TRANG

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

KINH ĐIỂN VÀ CÁI THỰC

Phật giáo Nguyên Thủy hiện nay còn giữ được hầu như nguyên vẹn toàn bộ giáo lý uyên nguyên của Đức Phật thuở bình minh. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta sẽ ôm chặt Tam tạng kinh điển ấy như một kho bảo vật. Không phải vậy. Chúng ta học đạo, trong tinh thần phát hiện cái thực thì chúng ta sẽ không lệ thuộc Phật giáo Nguyên Thủy, Đại Thừa, Tiểu Thừa hay Thiền Tông gì gì cả. Kinh điển chẳng phải là cái gì thiêng liêng lắm. Nó chỉ là một đống ngôn ngữ trống rỗng! Tôi xin nói bạo một chút để chúng ta cùng có một ấn tượng sâu đậm về nó. Mặc dầu kinh điển cả đấy, của toàn bộ các tông phái, nhưng thật ra chúng chỉ là mớ ngôn ngữ trống rỗng. Chúng ta sẽ cùng nhau "bươi" cái đống bừa bộn lỉnh kỉnh văn tự chữ nghĩa ấy ra. Quý vị có cùng với tôi làm cái công việc ấy không? "Bươi" nó ra để nương theo đó mà thấy chân lý, sự thật, cái thực.
Có lẽ nhiều vị chưa bỏ được thói quen sùng kính kinh điển, nên mới nghe nói "trống rỗng" là quý vị sợ rồi. Tôi còn nói hơn thế nữa, nó chỉ là cặn bã của Chư Phật, Chư Thánh mà thôi. Xin lỗi nếu tôi làm quý vị khó chịu. Vậy để tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện:
Hồi xưa có một ông thợ mộc đến cung điện đẽo bánh xe cho Đức Vua. Thấy Đức Vua đang trang nghiêm chăm chú đọc cái gì đó, bèn hỏi:
- Tâu bệ hạ, bệ hạ đang đọc cái gì vậy?
Vua đáp:
- À, ta đang đọc kinh điển của Thánh nhân.
Ông thợ mộc cười nói:
- Làm gì có chuyện đó, thưa bệ hạ! Đó chỉ là cặn bã của Thánh nhân mà thôi!
Vua tức giận:
- Này, này! Đừng có láo xược! Sao ngươi dám nói như vậy! Nếu giải thích không trôi thì ta chém đầu, rõ chưa?
Ông thợ mộc vẫn bình tĩnh, trình bày với Đức vua như thế này:
- Tâu bệ hạ! Tôi có đứa con trai. Bởi tôi là thợ mộc giỏi nên tôi cố trao nghề cho đứa con trai yêu dấu. Tôi bảo nó cầm búa như thế này, cầm đục như thế này, đẽo như thế này, cưa như thế này... sự tinh xảo là ở những gốc độ như thế này này... Tôi đã cố gắng cặn kẽ chỉ bày từng li từng tí, từng động tác một, từng bí quyết một. Vậy mà nó vẫn không học được hết những thiện xảo của tôi muốn trao truyền. Đấy mới chỉ là cái nghề thợ mộc bình thường, huống chi cái chuyện "Thánh Nhân". Thánh Nhân là cái gì tâu bệ hạ. Ôi! Cả một đời sống siêu việt, nhận thức cao cả, sự khôn ngoan, minh triết, nghĩa là toàn bộ, tất cả cuộc đời phong phú, sinh động của một vị Thánh - chỉ được ghi trong vài hàng, vài câu ngắn gọn, khô chết của văn tự; đó là chưa kể phần nhiều là hư cấu, mà Đức Vua có thể hiểu được cả con người của vị Thánh sao, thưa Đức Vua?
Thế là ông Vua của chúng ta bèn chịu thua, bèn công nhận kiến giải của ông thợ mộc là đúng. Cho nên quý vị đừng quá câu nệ kinh điển, mang cái bệnh sùng kính kinh điển. Kinh điển chỉ là cái đống tro tàn không hơn, không kém. Đống tro tàn, nhưng không phải quẳng toàn bộ nó đi. Phải "bươi" nó ra để tìm kiếm cái đã. Khi đã tìm được cái thực rồi, ta sẽ dẹp nó qua một bên hay đốt nó đi cũng được. Đốt cũng không phải đốt bằng lửa củi than, mà đốt bằng lửa tuệ giác, đốt cho cháy hết thành tàn tro những ý niệm, ôm chặt, câu nệ, thủ chấp văn tự chữ nghĩa.
Khi một vị Thánh nhân đã hoàn toàn giác ngộ, thường tuyên bố rằng: "Bây giờ lời dạy của Đức Phật không còn trống rỗng (như chỉ là một mớ ngôn từ) nữa".
Giống như một cái chèque không có tiền bảo chứng, hoàn toàn vô giá trị, chỉ khi nào có tiền trong ngân hàng chèque ấy mới không còn trống rỗng nữa. Cũng vậy, khi nào chưa thấy cái thực thì kinh điển trống rỗng. Và chính Đức Phật cũng dạy vậy: "Pháp như chiếc thuyền đưa người qua sông. Pháp còn phải bỏ huống hồ phi pháp". Đó là Đức Phật nói chứ không phải tôi bày đặt đâu nghe! Chánh pháp cũng phải bỏ huống chi tượng pháp, mạt pháp và phi pháp.
Chúng ta phải tự hỏi mình, để đừng có học đạo theo tinh thần rằng: pháp này là pháp của tông phái tôi, pháp này là pháp của Tiểu Thừa, pháp kia là của Đại Thừa, pháp nọ là tối thượng... nhất đẳng thừa! Pháp của tôi mới đúng, pháp của anh là sai! Nhưng đó là tại người ta còn y cứ trên chữ nghĩa. Nếu đã cùng thấy cái thực thì chẳng ai còn mất công đi tranh luận làm gì.
Tất cả tinh thần lệ thuộc chữ nghĩa ấy không phải tinh thần học Phật, học đạo giác ngộ, học đạo như thật, học pháp giải thoát.
Thuở xưa, có một thiền sinh tìm đến một thiền sư vấn đạo.
Thiền sư chỉ vào một đống tro, bảo:
- Hãy lấy cho ta một chút lửa.
Thiền sinh ngạc nhiên nói:
- Thưa, đấy là tro mà!
Thiền sư bèn lấy cái que bươi trong đống tro tìm kiếm một hồi rồi lấy ra một chút xíu lửa. Thiền sinh bèn ngộ.
Câu chuyện này có thể nói một vấn đề khác, vấn đề bươi trong đống tro thân tâm mình đây để thấy tự tánh chẳng hạn. Nhưng ở đây chúng ta có thể mượn chuyện này để ám chỉ đống tro chính là kinh điển mà mình có thể tìm ra lý đạo trong đó. Tôi xin lập lại một lần nữa, là kinh điển không có gì phải sùng kính thái quá đâu. Nếu nó là Thánh nhân, là vàng ngọc thật sự, thì chúng ta đã thành Thánh nhân, vàng ngọc cả rồi. Trong chúng ta, ai mà không đọc kinh, đọc quá nhiều nữa là khác. Ví dụ có vị đọc kinh Pháp Hoa, ngày nào cũng đọc, tuần nào cũng đọc. Nếu kinh đó quả thật là ghê gớm thì biết bao người đã thành Phật hết trơn như Tiểu Long Nữ rồi, phải vậy không?
Nhưng kinh điển là ngôn ngữ. Ngôn ngữ có hai cách sử dụng, một để chỉ những sự kiện, hai để định nghĩa một ngôn ngữ khác. Còn chính bản thân ngôn ngữ (nguyên ngôn) thì chẳng có nghĩa gì cả. Một từ chỉ gồm một số vần và dấu ghép lại. Cùng một số vần và dấu có thể ghép nhiều cách khác nhau, có nhiều nghĩa khác nhau như: P-H-Ậ-T, T-H-Ậ-P và nếu thay đổi dấu thì lại còn biến ra nhiều nghĩa khác nữa: phất, phạt, tháp, thạp... Đó là chưa kể cùng số vần mà tiếng Anh nghĩa khác, tiếng Việt nghĩa khác. Như vậy trong ngôn ngữ không có chân lý, trừ nguyên ngôn, ngôn ngữ chỉ có thể giới thiệu sự thật. Cho nên mình phải biết nhìn xuyên qua đó để tìm ra sự thật, may ra gặp lại chánh pháp, còn không thì chúng ta cứ đời đời chuyền bắt, rông ruổi, thủ chấp nơi cành, nhánh, ngọn, nghĩa là đời đời rơi vào "mạt pháp" vậy. Nói như vậy không có nghĩa là ở vào thời mạt pháp này chúng ta sẽ không có cơ hội thấy được chánh pháp. Không phải vậy. Miễn là chúng ta đừng quá cố chấp tông phái, đừng quá tin vào kinh điển. Chúng ta chỉ nên nương vào kinh điển để thấy ra sự thật, cái thực mà thôi.
Học đạo như thật, chúng ta nên học theo tinh thần này: tinh thần nghi hoặc. Đọc một quyển kinh, chúng ta sẵn sàng nghi ngờ nó chứ không phải tin tưởng cả 100%. Đọc Thiền Tông, ví dụ: chúng ta tin Thiền Tông 100% là sai! Không phải đâu, không phải tất cả ngữ lục để lại vị nào cũng ngộ cả đâu. Chỉ có một số ngộ thôi. Một số khác, cũng để lại ngữ lục đàng hoàng, nhưng mà "giả", là "dỏm". Người ta đâu có biết được. Người đời đâu có biết ai "ngộ" và ai "không ngộ"? Cho nên "giả" mà cũng cứ cho là "thiệt", khổ vậy! Bởi vậy biết nghi ngờ, phải có tinh thần mổ xẻ, phân tích, xét lại. Phân tích là một cái gì nghiêm túc, đúng đắn nhất trong thái độ của người học Phật. Đức Phật Ngài cũng dạy như vậy. Kinh Kalāma Đức Phật bảo sao quý vị có còn nhớ không? Đừng có tin bất cứ điều gì dẫu đó là từ trong kinh điển để lại. Đừng có tin bất cứ lời dạy nào dù người ta bảo đấy là do Như Lai thuyết, v.v... Đừng có tin. Chỉ tin điều nào khi ta đã đem so sánh nó với pháp. So sánh với pháp là cái gì? So sánh với pháp tức là so sánh với cái thực.
Tôi xin lập lại, so sánh với pháp là đem cái thực ra mà so sánh. Điều quan trọng, căn bản, tối quan trọng - nó nằm ở đây. Xin quý vị ghi nhận cho. Tôi xin lấy vị dụ: Bây giờ, trước mặt quý vị đây, tôi nói: "cái ly nước", thì quý vị hãy so sánh với cái ly nước cụ thể, thấy được bằng mắt, sờ được bằng tay - ở bên trong bàn tay này này. Chính cái ly nước cụ thể, là cái thực ấy - cái mà chúng ta cần để so sánh, đối chiếu, minh chứng. Nếu không có cái thực đó, thì muôn đời chúng ta chỉ biết cái ly nước qua ý niệm chúng ta mà thôi. Đau khổ hơn, bi đát hơn, lại biết qua ý niệm người khác, rồi của người khác nữa v.v... Cả một xâu, một chuỗi chồng lên nhau, không phải một "cái đầu" mà hàng ngàn cái "đầu thượng trước đầu", khổ vậy!!! Thế là ý niệm về ý niệm, ý niệm về ý niệm về ý niệm, v.v... Đó là thảm kịch học Phật của chúng ta ngày nay, của Việt Nam và của cả thế giới, ngàn năm trước cũng như ngàn năm sau.
Vấn đề thứ nữa là so sánh với pháp, nhưng không phải mình đem cái giáo pháp của mình so sánh. Đấy lại là lầm to. Nên nhớ rằng, khi chúng ta đọc kinh, tất cả những điều ta hiểu về kinh, thì đấy chưa hẳn là kinh nói. Quý vị hãy suy gẫm về điều đó. Những điều chúng ta hiểu về kinh thì chỉ là cái biết của chúng ta về kinh mà thôi. Kinh là để nói về sự thật. "Nhất thiết tu-đà-la giáo như tiêu nguyệt chỉ". Kinh là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải mặt trăng. Kinh nói về sự thật chứ không phải là sự thật. Như vậy, khi mình đọc kinh, mình hiểu theo ý mình thì quả nhiên là đã xa sự thật không biết bao nhiêu mà kể, xa ghê gớm. Lại còn có kẻ hiểu kinh qua cái hiểu của người khác về kinh nữa thì thật là muôn dặm trùng quan, phải thế không? Không tin kinh, đừng tin kinh. Không những không tin mà còn phải nghi ngờ. Cả ông thầy dạy kinh mình cũng không tin. Học đạo thì chẳng cần tin vào ông thầy nào cả (trừ phi ông thầy chỉ cho mình thẳng vào sự thật và mình đã minh chứng được điều đó). Chỉ tin vào sự thật, phải lột cho hết mặt nạ ngôn ngữ, phải đào cho đến tận cùng cái thực. có phải vậy không? Chỉ có cái thực, thấy được cái thực, chúng ta mới uống được giọt nước đầu nguồn, giải quyết toàn bộ vấn đề khổ đau của đời sống và thấy rõ Niết Bàn ngay trong hiện tại, thấy tức khắc không cần phải trải qua thời gian nào cả.
Nói tóm lại, người học pháp, học đạo là phải biết nghi ngờ kinh điển, bỏ tông phái ra ngoài, bỏ luôn ra ngoài tất cả mọi tư kiến, để tâm hoàn toàn trống rỗng, mới mẽ và sáng tạo.
Đây không phải là một buổi thuyết pháp, có thể gọi là hội thảo, vậy khi quý vị thấy tôi nói sai thì cứ đứng dậy phát biểu một cách thẳng thắn, đừng ngại gì cả. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta cùng đi tìm sự thật, cái thực. Sự thật, cái thực ấy phải đào bới tận cùng, nhìn ngắm khách quan, không dừng lại trên ngôn ngữ, kinh điển, không dừng lại trên ý kiến riêng của mỗi người. Cho đến khi nào đưa sự thật ra, mà ai cũng đồng ý rằng đó là sự thật, thì khi đó mới thôi. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần như vậy, trong suốt thời gian này, bây giờ và cho cả đời học đạo.

Viên Minh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét