TRANG

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

KHÔNG THỂ BIẾT ĐƯỢC KHỞI THỦY

(1) Cỏ và củi 

Thế Tôn nói như sau: 

– Vô thủy là cõi ta-bà này, này các tỳ-khưu, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.

Ví như, này các tỳ-khưu, có người chặt các cành cỏ, khúc cây, nhành cây, nhành lá, trong cõi Diêm-phù-đề này, chất chúng thành một đống, làm chúng thành những que đặt theo hình các ô vuông, cầm từng que đặt xuống và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là mẹ của mẹ tôi”. Và không thể cùng tận, này các tỳ-khưu, là các bà mẹ, mẹ của mẹ của người ấy. Nhưng cành cỏ, khúc cây, nhành cây, nhành lá trong cõi Diêm-phù-đề (Jambu- dīpa) này có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt. 

Vì sao? Vô thủy là cõi ta-bà này, này các tỳ-khưu, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc. Cũng vậy, đã lâu ngày, các ông chịu đựng khổ, chịu đựng thống khổ, chịu đựng tai họa và các mộ phần ngày một lớn lên. Vì vậy, này các tỳ-khưu, là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành. 

(Kinh Tương ưng bộ 15:1)

(2) Các hòn đất 

– Vô thủy là cõi ta-bà này, này các tỳ-khưu, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc. 

Ví như, này các tỳ-khưu, có người từ quả đất lớn này làm thành những cục đất tròn, lớn bằng hạt táo, cầm từng cục đất đặt xuống và nói: “Ðây là cha tôi, đây là cha của cha tôi”. Và không thể cùng tận, là các người cha, cha của cha của người ấy. Nhưng quả đất lớn này có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt. 

Vô thủy là cõi ta-bà này, này các tỳ-khưu, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc. Cũng vậy, đã lâu ngày, các ông chịu đựng khổ, chịu đựng thống khổ, chịu đựng tai họa và các mộ phần ngày càng lớn lên. Vì vậy là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành. 

(Kinh Tương ưng bộ 15:2) 

(3) Quả núi 

Rồi một tỳ-khưu đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn: 

– Một kiếp, bạch Thế Tôn, dài như thế nào? 

– Thật dài, này tỳ-khưu, là một kiếp. Thật không dễ gì có thể đếm là một vài năm, một vài trăm năm, một vài ngàn năm hay một vài trăm ngàn năm. 

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho một ví dụ được không? 

– Có thể được, này tỳ-khưu. Thế Tôn nói như vậy. Ví như, này tỳ-khưu, có một hòn núi đá lớn, một do-tuần (yojana, 8-13 km) bề dài, một do-tuần bề rộng, một do-tuần bề cao, không có khe hở, không có lỗ hổng, một tảng đá thuần đặc. Rồi một người đến, cứ sau một trăm năm lại lau hòn đá ấy một lần với tấm vải lụa kāsi. Này tỳ-khưu, hòn núi đá lớn ấy được làm như vậy có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt nhanh hơn là một kiếp. 

Như vậy dài, này các tỳ-khưu, là một kiếp. Với những kiếp dài như vậy, hơn một kiếp đã qua, hơn một trăm kiếp đã qua, hơn một ngàn kiếp đã qua, hơn một trăm ngàn kiếp đã qua. 

Vô thủy là cõi ta-bà này, này các tỳ-khưu, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc. Cũng vậy, đã lâu ngày, các ông chịu đựng khổ, chịu đựng thống khổ, chịu đựng tai họa và các mộ phần ngày càng lớn lên. Vì vậy là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành. 

(Kinh Tương ưng bộ 15:5) 

(4) Sông Hằng 

Trú ở Rājagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm). Rồi một bà-la-môn đi đến Thế Tôn. Sau khi ngồi xuống một bên, bà-la- môn ấy bạch Thế Tôn: 

– Có bao nhiêu kiếp, bạch Thế Tôn, đã đi qua, đã vượt qua? 

– Rất nhiều, này bà-la-môn, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được, là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, một vài trăm ngàn kiếp. 

– Tôn giả Gotama có thể cho một ví dụ được không? 

– Có thể được, này bà-la-môn. Ví như, này bà-la-môn, sông Hằng này từ chỗ nguồn bắt đầu đến chỗ nó chảy nhập vào biển. Số cát nằm ở giữa chặng ấy, thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một số hạt cát, là số trăm hạt cát, là số ngàn hạt cát, là số trăm ngàn hạt cát. 

Nhiều hơn vậy, này bà-la-môn, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì có thể đếm chúng được, là một số kiếp, một trăm kiếp, là một ngàn kiếp, là một số trăm ngàn kiếp. 

Vì sao? Vô thủy là cõi ta-bà này, này bà-la-môn, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc. Cũng vậy, đã lâu ngày, các ông chịu đựng khổ, chịu đựng thống khổ, chịu đựng tai họa và các mộ phần ngày một lớn lên. Vì vậy là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để từ bỏ, là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả các hành. 

(Kinh Tương ưng bộ 15:8)  

(5) Chó bị cột 

– Vô thủy, này các tỳ-khưu, là cõi ta-bà này, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc. 

Có thể có một thời, này các tỳ-khưu, biển lớn đi đến khô cạn, hoàn toàn đi đến khô kiệt, không có hiện hữu. Nhưng Ta không có tuyên bố rằng có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sinh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.

Có thể có một thời, này các tỳ-khưu, Sineru (Tu-di), vua các núi, đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng Ta không có tuyên bố rằng có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sinh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.

Có thể có một thời, này các tỳ-khưu, đại địa đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng Ta không có tuyên bố rằng có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sinh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển luân hồi.

Ví như, này các tỳ-khưu, có con chó bị dây thừng trói chặt vào một cây cột hay cột trụ vững chắc, chạy vòng theo, chạy tròn chung quanh cây cột hay cột trụ ấy. Cũng vậy, này các tỳ- khưu, kẻ vô văn phàm phu không tu tập pháp của các bậc chân nhân, quán sắc như là tự ngã... quán thọ như là tự ngã... quán tưởng như là tự ngã... quán các hành như là tự ngã... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn chung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... chạy vòng theo, chạy tròn chung quanh thức.

Vì rằng người ấy chạy vòng theo, chạy tròn chung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức, người ấy không giải thoát khỏi sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải thoát khỏi các hành, không giải thoát khỏi thức, không giải thoát khỏi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta tuyên bố rằng: “Vị ấy không giải thoát khỏi khổ đau”.

(Kinh Tương ưng bộ 22:99)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét