Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

LOẠI HÌNH VĂN HOÁ

2. Loại hình văn hoá 
2.1. Văn hóa học so sánh: từ đa dạng đến tương đồng
2.1.0. So sánh các nền văn hóa trên thế giới, người ta thấy chúng vô cùng đa dạng và phong phú. Chính vì vậy mà khi nói đến chúng, người ta thường liệt kê; chẳng hạn, Arnold Toynbee kể ra 38 nền văn minh thế giới, trong đó văn minh Việt Nam xếp cạnh văn minh Triều Tiên, Nhật Bản. Song, cũng đã từ lâu, người ta nhận thấy giữa các nền văn hóa có không ít nét tương đồng.
2.1.1. Để giải thích sự tương đồng này, người ta đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau [xem Ngô Đức Thịnh 1993: 19-66], nhưng tựu trung lại, có thể quy về ba thuyết.
Từ cuối thế kỷ XIX ở Tây Âu đã phổ biến thuyết khuếch tán văn hóa (cultural diffusion) với những đại biểu như F. Ratsel, L. Frobenius, F. Grabner, W.Schmidt ở Đức, Áo; G. Elliot Smith, W. Rivers ở Anh... Quan điểm chủ yếu của những người theo thuyết này là văn hóa được hình thành từ một trung tâm rồi được "truyền bá", "lan tỏa" ra các nơi khác bằng cách mô phỏng hoặc nhờ những cuộc thiên di của các dân tộc. Có lan tỏa toàn bộ hoặc lan tỏa bộ phận (truyền bá những yếu tố riêng lẻ của một nền văn hóa); lan tỏa tiên phát (trực tiếp từ nơi phát sinh) hoặc lan tỏa thứ sinh. Việc cực đoan hóa thuyết này đã dẫn đến chỗ bị giới cầm quyền thực dân lợi dụng để đề cao dân tộc này và khinh rẻ các dân tộc khác, đi ngược lại quyền lợi của con người.
Đầu thế kỷ XX, từ những ý kiến của F. Boas, các nhà nhân chủng học Mỹ C.L. Wisler và A.L. Kroeber đã phản đối thuyết khuyếch tán văn hóa và đề xuất thuyết vùng văn hóa (cultural areas). Trên cơ sở nghiên cứu văn hóa các dân tộc da đỏ Mỹ, các tác giả này đã khẳng định sự tồn tại của nhiều dân tộc trên cùng một vùng lãnh thổ mà văn hóa của họ có những điểm chung.
Từ cách tiếp cận vùng văn hóa trên cơ sở một đặc trưng hạn hẹp, C.L. Wisler và một số tác giả về sau đã đi đến kết luận về sự cần thiết lựa chọn một tập hợp những đặc trưng, tạo nên tip, hay loại hình văn hóa vùng. Trên cơ sở quan điểm này, từ những năm 30, trong dân tộc học Xô-viết đã hình thành thuyết loại hình kinh tế - văn hóa mà đại biểu là N.N. Cheboksarovà một số tác giả khác. Các học giả này cho rằng trong lịch sử văn hóa nhân loại từng tồn tại ba nhóm loại hình kinh tế - văn hóa: loại hình kinh tế - văn hóa săn bắt, hái lượm và đánh cá; loại hình kinh tế - văn hóa nông nghiệp dùng cuốc và chăn nuôi; loại hình kinh tế văn hóa nông nghiệp dùng cày với sức kéo động vật [xem: Cheboksaro1971].
2.1.2. Mỗi một trong ba thuyết trên đều ít nhiều có hạt nhân hợp lý của nó. Chúng thực ra không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau, mỗi thuyết thích hợp trong những điều kiện khác nhau.
Thật vậy, nếu các dân tộc chủ nhân của các nền văn hóa, cũng như các ngôn ngữ của họ, xuất phát từ cùng một gốc thì giữa văn hóa gốc và các nền văn hóa này có thể có quan hệ "khuyếch tán", "lan tỏa".
Nếu các nền văn hóa gần gũi nhau về địa lý thì chúng có thể từ tiếp xúc đến giao lưu với nhau, và trong việc giao lưu ấy có thể xảy ra hiện tượng những yếu tố của nền văn hóa này thâm nhập vào nền văn hóa kia (tiếp thu thụ động) hoặc nền văn hóa này vay mượn những yếu tố của nền văn hóa kia (tiếp thu chủ động); rồi trên cơ sở những yếu tố nội sinh (endogenous) và ngoại sinh (exogenous) ấy mà điều chỉnh, biến cải cho phù hợp, gây ra sự tiếp biến văn hóa[1] (acculturation). Các nền văn hóa gần gũi và giao lưu với nhau này tạo nên những vùng văn hóa. Cũng có thể phân biệt vùng văn hóa ngay trong nội bộ một nền văn hóa.
Sự tiếp biến văn hóa cũng có thể xảy ra khi các nền văn hóa tuy ở cách xa nhau nhưng đã có điều kiện tiếp xúc với nhau. Nếu các nền văn hóa mặc dù ở xa nhau và chưa bao giờ gặp gỡ nhau nhưng lại nằm trong những điều kiện tự nhiên và xã hội tương đồng thì chúng cũng có thể có những nét giống nhau. Sản phẩm của hai trường hợp này là những đặc trưng loại hình. Đặc trưng loại hình càng mạnh và rõ ở các nền văn hóa cùng gốc và/hoặc gần gũi nhau về địa lý. Chính vì vậy mà các nhà dân tộc học Xô-viết đã phân biệt khái niệm "loại hình kinh tế - văn hóa" với khái niệm "vùng văn hóa - lịch sử": Nếu vùng văn hóa - lịch sử là một không gian địa lý liên tục thì loại hình kinh tế - văn hóa có thể bao gồm cả những khu vực địa lý khác nhau.
Các thuyết và các khái niệm nêu trên đều có thể được vận dụng ở những mức độ khác nhau. Chẳng hạn, lý thuyết vùng văn hóa sẽ rất hữu hiệu cho việc xác định các vùng văn hóa của người Việt và các dân tộc ít người như văn hóa sông Hồng, văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, văn hóa Tây Nguyên... [xem: Ngô Đức Thịnh 1993; Huỳnh Khái Vinh...1995]. Lý thuyết về sự lan tỏa thích hợp cho việc giải thích sự tương đồng văn hóa giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo... Song, để làm sáng tỏ bản sắc của văn hóa Việt Nam, điều quan trọng hơn là cần nêu được sự đồng nhất và khác biệt giữa nó với các nền văn hóa khu vực (như Trung Hoa) và thế giới (như phương Tây). Trong sự so sánh này, việc xác định loại hình văn hóa là hết sức quan trọng. Chỉ ra được các loại hình với mức độ khái quát cao và những đặc trưng của mỗi loại, ta có thể căn cứ vào đó mà xếp bất kỳ một nền văn hóa nào vào một trong các "ô" phân loại đã có. Ba loại hình kinh tế - văn hóa của N.N. Cheboksarothiên về các đặc điểm mang tính lịch sử - kinh tế mà chưa đồng thời phản ánh được các đặc trưng địa lý - khu vực là điều không kém phần quan trọng đối với việc xác định một nền văn hóa. Dưới đây là một cách tiếp cận cố gắng tính đến cả hai loại đặc điểm đó.
2.2. Nguyên lý phân định loại hình văn hóa
2.2.1. Văn hóa là sản phẩm của con người (tính nhân sinh), cho nên việc phân loại văn hóa cần bắt đầu từ việc tìm hiểu sự hình thành và phân bố các chủng người trên trái đất nói chung.
Lâu nay trên thế giới phổ biến cách phân chia nhân loại thành ba đại chủng: chủng Á (Mongoloid, trong cách nói dân gian thường gọi là chủng da vàng), chủng Âu (Europeoid, dân gian thường gọi là chủng da trắng) và chủng Úc-Phi (Australo-Negroid, dân gian thường gọi là chủng da đen). Song những nghiên cứu mới hơn trong khoa nhân chủng học cho thấy rằng sự phân loại ấy mới chỉ dựa trên các đặc điểm thích nghi (màu da, hình tóc, mũi, môi...).
Căn cứ vào những đặc điểm trung tính, không thay đổi trước biến động của môi trường (như nhóm máu, đường vân tay, hình thái răng...) người ta đã chia nhân loại thành hai khối quần cư lớn: Úc-Á và Phi-Âu. Đó cũng chính là hai trung tâm hình thành chủng tộc cổ xưa nhất của loài người: trung tâm phía Tây (Phi-Âu) và trung tâm phía Đông (Úc-Á) [xem, chẳng hạn: Nguyễn Đình Khoa 1976].
Theo nhà nhân chủng học nổi tiếng người Nga N.N. Cheboksarov, "ngay từ sơ kỳ đồ đá cũ (khoảng 50-30 vạn năm trước công nguyên - T.N.T) đã xuất hiện hai trung tâm hình thành chủng tộc: sớm hơn là miền Đông-Bắc Phi và Tây-Nam Á, ít nhiều muộn hơn là miền Đông-Nam Á. Những con người muộn hơn nữa thuộc loại hiện đại homo sapiens dần dần phân bố rộng rãi khắp nơi trên trái đất... họ tuy còn giữ lại nhiều đặc điểm trung tính nhưng đồng thời cũng tiếp tục thích nghi với những điều kiện tự nhiên khác nhau để phân hóa dần thành các chủng tộc ngày nay" [1971: 146].
Từ trung tâm phía Tây, con người nguyên thủy phân tán ra thành hai đại chủng: a) Đại chủng Âu (Europeoid) bao gồm các chủng: Ban-tích, Trung Âu và Địa Trung Hải; b) Đại chủng Phi (Negroid) bao gồm các chủng: Nam Ấn (Dravidien), Etiopi, Đông Phi, Trung Phi, Nam Phi.
Từ trung tâm phía Đông, con người nguyên thủy cũng phân tán ra thành hai đại chủng: a) Đại chủng Á (Mongoloid) bao gồm các chủng: Bắc Mongoloid, Đông Mongoloid, Nam Mongoloid, Mỹ (Indien); b) Đại chủng Úc, hay phương Nam (Australoid, t.La-tinh Austra = "phương Nam") bao gồm các chủng: Negrito, Melanésien, Australien, Tasmanien, Polinésien, Ainu (xem hình 2.1).
Hình 2.1: Sự hình thành và phân bố các chủng tộc trên trái đất:
1- chủng Âu; 2- chủng Phi; 3- chủng Á; 4- chủng Phương Nam;
5- thời đá cũ; 6- thời đá giữa và mới; 7- thời cuối đá mới và kim loại.
Dựa theo: [Cheboksarov… 1971]
Hai trung tâm này xuất hiện không đồng thời: trung tâm phía Tây có trước. Không loại trừ khả năng là từ đó, loài người nguyên thủy đã tiến dần sang phía Đông để rồi phát triển thành trung tâm thứ hai ở đây. Bởi vậy mà trong khoa nhân chủng học, bên cạnh thuyết khá phổ biến về hai trung tâm hình thành loài người, còn có thuyết một trung tâm [xem, ví dụ: Uryson 1971]. Ngoài ra, cũng còn có cả loại ý kiến cho rằng con người ngày nay xuất phát từ nhiều trung tâm tồn tại song song và độc lập với nhau.
2.2.2. Sự phân biệt hai trung tâm vừa xét thành "Tây" và "Đông" là thuần túy dựa vào địa lý. Trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, hình thành sự phân biệt hai khái niệm "phương Tây" và "phương Đông" về mặt văn hóa. Sự phân biệt này do người châu Âu đặt ra: "phương Tây" là khu vực châu Âu nơi họ cư trú (vùng Tây-Bắc của cựu lục địa Á-Âu); vùng đất rộng lớn phía Đông-Nam còn lại mà họ chưa biết tới, bao gồm toàn bộ châu Á và mở rộng tới châu Phi, được gọi là "phương Đông"2. Các nhà khoa học nghiên cứu về vùng đất này được gọi là các nhà "Đông phương học".
Nếu cần vẽ một đường ranh giới thì đó sẽ là một đường chéo chạy từ lưu vực sông Nile tới dãy Ural; nói một cách chính xác hơn thì "đường" ranh giới đó là cả một vùng đệm chạy chéo từ Tây-Nam là châu Phi qua Ai-cập, tới Đông-Bắc là vùng Xibêri của nước Nga. Như vậy, nếu trừ đi vùng đệm đó thì "phương Đông" là khu vực Đông-Nam còn lại từ Ấn Độ qua Trung Hoa tới Nhật Bản vòng xuống Đông Nam Á.
Hai khu vực này có sự khác biệt rất rõ rệt về mọi phương diện: Trong khi các ngôn ngữ phương Tây biến hình thì các ngôn ngữ phương Đông chủ yếu là đơn lập; trong khi người phương Tây coi trọng cá nhân thì người phương Đông coi trọng cộng đồng; trong khi người phương Tây bắt (nắm) tay nhau lúc gặp nhau thì người phương Đông tự nắm tay mình (chắp tay, khoanh tay)... Những khác biệt này xưa nay đã được nhiều người nhắc đến. Nguyễn Duy Cần [1957] phân biệt Đông-Tây bằng các phạm trù "hướng nội" và "hướng ngoại", "trầm mặc" và "hoạt động", "phẩm" và "lượng"... Kim Định [1969] nói đến "tĩnh chỉ" (statique) và "động đích" (dynamique), "vô vi" và "hữu vi"... Còn đây là những câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Anh J. Kipling, người đã sống nhiều năm ở Ấn Độ:
Ôi, phương Tây là phương Tây, phương Đông là phương Đông!
Họ sẽ không gặp nhau, chừng nào mà Trời chưa gặp Đất...
Nhưng nếu không có phương Đông thì làm gì có phương Tây!
2.2.3. Bởi văn hóa là sản phẩm của con người và tự nhiên nên nguồn gốc sâu xa của mọi sự khác biệt về văn hóa chính là do những khác biệt về điều kiện tự nhiên (địa lý- khí hậu) và xã hội (lịch sử - kinh tế) quy định.
Môi trường sống của các cộng đồng cư dân ở phương Đông (chính xác hơn là Đông Nam) là xứ nóng sinh ra mưa nhiều (ẩm), tạo nên những những con sông lớn với các vùng đồng bằng trù phú (xem §1.2.1). Còn phương Tây (chính xác hơn là Tây Bắc) lại là xứ lạnh với khí hậu khô, không thích hợp cho thực vật sinh trưởng, có chăng chỉ là những vùng đồng cỏ mênh mông.
Hai loại địa hình đồng bằng và đồng cỏ dẫn đến chỗ cư dân của hai khu vực phải sinh sống bằng hai nghề chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Kinh tế trồng trọt bắt buộc người dân phải sống định cư, vì trồng cái cây xuống thì phải chờ cho nó lớn lên, ra hoa kết trái để còn thu hoạch. Ấy là chưa kể đến những loại cây lâu năm, phải trồng công phu, phải chờ 5-10 năm mới có quả, rồi lại thu hoạch nhiều lần. Lối sống chăn nuôi thì khác: tài sản của dân du mục là đàn gia súc. Gia súc ăn cỏ và không bị cố định như cái cây, ăn hết cỏ không thể ngồi đợi cho cỏ mọc mà phải đi tìm bãi cỏ khác. Cho nên sống bằng nghề du mục là lối sống du cư - vừa đi vừa ở, nay đây mai đó lang thang.
Nghề chăn nuôi ở phương Tây phổ biến đến mức trong Kinh Thánh, từ "cừu" được nhắc tới trên 5.000 lần, tín đồ được gọi là "con chiên", Chúa là người "chăn chiên" (hình 2.2). Theo tác giả cuốn Lịch sử nhân loại thì "ngày xưa, người Hy Lạp chỉ nuôi dê và cừu, ít người làm nghề nông, phần đông lo việc mục súc và hàng hải"; người La Mã uống sữa bò, áo quần dệt bằng lông cừu hoặc bằng da thú vật [Bửu Dưỡng 1972: 28,67]. W. Durant trong cuốn Nguồn gốc văn minh [1990a, 33] cho biết: "Tại những bộ lạc săn bắn và mục súc, loài bò là một đơn vị giá trị rất tiện. Vào thời đại Homer ở Hy Lạp, người ta đánh giá người và vật bằng số bò: bộ binh giáp của Diomède đáng giá 9 con bò, một người nô lệ khéo tay đáng giá 4 con. Người La Mã cũng vậy, họ dùng hai danh từ gần giống nhau - pecus và pecunia - để trỏ bò và tiền bạc".
Về sau, các dân tộc ven biển thì phát triển thương nghiệp buôn bán, các dân tộc trong lục địa thì làm nông nghiệp, nhưng chăn nuôi vẫn là mối quan tâm chủ yếu của họ. Trong Hồi ký về cuộc chiến tranh ở Gôlơ, Ju. Cesar viết rằng vào thế kỷ II trCN, người Giécmanh vẫn sống cuộc đời du mục, đến giữa thế kỷ I trCN, người Giécmanh đã cấy trồng, song họ "không chí thú với cuộc sống định cư, sau mỗi năm lại chuyển đi nơi khác", họ "đặc biệt không chăm làm nông nghiệp mà sống chủ yếu bằng sữa và súc vật". Còn nhà sử học La Mã nổi tiếng K. Taxit (54-120 sCN) trong tập Giécmani thì cho biết Giécmanh là đất nước "giàu gia súc", người Giécmanh "thích có nhiều gia súc" vì đó là "hình thức của cải duy nhất và dễ chịu nhất". Bộ Luật Salica cho biết vào đầu thế kỷ VI, người Frăng làm nông nghiệp nhưng vẫn đặc biệt coi trọng chăn nuôi, công xã có bãi chăn nuôi chung... [dẫn theo Pôlianxki 1978: 30-44].
Ở phương Tây, các thần thánh đều cưỡi ngựa và chơi với gia súc (hình 2.3). Tiêu chuẩn của một phụ nữ quý tộc là phải biết cưỡi ngựa. Còn các chữ đầu của cả hai bảng chữ cái La-tinh và Hy Lạp là A và a (alpha) đều bắt nguồn từ hình vẽ cái đầu bò (hình 2.4). Các vật dụng như con dấu, đồng tiền, bình nước, v.v., thường có hình bò, ngựa (hình 2.5). Xem thế đủ thấy nguồn gốc du mục và con đường từ du mục đến thương mại của văn hóa phương Tây đã quá rõ ràng[2].


Kết quả là hình thành một cách khá rõ ràng hai loại hình văn hóa ứng với hai loại hình kinh tế: Văn hóa kiểu nông nghiệp thì lo tạo dựng một cuộc sống ổn định lâu dài, không xáo trộn - chúng mang tính trọng tĩnh; còn văn hóa kiểu du mục thì lo tổ chức làm sao để có thể thường xuyên di chuyển một cách gọn gàng, nhanh chóng, thuận tiện - chúng mang tính chất trọng động. Các nền văn hóa hiện đại dù đang thuộc giai đoạn văn minh nào (nông nghiệp, công nghiệp, hay thậm chí hậu công nghiệp) cũng đều không thoát ra ngoài hai loại hình cơ bản là TRỌNG TĨNH và TRỌNG ĐỘNG mà căn cứ theo nguồn gốc thì có thể gọi chúng là các loại hình văn hóa GỐC NÔNG NGHIỆP và GỐC DU MỤC. Điển hình cho loại trọng tĩnh (gốc nông nghiệp) là các nền văn hóa phương Đông; còn điển hình cho loại trọng động (gốc du mục) là các nền văn hóa phương Tây.
2.2.4. Chính vì động cho nên các nền văn hóa phương Tây đã chuyển biến rất nhanh. Trong khi phần lớn các nền văn hóa phương Đông đến nay về cơ bản vẫn mang tính nông nghiệp thì các nền văn hóa phương Tây đã chuyển sang công nghiệp từ lâu.
Con đường chuyển biến từ du mục đến công nghiệp đi qua giai đoạn thương nghiệp: ban đầu là du mục, nhưng trong khi lang thang từ nơi này sang nơi khác, người ta nhận ra sự khác biệt về giá cả, vì vậy họ đã chuyển sang mô hình kết hợp du mục + buôn bán. Khi hàng hóa dồi dào và thấy buôn bán có lợi hơn chăn nuôi, người du mục sẽ từ bỏ chăn nuôi mà chuyển hẳn sang thương nghiệp. Nhưng thương nghiệp thì phải có kho bãi, phải có nơi gặp gỡ để trao đổi hàng hóa. Và thế là cuộc sống định cư hình thành, dân số tăng lên; các khu định cư buôn bán, các kho bãi, chợ búa sẽ phát triển thành đô thị. Để phục nhu cầu của đô thị và có hàng hóa mang trao đổi lấy hàng nông nghiệp về nuôi sống đô thị, đồng thời với sự phát triển của khoa học - sản phẩm của tư duy phân tích, một xã hội công nghiệp sẽ được hình thành.
2.3. Những đặc trưng của hai loại hình văn hóa
Mỗi loại hình văn hóa trọng động và trọng tĩnh (gốc du mục và gốc nông nghiệp) là một chùm những đặc trưng khu biệt theo từng thành tố (tiểu hệ) do môi trường sống và loại hình kinh tế quy định. Đi sâu vào các đặc trưng, ta thấy chúng liên quan chặt chẽ với nhau, cho phép từ cái nọ suy ra cái kia và suy ra tất cả các đặc trưng của mỗi nền văn hóa cụ thể. Lối tư duy này có thể giúp ta tìm ra những quy luật văn hóa, làm nên cái thần của văn hóa học như một khoa học.
2.3.1. Trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên hình thành hai thái độ đối lập: Dân nông nghiệp sống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, ở cố định một chỗ với cái nhà, cái cây của mình nên có ý thức tôn trọng, không dám ganh đua với thiên nhiên. Sống hòa hợp với thiên nhiên - đó là mong muốn của cư dân các nền văn hóa trọng tĩnh phương Đông. Người Việt Nam mở miệng là nói "lạy trời", "nhờ trời", "ơn trời": "Lạy trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp"; "Ơn trời mưa nắng phải thì, Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu"... (ca dao).
Còn dân du mục thì nếu thấy ở nơi này không thuận tiện, họ có thể dễ dàng bỏ đi nơi khác, do vậy dẫn đến tâm lý coi thường thiên nhiên; bởi vậy mà các nền văn hóa phương Tây trọng động luôn mang trong mình tham vọng chinh phục và chế ngự thiên nhiên. V.C. Ferkiss đã nhận xét rằng tư tưởng phương Tây cổ truyền, từ triết học Hy-La, qua Thiên chúa giáo, đến triết học duy lý Descartes luôn bộc lộ "khuynh hướng khuyến khích một thái độ thù địch với thiên nhiên...: thiên nhiên phải được chinh phục, vì nó là thù nghịch" [dẫn theo: Trần Quốc Vượng 1980].
Mỗi thái độ đều có mặt hay mặt dở riêng của nó. Tôn trọng thiên nhiên có cái hay là giữ gìn được môi trường sống tự nhiên nhưng có cái dở là khiến con người trở nên rụt rè, e ngại. Coi thường thiên nhiên có cái hay là khuyến khích con người dũng cảm đối mặt với thiên nhiên, khuyến khích khoa học phát triển, nhưng có cái dở là hủy hoại môi trường.
Chỉ trong vài thế kỷ gần đây, sự phát triển công nghiệp của chủ nghĩa tư bản đã làm mất đi gần 50% diện tích rừng nhiệt đới (từ 13,6 triệu km2 xuống còn 7,8 triệu km2). Thảm thực vật bị phá hủy khiến nó không hấp thụ hết thán khí (CO2) mà các nước công nghiệp phương Tây thải ra ngày càng nhiều, tạo nên "hiệu ứng nhà kính" khiến cho trái đất đang nóng dần lên cùng vô vàn những hậu quả không thể lường trước hết được.
Từ lâu, F.Engels trong cuốn Phép biện chứng của tự nhiên đã cảnh cáo rằng "Chúng ta không nên quá tự hào về những thắng lợi của mình đối với giới tự nhiên. Bởi vì, cứ mỗi lần, giới tự nhiên lại trả thù chúng ta". Và ông kêu gọi: "Vấn đề của con người không phải là chiến thắng thiên nhiên mà là sống trong một sự hòa hợp có ý thức và tế nhị với thiên nhiên!".
Nhà triết học Nga nổi tiếng V.V. Nalimo[1991] cũng nhận xét "Tham vọng làm chủ tự nhiên vô hạn độ đang đẻ ra một loạt hiện tượng tiêu cực ngày càng tăng: <...> môi trường bị ô nhiễm, thổ nhưỡng bị phá hủy, khí quyển bị thay đổi; các bệnh tâm thần và mức độ sinh đẻ các trẻ khuyết tật gia tăng <...>. Những vấn đề xã hội - kinh tế của quá khứ hàng thế kỷ nay tác động đến thế giới phương Tây, đã bắt đầu nhường chỗ cho những vấn đề sinh tồn... Đó là sự từ bỏ khát vọng chiếm lĩnh tự nhiên. Là việc đi tìm những con đường mở ra khả năng tồn tại của con người trong sự hòa hợp với tự nhiên".
2.3.2. Về mặt nhận thức, hai loại hình văn hóa này tạo nên hai kiểu tư duy trái ngược nhau: Nghề nông, nhất là nghề nông nghiệp lúa nước, sống phụ thuộc vào thiên nhiên rất nhiều - không chỉ phụ thuộc vào một hai hiện tượng riêng lẻ nào, mà là cùng một lúc phụ thuộc vào tất cả: Trời, đất, nắng, mưa... Nắng nhiều quá cũng chết mà không nắng cũng chết, mưa nhiều quá cũng chết mà không mưa cũng chết. Cho nên người Việt nói: Trông trời, trông đất, trông mây, Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm... Trông cho chân cứng đá mềm, Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng (ca dao).
Đó chính là đầu mối của lối tư duy tổng hợp4. Tổng hợp kéo theo biện chứng - cái mà người nông nghiệp quan tâm không pải là tập hợp của các yếu tố riêng rẽ, mà là những mối quan hệ qua lại giữa chúng. Tổng hợp là bao quát được mọi yếu tố, còn biện chứng là chú trọng đến mọi mối quan hệ giữa chúng - đó chính là đặc trưng tư duy của văn hóa gốc nông nghiệp trọng tĩnh mà nông nghiệp lúa nước là điển hình. Người Việt tích lũy được một kho kinh nghiệm hết sức phong phú về các loại quan hệ này: Trời đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa; Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa; Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống; Được mùa lúa thì úa mùa cau, được mùa cau thì đau mùa lúa (tục ngữ); Mồng tám tháng tám không mưa, bỏ cả cày bừa mà nhổ lúa đi... (ca dao). Người xưa đã tìm ra không chỉ những mối qua hệ giữa các hiện tượng thiên nhiên, mà còn rất chú ý đến cả những mối quan hệ giữa chúng với các hiện tượng trong đời sống thường ngày và trong xã hội: Thâm đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm vú thì chửa; Cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà ghẹ ổ... (tục ngữ).
Ngược lại, đối tượng quan tâm của nghề chăn nuôi không tản mạn mà tập trung vào đàn gia súc, con vật. Xuất phát từ cái chỉnh thể, tư duy của con người tất yếu đi theo lối phân tích để tách ra các yếu tố cấu thành; từ con vật hoàn chỉnh mổ xẻ chia ra các bộ phận. Và đối tượng quan tâm ở đây tập trung vào chính các bộ phận riêng lẻ ấy (vì mối liên hệ giữa chúng trong chỉnh thể đã là đương nhiên), cho nên phân tích kéo theo siêu hình - chú ý tới các yế, trừu tượng hóa chúng khỏi các mối liên hệ. Phân tích và siêu hình - đó chính là đặc trưng tư duy của văn hóa trọng động mà phương Tây là điển hình.
Ở Châu Âu, các từ "biện chứng" (dialectics) và "siêu hình" (metaphisics) đều đã có từ trước công nguyên, song chỉ có từ siêu hình (t. Hy Lạp meta phisika chỉ những phần trong tác phẩm của Aristote, xếp sau phần nói về vật lý, bàn về những cái khởi đầu bất biến, cao siêu) là được sử dụng với nghĩa gần giống ngày nay - chỉ cái bất biến, biệt lập và tĩnh tại. Từ biện chứng (t. Hy Lạp dialektike) ban đầu chỉ nghệ thuật tranh luận và phân chia khái niệm (= phân loại, tức là ở một khía cạnh nào đó, rất gần nghĩa với "siêu hình"); nghĩa dùng ngày nay chỉ mới hình thành từ thời Phục Hưng.
Tư duy phân tích và siêu hình là cơ sở cho sự hình thành và phát triển của KHOA HỌC theo nghĩa phương Tây của từ này. Khoa học hình thành theo con đường thực nghiệm, khách quan, lý tính. Một tư tưởng sẽ được coi là khoa học khi nó: a) được biện giải, lập luận một cách chặt chẽ, lý tính; và b) kiểm tra được bằng thực nghiệm. Để đạt được hai tiêu chuẩn ấy, việc nghiên cứu khoa học bao giờ cũng phải giới hạn đối tượng nghiên cứu, cô lập nó khỏi các đối tượng có liên quan (kể cả người nghiên cứu), xem xét nó như bằng cặp mắt của người khác (khách quan). Tính chặt chẽ và sức thuyết phục của khoa học từ đó mà ra. Tuy nhiên, do phương pháp khoa học bao giờ cũng giới hạn đối tượng cho nên cái đúng của khoa học chỉ là đúng trong phạm vi những giới hạn ấy (ví dụ, các định lý toán học được chứng minh rất chặt chẽ trong phạm vi của một hệ thống tiên đề không được chứng minh), bởi vậy, khoa học chỉ là những cố gắng "đi gần đến chân lý bằng cách tạo ra những trừu tượng, những khái niệm, những quy luật" [Lenin 1981]. Tức là, khoa học có nhược điểm là bao giờ cũng có phần sai lầm5. Xuất hiện một nghịch lý: chính vì luôn chứa sai lầm cho nên khoa học phát triển rất nhanh (tư tưởng trước sai nên mới có tư tưởng sau thay thế nó).
Ngược lại, ở lối tư duy tổng hợp và biện chứng, sự chú ý bị phân tán, không có điều kiện cho việc hình thành những ngành khoa học chuyên sâu, nhưng bù vào đó, nó lại là cơ sở cho việc hình thành một nền ĐẠO HỌC - đó là hệ thống những tri thức thu được bằng con đường kinh nghiệm, chủ quan, cảm tính. Vì tiếp cận đối tượng một cách tổng hợp nên phải xem xét nó trong sự tồn tại tự nhiên, trong sự liên hệ tự nhiên với vạn vật và con người (kể cả người nghiên cứu), nên xem xét nó bằng con mắt của chính mình (chủ quan). Vì luôn đặt mình trong liên hệ với đối tượng nghiên cứu và với tự nhiên nên phải dùng trực giác, cảm tính. Vì chủ quan và cảm tính nên mỗi người tiếp nhận luôn phải kiểm tra tính xác thực của kết luận bằng kinh nghiệm của chính mình. Do không được biện luận, chứng minh, nên tri thức đạo học có nhược điểm là sức thuyết phục thấp, nhưng bù vào đó, nó bao giờ cũng diễn đạt ngắn gọn, súc tích - tính thâm thúy của đạo học từ đó mà ra. Thêm vào đó, do được hình thành một cách tự nhiên (không bị giới hạn đối tượng) và được kiểm chứng bằng kinh nghiệm của nhiều thế hệ nên tính đúng của đạo học thường khá cao. Chính vì vậy mà tư tưởng phương Đông cổ truyền hàng ngàn đời nay ít có gì thay đổi.
Dưới góc độ đang xét, người ta cũng nói rằng đạo học phương Đông có tính cách siêu hình. Trong trường hợp này, từ "siêu hình" được dùng theo một nghĩa khác, không đối lập với khái niệm biện chứng: Nó chỉ lĩnh vực tâm linh, không nhận thức trực tiếp được bằng các giác quan (= nằm trên cái hữu hình).
2.3.4. Về mặt tổ chức cộng đồng, ta có thể xem xét trên hai phương diện: nguyên tắc tổ chức cộng đồng và cách thức tổ chức cộng đồng.
2.3.4.1. Về nguyên tắc tổ chức cộng đồng, con người nông nghiệp ưa tổ chức theo nguyên tắc trọng tình. Hàng xóm sống cố định lâu dài với nhau phải tạo ra một cuộc sống hòa thuận trên cơ sở lấy tình nghĩa làm đầu: Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình (tục ngữ). Lối sống trọng tình cảm tất yếu dẫn đến thái độ trọng đức, trọng văn, trọng phụ nữ.
Nhiều người Việt Nam không dễ gì chấp nhận ngay được điểm cuối cùng (trọng phụ nữ). Điều đó không có gì là khó hiểu, bởi lẽ do quá trình phát triển liên tục và giao thoa lẫn nhau, không có nền văn hóa nào là du mục hoàn toàn hoặc nông nghiệp hoàn toàn. Nền văn hóa Việt Nam thời kỳ sau này, đặc biệt là từ khi nhà Lê lấy Nho giáo làm quốc giáo, chịu ảnh hưởng khá nhiều của văn hóa Trung Hoa; nó đã du nhập nhiều tư tưởng trọng động (bị "du mục hóa"), trong đó có tư tưởng "nam tôn nữ ty" được đề ra từ thời Hán (về chất du mục trong văn hóa nông nghiệp Trung Hoa, xem ở sau, §3.4 và §23.2.2.1). Nhiều người chỉ biết tới những quan niệm của Nho giáo Trung Hoa "nhập cảng" sau này (kiểu như Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô, thuyết Tam tòng), rồi "tưởng" rằng tình trạng đó vốn có ở Việt Nam từ ngàn xưa là hết sức sai lầm.
Không chỉ người bình dân "tưởng" như vậy, mà ngay cả một số nhà nghiên cứu cũng "tin" do "tưởng" như vậy. Chẳng hạn, tác giả cuốn Đất lề quê thói [1992, tr.498] viết: "Tự ngàn xưa, những khi có việc làng không hề có bóng phụ nữ nơi đình trung"?! Cái "ngàn xưa" ấy thực ra chỉ là dăm bảy thế kỷ, chủ yếu từ thời Hậu Lê (khi Nho giáo trở thành quốc giáo) trở lại đây.
Trong truyền thống Việt Nam, tinh thần của người nông nghiệp định cư coi trọng ngôi nhà à coi trọng cái bếp à coi trọng người phụ nữ là hoàn toàn nhất quán và rõ nét. Tục ngữ Việt Nam chứa đựng không ít những câu thể hiện nguyên lý này: Nhất vợ nhì trời; Lệnh ông không bằng cồng bà; Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng... Phụ nữ Việt Nam là người có trách nhiệm quản lý kinh tế, tài chính trong gia đình, dân gian gọi họ là người tay hòm chìa khóa. Phụ nữ Việt Nam được xem là người có vai trò quyết định trong việc giáo dục con cái: Phúc đức tại mẫu; con hư tại mẹ; cháu hư tại bà; con dại cái mang (thành ngữ). Vì tầm quan trọng của người mẹ cho nên trong tiếng Việt, từ cái vốn có nghĩa là "mẹ" (con dại cái mang) được chuyển nghĩa thành "lớn, quan trọng, chủ yếu" (sông cái, đường cái, đũa cái, cột cái, trống cái, ngón tay cái, máy cái, chữ cái, tên cái...). Sau này, khi chế độ phụ quyền được xác lập do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, người dân đã phản ứng dữ dội qua bài ca dao:
Ba đồng một mớ đàn ông, 
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha; 

Ba trăm một mụ đàn bà, 

Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi! 
Không phải ngẫu nhiên mà vùng nông nghiệp tiêu biểu - khu vực Đông Nam Á này được nhiều học giả phương Tây gọi là "xứ sở Mẫu hệ" (le Pays du Matrircat)6. Cho đến tận bây giờ, ở các dân tộc ít chịu hoặc hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Chăm và nhiều dân tộc Tây Nguyên (Êđê, Giarai...), vai trò của phụ nữ vẫn rất lớn: phụ nữ chủ động trong hôn nhân, chồng về ở đằng nhà vợ, con cái đặt tên theo họ mẹ...
Nói về phụ nữ Việt Nam, A. Pazzi (Vũ Hạnh) đã nhận định: "Xét trong văn học bình dân, ta thấy người phụ nữ Việt Nam, mặc dầu khổ cực nhưng rất được yêu quý, nể vì, không như phụ nữ bình dân nhiều nước phương Tây chịu sự đối đãi thô lỗ, nhiều khi quá mức chênh lệch với người đàn ông... Phần nhiều đàn bà có một ngôi vị quan trọng, nhiều khi quyết định ở trong gia đình. Bởi lẽ người đàn bà ấy nắm hết cơ sở vật chất, quản trị trong nhà, giữ mối liên lạc đối với họ hàng, bà con, thấy rõ ràng trọng trách của gia đình mình đối với làng nước" [1970, tr.56].
Càng đi về phía Bắc (Trung Hoa) và phía Tây (Ấn Độ), sự phân biệt đối xử nam nữ càng rõ: O.W.Wolters trong khi nghiên cứu đặc trưng văn hóa Đông Nam Á [1995: 19] đã nói đến "sự bình đẳng cả nam lẫn nữ và cả hai phái đều có thể nhận quyền thừa kế" như một nét đặc trưng nổi bật, sự bình đẳng này giải thích tại sao "có sự giống nhau bề ngoài giữa nam thần và nữ thần ở tiểu tượng học Java, trong khi đó sự khác biệt về giống đã được thể hiện không thể nhập nhằng trong tiểu tượng học Ấn Độ".
Đến phương Tây thì nguyên tắc tổ chức cộng đồng của họ là trọng sức mạnh, trọng tài, trọng võ, trọng nam giới. Vào thời La Mã cổ đại, phụ nữ không hề có tên riêng: cho đến nay, nhiều nước châu Âu vẫn giữ tục lệ phụ nữ mang họ + tên chồng trong cả các văn bản chính thức; ở một số dân tộc phương Tây, con cái mang họ cha chưa đủ mà còn phải luôn kèm thêm cả tên cha bên cạnh. Truyền thuyết Thiên Chúa giáo coi người đàn bà chỉ là cái xương sườn của người đàn ông mà thôi! Khi có mâu thuẫn liên quan đến một người đàn bà, những người đàn ông phương Tây xưa giải quyết bằng cách đấu gươm và sau này thì đấu súng với nhau mà không hề quan tâm đến ý kiến của chị ta. Trong các ngôn ngữ phương Tây, nhiều danh từ chỉ nghề nghiệp hoặc chức vụ quan trọng đều mang giống đực hoặc cấu tạo với từ căn mang nghĩa "người đàn ông", chẳng hạn trong tiếng Anh: chairman (chủ tịch), hedman (thợ cả), shopman (người bán hàng), tradesman (người buôn bán), newsman (người bán báo), oilman (người bán dầu),...
2.3.4.2. Lối tư duy tổng hợp và biện chứng, luôn phải đắn đo cân nhắc của người làm nông nghiệp cộng với lối sống trọng tình đã dẫn đến cách thức tổ chức cộng đồng theo lối linh hoạt, luôn biến báo cho thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, dẫn đến triết lý sống của người Việt Nam là: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài; Đi với Bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy (tục ngữ). Nguyên tắc sống trọng tình cảm và nhu cầu về một cuộc sống hòa thuận càng làm cho lối sống linh hoạt trở nên đậm nét hơn và là cơ sở của tâm lý hiếu hòa trong quan hệ xã hội: Ngày xưa, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, mỗi khi thế thắng đã thuộc về ta một cách rõ ràng, chỉ cần dấn thêm một trận nữa là toàn thắng, cha ông ta đều luôn biết dừng lại và chủ động "cầu hòa", trải chiếu hoa cho giặc về, mở đường cho giặc rút lui trong danh dự (xem §26.1.1).

Muốn sống dựa trên tình cảm, trong quan hệ xã hội con người còn phải biết tôn trọng nhau và cư xử bình đẳng (dân chủ) với nhau. Đó là nền dân chủ làng mạc, nó có trước nền quân chủ phong kiến phương Đông và nền dân chủ tư sản phương Tây. Lối sống trọng tình và cách cư xử dân chủ dẫn đến đặc trưng quan trọng bậc nhất của văn hóa nông nghiệp là tâm lý coi trọng tập thể, cộng đồng. Người Việt Nam làm gì cũng phải tính đến tập thể, luôn có tập thể đứng sau.
Ngược lại, tư duy phân tích và siêu hình của văn hóa trọng động dẫn đến cách thức tổ chức cộng đồng theo nguyên tắc. Cuộc sống du cư của tổ tiên khi xưa đòi hỏi con người luôn phải sống có tổ chức, phải tuân thủ kỷ luật chặt chẽ, sớm dẫn đến sự hình thành một nếp sống theo pháp luật, với tính tổ chức cao. Cách thức tổ chức theo nguyên tắc liên quan đến lối sống trọng lý - đề cao lý trí (theo lối nói cực đoan phương Tây là duy lý). Để duy trì được nguyên tắc, kỷ luật, văn hóa trọng động tạo ra cách cư xử mà quyền lực tuyệt đối nằm trong tay người cai trị (quân chủ)7. Nền quân chủ hà khắc phương Tây thống trị bằng sức mạnh và thanh kiếm kéo dài suốt thời Trung cổ, khiến cho cuộc sống trở nên không thể chịu đựng được8. Những cuộc cách mạng tư sản nối tiếp nhau đã đưa châu Âu sang giai đoạn dân chủ tư sản, và với nền dân chủ này, vai trò của phụ nữ mới bắt đầu được đề cao. Song ban đầu nó chỉ như một thứ mốt, nó thiên về những biểu hiện hình thức ngoài đường hơn thực chất trong nhà. Mãi đến năm 1920, phụ nữ Mỹ mới được quyền bỏ phiếu, đến năm 1928 phụ nữ Anh mới được quyền bầu cử.
Tư duy phân tích, cách tổ chức cộng đồng theo nguyên tắc, v.v... dẫn đến một đặc điểm quan trọng của văn hóa phương Tây là tâm lý trọng cá nhân. Thời trung cổ trở về trước là coi trọng cá nhân người cai trị, thời dân chủ tư sản về sau là coi trọng tự do cá nhân của mỗi con người.
2.3.4.3. Mỗi lối sống có cái ưu và nhược điểm riêng của nó. Không phải cứ linh hoạt, trọng tình, dân chủ là tốt; ngược lại, nguyên tắc, trọng võ, quân chủ là xấu.
Nếu như mặt trái của nguyên tắc là máy móc, rập khuôn cứng nhắc; mặt trái của quân chủ là áp đặt thiếu bình đẳng thì mặt trái của linh hoạt là tùy tiện, mặt trái của dân chủ là tâm lý hòa cả làng, bệnh coi thường phép nước (Phép vua thua lệ làng - tục ngữ). Biểu hiện tiêu biểu của bệnh tùy tiện là tật co giãn trong khái niệm giờ giấc (giờ cao su), của bệnh coi thường phép nước là sự thiếu tôn trọng pháp luật, rõ nhất là trong giao thông... Nguyên tắc sống trọng tình cảm làm cho bệnh tùy tiện và coi thường phép nước càng trở nên trầm trọng hơn: Đưa nhau đến trước cửa quan, Bên ngoài là lý, bên trong là tình (ca dao)... Nó dẫn đến tệ "đi cửa sau" trong giải quyết công việc (một khi tình cảm đã thông thì mọi việc đều có thể "linh động" xong hết): Nhất thân, nhì quen, tam thần, tứ thế (tục ngữ mới). Trọng tình và linh hoạt làm cho tính tổ chức của người nông nghiệp kém hơn hẳn so với cư dân gốc du mục.
2.3.5. Trong lối ứng xử với môi trường xã hội, tư duy tổng hợp và phong cách linh hoạt của văn hóa nông nghiệp còn quy định thái độ dung hợp trong tiếp nhận và mềm dẻo, hiếu hòa trong đối phó; trong khi đó tinh thần trọng võ, lối sống theo nguyên tắc của văn hóa trọng động dẫn đến lối ứng xử độc tôn trong tiếp nhận và cứng rắn, hiếu thắng trong đối phó (ưa giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực và khi giải quyết luôn có tham vọng buộc đối phương khuất phục hoàn toàn).
Các quốc gia có văn hóa trọng động thường duy trì một đường lối cai trị hà khắc, trong tôn giáo thì độc tôn và trong quan hệ với các quốc gia lân bang thì thường giải quyết mâu thuẫn bằng chiến tranh. Lịch sử nhân loại cho thấy rằng tất cả những cuộc chiến tranh xâm lược đều do những dân tộc thuộc loại hình văn hóa trọng động (hoặc động hơn) gây ra cho những dân tộc thuộc loại hình văn hóa trọng tĩnh (hoặc tĩnh hơn).
Đối phó với các cuộc chiến tranh xâm lược, người nông nghiệp Việt Nam luôn mềm dẻo. Ở Việt Nam không những không bao giờ xảy ra chiến tranh tôn giáo mà ngược lại, mọi tôn giáo thế giới (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Kitô giáo, Hồi giáo) đều được tiếp nhận dễ dàng. Sở dĩ như vậy là vì tính dung hợp là sản phẩm của lối tư duy tổng hợp, còn tính mềm dẻo là sản phẩm của lối sống linh hoạt và lối tư duy biện chứng; cả hai đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của lối sống thiên về tình cảm đã nói đến ở trên.
2.3.6. Các đặc trưng vừa phân tích của hai loại hình văn hóa trọng tĩnh và trọng động có thể được trình bày trong bảng 2.1.
TIÊU CHÍ
VH TRỌNG TĨNH
(gốc nông nghiệp)
VH TRỌNG ĐỘNG
(gốc du mục)
Đặc trưng gốc
Địa hình
Đồng bằng (ẩm, thấp)
Đồng cỏ (khô, cao)
Nghề chính
Trồng trọt
Chăn nuôi
Cách sống
Định cư
Du cư
Ứng xử với
môi trường tự nhiên
Tôn trọng, sống hòa hợp với thiên nhiên
Coi thường, tham vọng
chế ngự thiên nhiên
Lối nhận thức,
tư duy
Thiên về tổng hợp và biện chứng (trọng quan hệ); chủ quan, cảm tính và kinh nghiệm
Thiên về phân tích và siêu hình (trọng yếu tố); khách quan, lý tính và thực nghiệm
Tổ chức
cộng đồng
Nguyên tắc 
tổ chức CĐ
Trọng tình, trọng đức, trọng văn, trọng nữ
Trọng sức mạnh, trọng tài, trọng võ, trọng nam
Cách thức
tổ chức CĐ
Linh hoạt và dân chủ,
trọng cộng đồng
Nguyên tắc và quân chủ, 
trọng cá nhân
Ứng xử với 
môi trường xã hội
Dung hợp trong tiếp nhận; mềm dẻo, hiếu hòa trong đối phó
Độc tôn trong tiếp nhận; cứng rắn, hiếu thắng trong đối phó
Bảng 2.1: So sánh các đặc trưng của hai loại hình văn hóa

Đây là hai loại hình văn hóa cơ bản có tính cách bao trùm. Mọi nền văn hóa trên thế giới đều không thoát ra ngoài hai loại hình văn hóa này. Tuy nhiên, cũng không nên hiểu chúng một cách máy móc. Trong việc hình thành các loại hình văn hóa thì các điều kiện tự nhiên giữ vai trò chi phối chủ đạo, còn ở những biểu hiện cụ thể của chúng trong thực tế thì cả các điều kiện tự nhiên và xã hội đều đóng vai trò quan trọng khiến cho hai loại hình này mang tính đan cài rất đa dạng. Sự đa dạng này có thể quy về ba quy luật.
2.3.6.1. Thứ nhất, trong thời gian, các đặc trưng của hai loại hình văn hóa được đa dạng hóa bởi quy luật phát triển hình sin mang tính chu kỳ. Chu kỳ này thường có các bước phát triển không đồng đều. Chính sự không đồng đều ấy là cơ sở cho phép xác định loại hình cho từng nền văn hóa.
Thật vậy, về kinh tế, nhân loại nhìn chung phát triển qua các hình thái: hái lượm và săn bắt, trồng trọt và chăn nuôi, công nghiệp và thương nghiệp, văn minh trí tuệ (tin học)... Sơ đồ tiến hóa chung là như thế, nhưng việc một nền văn hóa trải qua những giai đoạn nào, giai đoạn ấy diễn ra chớp nhoáng hay kéo dài thì còn tùy thuộc vào các điều kiện tự nhiên và xã hội cụ thể.
Điều kiện tự nhiên miền Tây Bắc của thế giới (phương Tây) thuận lợi hơn cho việc chăn nuôi, vì vậy chăn nuôi du mục ở đây phát triển, còn nông nghiệp trồng trọt giữ một vai trò rất nhỏ bé; nền kinh tế này sớm chuyển sang thương mại và công nghiệp - một sự chuyển biến được hỗ trợ bởi sự phát triển của khoa học kỹ thuật - sản phẩm của tư duy phân tích (điều kiện xã hội). Mục súc và công thương nghiệp là hai giai đoạn phát triển chủ yếu của kinh tế phương Tây. Do điều kiện xã hội, không phải tất cả các cộng đồng du mục điều phát triển thành đô thị và công nghiệp. Du mục muốn chuyển sang thương nghiệp thì hàng hóa phải dồi dào. Thương nghiệp muốn chuyển thành đô thị thì phải sống định cư tại những vùng giao thông thuận tiện với số dân tăng đến một mức nào đó. Muốn hình thành công nghiệp thì phải có khoa học kỹ thuật phát triển. Người Mông Cổ không hội đủ những điều kiện đó nên đến nay vẫn còn du mục; người Digan thì đã thôi du mục và sống phân tán thành từng nhóm nhỏ.
Trong khi đó, điều kiện tự nhiên chủ yếu của miền Đông Nam (phương Đông) là đồng bằng sông nước và núi non, thuận lợi hơn cho việc trồng trọt. Chính vì vậy mà, "trên cơ sở kinh tế hái lượm phát triển ở vùng rừng nhiệt đới, các bộ lạc Hòa Bình đã thực hiện một bước nhảy có ý nghĩa lớn lao...: phát minh nông nghiệp" [Phan Huy Lê...1991: 20]. Nông nghiệp trồng trọt ở đây phát triển mạnh trong một thời gian dài, gần đây mới bắt đầu công nghiệp hóa, nhưng công nghiệp thuần túy rồi sẽ qua nhanh nhường chỗ cho văn minh trí tuệ... Biểu đồ so sánh sự phát triển kinh tế Đông Tây (hình 2.7) cho thấy rõ quy luật hình sin này với dự đoán tất yếu rằng thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của phương Đông (châu Á-Thái Bình Dương).


Cần phân biệt các loại hình văn hóa (gốc nông nghiệp và gốc du mục) nói đến ở đây như những phạm trù khoa học với nội hàm là chùm các đặc trưng đã xác định với các khái niệm "văn hóa nông nghiệp", "văn hóa du mục" trong quan hệ với "văn hóa công nghiệp", "văn hóa hậu công nghiệp"... như sản phẩm của sự phân loại các lối sống theo cơ sở kinh tế; "văn hóa nông thôn" - "văn hóa đô thị" như sản phẩm của sự phân loại các lối sống theo khu vực cư trú. Học thuyết các hình thái kinh tế - xã hội của K. Marx với các giai đoạn công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư sản... là sự phân loại các giai đoạn văn hóa theo tiến trình lịch sử.
Về tổ chức xã hội, các nền văn hóa đều đi qua các hình thức: dân chủ1 (sơ khai) ® quân chủ ® dân chủ2... Hình thức dân chủ sơ khai phù hợp với tổ chức xã hội nông nghiệp nên ở các nền văn hóa nông nghiệp, giai đoạn dân chủ này tồn tại khá dài, nó để lại dấu ấn rõ rệt ngay cả khi đã bước vào quân chủ phong kiến (ở Việt Nam, chỉ đến triều Lê nó mới phai nhạt).
Ngược lại, ở các nền văn hóa trọng động phương Tây thì giai đoạn dân chủ sơ khai đã chết yểu nhường chỗ cho nền quân chủ bộ lạc, rồi quân chủ phong kiến kéo dài tới khi có nền dân chủ tư sản thay thế. Ngay cả cái thể chế gọi là cộng hòa của Hy Lạp - La Mã cũng đã mang đầy sự bất bình đẳng rồi: Trong sách République, Platon phân biệt ba đẳng cấp: lớp quý tộc thống trị, lớp võ sĩ và lớp bị trị; Aristote cho rằng nô bộc là hạng người trời sinh ra để làm công cụ cho lớp thống trị, cũng như phụ nữ là để sản xuất và nuôi con [Nguyễn Phút Tấn 1967: 74,79].
Về tôn giáo, phương Tây từ tín ngưỡng đa thần sơ khai nhanh chóng chuyển sang nhất thần giáo và tôn giáo độc tôn, còn ở các nền văn hóa gốc nông nghiệp trọng tĩnh thì tín ngưỡng đa thần được kế tục bằng tình trạng đa tôn giáo.
2.3.6.2. Trong không gian, hai loại hình văn hóa được đa dạng hóa bởi quy luật phát triển đan cài do giao lưu văn hóa, do sự khác biệt về các điều kiện tự nhiên và xã hội trong nội bộ mỗi vùng, mỗi nền văn hóa. Do vậy mà không có nền văn hóa nào là tĩnh hoàn toàn hoặc động hoàn toàn, nông nghiệp hoàn toàn hoặc du mục hoàn toàn. Tự thân các thuật ngữ "trọng tĩnh" và "trọng động", "gốc nông nghiệp" và "gốc du mục" mà chúng tôi dùng đã nói lên rất rõ điều đó.
Theo quy luật này thì ta không chỉ thấy văn hóa phương Tây thiên về tính động, phương Đông thiên về tính tĩnh mà còn có thể thấy rõ rằng trong phương Đông trọng tĩnh thì văn hóa Trung Hoa lại thiên về tính động (xem ở dưới, §3.4), còn văn hóa Việt Nam thiên về tính tĩnh (rất tĩnh = nông nghiệp điển hình). Ngay trong nội bộ Trung Hoa cũng không khó khăn gì có thể phân biệt khu vực phía Bắc thiên về tính động (phát triển chăn nuôi, thương nghiệp và đô thị...); còn khu vực phía Nam thiên về nông nghiệp tính tĩnh.
Căn cứ vào những đặc trưng đã nêu, ta luôn có thể nhận diện và xác định mức độ trọng tĩnh (nông nghiệp) hay trọng động (du mục) của từng nền văn hóa. Theo đó có thể thấy sự phân chia Đông-Tây truyền thống (xem §2.2.2) chưa phải là hợp lý, bởi lẽ bên cạnh hai vùng văn hóa gốc nông nghiệp và gốc du mục khá điển hình (cực Tây-Bắc và cực Đông-Nam), có một vùng đệm khá lớn bao gồm từ châu Phi qua Ai Cập lên Đông Xibiri sang tới Ấn Độ, Mông Cổ, Bắc Trung Hoa - vùng này mang những đặc trưng của cả hai loại hình trên nhiều phương diện[3].
Mỗi giai đoạn phát triển của văn hóa (mỗi loại hình văn minh) cũng có thể được xem xét trên phương diện mức độ trọng tĩnh hoặc trọng động. Chẳng hạn, công nghiệp và đô thị là trọng động, đối lập với nông nghiệp và nông thôn trọng tĩnh.
2.3.6.3. Quan hệ giữa hai loại hình văn hóa về cơ bản tuân theo một quy luật chung là chiến tranh thường đi từ vùng du mục hơn đến vùng nông nghiệp hơn, ngược lại văn hóa lại thường đi từ vùng nông nghiệp hơn đến vùng du mục hơn.
Xét trên đại thể có thể nói rằng chiến tranh thường đi từ Tây-Bắc xuống Đông-Nam: Người Aryens xâm lăng Ấn Độ và tổ tiên người Trung Hoa chiếm lĩnh vùng sông Hoàng Hà đều từ miền Tây Bắc; người Trung Hoa từ đời Tần - Hán thì bành trướng xuống vùng phía Nam sông Dương Tử; người Mông Cổ, Mãn Thanh thì xâm lăng Trung Hoa; người Bắc Âu (Noócmăngđi, Giécmanh) xâm lăng Trung và Nam Âu (vùng Địa Trung Hải); người vùng Địa Trung Hải (La Mã) thì xâm lăng Ai Cập và Ba Tư... Còn văn hóa thì thường đi từ Đông Nam lên Tây Bắc; Ở phía Tây thì từ Ai Cập và Lưỡng Hà lên Địa Trung Hải, từ Địa Trung Hải lên vùng Bắc Âu; ở phía Đông thì từ vùng phía Nam sông Dương Tử lên vùng lưu vực sông Hoàng Hà, từ phía Đông sông Hoàng Hà sang phía Tây sông Hoàng Hà, từ lưu vực sông Hoàng Hà lên vùng Mông Cổ...
Dưới đây, khái niệm về hai loại hình văn hóa sẽ được vận dụng để tìm hiểu văn hóa Việt Nam trong sự so sánh với phương Tây và khu vực. Ngoài ra, trên cơ sở vận dụng nguyên lý âm dương (xem §5.1), chúng tôi cũng sẽ còn trở lại phân tích thêm về hai loại hình văn hóa này.
Ghi chú
[1] Thuật ngữ của Hà Văn Tấn [1981]. Trần Quốc Vượng [1991] dịch là giao thoa; Sơn Nam [1992] dịch là thụ ứng.
2 Chính là xuất phát từ cái nhìn Tây phương đó mới có các khái niệm cận Đông để chỉ vùng Ai Cập - Palestin; Trung Đông để chỉ vùng Iran-Afganistan; Viễn Đông để chỉ vùng Đông Xibêri, Triều Tiên, Nhật Bản, Đông Trung Quốc, Đông Nam Á (ss. Viện Viễn Đông Bắc cổ do người Pháp lập ra ở Hà Nội). Như vậy, "gần", "giữa" và "xa" đây đều là cách nhìn lấy châu Âu làm gốc, các khái niệm này không thích hợp với các dân tộc ngoài châu Âu.
[2] Giải thích sự khác biệt giữa Hy Lạp và Trung Hoa, Phùng Hữu Lan [1968: 41-43] đưa ra đối lập "xứ ven biển" và "xứ đại lục": vì ven biển nên buôn bán giỏi, và vì ở lục địa nên làm nông nghiệp. Cách giải thích này không đủ sức thuyết phục, vì không chỉ Hy Lạp, mà cả người phương Tây trong lục địa cũng đều buôn bán giỏi. Trung Hoa có cả lục địa lẫn biển, Việt Nam thì ở ven biển, vậy mà trong khi tài buôn bán của người Hoa đã nổi tiếng từ lâu thì người Việt Nam truyền thống lại ghét nghề buôn thực sự. Sở dĩ như vậy là vì từ châu Âu qua Trung Hoa tới Đông Nam Á (từ Tây-Bắc tới Đông-Nam), chất trọng động ("du mục") giảm dần và chất trọng tĩnh ("nông nghiệp") tăng dần. Nền văn hóa Trung Hoa ở giữa hai cực ấy nên ít nhiều mang tính nước đôi.
4 GS Nguyễn Đình Chú [1995] gọi là lối tư duy cầu tính (global, sphèrique): hỗn hợp giữa trực giác và lý tính, vô thức và hữu thức, tiềm thức và ý thức...
5 V.V. Nalimonhận xét một cách dí dỏm: "Tuyệt đại đa số mọi người trong xã hội (mà chúng ta đang sống) tin vào vòng hào quang không thể sai lầm bao quanh khoa học. Tin vào tính khách quan vô điều kiện của nó. Họ tin vào khoa học như ngày xưa người ta tin rằng tôn giáo không thể sai lầm và ma thuật là vạn năng". Ông đặt câu hỏi: "Bản thân khoa học liệu có khoa học hay không?" [Nalimo1991].
6 Quan niệm cho rằng mẫu hệ "sơ khai" hơn và "có trước" phụ hệ đến nay đã không còn đúng nữa [Trần Quốc Vượng 1995]: Nền văn minh Chàm không thể nói là của một dân tộc "sơ khai". Cùng ở Tây Nguyên, nhưng trong khi các dân tộc Êđê và Giarai theo mẫu hệ thì Bana và Xơđăng lại theo phụ hệ - không ai có thể nói rằng nhóm nào "sơ khai" hơn nhóm nào!
7 Chế độ quân chủ (monarchie) theo Aristote là chính thể do một người cai quản. Sau này người ta mới nêu ra thành ba nguyên tắc: 1) Không chia xẻ (toàn bộ quyền lực nằm trong tay một người); 2) Trọng trưởng; 3) Trọng nam.
8 Dante Alighieri (1265-1321), tư tưởng gia vĩ đại người Ý, người mở đường cho thời đại Phục hưng, đã viết trong cuốn Bàn về chế độ quân chủ (De Monarchia) rằng "cuộc chinh phục thế giới Âu-Tây của dân La Mã gần như một cuộc đấu gươm, hễ ai thắng thì có toàn quyền toàn lợi" [Nguyễn Phút Tấn 1967: 138].
[3] Bởi vậy, nếu chia thành 3 vùng thì sẽ chính xác hơn; nhưng đây đã là phạm vi của khoa học luận: phân loại chia đôi thì khái quát hơn nhưng kém chính xác, trong khi chia ba, chia năm thì chính xác hơn nhưng kém khái quát. Điều đó đúng cho mọi sự phân loại: tốt-xấu; hiền-dữ; nam-nữ...

GS, TSKH. Trần Ngọc Thêm
Nguồn: http://www.vanhoahoc.edu.vn/
Đọc phần đầu: 1. VĂN HÓA VÀ CẤU TRÚC VĂN HÓA

Không có nhận xét nào: