Thứ Ba, 13 tháng 5, 2025

PHẬT TÁNH VÀ KHẢ NĂNG THÀNH PHẬT.

1. Mở.
Một trong những điểm nổi bật nhất của đạo Phật là sự khẳng định nhất quán và mạnh mẽ về khả năng giác ngộ của tất cả chúng sanh. Tư tưởng “Tất cả chúng sanh sẽ thành Phật” không chỉ phản ánh lý tưởng từ bi và bình đẳng mà còn là một tiền đề triết học sâu sắc về Con Người, về mục tiêu cuối cùng của việc tu tập theo lời Phật dạy.

2. Phật tánh và khả năng thành Phật theo kinh, luận.
Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật tuyên thuyết: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Nghĩa là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, có tiềm năng để thành Phật. Đây là sự khẳng định tiên quyết: không có sự khác biệt giữa Phật và chúng sanh; sự phân biệt Phật và chúng sanh chỉ là tạm thời do vô minh che lấp, chứ không phải do bản thể.
Tư tưởng này còn được triển khai rõ rệt trong nhiều bộ kinh. Kinh Pháp Hoa chủ trương rằng mọi chúng sanh đều được dẫn dắt đến Nhất Phật thừa, vượt lên trên phân biệt Tiểu thừa hay Trung thừa. Phẩm “Thí Dụ” kể câu chuyện ba xe bò dùng làm phương tiện để cứu người con ra khỏi ngôi nhà lửa. Đây là hình ảnh ẩn dụ cho việc chư Phật dùng phương tiện thiện xảo dẫn dắt chúng sanh đến quả vị Phật.
Kinh Hoa Nghiêm thể hiện rõ triết lý nhất thể: "Tâm, Phật và chúng sanh, cả ba không sai khác". Câu này khẳng định Phật và chúng sanh vốn đồng một bản thể, sự khác nhau chỉ là do mức độ giác ngộ.
Học phái Như Lai Tạng xuất phát từ Kinh Thắng Man và Kinh Như Lai Tạng, đã phát triển tư tưởng Phật tánh thành một lý thuyết hệ thống. Theo đó, “Như Lai Tạng” là bản thể thanh tịnh vốn có trong mỗi chúng sanh. Tuy hiện đang bị vô minh và phiền não bao phủ, nhưng không bị huỷ hoại. Khi phiền não bị đoạn trừ, Phật tánh sẽ hiển lộ như vàng ròng được tách ra khỏi quặng.
Trong hệ thống tư tưởng Thiền tông, Phật tánh được xem là tâm thể sáng suốt vốn sẵn nơi mỗi người. Ngài Triệu Châu từng nói: “Chó cũng có Phật tánh”. Một tuyên bố có tính phá chấp, khẳng định không có Bản Thể Hữu Tình nào bị loại trừ khỏi khả năng giác ngộ.

3. Phật tánh dưới góc nhìn mới [thông tin mới].
"Tất cả chúng hữu tình đều có Phật tánh (Tánh Linh).
Mỗi Tánh Linh đều có môi trường nội tại liên tục (sau đây được đặt tên là Linh Quang, ai đó muốn gọi tên khác đều được vì đây là từ mới), xuyên thấu mọi vị trí và trùm khắp Vũ Trụ. Ngoại trừ môi trường Linh Quang liên tục, không có bất cứ môi trường nào khác hoặc bất cứ thứ gì khác thuộc về Tánh Linh.
Không có hai loại Linh Quang khác nhau.
Mỗi Tánh Linh sở hữu riêng biệt một “lượng” Linh Quang cố định.
Có vô số Tánh Linh có “lượng” Linh Quang như nhau ở mức vô cùng bé đến ở mức vô cùng lớn, có vô số Tánh Linh có “lượng” Linh Quang khác nhau từ vô cùng bé đến vô cùng lớn.
Thời gian là thuộc tính của Linh Quang.
Tính biết để biết về mọi thứ và mọi thứ thuộc về Chân Tâm là thuộc tính của Linh Quang.
Trường nội tại của Vũ Trụ bao gồm một trường chân không liên tục, xuyên thấu mọi vị trí và trùm khắp Vũ Trụ và vô số trường Linh Quang liên tục, đều xuyên thấu mọi vị trí và đều trùm khắp Vũ Trụ. Ngoài ra, không có bất cứ môi trường nào khác, không có bất cứ thứ gì khác".
(Trích 60 Tuyên bố Sự thật về Vũ Trụ [từ số 48 đến 55] của Pháp Không Chân Như.)

4. Ý nghĩa triết học và tu tập.
Tư tưởng “Tất cả chúng sanh sẽ thành Phật” không chỉ mang giá trị triết lý sâu sắc mà còn có ý nghĩa vô cùng lớn về tu tập. 
Về triết học, nó phản bác quan niệm nhị nguyên đối lập giữa thánh và phàm, giữa Phật và chúng sanh, đưa đến một thế giới quan nhất thể, hòa hợp.
Về đạo đức, nó tạo nên nền tảng cho lòng từ bi phổ quát: Ai cũng có thể thành Phật, mọi sinh mạng đều đáng kính, đáng được giáo hóa và cứu độ.
Về tu tập, nó nuôi dưỡng Bồ đề tâm, tâm nguyện độ mình và độ người, khích lệ hành giả tinh tấn tu tập.

5. Kết. 
Tư tưởng “Tất cả chúng sanh sẽ thành Phật” là một nền tảng cốt lõi của Đạo Phật thể hiện tầm nhìn triết học sâu sắc, là ngọn đuốc đạo đức và phương pháp tu tập đầy nhân bản. Nó khẳng định sự bình đẳng tuyệt đối về khả năng giác ngộ, đồng thời nuôi dưỡng lý tưởng đại bi: không có ai bị bỏ lại trên hành trình tiến đến giải thoát.

Nguyên tác: Hoàng Lạc
Ảnh minh hoạ: Internet

Không có nhận xét nào: