Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

TÌM HIỂU VỀ BỐ THÍ

Tôi nghĩ rằng 100% Phật tử mình ai nghe nói bố thí cũng tưởng là mình hiểu, khi tiếp xúc tôi mới biết họ chưa hiểu hoặc hiểu rất cạn. Họ hiểu bố thí là cho ra để kiếp sau được giàu có, hiểu vậy thì nghèo lắm.

Thí ở nghĩa cạn là đem trao ra cái mình có cho người cần. Còn định nghĩa sâu hơn một chút, Thí là việc bắt buộc và đương nhiên phải có ở một người hiểu rõ mình là gì, đời là gì, vạn hữu là gì. Bố thí không phải là pháp tu đặc biệt mà là chuyện đương nhiên.

Phật dạy trong một ngôi nhà đang cháy, việc làm thông minh nhất đó là di tản được cái gì thì làm liền, cái gì giá trị, gọn gàng vừa sức thì đem ra liền, nếu không sẽ cháy.

Cũng vậy, cái tấm thân sanh già đau chết này có khả năng sẽ tắt thở bất cứ lúc nào như một ngôi nhà đang cháy vậy. Một người hiểu đạo, học đạo, hành đạo là phải làm sao đem ra khỏi ngôi nhà đang cháy những thứ không giữ được. Người xưa cũng nói: "Ta ăn thì mất người ăn thì còn", mình ăn rồi thì xong, nhưng để cho người khác ăn thì công đức vẫn còn đó.

Trong Kinh Trường Bộ Đức Phật có dạy có 4 cách phân phối tài sản hợp lý và thông minh nhất của người cư sĩ:
1- Trả nợ cũ (đền ơn đáp nghĩa cho cha mẹ, người hữu ân).
2- Cho vay nợ mới (nuôi dưỡng vợ con, bè bạn, thân hữu).
3- Liệng bỏ hố sâu (bản thân mình xài). Khi mình xài thì phần này xem như không kể, nhưng phải có một phần tư tài sản là dành cho mình. Sẵn đây nói luôn, nói về cách sử dụng tài sản có bốn hạng: Rộng với mình hẹp với người, hẹp với mình rộng với người, với người với mình đều rộng, với mình với người đều hẹp.
4- Chôn để dành (làm phước).

Đức tin phải đi đôi với trí tuệ. Ai học A-tỳ-đàm thì biết, phước có 2: Phước có tuệ đi cùng và phước không có tuệ đi cùng (thiện hợp trí và thiện ly trí). Thiện Ly Trí: có lòng lành nhưng không đi đôi với hiểu biết, thiếu văn, tư, tu. Thiện Hợp Trí: thiện đi với trí văn, trí tư, trí tu.

Khi bố thí cũng vậy, có nhiều cách phân phối tài sản, có nhiều cách bố thí khác nhau, cũng như có nhiều cách sống đời khác nhau, và đối tượng bố thí cũng khác nhau, vì vậy quả báo của bố thí cũng khác biệt nhau. Quả báo bố thí tùy thuộc đối tượng mình bố thí, bố thí cho người có đức độ khác với cho người không có đức độ.

Trong kinh còn xác nhận rõ là mình muốn được phước nặng về cái gì thì mình cúng dường cho người mạnh về cái đó. Vì vậy quả báo của bố thí tùy thuộc vào đức độ người nhận một phần và một phần tùy thuộc vào pháp tánh của vị đó nữa.

Thí dụ cúng cho vị pháp sư mình tác ý điều gì, và cúng cho vị thiền sư mình nguyện điều gì. Trong kinh nói có vị Bà-la-môn hỏi Đức Phật: “Con đã cúng dường Phật, đã cúng dường tăng, vậy làm sao con cúng dường pháp.” Đức Phật hỏi: “Trong chư tăng, theo ông biết, ai là người thọ trì (ghi nhớ) Giáo Pháp nhiều nhất”. Vị này thưa: “Ngài Ānanda”. Khi Đức Phật hỏi vậy là vị này hiểu. Cho nên quả báo bố thí khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Dựa vào đối tượng, cúng dường cho phàm thì phước không bằng cúng cho thánh, cúng cho cá nhân không bằng tập thể, cúng cho người có đức độ ít thì không bằng người nhiều đức độ.
- Tâm trạng của thí chủ làm bằng tâm hữu trợ hay vô trợ, tự phát hay bị xúi, hững hờ hay háo hức.

Thí nó có 3 loại: Chủ nhân thí, bằng hữu thí, nô lệ thí. Chủ nhân thí là mình cho ra món tốt hơn mình xài . Bằng hữu thí là mình xài cỡ nào mình cho ra cỡ đó. Nô lệ thí là mình cho đồ tệ hơn mình xài. Hiểu được như vậy mới gọi là hiểu đại khái về căn bản bố thí.

Trước khi làm phước, đang khi làm và sau khi làm phước trong kinh gọi là Tam Tư. Ba điều này trước khi làm phải Cân Nhắc. Cân Nhắc khác với Do Dự:
- Do Dự là ta có nên làm hay không, thuật ngữ nhà Phật gọi là Hữu Trợ. Làm bằng tâm do dự đời sau sanh ra cũng hưởng quả lành nhưng quả nó đến trễ, luôn luôn đến vào giờ phút cuối. Nó làm cho mình “teo“ rồi quả mới trổ .
- Cân Nhắc có nghĩa là ta nên làm cách nào tốt nhất (cân nhắc là cái nên có ) thuật ngữ nhà Phật gọi đó là Tâm Hợp Trí. Làm thiện bằng tâm gì thì quả ra cái đó. Làm bằng tâm cân nhắc đời sau sanh ra giàu đẹp thông minh . Làm bằng tâm nào thì nó trổ bằng tâm đó. Giống như ta gieo trồng trong điều kiện nào thì cây trái nó sẽ sanh sôi trong điều kiện đó. Nó cần nước mình không tưới thì nó vẫn phát triển nhưng èo uột, cây trái được tưới nước, phân, nắng, gió, mưa, sương đầy đủ thì cây sẽ phát triển toàn diện.
Y như vậy, khi một tâm thức mà làm hội đủ điều kiện: Hứng Thú - Tự Phát - Cân Nhắc, thì khi quả trổ sẽ là người vui tính, nhanh lẹ, thuận duyên và may mắn trong mọi việc, mọi hoàn cảnh. Nhân thế nào thì quả sẽ y chang như vậy.

Sư Giác Nguyên giảng
(chép lại bài giảng của Sư)
Chia sẻ bởi: Thực Hành Giáo Pháp

Không có nhận xét nào: