Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Kinh nghiệm thiền quán

Bất cứ ai cũng có thể giác ngộ. Tôi nghĩ, một điều vô cùng may mắn là sự tiến bộ trên con đường tu tập không hề tùy thuộc vào mức độ thông minh. Hiểu rõ được điều này là một cánh cửa mở rộng, nó đã giúp tôi rất nhiều trong những năm tu tập để trở thành một vị thầy. 

Trong những năm tu tập và rèn luyện ở Ấn Độ với thầy Munindra-ji, tôi có cơ hội ngồi nghe những buổi tham vấn riêng giữa ngài với các thiền sinh khác để quan sát phương pháp dạy của ngài. Sau khi tham vấn, ngài thường trao cho mỗi thiền sinh một đề mục thiền quán thích hợp, tùy theo cá tính của mỗi người. Có lần ngài bảo tôi: “Phải rồi, đề mục này thích hợp với người trí, còn đề mục này thì dành cho hạng ngu đần.” Khi nghe những lời ấy, tôi cảm thấy hơi bất mãn về cách phân loại này. Xuất thân từ giới trung lưu, chịu ảnh hưởng của Tây phương, tôi cảm thấy việc xem ai đó như hạng ngu đần là một sự xúc phạm. 

Nhưng về sau tôi hiểu được rằng, trên con đường tu tập thật ra không có lợi thế nào của sự thông minh cả. Có người thông minh, và có người thì không. Theo giáo pháp thì nếu bạn là người có trí tuệ bạn sẽ thực hành như thế này, còn nếu bạn hơi kém một chút bạn sẽ thực hành theo cách khác. Chỉ có vậy thôi! Trong quyển Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) của ngài Buddhaghosa đã tóm tắt hầu hết giáo lý của Đức Phật và có diễn tả những đề mục thiền quán khác nhau, nêu rõ mỗi đề mục là thích hợp với hạng người nào. 

Sau nhiều năm hành đạo, tôi đã nhận thấy rõ những lợi thế mà trí thông minh có thể đem lại cũng như những nguy hiểm vô cùng của nó. Chúng ta đều biết là có những hạng người chấp chặt hoặc tự hào về trí thông minh của họ. Đó là một cái bẫy ngã chấp rất lớn, có thể gây nguy hại cho ta và cả những người chung quanh. Nhưng trí thông minh cũng là một phước báu lớn, vì nó mang lại cho ta khả năng hiểu biết vô giá. Điều quan trọng mà bản thân tôi đã học được là: có nhiều đức tính phản ảnh sự cao thượng và vẻ đẹp của tâm hồn xác đáng hơn trí thông minh. Chẳng hạn, tình thương, lòng từ bi và sự tận tuỵ, chúng hoàn toàn không tùy thuộc vào chỉ số thông minh (IQ) cao hoặc thấp. 

Vào thời Đức Phật, có một câu chuyện mà tôi rất ưa thích, kể về một người đệ tử rất đần độn của ngài. Tất cả những huynh đệ khác của ông trong tăng đoàn đều giác ngộ và đắc quả A-la-hán. Họ toàn là những người có trí thông minh xuất chúng. Vị đệ tử đần độn này vì cảm phục giáo lý của Đức Phật nên đã xin xuất gia. Ông ta có một trái tim thật chân thành, nhưng chỉ có mỗi một điều là trí hiểu biết của ông quá ư chậm chạp. Vì vậy, các huynh đệ đã dạy cho ông chỉ một bài kệ bốn câu của Đức Phật để ông ghi nhớ như là một phương pháp tu tập. 

Người đệ tử đần độn ấy đã cố gắng hết sức mình, ngày này sang ngày nọ, để cố ghi nhớ. Nhưng tội nghiệp là khi ông cố gắng học sang câu thứ nhì thì lại quên mất câu thứ nhất! Đầu óc ông chỉ có khả năng ghi nhớ mỗi một câu! Cuộc phấn đấu này cứ thế mà tiếp tục, nhưng ông ta không làm sao có đủ thông minh để nhớ trọn bốn câu. Cuối cùng, các huynh đệ của ông đành chịu thua và nói: “Như vậy là hết hy vọng. Ông nên rời tăng đoàn mà hoàn tục thì tốt hơn.” Người đệ tử đần độn đáng thương nọ hoàn toàn nản chí. Ông cảm thấy thất vọng vô cùng vì đã đem hết lòng mình ra học đạo nhưng vẫn không thành. 

Trong khi ông ta đang thất thểu trở về làng xưa với một tâm tư chán nản, Đức Phật biết rõ mọi việc nên liền đến cạnh bên ông. Ngài đưa tay vuốt đầu người đệ tử kém trí tuệ và an ủi. Sau đó, Đức Phật dạy cho ông một phương pháp tu tập thích hợp với trình độ của ông. Ngài nói: “Đây là đề mục thiền quán cho ông. Ông hãy lấy tấm khăn trắng này mỗi ngày ra đứng dưới ánh nắng mặt trời và lấy tay chà xát nó.” Phương pháp tu tập của ông là làm bấy nhiêu thôi. 

Vâng lời Đức Phật, mỗi ngày ông ta cầm tấm khăn ra đứng dưới ánh nắng mặt trời và bắt đầu lấy tay chà xát. Dần dần, tấm khăn trắng trở nên dơ bẩn vì bụi đất và mồ hôi từ hai bàn tay của ông. Nhìn thấy hiện tượng này, trí nhớ của những kiếp tu tập xa xưa bừng tỉnh dậy, vì trong quá khứ ông cũng đã từng nhìn thấy những yếu tố bất tịnh của thân mình. Và khi ông tiếp tục quán chiếu tấm khăn dơ bẩn ấy, trong ông đột nhiên có một sự vô phân biệt phát khởi rất mãnh liệt và tâm ông bừng mở. Lúc ấy ông đạt được sự giác ngộ hoàn toàn. Chuyện kể lại sau khi ông giác ngộ, trí tuệ và mọi thần thông đều đến với ông, thêm vào đó là sự hiểu biết thông suốt Phật pháp. 

Tôi cảm thấy rất thương mến và vô cùng gần gũi với người đệ tử đần độn ấy!

Trích Kinh nghiệm thiền quán
Joseph Goldstein - Nguyễn Duy Nhiên dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Không có nhận xét nào: