Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

THỦ THIÊM - THÀNH PHỐ CỦA TƯƠNG LAI

Hơn một trăm năm qua, bán đảo được hình thành tự nhiên ở phía Ðông dòng sông Sài Gòn với tên gọi "Thủ Thiêm" - đã tạo ra tiềm năng để mở rộng trung tâm lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh. Trong vòng 10 năm qua, ý tưởng phát triển khu Thủ Thiêm 700ha trở thành một trung tâm đô thị đầy sức sống để cư trú, làm việc và hoạt động thương mại đã trở thành sự thật.

Thị trường địa ốc quận 2 (TPHCM) luôn “ngóng” theo các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn. Cách đây 3 năm là cầu Thủ Thiêm, sau đó là cầu Phú Mỹ, đại lộ Đông - Tây và mới đây là hầm Thủ Thiêm hoàn thành khiến cho quy hoạch đô thị quận 2 ngày càng rõ nét hơn.

Quy hoạch mở

Dự án KĐT mới Thủ Thiêm vừa được BQL dự án công bố điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 đã được UBND TPHCM phê duyệt.

 Đường dẫn vào cầu Thủ Thiêm.

Theo đó, diện tích sàn xây dựng tại Thủ Thiêm sẽ tăng thêm 40% (từ 5,4 triệu lên 7,6 triệu mét vuông), tuy nhiên vẫn sẽ ưu tiên cho không gian mở và hiện đại, cho các công trình công cộng như nhà hát, cung văn hóa thiếu nhi, quảng trường lớn, khu phức hợp thể thao, sân vận động... gắn với không gian xanh.

Sau khi đã điều chỉnh, dự án KĐT mới Thủ Thiêm 737ha dự kiến sẽ có khoảng 160.000 cư dân sinh sống ổn định và 1 triệu khách vãng lai. Bên cạnh đó, sẽ có khoảng 30.000 căn hộ được cấp quyền sở hữu lâu dài, số còn lại với thời hạn chỉ 50 năm.

Trong mắt các NĐT, những công trình hạ tầng giao thông chiến lược kết nối Thủ Thiêm - quận 2 với các quận huyện khác đã nâng giá trị mảng địa ốc trên địa bàn. Quy định suất đầu tư cho các dự án khu dân cư trong KĐT Thủ Thiêm khá cao, các dự án cũng phải bảo đảm chuẩn mực về cảnh quan môi trường, với mảng xanh đạt từ 6-7m2/người, tạo môi trường sống trong lành.

Theo đại diện BQL KĐT, với quy định nghiêm ngặt về suất đầu tư và chính sách quy hoạch, KĐT này là một dự án phát triển đô thị vì thế không thể coi là cơ hội đầu cơ.

Hầm Thủ Thiêm được khai thông.

NĐT đã và đang đầu tư vào khu vực Thủ Thiêm đều đã phải cân nhắc khả năng của mình. Ước đoán hiện có khoảng hơn 200 NĐT trong và ngoài nước đang chờ để được giao đất sạch để triển khai dự án.

Quy hoạch đa kết nối

Dự án cầu đi bộ nối từ quận 1 sang Thủ Thiêm và dự án cầu Thủ Thiêm 2   đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Dự kiến, chiều dài của cầu 1,2km nối Thủ Thiêm với trung tâm thành phố hiện hữu, với vốn đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng.

Tuy nhiên trong 10 năm tới, quận 2 sẽ được phát triển từ quy hoạch chi tiết đến xây dựng theo hướng đa kết nối, năm cây cầu nữa được xác định sẽ bắc từ quận 2 sang các khu vực trọng yếu của TPHCM, quy tụ các ngã về KĐT Thủ Thiêm trong tương lai.

Theo tính toán, hơn 200 dự án BĐS của các NĐT đã và đang triển khai trên địa bàn thu hút nguồn vốn lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng. Những dự án địa ốc tại đây tập trung từ phân khúc trung, cao cấp trở lên đáp ứng tiêu chuẩn đô thị tương lai với hạt nhân KĐT mới Thủ Thiêm sẽ trở thành một trong những trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ của TPHCM. Vì vậy, không ít dự án được chăm chút kỹ càng từ ý tưởng đến thiết kế, xây dựng.

Đơn cử như dự án đảo Kim Cương, chủ đầu tư đã chọn địa điểm là một hòn đảo trên ngã ba sông và tổ chức cuộc thi thiết kế với chi phí lên đến 1 triệu USD, song sau đó đã chọn bản thiết kế đoạt giải nhì của kiến trúc sư Arata Isozaki người Nhật mang dáng dấp phương Đông và có cấu trúc tổ ong độc đáo, tạo sự tiếp xúc nhiều với khí trời và nắng gió.

Theo đánh giá ban đầu, với nền tảng quy hoạch bài bản thuận lợi cho việc triển khai các dự án địa ốc theo hướng khu dân cư xanh và sinh thái, những dự án như đảo Kim Cương, Villa Park, The Garland Villa... không chỉ đa kết nối, giao thông thuận tiện, không gian thoáng đãng mà còn gắn với mảng xanh và sông nước.

Khu công viên phần mềm.

Tiến trình quy hoạch tổng mặt bằng Thủ Thiêm căn cứ vào một loạt các kỳ làm việc và Hội thảo mang tính chiến lược giữa Ban quản lý Ðầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Viện quy hoạch- xây dựng thành phố HCM, công ty Sasaki Associates và rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Thủ Thiêm đã sẵn sàng để nổi bật lên như một trung tâm mang tính môi trường, bền vững, kinh tế và đầy sức sống của thế kỷ 21 cho thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam, nếu không nói là cho cả khu vực Ðông Nam Á.


TTđTD - Theo Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào: