Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

TẤM BIA GHI DẤU CỘI NGUỒN

Có lẽ không người Việt Nam nào không thuộc câu ca : 

Công cha như núi thái sơn 
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. 

Nhưng liệu mấy người hiểu được tận cùng ý nghĩa của nó? 

Trong phần lớn cuộc đời mình, tôi cho đấy là lời răn luân lý : công cha như núi lớn, nghĩa mẹ như nước nguồn. Cách hiểu mà sách Quốc văn thời trẻ dạy : 

Công cha như núi thái sơn, 
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. 
Nước ngọn nguồn chảy ra bao cạn, 
Núi thái sơn mấy vạn tầng cao. 
Ðạo con báo đáp nghĩ sao? 

Nhưng rồi khi nghe lỏm được đâu đó rằng Thái Sơn, ngọn Nguồn là dòng sông dãy núi bên Tàu thì trong lòng thật buồn vì bất nhẫn. Núi Tản, sông Ðà không hùng vĩ sao mà ông bà ta lại mượn dòng sông ngọn núi nước ngoài làm hình tượng tiêu biểu cho những tình cảm thiêng liêng nhất? Phải chăng các cụ quá nghèo nàn về trí tưởng tượng hay đầu óc quá nô lệ nên mọi cái đều phải bắt chước "mẫu quốc" Tàu? Một nỗi mặc cảm đau đáu bên lòng! 

Cho đến gần đây, khi may mắn được đọc thông báo khoa học của Ðại học Houston và Cicinnati nước Mỹ cho biết : 

Khoảng 60-70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi, theo con đường Pakistan, Ấn Ðộ rồi men bờ biển Nam Á đến Việt Nam. Nghỉ lại ở đây khoảng 10.000 năm, người tiền sử lai giống với nhau rồi chia ra chiếm lĩnh lục địa Ðông Nam Á. Khoảng 50.000 năm trước, người từ Ðông Nam Á đi tới châu Úc; 40.000 năm trước tới Tân Ghi nê và 30.000 năm trước tới các đảo ngoài khơi. 

Khoảng 40.000 năm trước, khi băng hà tan, khí hậu ấm áp trở lại, người Ðông Nam Á tiến lên khai phá lục địa Trung Hoa, từ sông Dương Tử đến sông Hoàng Hà. Một bộ phận lên đến Sibêri rồi vượt eo Bering tiến sang châu Mỹ, sau thành thổ dân da đỏ.* 

Lịch sử gọi những tộc người từ Ðông Nam Á lên chiếm lĩnh đất Trung Hoa là dân Bách Việt. Trong cộng đồng Bách Việt, người Lạc Việt tổ tiên chúng ta là tộc người giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Người Lạc Việt tập trung quanh núi Thái Sơn và sông Nguồn thuộc tỉnh Sơn Ðông ngày nay, tôn những vị Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông làm vua. Cho đến khoảng 4.000 năm trước Công nguyên, người Bách Việt đã sống trên phần lớn đất Trung Quốc, sang Nhật Bản, Triều Tiên, Ðài Loan, canh tác lúa nước, chăn nuôi gia súc và có đời sống tinh thần phát triển.

Khoảng 2600 năm TCN, người Mông cổ phương Bắc tràn qua sông Hoàng Hà, chiếm đất của người Việt. Một bộ phận ưu tú của người Việt bỏ vùng Thái Sơn chạy xuống phía Nam sông Dương Tử, tập trung quanh vùng Ngũ Lĩnh. Có thể cũng lúc này một bộ phận người Việt theo đường biển trở lại Việt Nam mà địa điểm đổ bộ ban đầu là Rào Rum, Ngàn Hống (núi Hồng, sông Lam, Nghệ Tĩnh), tạo dựng thời đại các vua Hùng. Sau đó, do người Hán bành trướng và xua đuổi ráo riết, người Bách Việt từ Ngũ Lĩnh ồ ạt trở lại Việt Nam cũng như các nước Ðông Nam Á khác.

Như vậy, trong lịch sử của người Việt chúng ta, có thời kỳ từ bên sông Hồng, sông Mã đi lên khai phá lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử mà trung tâm là vùng Thái Sơn. Do thời gian tiền sử quá dài, lại không được ghi chép nên ông bà ta không nhớ được thời kỳ từ đất Việt đi lên mà ký ức huyền sử chỉ ghi được thời kỳ Thái Sơn nên Núi Thái, Sông Nguồn được coi là đất phát tích của người Việt!

Từ dữ liệu lịch sử trên, ta thấy, câu ca Núi Thái, Sông Nguồn không chỉ là bài học luân lý mà là cuốn sử nói lên nguồn cội của người Việt. Rất có thể câu ca này hình thành dưới bóng Thái Sơn rồi sau đó cùng người Việt trở về quê cũ. 

Tuy rằng trên thực tế, Núi Thái, Sông Nguồn không phải là đất phát tích của người Việt nhưng câu ca cũng là tấm bia ghi lại một giai đoạn trong lịch sử dân tộc. Giải mã tấm bia, ta thấy ông bà ta thật minh triết, còn chúng ta vì thiếu hiểu biết nên có lúc buồn và trách oan các cụ. 

Hà Văn Thuỳ
TTđTD - Trích HÀNH TRÌNH TÌM LẠI CỘI NGUỒN Nghiên Cứu và Đối Thoại
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC

Không có nhận xét nào: