TRANG

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

THỜI HÙNG VƯƠNG VÀ CHỮ VIỆT CỔ.

Vào ngày 29 tháng 1. 2013, tại khách sạn Railway, 80 Lý Thường kiệt, Nhà xuất bản Hồng Đức phối hợp với Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức một buổi giới thiệu sách “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền. Một cuốn sách trong hàng trăm, hàng nghìn đầu sách xuất bản mỗi năm ở Việt Nam với nội dung viết về một thứ chữ đã trở thành lịch sử và bây giờ chẳng còn ai quan tâm đến nó.
Nó không còn giá trị sử dụng trong xã hội Việt Nam hiện đại và có lẽ cả xã hội loài người nói chung. So với những cuốn sách khác bán chạy như tôm, viết về các phương pháp kinh doanh làm giầu, những bí mật của thế giới chính trị, quân sự; những kiến thức khoa học hiện đại; về tương lai của con người, xã hội và của cả thế giới này… để con người có thể nhanh chóng nắm bắt, trang bị kiến thức thời đại để nhanh chóng lao vào cuộc đời với khí thế hừng hực trong cuộc tranh đua – thì – cuốn sách của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền có vẻ như không nằm trong hành trang của tri thức hiện đại. Chữ Việt cổ, nếu có thật thì cũng chỉ như một chứng cứ lịch sử và chẳng còn gía trị sử dụng. Chẳng ai cần đến thứ chữ viết từ hàng ngàn năm trước. Người ta đua nhau học tiếng Anh, tiếng Trung để hội nhập với thế giới. Ngay cả chữ Quốc Ngữ hiện đại, ngay cả trình độ trên phổ thông trung học, người ta còn viết sai cả chính tả, huống chi là chữ viết của ông cha từ hàng ngàn năm trước.

Nếu chỉ nhìn về góc độ thực dụng hạn hẹp thì có vẻ đúng như thế! Và có lẽ cũng vì thế mà nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền bỏ cả một đời người cũng chỉ cặm cụi một mình với rất nhiều gian nan, với nỗi lòng đau đáu tìm về cội nguồn chữ viết của dân tộc. Ông tự bỏ công sức với nguồn tài lực ít ỏi của chính ông và gia đình để lặn lội đi tìm chữ Việt cổ.

Không phải đến ngày 29. 1. 2013 ông mới giới thiệu cuốn sách của này. Ngày mùng 4 tháng 5. 2012, tại Hội trường Nhà xuất bản Tri Thức 53 Nguyễn Du, Trung Tâm Minh Triết Việt và Nhà xuất bản Tri Thức đã phối hợp tổ chức một buổi thuyết trình về Chữ Việt cổ của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền.

Sau buổi thuyết trình, sự quan tâm của các nhà khoa học chuyên ngành về lịch sử, ngôn ngữ đều cho rằng công trình của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền chưa đủ sức thuyết phục. Và họ – những nhà khoa học ấy – qua công trình nghiên cứu khoa học của ông, đã khen ngợi ông Xuyền là có “tinh thần yêu nước”?! Điều mà ông Xuyền đã quá đủ để chứng tỏ, khi vào tận sở mật thám Pháp tại Hải Phòng, giải cứu ngài Nguyễn Hữu Thọ – sau này là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và Chủ tịch nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông không cần thiết phải bỏ cả cuộc đời còn lại của mình thể hiện lòng yêu nước qua công trình nghiên cứu chữ Việt cổ. Tôi nghĩ chính ông mới đủ tư cách nhận xét lòng yêu nước của người khác, qua những hành động quả cảm của ông khi tham gia chống quân Pháp xâm lược.

Trong buổi thuyết trình này, giáo sư Viện sĩ Phan Huy Lê đã tham dự và cho rằng những luận cứ của ông Xuyền còn chưa đủ “cơ sở khoa học”. Ý kiến của giáo sư Phan Huy Lê được báo Thanh Niên mô tả như sau:

“Vấn đề chữ viết cổ của người Việt không chỉ trong nước mà đã được nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài chia sẻ. Và trước đây chưa ai dám kết luận chắc chắn. GS Lê cho rằng ông Xuyền tiếp nối, có sự bổ sung theo hướng đi của GS Lê Trọng Khánh, nghiên cứu từ chữ Thái cổ nhằm xác định chữ Việt cổ và nhấn mạnh: “Nhưng việc tìm ra và giải mã được chữ Việt cổ là quá trình không chỉ gian khổ mà còn khắc khổ. Phải có cứ liệu khoa học và sẵn sàng nhận lấy sự thẩm định, phản biện, thậm chí phê phán của những người khác”. “Trao đổi với Thanh Niên sáng 5.5, GS Phan Huy Lê nói: “Chữ của người Việt cổ là đề tài được một vài nhà nghiên cứu theo đuổi. Một đề tài nghiên cứu chuyên môn sâu cần nhà nghiên cứu chuyên môn sâu”. Ông từ chối đưa ra đánh giá cụ thể về chất lượng nghiên cứu của ông Đỗ Văn Xuyền”.

Tất nhiên, không phải chỉ có một mình giáo sư Viện sĩ Phan Huy Lê, những nhà khoa học chuyên ngành thuộc hàng “top”, có chức danh và học vị trong các Viện nghiên cứu, khi phát biểu cũng thể hiện sự chưa thỏa mãn với luận điểm của ông Xuyền.

“Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Văn Ánh (Viện Văn học) cho rằng cách lập luận của ông Xuyền dựa nhiều trên cách đọc của chữ quốc ngữ hiện tại, chưa có lý do gì để khẳng định các cụ ta lại sử dụng nguyên lý đọc này. PGS-TS Tống Trung Tín cho biết: “Tôi đánh giá đây là một cách đọc theo phương pháp khoa học là… tưởng tượng. Nghĩa là nó không mấy chặt chẽ và hơi võ đoán”.

Với địa vị học thuật thể hiện qua danh vị và những chức vụ đảm trách các bộ môn khoa học liên quan, những phát biểu của họ nghiễm nhiên mang tính quyền lực học thuật. Và thế là nó gây một cảm giác mơ hồ vốn mang tính phổ biến với cụm từ “chưa được khoa học công nhận”. Đương nhiên với những ý kiến của những nhà khoa học có danh vị, làm cho đông đảo những người ủng hộ một cảm giác rằng: Một nhà nghiên cứu nghiệp dư, không tên tuổi, còn có bút danh là trong thế giới văn chương là Khánh Hoài – tức là không có “chuyên môn sâu”, như cách nói của giáo sư Viện sĩ Phan Huy Lê – lại có thể làm được một công việc mà ngay những nhà khoa học tên tuổi – cả trong lẫn ngoài nước, từ hàng trăm năm nay – đã thất bại!?

Nhưng sự thành công trong việc đi tìm hệ thống chữ Việt cổ đã thực sự xảy ra với công trình nghiên cứu của ông Xuyền. Bởi vì, trong nghiên cứu khoa học không lệ thuộc vào sức chứa bộ nhớ và chức danh của các nhà khoa học. Nó cũng không phụ thuộc vào số đông cổ vũ với những pan hâm mộ và phương tiện nghiên cứu hoàng tráng trong các Viện khoa học. Tất nhiên nó cũng không lệ thuộc vào các đề tài khoa học với kinh phí hàng chục triệu tiền Việt, hoặc hoàng tráng hơn – đến hàng trăm tỷ Dollar – như cỗ máy gia tốc hạt của cộng đồng khoa học châu Âu đi tìm Hạt của Chúa. Tất cả những điều đó chỉ là những yếu tố hỗ trợ.

Để có những phát minh khoa học thì tôi cần phải xác định ngay rằng: Một trong những yếu tố có tính quyết định cho sự thành công của một công trình nghiên cứu khoa học, chính là phương pháp nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu của nhà văn Khánh Hoài.

Về phương pháp nghiên cứu chữ Việt cổ từ trước đến nay có thể phân loại với ba phương pháp đã thể hiện như sau:
1. Phương pháp dựa trên các di vật khảo cổ – do GS Hà Văn Tấn khởi xướng và đã tìm ra được một số hình, như là ký tự trên các di vật khảo cổ có niên đại xác định khác nhau. Nhưng chưa đủ căn cứ để xác định tính hệ thống của chữ Việt cổ.

2. Phương pháp dựa vào các hình khắc cổ trên đá – do một nhà nghiên cứu người Pháp đã và đang dựa trên hàng nghìn bản in từ đá cổ Sapa và các bãi đá cổ khác – sau khi tổng hợp và phân loại ông đã xác định được một số motif lặp lại trong nhiều hình vẽ có thể là một dạng ký tự – tuy nhiên chưa công bố kết quả cụ thể nào.

3. Phương pháp phỏng đoán chữ Việt cổ còn lại ở Tây Bắc và đi sưu tầm và hệ thống hóa – phương pháp này do GS Lê Trọng Khánh khởi xướng. Nhưng giáo sư Lê Trọng Khánh lại cho rằng đó là hệ thống chữ viết của người Tày Thái vì nó thể hiện ngôn ngữ trong sinh hoạt của người Tày Thái.

Tất nhiên, tất cả những phương pháp này đã thất bại.

Tôi trình bày khái quát nguyên nhân thất bại của ba phương pháp này, như sau:

1/ Phương pháp của giáo sư Hà Văn Tấn, chủ yếu dựa vào sự tìm thấy hay không những di sản cổ còn lại để xác định hệ thống chữ Việt cổ.

Đây là một phương pháp nghiên cứu lịch sử – được “khoa học công nhận”, nhưng tất nhiên không phải là duy nhất đúng – khá thịnh hành ở khoảng nửa đầu thế kỷ trước.

Nhưng di sản khảo cổ không phải là bằng chứng duy nhất chứng minh cho lịch sử. Điều này dễ hiểu! Vì chẳng có lẽ nào vì không có di vật khảo cổ thì lịch sử không tồn tại. Nhất là những vấn đề lịch sử đã lùi sâu vào quá khứ tính bằng thiên niên kỷ – Tất nhiên, những di sản cổ ngay cả bằng sắt thép cũng hoàn toàn …biến mất. Chưa nói đến di sản phi vật thể là hệ thống chữ viết của một dân tộc bị đô hộ hàng ngàn năm. Ngay cả trường hợp tìm thấy một di sản vật thể cổ có thể mô tả một sự kiện lịch sử nào đó thì cũng chỉ có thể coi đó là một sự hiện hữu khách quan và tự nó không nói lên điều gì. Nhà nghiên cứu với bằng chứng di sản vật thể khảo cổ tìm được, vẫn cần một hệ thống luận cứ hợp lý tối thiểu, để giải thích sự hiện hữu của di sản đó trong mối liên hệ với môi trường lịch sử mà nó đã ra đời. Ở đâu đó trong cõi trần gian này.
Điều kiện cần cốt lõi của phương pháp này là: Phải tìm thấy những di vật khảo cổ. Không tìm thấy thì bế tắc và giáo sư Hà Văn Tấn đã không tìm thấy.

2/ Phương pháp dựa vào các hình khắc cổ trên đá – dựa trên hàng nghìn bản in từ đá cổ Sapa và các bãi đá cổ khác do một nhà nghiên cứu người Pháp triển khai. Ông đã tổng hợp và phân loại và xác định được một số motif lặp lại trong nhiều hình vẽ có thể là một dạng ký tự – tuy nhiên chưa công bố kết quả cụ thể nào.

Phương pháp này của nhà nghiên cứu người Pháp thực chất cũng chỉ là sự sưu tầm di vật khảo cổ dưới một hình thức khác. Nó vẫn đòi hỏi khả năng giải mã để có thể đọc và phục hồi lại toàn bộ hệ thống chữ Việt cổ. Nhưng với hàng ngàn năm đã trôi qua, ngôn từ của một dân tộc cũng biến đổi theo thời gian. Ngay cả hệ thống ký tự Ai Cập cổ đại trong Kim Tự Tháp, hiện hữu rõ ràng như vậy, nếu không tìm được mối liên hệ với 6 ký tự liên quan đến chữ viết hiện đại thì con người của nền văn minh hiện nay vẫn chưa đọc được những bản văn khắc trong các Kim Tự tháp cổ Ai Cập.

Bởi vậy, cùng chung số phận với phương pháp của giáo sư Hà Văn Tấn – căn cứ trên di vật khảo cổ – là những di sản vật thể để xác định một giá trị văn hóa phi vật thể là một sai lầm. Cho nên, việc đi tìm hệ thống chữ Việt cổ của phương pháp này cũng đi vào bế tắc. Cho dù nó được thực hiện bởi những nhà khoa học tên tuổi tầm cỡ.

3. Phương pháp phỏng đoán chữ Việt cổ còn lại ở Tây Bắc và sưu tầm và hệ thống hóa – của GS Lê Trọng Khánh.

Đây là phương pháp có một định hướng gần đúng hơn cả – so với hai phương pháp trên. Bởi vì với một di sản phi vật thể là hệ thống chữ Việt cổ thì nó phải được tìm hiểu và khám phá từ những giá trị di sản phi vật thể. Do đó, giáo sư Lê Trọng Khánh thành danh trong việc truy tìm hệ thống chữ Việt cổ. Nhưng sự thành công của giáo sư chỉ dừng lại ở đây. Chính vì mặc dù có một phương pháp gần đúng, nhưng giáo sư lại không có một hệ thống luận cứ đủ thuyết phục để tiếp tục tiến tới mục đích cuối cùng. Giáo sư Lê Trọng Khánh cho rằng đó là hệ thống chữ viết của người Tày Thái vì nó thể hiện ngôn ngữ trong sinh hoạt của người Tày Thái.

Vấn đề được đặt ra là: Vì sao dân tộc Tày Thái – trong điều kiện chịu chung cảnh Bắc thuộc hàng ngàn năm như Việt tộc và là một bộ phận thiểu số trong cộng đồng Việt cổ lại có chữ viết, còn dân tộc Việt cổ lại không có? Nhu cầu nào và xuất phát từ một hệ thống quản trị xã hội nào để dân tộc Tày Thái có hệ thống chữ viết riêng của mình?

Nhưng với nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã đi tìm một phương pháp hoàn toàn khác. Phương pháp nghiên cứu của ông có tính kế thừa từ những phương pháp trên với những tư liệu cực kỳ phong phú. Phương pháp của ông có nhiều điểm tương đồng với giáo sư Lê Trọng Khánh, là đi tìm nguồn gốc của chữ Việt cổ lưu truyền trong dân gian, qua những giá trị di sản phi vật thể. Do đó, có sự ngộ nhận ông đi theo con đường của giáo sư Lê Trọng Khánh. Nhưng điểm nhấn và cũng là sự khác biệt của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền với các phương pháp trên chính là ông đã tổng hợp những dữ kiện về chữ Việt cổ trong một hệ thống luận cứ chặt chẽ – dựa trên những tiêu chí khoa học cho một giả thuyết khoa học được coi là đúng – trong chuyên ngành khoa ngôn ngữ học hiện đại – để xác định bộ chữ Việt cổ từ thời Hùng Vương dựng nước.

Tiêu chí khoa học cho một lý thuyết, một giả thuyết, một phương pháp vv... nhân danh khoa học, là những giá trị thẩm định và phản biện khoa học hoàn toàn khách quan, được hình thành trong lịch sử phát triển của khoa học hiện đại và được sự thừa nhận bởi những nhà khoa học thực sự. Nhà nghiên cứu không có “chuyên môn sâu” như ông Đỗ Văn Xuyền, không thể tự đặt ra tiêu chí khoa học của riêng ông, để tự thỏa mãn những luận cứ của ông với “lòng yêu nước“.

Tiêu chí khoa học chính là cái mốc chuẩn để phân biệt tính khoa học và phi khoa học. Đây cũng chính là cơ sở để thừa nhận hay phủ nhận những luận cứ của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền. Do đó, để phản biện và chứng minh sự sai lầm trong hệ thống luận cứ của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền thì phải căn cứ vào chính những tiêu chí khoa học được ông đề cập, hoặc những tiêu chí khoa học mà ông Xuyên bỏ qua để chỉ ra sai lầm của ông. Nhưng có vẻ như những người phủ nhận công trình nghiên cứu của ông Xuyền, chưa đủ tầm để thực hiện điều đó. Mặc dù học vị của họ cũng rất đáng kính nể.
Từ nhiều năm nay, công trình nghiên cứu của ông Xuyền đã phổ biến rộng rãi, nhưng chưa có dù chỉ một bài viết có tính hệ thống với những luận cứ chặt chẽ, thể hiện tính “chuyên môn sâu” của những học giả đáng kính, phản biện những luận điểm của ông Xuyền?!

Ông đã chứng minh sự tồn tại của một hệ thống chữ Việt cổ thỏa mãn đầy đủ tiêu chỉ khoa học cần có cho một hệ thống chữ viết của một nền văn minh. Từ cơ sở tiêu chí này so sánh với chữ Việt cổ liên hệ với ngôn ngữ trên các vùng miền của người Việt hoàn toàn thỏa mãn.

Những người phủ nhận luận cứ của nhà văn Khánh Hoài lạm dụng khá nhiều từ khoa học. Nhưng họ lại không định nghĩa được chính khái niệm mà họ sử dụng. Thí dụ như giáo sư viện sĩ Phan Huy Lê đặt vấn đề về “cơ sở khoa học” trong hệ thống luận cứ của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền. Nhưng vấn đề được đặt ra là: Thế nào nội dung của ‘cơ sở khoa học’. Tôi nghĩ: Những nhà nghiên cứu vốn không có“chuyên môn sâu”, như ông Xuyền và cả tôi, và có lẽ cũng rất nhiều người khác, cần được hiểu nội dung thế nào là “cơ sở khoa học”, để căn cứ vào đấy tự thẩm định?! Hoặc giả như PGS. TS Tống Trung Tín phát biểu: “Tôi đánh giá đây là một cách đọc theo phương pháp khoa học là… tưởng tượng. Nghĩa là nó không mấy chặt chẽ và hơi võ đoán” - thì chí ít ông cũng cần phải đưa ra cơ sở nào để ông có một “đánh giá” như vậy chứ nhỉ?!

Tóm lại, tôi có thể kết luận rằng: Sự phủ nhận một cách vội vã là thái độ vô trách nhiệm đối với lịch sử văn hóa của dân tộc, ít nhất là do thiểu hiểu biết.

Ý nghĩa của việc tìm ra Chữ Việt cổ.

“Để xác định một nền văn minh thì nó phải có hệ thống chữ viết để duy trì và phát triển nền văn minh đó”. Đó là một trong những tiêu chí khoa học để thẩm định một nền văn minh đã tồn tại trong lịch sử.

Cội nguồn dân tộc Việt thời Hùng Vương, được ghi nhận trong tâm khảm của những người Việt Nam sau hàng ngàn năm Bắc Thuộc, bằng những truyền thuyết và huyền thoại và những dòng viết ngắn ngủi trong chính sử một cách mơ hồ. Đó chính là cái nguyên cớ để vào những thập niên cuối thế kỷ XX, những người có học vị đã đặt lại vấn đề cội nguồn lịch sử dân tộc nhân danh khoa học. Nhưng những lập luận của họ – do chỉ dựa trên sự hoài nghi về cội nguồn lịch sử dân tộc – nên không hề tỏ ra có một luận cứ sắc xảo. Mặc dù vậy, lợi dụng học vị họ vẫn ngang nhiên kết luận về Thời Hùng Vương cội nguồn lịch sử của Việt tộc, chỉ tồn tại “khoảng từ thế kỷ thứ VII trước CN” và chỉ “cùng lắm là một liên minh bộ lạc” với những người dân “ở trần đóng khố”. Địa bàn hoạt động của nước Văn Lang – theo họ – chỉ vỏn vẹn ở “đồng bằng Bắc Bộ”. Chúng tôi đã bác bỏ những luận điểm của họ, rõ ràng, minh bạch trên web của Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương.

Một trong những luận điểm trong việc phủ nhận giá trị văn hóa sử truyền thống Việt chính là việc không tìm thấy một hệ thống chữ viết để chứng tỏ sự tồn tại một nền văn hiến đầy tự hào của người Việt. Đây cũng chính là tiêu chí khoa học để xác định sự tồn tại của một nền văn minh. Nhưng đó là một yêu cầu khám phá, tìm hiểu và phục hồi, chứ không phải là một luận điểm phủ định – ngay cả như không tìm thấy hệ thống chữ Việt cổ.

Nhưng thật may mắn! Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã xác định được hệ thống chữ Việt cổ. Đây chính là một điểm nhấn sắc sảo trong việc xác định cội nguồn lịch sử Việt tộc với gần 5000 năm văn hiến. Sự khám phá của nhà văn Khánh Hoài xác định “một nền văn minh thì nó phải có hệ thống chữ viết để duy trì và phát triển nền văn minh đó”. Bởi vậy, nên “hầu hết những nhà khoa học trong nước” và “cộng đồng khoa học thế giới” phủ nhận Việt sử gần 5000 năm văn hiến, đã có những cố gắng phi lý để phủ nhận thành tựu xuất sắc của ông. Tôi có thể thẳng thắn mà phát biểu như vậy. Nhưng thật đáng tiếc cho họ – những nhà khoa học với bằng cấp đáng kính – vẫn không hề có những luận cứ phản biện đủ minh bạch trước công luận – dù chỉ là trong một bài viết nghiêm túc – để chỉ ra sai lầm trong hệ thống luận cứ của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền.

Tôi nghĩ, nếu những nhà khoa học thực sự có trách nhiệm với cội nguồn văn hóa sử dân tộc, thực sự có tinh thần khoa học, đủ tính công bằng và đủ tự tin vào khả năng tri thức thể hiện qua học vị của họ cho việc làm sáng tỏ chân lý – thì – cần tổ chức một cuộc hội thảo tranh luận một cách công khai, minh bạch để xác định tính chân lý cội nguồn văn hóa sử của Việt tộc, trong đó bao gồm một thành tố quan trọng là hệ thống chữ Việt cổ của nhà văn Khánh Hoài. Điều mà chúng tôi luôn xác định rằng:

Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng bên bờ Nam sông Dương Tử và là cội nguồn của nền văn minh Đông phương một thời huyền vĩ.

Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Bài đã đăng trên web Kinh tế châu Á – Thái Bình dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét