Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

BẢO ĐỊNH GIANG (SÔNG BẢO ĐỊNH)

Bảo Định là một con sông nhỏ, rộng khoảng 30 mét và dài khoảng 25 km. Bảo Định nối liền giữa sông Vàm Cỏ Tây (thị xã Tân An) đến sông Tiền Giang (qua cầu Quay, tp Mỹ Tho).
.
Bảo Định giang được chia làm 2 phần:
1/ Đoạn kênh đào dài khoảng 19 km, đi từ sông Vàm Cỏ Tây (km 1948, tại thị xã Tân An) đến cầu Bến Chùa ( tại km 1967, Quốc lộ 1A). Đoạn kênh này song song với Quốc lộ 1A, (hướng đi từ tp HCM về miện Tây)
2/ Sau khi hợp nhất với con rạch Bến Chùa (đổ về từ Chợ Bưng). Nó rộng hơn và cùng chảy ra sông Tiền, qua cầu Quay, tp Mỹ Tho. Đây là đoạn sông tự nhiên dài khoảng 6 km.

LỊCH SỬ

Ngày xưa cách nay hơn 300 năm, sông Bảo Định cong queo, uốn lượn như một con rồng nhỏ trên một vùng đất của tỉnh Định Tường.

Thời vua Minh Mạng (1791 – 1841) đã cho đào một con kênh từ cầu Bến Chùa (km 1967, QL 1A) theo hướng Tân An để thuận tiện cho việc lưu thông và chuyên chở hàng hóa từ miền Tây về Sài Gòn. Ngày nay vị thế giao thông của Bảo Định giang không còn quan trọng, nó đã bị thay thế bởi kênh đào Chợ Gạo (được đào từ thời Pháp thuộc), Tuyến đường miền Tây về Sài Gòn qua kênh đào Chợ Gạo ngắn hơn phân nữa so với tuyến đường Mỹ Tho- Tân An (qua Bảo Định giang) rồi theo Vàm Cỏ Tây ra cửa Soài Rạp

Chuyện kể ngày xưa khi đào con kênh Bảo Định, những người điều hành công trình nhận tiền đút lót của chủ đất (địa chủ) nên đã không cho đào con kênh đi qua vùng đất đó. Dòng kênh cong queo (đoạn tại chợ Phú Kiết), không còn thẳng tấp như bản vẻ ban đầu. Kết quả là ba tên tham quan đã bị chặt đầu bởi Thượng phương bảo kiếm. Ngày nay 3 ngôi mộ của họ vẫn còn tại đoạn đường quanh co ở chợ Phú Kiết. 

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền lại câu chuyện thời Nguyễn Ánh chạy trốn sự truy lùng của Tây Sơn, Thuyền của Nguyễn Ánh đã đi lạc vào vào một nhánh sông nhỏ của Bảo Định giang (đoạn qua cầu Sắt, Mỹ Phong, Mỹ Tho) về hướng Thanh Bình. Đến đây không còn đường để đi tiếp đến Tân An, nên Nguyễn Ánh đã phải bỏ lại thuyền với cột buồm cao vút (di tích còn lại là bàu Cột Buồm tại Thanh Bình)

Tôi cũng có dịp nghe nhiều ông lão địa phương kể lại là trên dòng sông Bảo Định này sẽ có một ông vua, Khi tra cứu từ điển, tôi không thấy có một ông vua nào xuất thân trên lưu vực Bảo Định giang này. Có lẽ đó là một câu chuyện truyền khảu từ Sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chăng?

Xin mượn bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của TẾ HANH, để diễn tả tình cảm về dòng Bảo Định giang:
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng
.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
.
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
.
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
PHÙNG TRUYỀN (sưu tầm và tổng hợp)

Không có nhận xét nào: