TRANG

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

(56) Phẩm: VẠN PHÁP VÀ CHÚNG SINH.

Thuộc Đại Trí Bộ.
---
Nhân đọc bài “Chư Phật ba đời chẳng bao giờ tuyên thuyết chúng sinh vô ngã”, thầy Thích Phước Trí đã chia sẻ ý kiến: Tôi không đồng ý với biện luận của Pháp Không Chân Như. Có lúc Phật nói từng chi tiết, có khi Phật chỉ nói tổng quát. Đối với bậc thượng căn thì Phật dạy "nhất thiết pháp vô ngã" (bất cứ pháp đều vô ngã). Chúng sinh là gì chứ, chúng sinh nằm ngoài pháp ư, hay Pháp Không Chân Như chưa hiểu từ pháp trong Phật giáo như thế nào?
Sở dĩ Phật nói thường, lạc, ngã, tịnh là vì khi Phật nói chúng sinh vô ngã, bất tịnh, khổ, vô thường, có người chưa đủ trình độ nhận thức đến nên sinh tâm sợ hãi, chán ghét bản thân, tìm cách quyên sinh. Đối với các hạng người đó, Phật vì phương tiện mà nói có thường, lạc, ngã, tịnh.
Nếu bảo chúng sinh có ngã, vậy chúng sinh lấy gì làm ngã? Pháp Không Chân Như bảo ngũ uẩn chẳng được gọi là chúng sinh, vậy chúng sinh là gì vậy?
Pháp Không Chân Như trả lời:
Thầy Thích Phước Trí! Như lời thầy nói “Sở dĩ Phật nói thường, lạc, ngã, tịnh là vì khi Phật nói chúng sinh vô ngã, bất tịnh, khổ, vô thường, có người chưa đủ trình độ nhận thức đến nên sinh tâm sợ hãi, chán ghét bản thân, tìm cách quyên sinh. Đối với các hạng người đó, Phật vì phương tiện mà nói có thường, lạc, ngã, tịnh.” Theo lời này, chẳng phải thầy cho rằng Phật nói hai lời ư. Vì sao nói như vậy là nói hai lời? Thầy Thích Phước Trí! Vì nói chúng sinh vô ngã và nói chúng sinh có ngã là nói mâu thuẫn rốt ráo. Khi này nói thế này, khi khác nói thế kia mà thế này và thế kia có thật nghĩa mâu thuẫn thì là nói hai lời. Khi nói lời này, khi nói lời kia mà thật nghĩa của lời này phủ định thật nghĩa của lời kia, thật nghĩa của lời kia phủ định thật nghĩa của lời này, cho nên nói như vậy là nói hai lời.
Thầy Thích Phước Trí! Chư Phật ba đời, mười phương chẳng nói hai lời. Thế nào là chẳng nói hai lời? Thầy Thích Phước Trí! Các lời nói ra có thật nghĩa không mâu thuẫn thì là chẳng nói hai lời. Khi nói thế này, khi nói thế kia mà thế này và thế kia có thật nghĩa không mâu thuẫn thì là chẳng nói hai lời. Khi nói lời này, khi nói lời kia mà thật nghĩa của lời này không phủ định thật nghĩa của lời kia, thật nghĩa lời kia không phủ định thật nghĩa của lời này. Nói như vậy là chẳng nói hai lời. 
Thế nào là chẳng nói hai lời? Thầy Thích Phước Trí! Phật xuất thế ở quá khứ nói ra giáo pháp, Phật xuất thế ở hiện tại nói ra giáo pháp, Phật xuất thế ở vị lai nói ra giáo pháp, ba giáo pháp ấy có thể sai khác về phương tiện, phạm vi về đối tượng cần nói, lượng đối tượng cần nói, nội dung theo đối tượng được nghe, nội dung theo thời thế được nghe, nhưng thật tướng chẳng sai khác, thật nghĩa nhẫn đến nghĩa thâm sâu vi mật chẳng mâu thuẫn. Nói như vậy là chẳng nói hai lời.
Thầy Thích Phước Trí! Khi nói giáo pháp, chư Phật chẳng nói giống như ứng xử thế gian. Thế nào là chẳng nói giống như ứng xử thế gian? Thầy Thích Phước Trí! Ví như có người xấu xí, da đen nên chán ghét mà muốn tự vẫn. Theo ứng xử thế gian mà người khác khích lệ với người này “tôi thấy bạn rất có duyên”, “tôi thấy bạn rất dễ thương”. Thầy Thích Phước Trí! Chư Phật chẳng nói “bạn rất có duyên” nếu người này đúng thật không có duyên. Chư Phật chẳng nói “bạn rất dễ thương” nếu người này đúng thật không dễ thương. Chư Phật chẳng bao giờ vì cứu độ chúng sinh mà nói ra lời giả dối. Chư Phật chẳng bao giờ nói lời giả dối. Khi cần cứu độ cho chúng sinh, chư Phật lựa chọn phương tiện để cứu độ nhưng quyết chẳng có giả dối.
Thầy Thích Phước Trí! Đối với giáo pháp của chư Phật, thầy phải như thật quán với chánh trí huệ như sau: “chư Phật ba đời, mười phương chẳng nói hai lời”.
Thầy Thích Phước Trí! Pháp là gì? Một tồn tại dạng hợp thể từ nhiều thành phần mà chúng sinh có thể phân biệt nhận biết hợp thể đó thì gọi là Pháp. Như sắc thân, vật này, vật kia, quy chế, luật pháp, chữ viết,… Hoặc một tồn tại dạng hiện tượng do động mà có mà chúng sinh có thể phân biệt nhận biết hiện tượng đó thì gọi là pháp. Như thọ, hành, tưởng, thức, âm thanh, ánh sáng, sóng, bức xạ,… Thầy Thích Phước Trí! Tất cả pháp đều từ hai thứ mà có. Thế nào là hai thứ? Đó là do chúng sinh chẳng nhận biết được thật tướng mà có và thật tướng đó chính là thật tướng của vật chất. Do nghĩa này, hai thứ đó là chúng sinh si mê và vật chất. Thầy Thích Phước Trí! Nếu chúng sinh không si mê thì pháp chẳng thành lập. Nếu không nương vào vật chất thì pháp chẳng thành lập. Nương vào chúng sinh si mê và vật chất mà pháp được thành lập. Thế nào là pháp được thành lập? Chúng sinh nhận biết một thứ chẳng thật tướng, gọi giả tướng đó là thứ này, thứ kia nên có thứ này thứ kia, vì vậy mà gọi là pháp được thành lập. Vậy nên bất cứ pháp đều chẳng thật tướng, đều huyễn thuật. Vì tất cả pháp đều từ hai thứ mà có như tôi đã nói, nên bất cứ pháp đều vô ngã.
Thầy Thích Phước Trí! Thật tướng mà nói thì chẳng có bất cứ pháp. Tại sao nói là chẳng có bất cứ pháp? Vì tất cả pháp đều từ hai thứ mà có, chúng sinh si mê và vật chất. Khi nói thật tướng nghĩa rằng nói không si mê, vì không si mê nên pháp chẳng được thành lập. Pháp chẳng được thành lập nên nói chẳng có bất cứ pháp. Ví như thầy nhìn vào cái bàn mà nói nó là cái bàn, đây là pháp cái bàn. Nếu như thầy không si mê, trí huệ của thầy sáng suốt thì khi ấy thầy nhìn thấy thật tướng của vật chất (hạt sơ cấp và tánh của nó) và nói nó là một nhóm hạt sơ cấp chứ chẳng nói nó là cái bàn, nên chẳng có cái bàn, nghĩa là chẳng có pháp cái bàn. Ví như thầy nhìn vào thân ngũ ấm của tôi mà nói đây là Pháp Không Chân Như, thầy nhìn vào thân ngũ ấm của con mèo mà nói đây là con mèo. Nếu như thầy không si mê, trí huệ của thầy sáng suốt thì khi ấy thầy nhìn thấy thật tướng của vật chất và nói đây là một nhóm hạt sơ cấp và những động có liên quan, kia là một nhóm hạt sơ cấp và những động có liên quan chứ thầy chẳng nói đây là Pháp Không Chân Như, kia là con mèo. Nghĩa là chẳng có pháp thân ngũ ấm Pháp Không Chân Như, pháp thân ngũ ấm con mèo.
Thầy Thích Phước Trí! Vậy thì tại sao chư Phật nói pháp này, pháp kia trong khi chư Phật thấy được thật tướng của chúng sinh và vật chất? Thầy Thích Phước Trí! Vì chúng sinh si mê nên phải có phân biệt thì mới biết, không phân biệt thì chẳng thể nhận biết. Phải dụng cái biết của từng loài chúng sinh mà nói giáo pháp thì chúng sinh mới hiểu. Nếu chỉ nói bằng nghĩa thật tướng thì chúng sinh chẳng hiểu. Nhưng nếu dụng nghĩa thế gian để nói về thật tướng thì chúng sinh có thể hiểu. Nếu chẳng dụng nghĩa thế gian để nói ra giáo pháp thì chẳng có giáo pháp để chúng sinh học và tu. Ví như khi tôi nói “Thầy Thích Phước Trí” thì mọi người đều hiểu tôi đang nói với thầy. Nếu tôi nói “ngã ơi” thì chẳng ai biết tôi đang nói với thầy hay nói với Phật. Ví như có vài con mèo đứng cạnh tôi, thầy đứng từ xa nhìn về chúng tôi nói “nhóm hạt sơ cấp và những động có liên quan này là thân ngũ uẩn của con người, nhóm hạt sơ cấp kia và những động có liên quan là thân ngũ uẩn của con mèo” thì tôi chẳng thể biết thầy đang nói thân tôi là thân con người hay thân con mèo.
Thầy Thích Phước Trí! Như thầy hỏi “nếu bảo chúng sinh có ngã, thì chúng sinh lấy gì làm ngã?”. Thầy Thích Phước Trí! Từ hồi nào tới giờ ngã chẳng do ai làm ra. Chẳng có chúng sinh nào có thể lấy cái gì mà làm ngã. Ngã vốn tự có của mỗi chúng sinh, là tự thể của chúng sinh, sao lại nói là chúng sinh lấy cái gì làm ngã. Vì vậy, chẳng nên nói chúng sinh lấy cái gì làm ngã.
Thầy hỏi “Pháp Không Chân Như bảo ngũ uẩn chẳng được gọi là chúng sinh, vậy chúng sinh là gì vậy?”. Và thầy nói “Chúng sinh là gì chứ, chúng sinh nằm ngoài pháp ư”. Thầy Thích Phước Trí! Chúng sinh chẳng được gọi là pháp. Vì tất cả pháp đều từ hai thứ như tôi đã nói mà có, vì bất cứ pháp đều vô ngã mà tất cả chúng sinh đều có ngã. Vậy chúng sinh là gì? Bất cứ ngã có tâm hư vọng thứ không phải ta mà cho rằng là ta, thứ chẳng phải của ta mà cho rằng của ta, thứ chẳng phải chính ta mà cho rằng chính ta, thứ được sinh ra chẳng phải ta mà cho rằng ta được sinh ra, chẳng phải pháp mà cho rằng pháp, chẳng phải ngã mà cho rằng ngã, chẳng phải cội gốc mà cho rằng cội gốc, chẳng thấy biết rõ tự thể của chính mình, thì gọi là chúng sinh. Tâm hư vọng như vậy nên chúng sinh cứ mải mê bám chấp thứ chẳng phải cội gốc, chẳng phải cội gốc nên huyễn thuật, huyễn thuật sinh ra cội gốc giả, cứ như thế mà chúng sinh lăn trong vòng luân hồi không thoát ra được vì bám víu cái chẳng thật, cái hư giả. Ví như cơn gió chẳng có cội gốc, chuyển động, biến đổi mãi trong bầu trời, lúc thịnh lúc suy, lúc lớn lúc nhỏ, lúc ở chỗ này lúc ở chỗ khác, lúc tướng thế này lúc tướng thế khác, lúc nóng lúc lạnh, lúc cao lúc thấp, lúc ngược lúc xuôi,…
Thầy Thích Phước Trí! Ví như cái ổ bánh mì trong một khối nước. Vì ổ bánh mì nằm trong một khối nước nên là ổ bánh mì ướt. Ổ bánh mì cộng với một khối nước chẳng được gọi chung là một pháp. Chẳng thể gọi pháp “ổ bánh mì - một khối nước”. Ổ bánh mì ướt dụ cho thân ngũ ấm, sự làm ước ổ bánh mì dụ cho tâm hư vọng, ổ bánh mì khô dụ cho vật chất, một khối nước dụ cho ngã. Vì tâm hư vọng nên chúng sinh cho rằng thân này là chính ta, là của ta nên bám víu vào ấy mà ngũ ấm được thành lập như sự làm ướt ổ bánh mì kia thành ổ bánh mì ướt. Nếu nước không bám víu vào ổ bánh mì thì chẳng có ổ bánh mì ướt và ổ bánh mì khô là ổ bánh mì khô, một khối nước vốn dĩ một khối nước. Cũng như vậy, nếu chúng sinh không có tâm hư vọng bám víu vào thứ chẳng phải cội gốc thì ngã là ngã, vật chất là vật chất.
Thầy Thích Phước Trí! Ví như cái gương soi và các vật trước gương soi. Khi có các vật trước gương soi thì thấy ảnh trong gương. Ảnh trong gương và gương chẳng được gọi chung là một pháp. Chẳng thể gọi pháp “ảnh trong gương - gương soi”. Ảnh trong gương chẳng phải của gương soi. Nếu ảnh trong gương là của gương soi thì lẽ ra khi không có các vật trước gương thì ảnh đó vẫn tồn tại trong gương. Ảnh trong gương thật chẳng phải cội gốc. Vì nếu ảnh trong gương là cội gốc thì lẽ ra không có gương soi vẫn có ảnh tồn tại. Gương soi dụ cho ngã, ảnh trong gương dụ cho thân ngũ ấm, các vật trước gương dụ cho vật chất, ánh sáng dụ cho tâm hư vọng. Vì tâm hư vọng nên chúng sinh cho rằng thân này là chính ta, là của ta nên bám víu vào ấy mà ngũ ấm được thành lập như ánh sáng kia làm cho vật có ảnh. Nếu ánh sáng không chiếu vào các vật thì chẳng có ảnh và gương là gương, vật trước gương là vật trước gương. Cũng như vậy, nếu chúng sinh không có tâm hư vọng bám víu vào thứ chẳng phải của ta, chẳng phải chính ta thì ta là ta, vật là vật.
Thầy Thích Phước Trí! Tôi lấy ví dụ là để diễn đạt cho thầy tự quán chiếu thấy biết các đối tượng cần làm rõ chứ chẳng nên xem thứ ví dụ giống như đối tượng cần làm rõ. Vì giữa thật tướng và giả tướng sai khác rất lớn. Mà những thứ ở thế gian này có thể đem làm ví dụ đều là giả tướng. Những chia sẻ và các câu hỏi của thầy mang lại nhiều lợi ích cho mọi người, nhân đó mà tôi nói bài này. Mọi người và thầy khéo quán chiếu lời tôi nói để tránh hiểu sai vậy.
(Pháp Không Chân Như)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét