Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

(7) THÂN TRUNG ẤM VÀ PHẬT TÁNH

"Thân trung ấm là một cá thể riêng biệt có tâm tính và tánh biết, được cấu thành bằng vật chất do một bản thể hữu tình chấp thủ là chính mình, biến đổi vô thường theo thời gian. Bản thể hữu tình là một tồn tại độc lập sở hữu bởi chính nó, tâm tính và tánh biết là thuộc tính sẵn có, không cấu thành, không phân chia, vĩnh hằng chính nó." (Pháp Không Chân Như).
***
Han Eun Hee: Thưa ngài! Khi có người hỏi về luân hồi, Ngài có nói về tâm tính, cái biết về sự hiện hữu chính mình và mọi thứ xung quanh, và Ngài cũng đề cập đến linh hồn, thân trung ấm. Vậy xin Ngài có thể giảng nói rõ hơn về vấn đề này cho mọi người cùng sáng tỏ? 
Pháp Không Chân Như: Han Eun Hee! Ở đây tôi sẽ không dùng đến từ linh hồn để trình bày vì nó đang được hiểu theo những khái niệm không phù hợp với đối tượng mà tôi trình bày. Tôi dùng từ thân trung ấm để trình bày về đối tượng mà tôi trình bày. Ở đây, thân trung ấm mà tôi trình bày sẽ không dùng để hiểu về thân trung ấm mà nơi khác trình bày và ngược lại, thân trung ấm mà nơi khác trình bày không dùng để hiểu thân trung ấm mà tôi trình bày. Thân trung ấm mà tôi trình bày sẽ phải hiểu theo khái niệm mà tôi đưa ra.
Thân trung ấm là một cá thể riêng biệt có tâm tính và tánh biết, được cấu thành bằng vật chất do một bản thể hữu tình chấp thủ là chính mình, biến đổi vô thường theo thời gian. Bản thể hữu tình là một tồn tại độc lập sở hữu bởi chính nó, tâm tính và tánh biết là thuộc tính sẵn có, không cấu thành, không phân chia, vĩnh hằng chính nó.
Như vậy, Han Eun Hee, ở đây, nếu một thể dạng vật chất không có bất cứ bản thể hữu tình nào chấp thủ là chính mình thì thể dạng vật chất đó không được gọi là thân trung ấm. Thể dạng vật chất như vậy không có tâm tính và tánh biết.
Khi nói đến một con người, ở đây, được gọi là thân trung ấm. Khi một người chết đi, cái xác chết không còn là thể dạng vật chất do kẻ đó chấp thủ là chính mình nên không còn được gọi là thân trung ấm. Khi một người chết đi, có một thể dạng vật chất đã từng hòa quyện cùng chung với cái xác chết để là một con người sẽ tách rời cái xác chết và thể dạng đó do kẻ đó chấp thủ là chính mình. Như Vậy, thể dạng đã tách ra khỏi xác chết do kẻ đó chấp thủ là chính mình nên gọi là thân trung ấm. Han Eun Hee, ở đây, tôi không tuyên bố khi chưa chết, cái phần sẽ được gọi là xác chết và cái phần sẽ được gọi là thân trung ấm là hai phần khác nhau, mà chúng là một cá thể, là thân trung ấm.
Han Eun Hee! Cái chết chỉ là một sự kiện bị phân chia mà trong đó có những thứ chỉ còn là vật chất thuần túy và có những thứ được kẻ đó chấp thủ là chính mình. Như vậy, cái chết chỉ là sự kiện mất đi một phần mà kẻ đó từng cho là của mình, là chính mình.
Han Eun Hee: Thưa ngài! Như ngài nói "Cái chết chỉ là sự kiện bị phân chia mà trong đó có những thứ chỉ còn là vật chất thuần túy và có những thứ được kẻ đó chấp thủ là chính mình. Như vậy, cái chết chỉ là sự kiện mất đi một phần mà kẻ đó từng cho là của mình, là chính mình". Điều này sẽ như thế nào khi một con người cụ thể, sau sự kiện bị phân chia, chỉ còn hoàn toàn là vật chất thuần túy, và hoàn toàn không còn một phần nào mà kẻ đó từng cho là của mình, là chính mình? Mong Ngài dạy bảo?
Pháp Không Chân Như: Han Eun Hee! Không phải vậy. Ông đã hiểu thiếu sót lời của tôi. Ông hãy đọc kỹ: Cái chết chỉ là một sự kiện bị phân chia mà trong đó có những thứ chỉ còn là vật chất thuần túy và có những thứ được kẻ đó chấp thủ là chính mình. Như vậy, cái chết chỉ là sự kiện mất đi MỘT PHẦN mà kẻ đó từng cho là của mình, là chính mình.
Han Eun Hee: Thưa ngài! Con lại được nghe Ngài từng giảng: Vũ Trụ vô số hạt vi trần, mỗi một vi trần một Phật tánh. Và vi trần là hạt vật chất cội gốc. Như vậy, ở đây, vật chất thuần túy mà ngài nói có tương đồng với vi trần không thưa ngài? Và khi hiểu như vậy thì có nghĩa là dù với bất kỳ lý do gì, sự kiện gì, thì vật chất cội gốc và Phật tánh vẫn luôn luôn là chính nó, đầy đủ, trọn vẹn và vĩnh hằng?
Pháp Không Chân Như: Han Eun Hee! Tôi cần phải nói lại chỗ này để ông không nhầm lẫn ý của tôi. Câu nói "Mỗi một vi trần một Phật tánh" có ý nghĩa rằng trong Vũ Trụ có bao nhiêu hạt vi trần thì có bấy nhiêu Phật tánh. Phật tánh ở đây chính là bản thể hữu tình. Vi trần ở đây chính là bản thể vật chất, là hạt vật chất cội gốc. Bản thể vật chất là một tồn tại độc lập sở hữu bởi chính nó, không có cấu trúc nội tại, không bị phân chia, không bị biến đổi thành bản thể vật chất khác, không bị mất đi, vĩnh hằng chính nó.
Han Eun Hee! Vật chất thuần túy ở đây không có nghĩa chỉ là một vi trần độc lập. Vật chất thuần túy ở đây có thể là một vi trần độc lập, có thể là một loại vật chất có cấu trúc bởi các vi trần, có thể là một tổ hợp các vật chất có cấu trúc.
Han Eun Hee! Bằng giác ngộ với thắng trí an trú vô ngại pháp giới, tôi tuyên bố, bất cứ sự kiện nào, bản thể vật chất luôn luôn là chính nó, không bị mất đi, vĩnh hằng chính nó.
Bằng giác ngộ với thắng trí an trú vô ngại pháp giới, tôi tuyên bố, bất cứ sự kiện nào, Phật tánh luôn luôn là chính nó, không bị mất đi, vĩnh hằng chính nó.
Bằng giác ngộ với thắng trí an trú vô ngại pháp giới, tôi tuyên bố, bất cứ sự kiện nào, số lượng bản thể vật chất trong Vũ Trụ không bao giờ thay đổi, số lượng Phật tánh trong Vũ Trụ không bao giờ thay đổi.
Bằng giác ngộ với thắng trí an trú vô ngại pháp giới, tôi tuyên bố, trong Vũ Trụ có bao nhiêu bản thể vật chất thì có bấy nhiêu Phật tánh.
Bằng giác ngộ với thắng trí an trú vô ngại pháp giới, tôi tuyên bố, trong Vũ Trụ có vô số bản thể vật chất. Trong đó, có vô số bản thể vật chất giống nhau về lượng (con người đang nhận biết bằng khối lượng), có vô số bản thể vật chất khác nhau về lượng từ vô cùng bé đến vô cùng lớn. Mỗi bản thể vật chất, tùy theo áp lực xung quanh, nó có thể bị co lại hoặc giãn ra. Mỗi bản thể vật chất có hình dạng và kích cỡ luôn luôn thay đổi.
Bằng giác ngộ với thắng trí an trú vô ngại pháp giới, tôi tuyên bố, trong Vũ Trụ có vô số Phật tánh. Trong đó, có vô số Phật tánh giống nhau về lượng (con người đang nhận biết bằng căn cốt - Tôi sẽ không giải thích thêm về lượng của Phật tánh vì trong ngôn ngữ không tìm thấy từ nào phù hợp để diễn đạt để mà hiểu), có vô số Phật tánh khác nhau về lượng từ vô cùng nhỏ đến vô cùng lớn. Mỗi Phật tánh luôn đồng nhất (không phải hợp nhất thành một) với thể của Vũ Trụ.
Han Eun Hee: Thưa Ngài! Cảm tạ những lời giảng của Ngài!
Nhờ những lời giảng này, tâm trí con đã được khai mở thêm. Sau khi đọc xong, con thấy rất bình an, an tâm, nhờ đó mà con tự trả lời được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc lâu nay. Trực giác của con mách bảo rằng Ngài là một nhân vật có trí tuệ phi thường, siêu việt. Tạ ơn Ngài!
Thưa ngài! Con xin được hỏi Ngài thêm điều này: "Khi một bản thể hữu tình chỉ còn duy nhất một suy nghĩ, và nó luôn luôn có một suy nghĩ, tự nó nhận thức được suy nghĩ đó của nó là: với mọi sự kiện, nó không bám trụ vào bất cứ thể dạng vật chất nào có trong Vũ Trụ, nó không nắm giữ, không chấp thủ là mình, là của mình với bất cứ thể dạng vật chất nào". Điều này có xảy ra không thưa Ngài? Và xa hơn, tiến tới, nó không còn trụ, không còn chấp thủ vào bất cứ điều gì, kể cả trạng thái suy nghĩ duy nhất mà nó có như vừa nói. Khi đó nó chỉ trọn vẹn là chính nó. Hai trạng thái này khi đó sẽ như thế nào thưa Ngài?
Pháp Không Chân Như: Han Eun Hee! Đối với suy nghĩ thì không thể phân định nó là một suy nghĩ duy nhất được. Vì rằng mỗi suy nghĩ được sanh khởi, nó luôn có đối tượng của suy nghĩ đó. Vậy khi đối tượng thay đổi thì xem như suy nghĩ đó thay đổi theo mặc dù suy nghĩ đó chỉ có một mục đích là không chấp thủ, không nắm giữ. Cho nên, ta không nên quan tâm về sự tồn tại hay không một suy nghĩ duy nhất.
Ở đây, Han Eun Hee, bản thể hữu tình không có suy nghĩ nên khi ông nói "Khi một bản thể hữu tình chỉ còn duy nhất một suy nghĩ,..." là không đúng.
Trường hợp một chúng sinh luôn có suy nghĩ rằng: "với mọi sự kiện, nó không bám trụ vào bất cứ thể dạng vật chất nào có trong Vũ Trụ, nó không nắm giữ, không chấp thủ là mình, là của mình với bất cứ thể dạng vật chất nào" thì đây là một chúng sinh tinh tấn trong tu hành đạo Giác ngộ.
Trường hợp một chúng sinh không trụ vào bất cứ thứ gì, không còn thấp thủ bất cứ thứ gì, luôn luôn như vậy thì chúng sinh đó đã được giải thoát hoàn toàn, đã nhập niết bàn, tức nó luôn tồn tại trọn vẹn chính nó - một bản thể hữu tình.
Han Eun Hee: Thưa ngài Pháp Không Chân Như! Mặc dù không biết Ngài là ai, Ngài ở đâu nhưng qua những lời giảng của Ngài, tư tưởng của con đã được khai thông rất nhiều. Con cầu mong nhiều chúng sinh khác cũng sẽ theo gương Ngài, ngày càng tinh tấn trong tu hành đạo Giác ngộ, tiến đến giải thoát hoàn toàn.
---

Kết tập: Hoàng Lạc

Không có nhận xét nào: