TRANG

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

“NƯỚC” CỘI NGUỒN MINH TRIẾT CỦA TỘC VIỆT

TTđTD - “Nước” cội nguồn Minh Triết cho Văn Minh tinh thần của Việt Tộc thuộc về vấn đề văn hoá của dân tộc Việt cổ, trong khi Nhân loại đang đứng trước nguy cơ về thảm hoạ hiệu ứng nhà kính, nguy cơ trầm trọng về Nước và lương thực khiến các quốc gia trên thế giới phải nhóm họp hội nghị Copenhagen.

Tài liệu đính kèm: Tải về

Dân tộc nào cũng tạo ra một số huyền thoại và huyền sử để giảng giải nguồn gốc dân tộc, địa danh, địa hình, lãnh thổ của dân tộc mình.

Những huyền thoại và huyền sử về nguồn gốc dân tộc đó rõ ràng đã thể hiện, minh chứng cho tri thức, tư tưởng, văn hóa và dân tộc đó bắt đầu nền văn minh ra sao!

Văn hóa là cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả (Edouard Herriot).

Huyền thoại và huyền sử của Việt tộc cổ mang Bản sắc văn hóa dân tộc với cấu trúc chặt chẽ của ba nhân tố: Văn hóa gia đình (Nhà), văn hóa xã hội (làng xóm) và văn hóa dân tộc (nước).

Việt Nam là một trong những khu vực được coi là trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm nhất với nền văn minh lúa nước, thể hiện sự kết tinh lối sống, truyền thống và văn hóa của người Việt cổ. Đặc điểm nổi bật của văn hóa Việt Nam là văn hóa “làng”, Chính làng xóm của người Việt đã nuôi dưỡng và phát triển những tinh hoa của văn hóa truyền thống, làm cơ sở cho tinh thần đoàn kết trong các cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, chống chính sách đồng hóa của các triều đại Phương Bắc, giành độc lập cho dân tộc, gìn giữ truyền thống, văn hóa riêng của mình.

Tổ tiên Việt tộc đã tạo dựng nên một nền văn hóa Làng xóm với tính trung thực, vị tha, bao dung và năng động, Ngẫm nghĩ kỹ cái hồn vía cái tính cách văn hoá, triết học từ làng quê ấy từng được gìn giữ một cách VÔ TỰ và bằng xương máu của bao thế hệ để giữ làng, giữ nước. Trong suốt chiều dài lịch sử trường kỳ dựng nước và giữ nước, người Việt hiểu rõ gia đình, làng và nước gắn bó với nhau một cách mật thiết làm một như cơ chế tam tài trong Lạc thư Hà đồ {Gia đình (Nhà), Làng xóm, dân tộc (Nước)}, và nét độc đáo của truyền thống Việt Nam là làng còn thì Nước còn.

Trở về minh triết Việt, với nền tảng của triết lý An vi từ ngàn xưa của Việt tộc, phải nói tới hình ảnh văn hoá gia đình (văn hoá nhà), văn hoá “Làng”, văn hoá Dân tộc (Nước). vì cơ cấu tổ chức và tinh thần sinh hoạt của Làng Việt Namchính là biểu tượng cho triết lý An Vi của dân tộc Việt Nam vậy.

Văn hoá làng của Việt tộc bắt đầu từ nền văn hoá nông nghiệp. Mỗi nền văn hoá hay một thời đại văn hoá đều tạo ra một vùng khí hậu riêng lâu dần lắng đọng thành hai tâm thế ở hai cõi thực tại và văn hoá. Văn hoá Việt cổ mang đặc điểm của thực tại là nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Con người sống trong nền văn hoá ấy đã hình thành sự sinh hoạt tập đoàn giữa cộng đồng làng xóm, những sinh hoạt văn hoá dân gian gắn liền với các địa danh đậm hồn Sông Nước.

Trong phạm vi bài viết này với chủ đề “NƯỚC” người viết chỉ đề cập sơ lược đến làng xóm, vì làng xóm đóng một vai trò rất quan trọng như một thành lũy trong việc chống ngoại xâm, bảo tồn Văn hóa và nuôi dưỡng tâm tình người Việt.

Từ một gia đình nhỏ người Việt mở rộng ra một "gia đình" lớn hơn là làng xã, trong đó mọi người chung sống như một gia đình, có bàn thờ trang trọng chung thờ thành hoàng, có tài sản chung, phong tục tập quán chung, Xã hội và làng xã Việt Nam không có giai cấp quí tộc và thứ dân, không có địa chủ và nông nô như xã hội Tây phương cổ đại. Nếu người nghèo không có ruộng đất riêng thì cũng được làng xã chia công điền, công thổ để làm ăn, mọi người có cơ hội đồng đều trong cuộc sống, người nghèo không bị miệt thị "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời ". Thời Vua Hùng dựng nước đã có Lạc Hầu, Lạc Tướng coi một vùng thuộc quyền của mình. Như vậy là có nhiều thôn xóm, làng mạc qui tụ dưới quyền các vị Lạc hầu, Lạc Tướng và các vị này qui tụ lại thành quốc gia do các Vua Hùng kế tiếp nhau ngự trị.

Nhưng trước khi có quốc gia thì người Việt đã tổ chức làng xóm vững vàng từ lâu rồi, bằng chứng là phong tục, tập quán, luật lệ, cơ cấu chính quyền Xã, tín ngưỡng đã ăn xâu vào đầu óc người dân và đã trở thành như những nguyên tắc bất di, bất dịch nên khi thành lập quốc gia các vị Vua, Chúa phải tôn trọng: "Phép vua cũng thua lệ làng". Đó chính là tinh thần dân chủ đã ăn sâu vào nếp sống của người dân Việt. Nhưng Làng Xã Việt tộc cổ kết hợp lại thành quốc gia không phải bởi luật pháp và hiến pháp ràng buộc như những nước khác mà bởi tinh thần dân tộc do cùng một dòng máu, cùng một Tổ Tiên nên sự liên hệ giữa hai bên được giải quyết êm đẹp bằng cả tình lẫn lý, Làng xã của Việt tộc từ ngàn xưa đã có cơ cấu tổ chức, có luật lệ gọi là Hương ước do Hội đồng Kỳ Mục (qui định luật lệ về quyền lợi và nghĩa vụ cho người dân trong làng xã). Hội đồng này còn có quyền thay đổi những tập tục lỗi thời hay ban hành những luật lệ mới. Hội đồng Kỳ Mục phụ trách việc thi hành Hương ước, tổ chức việc tế lễ, thu thuế, bảo đảm an ninh, liên lạc với các cấp chính quyền thuộc quốc gia.

Sơ lược về định nghĩa Minh triết Việt của một số nhân sỹ:

- Ngô Thời Sĩ quan niệm Minh triết là đạo lý đời thường: “Đem đạo Thánh hiền để quở trách thói đời, không bằng đem đạo đời thường để cảm hóa lòng người”.

- Triết gia Kim Định xác định “Minh triết là Đạo tức là con đường hướng dẫn con người đến hạnh phúc”. Nền tảng của Minh triết là: Thái hòa, Nhân chủ, Tâm linh.

- Từ Vương quốc Anh, học giả Vũ Khánh Thành “Minh triết Việt định hướng cho việc phát triển đất nứớc” đã tổng hợp tư tưởng triết gia Kim Định và đề xuất học Nho, học Phật, học Kinh Thánh để phục hồi đạo làm người: “Nhân Trí Dũng của Nho- Bi Hỷ Xả của Phật- Tin cậy Mến của Thiên Chúa giáo, để thành Người.”

- Đặt vấn đề minh triết Việt có hay không và ở đâu, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai (chủ tọa hội thảo, cùng với GS Hoàng Ngọc Hiến), khẳng định: có một nền minh triết Việt rất sâu sắc được hình thành và chắt lọc từ cội nguồn, thể hiện qua những tư liệu thành văn và cả kho tàng dân gian.

- Từ Sydney học giả Phạm Việt Hưng về Hà Nội trả lời câu hỏi: Đâu là nền văn minh đích thực? Nền văn minh đích thực phải là sự chắt lọc tổng hòa tinh túy của hai nền văn minh Đông và Tây. Văn minh Đông phương cổ truyền thiên về Tâm (thông qua chiêm nghiệm, trực giác). Văn minh Tây phương thiên về Vật (thông qua quan sát, đo đạc, chứng minh).

- Trong bài viết về Minh Triết gởi ông Hoàng Ngọc Hiến của học giả Việt Nhân: Muốn thấy Triết Việt thì đừng có tìm trong Sách mà phải tìm trong Lối Sống.

- Học giả Nguyễn Việt Nho: NGUỒN GỐC MINH TRIẾT VIỆT THÔNG QUA VĂN HÓA TRIẾT: Điểm đặt biệt so với các nền văn hóa khác, Văn Hóa Việt được trình bày dưới hai dạng thức: dạng dùng ngôn ngữ để diễn ý và dạng lý số hay tóan lý số viết bằng triết tự văn hóa để dẫn vào Minh Triết. Dùng ngôn ngữ để hình thành văn hóa, trên lãnh vực triết, không làm cho ta trực diện, trực ngộ Chân Lý mà nó chỉ mô tả hay nói về Chân Lý mà thôi.

- Nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử và triết học Hà Văn Thùy trong bài TRỞ VỀ CỘI NGUỒN MINH TRIẾT VIỆT: Trong ý nghĩa nào đó thì minh triết là “Sự khôn ngoan và sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa và tỏa năng lượng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc.” Vì vậy, muốn tìm cội nguồn của minh triết, trước hết phải tìm ra cội nguồn văn hóa.

Căn cứ vào 8 định nghĩa cho tiêu chuẩn Minh triết ở trên để có thể nói rằng: Trở về Minh triết Việt có lẽ phải bắt đầu từ cái gốc, “Nước” cái căn bản, tư duy đầu tiên phát sinh ra nền văn hoá và văn minh Việt tộc.

Hầu như tất cả các dân tộc đều có truyền thuyết về thời kỳ mở đầu dựng Nước phản ánh tư duy của con người thời cổ đại. Từ thuở hồng hoang, buổi ban sơ của nhân loại, Việt tộc với nền văn minh trí tuệ đầy cao viễn đã luôn coi con người với thiên nhiên cùng tồn tại song hành với nhau, Việt tộc xây dựng quốc gia ở các vùng đất nối liền với Sông Nước (yếu tố thực tại) cộng với những truyền thuyết (yếu tố tinh thần) là những truyền kỳ lịch sử dân gian từ đời này sang đời khác, như những thông điệp của người xưa về cội nguồn dân tộc.

Có thể nói trên lãnh vực tinh thần của Việt tộc chính là xứ sở của huyền thoại đầy tính hiện thực, là nơi mà cuộc sống hiện thực đầy tính huyền thoại đến nỗi khó có thể phân biệt đâu là huyền thoại đâu là hiện thực. Lịch sử tiến hoá của loài người cho biết địa bàn lãnh thổ bao giờ cũng có trước cộng đồng xã hội, ngôn ngữ bao giờ cũng có trước văn tự. Trước khi loài người biết dùng chữ viết để ghi chép lưu lại cho đời sau những sự kiện lịch sử thì người xưa đã lưu truyền trong dân gian những truyền thuyết thần thoại dưới dạng những câu truyện cổ tích. Những truyền thuyết này phản ánh trung thực những sự kiện nhất định trong tiến trình lịch sử của một dân tộc. Ngày nay tri thức loài người đã thoát khỏi cái vòng vây của lý trí, của tinh thần cưc đoan duy lý một thời để thực sự chứng nghiệm chân lý. Bằng phương pháp nghiên cứu với tinh thần nghiên cứu khoa học của khoa Tiền sử học, Nhân chủng học, Khảo cổ và Ngôn ngữ học nhất là phương pháp phân tích cấu trúc phân tử di truyền DNA để từ đó, chúng ta có quyền khẳng định sự thật lịch sử, phục hồi chân lý khách quan của lịch sử, nhưng không thể bỏ quên yếu tố Minh triết tinh tuý mà người xưa đã để lại, ẩn tàng dưới lớp vỏ thần thoại huyền hoặc. và Minh triết Việt có thể phải khởi đầu bằng tư duy về yếu tố thực tại “sông Nước” của tiền nhân Việt tộc đã đóng dấu trong Lạc thư Hà đồ.

“Nước” thông điệp của Việt tộc trong Việt nho Lạc thư Hà đồ 

Chúng ta biết rằng cuộc sống con người có liên quan trực tiếp tới chất lượng của nước, cả bên trong thân thể lẫn bên ngoài môi trường sống chung quanh chúng ta. Nước hàm chứa một thông điệp rất quan trọng trong đời sống con người. Từ ngàn xưa, dân tộc Việt sống nhờ sông nước, biển khơi, nên đời Hùng Vương, đặt tên“Nước” là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc, (Việt trì, Vĩnh phú), trên bờ sông Hồng (có thể thời bấy giờ đất Phong Châu còn gần bờ biển, vì vào thời Lê-Trịnh, Phố Hiến, tức Hưng Yên ngày nay, còn là bến tầu để các tầu thuyền ngoại quốc lui tới). Khu vực Văn Hóa Đông Sơn cũng nằm trên lưu vực Sông Mã gần bờ biển để dễ giao lưu với các miền Hải Đảo của Nam-Thái Bình Dương. Sách “Lĩnh Nam chích Quái”, viết: ”người Việt cổ, lặn giỏi, bơi tài, thạo thủy chiến, giỏi dùng thuyền”. Trong văn thơ, ca dao, tục ngữ, hình ảnh biển, sông, nước, con thuyền, bến bờ, con đò.. đã gắn liền với tiềm thức của con người Việt Nam:

Hà Đồ Lạc thư

Sông Tương chảy hai chiều. Âm Dương toả hai chiều .
Quân tại Tương giang đầu. Dương tại Tương giang đầu .
Thiếp tại Tương giang vĩ. Âm tại Tương giang vĩ .
Tương tư bất tương kiến. Tương hợp bất tương kiến .
Ðòng ẩm Tương giang thủy Đồng lưu Tương giang thuỷ

Trich Minh triết (Kim Định)

Hà đồ: bắt đầu từ trung tâm chia làm hai dòng Âm và Dương với 5 đặc tính :

1 - Lưỡng cực (đối nghịch, vi phản giữ Âm & Dương, Hữu & Vô)

2 - Tuần hoàn (biến dịch, xoay vần, giao hoán, nguyên lý Động và Tĩnh)

3 - Tương giao (phép cộng, cộng hưởng, nguyên lý của hội nhập)

4 - Tương thôi (phép trừ, hiệu ứng, nguyên lý bất định)

5 - Tương thành (là nguyên lý của sự hợp nhất, cơ cấu liên kết của 4 trạng thái Lưỡng cực, Tuần hoàn, Tương giao, Tương thôi)

Nước là hiện tượng tự nhiên ảnh hưởng đến đời sống, là bức tranh tổng thể của tri thức bao gồm tư tưởng, nhân sinh quan, vũ trụ quan, nhân quần và xã hội, yếu tố quan trọng của nền văn minh nông nghiệp.

Nhìn lại đồ hình Hà đồ với hai chiều uốn lượn giao nhau, lên xuống một cách thần kỳ huyền diệu, ta thấy nét Loa pháp.

Đồng thời Hà đồ rõ ràng là hình Vuông Đất với hai dòng Nước, thực tế Hà đồ cũng chính là hình Tròn.

Hà đồ hình thành với các cạnh đều có tổng số bằng 15 (trị số 15 của Hà đồ liên đới với Nước Văn Lang gọi là Văn Lang thập ngũ bộ), một hình Vuông tuyệt đối. Trong hình học thì hình vuông là một hình có bốn cạnh bằng nhau và hai đường chéo bằng nhau, nhưng cạnh của hình vuông phải nhỏ hơn đường chéo. Hà đồ lại có hai đường chéo bằng các cạnh của hình vuông, kết luận đây cũng chính là hình tròn. Trọng tâm của hình vuông là giao điểm của hai đường chéo : là Thái cực. Trọng tâm hay tâm của vòng tròn cũng là Thái cực (Hà đồ Vuông và Tròn sẽ nói đến trong bài khác).

Chính vì nguyên lý sinh tồn, ngành nông nghiệp phát sinh và con người phải tìm hiểu học hỏi thiên nhiên, vạn vật, tinh tú và vũ trụ. Như thế Lạc thư Hà đồ chính tư duy khách quan từ thiên nhiên đúc kết thành tri thức liên quan đến nền văn minh nông nghiệp.

Suy luận khách quan chúng ta không thể phủ nhận. Lịch sử phát triển của con người thì tộc Việt cũng không thể thoát ra khỏi định luật sinh tồn như các dân tộc khác. Việt tộc chắc chắn cũng phải trải qua giai đoạn Bái vật, khi tinh thần duy lý và thực nghiệm chưa phát huy, con người sẽ nhìn thiên nhiên và vũ trụ bằng sự sợ hãi, tin tưởng để từ đó sinh ra những hình thức tín ngưỡng như Cúng lạy, Van xin, cầu khẩn, bói toán, đồng bóng.. nhằm mục đích bảo vệ đời sống mà lúc đó con người chưa đủ lý trí và óc phán đoán suy luận.

Diễn trình nhận thức về vũ trụ của Việt tộc chắc chắn cũng bắt đầu từ giai đoạn Bái vật. Có thể nói mọi vật thể, mọi đối tượng tác động đến Đau khổ hay hạnh phúc của đời sống con người, cái gì đem đến sự đau khổ cho con người thì sợ hãi mà phải tôn thờ để tránh tai ương như Voi (ông Vâm), Cọp, Hổ (ông ba mươi), Rắn (ông Lốt), Chuột (ông Tý), cái gì đưa đên hạnh phúc thì con người biết ơn vì thế do biết ơn mà thờ lạy như tục thờ cây Đa, thờ đá, thờ súc vật như Cóc (ông Khiết).

Luật tiến hóa đưa con người bắt đầu giải thích những hiện tượng tự nhiên ảnh hưởng đến đời sống, Mưa, gió sấm chớp, theo lòng tin của con người đều do Thần tạo ra. Thần mưa là do Rồng từ trời xuống hạ giới hút nước rồi bay lên phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cầy cấy, cây cỏ trên mặt đất được tươi tốt, Trời đất bình lặng thì thần Nước Rồng nằm nghỉ yên tĩnh là Sông, những vị thần điều khiển thời tiết thần mưa, thần sấm, thần chớp, rồi mỗi nơi mỗi khu vực đều có thần nơi đó cai trị, không nơi nào là không có thần cai quản, thiết nghĩ phải nói đến vị thần rất quan trọng đối với Việt tộc, đó là thần lửa, thần bếp (Táo quân) là vị thần mang lại miếng ngon miếng ngọt tức là hạnh phúc.Táo quân là vị thần do Trời (Thượng hoàng sai xuống trần gian giúp con người), Lửa là vật thể vô hình và hữu hình , sáng và tối, nóng và lạnh, có và không, Táo quân thể hiện tri kiến siêu việt về tương quan giữa con người và Trời. Suy ra Thổ thần, thần mưa, Sông, nước là một trong những vị thần trọng hệ nhất liên quan đến ngành nông nghiệp của Việt tộc.

Ngày nay người Việt Nam lại mang nhiều nhược điểm là luôn luôn đua đòi theo những tư tưởng ngoại lai, vong bản thiển cận mà quên đi những tài sản văn hóa quý báu lâu đời của mình. Trở về với cội nguồn dân tộc, xây dựng một quan điểm vũ trụ, nhân sinh tự chủ toàn diện và uyên bác là nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, nó phải đại diện cho những tư tưởng, văn hoá, chính trị chủ đạo trong việc đấu tranh xây dựng và phát triển đất nước, phục vụ thiết thực đời sống quần chúng, nhân dân, gần gũi với tâm lý, tập quán, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc chứ không đòi hỏi những lý luận cao siêu về mặt học thuật mà viễn vong xa rời thực tế. Công việc bảo tồn và truyền bá di sản văn hóa Nho Giáo cho các thế hệ mai sau trong tình hình xã hội khủng hoãng các giá trị đạo đức như hiện nay có ý nghĩa to lớn đối với tiền đồ dân tộc.

Sự trường tồn của một dân tộc, sự lớn mạnh của một quốc gia phải bắt đầu từ ba yếu tố căn bản : văn hóa, giống nòi, và Lãnh thổ (đất đai).

Trong đó yếu tố văn hóa là yếu tố quan trọng nhất, một dân tộc mà đánh mất các giá trị văn hóa truyền thống, đánh mất cái bản sắc của mình thì dù đất đai có còn, con người có còn tồn tại thì dân tộc đó đã hoặc đang trên đường đi đến diệt vong.

Dân tộc Việt Nam với 5000 năm văn hiến, Do cuộc sống định canh định cư cố định nơi những đồng bằng sông nước đã đúc kết lên một dân tộc với nền văn minh cổ xưa, đã phát minh ra Lạc thư Hà đồ, Kinh Dịch, văn minh lúa nước, Rồng là Linh vật của người Việt phát sinh từ tư duy tuần hoàn của Nước, Nước chính là tri thức gắn bó liên tục suốt chiều dài lịch sử của Việt tộc, vì lý do đó mà Việt tộc đã dùng chữ Nước để diễn tả thâm sâu trong lòng dân Việt về ý niệm quốc gia dân tộc, Trong suốt chiều dài lịch sử, Không gian và thời gian qua đi nhưng Việt tộc luôn luôn mang quốc hiệu gắn bó với ruộng nương, sông nước từ Văn Lang, Âu Lạc, Nước Nam Việt, Nước Việt Nam. Nước mang nhiều ý nghĩa khác nhau, Nước biểu kiến cho sự trường tồn của sống, cho tính liên kết, đoàn kết, cho cả hai thế Động và Tĩnh, Vật chất và tinh thần, Nước “H2O” cũng là chất tự nhiên duy nhất tồn tại trong 3 trạng thái: lỏng, rắn và khí.

Có lẽ không có ngôn ngữ nào trên thế giới sử dụng chữ Nước một cách phong phú, linh động như người Việt Nam, Nước là đề tài phong phú trong tư tưởng và thi văn Việt Nam, nói đến Nước còn phải nói đến Non. Non mang ý nghĩa là đất, là núi, Nước Non mang ý nghĩa là Đất Nước, là Quốc gia, là Tổ quốc:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền con bé tẻo teo,
Sóng nước theo làn hơi gợn tý,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

(Nguyễn Khuyến)

* * *

Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện Nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ Nước, Nước mà quên non
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non, còn Nước, hãy còn thề xưa
Non xanh đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non Nước Nước không nguôi lời thề

(Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)

Giai thoại về vua Duy Tân

Một lần nhà vua thiếu niên Duy Tân từ bãi tắm Cửa Tùng lên (hàng năm vua hay ra đây nghỉ mát), tay chân dính cát. Thị vệ bưng chậu nước cho vua rửa. Vua vừa rửa vừa hỏi:

- Khi tay bẩn thì lấy nước mà rửa, khi nước bẩn thì lấy chi mà rửa?

Người thị vệ chưa biết trả lời ra sao thì vua nói:

- Nước bẩn thì phải tìm cách trừ khử những chất ngoại lai lẫn vào trong đó, hiểu không?

Một lần khác vua ra ngồi câu cá trước bến Phu Văn Lâu, thượng thư Nguyễn Hữu Bài cùng đi. Mãi không thấy con cá nào cắn câu, vua bèn ra câu đối: Ngồi trên nước không ngăn được nước, trót buông câu nên lỡ phải lần.

Nguyễn Hữu Bài nghĩ ngợi rồi đối lại: Nghĩ việc đời mà ngán cho đời, đành nhắm mắt đến đâu hay đó. Nghe đồn vua phê Nguyễn Hữu Bài là người cam chịu trước số mạng và bảo: "Theo ý trẫm, sống như thế buồn lắm, phải có ý chí vượt gian khó thì cuộc sống mới có ý nghĩa."

Nước “H2O” trong thiên nhiên

Cuộc sống trên trái đất bắt nguồn từ Nước, tất cả các sự sống trên trái đất đều phụ thuộc vào Nước và vòng tuần hoàn của Nước. Nước có ảnh hưởng quyết định đến Khí hậu và là nguyên nhân tạo ra thời tiết, năng lượng mặt trời sưởi ấm không đồng đều lên các đại dương đã tạo nên các dòng hải lưu trên toàn cầu. Nước là thành phần quan trọng của các tế bào sinh học và là môi trường của các quá trình sinh hóa cơ bản như quang hợp, những giọt Nước liên kết với nhau thể hiện tính kết nối, lan tỏa, Nước có mặt ở khắp mọi nơi, Nước rất mềm mại, uyển chuyển nhưng cũng có sức mạnh vô cùng to lớn. 3 giọt Nước liên kết với nhau tạo thế uyển chuyển linh động vững chắc mạnh mẽ

Nước “H2O” cũng là chất tự nhiên duy nhất tồn tại trong 3 trạng thái lỏng, rắn và khí. Nước là một chất trong vũ trụ gần gũi và không thể thiếu được trong sự sống của Con người, động và thực vật, là một chất tạo nên sự cân đối của những vận động tuần hoàn thế giới vĩ mô mà còn cả những chuyển hóa vi mô trong từng đơn vị nhỏ nhất của sinh, động thực vật. Nước là nguồn gốc của muôn loài vạn vật, Khoa học đã chứng minh và xác định nước là chất cơ bản, là cái nôi của sự sống, là môi trường hấp thụ chuyển hóa vô cùng tinh vi giúp sinh động thực vật tồn tại, phát triển tiến hoá và đào thải liên tục không ngừng. Trong vũ trụ nếu hành tinh nào có Nước ở đó mới hy vọng có sự sống.

Kết cấu của Nước như thế chân Vạc gồm 2 Hydro và 1 Oxy (vững như kiềng ba chân), dĩ nhiên ở thời xa xưa khi cơ cấu hoá học của Nước chưa biết đến, nhưng vô hình chung cơ cấu của Nước lại trùng hợp với triết lý Tam cực (triết lý tam Tài) trong Việt nho Lạc thư Hà đồ, triết lý Tam tài thể hiện sự tương tác thống nhất với nhau của các lực lượng âm và dương trong vạn tượng, những trị số biểu thị cho Tam tài trong Hà đồ luôn luôn hoàn chỉnh một cách tuyệt đối, mỗi trị số trong dòng âm tương tác và thống nhất không đấu tranh mà liên kết với trị số đối xứng bên dòng dương qua trung tâm Thái cực để tạo thành từng cặp số Tam tài, trong đó trị số Thái cực (trị số trung tâm) giữ vai trò chủ đạo chính yếu liên kết hai trị số âm và dương kia. Quan hệ tương tác giữa ba lực lượng này làm cho Vạn tượng cân bằng và phát triển. Như vậy Tam Tài nghĩa là ba căn cơ cùng lý của vạn vật, thực ra đó là ba căn cơ tác động muôn vật trong vũ trụ. Có thể nói: đây là một hợp thể đồng nhất, mà Nhân đứng giữa như trọng tâm để nối kết hai bờ Thiên Địa.

G.S Vũ Thế Ngọc trong bài Ý nghĩa quốc hiệu Lạc Việt đã minh chứng: Từ tố tiếng Việt “LẠC” là NƯỚC

(http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=251)

Một hai học giả đã thấy được sự bất ổn khi truy nghĩa tự Lạc theo Hán văn. Người đi xa nhất là Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc trong bài "Thử Tìm Nguồn Gốc Ngữ Nghĩa của Từ Tố "Lạc". Sách Thủy Kinh Chú dẫn lại sách Giao Châu Ngoại Vực Ký là sách cổ nhất viết về sử nước ta viết như sau:

"Thời xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, thì đất đai có Lạc Điền, ruộng ấy là ruộng (cầy cấy) theo con nước thủy triềụ Dân khai khẩn ruộng ấy mà ăn, nên gọi là Lạc Dân. Có Lạc Vương, Lạc Hầu làm chủ các quận huyện. Ở huyện phần đông có Lạc Tướng. Lạc Tướng có ấn bằng đồng, (đeo) giải (vải mầu) xanh. Về sau con vua Thục đem ba vạn lính đánh Lạc Vương Lạc Hầu, thu phục các Lạc Tướng. Con vua Thục nhân đó xưng là An Dương Vương"

Khi thấy tất cả nghĩa Hán Việt của từ Lạc đều không thỏa mãn ý của chữ Lạc trong đoạn văn trên, thì người ta đồng ý ngay là từ "Lạc" phải là từ tố tiếng Việt. Vậy tiếng cổ "Lạc" có nghĩa là gì?

Nguyễn Kim Thản đã rất sáng mà đặt giả thuyết đó là chữ có nghĩa "Nước". Tuy nhiên về chứng cớ, ông chỉ tìm được có một từ là "rạc" trong nước rạc (nước ròng), cạn rặc (cạn hết) (12). (Cũng nên biết chữ Rạc (nôm) dùng chữ Hán là "Lạc bộ Thủy" để ký âm). Thành ra phần phê bình của ông thì hợp lý, nhưng ông chưa chứng minh được giả thuyết mà ông vừa "thấy" được. Phần sau đây chúng tôi xin trình bầy để minh chứng rõ ràng "Lạc" đúng là "Nước".Thành ra chữ Lạc Điền là Ruộng Nước.

“Thời nhà Hạ (2200 trước CN) người dân đã biết ‘tát nước vào ruộng’…” rõ ràng câu này chỉ sự canh tác lúa nước; nước là điều kiện đầu tiên trong: “nước, phân, cần, giống” mà nền khoa học nông nghiệp Việt Nam đã tổng kết từ xa xưa; nước quan trọng đến nỗi “việc dẫn thủy nhập điền” được coi như một thành tựu khoa học, phản ánh trình độ văn minh của một dân tộc. Sự việc này khó hiểu ở chỗ: lãnh thổ nhà Hạ ở vùng Hoàng Hà (theo chính sử Trung Hoa) đâu có trồng được lúa nước.

"Lạc" là "Nước"

Ta hãy nhìn vào bảng tiếng chỉ "nước của các dân tộc được coi là đồng chủng (?) sau đây:

BẢNG 1: Việt (hiện dùng): Nước - Mạ: Đa - Churu: Đạ - Koho: Đa - Nup: Đa - Muong: Đa - Bana: Đák - Sơ Đăng: Đák - Cua: Đaák - Xi Tiêng: Đaác - Mường: Rác - Việt (tiếng địa phương bắc Trung Bộ): Nác.

Trở lại với từ tố "Lạc", như vậy chúng ta đã đi qua được các chặng đường:

1. Minh chứng "Lạc" là Nước, cổ âm của tiếng Việt và cổ Hán cũng trùng hợp như vậy (21).

2. Dân Lạc Việt bản địa là chủ nhân đầu tiên trên thế giới biết về nghề làm "ruộng nước" (lúa gạo) và rất hãnh diện khi nhận mình là "Lạc dân" (không thể hiểu là "người nước" (22) như Nguyễn Kim Thản viết, mà nên hiểu là "người có ruộng nước", "người làm chủ ruộng lúa", "người biết làm nghề nông".

Cố Vi vào đời nhà Tấn (205- 420), trong đó có một đoạn nói đến đời sống của dân Lạc Việt như sau: "Giao Chỉ tích hữu quận, huyện chi thời, thổ địa hữu Lạc Điền. Kỳ điền tòng thủy triều thượng hạ. Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân. Thiết Lạc vương, Lạc hầu, chủ chư quận huyện. Đa vi Lạc tướng, đồng ấn thanh thụ" (Lệ Đào Nguyên, Thủy Kinh Chú, quyển 7, tờ 4b), dịch nghĩa: "Ngày xưa khi đất Giao Chỉ chưa trở thành quận, huyện của nhà Hán, ở đó có ruộng gọi là ruộng Lạc. Ruộng đó tùy theo nước thủy triều lên xuống (ruộng ngập nước), dân khai khẩn ruộng đó nên gọi là ruộng Lạc. Họ lập ra các chức Lạc vương, Lạc hầu để làm chủ các quận huyện. Có nhiều Lạc tướng có ấn đồng lụa xanh". (ngưng trích)

G.S. Nguyễn Sơn Hà trong bài Tượng và Hình hay ý nghĩa lễ Giáng Sinh theo quan niệm Viễn. đã minh chứng Từ Tố Tiếng Việt "Lang" Là Nước. http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=256&ia=2918

Còn "hậu học văn", văn ở đây không phải là nghĩa đã nêu ra như trên, mà là nghĩa "Văn Lang". Chữ Lang vừa có nghĩa là nước vừa có nghĩa là người. Vậy Văn là gì? Theo nguyên nghĩa Văn chỉ sự giao thoa của Trời và Đất, là nghĩa con người như câu "nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội. Như vậy học văn tức là học về con người, không chỉ về tâm lý hay sinh lý, mà là ý nghĩa triết lý về con người, tức là phải biết tại sao con người hiện hữu giữa vạn vật trong vũ trụ, và là ai, mà lại sinh, bệnh, lão, tử, hay lại biết hỉ, nộ, ai, lạc, với đa đoan… nghiã là nhiều chuyện và lắm chuyện !? Và đó cũng là học ý nghĩa cái Tính của Thiên Mệnh (thiên mệnh chi vị Tính), nên sách Trung Dung mới có câu : "Đại Học chi Đạo", nghĩa là cái học tận lý cùng tính cho người trưởng thành ở bậc đại học là cái học Đạo, chớ không phải như cái học ở các đại học ngày nay, là cái học chuyên môn bề ngoài để kiếm lợi bằng tiền bạc, quyền chức và danh vọng, để làm cho con người vong thân vì vong bản. (ngưng trích)

Người Việt cổ coi Nước là Tổ quốc, là Quốc gia. Nước Khi mang nghĩa Tổ quốc, là Quốc gia cũng phải có cơ cấu của thế Tam cực: Dân tộc (cộng đồng Dân Tộc), Lãnh thổ đất đai và Văn Hoá, Chính Trị và Xã Hội. cơ cấu sinh hoạt Chính trị của Việt tộc lấy Xã thôn tự trị (Phép Vua thua lệ làng). Ngày nay dưới chế độ dân chủ, hệ thống chính trị của quốc gia đặt trên cơ cấu tam quyền phân lập: Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp.

Quyền lập pháp biểu hiện ý chí chung của quốc gia. Nó thuộc về toàn thể nhân dân, được trao cho hội nghị đại biểu nhân dân - Quốc hội, là quyền làm luật, xây dựng luật và ban hành những văn bản luật được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quyền lập pháp có thể do Quốc hội hoặc Nghị viện tiến hành.

Quyền hành pháp do các cơ quan hành chính của Quốc gia thực thi để bảo đảm hoàn thành chức năng và nhiệm vụ của mình. Quyền hành pháp bao gồm hai quyền: quyền lập qui và quyền hành chính.

Quyền lập qui là quyền ban hành những văn bản pháp qui dưới luật, để cụ thể hoá luật pháp do các cơ quan lập pháp ban hành trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Quyền hành chính là quyền tổ chức quản lý tất cả các mặt, các quan hệ xã hội bằng cách sử dụng quyền lực Nhà nước. Quyền hành chính bao gồm các quyền về tổ chức nhân sự trong cơ quan hành chính, quyền tổ chức thực thi và áp dụng pháp luật trong các mối quan hệ giữa tổ chức với cá nhân, tổ chức với tổ chức và giữa các cá nhân với nhau trong đời sống xã hội. ngành hành pháp bị hạn chế bởi quyền lực hiến pháp dành cho ngành lập pháp và bởi một cơ quan tư pháp độc lập.

Quyền Tư pháp: là cơ quan thi hành luật pháp, để trừng trị tội phạm và giải quyết sự xung đột giữa các cá nhân. Các thẩm phán được lựa chọn từ dân và xử án chỉ tuân theo pháp luật.

Nền tảng của hệ thống tư pháp là hệ thống tòa án công bằng, vô tư và được hiến pháp bảo đảm với các thẩm phán độc lập, có chuyên môn và trong sạch. Sự độc lập không có nghĩa là làm theo thiên kiến riêng của mình, mà có nghĩa là trong phán xử thẩm phán không chịu những áp lực chính trị từ các cơ quan hành pháp, lập pháp hay từ bất cứ đảng phái chính trị nào, hay từ bất cứ cá nhân quan chức nào. Tính độc lập ấy đảm bảo sự vô tư của các thẩm phán. Những phán quyết của cơ quan tư pháp phải vô tư, chỉ dựa trên chứng cứ và tình tiết của vụ việc cụ thể, trên các quy định liên quan của luật hay án lệ và của lẽ công bằng. Tòa án không thể viện dẫn việc chưa hay không có luật để từ chối xét xử. Để đảm bảo tính vô tư của các thẩm phán, việc bổ nhiệm họ thường theo những tiêu chuẩn khắt khe và cho một thời gian dài (thường dài hơn nhiều và không gắn với nhiệm kì của các cơ quan hành pháp và lập pháp). Họ rất khó bị bãi nhiệm và chỉ bị bãi nhiệm khi vi phạm luật hay vi phạm đạo đức nghiêm trọng và thủ tục bãi nhiệm phải rất minh bạch. Sức mạnh và tính chính đáng của hệ thống tư pháp chủ yếu phụ thuộc vào niềm tin của người dân vào tính vô tư của hệ thống tòa án. Hệ thống này bị hai nhánh khác lập pháp và hành pháp, báo chí và công luận kiềm chế, giám sát, phê phán, nhưng nó hoạt động độc lập, không có ai hay cơ quan nào có thể chỉ đạo nó, song họ có quyền phê phán để có Nước (Quốc Gia) hùng mạnh mạnh thì trước hết Đất Nước phải có nền tư pháp độc lập, trong sạch, hiệu quả. niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp, cái nền tảng quan trọng nhất của hệ thống chính trị của mỗi Nước (Quốc Gia).

Từ ngàn xưa, dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi Tin tưởng rằng lòng ái quốc, chí quật cường, truyền thống đấu tranh của dân tộc, bảo đảm tương lai huy hoàng của đất nước.

Dân tộc Việt Nam đã luôn ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước đấng Tiền Nhân và trước nhân loại là xây dựng một nền văn minh nhân bản bảo vệ phát triển con người toàn diện.để thiết lập một chánh thể Cộng Hòa của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, bảo toàn lãnh thổ, bảo đảm Độc Lập Tự Do Dân Chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.

Tin tưởng ở tương lai huy hoàng bất diệt của Quốc gia và Dân tộc Việt Nam mà lịch sử tranh đấu oai hùng của tổ tiên và ý chí quật cường của toàn dân.

Tin tưởng ở sự trường tồn của nền văn minh Việt Nam. Căn cứ trên nền tảng văn hoá dân tộc mà toàn dân đều có nhiệm vụ phát huy.

Dân tộc Việt Nam đã luôn tin tưởng vào giá trị siêu việt của con người mà sự phát triển tự do, điều hòa và đầy đủ trong cương vị cá nhân cũng như trong đời sống tập thể phải là mục đích của mọi hoạt động Quốc gia. Xuyên suất chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam đã luôn luôn Ý thức công cuộc củng cố nền Độc lập chống mọi hình thức xâm lăng thống trị. Bảo vệ tự do cho mỗi người dân và cho dân tộc. Xây dựng dân chủ về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cho toàn dân trong sự tôn trọng nhân phẩm của con người.

Đất nước Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặc lịch sử trọng đại. Dù đã chọn con đường hội nhập kinh tế thị trường nhưng đó mới chỉ là sự chấp nhận nó như trào lưu kinh tế mà không nhìn nhận những tác động khốc liệt của nó trên tất cả các khía cạnh từ Văn hoá, xã hội đến chính trị để xây dựng các chiến lược và giải pháp toàn diện. Văn hoá, xã hội chính trị rối loạn, dân nghèo sẽ bị bần cùng. Những điều kiện kinh tế và chính trị sẽ bị ép buộc đề ra và dễ dàng đạt được thỏa thuận. đó là vấn đề rất nguy hiểm khiến tài sản quốc gia bị thâu tóm bởi thế lực ngoại bang.

Các tập đoàn kinh tế quốc gia sẽ có những ông chủ mới, những người có cơ hội sẽ ra mặt làm chủ cùng với những "cổ đông chiến lược nước ngoài", nhưng đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất, nếu thế lực thôn tính của ngoại bang xét thấy khả năng áp đặt và ra điều kiện của họ tăng mạnh và hoàn toàn có thể kiểm soát được thì thời điểm châm ngòi nổ khủng hoảng sẽ không thể tránh khỏi, Lúc ấy,cái vỏ bọc cộng sản và chủ nghĩa xã hội cũng sẽ không còn cần thiết nữa vì chẳng còn uy tín gì, sẽ bị thay bằng một vỏ bọc khác của ngoại bang phương Bắc.

Đó là những biến động xôn xao dư luận mà những người Việt Nam đã và đang phân định Cách duy nhất giúp Đất Nước thoát khỏi sự ngoại bang thôn tính là dân chủ, thực sự dân chủ để tập hợp sức mạnh toàn dân tộc chiến thắng thế lực thôn tính của ngoại bang. Nhưng người dân bây giờ không được thông báo và chia sẻ về những nguy cơ đối với vận mệnh dân tộc, người ta thậm chí còn ngại khi nói đến vì cho rằng đó là những điều cấm kỵ làm ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền. XIN ĐỪNG QUÊN LỜI DI CHÚC CỦA TIỀN NHÂN : VUA TRẦN NHÂN TÔNG (1258-1309).

Các Người chớ quên!
Nghe lời Ta dạy
Chính nước lớn
Làm những điều bậy bạ
TRÁI ĐẠO LÀM NGƯỜI
Bất nghĩa bất nhân
Ỷ nước lớn
Tự cho mình cái quyền ăn nói !
Nói một đường làm một nẻo ! Vô luân !
Chớ xem thường chuyện nhỏ ngoài biên ải.
Chuyện vụn vặt thành lớn chuyện: NGOẠI XÂM!
Họa Trung Hoa !
Tự lâu đời truyền kiếp !
Kiếm cớ này bày chuyện nọ ! TÀ MA !
Không tôn trọng biên cương theo quy ước
Tranh chấp hoài ! Không thôn tính được ta
Chúng gậm nhấm Sơn Hà và Hải Đảo
Chớ xem thường chuyện vụn vặt Chí Nguy !
Gặm nhấm dần
Giang Sơn ta nhỏ lại
Tổ ĐẠI BÀNG thành cái tổ chim di
Các việc trên khiến Ta đây nghĩ tới
Canh cánh bên lòng “ ĐẠI SỰ QUỐC GIA “!
Chúng kiếm cớ xua quân qua ĐẠI VIỆT
Biến nước ta thành quận huyện Trung Hoa !
VẬY NÊN
CÁC NGƯỜI PHẢI NHỚ LỜI TA DẶN
KHÔNG ĐỂ MẤT
MỘT TẤC ĐẤT CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI
HÃY ĐỀ PHÒNG
QUÂN ĐẠI HÁN TRUNG HOA !
LỜI NHẮN NHỦ
CŨNG LÀ LỜI DI CHÚC
CHO MUÔN ĐỜI CON CHÁU NƯỚC NAM TA.

Ngày xưa Vua Trần Nhân Tông không những đã thông báo cho toàn dân biết nguy cơ xâm lược từ nhiều năm trước, mà còn tổ chức hội nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến các bô lão, những đại diện của dân đánh hay hòa. Tự do dân chủ, bình đẳng và nhân hoà đã đưa quân dân Đại Việt chiến thắng đại quân Nguyên Mông hùng mạnh bậc nhất thế giới thời bấy giờ, Có lẽ dân tộc Việt đã quên lời di chúc của Tiền nhân để đưa đến vấn nạn trầm kha đó là Khủng hoảng lãnh đạo trong lòng dân tộc Việt Nam suốt hơn 300 năm qua. Khủng hoảng lãnh đạo đã làm cho dân tộc Việt Nam, một dân tộc rất mực thống nhất về lịch sử, văn hóa, chủng tộc, v.v… ngày nay lại là một dân tộc mất niềm tin ở chính dân tộc mình nhiều nhất so với các dân tộc khác ở chung quanh. Khủng hoảng lãnh đạo làm cho cá nhân và tập thể dân Việt Nam trở nên bạc nhược về mọi mặt, mặc cảm tự ti bao phủ trên mọi khía cạnh của cuộc sống của dân tộc, làm cho dân không dám bàn những việc liên quan và có lợi cho Quốc gia dân tộc. Niềm tin của dân chúng bây giờ chỉ toàn là những việc: muốn vươn lên thì phải kiếm nhiều tiền, muốn nhiều tiền thì phải tranh thủ được sự ủng hộ của quan chức, động cơ vì tiền bạc vật chất và quyền lợi chi phối mọi mặt của xã hội, nhiều người kiếm tiền bất chấp những hệ quả tai hại tạo ra cho chính mình, cho người khác và cho cả dân tôc. Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng tỷ lệ thuận với Văn hoá, tư tưởng dân tộc suy đồi, với bất công xã hội một ngày một tăng. Những điều này chính là nguyên nhân đưa đến sự suy giảm hệ miễn nhiễm quốc gia mà thế lực thôn tính của ngoại bang rất mong muốn.

"Tai họa sẽ đến với dân tộc Việt Nam nếu chúng ta để cho cuộc sống cá nhân, cộng đồng dân tộc và tập thể bị chi phối bởi các thế lực nằm bên ngoài nền chính trị của đất Nước.

Những người yêu dân tộc yêu tổ quốc dám lên tiếng với tinh thần trách nhiệm vì quốc gia và cộng đồng dân tộc nhưng họ đã bị trấn áp vì bị cho là những nhân tố làm bất ổn xã hội và vi phạm pháp luật, hãy tỉnh táo nhìn nhận một cách khách quan và thực tế rằng nguy cơ của quốc gia và chính quyền hiện nay không đến từ lực lượng này mà nó đến từ thế lực ngoại bang, Những ý kiến trái chiều, bất đồng chính kiến là sự phản biện cần thiết cho xã hội và cho giới cầm quyền nếu nó có được một không gian hoạt động hợp pháp. Nó giúp phát hiện những lỗ hổng về mặt văn hoá, tư tưởng dân tộc, xã hội kinh tế và chính trị, đóng góp tốt cho sự phát triển quốc gia dân tộc, một xã hội chỉ có thể phát triển khi nào ý chí của số đông được thực thi thông qua pháp luật công minh của quốc gia dân tộc, xã hội chỉ có thể thực sự ổn định lâu dài khi nào các ý kiến của một thiểu số dù rất nhỏ vẫn phải được lắng nghe.

Nguy hại nhất là những kẻ dấu mặt hoặc ngụy trang bằng những vỏ bọc danh giá núp dưới danh nghĩa, chiêu bài văn hoá, xã hội, kinh tế. Kẻ thù này chính là phương tiện ngoại bang sử dụng như những phương thức thôn tính mới không có tổ chức rõ ràng để mà phát hiện, nó đến từ mọi ngóc ngách, tấn công vào mọi tầng lớp bằng ba "cánh quân": văn hóa, xã hội, kinh tế. Một khi Đất nước suy giảm hệ miễn nhiễm quốc gia thì các doanh nghiệp ngoại bang sẽ dùng các sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng văn hóa để tạo ra các lỗ hổng văn hoá, kinh tế, xã hội. Tiếp theo là chính quyền ngoại bang sẽ khai thác các lỗ hổng này để đặt ra những điều kiện áp đặt tạo thêm quyền lợi cho các doanh nghiệp của họ, khoét sâu thêm các vấn đề văn hoá, xã hội và kinh tế, tăng thêm gánh nặng nợ nần, đến thời điểm chín mùi họ sẽ cho vỡ nợ và hoàn tất quá trình thôn tính. Dù quá trình thôn tính chưa hoàn tất nhưng xã hội Việt Nam đã là một xã hội lệ thuộc. Người nghèo lệ thuộc người giàu, người giàu lệ thuộc quan chức, quan chức thì bị chi phối bởi thế lực. Con người bị điều khiển bởi đồng tiền và những động lực vật chất, đúng như Jean Jacques Rousseau đã nói "làm theo kích thích của dục vọng là nô lệ". Sự lệ thuộc vật chất dẫn đến ý thức lệ thuộc và ích kỷ.

Ai cũng thấy rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển nhanh, liên tục trong thời gian qua, nhưng nhanh bao nhiêu thì các vấn nạn xã hội lại phát triển mạnh hơn bấy nhiêu. Sao không chịu nhìn nhận rằng chúng là sản phẩm của sự mất cân đối giữa các chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội. Khi hệ thống chính trị bị điều hành, lệ thuộc vào vấn đề kinh tế sẽ tạo ra cái cơ chế và động lực tạo cho xã hội bị vật chất hóa. Khi nào vật chất còn quyết định ý thức thì khi đó sự suy thoái xã hội chắc chắn không thể tránh khỏi. Tấm gương làm giàu của những người có cơ hội đã tạo ra một tâm lý lao vào kiếm tiền bất chấp đạo đức thiếu trách nhiệm. Bây giờ quá nhiều người giàu nhờ thế lực, nhờ ăn may và liều lĩnh mà không nghĩ đến những tai họa mình tạo ra cho chính mình và cộng động dân tộc. Những người làm giàu bằng trí tuệ nhờ mục tiêu tạo ra lợi ích cho cộng đồng dân tộc thật đáng trân trọng nhưng lại quá hiếm hoi.

Tái bút
“Nước” cội nguồn Minh Triết cho Văn Minh tinh thần của Việt Tộc thuộc về vấn đề văn hoá của dân tộc Việt cổ, trong khi Nhân loại đang đứng trước nguy cơ về thảm hoạ hiệu ứng nhà kính, nguy cơ trầm trọng về Nước và lương thực khiến các quốc gia trên thế giới phải nhóm họp hội nghị Copenhagen.
Rất tiếc hội nghi Copenhagen chỉ chú trọng đến thảm hoạ hội ứng nhà kính mà không nhắc đến thảm hoạ chính đưa đến sự tận diệt của nhân loại, đó chính là vấn nạn dân số thế giới.
Nước ảnh hưởng đến Việt nam một cách trầm trọng trong tương lai rất gần, người viết sẽ đặt vấn nạn về “Nước” trong bài: Nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng trước viễn cảnh khủng hoảng, thiên tai và của thảm hoạ “Nước” vào năm 2015.

Trúc Lâm Đoàn Vũ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét