20 phần trăm hay phân nửa mà thôi, phần còn lại mình vẫn có thể sống, chứ nếu kẻ không tin nhân quả thì chắc chắn họ sẽ gạt luôn mình 100 phần trăm.

Tôi tin tưởng, nếu mọi người trên thế giới này ai cũng tin nhân quả, quyết tâm tránh xa điều ác, nguyện làm điều lành, thì thế giới này sẽ có hòa bình an vui hạnh phúc.

Xã hội chúng ta hiện tại được gọi là văn minh tiến bộ, khoa học mỗi ngày mỗi phát triển, giúp ích rất nhiều cho con người, nhưng con người càng lúc càng khổ đau, càng bấn loạn nhiều thứ, càng nhiều hận thù, càng nhiều tranh chấp mưu toan để chèn ép bóc lột lẫn nhau dưới nhiều hình thức, vì vậy mà nhiều tai nạn, thiên tai động đất, bão lụt ở nhiều nước trên thế giới, rồi chiến tranh hận thù tranh chấp tranh giành đủ thứ chuyện khắp nơi. Hàng trăm ngàn chuyện tham lam ích kỉ khác xảy ra cũng vì lý do không tin nhân quả.

Luật nhân quả đã được chứng minh từ hàng ngàn năm qua, rất chính xác và công bằng, nhưng vì con người vô minh, lòng tham không đáy nên họ đã làm càn mọi thứ, thế là họ phải lãnh đau khổ trong nhiều trường hợp khác nhau.

Tôi cố gắng sưu tập tài liệu rồi viết cuốn sách nhỏ này với lòng chân thành mong mỏi mọi người trên trái đất này cần phát triển lòng tin nhân quả, tôn trọng lẫn nhau, phát nguyện không bao giờ làm khổ chúng sanh, kể cả việc tôn trọng môi sinh. Khi ăn quả thì phải nhớ kẻ trồng cây, khi uống nước thì phải nhớ nguồn. Cây cối cho chúng ta không khí để thở để sống, như vậy hãy tôn trọng tuyệt đối môi sinh. Nếu mọi người đều tin nhân quả và tôn trọng lẫn nhau như những điều nói trên, tôi tin hòa bình và an vui hạnh phúc sẽ đến chắc chắn với mọi người.

Sau đây là những câu chuyện thật về nhân quả, người viết, người kể có bằng chứng rõ ràng. Rất mong mỏi quý đọc giả đọc xong và chuyển cho người khác cùng đọc. Người người cùng nhau phát triển niềm tin nhân quả, đây là cách thiết thực mà bạn đang đóng góp cho an vui và hạnh phúc của gia đình và đất nước bạn đang sống. Mong quý bạn chia sẻ nhiều câu chuyện thật khác liên quan về sự thật nhân quả, để tác phẩm sau được tiếp tục phong phú hơn. Tin nhân quả chính là mật pháp thật sự đưa tới hòa bình thành công, an vui hạnh phúc cho cá nhân và xã hội, nên tôi mạnh dạng chia sẻ với quý bạn đọc và thân hữu trong quyển nhỏ này.

Thành kính tri ân quý vị! 
Việt Nam Phật Quốc Tư - Lâm-tỳ-ni, Phật lịch 2554 Ngày Trăng tròn tháng tư Tân Mão
HUYỀN DIỆU

SỰ THẬT QUẢ BÁO

Nhân dịp phái đoàn chiêm bái đất Phật từ Úc sang từ ngày 18/10-31/10/2010, tôi đón đoàn tại phi trường Kathmandu và đưa đoàn lên vùng Himalaya thăm viếng và tu tập. Himalaya là vùng núi non hiểm trở, nhiều linh thiêng huyền bí mà bao nhiêu người từng mơ ước được viếng thăm và ở lại đây một thời gian.

Nhiều sách vở đã viết về sự huyền bí của vùng Himalaya đã thu hút biết bao tâm hồn yêu quý thiên thiên. Mỗi đoàn chiêm bái đất Phật do tôi hướng dẫn đều đặt cho một cái tên. Đoàn này tôi cho một cái tên hơi ngộ nghĩnh là đoàn Diễm phúc An vui. Mọi người phấn khởi vui mừng nhưng nhiều vị vẫn thắc mắc hỏi tôi về ý nghĩa cái tên đoàn. Cứ như vậy mà nhiều người trong đoàn cứ hỏi đi hỏi lại nhiều lần.

Tôi đợi vào một buổi sáng thật đẹp khi mặt trời lên thật cao để mọi người ngắm nhìn dãy núi tuyết hùng vĩ, thế là tôi kể chung cho mọi người cùng nghe: trong lục đạo được làm thân người là diễm phúc lắm, dù có nhiều khổ đau, khó nhọc nhưng cũng có nhiều điều hay, nhiều điều thú vị. Trên thế giới hiện nay có hàng trăm triệu người không có đủ cơm ăn áo mặc, hơn một tỷ người không có nước sạch mà dùng và hàng trăm triệu người không có đủ thuốc để uống khi bệnh hoạn, nhưng quý vị trong phái đoàn là những người có diễm phúc lớn nhất trong trần gian này có phải vậy không? Vì quý vì đã có cơm ăn áo mặc đầy đủ, có nhà cao cửa rộng, có đầy đủ tiện nghi vật chất, có tiền bố thí và có tiền đi du lịch đi chiêm bái nhiều nơi… Mọi người lặng thinh nghe tôi nói, có vị rất xúc động và không ai trả lời gì hết rồi mặt trời càng lúc càng lên cao mây mù càng lúc càng tan dần và dãy núi tuyết Himalaya càng hiện rõ hơn, mọi người cùng tập trung chăm chú ngắm nhìn sự hùng vĩ của Himalaya. Có người bật khóc như trẻ thơ và có người hốt hoảng chạy tới hỏi tôi tại sao có những hiện tượng như vậy? Đứng trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ của nơi linh địa, họ bừng tỉnh cảm được một số việc làm họ không cầm được nước mắt, từ đó nhiều người rất siêng năng tu tập dưới sự hướng dẫn của tôi và một vài vị trong đoàn bổng nhiên lại đề nghị mỗi người nên kể ra một câu chuyện nhân quả thật xảy ra trong cuộc đời mà mỗi người đã chứng kiến. Thế là những câu chuyện thật về quả báo được mọi người trong đoàn lần lượt kể trong nhiều ngày, tôi ghi âm và biên chép lại làm thành cuốn sách về những câu chuyện nhỏ này.

Những câu chuyện thật về quả báo được kể ra thật chi tiết và rất cảm động.

Sau quyển sách Tình Thương Và Lòng Độ Lượng tập 1 được nhiều đọc giả yêu thích, nhiều người yêu cầu viết tiếp quyển thứ 2, thế là tôi bắt đầu viết tiếp quyển thứ 2 được hai tuần. Nhưng khi thầy Nhuận Đạt cùng các Phật tử tu tập ở Việt Nam Phật Quốc Tự yêu cầu tôi nên viết cuốn sách về sự thật quả báo trước. Các vị này nói rằng cuốn sách này ra đời có thể đóng góp nhiều điều tốt cho xã hội đầy biến động hiện nay. Các vị cũng nói rất tin tưởng về những chuyện sự thật quả báo này bằng mắt thấy tai nghe đã xảy ra trong đời này, có thể kéo con người trở về với con đường tốt đẹp của chân thiện mỹ, con đường của tình thương, của từ bi và trí tuệ để giảm bớt sự đau khổ của nhiều người. 

Suốt mấy bữa liền sau những buổi uống nước trà ngắm nhìn bình minh và hoàng hôn ở Việt Nam Phật Quốc Tự, các vị cứ đem đề tài này ra nói, nên tôi tạm không viết tiếp quyển 2 Tình Thương Và Lòng Độ Lượng mà chuyển sang viết đề tài Nhân Quả này. 

Cuộc đời tôi đã tận mắt chứng kiến quả báo nhãn tiền trên đất Phật đã đến với tôi ngay trong cuộc đời này, phải thanh thoát bình tĩnh lắm mới thấy được sự thật, sự công bằng của luật quả báo. 

Luật pháp của từng quốc gia khác nhau, người phạm luật có thể trốn tránh hay có thể mướn luật sự giỏi để chạy tội hay có thể dùng nhiều phương cách để thoát tội nhưng luật nhân quả thì không sao tránh được, có bao nhiêu tiền của, bao nhiêu thế lực… cũng không sao thay thế được và người gây tội lỗi phải trả quả báo dưới nhiều hình thức khác nhau ngay trong đời này.

Chúng ta phải bình tĩnh và tinh tế lắm mới thấy rõ điều này. Tôi là người được đào tạo trong môi trường khoa học Âu Mỹ, tôi đã kiểm chứng luật nhân quả này rất nhiều lần, nhiều nơi trên thế giới trong nhiều trường hợp khác nhau thấy rất công bằng và chính xác. Như trong quyển sách Hòa Bình Nepal Trong Tầm Tay tôi viết ở Lâm Tì Ni nơi đức phật Thích Ca giáng trần, tôi có đề cập đến một nhân vật Việt Nam nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Tôi đã từng ở gần một thời gian với vị lãnh tụ này, và tôi kiên nhẫn quan sát thật kỹ hành động và những việc làm của vị này gần 40 chục năm từ khi gặp ở Việt Nam và khi sang Ấn Độ, sau đó vị này nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Lãnh tụ này bằng mọi cách gây ảnh hưởng dưới nhiều dạng khác nhau, tìm cách thu tiền có tổ chức có phương pháp rất tinh vi và không từ bỏ phương tiện nào miễn sao để đạt được mục đích. Một tổ chức khá vĩ mô được xây dựng lên đầy công phu, tinh vi miễn sao kiếm được nhiều tiền và xây dựng thân thế bất chấp những thiệt hại, khổ đau cho người khác! 

Theo những nguồn tin đáng tin cậy vị này sau nhiều năm tổ chức tinh vi, tích lũy tiền bạc của cải trên 20 triệu đô la Mỹ. Với một người không cần làm gì nặng nhọc mà có được số tiền lớn như vậy quả là đặc biệt. Chúng ta mỗi người đi làm mướn từ lục địa này sang lục địa khác, từ nước này qua nước nọ, lao động liên tục nhiều năm chưa kiếm được một triệu bạc thế mà vị này không cần di chuyển làm việc nặng nhọc chi hết mà vẫn thu được từ mọi người gần 20 triệu đô la Mĩ. Thật là lạ lung! kỳ hoặc không thể tưởng tượng được!? Nếu số tiền này được nằm trong tay người có tâm lành thì làm được biết bao nhiêu việc thiện để cứu vớt chúng sanh. Nhân vật lãnh đạo tối cao của tổ chức này chắc chắn tin tưởng một cách chắc nịch rằng, với một tài sản vô cùng to lớn như vậy sẽ mặc sức mà sống hưởng thụ hàng ngàn năm để thưởng thức, có thể cùng với những vị thân thích, đoàn tùy tùng, thân bằng quyến thuộc và các học trò của ông ta hưởng thụ dù đến trăm năm cũng khó hết được. Nhưng hỡi ôi, định luật nhân quả do chư Phật, chư tổ, chư thánh hiền đã thuyết giảng từ bao nghìn năm nay đã cho chúng ta thấy rõ như mặt trời tỏa chiếu. Tiền của thì đầy ắp, chức vụ danh vọng của vị này thì chất cả xe…nhưng trước khi chết, vị lãnh tụ này không ăn uống chi được hết trong nhiều năm mà phải nhờ cái máy ăn dùm, nghĩa là mỗi lần ăn bác sĩ phải dùng bằng ống nhựa đưa vào miệng tới bao tử rồi bơm vitamin vào để có đủ chất để sống. Cứ như vậy mà kéo dài nhiều năm, nhưng việc đơn giản như đi vệ sinh toilet cũng phải nằm ngay tại chỗ… còn nhiều cảnh đau khổ và hãi hùng khác cứ vùi dập lên vị lãnh tụ đó, nghe nhiều người kể lại mà lạnh người. Chúng ta kể lại những sự thật về nhân quả không phải để bêu xấu bất cứ ai, mà muốn làm phương tiện sáng tỏ thí dụ cụ thể về sự thật mà chư Phật và chư vị thánh nhân đã dạy, đã kể để chỉ dạy chúng sanh, nhưng chúng sanh vì vô minh mà khinh thường những định luật vũ trụ nên họ phải gánh chịu những kết quả hãi hùng như vậy. Vị lãnh tụ này sau nhiều năm nằm một chỗ, những cảnh tượng đau khổ ập về, vị lãnh tụ không thể nói nên lời, chỉ co ra co vào hai ngón tay nghe vu vu, và chỉ biết khóc trong lặng lẽ mà không ai có thể thấu hiểu được vị lãnh tụ muốn nói gì, nhắn nhủ gì với những người đi thăm. Nhiều người cứ thắc mắc biểu hiện như vậy là thế nào? Có lúc tôi gặp được bậc chân sư, tôi có đem việc lạ này để hỏi, ngài kể lại và tâm sự rằng vị lãnh tụ đó muốn nói mọi người đừng bao giờ gây tội lỗi cho người khác, đừng lạm dụng của tam bảo, của đàn na tín thí như vị lãnh tụ đã làm. Còn hai bàn tay co ra co vào là muốn nói số tiền 20 triệu đó bây giờ để ở đâu và ai quản lý. 

Sau khi vị lãnh tụ ấy qua đời, nhiều tranh cãi giữa thân bằng quyến thuộc với học trò đệ tử tông môn khá sôi động, mà người biết chuyện đó khá rõ là bà Bùi Thị Sâm pháp danh Diệu Nhung ở Pháp. Bà Sâm nay đã trên 80 tuổi mà sức khỏe vẫn còn tốt, và Bà biết rất nhiều chuyện quả báo nhãn tiền. Bà kể lại câu chuyện và nói không chỉ thầy làm không phải thì thầy chịu mà trong thân bằng quyến thuộc con cháu cũng bị quả báo lây, nhiều điều tai nạn khủng khiếp xảy ra cho các người thân cận. Nếu có dịp nào thuận tiện hơn chúng ta sẽ trở lại câu chuyện này chi tiết hơn. Nếu sức khỏe cho phép và có đủ nhân duyên tôi sẽ kể về sự thật quả báo này, một quả báo hiện tiền ngay trong đời này chứ không phải đợi đến đời sau. Đúng là những gì chư Phật, chư ThầyTổ , chư vị Tôn Sư chỉ dạy đều đúng 100 phần trăm.

GẠT TIỀN CHÙA

Mỗi lúc nhàn rỗi tôi và thầy U. Nyaneinda, trụ trì chùa Miến điện thường ngồi chung cùng uống trà nói nhiều chuyện, trong đó có những chuyện về nhân quả đời này. Thầy và tôi có nhiều điểm giống nhau nên rất thân, tuy nhiên vẫn có nhiều điểm không giống nhưng chúng tôi biết hòa đồng nhân nhượng tôn kính lẫn nhau, nên mọi việc điều tốt đẹp. Chúng tôi đều đồng ý quan điểm bà con xa không bằng láng giềng gần, nên rất lưu tâm giúp đỡ những người sống gần chùa.

Gần chùa có một gia đình biết chùa cũng gần 20 năm nên thầy cả rất tin tưởng và thương quý, đó là gia đình anh Yadaw Kuma. Anh là người thường xuyên giúp đỡ cho chùa mỗi khi có việc cần. Một hôm anh chạy qua chùa Miến điện (tôi cũng có mặt ở đó) anh ta xin mượn thầy cả 40 ngàn rupees để mua 2 con bò sữa kiếm tiền nuôi con ăn học. Anh năn nỉ Thầy cả để mượn tiền và hứa sẽ hoàn trả đầy đủ trong vòng 6 tháng. 

Những năm 1985, 40 ngàn rupees là tương đối lớn, bằng 1 năm thu nhập của những người lao động trung bình. Anh Yadaw Kuma ngày nào cũng qua chùa năn nỉ Thầy cả mượn tiền để lo cho gia đình và công việc. Trước tình cảnh thương tâm và nhiều ngày năn nỉ như vậy cuối cùng Thầy cả cũng xiêu lòng, Thầy lấy tiền chùa và đi mượn các chỗ khác cho đủ 40 ngàn rupees để cho anh ta mượn. Ngày cho anh Yadaw Kuma mượn tiền, Thầy có cho mời tôi qua uống trà và có lẽ cũng để làm chứng việc thầy cho anh mượn tiền. Khi thầy đưa tiền cho anh có sự hiện diện của tôi, Thầy nói đi nói lại nhiều lần đây là tiền chùa, tiền linh thiêng, tiền của những tấm lòng thành tâm cúng dường tam bảo, Thầy nói đúng ra thầy không có quyền lấy tiền cho anh mượn, nhưng vì thương hoàn cảnh của anh đang khó khăn nên giúp đỡ. Thầy đề nghị anh nên cố gắng trả lại cho chùa càng sớm càng tốt, chậm nhất là 6 tháng. Anh ta trả lời chắc nịch: “Nhất định con sẽ trả lại cho Thầy đúng kỳ hẹn, thầy đừng lo!”. Nói xong anh cầm số tiền lạy tạ Thầy cả 3 lạy với vẻ mặt mừng khó tả, rồi anh ta quay sang tôi xá lia lịa nói cảm ơn, cảm ơn. 

Không phải tiền của tôi mà anh ta cảm ơn ríu rít như vậy tôi lấy làm ngạc nhiên, sau này tôi mới hiểu anh ta tưởng tôi có cho Thầy cả mượn một số tiền nhưng thật ra tôi không có cho thầy mượn đồng nào cả, mà tôi chỉ là người có mặt để chứng kiến anh mượn tiền Thầy cả thôi.

Thời gian 6 tháng trôi qua khá nhanh Thầy cả có nhắc anh trả tiền phần nào để xây dựng chùa nhưng anh cứ tìm cách trì hoãn. Vài ngày vài tuần vẫn không thấy anh trả, từ đó anh ít lui tới chùa vì sợ Thầy cả đòi tiền. Thế là một hôm nhân có sự hiện diện của tôi cùng uống trà ăn bánh ngọt mới từ Miến Điện gởi qua, Thầy nhờ chú thị giả qua mời anh Yadaw Kuma qua cùng uống trà ăn bánh. Khi anh ta qua thấy chúng tôi vui vẻ uống trà với nhau thì anh bỗng dưng òa lên khóc nức nở và nói vợ con đang đau nặng mà không đủ tiền đưa vợ đi nhà thương. Gặp cảnh thương đau như vậy tôi và thầy cả còn an ủi anh rồi mọi người mỗi người một ít đóng góp để anh kịp đưa vợ đi nhà thương. Vài hôm sau tôi gặp mấy người hàng xóm để hỏi thăm về bệnh tình của vợ anh ở nhà thương ra sao, mới vỡ lẽ là vợ anh ta không có bệnh đau gì cả, chị ta rất khỏe mạnh ở nhà cùng mấy đứa con lấy sữa bò bán kiếm tiền. Tôi thấy hơi ngạc nhiên và đem chuyện này nói lại cho Thầy cả biết trong một buổi uống trà nhàn rỗi. Thầy cả nghe xong có vẻ trầm ngâm và linh tính có gì đó không tốt xảy ra. Thầy nói với tôi: “Có lẽ thằng Yadaw Kuma đã gạt lấy số tiền mà cách đây mấy tháng mình cho nó mượn. Mình thấy nó khó khăn nghèo khổ nên mượn giúp nó, nhưng tôi có cảm tưởng số tiền mình cho mượn và tấm lòng tốt của những người khác sẽ mất”. Tôi thấy Thầy nói với giọng trầm trầm và buồn buồn nên tôi vội an ủi: “Chắc thằng Yadaw Kuma đang gặp khó khăn nên chưa trả được thôi”, tôi nói với thầy vẫn còn hi vọng. Nhưng Thầy nói tiếp: “Mình vì thương người mà bị nạn”.

Sau đó khoảng một tuần lễ, nhân có lễ hội lớn tại Bồ Đề Đạo Tràng nhiều người đến dự trong đó có những nhân vật nổi tiếng của tiểu bang Bihar và địa phương, có lẽ Thầy cả cũng nhân cơ hội này chính thức đòi tiền lại cho dễ hơn chăng? Đúng như tôi đã nghĩ, khi lễ gần xong mọi người ra về khá nhiều, chỉ còn vài nhân vật thân với Thầy cả cùng ngồi với tôi uống trà, bất chợt thầy thấy hai vợ chồng Yadaw Kuma đi qua, thầy cũng mời lại ngồi uống trà thế là Yadaw Kuma cùng ngồi vào bàn uống trà và anh ta mở miệng khen năm nay lễ hội tổ chức rất lớn và rất vui, lại có những nhân vật cấp cao đến dự. Anh cũng tán thưởng khen các nhân vật VIP cùng ngồi uống trà ăn bánh. Mọi người cùng ngồi uống trà trò chuyện thì Thầy cả bất chợt nói với Yadaw Kuma nên trả lại phần nào số tiền cho chùa, để có mà sửa chữa một số nơi đang xuống cấp và hư nát. Khi thầy hỏi Yadaw Kuma một cách nhẹ nhàng và khiêm tốn thì anh liền hứ một cái thật lớn làm mọi người giựt mình để ý ngay, Yadaw Kuma lại hứ lên một cái nữa rồi nói một cách rất tự nhiên: “Con đã trả tiền cho Thầy hết rồi mà sao thầy còn đòi nữa? Có thể mấy hôm trước Thầy bị bệnh nên trí nhớ bị quên chăng? Con đã trả tiền thầy ngay tại chỗ thầy đang ngồi đó”. Tôi thấy Thầy cả có vẻ ngạc nhiên sửng sốt trước những lời tự nhiên của Yadaw Kuma, nhưng thầy vẫn bình tĩnh nói: “Vậy sao, vậy sao!” rồi Thầy tiếp: “Nếu anh đã trả tiền cho chùa rồi thì anh hãy đứng dậy đưa tay lên trời nói đi nói lại 3 lần: tôi đã trả tiền chùa rồi.” Thầy vừa nói xong Yadaw Kuma đứng dậy làm ngay. “Con đã trả tiền cho Thầy đầy đủ rồi!” Anh nói đi nói lại 5 lần chứ không phải 3 lần như Thầy cả yêu cầu.

Tôi ngồi đó đếm rất kỹ bằng tiếng Hindi. Ai cũng phì cười vì giọng tiếng Hindi của tôi mang chưa đủ mùi cà ri nị, người nghe biết ngay là không phải dân Ấn Độ chính gốc. Tôi đếm rất nghiêm túc, tôi thấy anh Yadaw Kuma một tay đưa lên trời một tay đưa sau lưng mà nói. Nói xong anh ngồi xuống rót trà uống một cách tự nhiên, cách tự nhiên ấy làm mọi người rất tin tưởng vào lời hứa của anh mà chỉ riêng có Thầy cả và tôi biết sự thật mà thôi.

Sau đó Yadaw Kuma và mọi người điều ra về hết chỉ còn 2 chúng tôi ngồi lại uống trà trong bóng đêm với ngọn lửa bập bùng. Thầy cả và tôi ngồi yên lặng một khoảng hơi lâu không nói gì hết, màn đêm từ từ buông xuống, sương cũng bắt đầu dày đặc. Tôi thì nghĩ ngợi lung tung và tận sâu trong tâm hồn tôi thấy rất buồn cho nhân thế! Tôi nghĩ một người có đầy đủ đức độ như Thầy cả vậy mà họ vẫn nhẫn tâm đi lừa gạt Thầy, thật bất nhân và vô lương tâm! Thầy cả cho Yadaw Kuma mượn tiền là để giúp nó những lúc khó khăn chứ có ăn tiền lời đồng nào đâu, sao Yadaw Kuma có thể làm phiền một vị chân tu như vậy? 

Thầy cả vẫn trầm ngâm không nói, Thầy suy nghĩ về lời nói của Yadaw Kuma đã hứa “con đã trả tiền cho thầy rồi”! Ánh lửa bập bùng thỉnh thoảng lại nhỏ rồi to, tôi thấy nét mặt của thầy buồn buồn, tôi cũng buồn theo, sự lặng thinh vẫn tiếp diễn ánh lửa khi mờ khi lu tạo thêm vẻ thê lương của cuộc đời nhiều đen bạc, của sự vô ơn bạc nghĩa…

Đêm về khuya, trời càng lạnh, ngọn lửa cháy đỏ từ hồi chiều tới giờ cũng gần tàn, tôi muốn kết thúc buổi gặp gỡ đầy kỉ niệm và nhiều ấn tượng buồn này và cũng muốn làm vơi bớt nỗi buồn của người bạn thân: “Thôi chúng ta không nên buồn vì chuyện Yadaw Kuma lừa gạt lấy tiền chùa. Nếu kiếp trước mình gạt nó bây giờ nó gạt lại là huề. Còn không nó sẽ trả quả báo rất sớm”. Thầy thốt lời rất nhanh: “Tôi đồng ý quan điểm đó!” Thế là tôi chia tay Thầy để về còn tụng kinh niệm Phật, sáng mai còn làm việc khác. 

Mấy ngày sau, khi gặp lại Thầy, Thầy vẫn nhắc lại việc Yadaw Kuma gạt tiền chùa mà còn dám thề thốt một cách tỉnh bơ. Thầy nói nhưng vẻ mặt thật buồn và rất thất vọng cho nhân thế! Tôi biết thầy đang buồn nên vội khuyên: thầy nên quên chuyện đó đi để tâm hồn thoải mái mà lo những việc khác ý nghĩa hơn, thầy cứ yên tâm sự thật trước sau rồi cũng tỏ bày, Yadaw Kuma thế nào cũng trả quả báo thật sớm, vì đây là chỗ linh địa, tôi đã chứng kiến nhiều việc hiển linh! Thầy nghe tôi nói vậy, thế là thầy cười vui vẻ, hứa với tôi không nhắc đến việc của Yadaw Kuma nữa. 

Khoảng một tuần sau trời mờ mờ chưa sáng, ngoài sân sương mù còn dày đặc, thế mà thầy đến gõ cửa phòng tôi mời qua uống trà. Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi với thầy thường hay ngồi uống trà khi hoàng hôn gần xuống, sao hôm nay lại được mời uống trà trong buổi sáng tinh sương. Tôi nói để tôi lạy Phật xong sẽ qua, tôi sang đến nơi thì đã thấy thầy có mặt tự bao giờ.

Thầy vui vẻ mời tôi ngồi xuống và nói hôm nay tôi có trà rất ngon mới từ Miến Điện gửi sang nên mời thầy qua thưởng thức. Tôi uống được khoảng hai tách thì thầy hỏi tôi có biết tin tức gì mới không. Thầy hỏi với vẻ mặt nghiêm trang đặc biệt. Tôi hỏi lại thầy có chuyện gì lạ phải không. Thầy bảo những lời tôi nói hôm trước linh thiêng lắm. Tôi hỏi lại có chuyện gì mà linh thiêng? Thầy từ từ kể lại trong sự xúc động: tối qua anh Babulan, người làm công cho chùa Miến Điện đến báo tin vợ Yadaw Kuma không biết sao mà đau dữ dội, Yadaw Kuma phải gọi xe cứu thương chở vợ đi gấp để cấp cứu, khi vợ đến bệnh viện tạm ổn, Yadaw Kuma cho xe quay về nhà để lấy đồ ấm và một số đồ dùng cho vợ vì mùa đông ở xứ Ấn độ khá lạnh, khi về đến nhà thì tự nhiên 2 con bò và 1 con trâu trong đàn gia súc lăng ra chết cách đó chỉ vài chục phút. Yadaw Kuma hốt hoảng khóc lóc thảm thiết, làng xóm xung quanh chạy tới xem, trong đó có Babulan. Nhờ vậy mới có tin tức báo cho thầy biết, tuy rất đau đớn khổ sở nhưng Yadaw Kuma vẫn cố giữ bình tỉnh để lấy đồ cho vợ là chị Devi Kumari đang nằm trong phòng hấp hối. Nhưng hỡi ôi! Anh vừa đem đồ ấm tới nhà thương thì bác sĩ đã báo tin vợ anh đã chết trước khi anh đến chỉ có 5 phút. Theo nhiều người kể lại thì anh lăn ra đất tại bệnh viện mà khóc la thê thảm. Anh ôm xác vợ đưa về nhà mai táng vì theo truyền thống Ấn Độ không được để lâu. Anh cùng gia đình làng xóm đưa vợ anh đi thiêu thì không bao lâu sau đó 2 con trâu khác và 4 con cừu trong số 10 con cũng lần lượt chết đi, do căn bệnh gì tới nay không ai biết được. Nghe tin anh vừa đưa vợ đi vừa khóc lóc thảm thương như đứa con nít 8 tuổi, chứng kiến cảnh ấy ai ai cũng xót thương cho Yadaw Kuma. Khi xác chị vợ thiêu xong, tro được rải xuống dòng sông Phănggu gần Gaya. Khi anh vừa về nhà thì 6 con cừu còn lại của anh cũng vừa mới chết khoảng 1 giờ trước. Dân chúng trong vùng đều bị chấn động, cứ nghĩ bệnh dịch đang bùng phát nên nhiều gia đình xóm Yadaw Kuma đã vội dọn đồ chạy đi nơi khác sinh sống. Nhưng sự thật không phải bệnh dịch, mà sự cố chỉ xuất hiện trong gia đình của Yadaw Kuma. Sau đó 3 ngày, con của anh Yadaw Kuma lấy xe của bố chạy ra đường, không biết thế nào mà xe chở đá chạy ngược chiều cán con anh văng từng mảnh, nhưng chiếc xe yêu quý của Yadaw Kuma thì còn nguyên vẹn. Khi xe được đem về làng mọi người bàn tán đủ thứ, không ai giải thích được tại sao có chuyện lạ như vậy. Người thì tan xác, xe lại không bị gì! Nghe mọi người kể lại cái chết kinh hoàng của con anh, anh không tin nhưng khi cảnh sát đến tận nhà báo tin thì anh mới bật ngửa. Lại một trận khóc xảy ra, nhưng lần này nước mắt không còn để chảy vì tất cả đã khóc hết nước mắt cho người vợ thân yêu và đàn gia súc của anh. 

Sau khi được cảnh sát báo tin anh cùng lên xe đi tới hiện trường thì anh mới tá hỏa như người mất hồn khi nhìn thấy đầu và tay của con, còn lại các phần khác thì văng tứ tung. Cái đầu máu mủ dính với bụi bặm nhìn rất thảm thương. Anh ôm đầu con vừa hôn vừa khóc thảm thiết. Còn anh tài xế chở đá khi gây tai nạn thấy cảnh khủng khiếp như vậy cũng hốt hoảng bỏ chạy, nhưng bị dân chúng bắt được giao cho cảnh sát. Yadaw Kuma ôm đầu con gào khóc như người điên loạn. Cảnh sát và mọi người khuyên anh nên bình tĩnh để còn đi lượm thịt xương của con anh, sợ để lâu sẽ bị hôi thúi quạ và kênh kênh tới giành ăn là sẽ gây khó khăn cho dân làng! 

Gần một tiếng đồng hồ anh mới chịu nghe lời cảnh sát và mọi người khuyên. Sau đó anh cùng dân làng đi tìm những mảnh thịt con anh bị xe cán văng tứ phía, dân làng cũng tiếp tay với anh nhưng khi họ tìm thấy thịt hay xương của con anh họ la lên để anh tới nhặt, vì họ sợ xui xẻo nên không ai dám nhặt dùm, đó là tục lệ của vùng này. Nhờ vào mùa đông thời tiết lạnh nên việc tìm kiếm cũng khá dễ. Mất gần 4 giờ đồng hồ, nhưng mọi người tìm hoài vẫn không thấy cánh tay trái và cái chân phải đâu cả. Có người bảo có lẽ khi con anh bị xe cán thân thể văng tứ tung nên những con chó trong làng thấy và tha đi đâu nên không sao tìm được. 

Yadaw Kuma bỏ thịt xương con vào cái thùng làm bằng tre, mướn xe định chở về sông Niranjara hỏa tán, nhưng anh lại quyết định đem xác con ra dòng sông Phanggu, nơi mà cách đây mấy ngày đã thiêu xác người vợ thân yêu của anh. Sau khi thiêu xong tro được các vị thầy tu rải xuống sông. Vị thầy tu Ấn Độ giáo bảo anh, anh đã làm gì ác lắm phải không, nên khi quăng tro con anh xuống dòng sông trong, tro có rất nhiều hình mặt kỳ dị hiện ra than khóc! Vị thầy tu Ấn Độ khuyên anh từ đây về sau nên làm việc lành lánh xa việc ác để cuộc sống sau này an vui hơn. Anh trả lời “Jiha Jiha” bằng tiếng Ấn Độ, có nghĩa là vâng vâng, và xá vị thầy người Ấn Độ kia lia lịa. 

Khi về đến nhà thì anh đã kiệt sức vì vợ chết, con chết, đàn trâu bò cũng chết anh chẳng còn gì nữa ngoài thằng con út mới 12 tuổi và căn nhà nhỏ nằm hiu quạnh hoang vắng. Từ đó anh trở nên như người điên dại không cần gì nữa, cũng chẳng thèm ăn uống đầy đủ như thời còn vợ. Thế là anh cứ mua đồ ăn ngoài đường, ngoài phố cùng với đứa con út ăn cho qua ngày đoạn tháng. Ăn hoài cũng chán, thằng con út năn nỉ anh nấu cơm ở nhà ăn, anh trả lời ba không biết nấu nếu con biết nấu, nấu cho ba ăn với. Dù không biết nấu nhưng khi nghe ba nói như vậy nó cũng xuống bếp thế là hai cha con lần đầu tiên được ăn cơm nhà từ khi vợ anh chết. Nấu được một thời gian không biết vì sao khi hai cha con cùng ngồi ăn cơm tự nhiên lại nằm lăn ra ngủ ngay bàn ăn ngon lành. Rồi làng xóm phát hiện nhà anh bị cháy từ căn bếp, mọi người hốt hoảng vì sợ lan qua các nhà khác, khi họ kéo đến nhà anh thì vẫn thấy hai cha con vẫn ngủ ngon lành trong căn nhà đang cháy. Lửa bắt đầu lan sang căn phòng chính thì hai cha con bất chợt tỉnh dạy vội vã chạy ra ngoài, chỉ một lát sau nơi mà anh đã từng sống bên những người thân nay chỉ còn là đống tro tàn. Hai cha con ôm nhau mà khóc bên bờ ruộng thảm thiết. Không lấy được gì cả, vật mà duy nhất còn lại là cái quần đùi đang mặc trên người. Thật là vô thường! Thật là đau khổ cùng tận! Lừa gạt gom góp của người khác để làm của cho riêng mình, muốn mình và gia đình mình hưởng thụ mà không nghĩ đến luật quả báo trả vay. Kết cuộc phải lãnh một cái giá quá đắt cho chính hành động của mình. Trời cao có mắt, quả báo nhãn tiền. Chuyện này xảy ra gần chùa Miến Điện Bồ Đề Đạo Tràng. Còn nhiều chuyện nhân quả khác xảy ra nơi Đất Phật mà chúng tôi đã tận mắt thấy tai nghe, nếu có dịp tôi mong mỏi sẽ được thuận duyên kể tiếp.

NHÂN LÀNH QUẢ NGỌT

Kinh nghiệm bản thân của tôi là ở đời muốn làm chuyện phước đức quả thật rất khó khăn, mà làm việc tội lỗi thì dễ hơn nhiều. Riêng tôi chỉ mới có niềm mơ ước thôi mà đã gặp phải bao nhiêu là thử thách!

Đầu tiên tôi đứng ra hình thành Ban vận động thành lập ngôi chùa Việt Nam mà tôi là tổng thư ký. Cùng với một số bạn bè thân hữu, tôi bỏ ra bao nhiêu công sức mới vận động được vị thống đốc bang Bihar đồng ý bán cho hai mẫu đất với giá tượng trưng một đồng rupi vào năm 1974. Lúc bấy giờ chúng tôi là những người vô danh tiểu tốt nên phải kiên trì lắm mới đạt được thành công này. Tuy nhiên người chủ tịch của Ban vận động lại cất giữ giấy cấp đất mà không có động thái nào xúc tiến thêm. Theo điều kiện ghi trong quyết định giao đất, trong vòng 24 tháng người được cấp phải sử dụng miếng đất này, quá thời hạn đó chính quyền sẽ lấy lại để cấp cho người khác. Thế là sau hai năm án binh bất động, miếng đất đương nhiên bị chính quyền địa phương thu hồi. Đây là một điều vô cùng đáng tiếc và tôi phải mất đến hơn mười năm trường lao tâm khổ trí mới mua được khu đất khác để xây chùa. Từ sự việc này tôi rút ra kinh nghiệm hễ mình có khả năng làm một việc gì, tốt hơn hết là cứ âm thầm mà làm, nếu được thì khi nào làm xong rồi mới nên nói.

Song song đó tôi vẫn tiếp tục hoàn tất chương trình đại học. Khi vừa tốt nghiệp tôi được bổ nhiệm làm trợ lý cho người thầy của mình tại đại học Nantes là giáo sư Yves Durant, nhà quý tộc sinh trưởng trong một dòng họ lâu đời của nước Pháp. Thời kỳ này có một việc xảy ra mà hệ quả tác động nhiều đến công việc cũng như cuộc sống của tôi sau này.

Lần đó giáo sư Durant nhờ tôi đến trông nhà giúp trong thời gian vợ chồng ông đi nghỉ hè. Một ông Tây nhà giàu đã rắc rối huống chi thầy tôi thuộc dòng dõi vua chúa, cuộc sống lại càng phức tạp và kiểu cách hơn nhiều. Vì vậy trước khi giao nhà ông bà cẩn thận dặn dò tôi đủ điều, trong đó việc quan trọng nhất là để mắt đến đàn chó cưng. 

Tôi được sắp xếp ở trong một căn phòng riêng đầy đủ tiện nghi. Hằng ngày tôi trông coi mọi việc trong tòa nhà một cách chu đáo, siêng năng tưới vườn hoa, chiều chiều lại dẫn đàn chó đi dạo. 

Một hôm nhân lúc rảnh rỗi tôi đi thơ thẩn trong sân, khi đến chỗ nhà để xe ở kế bên chuồng ngựa, thấy nơi này không được sạch sẽ nên tôi nảy ý nghĩ dọn dẹp và bỏ ra mấy ngày để quét dọn lau chùi. Tôi mang đôi bốt cao cổ và gắn vòi xịt nước bằng máy để tẩy uế những chỗ rơi rớt phân ngựa. Bỗng nhiên tôi nhìn thấy trong góc nhà xe có một vật gì lóe sáng. Tôi nhặt lên, đem rửa sạch thấy nó chiếu lóng lánh thật đẹp. 

Lần đầu tiên trong đời cầm trên tay một viên đá óng ánh, tôi chẳng phân biệt được đây là loại đá gì. Ngày hôm đó tôi đi ngay xuống vùng Deauville. Nơi đây có các sòng bạc và trường đua ngựa danh tiếng, thu hút nhiều khách du lịch giàu tiền lắm bạc, đặc biệt là các triệu phú người Ả Rập. Tôi đến khu vực chợ trời của dân chuyên mua bán nữ trang và đưa chiếc nhẫn ra nhờ định giá. Chủ cửa hàng đo đạc, săm soi một hồi rồi cho biết đó là hột xoàn loại tốt nhất và đưa ra một cái giá cao ngất, tương đương với 50.000 đô la Mỹ, khiến tôi hoàn toàn sững sờ! 

Tôi hoang mang lấy lại viên đá bỏ túi rồi vội vã quay đi. Việc đầu tiên tôi đi mua ngay mấy cây kim tây, bỏ viên hột xoàn vào túi trong rồi cẩn thận gài chặt lại. Chưa an tâm, lâu lâu tôi lại đưa tay sờ túi xem viên kim cương còn nằm yên ở đó hay không. Rõ ràng, lợi đâu chưa thấy mà tự nhiên lại rước mối lo vào người. 

Đầu óc tôi rối bời, nghĩ rằng có lẽ mình nghèo quá nhưng có lòng từ bi, nhiều tánh tốt, nhờ ơn đức cha mẹ, thầy tổ… nên Phật Trời thương mà ban lộc. Số tiền bán viên kim cương là cả một gia tài lúc bấy giờ, đủ để mua một căn nhà ba bốn phòng ngủ tại kinh đô ánh sáng. Về đến nhà lòng tôi cảm thấy lâng lâng, tự nhủ có lẽ nhờ mình theo học một bậc chân sư nên bây giờ được hưởng phước. Nhưng lúc đó những lời Thầy dạy bỗng văng vẳng bên tai làm tắt niềm hứng khởi. Rồi tôi lại tự bào chữa, rõ ràng mình không ăn cắp mà chẳng qua nhờ có ý tốt, tự nguyện lau dọn nhà cửa nên mới tình cờ nhặt được của rơi. 

Suốt một tháng sau đó tôi cứ bị dằn vặt bởi ý nghĩ không biết nên trả hay giữ? Nghĩ đến việc trả thấy cũng tiếc vì trong đời dễ gì có được một số tiền lớn như thế. Còn đang phân vân lưỡng lự, tôi tiếp tục đi đến cửa hiệu kim hoàn tại quảng trường Place Vendôme nổi tiếng thanh lịch, nơi những tay triệu phú và các ông vua dầu hỏa thường lui tới tìm mua nữ trang cho các mệnh phụ phu nhân. Nơi này xác nhận đây là viên kim cương đắt giá và nhìn tôi với vẻ nghi ngờ khiến tôi phải vội vã bỏ đi ngay. 

Tôi bèn hỏi ý kiến vài người bạn thân thiết, ai cũng bàn cứ giữ khiến tôi yên tâm nghĩ rằng việc mình làm không có gì sai quấy. Bạn bè đồn đại với nhau rồi tò mò kéo tới yêu cầu tôi cho xem viên kim cương khiến tôi bắt đầu hốt hoảng, e ngại viên ngọc quý này không khéo lại hại đến thân. Vì vậy tôi không lưu lại lâu đài nữa mà ra mướn khách sạn bên ngoài để đừng ai biết chỗ ở của mình. 

Khoảng một tuần lễ sau vợ chồng vị giáo sư trở về. Nghe nói tôi đang ở tại khách sạn, ông thầy cười nói đùa dạo này tôi tiền bạc rủng rỉnh lắm hay sao mà lại ra ở bên ngoài cho thêm tốn kém, mà sự sang trọng, tiện nghi của khách sạn lại chẳng thể hơn tòa lâu đài của ông bà.

Hôm đó tôi chờ cho ông bà ăn uống xong rồi mới lấy chiếc hộp bên trong có chiếc nhẫn kim cương đặt lên bàn. Bà vợ ngạc nhiên mở hộp, thoạt nhìn thấy chiếc nhẫn, bà tỏ vẻ rất sửng sốt rồi sau đó ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Thì ra đây là chiếc nhẫn gia bảo từ thời các vua Louis truyền lại trong dòng họ và cũng chính là chiếc nhẫn mà ông giáo sư đã trao cho vợ trong ngày cưới. Thế rồi sau đó chiếc nhẫn đột nhiên biến mất hồi nào không biết. Gia đình ông hầu như xáo tung cả ngôi nhà nhưng vẫn không tìm ra. Cả hai ông bà đều vô cùng buồn rầu, không chỉ vì giá trị vật chất của chiếc nhẫn mà quan trọng hơn đây là một kỷ niệm của dòng họ và là vật gia bảo truyền qua nhiều đời. Không ngờ chẳng biết vì lý do gì mà chiếc nhẫn lại nằm bên đống phân ngựa một cách bí ẩn như thế.

Kể từ ngày đó, mối quan hệ giữa thầy trò tôi thay đổi một cách đáng kể. Ông bà giáo sư coi tôi như một thành viên trong gia đình, thậm chí ông còn quyết định ghi tên tôi thừa hưởng một phần gia tài ngang bằng với ba người con của ông bà trong di chúc. 

Các con của giáo sư xưa nay vẫn tỏ ra quý mến tôi, nhưng kể từ lúc ấy thì nảy sinh vấn đề và thái độ của họ bắt đầu thay đổi. Tôi nhìn thấy rất rõ điều này nên cương quyết từ chối nhưng giáo sư không đổi ý. Thế là tôi bèn mời các con của ông cùng đến văn phòng luật sư, tôi ký giấy khước từ tất cả quyền lợi của mình được hưởng trong di chúc và nhường lại cho họ toàn quyền sử dụng. Các con của ông bà tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Tôi giải thích với họ rằng chẳng qua ông bà giáo sư có lòng quý mến nên làm như vậy, nhưng riêng tôi không bao giờ muốn nhận khoản tài sản ấy. 

Thời gian sau cả hai ông bà giáo sư đều tình nguyện nhờ tôi hướng dẫn học Phật pháp. Vậy là về kiến thức đời thường tôi là học trò của ông nhưng về mặt tâm linh ông lại là học trò của tôi. Thế rồi trong nhiều năm tiếp theo, giáo sư Durant chính là người tiếp tay tích cực nhất trong việc xây dựng ngôi chùa Việt Nam tại Ấn Độ. 

Trong công việc thì tất cả những vị trí, việc làm của tôi đều nhờ có sự can thiệp nhiệt tình của Thầy mà được thuận buồm xuôi gió. 

Ngoài những sự giúp đỡ lớn lao ấy, Thầy lại còn nài nỉ cho chùa mượn tiền nhiều lần, nhưng tôi luôn từ chối vì sợ chẳng may có điều gì rủi ro xảy đến cho mình thì lại không trả được nợ. Sau đó vì ông bà làm mặt giận nên có lần tôi đành phải hỏi mượn cho họ vui lòng rồi đem về cất kĩ. Nửa năm sau tôi mang toàn bộ số tiền đem trả lại. Không ngờ trước khi đưa tiền giáo sư đã cẩn thận ghi lại dãy số trên mỗi tờ giấy bạc thành ra tôi giấu đầu lòi đuôi và ông bà khám phá ra rằng tôi mượn tiền chỉ để họ vui lòng.

Thầy Durant quan tâm công việc của chùa Việt Nam chẳng khác gì việc của bản thân. Không chỉ giúp cho Việt Nam Phật Quốc Tự ở Ấn Độ, ông còn nhiều lần can thiệp với các vị chức sắc cao cấp trong chính phủ Nepal để hỗ trợ cho tôi trong việc xây dựng chùa Việt Nam tại Lumbini, ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần ở Nepal. 

Một kỷ niệm vui là có lần ông điện thoại cho vị đại sứ Pháp ở Nepal yêu cầu giúp đỡ tôi và ân cần giới thiệu tôi là thầy của ông. Thế là Tòa đại sứ Pháp tại Nepal chuẩn bị tiếp đón long trọng người thầy của vị đại giáo sư quý tộc Durant mà họ tưởng tượng phải là một nhân vật đường bệ. 

Hôm đó tôi từ ngôi chùa đang xây dựng đi thẳng tới Tòa đại sứ Pháp với bộ đồ làm việc đầy bụi bặm, quả thật trông không được tươm tất cho lắm. Đến nơi đã thấy viên bí thư thứ nhất của vị đại sứ túc trực chờ đón. Nhưng ông này không thèm để mắt đến anh chàng gầy gò, ốm yếu và rất tầm thường vì tưởng rằng tôi là một trong số những người đến đây chầu chực xin visa vào nước Pháp. 

Lúc ấy đã quá giờ hẹn nên viên bí thư có vẻ bồn chồn đi tới lui, tôi bèn tiến đến trước mặt ông và xưng danh. Việc này gây ra cho ông ta một sự bối rối mà ông cố gắng kiềm chế không để lộ ra vì lịch sự và xin lỗi tôi rối rít. 

Đến khi ông vào bên trong báo với viên đại sứ rồi trở ra mời tôi vào thì lại thêm một tình huống buồn cười khác. Đó là vị đại sứ khi thoáng nhìn thấy tôi đã quay qua hỏi cấp dưới của mình: 

- Anh có lầm không? Tôi đang chờ tiếp vị giáo sư của ngài Durant kia mà? 

Ông ta tưởng rằng tôi không biết tiếng Pháp nên không cần hạ giọng khi nói câu này. Phần tôi không lấy làm ngạc nhiên vì đây là cảnh tôi thường xuyên gặp phải, chẳng qua là do tôi ít chú trọng trau chuốt vẻ ngoài cho phù hợp với một vài chức danh mình đang mang. 

Trở lại mối quan hệ giữa giáo sư Durant và tôi, qua sự việc này tôi rút ra một kinh nghiệm quý báu. Rõ ràng nếu trước đây tôi giữ lại chiếc nhẫn kim cương để đổi lấy một căn nhà, thì chưa chắc nó còn tồn tại được đến ngày nay. Trong khi đó có thể nói toàn bộ các khoản tiền giáo sư đã giúp cho ngôi chùa Việt Nam sau này tính ra gấp mấy lần trị giá chiếc nhẫn kim cương trước đây. 

Tóm lại, nhờ luôn tâm niệm làm theo lời dạy của vị ân sư mà trong đời tôi đã thu lượm được nhiều kết quả vô cùng tốt đẹp. Tôi thường gọi đó là phép mầu mà mọi người đều có thể có được.

SĂN BẮN CHIM LINH THIÊNG BỊ TAI NẠN VÀ CHẾT THẢM KHỐC

Chuyện này kể lúc 10h30 từ chị Hòa bình, kể tại Việt Nam Phật Quốc Tự ngày 11/11/2010 lúc cùng phái đoàn uống trà ngắm mặt trời lặng.

Chùa Bái Đính là một trong quần thể chùa cũ và mới rất đẹp ở Ninh Bình do công ty Xuân Trường tái kiến thiết lại rất đẹp, nhờ vậy mà cảnh hùng vĩ núi non này được phát hiện và bảo vệ, nên chim chóc nhiều loại đã về đây trú ngụ, đặc biệt là loài chim quý hiếm là Hồng Hoàng mà nhiều người thường gọi là linh điểu. Loài chim này chỉ đến những chỗ nào linh thiêng, yên tĩnh mà ở. Việt Nam nhiều đời nay các cụ thường gọi loài chim này là các vị hay là các ông các cụ để tỏ sự cung kính đối với linh điểu.

Theo như anh Trường kể lại, loài chim này mỗi lúc đến một nhiều và chỉ xuất hiện khi có vị nào đức độ ghé thăm còn không các vị ẩn mặt. Việc xuất hiện nhiều loài chim đặc biệt này đã thu hút rất nhiều người yêu quý thiên nhiên, bảo tồn động vật quý hiếm, bên cạnh đó cũng đồng thời xuất hiện những con người thích săn bắn, sát hại chúng sanh. Sự giết hại loài chim đặc biệt này không phải vì đói kém mà đó là thú vui giải trí của loại người này. Họ cho rằng khi bắn được loài chim này thì được bạn bè khen cho đó là sự thành công của cuộc đời. Có rất nhiều người sau khi bắn chết chim, họ không đem về mà vứt luôn ở trong rừng gây ô nhiễm cho môi sinh, phát sinh bệnh tật cho các loài khác trong khu rừng và ảnh hưởng đến con người khi có việc đi vào rừng. Những con người thích săn bắn, sát hại loài linh điểu là những người có thế lực, uy quyền trong tay không ai dám khuyên can. Có người trong gia quyến của họ vì có lòng từ bi đề nghị đừng sát hại loài chim này nữa thì bị mắng nhiếc, chửi bới, đe doạ đủ điều, kể cả cắt đứt liên lạc với những ai dám khuyên can.

Tại khu rừng Bái Đính mặc dù đã có luật và nghị quyết của chính phủ cấm săn bắn động vật quý hiếm, nhưng vì những vị này giàu có lại có thế lực ô dù bao bọc nên không ai làm gì được. Trong đó có một vị bác sĩ nổi tiếng của địa phương cũng hợp tác với những con người có chức quyền vào rừng săn bắn các loài linh điểu Hồng Hoàng. Dân chúng trong làng rất bất bình nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ họ trả thù kết oán, chỉ biết than phiền trong im lặng. 

Không lâu sau đó bỗng có một tin kinh hoàng xảy ra. Có một vị bác sĩ trong đoàn săn bắn không biết do nguyên cớ gì từ trên lầu cao nhảy xuống đất chết một cách thảm thiết. Còn một người khác thì tự nhiên lấy súng bắn vào đầu tự tử. Hai người khác thì bị xe cán chết trên đường đi nhậu thịt rừng.

Câu chuyện trên hoàn toàn là sự thật vì nó xảy ra không lâu. Mọi người muốn rõ chi tiết có thể liên lạc với anh Trường ở Chùa Bái Đính và chị Hòa Bình ở Hà Nội để tìm hiểu thêm.

NHỮNG CÂU CHUYỆN KỂ VỀ NHÂN QUẢ 

DÙNG SÚNG BẮN VÀO CHÙA

Chuyện này do anh Nguyên, phó viện trưởng đại học Tây Nguyên và Đại Học Tổng Hợp kể tại sân thượng Việt Nam Phật Quốc Tự - India, khi đoàn đang uống trà vào lúc 16 giờ 30 ngày 12 tháng 11 năm 2010.

Vào những năm 1977-1978 Tây Nguyên vẫn chưa yên hẳn vì mặt trận Fulro và 1 số lính cách mạng vẫn còn đang hoạt động. Sau thời kỳ chiến tranh một số lính đi tuần, mỗi khi đi ngang qua chùa miếu là các anh hay xả đạn bắn bừa vào chùa chiền nơi linh thiêng, một phần là do thú vui, một phần vì sợ có kẻ núp trong đó. Một số sĩ quan chỉ huy có tâm khuyên không nên bắn súng vào những nơi linh thiêng tâm linh đó, khi được khuyên thì các chú lính trẻ cũng dạ dạ vâng vâng… nhưng khi không có các cấp trên đi chung thì họ vẫn xả súng bắn vào chùa, miếu, bắn rồi cười đùa rồi cho đó là chỗ thờ Phật, Trời mê tín dị đoan.

Sau khi mặt trận Fulro ở Tây Nguyên hoàn toàn tan rã, các chú lính này được trở về đời sống thường dân, một số thì được thăng chức, một số thì được cử vào các công sở ban ngành khác. Khoảng 10 năm sau, anh Nguyên nhớ lại những đồng đội, anh đến thăm họ. Than ôi, từng người lần lượt đã chết trong những tai nạn thảm thiết không sao ngờ đến được, nhắc đến rất đau lòng. Ông bà xưa đã dạy nhân nào quả đó, gieo gió thì gặp bão.

PHÁ ĐÌNH CHÙA MIỄU BỊ CHẾT THÊ THẢM

Câu chuyện này được kể vào lúc cùng đoàn các nước uống trà ngắm hoàng hôn tại Việt nam Phật Quốc Tự - India vào lúc 10 giờ ngày 12 tháng 11 năm 2010.

Anh Hùng sinh ra và lớn lên tại Hà nội, anh đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử nơi đất Thăng Long nghìn năm này. Sau khi Hà Nội được giải phóng, một số người đã hiên ngang đập phá chùa chiền, những nơi tôn nghiêm thờ phượng, họ còn chiếm luôn đất chùa làm của riêng. Rồi năm tháng trôi qua, anh Hùng đã quan sát thật kĩ những con người một thời đã từng tham gia đập phá chùa chiền, tất cả điều bị chết trong những tai nạn thật khủng khiếp. Tai nạn xảy ra hết sức lạ lùng mà mọi người không ngờ là như vậy. 

Như có người đi qua cầu thì bị gãy, rồi bị cây nhọn đâm chết giống như cá bị đâm để nướng. Cây cầu này hằng ngày có hàng trăm người qua lại mà chẳng có ai bị chết, chỉ có anh này đi qua thì lại xảy ra tai nạn kinh hoàng như vậy.

Còn những người chiếm đất chùa đem bán cho kẻ khác kiếm được rất nhiều tiền cuộc sống trở nên giàu có phong lưu thì một ngày kia như thường lệ họ đi tập thể dục, bách bộ trên hè phố, không biết vì lí do gì có một chiếc xe tải mất tay lái lao lên trên hè phố cán chết 2 ông bà đứt cả đầu, nhưng thân thể vẫn còn nguyên vẹn không bị gì hết. Gia đình này lại phải gánh chịu thêm một bi kịch nữa, tang lễ bố mẹ chưa xong thì con cái của ông bà này vì tranh giành của cải tài sản mà đánh nhau dữ dội khi quan tài chưa được an táng. Những người dân ở gần nhà thì cho rằng họ phải trả quả báo trong đời này không cần đến đời sau vì gây quá nhiều nghiệp quả, nhất là việc đi chiếm đất chùa rồi bán.

TRẢ NGHIỆP SÁT SANH 

(Lời kể của Ni Sư Giác Liên, Trụ trì chù Phước Hải, Vĩnh Long)

Năm 1958, có cậu Hiếu bị tật bẩm sinh, mặt đưa ra phía sau lưng, đầu lắc lư, tay chân cong quẹo không đi được, bò lết tại chợ Trà Vinh ăn xin. Lạ một điều là ngày nào cậu cũng khóc la: Bà con ơi, đừng sát sanh! Tôi là con bò nè …! Người ta giết tôi, dòng họ tôi chết hết rồi … Tiếng khóc của cậu rống lên như bò bị thọc huyết.

Rất nhiều người biết lai lịch của cậu Hiếu. Ông nội của cậu ở Ba-si, Ba-xe thuộc tỉnh Trà Vinh chuyên nghề làm thịt bò bán ở chợ, giàu có dư ăn. Có một ngày ông cột con bò cái định khuya làm thịt, mai bán chợ sáng. Ngay đêm hôm đó ông mơ màng thấy người đàn bà đến khóc nói: xin ông đừng giết tôi, để tôi sinh con rồi ông hãy giết.

Đêm ấy ông thấy hiện tượng ấy 3 lần, ông nói cùng vợ. Bà khuyên ông không nên làm thịt con bò này, nhưng ông không nghe. Khuya hôm đó, như thường lệ, ông đập đầu con bò. Con bò này la lớn hơn những con bò trước, nó chống cự, giãy giụa đến đứt dây thừng, và đến khi gần chết, đầu nó cứ mãi lắc lư.

Cũng ngay đêm hôm đó, con dâu ông sinh đứa cháu nội trai dị tật: sứt môi, mắt lộ, đầu quay ra sau lưng, chân lại ở trước. Ông lo chạy chữa thuốc thang cho cháu tốn hao cả tài sản vẫn không hết. về phần gia đình ông thì cả nhà mang trọng bệnh kỳ lạ, sau đó chết hết. Tôi nghiệp đứa bé chỉ mới mười tuổi dị tật phải đi ăn xin, đầu cứ lắc lư, không quên tự xưng mình là Bò.

ÂM MƯU CHIẾM DỤNG TÀI SẢN CỦA NGƯỜI

( Lời kể của Ni Sư Giác Liên, Trụ trì chù Phước Hải, Vĩnh Long)

Ông Bảy là người giàu có ở Trà ôn. Đất của ông cò bay thẳng cánh. Ông góa vợ từ lâu, thường ra chợ Trà Ôn, kết thân cùng ông Tỷ bán tạp hóa. Ông Bảy thích vợ ông Tỷ, ông Tỷ biết ý ông Bảy nên bàn với vợ : “Ông Bảy đã 80 tuổi rồi, chẳng sống bao lâu, nếu em là vợ của ông ấy, khi ông ta chết, tất cả tài sàn của ổng sẽ là của em…”

Lúc đầu vợ ông Tỷ không thuận, nhưng vì chồng thiếu nợ ông Bảy quá nhiều, nên bà quyết định tạm xa chồng con một thời gian … để thực hiện mưu này.

Ông bà Tỷ đã thỏa thuận xong, sau đó lập mưu kế ra tòa ly dị. Tòa xử Bà Tỷ được chia gia tài là tiệm tạp hóa và có trách nhiệm nuôi con. Ông Tỷ thì được số tiền lớn và có cuộc đời tự do. 

Như mưu kế đã lập, sau khi ly dị ông Tỷ, bà Tỷ được ông bảy cưới chính thức làm vợ. Đám cưới tổ chức rất linh đình, đãi tiệc suốt ba ngày ba đêm, lớn nhất Trà Ôn. Mời cả chính quyền địa phương tham dự. Bà con hàng xóm đi xem đám cưới rất đông, vì người đàn bà tái giá đặc biệt chỉ 40 tuổi lấy ông chồng giàu 80 tuổi. 

Cưới được vợ, Ông Bảy phấn khởi hủy luôn số tiền mà ông Tỷ nợ trước kia. Bà Tỷ còn nói với ông Bảy là trả lại tiệm tạp hóa cho ông Tỷ để ông nuôi con, Bà có tự do hạnh phúc với ông Bảy.

Bảy ngày sau, thật không ngờ, bà Tỷ trúng gió chết. Mới đám cưới tiếp tục đám tang.

Tang lễ cho bà Tỷ xong, ông Bảy bắt đầu kiện ông Tỷ để lấy lại tiệm tạp hóa, vì ông Bảy bây giờ là chồng chính thức trên danh nghĩa của bà Tỷ. Tòa xử ông Bảy thắng kiện. Ông Bảy đến đến chợ Trà Ôn lấy lại tiệm tạp hóa, đuổi ông Tỷ ra ngoài!

Ông Tỷ mưu khá sâu nào ngờ sự việc đảo ngược, khí uất trào dâng, mất vợ mất luôn cửa tiệm, cha con lang thang khổ sở không có mái nhà che thân. Ông loạn tâm thần, lâu lâu lại đến đạp cửa tiệm tạp hóa và miệng nói nhảm mãi câu chuyện cùng vợ mưu tính của mình. Ông Tỷ cười khóc trong cơn điên loạn, và xin ăn tại chợ Trà Ôn cho đến khi chết. Câu chuyện quả báo này, vẫn còn được nhắc đi nhắc lại tại địa phương cho đến ngày nay.

SƯU TẬP DA THỊT …

(Truyện này do chị Nga kể lại tại sân thượng VNPQT vào ngày 12/11/2010)

Chị làm việc trong một bệnh viện ở Hà Nội. Chị nhớ rất rõ, có một vị bác sĩ T. rất nổi tiếng, vị bác sĩ này chuyên ghép da mặt người này sang người khác rất thành công. Ông hay có thói quen là rất thích đi lột da của các trẻ sơ sinh đã chết hoặc những người đã chết. Ông tẩm thuốc rồi đem vào phòng lạnh để khi nào có người cần thì ông ghép, nhưng phải trả cho ông một số tiền hậu hĩnh, nhờ vậy ông có rất nhiều tiền và nhiều người biết đến không những ở Việt Nam mà nổi tiếng khắp nơi trên thế giới.

Gia đình ông sống rất hạnh phúc. Ông có được 1 đứa con gái vừa đẹp lại thông minh cũng nổi tiếng ở Hà Nội. Lúc Cô bé mới 13 tuổi chưa biết yêu là gì vậy mà không biết bao nhiêu chàng trai lớn nhỏ săn đuổi, tán tỉnh và chọc ghẹo. Một hôm trên đường đi học về nhà, cô bị một đám thanh thiếu niên chặn đường trêu ghẹo. Cô hốt hoảng định bỏ chạy thì trong đám có một thanh niên tạt vào mặt cô một chai axit, cô đau đớn bỏ luôn tập sách ngoài đường chạy khắp nơi trong làng kêu cứu. Dân làng nghe tiếng cầu cứu vội chạy tới xem thì bọn thanh thiếu niên kia đã trốn đi đâu hết. Thấy vậy bà con dân làng gọi xe đưa cô bé đến bệnh viện cấp cứu. Vào phòng cấp cứu các y tá, nhân viên làm trong bệnh viện mới phát hiện đó là đứa con gái duy nhất của vị bác sĩ T. đang nổi tiếng ở Hà Nội, cho nên tất cả nhân viên bác sĩ chăm sóc cô bé rất tận tình, sau đó thì gọi điện báo tin cho vị bác sĩ đó biết. Khi ông đến nơi, thấy con gái mình bị phỏng quá nặng ông chết lặng cả người, lập tức ông đưa con mình vào phòng đặc biệt, đem những tấm da tốt nhất mà ông gìn giữ từ lâu để ghép cho con gái mình. Việc cấy ghép không thành công lắm vì có chỗ ghép được còn có chỗ không thành, thế là ông đưa con gái mình đến những bệnh viện Âu Mỹ để chữa trị, mất rất nhiều thời gian và tiền của, nhưng con gái ông không thể bình phục được như xưa, nhất là tinh thần, cô bé sống trong nỗi sợ hãi, lo âu, trầm mặc. Hằng ngày cô bé phải gánh chịu từng cơn đau đớn do những nơi cấy ghép da mới mà không biết là da của ai thay vào. Có thể nói đó là một tai nạn to lớn đã đến với vị bác sĩ nổi tiếng ấy.

6 NGƯỜI CON GÁI CỦA VỊ LÃNH ĐẠO TÔN GIÁO LÀM NGHỀ BÁN MÌNH

(Chuyện này do cô Diệu An ở Pháp kể lại, nhân dịp phái đoàn tu tập ở Việt Nam Phật Quốc Tự - India từ ngày 01/11 đến 01/12/2010. Cô kể vào lúc 13h ngày 06/11/2010 tại VNPQT.)

Sau ngày 30/04/1975 gần nhà cô Diệu An ở Phú Nhuận Sài Gòn, có Một gia đình sống kín đáo nhưng họ rất phong lưu. Gia đình có sáu người con gái đều đẹp và học giỏi. Sáu cô học một ngôi trường mà trước ngày 30/04/1975 chỉ có những người giàu có mới đủ điều kiện gửi con mình vào học, vì học phí rất cao, học phí đối với một học sinh còn cao hơn một viên chức hạng trung bình. Có thể nói gia đình họ phải có một gia tài lớn lắm ! 

Vào thời đó trai gái được đi học trường Tây nằm ngay trung tâm Sài Gòn có thể xem là người giàu có và có đạo đức. Những trường này nổi tiếng về cách đào tạo giáo dục khá kỹ lưỡng và chu đáo được chính phủ Pháp tài trợ từ lớp 1 đến 12, sau khi học sinh học xong trường này ra tìm việc rất dễ dàng vì các công ty luôn săn đón và mức lương cũng khá cao, còn học sinh nào học xong muốn tiếp tục con đường học tập thì đi ra nước ngoài học cao hơn. Phần lớn những người du học đều thành công tốt đẹp, chứ ít có ai học xong các trường này ra mà thất nghiệp cả. Học xong trường này bằng cấp rất có giá trị ở các nước Tây phương cũng như tương đương với bằng cấp của nước Pháp mà không cần phải thi lại.

Trở lại câu chuyện 6 người con gái gần nhà cô Diệu An. Khi cha các cô bị phát hiện là linh mục của nhà thờ ở Biên hòa Đồng Nai. Sự việc đó có một thời gian gây chấn động ầm ĩ ở Sài Gòn và vùng Biên Hòa, các con chiêng trong Đạo đã quyết liệt tố cáo và đòi trục xuất vị linh mục đó. Thế rồi nhờ sự khéo léo của giáo hội và tòa thánh, lần lần câu chuyện ấy cũng trôi vào lãng quên, 6 cô con gái chỉ sống với mẹ mà không thấy mặt cha, từ đó mọi người càng chú ý đến 6 cô hơn. Mỗi ngày mỗi cô càng lớn thì càng xinh đẹp hơn, cho nên thu hút rất nhiều chàng trai…Nhưng rồi mọi người trong xóm đều bàng hoàng kinh ngạc khi biết 6 cô này đều làm nghề bán mình hay người dân quê thường gọi là làm đĩ mà xã hội Việt Nam bao đời rất khinh khi. Câu chuyện thương tâm này mỗi ngày mỗi lan rộng và mọi người cứ bâng khuâng tự hỏi, với trình độ, trí thức như vậy thì nguyên nhân nào thúc đẩy 6 cô gái đi vào con đường mà chẳng ai muốn vào. Có phải đây là định luật nhân quả cha mẹ làm các con phải gánh chịu?

PHÍ PHẠM ĐỒ ĂN TRẢ NGHIỆP CHẾT ĐÓI

Chuyện này do chị Lê Thị Hoa trong phái đoàn của Úc kể lại. Đây là chuyện có thật xảy ra ngay trongchính gia đình chị. Những kỉ niệm từ khi chị mới 4 tuổi cho tới nay chị nhớ rất rõ mặc dù đã gần 50 năm trôi qua, nhưng sự thật về những câu chuyện nhân quả xảy ra trong gia đình chị thì không bao giờ phai nhạt. Chị kể lại mà thỉnh thoảng ngưng lại vì đôi dòng nước mắt cứ tuôn chảy, có lẽ vì những nghiệp báo thương tâm xảy ra trong gia đình chị năm xưa.

Nhà chị có 6 anh em, 2 trai , 4 gái. Gia đình vừa đủ sống không thiếu thốn chi hết. Ba chị thường đi làm về trễ, nhiều lúc ba chị bị bạn bè rủ đi nhậu tới khuya mới về, thế là đồ ăn do má chị để lại cho ba hôm sau đều bị ôi thiu, vì thời đó nhà chị chưa có tủ lạnh nên đồ ăn không thể để lâu được. Mỗi khi đồ ăn để lại bị ôi thiu má chị phải đem đi đổ với vẻ mặt buồn phiền, khi đổ má chị thường kêu lên “trời ơi…trời ơi” rồi đổ. Cử chỉ hành động này kéo dài nhiều năm nhiều tháng. Sau khi chị lớn lên thì gia đình ly tán, ba thì đi lấy vợ khác có thêm 7 người con, cuộc sống với má mới và 7 người con vô cùng vất vả, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, đời sống nghèo đói hiện ra rất rõ ràng trên từng khuôn mặt mỗi người trong gia đình. Lúc đó, chị mới 19 tuổi mà phải bước chân vào đời làm thuê, làm mướn để kiếm sống, dành dụm được chút ít nhưng thấy hoàn cảnh của ba thiếu thốn trăm bề nên chị cầm lòng không đặng, dù không có nhiều tiền nhưng chị vẫn âm thầm giúp đỡ ba, nhưng phải thật khéo léo vì sợ dì và mấy đứa con làm khó Ba. Mỗi tuần chị đều mua thịt, gạo đến cho Ba, lần nào đến thăm chị đều cho ba chị 20 đồng, má mới 30 đồng để dì khỏi phân bì. Nhưng khi Dì quay mặt đi thì chị nhanh tay nhét vào túi ba thêm 50 đồng nữa, phòng hờ khi Dì có lấy của Ba 20 đồng thì Ba vẫn còn 50 đồng mà xài. Thỉnh thoảng các anh em than đói nhà không còn gạo, thế là chị phải sang nhà bên mượn đỡ để anh em sống tạm qua ngày. Cuộc sống túng thiếu của gia đình ba chị mỗi ngày trầm trọng hơn không thấy dấu hiệu khá lên. Một hôm chị đến thăm ba thì thấy ba đang nhai các mắt mía của người ta bỏ. Chị hỏi tại sao ba lại ăn những thứ này? Ba chị đáp ăn để sạch miệng. Sau này chị mới biết vì quá nghèo đói nên ăn mắt mía mà sống qua ngày. Cuối cùng ba chị chết trong cảnh nghèo đói thật đau khổ! 

Má chị thường nói có lẽ lúc trước đồ ăn để cho ba mày ổng không ăn làm cho ôi thiu rồi đổ đi cho nên bây giờ phải trả quả báo chết trong sự nghèo đói. Chị kể tới đây thì khóc sụt sùi trong khi xe đang chở phái đoàn trên những đoạn đường gồ ghề của xứ Ấn. Chị nói thêm về người anh thứ 2 của chị cũng bị nghèo đói, bệnh tật chết trong nỗi cô đơn vì tính bỏn xẻn với chính gia đình và các người khác. Anh thứ 2 rất thông minh, bặt thiệp khó ai trong gia đình chị sánh bằng. Sau khi lập gia đình, anh làm ăn rất khá, tiền của dư dả xây cất nhà cửa khang trang 5, 6 lầu. Tiền bạc vô như nước thế mà anh chưa bao giờ giúp đỡ ba má hay anh em trong gia đình dù đang gặp khó khăn, không ai có thể ăn được của anh dù 1 đồng. Anh chỉ biết gom góp của người khác cho mình và gia đình anh, anh không cần quan tâm đến đau khổ của ai cả. Tuy anh rất giàu có, nhưng cái gì có lợi thì anh tìm cách đưa về cho gia đình Anh, dù đó là anh em ruột hay bất cứ người nào khác, không bao giờ anh biết giúp đỡ dù chuyện nhỏ nhặt. Đối với mọi người anh đối xử rất tệ hại. Càng kể chị càng thấy đau lòng cho 1 con người đặc biệt này.

Ngay khi ba chị chết anh tự động đến trại hòm và tự đặt mua hòm loại tốt nhất, đẹp nhất để về lịm ba nhưng anh lại bắt chị trả tiền. Chị không đồng ý và chỉ lấy loại hòm hạng nhì, chị chấp nhận trả tiền. Đến khi làm đám cho ba, anh gọi thợ chụp hình đến để chụp ảnh cũng nói chị trả tiền. Lần này chị không trả thì anh lại có cử chỉ hành động không hay. Những năm 1978 tình hình kinh tế đất nước Việt nam còn nhiều khó khăn, mặc dù thời điểm ấy anh rất giàu, tiền của dư thừa nhưng anh không bao giờ giúp đỡ ai kể cả anh em trong gia đình mình. Sau khi chị vượt biên sang nước Úc vật lộn với cuộc sống đất khách quê người không ai thân quyến, suốt 25 năm sống ở xứ người, đời sống từ từ ổn định. Khi chị trở về lại Việt nam sau 25 năm xa cách, nhìn đất nước đổi thay chị thấy lòng vui vui. Những con người trước kia rất nghèo thì nay đã trở nên giàu có cuộc sống ổn định ấm no.Nhưng người anh thứ 2 của chị năm xưa giàu có thì nay lại trở thành một người không mái nhà che thân vì nhà cửa tiền bạc của anh đã bị vợ anh cướp đoạt và đuổi anh ra khỏi nhà.

Chị về tìm những người thân năm xưa, tìm nhiều nơi hỏi nhiều người mới biết anh thứ 2 đang nằm nhà thương vì bị bệnh lao thời kì thứ 3. Gặp được mặt chị anh khóc nức nở như một đứa trẻ con mất mẹ. Anh nói với chị bây giờ anh mới thấy quả báo của đời người, đúng là quả báo nhãn tiền xảy ra ngay trong gia đình anh.

ĂN HIẾP VÀ CƯỚP CỦA HÀNG XÓM

Có một gia đình khá đặc biệt dữ tợn gần nhà chị, không thấy mặt mũi chồng bà đâu cả chỉ biết bà có 2 gái, 5 trai, đứa nào cũng ngang ngược hung dữ như bà. Chị còn nhớ khi còn rất nhỏ chị đang làm con cá thì bà đi ngang mắng con gái gì mà không biết làm cá, đồ hư quá…Chị rất ngạc nhiên, tự nhiên bị bà này mắng chửi vô cớ. Ở trong xóm người nào cũng bị bà bắt nạt, la mắng. Ai cãi lại thì bà cùng mấy đứa con hung dữ kéo tới hành hung, chửi bới, quấy rầy, kể cả đe dọạ với nhiều hình thức khác nhau. Chị đã chứng kiến nhiều lần bà và đám con bà đã dùng dao, mã tấu kiếm người khác mà gây sự. Phần lớn mọi người điều muốn có cuộc sống bình yên, kiếm cơm lo cho gia đình nên cắn răng nhẫn nhịn với hành động ngang ngược thô bạo của bà. Nếu sống độc thân không có gia đình thì mọi người đã lên tiếng và phản kháng lại với bà và mấy đứa con rồi. Lúc đó chị nghĩ bà này và mấy đứa con có ngày cũng lãnh quả báo cho sự ngang tàng hung dữ của mình.

Chị nhớ rất rõ mấy người chở củi từ miền Tây lên đậu gần nhà bà, bán xong phải trả tiền cho bà và mấy đứa con, những người mua củi cũng phải trả như vậy, bà gọi đó là tiền hoa hồng. Người bán người mua cũng phải trả tiền hoa hồng cho bà vì bà đã đút lót tiền bạc cho công an, cảnh sát, chính quyền địa phương nên bà và mấy đứa con tự tung tự tác lộng quyền như vậy. Sự lộng hành của bà chỉ được 6 năm thì bà qua đời, nguyên nhân cái chết cũng thê thảm không được bình thường. Thế là sau cái chết của bà, những thảm kịch lại từ từ xảy ra trong gia đình của bà sau năm 1975. Mọi người vượt biên, bà tìm cách chiếm đoạt đất đai nhà cửa để giành cho con út bà ở, còn nhà chính thì bà cho con thứ 2 bà ở, mấy đứa còn lại thì có vợ con đùm đề phải ở nhà thuê. Thế là mấy đứa kia hợp lại yêu cầu 2 thằng kia phải bán 2 căn nhà để chia tài sản nếu không bán bọn nó sẽ cầm dao mã tấu tới xử lý. Còn mấy đứa dâu và con cháu thì đem bà ra nguyền rủa, sao bà có thể phân chia không đồng đều công bằng như vậy…Thằng út là khôn lanh nhất nó tìm cách bán căn nhà rồi chờ nửa đêm nọ nó dẫn vợ con trốn đi nơi khác sinh sống nên không bắt nó phân chia tài sản được. Chỉ còn thằng thứ 2 nên mấy thằng kia tập trung bắt nó phải bán ngay không để nó trốn đi như thằng út được. Ba đứa qua nhà hàng xóm nhờ đến làm chứng là căn nhà kia là tài sản chung của gia đình họ, nhưng trong xóm không 1 ai dám đứng ra làm chứng vì sợ liên lụy trả thù, trả oán. 

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, thằng thứ 2 cũng tìm cách đúc lót chính quyền và cũng bán được căn nhà rồi cùng vợ con trốn đi biền biệt không ai biết tin tức. Mấy đứa còn lại không lấy được đồng nào từ 2 căn nhà đó nên cùng nhau chửi bởi nguyền rủa bà không lời nào tả xiết. Thời gian trôi đi đời sống của họ càng ngày càng túng thiếu đói khổ, và cuối cùng con cháu của bà có đứa phải mang tù tội, bị giam cầm, gia đình tan nát, có đứa thì bị tai nạn giao thông, rồi lại tật nguyền. 

Đó là quả báo hiện tiền ngay trong thời hiện tại mà chị đã chứng kiến theo dõi gần 12 năm.

HỐT VÀO MÀ KHÔNG CHO RA

Sau đây là câu chuyện sự thật 100 phần trăm xảy ra ở tu viện miền Trung Việt nam, được một người tin nhân quả và tin Phật kể lại.

Có một ni sư lớn tuổi, cũng có thể gọi là sư Bà. Sư Bà tu khá lâu nên được mọi người biết và ngưỡng mộ. Sư Bà này rất tự hào là mình dòng dõi vua chúa, tôn thất, tôn tằng tôn nữ… Bà rất bặt thiệp thông minh, cho rằng mình học cao hiểu rộng hơn mọi người. Bà được mọi người cung phụng hầu hạ nên được rất nhiều người biếu tặng thức ăn và những đồ cao cấp. Ai biếu tặng bao nhiêu bà cũng nhận và đem cất vào phòng làm của riêng, chưa bao giờ bà cho chúng trong chùa một hộp sữa, một chai nước tương hay một hũ chao… Thỉnh thoảng bà gọi con cháu đến chơi và đưa đồ người ta biếu Bà và kêu đem về nhà. Lấy hoài mấy đứa cháu Bà cũng ngại nên người nhà và con cháu chỉ lâu lâu mới ghé thăm thôi. Một điều nữa vô cùng quan trọng, bà đợi đến trưa mọi người không ai để ý, bà nhờ người kêu mấy người thương nhân ở dưới chợ lên để bán những đồ biếu tặng. Có người ngại đồ cúng của chùa nên không mua hoặc từ chối. Nhưng cũng có một số người vẫn mua vì giá quá rẻ. Bà có đủ loại đồ cao cấp như sữa Ensure do nước ngoài sản xuất dành cho người già giá trên 200.000 đồng, vậy mà bà chỉ bán vài chục ngàn một lon lấy tiền để dành. Mỗi bữa ăn bà được thị giả bưng vào phòng riêng một mâm thức ăn đầy đủ, vậy mà ngày nào bà cũng chạy ra phòng ăn của đại chúng lấy thêm thức ăn. Mọi người đều thấy ngạc nhiên nhưng không ai dám nói vì sợ bị sư bà trừng phạt. Sự việc kéo dài khá nhiều năm ngày nào cũng vậy, đồ ăn do chị hậu cần đem lên ăn không hết để thừa, nhưng ngày nào bà cũng phải lấy thêm. Ăn không hết bà đem phơi khô để dành. Nhiều quá hôi thúi không có chỗ để, lâu lâu bà đem ra thùng rác đổ. Việc này có rất nhiều người tận mắt chứng kiến, nhưng không ai dám nói. Tuy được chăm sóc rất chu đáo, quà người ta biếu cũng khá nhiều, nhưng tình hình sức khỏe của sư bà ngày càng yếu đi, đúng là hốt vào nhiều mà không chịu cho ra nên trái với quy luật tự nhiên hay có thể nói là quả báo .

Nhiều đệ tử thân thích thấy bà ốm quá sức khỏe không tốt nên gửi tiền thêm cho chị nấu bếp để làm thêm vài món đặc biệt để Sư Bà ăn có sức khỏe. Không bao lâu, việc đó sư bà phát hiện, vì mỗi bữa ăn có những món lạ. Bà cho người gọi chị nhà bếp lên hỏi mới biết những món đó chỉ nấu riêng cho Sư bà dùng. Bà đề nghị chị nhà bếp không được nấu nữa, vì Sư Bà sợ phải trả thêm khoản tiền. Hiểu ý nên chị nhà bếp thưa Sư Bà yên tâm, tất cả các món nấu cho Sư Bà đã có người tài trợ. Nhưng bà vẫn không chịu, vì Sư Bà nghi ngại sợ phải trả thêm tiền. Không biết vì sao tiền của thì nhiều nhưng sức khỏe của Bà ngày một yếu đi, bà không bao giờ chia sẻ hay giúp đỡ kẻ khác dù là ai, trừ dòng họ bà con thân yêu của Sư bà mà thôi.

Câu chuyện hốt vào mà không cho ra còn nhiều đoạn hấp dẫn, có dịp có thêm tin tức xác thực, chúng tôi sẽ kể tiếp vì cuộc đời của Sư Bà chưa kết thúc.

VIỆC LÀNH DẪN ĐẾN DUYÊN LÀNH

Thời kỳ sau khi tôi tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, một sự việc đặc biệt xảy ra đã tác động đáng kể đến cuộc đời của tôi sau này. 

Lúc bấy giờ do nhớ đến công ơn vị ân sư, tôi mong ước mời thầy Hoằng Nhơn đi một chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Hai hãng máy bay Panam của Mỹ và Qantas của Úc có chương trình hợp tác tổ chức tour cho khách đi du lịch vòng quanh thế giới với ghế ngồi hạng nhất, mỗi chặng dừng chân đều có xe Mercedes hoặc Rolls Royce đón tận phi trường đưa về ở tại khách sạn 5 sao. Tất cả chi phí chuyến đi bao gồm cả ăn uống và di chuyển vào khoảng hơn 21 ngàn đô la Mỹ, cách đây gần 30 năm đó là một khoản tiền khá lớn.

Thế nhưng không ngờ Thầy tôi biên thư từ chối mà nói rằng:

- “Thầy rất cảm động trước lòng tốt của con, nhưng thật ra Thầy đã có dịp đi nhiều nơi trong nhiều đời rồi. Nếu quả con thương Thầy thì hãy dùng số tiền đó giúp đỡ chúng sanh, như vậy là đã trả ơn cho Thầy”. 

Đọc thư Thầy tôi xúc động chảy nước mắt. Những năm ấy đất nước mới hòa bình nên còn rất nhiều khó khăn. Tôi hỏi thăm Thầy cách thức gửi quà cáp, thuốc men về nước nhưng Thầy từ chối tất cả và còn yêu cầu tuyệt đối không được gửi. Thầy nhắc lại lời dạy trước đây: “Nếu thương quý Thầy nên làm những việc tốt giúp đời và tuyệt đối tránh không làm điều sai quấy”. 

Xúc cảm trước tấm gương của Thầy, tôi phát tâm nguyện rằng từ đây cho đến cuối đời, hễ mỗi khi hướng dẫn bất kỳ ai tu tập, học hỏi về giáo lý, thiền định, nói chung tất cả những vấn đề về tâm linh tôi tuyệt đối không nhận tiền. 

Người Âu Mỹ vốn rất sòng phẳng, mỗi khi theo học về giáo pháp họ đều đề nghị trả công đầy đủ, thậm chí hậu hĩ. Nhưng sau khi phát tâm nguyện làm theo lời dạy của ân sư, tôi từ chối không nhận thù lao như trước nữa. Điều này khiến những người theo học tôi rất ngạc nhiên, khi nghe tôi giải thích ngọn nguồn thì họ đều xúc động.

Tại Âu Mỹ rất nhiều người giàu có đồng thời cũng không ít những người mang trong lòng niềm đau khổ vô biên. Đây là một tâm trạng khá phổ biến trong xã hội văn minh tiến bộ ngày nay. Căn bệnh tinh thần này không thuốc gì chữa khỏi nên mọi người thường hướng đến niềm tin tâm linh để tìm sự giải thoát. 

Tôi may mắn được ân sư truyền dạy bí quyết giữ cho mình luôn sống một cách an lạc, vì vậy rất nhiều người đến xin thọ giáo phương pháp tu tập tìm sự bình yên trong tâm hồn. Thật ra chẳng qua họ là những người đang vác tảng đá nặng trên vai đi trong cuộc đời, nếu biết cách vứt bỏ sẽ thấy nhẹ nhàng hơn nhiều. Thế nhưng muốn vậy cũng phải làm cách nào cho đúng, chứ nếu loay hoay để cho tảng đá rơi ngay chân mình chỉ càng thêm thương tật mà thôi. 

Tâm những người ấy tựa như một tấm kính bao nhiêu năm trời bị lớp bụi vô minh che lấp, nay tôi chỉ cần hướng dẫn họ cách thức dùng khăn lau sạch để lộ ra bản lai diện mục sáng ngời bên trong thì mọi đau khổ sẽ chấm dứt. 

Trước đây nhiều người đặt mục đích sống ở đời là tìm cách kiếm cho được nhiều tiền, hoặc lao vào con đường danh vọng với những bậc thang phải trèo lên mãi mà không có điểm dừng. Nay một khi tâm đã thức tỉnh, họ quán chiếu mọi sự và nhận ra những thứ ấy chẳng qua chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích trong cuộc sống. Từ đó mà tìm lại được sự bình an trong tâm hồn. 

Một số anh em kiên trì thực tập và đạt được thành công. Vui mừng về kết quả đạt được, nhiều người ngỏ ý muốn đền ơn bằng tiền bạc nhưng tôi một mực từ chối. Là một người tầm thường như bao nhiêu người khác, nên tôi không phải không có những lúc yếu lòng. Có những thời kỳ lâm vào cảnh túng bấn, gặp đúng dịp các môn sinh gửi biếu năm mười ngàn đô la, một khoản tiền hoàn toàn không nhỏ khiến đôi khi tôi cũng băn khoăn. Nhưng đó chỉ là một cảm giác thoáng qua và tôi mong mỏi giữ được lời hứa của mình cho đến khi nhắm mắt lìa đời.

(Ngay cả mỗi khi về nước hễ nơi nào mời đến nói chuyện về tâm linh tôi luôn sẵn sàng và không bao giờ nhận tiền. Nhưng nơi nào đề nghị trao đổi về kinh nghiệm trong việc kinh doanh hay giao tiếp quốc tế đều phải trả công cho tôi sòng phẳng tương xứng với công sức lao động bỏ ra). 

Năm này qua năm khác, hễ bất kỳ nơi nào cần hướng dẫn tu tập tôi đều không nề hà vì nghĩ rằng mình chỉ bỏ ít thì giờ mà có thể giúp được nhiều người thoát khỏi đau khổ. Cứ thế mà tôi đi khắp nơi từ Mỹ, Úc, Anh, Ý, Hòa Lan, Thụy Sĩ, kể cả Mêhicô, Argentina, qua cả châu Phi như Côte d’Ivoire, Zair, Nam Phi… Gặp những tháng hè rảnh rỗi tôi chịu khó bỏ hết công việc giúp cho anh em. Họ lo vé máy bay và việc ăn ở cho tôi, nhưng thật ra nơi nào không có điều kiện tôi vẫn có thể tự túc được. 

Trở lại với các anh em mà tôi từng hướng dẫn sang đất Phật trước đây, liên tiếp mấy năm sau nhóm chúng tôi đều tổ chức đi sang Ấn Độ và Nepal để hành hương chiêm bái. Tuy nhiên, nếu trước đây tôi đưa mọi người đi với tư cách gần như là một hướng dẫn viên du lịch thì bây giờ họ lại tỏ thái độ một mực kính trọng. Vì thế đâm ra có khoảng cách, điều này quả thật khiến cho tôi không cảm thấy thoải mái nhưng chẳng biết làm sao hơn. Họ coi tôi như một bậc thầy và luôn chăm chú lắng nghe những điều tôi trao đổi về các cách tu tập. Những gì tôi học được ở vị thầy của mình trước đây thì nay tôi đem ra chia sẻ với họ. 

Đến năm thứ ba, một lần khi mọi người đang ngồi dưới cội bồ đề bỗng nhiên anh em đưa ra đề nghị:

- Thưa thầy, hầu hết các nước đều đã xây dựng chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng mà tại sao Việt Nam lại không có? Lần nào sang đây thầy trò cũng phải ăn nhờ ở đậu tại chùa Miến Điện. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc xây dựng một ngôi chùa Việt Nam tại đất Phật? 

Tôi trả lời:

- Đây chính là điều tôi tha thiết muốn làm nhưng hoàn toàn không đủ khả năng. Sở dĩ các nước khác làm được là vì chính phủ họ bỏ tiền ra, còn tôi cũng như các anh em, tiền lương dạy học rất khiêm tốn làm sao đủ sức xây dựng nổi một ngôi chùa.

Họ đồng thanh trả lời:

- Thầy đừng lo. Mấy năm nay chúng con đã theo học với thầy, nay anh em xin được góp sức giúp thầy đạt ý nguyện.

Tôi thận trọng nhắc nhở:

- Các anh đừng quên đang đưa ra lời hứa dưới cội bồ đề linh thiêng. Nếu vị nào không giữ lời e rằng phải đầu thai kiếp khác để trả cho xong.

Sau lần đó, chúng tôi chia tay nhau mỗi người một ngả, người về nước Ý, kẻ về Úc, Pháp, Áo, Tân Tây Lan và tôi cũng quên đi câu chuyện trao đổi ấy. 

Không ngờ anh em nhất quyết thực hiện lời hứa, người có đất bán đất, có xe bán xe, mỗi người gom góp một ít tùy theo khả năng rồi trao hết cho tôi. Lúc bấy giờ tôi đang ở tại Paris. Người mang tiền đến chính là giáo sư Durant, vừa là thầy lại vừa là cấp trên của tôi. Thông thường bên châu Âu hễ sếp muốn gặp nhân viên thì cho gọi tới chứ hiếm khi nào họ đến chỗ cấp dưới. Nhưng lần đầu tiên sau bao nhiêu năm làm việc chung với nhau, giáo sư thân chinh đến gõ cửa phòng làm việc của tôi và trao tận tay số tiền gói trong tờ báo Le Monde. Ông trịnh trọng nói: 

- Thưa thầy, đây là số tiền anh em gửi biếu thầy để bắt tay vào việc xây chùa. 

Sau đó chúng tôi phải đi dự một hội nghị tại Nhật Bản, giáo sư Durant đặc phái tôi sang Tokyo chuẩn bị trước một số công việc, rồi ông ký giấy cho nghỉ phép để tôi có thể bay thẳng từ Nhật sang bang Bihar của Ấn Độ xúc tiến việc tìm mua đất.

Khi cầm trong tay khoản tiền đầu tiên tôi vô cùng xúc động, đồng thời lại hết sức lo lắng vì cảm thấy trách nhiệm quá nặng nề. Nghĩ lại mới thấy chính nhờ tôi giữ đúng lời phát nguyện – xuất phát từ tình cảm đối với vị ân sư – mà từ đó bao nhiêu duyên lành đã đến với mình. Đây chính là một điều mầu nhiệm mà bản thân tôi đã chiêm nghiệm được trong chính cuộc đời này.

QUẢ BÁO TRÊN ĐẤT PHẬT

Trong số những nhân vật đến Việt nam Phật Quốc Tự rồi đi, tôi vẫn còn giữ kỷ niệm thật vui về ông Bảy, người đã trải qua hơn ba tháng gắn bó với Việt Nam Phật Quốc Tự trong thời kỳ chùa đang xây dựng. 

Vào năm 1996, tôi sang bang California của nước Mỹ tham dự một hội nghị về trao đổi văn hoá. Nhân dịp đó các Phật tử có mời tôi nói chuyện một buổi về Việt Nam Phật Quốc Tự tại Cali. Sau khi kết thúc, mọi người ùa đến vây quanh tôi xin chụp hình lưu niệm. Bỗng nhiên có một cụ già người Việt dáng vẻ quắc thước đến nhét một miếng giấy vào tay tôi và nói một cách thành khẩn: “Thưa Thầy, xin Thầy đọc giùm con ngay”. Tôi lấy làm lạ nên khi mọi người mời vào bên trong ngồi uống nước tôi bèn mở tờ giấy ra xem. Trong thư chỉ ghi một hàng chữ nguệch ngoạc: “Xin Thầy vui lòng cho con gặp mặt để thưa một việc cần kíp, nếu không con chết”. Tôi kinh ngạc không hiểu nguyên do gì mà một người hoàn toàn xa lạ lại viết thư cho tôi với lời lẽ căng thẳng như vậy. Nhìn thấy ông đang đứng gần đó với vẻ mặt băn khoăn chờ đợi, tôi vẫy ông đến gần và xin số điện thoại, hẹn sẽ gọi điện trao đổi sau. 

Vừa về đến khách sạn tôi gọi điện thoại cho ông ngay. Ông kể rằng ngay từ nhỏ đã ao ước đi tu nhưng chưa có duyên lành. Nay được nghe tôi kể chuyện xây dựng ngôi chùa trên đất Phật ông rất cảm xúc và tha thiết xin theo về chùa để tu. Tôi khuyên ông nếu muốn vậy thì phải bàn bạc với gia đình và thu xếp mọi việc thật yên ổn rồi mới ra đi chứ không nên nôn nóng vội vàng như thế. Ông bèn mời tôi tuần sau đến nhà chơi. 

Thế là chỉ trong vòng một tuần lễ ông quy tụ đầy đủ con cháu dâu rể ở rải rác khắp các tiểu bang trên đất Mỹ tập hợp tại nhà ông. Khi tôi đến nơi được cả nhà đón tiếp một cách trịnh trọng, mời ngồi trên một cái ghế cao còn mấy chục thành viên trong gia đình xúm xít chung quanh. Mọi người coi tôi như thượng khách và tỏ ra cung kính khiến tôi khá ngỡ ngàng. Ông bà có vẻ là người chân chất, ít chữ nghĩa, tuy nhiên họ dạy dỗ con cái rất tốt. Tuy tất cả đều đã trưởng thành, dâu rể có cả người nước ngoài nhưng đều tỏ ra rất hiếu đạo và tôn kính cha mẹ. 

Sau khi trao đổi mấy câu chuyện xã giao, ông Bảy nghiêm trang đứng lên nói về ước nguyện muốn được đi tu. Tôi góp ý: 

- Nếu ông Bảy muốn đi tu thì phải có sự đồng ý của bà Bảy và các con cháu trong gia đình. 

Và tôi quay sang hỏi bà vợ: 

- Ông Bảy muốn theo tôi sang đất Phật để tu hành, vậy bà có đồng ý hay không?

Bà nhỏ nhẹ trả lời: 

- Thưa Thầy con không phản đối nhưng xin được đi theo để lo cho ông. 

Ông Bảy liền trợn mắt và lớn tiếng: 

- Không được, bà cứ để tôi đi một mình, chừng nào đắc đạo tôi trở về độ cho bà. 

Bà Bảy thở dài và lặng lẽ lấy khăn lau nước mắt chứ không dám nói gì thêm. Khi ông quay sang hỏi ý kiến các con thì người nào cũng rụt rè tán đồng chứ không dám nói trái ý cha. Thấy vợ có vẻ buồn, ông quay sang cự nự: 

- Tôi đã hy sinh suốt mấy chục năm nay lo cho gia đình, bây giờ bà phải trả tự do cho tôi muốn làm gì thì làm chứ. 

Bà vợ rầu rĩ cúi mặt và lấy khăn chùi nước mắt khiến tôi rất xúc động nên quay sang nói với ông Bảy: 

- Thôi, ông cũng nên thong thả, để tôi có thời gian sắp xếp mọi việc sẵn sàng rồi mời ông sang. Nếu quả ông có phước duyên thì thế nào cũng sẽ được toại nguyện. Dục tốc bất đạt. 

Tôi đứng dậy từ giã cả gia đình, trước khi ra về tôi đến an ủi bà Bảy: 

- Bà cứ yên tâm, nếu không được phép của bà tôi sẽ không dẫn ông đi đâu. 

Sau khi hội nghị kết thúc tôi trở về Ấn Độ. Không bao lâu sau tôi liên tục nhận được điện tín và cả điện thoại của các con ông Bảy yêu cầu tôi trở qua Mỹ gấp để cứu cha họ. Tuy không hiểu ất giáp gì nhưng nghe nói có chuyện cần kíp liên quan đến tính mạng con người nên tôi vội vã thu xếp công việc bay sang Mỹ. Qua đến nơi tôi mới rõ sự tình. Thì ra sau khi tôi về lại Ấn Độ, ông Bảy hết sức thất vọng và một mực dọạ rằng nếu không được đi tu ông sẽ tự vận. Thế là từ đó hễ ông đi đâu làm gì cũng đều có người thân đi theo, kể cả khi ông vào nhà vệ sinh. Tình trạng căng thẳng kéo dài nên cả gia đình họp nhau lại bàn bạc và đành chấp thuận để ông sang Ấn Độ vì sợ ông tự vận chết bất tử. Sau đó họ mới đánh điện và gửi vé máy bay mời tôi sang Mỹ để đón ông. 

Công việc xây dựng chùa đang rối rắm trăm bề mà bỗng nhiên giờ đây tôi lại phải mang thêm một gánh nặng, còn về phần ông Bảy thì việc quá nôn nóng muốn đi tu cũng không phải là tốt. Thế nhưng tôi cũng không thể từ chối trước mong ước quá thiết tha của ông. 

Khi biết ý nguyện của mình sắp được thực hiện, ông Bảy vui vẻ sung sướng như trẻ con được quà. Nhìn thấy tôi mặc chiếc áo kiểu Ấn Độ ông bèn hỏi mượn để làm mẫu vì ông vốn là thợ may. Tôi cứ tưởng có lẽ ông muốn may tặng tôi vài bộ đồ để coi như ra mắt sư phụ, ai ngờ ông may đo cho chính ông, làm tôi mừng hụt. Rồi ông sục sạo tìm mua cả trăm cuốn sách kinh đóng thùng mang sang đất Phật. Ông yêu cầu các con phải mua vé máy bay hạng nhất cho cả hai thầy trò vì theo ông một lần đi tu là một lần khó! Thế nhưng tôi không đồng ý. Tôi luôn luôn đi vé máy bay loại thường cho đỡ tốn kém, chỉ khi nào các trường đại học mời hay những hội nghị quan trọng mà tiêu chuẩn dành cho đại biểu là vé máy bay hạng nhất thì tôi mới miễn cưỡng chấp nhận. Cuối cùng ông phải chiều theo ý tôi đi loại vé thường. 

Trước ngày lên đường, các con của ông đến gặp riêng tôi dặn dò đủ thứ chẳng khác nào tôi là... con rể của ông. Thậm chí có người còn nhét vào túi xách tôi vài chai dầu gió và căn dặn: 

- Con có đưa dầu cho ba con rồi nhưng thầy cũng giữ thêm vài chai, khi nào ba con xài hết thì đưa cho ông.

Người lại ân cần nhờ vả: 

- Ba con thích ăn ngon, con xin gửi thầy ít tiền để khi nào ba con thèm món gì nhờ thầy mua giúp. 

Tôi thật sự ngao ngán trước viễn cảnh phải lo phục vụ thêm một ông cụ trong khi bản thân mình công việc đang ngập đầu ngập cổ, nhưng mặt khác cũng rất cảm kích trước lòng hiếu đạo của những người con. Tôi nghĩ thầm chắc kiếp trước mình còn mắc nợ ông nên giờ đây phải trả! Ngày lên đường, khi đã yên vị trên máy bay ông Bảy tỏ ra vô cùng sung sướng và bắt đầu mở máy nói oang oang. Tôi nhắc nhở ông: 

- Ông bình tĩnh lại, máy bay vẫn còn đang bay trên nước Mỹ chứ chưa đến đất Phật đâu. 

Suốt mấy tiếng đồng hồ trên đường từ Mỹ sang Luân Đôn, ông nói chuyện không ngừng khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Máy bay vừa đáp xuống phi trường Luân Đôn ông hứng khởi thốt lên: 

- Mô Phật! Mô Phật! Thưa thầy thế là con đã đến được đất Phật. 

Tôi bật cười: 

- Chưa đâu, chúng ta chỉ mới tới Ăng lê thôi. 

Máy bay dừng tại Luân Đôn để tiếp nhiên liệu rồi lại tiếp tục bay sang Ấn Độ. Ông Bảy khấp khởi vui mừng tưởng rằng chỉ một hai giờ đồng hồ nữa sẽ qua tới đất Phật, nhưng khi biết rằng phải mất đến hơn tám tiếng thì ông tỏ ra hết sức nôn nóng. Khi máy bay đáp xuống thủ đô New Delhi, ông Bảy mừng rỡ quay sang tôi: 

- Mô Phật! Thưa thầy con sung sướng quá, bây giờ con đã được tới đất Phật, được theo gót ngài Huyền Trang, được theo thầy rồi! 

Ngay khi vừa đặt chân xuống phi trường ông vội quỳ xuống thành kính hôn lên mặt đất làm mấy ông tây bà đầm lấy máy hình ra chụp ảnh lia lịa. Ra đến chỗ nhận hành lý, thấy ông già cả nên tôi định xách va li giúp nhưng ông nhất định không chịu: 

- Thầy để con xách. Thầy mà xách thì con mang tội chết.

Lúc ấy thời tiết bắt đầu vào hè nên ông bảo tôi: 

- Thưa thầy trời nóng quá, con đề nghị thầy trò mình vào ở trong khách sạn 5 sao.

- Không, không nên. Ở đó rất mắc hơn cả trăm đô la một ngày. 

- Mấy trăm cũng được, không sao đâu thầy.

Nhưng tôi nhất định không chịu nên cuối cùng ông phải chiều ý tôi về ở tạm tại một ngôi chùa. Biết ông đã quen với tiện nghi nên tôi mua vé xe lửa toa có máy lạnh để đi từ New Delhi đến Bồ Đề Đạo Tràng, chứ còn thông thường tôi luôn luôn đi vé ngồi cho đỡ tốn kém. Suốt chặng đường ông lại tiếp tục thuyết pháp. Lúc đến Việt Nam Phật Quốc Tự, thấy cảnh vườn cây xanh ông tỏ ra mừng rỡ vô cùng khiến tôi cũng vui lây: 

- Thưa thầy, con từ Bắc vào Nam, từ Việt Nam sang Mỹ rồi đi khắp các nước mà chưa bao giờ thấy nơi nào đẹp và thơ mộng như cảnh chùa mình. 

Bắt đầu từ đó ông giành làm hết mọi việc, đến nỗi khi tôi tụng kinh ông cũng bảo để ông tụng thay. Mỗi bữa ăn ông nấu cơm rồi dọn cho tôi giống y như trong nhà hàng, bày đầy đủ bát dĩa và cả khăn ăn rất trịnh trọng. Đặc biệt không bao giờ ông chịu ngồi ăn chung với tôi. 

Thông thường mỗi sáng tôi cúng Phật bằng nước lạnh, từ khi có ông thì hàng ngày ông pha trà để cúng Phật, chư Bồ Tát ở chánh điện và bàn thờ chư Tổ, chư liệt vị anh hùng ở phía sau chánh điện. Thái độ thành tâm của ông khiến tôi rất vui. Tôi lại nghĩ sau bao nhiêu năm cô độc, vất vả, có lẽ nay chư Phật chư Bồ Tát thương tình ban cho người đệ tử già bầu bạn để đỡ hiu quạnh. 

Suốt hơn một tháng đầu ông phấn khởi làm mọi việc một cách đầy nhiệt tình và rất đúng giờ. Hàng ngày trước khi cúng Phật ông pha cho tôi một bình trà, vậy là tôi vừa ngồi nhâm nhi ly trà vừa nghe ông tụng kinh mà lòng cảm thấy rất êm ả thanh thoát vô cùng nơi đất Phật.

Nhưng sau đó bỗng nhiên ông bắt đầu tụng kinh trễ nải dần rồi từ từ bỏ luôn. Một buổi sáng không thấy ông pha trà tụng kinh như thường lệ nên tôi vào phòng hỏi thăm:

- Sao hôm nay ông Bảy không tụng kinh?

- Thưa thầy mình mẩy con đau nhức quá.

- Chắc là ông bị bệnh rồi. Ông có cần bác sĩ không để tôi đi kêu?

Ông có vẻ không tin tưởng bác sĩ Ấn Độ nên lắc đầu. Tôi trở ra tự pha trà rồi đi tụng kinh. Tụng xong vẫn không thấy bóng dáng ông đâu tôi bèn xuống bếp nấu ăn. Cơm nước xong xuôi tôi gọi ông ra ăn thì ông nhất định không chịu ăn như mọi khi. Sau khi tôi ăn xong ông vẫn tiếp tục nằm yên trong mùng khiến tôi rất lo lắng vì nếu lỡ ông lâm bệnh nặng thì thật phiền toái, mà nếu có mệnh hệ nào lại càng nguy hơn, nhất là trong lúc việc xây chùa còn đang ngổn ngang. Vậy là tôi phải dọn cơm vào mâm rồi bưng đến tận giường cho ông. Ông nói rằng sợ tội nên không dám ăn, tôi phải dỗ dành: 

- Thôi ông ráng ăn đi, ông không chịu ăn tội còn nặng hơn.

Đồng thời tôi nghĩ bụng đúng là quả báo nhãn tiền, lúc trước để ông pha trà cho mình thì nay mình phải nấu cơm bưng đến tận giường hầu ông và hơn thế nữa lúc ông nằm một chỗ tôi phải giặt giũ áo quần cho ông. Quả thật, đây là quả báo nhãn tiền của tôi.

Sau đó tôi bắt đầu trở lại nếp sống cũ, hàng ngày dậy sớm pha trà tụng kinh, tiếp theo chuẩn bị bữa cơm rồi bưng vào tận giường năn nỉ ông Bảy ăn. 

Vào một buổi chiều mưa, sau thời tụng kinh chiều, tôi đang ngồi thanh thản ngắm nhìn cảnh vật mờ ảo bên ngoài, thỉnh thoảng những tia chớp lóe lên chiếu sáng những hạt mưa óng ánh rơi trên tàu lá chuối, lắng nghe tiếng ễnh ương ếch nhái hòa cùng với tiếng mưa rơi thánh thót trên lá cây trong vườn, làm thành một bản hòa tấu thật du dương. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng người khóc nên vội vàng đi xuống thì thấy ông Bảy đang ngồi trên bậc cầu thang khóc nức nở. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Có chuyện gì đó ông Bảy?

- Thưa thầy con buồn chịu không nổi, từ hồi cha sinh mẹ đẻ tới giờ chưa bao giờ buồn ghê gớm đến như vậy. 

Lúc đó lòng tôi đang vui nên thoạt đầu không hiểu được điều ông nói:

- Tại sao ông lại buồn? 

- Thưa thầy con nhớ nhà quá!

- Nhưng ông nhớ ai?

- Dạ con nhớ má thằng Út!

Hóa ra ông đang nhớ bà Bảy! Tôi bật cười:

- Tại sao ông không nhớ ai hết mà chỉ nhớ má thằng Út?

- Thưa thầy, con coi má thằng Út như mẹ ruột của con vậy.

- Ủa, sao kỳ vậy? Tại sao ông lại coi bà Bảy như mẹ mình?

- Thưa thầy con vốn mồ côi từ nhỏ nên rất thiếu tình thương. Đến khi gặp má thằng Út thì bà hết mực yêu thương chiều chuộng con. Hễ mỗi khi con bệnh là bà chăm sóc tận tình, nấu phở cho con ăn, kho thịt, nấu cháo…

Thế là ông bắt đầu một câu chuyện tràng giang đại hải về những điều mà bà vợ yêu quý thường làm cho ông. Hồi lâu ông vẫn không chịu ngưng khiến tôi phải cắt ngang: 

- Thôi đủ rồi ông đừng kể nữa.

Lúc chuẩn bị đi Ấn Độ ông Bảy nằng nặc đòi chỉ mua vé một lượt vì nhất quyết ở lại luôn nơi đất Phật, tuy nhiên tôi không đồng ý mà cẩn thận yêu cầu các con ông mua vé khứ hồi để ông có thể trở về Mỹ bất cứ lúc nào. Quả nhiên điều tôi dự phòng đã xảy ra, mà lại sớm hơn là tôi nghĩ. Tính ra ông chỉ mới lưu lại chùa được hơn ba tháng. Tôi thở dài bảo ông:

- Thôi ông cứ thu xếp đồ đạc, tôi sẽ đưa ông về Mỹ.

Nghe tôi nói vậy ông mừng rỡ te te trở về phòng. Sáng hôm sau, vừa tụng kinh xong tôi đi xuống lầu thì thấy hai ba cái va li nằm ngổn ngang ở chân cầu thang. Tôi ngạc nhiên gọi:

- Ông Bảy, va li của ai để đầy cầu thang vậy?

- Bạch thầy, hôm qua thầy đã bằng lòng đưa con về Mỹ.

- Trời đất, làm sao tôi đưa ông đi ngay được, ít nhất phải chờ một hai tuần lễ để tôi chuẩn bị sắp xếp công chuyện chùa đâu vào đó rồi mới đưa ông đi được chứ. 

Ông tiu nghỉu đem va li vào phòng. Sau khi thu xếp mọi việc xong tôi mua vé xe lửa đưa ông đến sân bay New Dehli. Suốt dọc đường ông xin lỗi rối rít:

- Con rất xấu hổ vì đã làm phiền thầy. Xin thầy tha lỗi cho con.

Tôi an ủi ông:

- Thôi không có gì phải áy náy, chẳng qua kiếp trước chắc là tôi còn thiếu nợ ông.

Ông hứa với tôi:

- Lần này con về thu xếp chuyện gia đình xong sẽ trở qua tu luôn với thầy.

Ông nói câu này một cách hết sức chân thành khiến tôi không nhịn được cười. Tôi đưa ông ra sân bay rồi đứng bên ngoài chờ ông làm thủ tục, đinh ninh khi làm xong thế nào ông cũng quay ra để thầy trò chào tạm biệt. Không ngờ ông quá vui mừng trước viễn cảnh được gặp lại vợ con nên đi thẳng lên phòng cách ly quên khuấy luôn việc quay lại chào từ giã tôi lần cuối. Một chuyện vui khác là sau khi về đến Mỹ, hàng ngày cứ mỗi bữa ăn ông đều xới một chén cơm và đĩa thức ăn rồi hướng về đất Phật lâm râm khấn vái tên tôi khiến cho mấy đứa con cứ tưởng rằng tôi đã chết!

NHÂN NÀO QUẢ ĐÓ

Vài lần nói chuyện cũng như viết bài, tôi đã kể một phần nào cuộc đời không may mắn của tôi thời thơ ấu, mà tôi thường nói vui là tôi sanh nhằm ngôi sao lạch ạch (hay còn gọi là sao xấu). Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã bị mang nhiều chứng bệnh nan y mà nhiều vị bác sĩ và lương y vào thời đó tiên đoán rằng tôi sẽ không sống lâu. Bệnh hoạn dồn dập làm cho thân thể tôi ốm yếu gầy còm, và có lẽ vì vậy mà ảnh hưởng đến tinh thần của tôi chăng? Tôi thấy ai tôi cũng sợ, cái gì tôi cũng lo. Gặp cái gì khó là bị hốt hoảng. Cứ thế mà tôi thường ôm mặt lẫn vào bóng tối khóc một mình để không ai biết. Rồi mỗi ngày khi màn đêm buông xuống, cơn sợ hãi trong tôi càng tăng thêm. Tôi sợ bóng tối, sợ ma quỷ … có thể đến bắt tôi vào những lúc trời tối. Tôi nhớ lúc nhỏ, nhiều lúc tôi mong mỏi mặt trời đừng bao giờ lặng và bóng đêm đừng bao giờ có, mà sau này khi lớn lên mới nhận ra rằng đó chỉ là sự mơ ước không tưởng, mơ ước của những trẻ thơ đầy sợ hãi, sợ bóng tối.

Cảnh sợ hãi bệnh hoạn liên miên theo tôi rất nhiều năm! Ngoài ra những trận đòn khốc liệt còn dồn dập lên thân tôi. Có nhiều lúc, sau những trận đòn, thân thể tôi bị thương tích bầm tím nhiều nơi, có chỗ chảy máu. Nhiều khi bị đòn quá nặng tôi đi không được! Quá đau đớn và mất niềm tin vào cuộc sống, nên mặc dù còn nhỏ tôi đã có ý định tự tử nhiều lần, nhưng dừng lại vì sợ khi tự tử chết rồi ba má tôi sẽ bị công an cảnh sát bắt, thế là tôi bỏ ý định tự tử. Tôi bị đánh đập hành hạ có lẽ vì tôi là con trai duy nhất trong gia đình được Ba tôi thương nhất. Khi Ba và Má tôi chia tay thế là tôi trở thành nạn nhân. Mỗi lần tôi nhớ và nhắc đến Ba là bị đòn chí tử. Dường như bao nhiêu tức giận hận thù khó khăn trong gia đình đều đổ dồn lên thời thơ ấu của tôi. Quả thật là một tai họạ lớn đổ lên tuổi thơ tôi. Mặc dù bệnh hoạn và bị hành hạ, nhưng tôi vẫn thương yêu Má. Những hình ảnh Má tôi thức khuya dậy sớm buôn bán tảo tần để cho tôi được đến trường học, rồi có những bữa cơm tôi ăn và quần áo cho tôi mặc. Những kỷ niệm đẹp và cao quý đó tôi không bao giờ quên trong cuộc đời. Đặc biệt nhờ sự khuyến khích của Ba Má, nên tôi đã cố gắng học và rồi thành công mới có được cuộc sống đầy an lạc hạnh phúc như ngày hôm nay. Nhờ ân đức Ba Má nên tôi mới có được thân này, nhờ có được thân này tôi mới thưởng thức được nhiều cái hay cái đẹp trong cuộc đời và làm được một số điều phước đức.

Bỏ ý định tự tử vì sợ người thân bị công an cảnh sát bắt, thế là tôi quyết định trốn nhà ra đi, mà đi đâu bây giờ? Ra đi bị đói khổ không nhà ở… thế là còn khổ hơn khi bị Má đánh đập, thà bị thương tích, bị đánh đập còn có cơm ăn có chỗ ở, khi nhỏ nhưng tôi đã suy nghĩ những điều này. Nhưng nếu trốn về ở với ba một thời gian, Ba lại dắt về Má thì lại bị đòn nặng hơn. Việc trốn nhà ra đi hay ở lại đã làm tôi phân vân rất nhiều tháng! Nhưng vì bị đánh đập dồn dập chịu không nổi, thế là cuối cùng tôi đành trốn nhà ra đi vào một đêm khuya sau một trận đòn nặng mà tôi phải lết đi từng bước, mặc dù lê bước khó khăn nhưng vẫn cố lết đi khi trong nhà Má tôi và các chị và em còn đang ngủ ngon. Tôi rời khỏi nhà mà nước mắt cứ chảy giàn giụa, vì cũng còn rất thương Má, các chị và em út, nhưng vì bị đánh đau quá chịu không nổi, hốt hoảng nên bắt buộc phải ra đi!

Khi ra đi khỏi nhà rồi mới biết gia đình dù sao vẫn là tuyệt vời, còn có nhiều hạnh phúc mà nơi khác không có… nhiều ngày tôi đi lang thang ngoài đường, bị đói và khát, lúc đó mới thấm thía khi ở nhà có cơm có nước mà ăn uống, có chỗ ngủ nghỉ… có dịp tới trường học gặp thầy cô và bạn bè… nhiều ngày lang thang đói khát nơi thành phố Sài Gòn, một vài người cho tôi ăn bánh mì xong no nê thế là anh Năm kêu tôi làm bậy… tôi đã từ chối quyết liệt. Biết không sai khiến tôi làm chuyện sai quấy được, thế là anh Năm bỏ tôi vào một đêm khuya. Khi thức dậy tôi đi tìm anh mãi để xin lỗi, nhưng tìm không ra, thế là trận đói khát kế tiếp lại đến! Quá bế tắc và đau khổ không còn cách nào khác thế là tôi tìm cách về lại Bến Tre với Ba, hy vọng để hết khổ. Khi đến Bắc Rạch Miễu Thầy Hoằng Nhơn đã đợi tôi từ lâu, rồi Thầy cứu đời tôi. Cuộc gặp gỡ này là cả một sự mầu nhiệm, phải người có sự tu tập thì mới hiểu được phần nào sự huyền bí của vũ trụ. Có dịp tôi sẽ kể thêm về sự gặp gỡ kỳ diệu này.

Tôi gặp Thầy Hoằng Nhơn, thầy cho tôi uống thuốc, những cây thuốc quý trồng nơi vườn chùa, chữa hết tất cả mọi bệnh tật và truyền dạy cho tôi nhiều mật pháp, thế là tôi lấy lại niềm tin vào cuộc đời. Có thể nói gặp được bậc chân sư này là cả một phúc đức và may mắn lớn cho cuộc đời tôi. Thầy đã huấn luyện, dạy tôi nhiều mật pháp để được thành công và hạnh phúc mà tôi nghĩ không tìm được ở nơi nào khác. Sau khi học hành tốt nghiệp tạm xong, tìm được việc làm tốt và có cuộc sống an vui hạnh phúc và trong vòng đời danh vọng nhiều cạm bẫy, nhiều quyến rũ trần gian, tôi vẫn là một con người bình thường và rất trần tục như bao chúng sanh khác. Nhiều lúc vì bã danh lợi nên tham sân si cứ tăng dần. Nhiều lúc vì vô minh che lấp tưởng chừng đã dính vào những điều tội lỗi và thất đức, nhưng nhờ sự kính trọng và lời dạy mật pháp của bậc chân sư, thế là tôi đã làm được một vài điều phúc đức trong đời này.

Tôi rất quý mến và chân thành giúp đỡ những học trò nào thành tâm và thành thật, sống có lý tưởng, như Sư Phụ Hoằng Nhơn đã quý mến và giúp đỡ tôi một cách chân thành, không vụ lợi. Tôi đã làm như vậy như Thầy đã dạy. Tôi kính quý sư phụ tôi thôi, thế mà ngày nay có cả ngàn học trò đệ tử khắp nơi trên thế giới kính quý tôi. Nhiều anh chị em đã hùn tiền nhau lại làm một tòa nhà với 108 phòng để tặng riêng tôi, trong ấy có ba phòng đặc biệt để tôi ở và làm việc, nhưng tới giờ phút này tôi chưa bao giờ dám vào ở trong những phòng ấy, vì tôi sợ tổn đức. Vì tôi nghĩ việc thiện tôi làm chưa được là bao nhiêu, nếu không khéo để người ta cung kính bái lạy và thọ dụng tặng phẩm cúng dường của họ thì sẽ bị tổn đức như Thầy tôi đã dạy.

Anh chị em học trò đệ tử quý mến tôi họ đã không hài lòng thái độ không dám nhận lãnh và thụ hưởng tặng phẩm của họ. Tôi biết vậy, nhưng đành chịu chứ không sao thay đổi quan điểm của tôi được. Vì tôi vẫn còn có thể đi làm mướn, đi dạy học có tiền để sống từ sức lao động của mình thì làm sao tôi lại thọ dụng sự hiến cúng của họ? Có nhiều vị học trò khuyên tôi không nên đi dạy học hoặc làm việc nữa, để thời giờ tu tập và hướng dẫn họ tu tập, mỗi người một tháng tặng tôi một đồng dư để tôi sống và làm việc, tôi cũng từ khước, vì tôi luôn theo lời dạy của sư Phụ tôi: nếu mình tu hành không đủ phước đức mà thọ dụng từ sự cúng dường của người khác thì có thể mất phước và phải trả quả báo lớn lao, như trường hợp tôi đã trả quả báo với ông Bảy tại Đất Phật. Chuyện quả báo này tôi phải trả ngay sau đó chỉ vài tháng tại Việt Nam Phật Quốc Tự, Buddha Gaya, Bihar, India.

Tôi khuyên anh chị em học trò đệ tử, nếu họ kính quý tôi thì ráng tu hành và làm nhiều điều phước đức, ngay trong cuộc đời này. Tôi rất xúc động và tri ân các anh chị em học trò đệ tử đã giúp đỡ tôi rất nhiều việc cho hòa bình Nepal, xây dựng hai ngôi chùa Việt nam tại Ấn Độ và Nepal, xây cầu tình thương, đắp đường tặng quà người nghèo, đặt biệt họ làm cho tôi tòa nhà 108 phòng, cũng như hỗ trợ rất tích cực cho tôi làm nhiều việc phước đức khác. Như tôi đã nói, tôi quý một vị chân sư, một vị thầy, mà ngày nay có bao nhiêu là học trò đệ tử trên thế giới giúp đỡ và hỗ trợ tôi trong nhiều việc làm phúc đức. Chuyện này quả thật có nhiều điều nhiệm mầu, đúng như lời Phật và các bậc chân sư dạy: Nhân nào thì quả đó, và ông bà cha mẹ chúng ta thường hay nói đi nói lại nhiều lần: “ở hiền gặp lành; ở ác gặp ác”, hay như ngạn ngữ bình dân: “ác lai thì ác báo”

Ở HIỀN GẶP LÀNH

“Ở hiền gặp lành” là câu chăm ngôn mà tôi thường nghe khi còn ở Việt nam, lúc nhỏ thường nghe những người lớn nói đi nói lại, đặc biệt là những năm ở gần Sư Phụ tôi,Thầy dạy đi dạy lại chúng tôi triết lý đơn giản này. Tuy nó rất là đơn giản nhưng nếu mọi người biết áp dụng một cách tích cực nó sẽ mang lại cho ta rất nhiều điều lợi ích thiết thực ngay trong đời này. Thầy giải thích rất cặn kẽ và cho nhiều thí dụ rất cụ thể. Thầy nói mình làm điều gì mà không có tâm thiện thì trước sau gì cũng sẽ có kết quả xấu. Thầy cho thí dụ mình làm buôn bán cho người khác sản phẩm chất lượng không tốt, mà cứ đổ tiền ra tuyên truyền quảng cáo là đồ tốt, có thể sản phẩm đó bán rất chạy, được lời rất nhiều, nhưng trong một thời gian sau, cuối cùng cũng sẽ bị thất bại và có khi bị tù tội và mất vốn, rồi nợ nần và cuối cùng có thể tù tội và chết thê thảm. 

Vấn đề này tôi đã quan sát rất kĩ từ nhiều nước. Tôi quan sát phần lớn những công ty quốc tế lớn, nhưng không thành thật, sau cùng thất bại nặng nề, ngược lại những công ty nhỏ thành thật thì kết quả phát triển rất tốt đẹp, thành công, mặc dù có lúc gặp nhiều gian nan sóng gió.

Cũng triết lý đơn giản này, tôi quan sát con người nào có phẩm chất hướng thiện, Từ Bi Hỷ Xả thì cuộc sống và gia đình họ thường được an vui thanh thoát. Trái lại, vô cùng đau khổ.

Tôi đi làm mướn và dạy học nhiều nơi trên thế giới, tôi được cơ duyên làm quen với lãnh đạo các công ty và một số lãnh đạo các nước. Người lãnh đạo nào có tầm nhìn đúng, với lòng vị tha rộng lượng thì công ty và đất nước của họ có dịp phát triển tốt, còn ngược lại thì họ gặp bao nhiêu điều tai hại ập đến, của cải tan nát, ngai vàng sụp đổ, có vị bị chết bất đắc kỳ tử không toàn thây. Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp như vậy, kể cả các lãnh đạo cao cấp của các tôn giáo cũng không thoát khỏi định luật công bằng này.

Nhờ nghe lời Thầy tôi dạy và áp dụng triệt để triết lý đơn giản này mà tôi được lợi ích biết bao điều cụ thể.

Như trên bốn mươi năm sống và làm việc trên nhiều chục nước trên thế giới, tôi đã áp dụng mật pháp đó, nên thành công và an vui làm được nhiều việc tốt. Đây là sự thiết thực, lơi ích của triết lý đơn giản, nhưng cho nhiều an vui hạnh phúc. Ở hiền thì sẽ gặp lành.

THAY LỜI KẾT

Quý vị vừa đọc xong phần một của quyển “Con Đường Sáng”. Cuốn sách nhỏ này không phải là hồi ký hay chuyện cổ tích thời xưa hay chuyện tưởng tượng, mà là một tập hợp điều tra khoa học, nghiên cứu ghi chép rất vô tư, trung thực của từng trường hợp nhân quả.

Thế giới hiện tại có đầy đủ tiện nghi vật chất, nhưng cuộc sống càng ngày càng ít an vui hạnh phúc, vì luôn luôn xảy ra nhiều biến động khủng hoảng: chiến tranh, thiên tai, hận thù… vì nhiều người không tin nhân quả nên họ đã và đang gây nhiều đau khổ, nhiều tội lỗi, với nhiều cử chỉ và hành động nghịch với luật thiên nhiên và vũ trụ, vì vậy tạo nên nhiều xáo trộn cho cuộc sống, thế là chiến tranh hận thù và thiên tai xảy ra.

Cuộc đời này vốn là vô thường ngắn ngủi, có đó rồi mất đó. Xin quý vị hãy cùng nhau thực hành tin nhân quả và cổ súy nhiều người cùng thực hành để cùng có an vui cho chính mình, và cũng cho chính xã hội cho đất nước mình đang sống. Và cứ như vậy sẽ lan tỏa ra nhiều nơi trên thế giới. Hòa bình thịnh vượng và an vui hạnh phúc sẽ đến với mọi người.

Tôi viết quyển sách nhỏ này với lòng chân thành rút ra từ kinh nghiệm sống trong tận đáy lòng. Tôi ước mong được thấy mọi chúng sanh được sống trong an vui hạnh phúc, trái đất này được mãi xanh và tươi đẹp, giữa con người với con người biết yêu quý tôn trọng lẫn nhau.

Tôi mong mỏi và hy vọng có đủ sức khỏe và thời gian để tiếp tục viết thêm quyển thứ hai.

Việt Nam Phật Quốc Tự - Lumbini P.L. 2555 
HUYỀN DIỆU 

Không có nhận xét nào: