Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN TÂM LINH (Méthodes de développement psychique)

TTđTD - Không có ngọn núi nào quá cao đối với một người quyết tiến, vì ở trong mỗi chúng ta, đều có một nguyên lý thiêng liêng giúp chúng ta thành tựu trong mọi công việc. Sự yếu đuối, sự vô minh, sự hèn nhát đều phát sinh từ các thể của chúng ta vì chúng nó chưa được huấn luyện thuần thục. Nhưng trong các kiếp luân hồi liên tục, chúng ta luôn luôn tinh luyện chúng nó đồng thời tập chủ trị vật chất. Ở một quá khứ xa xăm, chúng ta là người dã man ăn rễ cây trong rừng. Một ngày kia, như Saint Graal, chúng ta sẽ phát huy ánh sáng.
Mục Lục Chi Tiết
Chương I. Một cõi giới trong một cõi giới.
- Trời ở đâu ?
- Cõi vô hình
- Những bằng chứng về sự thực tại của cõi vô hình
- Những ảnh hưởng tế nhị của cõi vô hình
- Sự hiện diện của cõi vô hình
- Bản chất của giấc ngủ và giấc mộng
Chương V. Tâm thức siêu đẳng
- Khối óc bị giới hạn
- Sự điều hành của tâm thức
- Tiềm thức
- Siêu thức
- Sự hồi nhớ các kinh nghiệm siêu hình
- Tiên tri
- Sự liên lạc với siêu thức
Chương II. Tại sao ta không năng linh ?
- Tấm màn bưng bít
- Các lời khuyên nguy hiểm
- Phải sáng suốt
- Hãy tự biết mình
- Sự năng linh quá sớm
- Các loại ảnh hưởng tâm linh
- Màn bảo vệ
- Sự năng linh : một sự thật khắc khe
Chương VI . Nhãn thông ở Châu Atlantide
- Những trung tâm năng linh ở xác thân
- Sự tăng trưởng của trí năng
- Thời kỳ chuyển tiếp
- Các trung tâm khác
- Nhãn quan thứ hai
- Những giáo lý lỗi thời
- Sự cẩn thận thuở xưa
- Vài trường hợp nguy hiểm
Chương III. Sự giao cảm năng linh
- Sự truyền cảm của người sống
- Thái độ tích cực
- Sự truyền cảm của người chết
- Cảm hứng
- Viết và vẽ tự động
- Lời nói trong trạng thái xuất thần
- Sự hiện hình
- Viết trên bảng đá
- Khi nhà huyền môn hiện hình
Chương VII. Sự khai mở nhãn thông cổ sơ
- Phải xuất thần
- Tập thở
- Mục đích của các cách thở
- Kết quả của cách tập thở
- Sự tập trung vào tùng Thái dương
- Sự dùng viên thủy tinh
- Công phu vô ích
Chương IV. Đồng cốt và sự truyền cảm thụ động
- Một đặc điểm vật chất
- Những điện tín phi phàm
- Trinh nữ dâng hương
- Nguy hại của đồng cốt hiện nay
- Những nơi ô uế
- Những điều kiện lý tưởng
- Sự hiện hình làm suy yếu thần kinh
- Sự ô nhiễm
- Sự ám ảnh
Chương VIII. Sự phát triển nhãn thông siêu đẳng
- Con đường của nhà huyền môn
- Tiến trước
- Trí tuệ xây dựng
- Luật lặp lại
- Những bước đầu
- Sự tập luyện hằng ngày
- Sự tập trung
- Sự suy gẫm
- Sự chiêm ngưỡng
- Sự khai mở nhãn thông
- Một phương thức đặc biệt
- Một xác nhận
_______________________________

Lời Tựa C. W. LEADBEADTER
Hiện nay, thế giới đang cần một số tác phẩm như quyển sách nầy. Thời kỳ duy vật bế tắc nay đã qua. Vào thời kỳ này, con người tuyên bố một cách đường đột và tự mãn rằng quyền năng và minh triết thiêng liêng chẳng qua là một mớ tin tức sai lầm. Nhưng nay, nhân loại nhìn nhận sự thực tại của một cõi giới siêu hình vượt tầm giác quan con người và muốn tìm hiểu về cõi nầy.
Để giúp vào sự tìm hiểu nầy, một số sách đã xuất bản gồm hai loại chánh : loại “tư tưởng mới” và loại “thần linh học”.
Loại thứ nhứt được viết theo kinh nghiệm cá nhân của những người đã ý thức được quyền năng của tư tưởng và sự quan trọng của cõi vô hình. Loại thứ nhì cũng chứa đựng các kinh nghiệm cá nhân, nhưng các kinh nghiệm nầy xuất phát từ những vong linh thương đời, họ đã từ bỏ cõi trần nhưng cố chia sớt các kinh nghiệm của mình cho các bạn đồng hành còn đang bị tù hãm trong xác thân.
Các sách nầy rất quí vì chúng không lặp lại những thành kiến chính thống mà trình bày những kinh nghiệm cá nhân; tuy nhiên, chúng cũng có thể nguy hại vì một cá nhân riêng rẽ có thể nhận xét sai lầm nếu không quen quan sát một cách khoa học.
Hiện nay, có một phong trào nghiên cứu một cách khoa học các vấn đề trên và vài khía cạnh đặc biệt của môn nầy. Phong trào nầy được khởi xướng từ mấy năm nay do những người đã được huấn luyện rất công phu trọn cả cuộc đời. Kết quả của sự nghiên cứu nầy chứng minh sự thực tại của một số định luật thiên nhiên hoàn toàn hòa hợp với các phát minh khoa học mới nhứt, đồng thời cũng giải thích rành rẽ nhiều giáo lý được truyền lại từ nghìn xưa nhưng không được mấy ai hiểu rõ. Sau khi gia tâm nghiên cứu, tác giả của quyển sách nầy cố gắng trình bày một phần kết quả bằng những lời đơn giản thông thường, cốt để giúp độc giả thu thập được trong vài tiếng đồng hồ những điều mà thường phải để nhiều năm mới học được.
Với tư cách một người đã nghiên cứu lâu năm hơn, tôi xin giới thiệu một cách nồng nhiệt quyển sách nầy cho những ai được may mắn lưu tâm đến các vấn đề tâm linh và muốn khảo cứu với một nguồn tài liệu chắc chắn.
C. W. LEADBEATER

Lời tựa của lần Xuất bản thứ nhứt.
Trong quyển sách nhỏ nầy, chúng tôi cố gắng trình bày bằng những lời rõ ràng và giản dị, những định luật thực tế và các kết quả của sự phát triển tâm linh. Tuy ý định của chúng tôi là dành quyển sách nầy cho những người mới bước chân vào khoa huyền môn, nhưng người khảo cứu sâu rộng có thể dùng nó như một cái khung để sắp xếp kiến thức hầu hệ thống hóa sự hiểu biết của mình.
Theo thiển ý, những điều trình bày trong quyển sách nầy không phải là những lý thuyết mà là những sự kiện, vì chúng được căn cứ trên những sự khảo cứu của những vị có huệ nhãn sáng suốt nhứt của thời đại chúng ta.
Chúng tôi thành thật ước mong quyển sách nầy sẽ tránh nguy tai cho một số người và dẫn dắt một vài người khác đến Ánh sáng trường cửu sẵn có trong lòng mọi người.
I. S. C.
(Adyar, Madras India)

Lời tựa của lần Xuất bản bên Mỹ.
Sự duyệt khảo kỹ càng quyển sách nầy không sửa đổi nội dung của nó mà nhằm trau luyện lời lẽ để sự diễn tả được sáng sủa, gọn gàng hơn. Ở Mỹ, sau nầy người ta lưu ý rất nhiều về vấn đề tâm linh nhưng một số bị dẫn dắt lầm đường do những tác phẩm viết sai và nguy hiểm. Tác giả ước mong quyển sách nhỏ nầy sẽ giúp độc giả bỏ ý định tập luyện theo những tác phẩm nói trên nhằm kích động các quyền năng tâm linh. Độc giả nên nghiên cứu và áp dụng lối tu tâm, sửa tánh : đó là con đường duy nhứt dẫn dắt chúng ta đến sự Đại giác.
I. S. C (Chicago, III)

Lời tựa của dịch giả.
Mục đích của quyển sách nầy, như tác giả đã nói ở hai bài tựa, là nêu tai hại của các phương pháp tu luyện nhằm kích động quyền năng tâm linh. Các tai hại nầy chẳng những xảy ra ở Âu Mỹ như tác giả đã nói mà cũng thường thấy ở xứ ta như trường hợp loạn trí hay không chủ trị được dục tình.
Mới bước chân vào đường đạo, vì chưa hạn chế được bản ngã nên ai ai cũng muốn có quyền nầy phép nọ. Có người nhận thức rằng phụng sự là một mục đích cao cả và nghĩ muốn phụng sự đắc lực thì phải có phép thần thông.
Lời nầy tuy đúng nhưng có một điều cần ý thức rõ hơn là kích thích quyền năng tâm linh thật là nguy hiểm như chơi dao hay chế tạo chất nổ. Khi các quyền năng nầy được thức động mà ta sử dụng trái đạo hay không chủ trị được thì ta sẽ lâm nguy trọn cả một đời.
Vả lại, những quyền năng sẵn có của chúng ta như trí thông minh chẳng hạn, chúng ta sử dụng hợp lẽ chưa ? Ngoài ra, có những quyền năng khẩn thiết hơn mà ta cần luyện trước : ấy là tính can đảm, sự bền chí, tính ôn hòa, lòng tha thứ, tính thương người v. v. . . vì các đức tính nầy quả thật là những quyền năng thực tế.
Nói thế không phải là chúng ta không bao giờ có những quyền năng tâm linh. Chúng ta sẽ có các quyền năng nầy chắc chắn như vậy khi chúng ta trau tâm luyện trí theo phương pháp tham thiền đơn giản được chỉ trong quyển sách nầy. Phương pháp phát triển tâm linh nầy đòi hỏi nhiều thì giờ nhưng kiến hiệu và chắc chắn.
Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, chúng ta sẽ được gia hộ : một Chơn Sư – theo ý nghĩa của Thông Thiên Học – hay một vị đệ tử của Ngài sẽ đến dạy bảo ta đúng như lời Ngài dạy : Khi chúng ta bước đến Ngài một bước, Ngài bước đến ta hai bước.”
*
* *
Việc sử dụng đồng cốt cũng rất nguy hiểm. Các đồng cốt thường bị loạn trí. Lý do là tấm màn bảo vệ của họ bị rách nên các vong linh tự do xông pha vào thể xác họ như đến một nhà trống và hành hạ họ đủ thứ : họ có thể khùng và đau khổ suốt đời. Đó là một trở ngại rất lớn trên con đường tu tập.
Trong việc cầu cơ, xây bàn, nếu sự tổ chức không được tinh khiết, màn bảo vệ của đồng tử cũng có thể bị rách như vậy. Ngoài ra, các vị nhập vào đồng tử có thể là những vong linh tầm thường, họ có ý giúp đời thật nhưng vì tiến hóa thấp nên không dạy bảo được những điều hữu ích.
Cơ bút tự nó không phải là một điều tai hại. Tai hại thường là đồng tử không được siêu thoát, thanh cao, còn cử tọa thì gồm những người tham lam, ô trược. Trong các điều kiện nầy, tiên thánh không thể giáng đàn.
*
* *
Tóm lại, phương pháp phát triển tâm linh hữu hiệu nhứt là việc trau tâm luyện trí nhằm mục đích giúp đời. Việc cầu cơ xây bàn là những phương tiện hữu ích nhưng cần được sử dụng hết sức cẩn thận, nếu không tai hại gây ra không nhỏ. Còn việc kích động các quyền năng tâm linh như luyện hỏa hầu chẳng hạn là một điều nhứt định phải tránh.

Dịch giả

CHƯƠNG I

Một cõi giới trong một cõi giới.

TRỜI Ở ĐÂU?

Linh tính bất diệt luôn luôn báo cho ta biết thế giới nầy chẳng qua là một phòng nhỏ của một ngôi nhà vĩ đại. Cho đến thuyết duy vật của thế kỷ vừa qua và khoa Thần học chính thống lâu đời cũng không sao hủy diệt được niềm tin đó hay là làm cho con người lầm tưởng rằng Trời chỉ là một chuyện thần thoại huyễn hoặc hay xa vời. Vì vậy, khi các thi sĩ ước mơ và ca tụng cõi thiên quốc đó, khi các triết gia và các nhà khoa học luận bàn hay phủ nhận nó thì các nhà huyền môn đã tìm ra cõi đó, diễn tả và phân loại các sinh vật và hiện tượng của nó.
Trong lúc sự hiểu biết về cõi vô hình nầy và các thành phần của nó được một ngày một trở nên chính xác và sâu rộng thì một đám mây vô minh và sai lầm còn bao phủ nhiều người khiến họ mãi đau khổ và không tin ở Thiên cơ sáng suốt và nhân từ.
Nếu ta hỏi một người gặp ngoài đường : Trời ở đâu, y sẽ ngạc nhiên và cười to lên. Nếu y có đọc những sách thuộc loại Tư tưởng mới có lẽ y sẽ trả lời : Trời ở tâm ta. Câu trả lời nầy đúng nhưng rất sáo và không được hiểu rõ. Nếu người đối thoại của ta là một người mộ đạo, chỉ có đọc Kinh Phúc Âm và nghe các bài giảng ngày Chủ nhật, y sẽ trả lời sau khi bớt ngạc nhiên và tổng hợp những giáo lý đã học được, rằng Trời ở cao tận trên không, có lẽ ở cái chỗ mà Hỏa tinh đang vận chuyển.
Nếu chúng ta được đưa lên một hành tinh xa xôi và nơi đây câu hỏi trên được đặt lại thì ta cũng trả lời y như vậy, và bây giờ thì Trời cũng vẫn ở trên cao nhưng không còn ở quỹ đạo của Hỏa tinh nữa mà ở chỗ địa cầu đang quay trên vòm trời đầy sao. Tại sao ta cứ mãi nói Trời ở chỗ nầy chỗ nọ mà không phải ở tại đây ?

CÕI VÔ HÌNH

Sinh viên huyền môn khi tìm hiểu các định luật ẩn tàng trong tạo vật, biết rằng một cõi giới mênh mông tuy vô hình đang bao quanh quả địa cầu, và muốn tìm cõi ấy, ta khỏi phải sang các hành tinh khác hay du hành trên không trung. Chúng ta đang sống ở một hành tinh vật chất, giữa một cõi giới thanh nhẹ hơn, nó bao quanh chúng ta như một khí quyển rộng lớn.
Dầu chúng ta bất luận ở nơi nào, cõi ấy vẫn thâm nhập trí hóa ta, thân thể ta, cả quả đất chúng ta đang giẫm lên. Chúng ta không cần đi xa để tìm nó, vì hiện nay chúng ta đã là dân cư của nó tuy rằng chúng ta không ý thức được sự hiện diện của nó và sự thực tại của vô số sinh linh và nhân vật đang sống trong nó.
Khi một linh hồn ở cõi đó khoác một thể vật chất sang cõi trần để thu thập kinh nghiệm, đó là sự sanh. Đến lúc thể vật chất ấy trở nên già nua, tiều tụy sau khi làm xong chức vụ của nó, con người sẽ vứt bỏ nó : đó là sự chết. Cõi vô hình đó thanh trong hơn cõi trần, là quê hương thật sự của chúng ta, còn cõi trần chẳng qua là một xứ xa lạ, thỉnh thoảng ta mới đến mà thôi. Chúng ta giống như một lữ khách đến một xứ xa tìm vật liệu dùng để dệt một bức lụa huy hoàng.
Chúng ta thường không ý thức được sự thực tại của cõi vô hình nầy vì một số giác quan của chúng ta chưa được khai mở. Khi một người bị cảm và nghẹt mũi vào một phòng bát ngát mùi hương của hoa hồng, anh không biết có mùi hương nầy. Khi một người mắc bịnh loạn sắc dạo chơi ở một khu rừng rậm rạp hay trên một bãi cỏ xanh tươi, anh không thưởng thức được màu sắc phong phú vì tất cả chỉ là màu xám dưới đôi mắt bịnh hoạn của anh.
Chúng ta cũng giống như vậy đối với cõi vô hình vô cùng thanh trong và đẹp đẽ đang bao quanh chúng ta : chúng ta không ý thức được nó không phải vì nó không có, mà vì ở giai đoạn tiến hóa hiện tại của chúng ta, những giác quan cần để cảm xúc nó chưa thức động. Nhưng ngày chúng nó được khai mở không còn xa.

NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ SỰ THỰC TẠI CỦA CÕI VÔ HÌNH

Nếu chúng ta có thể nhờ một cơ quan thông tấn tập trung các kinh nghiệm cá nhân rải rác trên thế giới về cõi vô hình, chúng ta sẽ tin sự thực tại của cõi nầy ngay. Các kinh nghiệm riêng của mỗi chúng ta đều rất ít và cũng không vững chắc, nhưng khi được tập hợp lại, chúng là những bằng chứng hùng biện. Đôi khi chúng ta thấy được một điều lạ hoặc có một điềm chiêm bao lý thú, chúng ta nhớ nó trong một thời gian, thuật cho bạn bè nghe hoặc thảo luận về ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, nhưng không bao lâu, nó chìm trong sự lãng quên. Dĩ nhiên, thường nó không có giá trị bao nhiêu và cũng không dạy ta được nhiều. Nhưng khi chúng ta đọc qua các sự việc mà các hội thần linh đã thu góp được, chúng ta sẽ nhận định rõ ràng rằng toàn thể nhân loại đang tiếp xúc với một cõi tâm linh mênh mông và phức tạp.
Sự diễn tả các hiện tượng xa xôi nhờ huệ nhãn đột phát trong phút chốc; những lời tiên tri về các nguy tai sắp đến; việc các vong linh hiện ở những ngôi nhà xưa; những điềm chiêm bao sáng suốt báo đúng những việc xảy ra; những cảm hứng đến bất ngờ cho các bậc thiên tài hay chí sĩ, các việc ấy và nhiều việc khác nữa chỉ rằng con người vĩ đại hơn chúng ta tưởng và thế giới chúng ta được lồng trong một cõi giới thanh cao. Chúng ta không cần có quyền nầy, phép nọ mới ý thức được thực tại của cõi vô hình.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG TẾ NHỊ CỦA CÕI VÔ HÌNH

Từ giây, từ phút chúng ta chịu ảnh hưởng của cõi vô hình ấy. Bất cứ lúc nào, tư tưởng và tình cảm của kẻ khác tác động ở tâm ta khiến ta suy tư, cảm xúc và hành động trái với chân tánh của chúng ta. Thường, chúng ta không ý thức được căn nguyên của các tư tưởng đó và cho rằng chúng nó phát xuất từ lòng ta.
Điều nầy được chứng minh do một việc xảy ra cách đây một vài năm. Một hôm, trên con tàu chạy ngang qua vịnh San Francisco, một người đàn ông đang bình tĩnh đọc sách. Bỗng nhiên, ông thấy tâm trí ông bị kích thích mãnh liệt và sợ hãi. Ông lấy làm lạ vì quyển sách của ông đang coi không có tính cách kích thích ấy. Ông ngước mắt lên và thấy một bà mẹ đang hoảng hốt chạy theo bao lơn và sắp té xuống biển. Như vậy, sự hoảng hốt đến cho ông không phát xuất từ tâm ông mà do người đàn bà nầy.
Những người suy tư với tư tưởng riêng của mình rất ít. Tư tưởng của đa số là tư tưởng rút trong bầu tư tưởng bao quanh chúng ta. Ngược lại các tư tưởng của chúng ta không phải chỉ liên hệ đến ta mà thôi, chúng nó gia nhập vào khối tư tưởng cộng đồng của nhân loại. Người khôn ngoan điều hòa tâm mình với các ý tứ thanh cao, các tình cảm trong sạch, và chỉ thu nhận chúng nó mà thôi. Người là một cái máy lọc phân tích sự thanh khiết của tư tưởng cao thượng ra khỏi sự ô trược của dục vọng thấp hèn.

SỰ HIỆN DIỆN CỦA CÕI VÔ HÌNH

Chúng ta hiện nay đang chìm đắm trong đời sống vật chất nên khó mà ý thức được sự hiện diện của cõi vô hình mà chúng ta không nghe, không thấy, không nếm, không ngửi được với các giác quan phàm tục của chúng ta. Nhưng cõi ấy còn thật hơn cõi trần nhiều, mặc dầu các rung động tế nhị của nó không lưu một dấu vết chi trên vật chất thô kịch của các giác quan chúng ta.
Chúng ta biết rằng mỗi tháng trong một thời gian nào đó mặt trăng có thể thấy được vào lúc ban ngày. Chúng ta thấy con trăng lưỡi liềm ấy mà không ngờ đến ánh sáng của nó đang bao trùm chúng ta. Chúng ta chỉ thấy có ánh sáng mặt trời. Nhưng khi mặt trời lặn thì cảnh vật hiện ra dưới ánh trăng êm ái, dịu dàng. Thật sự, thì trong suốt thời gian ấy, ánh trăng lúc nào cũng có, nhưng về ban ngày, thì chúng ta không thấy được.
Cõi vô hình cũng y như vậy. Lúc nào, nó cũng hiện diện nhưng chúng ta không ý thức được nó vì chúng ta hoàn toàn chìm đắm trong ngoại cảnh. Khi nào chúng ta trấn an được giác quan phàm tục và tâm trí hỗn loạn của ta, chúng ta sẽ nhận được các rung động vi tế của cõi vô hình và ý thức được nó.

BẢN CHẤT CỦA GIẤC NGỦ VÀ GIẤC MỘNG

May phước, chúng ta biết về cõi vô hình nhiều hơn là chúng ta tưởng vì mỗi đêm khi thể xác ta ngủ, chúng ta đều sang qua cõi đó và di chuyển giữa các quang cảnh của nó bằng một đối thể tế nhị của xác thân. Đối thể ấy được gọi là thể tình cảm hay thể vía cấu tạo bằng chất thanh khí của cõi vô hình. Cũng như thể xác, thể vía là một dụng cụ của tâm thức và có thể dùng riêng biệt với thể xác.
Giấc ngủ đối với nhà huyền môn là một việc dễ hiểu, nhưng nó là một sự kiện lạ lùng đối với những ai đồng hóa mình với thể xác và cho rằng trí tuệ là một thứ hóa phẩm của khối óc. Bản chất của giấc ngủ rất đơn giản. Chúng ta rời xác thân, và khối óc của ta trở nên vô thức, ngoại trừ một thứ ý thức mù mờ, máy móc còn lưu lại trong thần kinh hệ. Trong khi ta rời bỏ thể xác, chúng ta bay phất phơ trong cõi vô hình hay hướng theo một chiều nào đó với ít nhiều ý thức. Tâm thức của chúng ta vẫn như trước nhưng cái thể ta dùng là thể vía thay vì thể xác.
Trong lúc ta ngủ, sự sống thiên nhiên vẫn tác động trong thể xác để bồi dưỡng các tế bào mệt nhọc, nuôi nấng các tế bào mới sanh, bài tiết các chất thừa trong cơ thể. Như vậy, trong lúc vắng mặt chủ nhân, thể xác có dịp nghỉ ngơi và phục hồi sức lực, cho đến lúc chúng ta trở về thì thể xác “thức tỉnh” và các tế bào phải hoạt động lại để đáp ứng với tư tưởng, cảm xúc và ý chí của ta. Vì hoạt động như vậy, thể xác ta mới mệt và cần nghỉ ngơi trong lúc ngủ. Sở dĩ giấc ngủ khỏe là vì chúng ta vắng mặt.
Đôi khi, lúc thức dậy, chúng ta có thể buộc trí óc nhớ lại một kinh nghiệm hay một sự việc xảy ra trong lúc ngủ. Khi ta nhớ được, đó là một giấc mộng hợp lý dù rằng chỉ là một sự nhớ lại. Những điều hợp lý ta nhớ lại đây khác hẳn các hình ảnh vô lý, chúng hiện liên tiếp trong trí óc ta lúc ngủ và tạo ra những giấc mơ thông thường, kỳ dị.
Nếu chúng ta liên kết được tâm thức lúc thức và tâm thức lúc ngủ, chúng ta trở thành con người năng linh [1] : sự phát triển tâm linh là sự nới rộng giới hạn tâm thức lúc thức (mà chúng gọi là giác thức) bằng sự khai mở một vài quyền năng ẩn tàng trong con người.

Tại sao ta không năng linh?

TẤM MÀN BƯNG BÍT

Một khi ta nhận thức rằng có một cõi vô hình bao quanh chúng ta, rằng ban đêm chúng ta hành động trong cõi đó một cách ý thức khi thể xác ngủ, rằng lý do duy nhứt khiến ta không nhớ các hành động nầy là thần kinh hệ của chúng ta không có cảm lực cần thiết, chừng đó ta cảm thấy có một bức màn bưng bít chúng ta và chúng ta muốn vén nó, xé nó, vứt nó. Nhưng ta hãy dè chừng đừng để sự thèm khát hiểu biết làm hại chúng ta. Nếu toàn thể nhân loại không trở thành năng linh là vì có những lý do quan trọng, những qui luật sáng suốt do Ơn Trên sắp đặt.
Một người mang cho chủ một đóa hoa sen còn đọng sương đêm vừa hé nhụy. Y được lệnh đem ngâm hoa trong nước, nhưng vì muốn đẹp lòng chủ, y mở các cánh hoa mịn màng để lộ nụ gương tươi thắm. Sau đó vài giờ, cánh hoa trở nên úa và tím mặc dầu hoa được để trong nước.
Nếu chúng ta khai mở quyền năng của chúng ta sớm quá, chúng ta sẽ trở nên suy kém, tàn úa như vậy. Chúng ta không nên làm hỏng bộ thần kinh tế nhị hay thí nghiệm phương pháp nầy nọ với khối óc chúng ta. Một công phu sai lạc, một cố gắng quá nhiều có thể gây thương tích trong cơ cấu phức tạp của bộ thần kinh khiến cho ta bịnh hoạn suốt đời. Chúng ta cần hiểu rõ ràng những điều ta phải làm trước khi đánh thức các quyền năng tiềm tàng của ta; chúng ta hiểu rõ phương pháp khai mở nầy và kết quả của nó ra sao, nếu không chúng ta sẽ lâm nguy.

CÁC LỜI KHUYÊN NGUY HIỂM

Chúng ta không nên nhắm mắt tin theo những lời chỉ bảo nầy nọ trong hằng ngàn quyển sách xuất bản khắp nơi vì các lời chỉ bảo ấy thường sai lầm và nguy hại. Chúng ta nên biết rằng khoa tâm linh hiện được rất đông người chú ý nên sách vở của khoa nầy xuất hiện rất nhiều nhưng giá trị thì chẳng bao nhiêu. Cả trăm quyển sách nầy viết ra không phải để dìu dắt độc giả một cách hữu ích mà để thỏa mãn tánh hiếu kỳ thôi. Tác giả những quyển sách đó không nghĩ đến tai hại của những điều chỉ dạy của họ : mục đích của họ là bán sách chạy và kiếm tiền.
Những sách họ sưu tầm là những sách Ấn Độ nói về bùa chú, phù phép không được các bực tu sĩ chân chính tín nhiệm. Họ hấp tấp đọc qua và rút các cách tập luyện thân thể nhằm mục đích đánh thức các quyền năng tâm linh thấp kém rồi trình bày lại cho các độc giả dễ tin dưới những tựa huyền bí, hấp dẫn.
Đó là lời chỉ bảo của nhiều nhóm được gọi là “huyền môn”. Cả ngàn người theo những lời chỉ bảo ấy hay các giáo lý khác tương tự được trình bày trong sách cho đến khi tai hại xảy ra.
Sự chế tạo chất nổ rất nguy hiểm nên không ai bắt tay vào công việc nầy mà không tìm hiểu cặn kẽ, không tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn. Về sự luyện tập tâm linh, tuy công việc không kém phần nguy hiểm, nhưng nhiều người vì một lẽ bí mật nào đó, tưởng mình hiểu biết tất cả và tin ở mình hoàn toàn. Họ cho mình xét đoán không sai lầm và không ngần ngại tập luyện. Có lẽ vì đó mà biết bao người đã loạn trí ở Tây phương.

PHẢI SÁNG SUỐT

Về các công việc nghiên cứu tâm linh, chúng ta phải xét đoán hợp lý, phải tỏ ra sáng suốt y như chúng ta giải quyết các công ăn việc làm. Trước một tin tức tâm linh, ta phải phân tích, đắn đo như đối với một bức thư quan trọng. Ta không cần phải nhắm mắt tin tưởng với sự ngưỡng mộ, tôn sùng. Trái lại, ta phải sử dụng tất cả khả năng xét đoán của ta.
Có những người thông minh, khi sang qua lãnh vực tâm linh thì dường như mất quan năng suy luận. Vì vậy họ tán dương những điềm chiêm bao của họ như là những cuộc tiếp xúc với các bậc siêu phàm, họ cho những phản ứng xấu xa của óc tưởng tượng hỗn loạn là những hoạt động quỉ quái của bọn phù thủy, và gán cho một chơn sư linh hiển, những lời mộc mạc, tầm thường nổi lên ở tâm họ. Phải đợi nhiều năm họ mới trở nên bình thường trở lại, vì vậy thái độ hoài nghi chơn chánh còn hơn là sự tin nhảm của một số người.

HÃY TỰ BIẾT MÌNH

Trên phương diện huyền môn, có biết bao phương pháp luyện tập, đúng cũng có, sai cũng nhiều, và người nào muốn thành công cần áp dụng lời khuyên của Socrate chạm ở ngưỡng cửa đền Delphes : “Hãy tự biết mình”.
Sự tự biết mình đòi hỏi chẳng những nhiều năm nghiên cứu an tĩnh và thâm diệu, và cả công việc giúp đời, vì ban cho và phụng sự có đặc tính mở mang các quan năng tâm linh. Trong tâm ta, có những quyền năng vi diệu mà chúng ta chưa dò, những năng lực mà chúng ta chưa biết, những nguồn năng lực mà chúng ta chưa ý thức được sự hùng hậu. Có những cõi rất cao ở tâm ta mà chúng ta không ngờ nhưng có thể đạt, và vì vậy, người chí nguyện không lùi chơn trước một trở ngại nào. Đó là mục đích của các kiếp sống chúng ta ở cõi trần.

SỰ NĂNG LINH QUÁ SỚM

Có những lý do quan trọng khiến các quan năng tâm linh của chúng ta không mở sớm. Một cách hay nhứt để hại một người nào là giúp cho y cảm xúc được ảnh hưởng và năng lực của cõi vô hình. Tạo Hóa rất sáng suốt và nếu các định luật thiên nhiên được tôn trọng thì không bao giờ một quan năng tâm linh có thể mở nếu chúng ta chưa sử dụng nó được. Chúng ta không nên ao ước một sự phát triển tâm linh quá sớm vì nó chỉ đem lại sự đau buồn.
Nếu chúng ta không thuộc các bài học của cõi trần và rèn luyện tánh can đảm, sự bền chí, đức vị tha, lòng thanh bạch, sự sáng suốt và tình thương thì cần chi phải thám hiểm cõi bên kia ? Chúng ta sẽ có cái thái độ điên cuồng của một nhà thám hiểm quyết đi sâu vào rừng già Phi châu mà không mang theo khí giới. Chúng ta nên thành thật nhìn nhận rằng chúng ta chưa được sẵn sàng hơn là để thất bại vì chưa chuẩn bị.

CÁC LOẠI ẢNH HƯỞNG TÂM LINH

Một trong những ảnh hưởng khủng khiếp nhứt mà ta phải chịu và không sao thoát ra được vì đã mở quan năng tâm linh quá sớm là ảnh hưởng gây ra do một vong linh hung dữ. Chúng ta đinh ninh rằng khi hành quyết một kẻ sát nhân, chúng ta chấm dứt hành động tàn ác của y. Nhưng sau khi chết, con người không phải bỗng nhiên trở nên thánh thiện và cũng không đi xa. Những người đạo hạnh sau khi từ trần, sẽ lên các từng cao của cõi vô hình. Trái lại, các từng thấp ở gần quả đất thì đầy dẫy những nhân loại cặn bã đã từng gây án mạng hay đam mê dục lạc lúc sinh tiền. Với mục đích thỏa mãn các dục vọng đê hèn đang giày vò mình, họ ám ảnh người sống nhứt là những người nghiện rượu và xúi giục họ làm những điều bẩn thỉu. Những người năng linh quá sớm sẽ chịu ảnh hưởng khốc hại nầy mà không thể chống đỡ được vì còn non nớt và chưa có kinh nghiệm cần thiết.
Một lý do khác khiến Tạo Hóa từ chối quan năng tâm linh cho các người chưa được chuẩn bị là sự hiện diện ở chung quanh chúng ta những sinh linh kém tiến hóa hơn nhân loại. Các sinh linh nầy chống đối với nhân loại nhưng không thể làm hại nhân loại được vì lẽ chúng thuộc cõi vô hình, trừ khi nào con người tự đặt mình dưới ảnh hưởng của chúng bằng cách khai mở quan năng tâm linh quá sớm : đó là một bài học rất đau khổ.
Ngoài ra, chúng ta đừng quên rằng khi quan năng tâm linh thức động, ta sẽ cảm xúc được những tư tưởng, tình cảm và dục vọng phóng ra trong cõi vô hình, dưới hình thức những rung động, do hằng triệu con người sống tụ tập ở các đô thị. Quả thực, chúng ta sống trong một biển hình ảnh xuất phát liên tiếp từ trí óc linh động của loài người, và chúng sẽ xâm chiếm tâm trí ta để gây nhiều tai hại nếu chúng ta không kiểm soát và chủ trị được quan năng trí thức của chúng ta. Sự xâm chiếm nầy sẽ trở nên một ác mộng cho những ai tu tập sai đường, vì tư tưởng, tình cảm quay cuồng trong một thành phố lớn thường ích kỷ, tham lam, duy vật, trụy lạc, gian xảo, thù hận, chỉ thỉnh thoảng mới có màu sắc tươi đẹp, sáng sủa của tình thương và của hoài vọng tinh thần.

MÀN BẢO VỆ

Đến đây, chúng ta đề cập tới một trong những phát minh quan trọng nhứt của huyền môn học : phương pháp giản dị và hữu hiệu nhờ đó Tạo Hóa ngăn cản sự khai mở quá sớm các quan năng tâm linh.
Ai có học về điện đều biết rằng nếu ta bao hai đầu một sợi dây dẫn điện bằng sáp và ráp hai đầu dây lại thì luồng điện không chạy qua được. Nhưng nếu ta gỡ sáp đó ra dù chỉ chút ít thôi, thì điện xẹt ra ngay.
Cơ cấu tâm linh của con người cũng giống như thế. Trong thể vía và thể phách của chúng ta, có những trung tâm được đặt để như thế nào chúng gần như đụng các trung tâm tương ứng của thể xác. Nếu các sinh lực của cõi vô hình có thể đi xuyên qua các trung tâm của thể vía và thể phách để ảnh hưởng các trung tâm của thể xác thì các cơ quan năng linh thức động.
Tạo Hóa sáng suốt tránh sự thức động bằng cách đặt một màn lưới mỏng phân cách các loại trung tâm để ngăn cản luồng sinh lực chạy xuyên qua các thể. Màn lưới ấy được tạo bằng một lớp nguyên tử hồng trần ép chặt [2]. Nó để các sinh lực nuôi dưỡng các thể lưu thông dễ dàng qua nó và chận đứng các loại ảnh hưởng khác trừ khi nào nó bị rách.
Khốn thay, một vài phương pháp gọi là tâm linh được dạy ở Tây phương trong các Trường Huyền Môn trục lợi lại làm hại cái màn lưới bảo vệ ấy. Có phải chăng vì vậy mà các trường hợp điên cuồng gia tăng ?

SỰ NĂNG LINH : MỘT SỰ THẬT KHẮC KHE

Sự năng linh đã được nghiên cứu từ xưa ở Ấn Độ cũng như ở các trường huyền môn chân chính và lần lần trở nên một khoa học chân xác.
Những ai biết sự năng linh không phải là một trò tiêu khiển mà là một sự thật khắc khe thì không khi nào dám nghĩ đến sự luyện tập cầu may của một số người Âu Mỹ. Là vì nếu họ biết khoa ấy giúp ích rất nhiều cho những người đã được chuẩn bị và hội đủ những đức tính cần thiết thì cũng gây rất nhiều tai hại cho những kẻ chưa sẵn sàng.
Một nhà huyền môn chân chính không khi nào dạy cách phát triển năng linh cho những người ích kỷ, tục tằn, vì dạy như thế chẳng khác nào đưa chất nổ cho trẻ con. Một người như vậy chẳng những ngăn trở sự tiến hóa của họ trong nhiều kiếp mà còn gây đau khổ cho kẻ khác với ý chí ích kỷ của mình. Cho đến khi nào chúng ta chưa sử dụng được các khả năng sẵn có của chúng ta vào những mục đích vị tha thì ta không nên đòi hỏi thêm điều chi nữa.
Sự năng linh chỉ có tính cách quí báu khi nào hành giả đứng đắn, tinh tấn, bền chí nhứt là vị tha.

CHƯƠNG III

Sự giao cảm năng linh [3]

SỰ TRUYỀN CẢM CỦA ĐỜI SỐNG

Các tư tưởng đến với chúng ta dù từ trí não của chính ta hay từ trí não của người khác đều do cõi vô hình chuyển đến, vì tư tưởng và tình cảm phát sinh tại cõi nầy. Những tư tưởng và tình cảm nảy ra trong tâm trí ta chẳng qua là những sự phỏng tạo vụng về trong khối óc vật chất, những rung động trí thức và tình cảm tương tự các làn sóng phát thanh của một trí tuệ vô cùng linh động.
Mỗi khối óc là một máy thu thanh. Chúng ta đều biết rõ tư tưởng và tình cảm có thể truyền từ trí óc người nầy đến trí óc người khác trong chớp nhoáng mà không cần lời nói, nhưng chúng ta chưa ý thức được rằng các tư tưởng mà chúng ta cho là riêng của chúng ta chỉ là những tư tưởng của kẻ khác được phỏng tạo lại trong tâm trí ta.
Các ấn tượng cách cảm ấy được truyền liên tiếp từ người nầy đến kẻ nọ, từ đám đông nầy đến người kia nên tạo giữa dân cư một thành phố hay một quốc gia, một lối suy luận riêng, một cách cảm xúc riêng, một thái độ riêng.
Cái thái độ nầy gây một áp lực rất mạnh như áp lực của không khí. Chúng ta không thấy áp lực đó nhưng không ai thoát khỏi ảnh hưởng của nó.
Sự vui vẻ quá độ ở hí viện; sự bồng bột khiến ta la lối trong một trận túc cầu; sự ham mê âm nhạc hay hội họa đột nhiên nổi lên ở lòng ta lúc ta trò chuyện với nghệ sĩ; sự thích thú một quyển sách được nhiều người khen ngợi; sự sầu não trong một đám tang; sự chán nản ở một buổi tiệc khi có mặt một người khách buồn rầu; sự nóng tánh ở một buổi họp khi có một người giận dỗi, các tình cảm nầy chẳng phải là của ta mà là của kẻ khác được chuyển sang tâm trí ta.

THÁI ĐỘ TÍCH CỰC

Thái độ của chúng ta phải như thế nào nếu chúng ta biết sự buồn rầu hay phấn khởi của chúng ta đều tùy hoàn cảnh hoặc tùy những người ở gần hay ở xa chúng ta mà liên hệ mật thiết với ta ? Chúng ta phải tích cực : vì các tư tưởng và tình cảm xấu xa của kẻ khác chực xâm chiếm tâm trí ta, ta phải chống cự lại. Việc đó không khó. Bạn hãy nói : “Các tư tưởng ấy không phải của tôi. Tôi không có lý do gì để buồn rầu hay chán nản. Tôi không để các tư tưởng ấy xâm nhập trí tôi. Chúng phải đi nơi khác. Tôi muốn vui vẻ, an lạc và thương yêu. Tôi là ánh sáng hóa thân, tôi là một Điểm Linh Quang của Thượng Đế.” Một thái độ như thế rất kiến hiệu trên con đường tiến hóa.

SỰ TRUYỀN CẢM CỦA NGƯỜI CHẾT

Chẳng những người sống mà cả những người chúng ta gọi là chết cũng chuyển tư tưởng và tình cảm đến tâm trí chúng ta, vì sự chết của xác thân không ảnh hưởng đến trí tuệ của con người.
Một trong những điều mà chúng ta phải ý thức, nếu chúng ta muốn hiểu cách thức truyền cảm, là người chết không cách biệt với các người thân mến một thời gian sau khi từ trần. Tuy chúng ta không thấy người vì mắt chúng ta không nhận được các rung động của cõi vô hình, nhưng người thấy ta trong khung cảnh hằng ngày, trong thời gian vài ba năm chưa tiêu diêu lên cõi trên, và người vẫn thiết tha với hạnh phúc của chúng ta như lúc trước.
Ban đêm, trong lúc thể xác ta nghỉ ngơi, vía chúng ta gặp các người thân mến đã quá vãng ở cõi vô hình và chuyện trò như lúc sống. Ban ngày tuy người sống không thấy người chết chớ có thể chuyển cho họ những tư tưởng thương yêu như những sứ giả hạnh phúc, và một tư tưởng mạnh mẽ của một vong linh cũng có thể xâm nhập tâm trí ta như tư tưởng của một người lân cận.
Nhiều tư tưởng đến cho ta như vậy dù rằng ta không ngờ có sự truyền cảm từ cõi giới bên kia.

CẢM HỨNG

Đôi khi, trước một số thính giả đông đảo, một diễn giả được một nhân vật đang hoạt động giúp đời ở cõi vô hình lưu ý và chuyển cho ông những tư tưởng mạnh mẽ.
Trong trường hợp nầy, diễn giả đột nhiên được nhiều cảm hứng. Những tư tưởng rõ ràng, những ý niệm sáng sủa hiện đến dồn dập, lời nói của ông trở nên chọn lọc, thanh tao, êm ái, ông trở nên hùng biện, trang nghiêm và lôi cuốn cử tọa mê say. Đó là một cách chuyển di tư tưởng quí báu nhứt.

VIẾT VÀ VẼ TỰ ĐỘNG

Ảnh hưởng của các nhân vật ở cõi vô hình có thể biểu hiện một cách khác hơn là sự chuyển di tư tưởng. Trong nhiều trường hợp, nhân vật ấy có thể chiếm lấy cánh tay hay bàn tay người sống xuyên qua các trung tâm thần kinh của y để vẽ hay viết. Đó là hiện tượng viết hay vẽ tự động [4] thường thấy ở những buổi họp thần linh.
Trong các trường hợp nầy, cánh tay không còn tùy người sống kiểm soát mà do nhân vật nói trên sử dụng.

LỜI NÓI TRONG TRẠNG THÁI XUẤT THẦN

Nhân vật ấy cũng có thể chiếm lấy bộ phận cuống họng của người sống để nói chuyện với các người hiện diện. Nếu người “đồng” không xuất ra trọn vẹn, thì y vẫn tỉnh và biết được mọi sự việc, nhưng không cưỡng lại được những lời nói bộc phát từ đôi môi mình. Trái lại, nếu đồng tử xuất ra hoàn toàn, để thể xác bị chiếm trọn vẹn thì y ít khi ý thức những việc xảy ra. Sau buổi nhập đồng, y không còn nhớ chi cả từ lời nói đến việc làm. Trong các trường hợp nầy, nét mặt y có thể thay đổi.
Chúng ta biết thân thể phản ứng nhanh chóng tùy tình cảm chúng ta. Nó thay đổi sắc diện mỗi lần chúng giận, buồn hay vui. Vì vậy khi một nhân vật đến nhập vào thể xác, lời nói, cách nói của người đồng tử thay đổi để được giống nhân vật nầy.

SỰ HIỆN HÌNH

Một người ở cõi vô hình có thể tiếp xúc với người trần bằng một cách khác hơn là qua sự trung gian của đồng cốt. Người có thể lấy chất dĩ thái trong các thể người sống để tạo ra một cánh tay dùng xê dịch đồ đạc hay để bao quanh thể vía của mình và hiện ra. Người ta có thể nói năng với hình dạng mới tạo nầy. Các hiện tượng nầy được gọi là sự hiện hình.
Vì những đồ vật hữu hình chỉ có thể bị xê dịch bởi những động lực tác động xuyên qua một cơ thể hữu hình nên một vong linh chỉ có thể tạo ra một hiện tượng vật chất khi nào vị ấy nhập vào xác người sống hay tự mình hiện ra bằng chất dĩ thái.
Không phải các sự hiện hình đều có thể thấy được. Hình có thể tạo bằng chất đặc nhưng không thể trông thấy, có cái thấy được tuy giống như sương mù, có cái vừa đặc vừa thấy được. Muốn xê dịch đồ đạc, hình hiện ra phải bằng chất đặc.
Sau khi chết, hình dáng con người giống như lúc sống, có khác chăng là thể của người bây giờ không phải làm bằng vật chất hồng trần mà bằng một chất thanh hơn. Vì vậy, khi y bao quanh thể của y bằng một lớp dĩ thái vừa đủ để phản chiếu ánh sáng, thì y hiện ra giống hệt lúc còn sinh tiền.
Trong một buổi nhập đồng, một vong linh có thể lấy tên một vị không có mặt tại đó. Nếu y tưởng tượng giống vị ấy thì thể vía của y cũng giống như vậy, theo hình tư tưởng của y. Vì vậy việc mạo danh thường xảy ra trong các buổi đồng cốt. Đấng Ky Tô, Socrate, Platon, Shakespeare và các nhân vật cao cả khác – mà nhiều người tưởng hiện diện ở các buổi nhập đồng – có nhiều công việc quan trọng hơn là đến thốt những lời vô vị vụng về, không được những người sáng suốt lưu tâm.

VIẾT TRÊN BẢNG ĐÁ

Sự viết trên bảng đá cũng là một sự hiện hình. Sự kiện xảy ra như sau : Một cây viết được để giữa hai tấm bảng và tất cả được gói lại và niêm khằng cẩn thận. Khi vong linh về và muốn viết thì dùng chất dĩ thái của người đồng để có thể sử dụng cây viết và viết. Vì chất dĩ thái có thể đi xuyên qua các chất đặc một cách dễ dàng nên cái bàn tay bằng chất dĩ thái thọc vào gói, băng ngang qua bảng đá và viết cũng như ta đưa bàn tay ngang qua một đám khói.

KHI NHÀ HUYỀN MÔN HIỆN HÌNH

Đôi khi, một nhà huyền môn hoạt động ở cõi vô hình cần hiện hình để giúp đỡ một người lâm nạn ở cõi trần. Khi hiện hình như vậy, người không lấy chất dĩ thái của đồng cốt mà dùng ý chí mạnh mẽ rút dĩ thái ở không trung bao thể vía để tạo ra một hình thể có thể nói năng và hành động. Sau đó, khi ý chí của người không tập trung nữa thì chất dĩ thái trở về trạng thái cũ và sự hiện hình chấm dứt.

CHƯƠNG IV

Đồng cốt và sự truyền cảm thụ động

MỘT ĐẶC ĐIỂM VẬT CHẤT

Người nào muốn ngồi đồng phải có khả năng xuất ra khỏi xác; thể xác y còn phải có một đặc điểm khác là sự kết hợp lỏng lẻo giữa các phần tử dĩ thái và các phần khác của nó.
Đặc điểm nói trên thường có từ lúc mới sanh, nhưng nó cũng có thể được khai mở thêm ở những nơi được gọi là “Câu lạc bộ phát triển”.
Nó không chứng tỏ rằng người có nó tiến cao hơn mọi người khác. Thường thì trường hợp trái lại xảy ra : khả năng lên đồng là dấu hiệu một linh hồn kém tiến hóa mặc dù có vài ngoại lệ.
Lý do là khả năng nầy không vượt qua phạm vi thể xác : khi thể xác có một vài đặc điểm cần thiết thì người ta có thể ngồi đồng. Nó không đòi hỏi một tánh tình thanh cao hay một cố gắng nào về sự trau luyện tinh thần. Bản chất thanh cao của con người không được lưu ý.
Nhưng người ta nghĩ sai rằng khả năng ngồi đồng là một bằng chứng của sự phát triển tâm linh. Nhiều người còn hiểu rằng : tin ở các vong linh và ở đời sống bên kia của tử là dấu hiệu của sự phát triển cao quí ấy, rằng chấp nhận những giáo lý vô vị ở các buổi nhập đồng là chứng tỏ một sức mạnh tinh thần còn say mê những hiện tượng này nọ là sự mộ đạo.

NHỮNG ĐIỆN TÍN PHI PHÀM

Xem sự lên đồng như là một tôn giáo và kính trọng lời lẽ của các vong linh do đồng cốt chuyển lại như là những giáo lý cao siêu thì không khác nào quì ở một trung tâm vô tuyến Marconi để nghe những điện tín chuyển đến từ một cõi xa xăm và tôn kính các điện tín ấy như là thông điệp của trời. Thái độ ấy không hợp lý. Trong hai trường hợp, lời lẽ vẫn phát xuất từ một người thường, có khác chăng là một đàng, nó được chuyển đến do máy móc, còn một đàng do xác đồng.
Việc một người chết dùng xác đồng giống như việc ta dùng điện thoại : sự kiện không có tánh cách tâm linh gì cả. Chúng ta có thói quen gọi người vừa bỏ xác thân là “vong linh”. Thói quen nầy gây nhiều sự hiểu lầm khiến ta tôn sùng và tin tưởng người chết quá mức. Ngay bây giờ, chúng ta cũng là những linh hồn, và sau khi từ trần, chúng ta chỉ mất thể xác thôi chứ chúng ta vẫn y như trước.
Nếu trong lúc sanh tiền, anh Ất ăn nói dài dòng, thì chết anh cũng thế. Anh có muốn nhờ miệng đồng cốt để giảng đạo đi nữa thì lời lẽ của anh cũng không có giá trị gì hơn lúc anh còn sống.
Chúng ta bao trùm cái chết và những điều ở bên kia cửa tử bằng một bức màn bí mật và tỏ một thái độ kính trọng. Việc ấy không có ích chi cả. Khi một người đồng thốt một điều gì, ta nên đón tiếp như lời một bạn quen, có thế thôi.

TRINH NỮ DÂNG HƯƠNG [5]

Đồng cốt là một phương tiện liên lạc xưa nhất và dễ nhất giữa cõi trần và cõi vô hình. Lịch sử và các sự nghiên cứu huyền môn xác nhận đồng cốt đã có trên hai ngàn năm nay. Người có huệ nhãn khi quan sát ở quá khứ, trong những đền thờ vĩ đại của Châu Atlantide, của Ai Cập hay Hi Lạp ngày xưa thì các Trinh nữ dâng hương, vũ nữ và đồng nữ hiện ra trong những xác thân trinh khiết trước những bàn thờ tôn nghiêm và các tín đồ yên lặng và tin tưởng, để chuyển lại lời lẽ quí báu của các Đấng Thánh linh.
Nhưng hoàn cảnh hiện tại khác hẳn hoàn cảnh ngày xưa. Trước kia, các trinh nữ đó thuộc những gia đình quí phái và được nuôi dưỡng trong các đền thờ thanh khiết, linh thiêng. Họ ăn những thức ăn chọn lọc và được ngừa những ảnh hưởng và tư tưởng xấu xa. Ðược chăm nom cẩn thận như vậy, họ tránh được mọi tai hại cho họ, đồng thời nói lên được những giáo lý cao siêu do các bậc Chưởng giáo nhập vào truyền dạy.
Việc rời bỏ xác thân để một vị cao cả sử dụng nó không phải là một điều nguy hại. Sự thực thì có những nhà huyền môn và các bậc điểm đạo làm như vậy khi họ biết rõ vị nào sẽ sử dụng xác thân của họ. Trong lúc họ rời khỏi xác thân, họ ý thức được những điều xảy ra. Họ còn có dịp đứng bên vị Chưởng giáo để nghe các lời chỉ dạy.

Nguy hại của đồng cốt Hiện nay

Việc sử dụng đồng cốt hiện nay gây nhiều tai hại khiến các nhà huyền môn khuyến cáo nên xa lánh. Nguyên nhân các tai hại đó là điều kiện sinh sống bẩn thỉu, nhớp nhúa của đồng cốt. Họ không được tiến hóa đến mức có thể chọn những vị cao cả cho nhập vào xác mình. Khi họ rời thể xác, họ mê và không còn hoạt động được. Tâm thức của họ vì không được luyện tập nên phất phơ như trong giấc mộng với những tư tưởng quen thuộc hằng ngày. Trong lúc đó, một vong linh nhập vào xác trống và giảng dạy trước một cử tọa kính cẩn. Ðôi khi những vong linh được gọi là "kẻ dìu dắt", có mặt và cố gắng che chở đồng cốt. Tuy nhiên, các vong linh ấy cũng tầm thường như chúng ta chứ không phải toàn năng hay toàn tri để có thể bảo vệ kiến hiệu.
Nếu chúng ta biết rằng ở cõi vô hình (nhứt là ở các tầng thấp mà các đồng cốt thường tiếp xúc), có một số vong linh đàn ông, đàn bà bất hảo, thì chúng ta đừng ngạc nhiên khi một vong linh du đảng, thô bỉ, trụy lạc toan chiếm xác thể người đồng, mặc dầu có sự ngăn trở của vong linh dìu dắt. Kết quả thể xác người đồng bị hành hạ và trở nên ô uế.
Dù vong linh có thanh cao hơn, sự xâm chiếm ấy cũng không tốt vì mấy ai không còn ích kỷ và dục vọng.

Những nơi ô uế

Chúng ta hãy đến dự một buổi lên đồng phải trả tiền vào cửa và nhìn xem cảnh vật chung quanh. Trong các người hiện diện, ít ai học rộng và thương người, họ đến vì tính tò mò hay để thoả mãn một dục vọng cá nhân. Họ thường ăn thịt, uống rượu, lắm khi không được sạch sẽ nên phát ra những hôi hám ô uế. Người đồng cũng không cử rượu thịt nên từ điện của họ rất dơ bẩn. Như vậy, các bậc tiên thánh làm sao có thể sử dụng được thể xác của y ? Thể xác của y như một bộ quần áo dơ, làm sao một người sạch sẽ có thể mặc vào ?
Do đó, những giáo lý do đồng cốt thốt ra không có giá trị, vì các nhân vật quan trọng không đến nhập, dầu nơi đó có mặt thân nhân của họ. Kết quả là những vong linh tầm thường đến và rất hãnh diện xưng vị này, đấng nọ để truyền dạy những điều vô vị.

những điều kiện lý tưởng

Nếu các điều kiện trên được thay đổi, nếu các người đến dự gồm các người trong sạch, vị tha và có khuynh hướng tâm linh, nếu người đồng cốt đừng ham mê thú vui vật chất, tinh lọc tư tưởng và giữ gìn thân thể sạch sẽ thì kết quả sẽ tốt đẹp hơn nhiều. "Văn Phòng Julia" do cố W.T. Stead thành lập đã cố gắng nhiều trên phương diện này.
Bao giờ các điều kiện còn bê bối như hiện nay, đồng cốt sẽ mất hết phẩm giá và trở thành nô lệ các tập quán đê tiện, bị loạn óc hoặc điên cuồng. Nếu khoa thần linh muốn có một địa vị quan trọng trong giới tôn giáo và khoa học, nó phải nhận định khuyết điểm đó và huấn luyện đồng tử từ lúc nhỏ đừng để chúng bị lợi dụng do những người dốt nát, ích kỷ, chỉ biết chạy theo những hiện tượng có vẻ lạ đối với phần đông nhưng không có một giá trị tâm linh nào.

Sự hiện hình làm suy yếu thần kinh

Sự hiện hình không nên được khuyến khích bất kỳ với một lý do nào vì nó gây tai hại cho sức khoẻ và cả cho sinh mạng của đồng cốt. Lý do là khi chất dĩ thái được rút ra khỏi thể xác để hiện hình thì luồng sinh lực nuôi dưỡng thể xác bị bớt nhiều làm cho nó kiệt sức. Các bộ phận của nó đều bị xáo trộn nhất là quả tim, bộ tiêu hóa và thần kinh hệ. Bộ này bị căng thẳng và suy yếu đến đỗi đồng cốt phải dùng những chất kích thích. Do đó, một số người trở nên nghiện rượu.

Sự ô nhiễm

Khi chất dĩ thái của thể xác được một vong linh dùng để hiện hình, chất ấy sẽ thu hút một phần từ khí của vong linh đó và thu nhận ít nhiều các rung động của y. Nếu vị ấy dâm dật, xảo trá, chất dĩ thái bị ô nhiễm, và khi nó được hoàn lại cho đồng cốt, nó vẫn giữ ảnh hưởng nguy hại đó. Vì vậy, chúng ta cần tránh sự hiện hình dưới mọi hình thức.
Các người dự những buổi họp này cũng bị rút một ít chất dĩ thái của mình để phụ với đồng cốt và vì thế họ cũng bị ô nhiễm phần nào.

Sự ám ảnh

Nếu một buổi lên đồng được quan sát bằng thần nhãn, người ta sẽ thấy vong linh đến dự rất đông đảo. Một vài vong linh nhập vào đồng cốt, còn những vị khác thì tìm cách ảnh hưởng cử tọa. Lắm khi, một vong linh xé rách được màn lưới bảo vệ như nói ở chương trước và từ đó có thể lộng hành đối với nạn nhân bằng cách ám ảnh y và gây cho y đủ thứ đau buồn.
Một khi màn bảo vệ bị xé, sự bảo vệ thiên nhiên không còn thì con người dễ bị ám ảnh bởi những vong linh xấu xa. Các vong linh này muốn trở lại cõi trần sống một đời sống vật chất để thoả mãn những thèm khát của họ nên đôi khi không còn chút lương tâm nào đối với nạn nhân. Vì vậy, một người bị xé rách màn lưới là một người rất vô phước. Trong trường hợp màn lưới không rách, một vong linh cũng có thể để ý đến một người nào và theo y về nhà để phá rầy y đủ cách. Ðiều này sẽ nguy hại nhiều hơn khi nhà có con nhỏ, vì trẻ con dễ bị ám ảnh.
Bởi thế, nhà huyền môn không phản đối việc sử dụng đồng cốt nhưng cần nêu những tai hại của sự lên đồng trong những điều kiện thê thảm hiện nay. Các buổi họp riêng ít nguy hiểm hơn vì cử tọa được chọn lọc, tuy nhiên, nguy tai vẫn còn. Lý tưởng là áp dụng các điều kiện của thời Trinh nữ dâng hương.

Chương V

Tâm Thức Siêu Ðẳng

Khối óc bị giới hạn

Tính năng linh không phải siêu nhiên, nó chỉ đòi hỏi sự khai mở những đường liên lạc mới giữa khối óc và tâm thức siêu đẳng. Khối óc tự nó, nó không phát sinh tư tưởng, nó chỉ phỏng họa những làn rung động của trí tuệ. Vì hoạt động trí tuệ phát xuất từ chơn ngã bên trong (chơn ngã này luôn luôn hiện hữu dù có khối óc hay không), chúng ta có thể quả quyết rằng mỗi tư tưởng, mỗi tình cảm của chúng ta (ngoại trừ khi chúng nó được tiếp nhận do sự truyền cảm) đều do tâm thức siêu đẳng của chúng ta chuyển đến.
Một việc lạ rất đáng lưu ý là cái mà chúng ta quen gọi là tâm thức chẳng qua là một phần của tâm thức thôi. Khối óc của chúng ta là một cơ quan hoàn mỹ, nó đáp ứng khéo léo đối với hoạt động trí tuệ, nhưng nó bị hạn chế nên khả năng phỏng họa của nó kém hơn là chúng ta tưởng, nhất là đối với những rung động tế nhị của các tư tưởng và tình cảm cao siêu.
Cái khả năng đó thay đổi tùy người. Khối óc của kẻ quê mùa có thể phát biểu tất cả tư tưởng của y, vì các tư tưởng này đơn giản, chỉ liên hệ đến công ăn, việc làm, nhưng kiến thức phong phú của một người học rộng có thể phát biểu một ít xuyên qua loại óc hiện tại của con người.

Sự điều hành của tâm thức

Về tâm thức phong phú của con người, nhà huyền môn có thần nhãn hiểu biết những gì ? Ông biết tâm thức là một, nhưng khi nó biểu hiện xuyên qua một thể chất, cách biểu hiện của nó thay đổi tùy theo thể chất này.
Nếu chúng ta cho một sợi dây điện chạy qua một ống thủy tinh đựng hơi thủy ngân, kế đó chạy qua robin Ruhmkorff và sau chót, chạy vào một xoắn ốc dây từ khí, sợi dây điện sẽ tạo ba hiện tượng khác nhau tùy thể chất nó xuyên qua. Hơi thủy ngân chiếu xanh, dây robin nóng, còn sợi dây xoắn phát ra từ khí.
Tâm thức con người cũng giống như thế. Khi nó tác động ở tầng cao của cõi vô hình, nó tạo ra tư tưởng; ở tầng thấp hơn, nó phát sinh tình cảm, dục vọng, còn ở vật chất, thì nó tạo tâm thức tự động biểu hiện ở các thói quen.
Tâm thức tự động này khác hẳn tâm thức thông thường của ta trong lúc tỉnh thức (giác thức). Nó là tiềm thức và thỉnh thoảng mới hiện trong các tư tưởng hằng ngày. Khi bất giác, chúng ta né qua một bên để tránh một cái đánh thình lình đó là tác động của tiềm thức. Giác thức là phần của tâm thức phát biểu xuyên qua khối óc. Còn phần tâm thức không phát biểu được vì quá cao là siêu thức.
Bởi thế, nhà huyền môn học phân tâm thức ra làm ba: tiềm thức (tâm thức tự động), giác thức (tâm thức thường trong lúc tỉnh thức) vàsiêu thức (tâm thức siêu đẳng).

Tiềm thức (Tâm thức tự động)

Tâm thức tự động phát biểu xuyên qua bộ thần kinh giao cảm [6] và các trung tâm phản ứng của hệ thống não tủy [7]. Chính nó kiểm soát các tế bào của xác thân, điều hòa hoạt động của các bộ phận và lưu giữ ở trí ta những hành động mà chúng ta làm nhưng không nghĩ đến. Ðó là lãnh vực của bản năng [8] và của thói quen.
Hành động viết là một thí dụ. Khi chúng ta tập viết, chúng ta gặp nhiều khó khăn. Mỗi lúc, tâm thức ta phải tác động xuyên qua khối óc và ta phải suy nghĩ nhiều về mỗi chữ viết ra. Sau đó quen đi, ta không còn suy nghĩ hay cố gắng gì nữa vì công việc đã thuộc tâm thức tự động. Nhờ vậy, khối óc được rảnh rang để suy tư việc khác.
Khi chúng ta tập đi xe đạp, cũng thế. Lúc đầu tâm thức ta hoạt động nhiều để xe đừng chạy xuống hố hay đừng đâm vào cây. Nhưng khi chạy được rồi, chúng ta không còn suy nghĩ gì nữa: ta lên xe là tay lái, chân đạp và các động tác này không do trí óc kiểm soát mà thuộc về tiềm thức điều khiển.
Việc lái xe ba bánh cũng dạy ta nhiều việc. Cách lái xe này khác cách đi xe đạp. Với xe này, ta không nghiêng mình bên trái, bên phải gì cả và chỉ có hướng tay cầm mà thôi. Cái khó lúc đầu là ở chỗ đó. Người quen đi xe đạp biết rõ là chỉ phải hướng tay cầm, nhưng khi quanh thì tự nhiên y nghiêng mình như lúc đi xe đạp, vì vậy xe thường đâm vào hàng rào hay xuống hố.

Khi tâm thức tự động quen điều khiển một vài tự động nào rồi thì muốn sửa cái thói quen ấy ta phải mất một thời gian mới có thể tạo một thói quen khác. Việc này không khó miễn là ta chịu khó nhọc tập cho đến khi nào thói quen mới nhập vào lãnh vực tiềm thức. Nhà huyền môn khai thác cách thức này để tạo cho mình một tập quán tốt đẹp.

Siêu thức

Siêu thức gồm những tư tưởng và tình cảm mà khối óc ta không phát biểu được vì bị hạn chế và quá cục mịch. Tư tưởng và tình cảm đó rất nhiều. Nhờ chúng nó mà đời sống tinh thần của chúng ta được phong phú. Không có chúng nó, chúng ta không còn là con người mà chỉ là một sự kết hợp các tế bào và khối óc ta không còn suy tư được nữa.
Thỉnh thoảng, một tình cảm, một tư tưởng từ cõi siêu thức ấy chuyển xuống khối óc. Ðó là một âm điệu thiêng liêng thoạt đến tai nhạc sĩ, một ý thơ tuyệt diệu cảm hứng thi nhân, sự hào hùng phấn khởi chí nam nhi, một ý niệm mới soi sáng thiên tài, một sức can đảm bồng bột lôi cuốn quân binh ra trận.

Sự hồi nhớ các kinh nghiệm siêu hình

Trong một giấc ngủ êm ái, siêu thức có thể lưu ở khối óc một vài kiến thức, nhưng việc này rất ít khi xảy ra vì khối óc ta dẫy đầy hình ảnh lộn xộn của các việc xảy ra trong ngày. Khối óc tự nó, nó không có một sự khôn ngoan nào. Nó chỉ là một cơ quan thụ cảm, chỉ biết ghi nhận một cách máy móc những rung động đã quen. Khi thiếu một sự điều khiển thông minh, nó chỉ lặp lại một hình ảnh mù mờ, thiếu thốn, nối tiếp nhau một cách vụng dại, không ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu chúng ta cố gắng tinh luyện, chúng ta có thể giữ trong khối óc ấn tượng rõ ràng và chính xác những việc xảy ra trong cõi vô hình khi chúng ta sang qua đó. Những ấn tượng này tạo những giấc mộng hợp lý, được cấu kết mạch lạc.

Tiên tri

Do một phương pháp mà giác thức chúng ta chưa giải thích được, chúng ta có thể thấy được những việc xảy ra ở tương lai trong lúc ngủ và chuyển các điều nghe thấy ấy sang qua giác thức.
Khi chúng ta đứng trên một ngọn đồi nhìn hai chiếc xe lửa chạy ngược chiều trên một con đường, chúng ta có thể biết được chúng sẽ đụng nhau vào giờ phút nào, tuy hành khách trên xe không biết chi về tai nạn sắp xảy ra.
Trong cõi vô hình, chúng ta có thể ở trong một vị trí tương tự để quan sát các sự việc và biết trước được sự diễn tiến của chúng.

Sự liên lạc với siêu thức

Khi chúng ta thanh lọc thân thể, khối óc và thần kinh hệ của chúng ta đến mức chúng thông cảm được với siêu thức, một năng khiếu sẽ phát sinh: ấy là nhãn thông. Năng khiếu tâm linh này là kết quả của các khả năng cá nhân. Ðó là quyền năng của con người mà ta không thể lầm lẫn với đồng bóng được. Một người đồng chỉ chuyển tư tưởng của kẻ khác, còn người nhãn thông vận dụng một khả năng riêng của mình.
Có hai phương thức khai mở nhãn thông. Một phương thức được gọi ở Ấn Ðộ là Hatha Yoga hay "Hợp nhất bằng trí lực" [9]. Với phương thức này, nhờ những động tác thích hợp, xác thân trở nên an tĩnh cho đến đỗi các giác quan trở nên suy nhược và bất động. Phương thức này chỉ chú lực vào xác thân mà không nghĩ đến sự trau luyện tánh tình nên chỉ khai mở được nhãn thông cổ sơ [10] mà thôi.
Phương thức thứ hai là Raja Yoga (Hợp nhất đế vương) [11]. Phương pháp này tinh luyện trí tuệ, tình cảm và bản chất tâm linh. Khi sự tinh luyện đến một mức nào thì nhờ một sự tập trung hùng dũng, người ta có thể rút tâm thức ra khỏi khối óc để đưa vào cõi vô hình. Phương thức này mở nhãn thông siêu đẳng [12].

Chương VI

Cơ Cấu Của Nhãn Thông Cổ Sơ

Nhãn thông ở châu atlantide

Theo niên giám huyền môn, trước đây nhiều ngàn năm, có một lục địa rất lớn tại Ðại Tây Dương, ấy là Châu Atlantide. Châu này rất phồn thịnh với các cánh đồng mênh mông, nhiều đô thị phát đạt và những đồng lúa, vườn nho phấp phới dưới ánh mặt trời. Văn minh của Châu này cao hơn nền văn minh của chúng ta ở một vài phương diện. Nhưng tất cả đều bị hủy diệt và chôn sâu dưới đáy biển vì sự bất công và tàn bạo của nhân dân lúc bấy giờ.
Theo sử liệu, nhân loại lúc ấy rất năng linh và liên lạc với cõi vô hình mật thiết cho đến đỗi đối với họ, cõi này như là một với cõi trần. Nhưng trí hóa họ kém cõi, khối óc họ không được phát triển như bây giờ. Họ buông trôi theo dục vọng, tình cảm ồ ạt chứ không biết lý luận, suy tư.
Dân tộc Át Lăn năng linh như thế nào và hành động theo đường lối nào ?

Những trung tâm năng linh ở xác thân

Chúng ta biết thân thể con người có hai thần kinh hệ: hệ não tủy [13] gồm não bộ, tủy sống và các dây thần kinh, và hệ giao cảm [14]gồm nhiều sợi thần kinh và nhất là hai dây thần kinh có nhiều hạch nằm hai bên cột xương sống. Hệ này gồm nhiều tùng [15] do các dây thần kinh rất nhỏ tụ họp kết thành. Trong các tùng, tùng Thái dương [16] được biết nhiều hơn cả.
Ðiều mà các nhà giải phẫu không biết các tùng này trước kia là điểm giao liên giữa thể xác và thể tình cảm (thể vía). Nơi người Át Lăn, các tùng này và cả hệ giao cảm rất phát triển, vì thế, họ nhận được các rung động của cõi vô hình và được năng linh. Tâm thức của người Át Lăn được tập trung vừa vào hệ giao cảm, vừa vào khối óc cục mịch vì thế chẳng những họ năng linh mà còn giác thức được những điều thuộc về tiềm thức của chúng ta bây giờ. Tuy nhiên, những cảm giác của họ về cõi hữu hình hay vô hình mập mờ, trì độn không có những chi tiết mà một người nhãn thông ngày nay có thể thấy rõ ràng nhờ sử dụng được nhiều trung tâm khác liên hệ đến nhãn thông và hệ não tủy.

Sự tăng trưởng của trí năng [17]

Từ thời Át Lăn đến nay, nhiều thế kỷ đã trôi qua, khối óc lớn thêm và vi diệu hơn, đồng thời nhiều hoạt động của hệ giao cảm lần lần trở nên tự động và sang vào lãnh vực tiềm thức. Sự thay thế các cảm xúc năng linh mập mờ bằng trí lực [18] là một bước tiến hóa và diễn tiến trong một thời gian dài. Cho đến ngày nay, một thời gian gần một triệu năm sau thời cực thịnh của văn minh Át Lăn đã trôi qua, mà một số đông người chưa mở trí lực được bao nhiêu nên những vết tích của năng linh xưa vẫn còn.
Vì vậy, hiện nay, một số người có nhãn thông nhưng trí hóa họ kém hơn nhiều người khác. Ở họ, tình cảm lấn áp trí năng. Họ chưa tiến hóa nhiều hơn dân tộc Át Lăn nhưng sau vài trăm kiếp luân hồi, trí tuệ của họ sẽ chiếm ưu thế và những cảm xúc năng linh trì độn cũng sẽ được thay thế bằng quan năng trí thức.
Ngoài số người này, đa số nhân loại tiến hóa đều đặn và không còn liên hệ với cõi vô hình nữa nhờ trí tuệ đã được tăng trưởng từ kiếp này sang kiếp khác. Việc này giải thích vì sao hiện nay số người năng linh rất ít tuy thỉnh thoảng chúng ta còn nghe nói có người biết trước được những tai nạn hay việc đau buồn sắp xảy ra.

Thời kỳ chuyển tiếp

Chúng ta đang ở vào một thời kỳ chuyển tiếp. Trong thời kỳ này, sự khai mở trí thức chiếm ưu thế và chúng ta không chấp nhận nhãn thông cổ sơ nữa (ngoại trừ một vài trường hợp rất hiếm), nhưng chúng ta chưa mở được nhãn thông siêu đẳng. Tuy nhiên, thì giờ khai mở nhãn thông siêu đẳng sắp đến cho một số đông người vì khối óc và tủy sống đã phát triển đến một mức khá cao. Trí tuệ và sự tự chủ của họ cũng đủ sức vững vàng để giúp họ giải quyết những vấn đề sẽ đặt ra ở giai đoạn tiến hóa mới.
Chúng ta có thể tiến nhưng cũng có thể lùi. Chúng ta tiến khi nào chúng ta cố gắng khai mở các năng khiếu tâm linh siêu đẳng, trái lại chúng ta sẽ lùi nếu chúng ta đánh thức trở lại nhãn thông cổ sơ. Thường, người ta tự hỏi những người lăn xả vào các công phu luyện tập với một niềm tin vững chắc, họ biết chăng hầu hết các phương pháp thông dụng ở Âu Mỹ đều có tính cách lạc hậu và ngăn cản bước tiến của chúng ta ? Lẽ tất nhiên là những công phu luyện tập xác thân có phần dễ dàng và có kết quả nhanh chóng hơn các phương pháp khai mở nhãn thông siêu đẳng. Nhưng đây không phải là vấn đề dễ dàng hay nhanh chóng mà vấn đề tiến hóa thật sự.

Các trung tâm khác

Ngoài những trung tâm của hệ giao cảm, còn có những trung tâm khác nữa đôi khi cũng được dùng để mở nhãn thông cổ sơ. Học khoa sinh lý, chúng ta biết rằng mỗi giác quan của chúng ta như mắt, tai, v. v. . . được một hay nhiều dây thần kinh liên kết với một trung tâm tương ứng ở trong óc. Ðiều người ta ít biết hơn là các trung tâm ấy có một đối phần của thể vía [19].
Khi một tia sáng lọt vào võng mạc của mắt, thì những rung động phát sinh và được dây thần kinh thị giác chuyển mau như chớp vào óc, nơi đây chúng kích thích một số tế bào xám. Sự diễn tiến không ngừng tại đây vì các rung động gây ở não bộ sẽ tạo những rung động khác ở trung tâm tương ứng của thể vía, nhờ đó ta mới cảm xúc được ánh sáng và màu sắc. Mọi cảm xúc đều nhận trước tiên ở thể vía rồi mới chuyển sang thể xác, và ý thức các cảm xúc này trong não bộ tùy khả năng đáp ứng của nó đối với các rung động của thể vía. Lẽ tất nhiên là sự truyền đạt này được xảy ra như chớp nhoáng.
Như vậy, mỗi giác quan có một trung tâm tiếp nhận ở khối óc và một trung tâm tương ứng ở thể vía, nhưng các trung tâm này không phải là giác quan của thể vía mà chỉ là những trung tâm trung gian giữa não bộ và tâm thức. Tuy nhiên, với công phu luyện tập (mà chúng ta sẽ đề cập ở chương sau) người ta có thể dùng chúng như những giác quan thô sơ trong thể vía để thu nhận một ít rung động của cõi vô hình. Nếu các rung động này được chuyển vào não bộ với cách bất thường thì một ít nhãn thông cổ sơ phát hiện.

Nhãn QUAN thứ hai

Ðiều này giải thích nhãn quan thứ hai của dân sơn cước miền Ecosse và một vài dân tộc Celtes khác. Ở thể vía những người này, các trung tâm cảm xúc tương ứng với miền thị giác của óc, phát triển đến đỗi chúng được dùng chẳng những làm cơ quan trung gian giữa não bộ và thể vía mà còn để nhận ở thể này những rung động của cõi vô hình và chuyển sang não bộ dưới hình thức hình ảnh.
Và vì các biến cố sắp xảy ra có thể thấy ở cõi vô hình cả tuần hay cả tháng trước, người nhãn thông khi nhận được một hình ảnh liên hệ thì giữ ấn tượng ở não bộ và biết được việc tương lai.

Những giáo lý lỗi thời

Những cách thức kích thích các trung tâm giao cảm và giác quan để khai mở nhãn thông cổ sơ được nghiên cứu rất tỉ mỉ ở Ấn Ðộ và được gọi là Hatha Yoga. Có thể những cách thức này là di sản của Châu Atlantide, bởi vì người Dravidiens ở Ấn Ðộ thuộc gốc Át Lăn. Dù giáo lý ấy bắt nguồn từ đâu cũng vậy, nó được truyền xuyên qua nhiều thế kỷ ở một nước mà phong tục không bao giờ thay đổi và không hợp với dòng tiến hoá. Người nào theo cách thức ấy là quay nhìn dĩ vãng lỗi thời thay vì hướng về tương lai huy hoàng đang chờ đợi mọi người.

Sự cẩn thận thuở xưa

Dù sao thuở xưa, cách thức này được dạy cho từng đệ tử và chính thầy phải theo dõi công phu luyện tập chặt chẽ để tránh đều sai lệch. Ðệ tử luôn luôn ở bên cạnh thầy để được thầy dìu dắt từ bước một. Ở Tây phương không có sự cẩn thận ấy; thường người ta chỉ mua một quyển sách và tập theo đó là đủ rồi. Như vậy làm sao tránh được những tai hại bất ngờ ?
Về công phu luyện tập, cách tập thì nhiều và không phải ai muốn tập cách nào cũng được. Ngày xưa, thầy chọn những điều hạp với tánh tình và sức khoẻ của đệ tử để tránh sự hư hoại các cơ năng rất tế nhị của xác thân.
Hơn nữa, người Ấn Ðộ còn có sự truyền thống và một thứ từ điện riêng về xác thân mà người Âu Mỹ không có. Trải qua nhiều thời đại và thế kỷ, hạng thượng lưu Ấn Ðộ không dùng thịt, không uống rượu. Vì vậy có nhiều cách thức công phu hạp với họ nhưng rất nguy hiểm đối với xác thân ô trược được nuôi dưỡng bằng rượu thịt. Ðiều này không mấy ai biết ở Tây phương, vì vậy mới có nhiều trường hợp suy nhược thần kinh, điên cuồng hay chết chóc.

Vài trường hợp nguy hiểm

Một nhà huyền môn giảng đạo ở Mỹ cho biết trong thời gian chu du thuyết pháp của ông, ông ghi nhận hai mươi hai người trở nên đau ốm, bệnh tật vì luyện tập theo những cách thức tai hại mà tôi sẽ nói trong chương sau.
Một số người tập thở theo các quyển sách rẻ tiền nên bị đau phổi hay thổ huyết.
Nhiều người hủy hoại vĩnh viễn sức khoẻ của mình bằng cách quá căng thẳng hệ thần kinh.
Trong vài trường hợp, trí não bị suy nhược, sớ thịt không còn sức dẻo dai, chịu đựng.
Trong vài trường hợp nữa, màn lưới bảo vệ bị rách nên con người bị ám ảnh hay quấy nhiễu bởi các vong linh hung tợn.
Các tai hại đó khiến ai cũng đau lòng. Nếu các người ấy đừng quá nóng nảy, đừng muốn trở nên năng linh quá sớm và chịu khó nhọc theo một con đường dài hơn nhưng chắc chắn hơn nhằm đạt nhãn thông siêu đẳng, thì họ sẽ khoẻ mạnh, sung sướng chớ đâu có trở nên đau ốm, tật nguyền như vậy. Hơn nữa, dù có mở nhiều quyền năng đi nữa, các quyền năng này cũng chỉ kéo dài trong một đời người mà thôi vì cách luyện tập đó không vượt phạm vi thể xác. Trái lại, nhãn thông siêu đẳng của con người bên trong không sao mất được. Câu ngụ ngôn sau đây đúng biết bao: "Sự minh triết xây dựng cho tương lai, còn sự vô minh thì bằng lòng với tòa nhà bằng cát".

Chương VII

Sự Khai Mở Nhãn Thông Cổ Sơ

Phải xuất thần

Muốn nhận thức những rung động vi tế của cõi vô hình ta phải ngưng lưu ý đến các tiếng động và các ảnh hưởng chung quanh ta. Một âm điệu êm ái xa xăm không thể nhận được trong một thành phố ồn ào; trong một cuộc hòa tấu tưng bừng, chỉ có người tinh luyện mới theo dõi được tiếng đàn của một vĩ cầm; ánh sáng của tinh tú chỉ hiện ra trong khi mặt trời lặn. Cũng thế, cõi vô hình chỉ hiện ra khi nào tâm ta không còn vương vấn đến các rung động hồng trần.
Sự vô giác cần thiết đó chỉ có thể phát sinh khi nào ta đặt xác thân ta trong trạng thái xuất thần bằng cách làm tê liệt các giác quan xác thịt và bắt khối óc ngưng hoạt động. Sự vô giác này có thể đạt được bằng thủ pháp Mesmer [20], bằng thôi miên, bằng vài thứ thuốc như hơi mê hay bằng các quay tròn của một vài giáo sĩ Hồi giáo cho đến lúc quá chóng mặt, khối óc không còn thọ cảm được. Chừng đó, con người ở vào trạng thái xuất thần và cảm xúc được những rung động của cõi vô hình.

Tập thở

Phương pháp dùng ở phương Ðông và cũng được phổ thông ở Tây phương là tập thở. Người thở có thể nằm hoặc ngồi trong những tư thế khó khăn. Thường thì họ hít hơi vào, giữ một thời gian rồi thở ra. Tuy nhiên, cách thức này thay đổi nhiều. Có người hít vào một lỗ mũi rồi thở ra bằng lỗ kia. Có người tưởng tượng hơi đi qua vài bộ phận của cơ thể. Thật là lạ mà thấy nhiều cách thở như vậy.

Mục đích của những cách thở

Ðặt ra những cách thức thở này, người Ấn Ðộ thời xưa nhằm các mục tiêu: a) trấn an tư tưởng, b) tạo trạng thái vô giác cho khối óc, c) kích động một vài luồng sinh lực trong thân thể.
a) Từ xưa, người ta lưu ý thấy rằng trong khi suy nghĩ hay trầm tư thì hơi thở trở nên chậm và có khi ngưng hẳn. Vì đó, phát sinh ra lý thuyết này: khi con người ngưng thở trong một thời gian nào đó, tư tưởng sẽ tập trung và sáng sủa. Việc này đúng tới một mức nào thôi vì trí tuệ và xác thân liên đới với nhau và chịu ảnh hưởng lẫn nhau.
b) Các tu sĩ Ấn Ðộ luyện tập lâu ngày có thể giữ hơi thở rất lâu. Nhưng trong lúc đó, máu vẫn lưu thông và chứa chất oxyt carbon nhiều cho đến đỗi khối óc bị nhiễm độc, do đó có trạng thái xuất thần.
c) Với sự luyện tập, khi hơi thở trở nên đều đặn nhịp nhàng thì nó kích động các luồng sinh lực luôn luôn lưu chuyển trong thể phách [21]nhất là ta tưởng tượng đưa hơi thở đến bộ phận này hay bộ phận khác trong thân thể. Lẽ dĩ nhiên là hơi thở không đi đâu cả mà chính là các luồng sinh lực nói trên. Các luồng này bắt buộc phải theo những con đường mới và kích thích một ít trung tâm thần kinh nào đó để chúng có thể truyền đạt những rung động của cõi vô hình.

Kết quả cách tập thở

Khổ nỗi khi các trung tâm nói trên hoạt động trở lại thì các rung động vô hình tràn vào giác thức, dưới hình thức hiện tượng hay âm thanh, mà con người thì không đủ khả năng kiểm soát để ngăn ngừa chúng. Các hiện tượng hay âm thanh này đẹp đẽ thì cũng chẳng đến đỗi nào nhưng thường thì chúng rất xấu xa. Vì vậy, y bắt buộc phải chứng kiến những cảnh tượng não lòng nhứt và nghe những lời xúi giục đê tiện nhứt, vì y chỉ liên lạc được với các tầng thấp dẫy đầy ảnh hưởng tồi tệ của cõi vô hình.
Khi một người chú hết sức lực vào sự tinh luyện các giác quan xác thịt để nhận các rung động vi tế của cõi vô hình, người đâu có dè rằng mình sẽ là nạn nhân chứ không phải là chủ nhân các quyền lực tạo nên, trừ phi tâm thức y được tinh luyện. Sự mở mang tinh thần luôn luôn phải đi đôi với sự mở mang thể xác, nếu không, con người sẽ bị lôi cuốn do các sinh lực được khai mở mà y không sao kiểm soát được.
Lẽ dĩ nhiên là có những cách tập thở rất tốt (như cách thường dạy ở vận động trường) và rất hạp với sức khoẻ, nhưng tác động và mục đích của nó khác với lối thở mà chúng tôi vừa nói trên. Cách tập thở này không đem lại nhãn thông cổ sơ cũng không làm hại phổi. Cách tập thở đúng phép rất quí vì nó bồi dưỡng sức khoẻ và tránh cho ta khỏi bị cảm vì thời tiết.

Sự tập trung vào tùng thái dương [22]

Một cách khác để khai mở sự năng linh là tập trung tư tưởng vào tùng Thái Dương. Về trung tâm này, người ta đã gán cho nhiều tên như óc thứ hai và nhiều việc vô lý khác liên hệ đến sự thức tỉnh của nó.
Khi một người tập trung tư tưởng vào tùng Thái Dương với ý muốn trở nên linh hoạt, y sẽ chuyển đến nó một luồng sinh lực. Vì vậy, trung tâm cảm giác tương ứng với nó đôi khi được kích thích và khai mở nhãn thông cổ sơ khiến cho y có thể thu nhận một ít cảm xúc mơ hồ của cõi vô hình.
Nhưng thường thì luồng sinh lực gây sự xung huyết cho tùng Thái Dương. Tùng này rất quan trọng vì nó kiểm soát hay liên hệ đến bộ tiêu hóa. Nếu nó sưng lên, sự tiêu hóa sẽ bị ngưng trệ, cho đến thận cũng bị đau luôn. Hơn nữa, những người tập trung tư tưởng vào tùng Thái Dương cũng chú ý luôn đến các cơ quan khác vì y không thông hiểu vị trí các bộ phận của thân thể con người, do đó trọn bộ tiêu hóa có thể bị đau.
Vì hệ thần kinh giao cảm thuộc phạm vi tiềm thức nên chúng ta quấy rối sự điều hành của nó, chúng ta có thể gây những bệnh thần kinh trầm trọng dưới hình thức một sự buồn rầu hay một sự chán nản trầm trọng. Nếu sự luyện tập tăng gia, nó có thể gây tê liệt cho một bộ phận của cơ thể.

Sự dùng viên thuỷ tinh

Một phương pháp nữa là chăm chú nhìn một viên thủy tinh, đầu mũi hay phông đen. Phương pháp này nhằm hai mục đich: một là đặt khối óc ở một tình trạng gần như tê liệt để tạo sự xuất thần, hai là kích động trung tâm cảm xúc liên hệ ở thể vía để nó có thể làm một giác quan tạm cho thể vía.
Khi chúng ta chú nhìn một điểm trắng mà không nháy mắt, các tế bào võng mạc rất mệt và sau cùng, võng mạc trở nên vô giác nên ta không còn cảm thấy điểm trắng nữa. Nếu chúng ta tập luyện lâu ngày, sự mệt mõi sẽ tăng gia và dây thần kinh thị giác cũng trở nên vô giác. Tiếp theo, miền thị giác trong óc cũng bị tê liệt. Do đó, chúng ta sẽ tự thôi miên mình và trong trạng thái đó, khi khối óc trở nên vô giác thì hiện tượng này nọ sẽ xảy ra. Tuy nhiên, thường thì không có một kết quả nào.
Cách luyện tập này nhằm kích thích các trung tâm tương ứng với mắt để chúng có thể nhận các rung động tế nhị và chuyển sang khối óc. Các hiện tượng thấy bằng cách này không được xác thực vì cơ quan truyền đạt chúng không được dùng đúng chỗ.
Dù sao, chúng ta cần phải tránh cách luyện tập này vì sự tê liệt khối óc do nó gây ra, có thể trở nên vĩnh viễn. Hơn nữa, vì mắt cố gắng quá sức nên nó yếu đi và có thể trở nên mù, nếu không loạn thị.

Công phu vô ích

Như đã trình bày, có nhiều cách luyện tập gây tê liệt cho khối óc để tạo trạng thái xuất thần. Khi xuất thần cũng như trong khi ngủ, con người xuất khỏi xác thân để sang thể vía và trong thể này, y có thể ý thức được ít nhiều. Nếu y hoàn toàn sáng suốt và linh hoạt ở cõi vô hình, y có thể biết nhiều việc quan trọng và giữ ấn tượng ở khối óc để khi tỉnh dậy, y nhớ được tất cả.
Nhưng trường hợp này ít khi xảy ra vì chúng chỉ nghĩ đến sự tập luyện xác thân mà không lo trau luyện tinh thần. Vì vậy, khi xuất thần thì con người trôi giạt phất phơ ở cõi vô hình mà không ý thức được gì cả nên khi tỉnh, y không biết chi thêm.
Như vậy, tại sao nhiều người luyện tập rất công phu để rồi lại chỉ có cái nhãn thông cổ sơ, không một ích lợi nào ? Sở dĩ họ luyện tập như thế vì họ bị gạt bởi những quảng cáo hấp dẫn, những lời hứa hão huyền, nhưng nếu họ biết được luyện tập như vậy chẳng những hoàn toàn vô ích mà còn gây nhiều nguy hại và đau khổ thì không một ai dám liều lĩnh nữa.

Chương VIII

Sự Phát Triển Nhãn Thông Siêu Ðẳng

Con đường của nhà huyền môn

Những phương pháp chúng tôi trình bày ở phần trên nhằm mục đích luyện tập thể xác để cho nó đáp ứng lại các rung động của cõi vô hình. Nhưng chúng ta đã thấy, các sự luyện tập ấy nguy hiểm và vô hiệu. Ðiều nguy hại hơn là hành giả không lưu ý trau luyện tánh tình và trí tuệ. Y có thể trở nên năng linh ít nhiều, nhưng trên phương diện con người, y không hơn lúc trước. Trái lại, y có thể sút kém hơn vì không thể chủ trị được những cám dỗ mới phát sinh.
Nhà huyền môn thấy xa hơn. Người nhận định rằng "con đường dài là con đường dẫn mau nhứt đến mục đich". Người nhất định thành công bất kỳ với giá nào, và sự thành công mà người cố tìm không phải chỉ hạn chế trong một đời ngắn ngủi mà phải dài suốt thời gian luân hồi ở cõi trần.
Vì đã học đạo, người ý thức được bản chất thiêng liêng của mình và mục đích cao cả của sự tiến hóa. Vì ý thức rõ ràng như vậy, người không chạy theo những dục vọng riêng tư, ích kỷ và quyết dùng tất cả khả năng của mình để hợp tác với những động lực đang giúp nhân loại tiến lên đỉnh núi huy hoàng.
Khi đạt mục đích đó, nhân loại chẳng những phải có sự can đảm tinh thần mà phải tự trau giồi như thế nào để tình cảm được tốt đẹp, trí tuệ được mở mang hầu thực hiện sự mẫn cảm tâm linh. Một người tận lực trau giồi các đức hạnh đó ở kẻ khác và ở mình và nếm được cái lạc thú quên hẳn sự tiến hóa riêng của mình trong công việc phụng sự, người đó chắc chắn nay mai sẽ được nhãn thông siêu đẳng. Là vì nhân loại ngày mai sẽ năng linh và ai cố gắng trau luyện tánh tình sẽ được chuyển biến theo hình ảnh của con người tương lai.
Ðể cố gắng trau giồi như vậy, nhà huyền môn tiến mau hơn là được dự định. Trong nhiều thế kỷ nữa, dòng tiến hóa chậm chạp sẽ đưa nhân loại đến một thời kỳ mà khối óc sẽ phát triển và mẫn cảm đến mức có thể linh hoạt trong một sân trường rung động lớn hơn nay rất nhiều. Ðến giai đoạn đó, con người sẽ có nhãn thông và ý thức rõ ràng cõi vô hình đang bao bọc y. Ngay bây giờ, đã có một ít trẻ con được nhãn thông đến lối sáu bảy tuổi và sau đó lại mất đi vì cha mẹ không lưu ý phát triển và cũng do giáo hóa khiếm khuyết.
Cái năng khiếu nhãn thông này sẽ đạt được không phải do các sự tập luyện thể xác nói ở chương trước mà do sự phát triển bình thường của hệ thần kinh một ngày càng trở nên tinh vi nhờ năng lực của tình cảm, trí tuệ và ý chí được tinh luyện. Sự phát triển tâm linh sẽ gia tăng khả năng của khối óc, và khi nhân loại trải qua nhiều ngàn năm, rèn luyện được cho mình những đức hạnh tốt đẹp thì khối óc đương nhiên sẽ trở nên mẫn cảm hơn.
Chúng ta có thể tiến nhọc nhằn với đa số nhân loại cho đến một kiếp kia chúng ta sẽ có một hệ thần kinh tinh vi và nhãn thông như tất cả mọi người. Nhưng chúng ta cũng có thể, ngay bây giờ, cố gắng tiến trước nhân loại bằng cách đào luyện ở kiếp này những đức hạnh của con người ngày mai.
Sự tiến hóa này là một vấn đề tăng trưởng tâm linh, chứ không phải là một vấn đề thời gian. Nếu chúng ta quyết tiến và vượt khỏi các bạn đồng hành – họ đi rất chậm chạp – chắc chắn nhãn thông siêu đẳng sẽ đến với chúng ta. Chính vì ta thiếu can đảm và bền chí, ta mới không thành công.

Trí tuệ xây dựng

Ðịnh luật căn bản chi phối sự khai mở nhãn thông siêu đẳng có thể tóm tắt trong câu này: "Sự phát triển thể xác [23] thoả mãn các nhu cầu tâm thức". Lý do khiến chúng ta chưa có nhãn thông ngay bây giờ là tâm thức của chúng ta chỉ mở mang có một phần và không đồng đều nên không kích thích được khối óc và thần kinh hệ. Vả lai, phần đông không sử dụng khả năng trí thức của mình và cũng không tìm cách mở mang nó.
Cho đến nay, chúng ta chưa ý thức được khả năng hùng hậu của trí tuệ trong việc tinh luyện cơ cấu thần kinh. Lý do có lẽ tại tư tưởng của chúng ta lờ mờ, hỗn độn nên không tạo được một ảnh hưởng đáng kể đối với khối óc vật chất. Nhưng nếu chúng ta có thể quan sát tác động của một trí tuệ tinh luyện, chúng ta sẽ thấy những dòng năng lực tuôn xuống khối óc và nhận thức được sức cải biến của tư tưởng đối với khối óc. Nếu chúng ta tìm hiểu các tế bào của khối óc theo sách sinh lý học, chúng ta biết mỗi tế bào tủa ra vô số dây thần kinh nhỏ chằng chịt như một màn lưới ở chất xám của não bộ. Các sợi dây thần kinh này có tác dụng như những sợi dây điện được cách điện và khi các mối liên giao giữa các tế bào gia tăng thì khả năng suy tư của khối óc cũng gia tăng.
Khi các luồng năng lực phát sinh do một trí tuệ linh động, tuôn vào khối óc, các tế bào não bộ được kích động và tủa thêm dây thần kinh, nhờ đó, khả năng suy tư của khối óc cũng tăng thêm. (Vấn đề tế bào có gia tăng không thì chưa được biết rõ nhưng có thể là gia tăng). Như vậy, trí tuệ linh hoạt, khả năng của khối óc sẽ mở mang, nhờ đó, chúng ta tiến lần đến sự nhãn thông siêu đẳng.
Sách sinh lý học còn dạy thêm rằng mỗi quan năng trí thức đều liên hệ đến một nhóm tế bào xám tụ tập chung một "miền" ở khối óc, và nhờ nhóm tế bào đó mà quan năng mới phát hiện. Ví dụ, khi chúng ta biết hai thứ tiếng thì các nhóm tế bào ở óc dành cho quan năng đọc viết và nói tăng gấp đôi, trước là ba, nay là sáu. Về quan năng khác như hát, đàn, vẽ, tính, v.v . . . cũng thế. Khi ta rèn luyện một quan năng, một số tế bào của khối óc chịu ảnh hưởng và được chuyển về quan năng này. Sự học tập một đề tài mới luôn luôn cải biến một số tế bào của khối óc. Nếu không có cố gắng trí thức, chúng ta không tạo được quan năng mới, do đó, các tế bào xám của khối óc cũng không thay đổi.
Như vậy, trí tuệ có một sức cấu tạo kiến hiệu. Khi ta mở mang tâm thức, khối óc ta cũng được tinh luyện theo.

Luật lặp lại

Sự tập luyện của nhà huyền môn rất khoa học và rất hữu hiệu nếu hành giả siêng cần bền chí. Nó được căn cứ trên định luật này: một hành vi được lặp lại thường sẽ trở thành một thói quen, một tư tưởng được nghĩ đến mãi sẽ trở nên một đặc tính. Ðó là luật lặp lại.
Các Thánh kinh xưa dạy: con người suy tưởng điều chi thì trở thành điều đó. Giáo lý này cũng được các triết gia đời nay xác nhận. Ðịa vị cao sang, áo quần lòe loẹt học vấn uyên thâm, các điều này không đào luyện chúng ta thành người. Cái nó đào tạo tánh tình ta là tư tưởng và tình cảm của ta.
Nhà huyền môn không thuộc hạng người chỉ bằng lòng đọc một giáo lý và gật đầu tán thưởng, mà cố áp dụng các điều hiểu biết vào đời sống mình. Ðặc tính của một người nhất quyết tiến là thế: những điều kẻ khác chỉ đọc qua, người đem ra thực hành.
Nhà huyền môn sử dụng luật lặp lại một cách khoa học, trong công việc tinh luyện thể xác, tình cảm và trí tuệ. Chúng ta sẽ xem qua một ít chi tiết về sự tinh luyện này để biết cách sử dụng luật đó.

Những bước đầu

Xác thân là một con vật cổ hủ. Bấy lâu nó đã quen dùng các thức ăn nào đó, ăn một ngày ba hay bốn lần, mặc thứ quần áo nào và làm những công vệc gì.
Một người chí quyết phát triển tâm linh phải suy xét kỹ càng về các tập quán và khuynh hướng hằng ngày của nó để loại trừ những điều không hợp với lẽ phải và các định luật thiên nhiên ẩn tàng.
Một điều mà sinh viên huyền môn phải làm trước tiên là áp dụng một sự dinh dưỡng tinh khiết và hợp lý. Nếu chúng ta gạt một bên các thành kiến và quan sát sự kiện cẩn thận [24], chúng ta sẽ thấy rằng sự dinh dưỡng bằng thịt các con vật bị giết không phải là một sự dinh dưỡng tốt nhất. Thịt thường cung cấp bởi những con vật bệnh hoạn và chứa đựng các chất dơ dáy như niệu toan [25]; đôi khi, nó hôi thúi và chứa những rung động của dục vọng và sợ hãi của con thú. Dùng các thức ăn đó mà ước mong xác thân của ta mẫn cảm đối với các rung động tế nhị của cõi vô hình, là một điều vô lý.
Trên thực tế, kinh nghiệm nghìn năm của các nhà huyền môn chỉ rằng một thể xác được nuôi dưỡng bằng thịt cá không sao chịu đựng nỗi một sự phát triển tâm linh cao. Nhiều người đã thử và thất bại vì xác thân và nhất là bộ thần kinh được dinh dưỡng bằng thịt cá đều hư hoại, khi tâm thức siêu đẳng phản chiếu ở khối óc.
Vì vậy từ xưa đến nay, các nhà huyền môn đều ăn chay. Ðây không phải là vấn đề tình cảm mà là kết quả của kinh nghiệm và minh triết của các bậc chơn tu.
Cơ thể xác thân phản ứng mạnh mẽ khi chúng ta bắt đầu ăn chay. Chúng ta không nên thối chí vì lẽ đó, chúng ta hãy từ từ thay món ăn này bằng một món ăn khác và thể xác sẽ lần lần quen với các dinh dưỡng mới.
Rượu, dưới mọi hình thức, cần được loại trừ, cả các thứ thuốc có chứa rượu. Chúng tôi xin thêm rằng nếu chúng ta sống một cách lành mạnh như các nhà huyền môn, sau một thời gian, các y sĩ sẽ không còn hữu ích. Ảnh hưởng của rượu đối với các tế bào thần kinh và khối óc rất rõ ràng, và nếu chúng ta uống rượu thường dù là uống ít, các quan năng siêu đẳng không sao khai mở, vì khi chất xám của khối óc không còn nhạy cảm, chúng ta trở nên lười và nhãn thông không sao có được.
Nhà thần linh lưu ý đến mọi việc nhỏ nhặt hằng ngày. Người tự kiểm soát mình và tránh mọi tư tưởng xấu xa không cho vào trí óc. Thân thể người luôn luôn được tắm rữa sạch sẽ để giữ từ điện được thanh khiết. Người tập thể dục hằng ngày để bắp thịt được nở nang và các cơ quan được mạnh khoẻ. Người không mặc quần áo chật hẹp để con người được thư thới.
Ðó là một vài điều nhà huyền môn áp dụng trong đời sống vật chất để tuân giữ các định luật thiên nhiên một cách chặt chẽ, tỉ mỉ. Tuy nhiên, người tránh không đi quá mức và cố sống một đời thăng bằng, thanh khiết và vui tươi.

Sự luyện tập hằng ngày

Nhà huyền môn không trốn tránh xã hội loài người và không rút vào rừng sâu hay sa mạc. Người biết đức hạnh được rèn luyện dễ hơn giữa xã hội, trong các công việc hằng ngày và khi chiến đấu với các nỗi khó khăn của đời sống.
Trong các đức hạnh người muốn trau luyện, đức quí nhứt là lòng vị tha. Người ta đã nói biết bao lần và nói rất đúng là lòng ích kỷ chính là nguồn gốc của mọi tội lỗi, và nếu ta quan sát đời sống hằng ngày, ta sẽ thấy nó gây biết bao cảnh hung tàn, nghèo đói.
Không nhiều thì ít, chúng ta ai ai cũng nhuộm màu ích kỷ, và cách đơn giản hơn hết để trừ tật xấu này là không trách móc, thở than mà là phụng sự đồng loại chúng ta trong sự quên mình. Hãy luôn luôn nghĩ đến người khác, hãy tính cách này, tìm phương nọ, hãy nắm mọi cơ hội để giúp đỡ họ trong các công việc lớn nhỏ. Tầm quan trọng của việc giúp đỡ và sự lưu ý của kẻ khác không quan trọng gì, quan trọng là thái độ của chúng ta. Hãy nhìn chung quanh quí vị để tìm những gương mặt âu sầu và gởi đến họ những tư tưởng phấn khởi; hãy lưu ý đến những đôi mắt buồn rầu và chuyển cho chúng sự bình an; khi một người yếu đuối sắp sa ngã, hãy nâng đỡ y bằng những nghị lực mới. Như thế trọn ngày chúng ta luôn luôn có dịp phụng sự. Và khi phụng sự, chúng ta hãy tỏ ra vui vẻ, chúng ta xem đó không phải là một phận sự buồn phiền mà là một công việc thích hợp với bản thể chúng ta.
Và khi chúng ta thi hành phận sự của chúng ta như vậy, nghĩa là tận tâm giúp đỡ kẻ khác và cố nhìn một cách ưu ái mọi sự vật theo quan điểm của họ, lần lần tình thương thật sự và thấm thía sẽ nẩy nở trong lòng ta, một tình thương cố nêu những đức tốt hơn là vạch những nết xấu, một tình thương giúp chúng ta thông cảm với mọi nguyện vọng chớm nở, dù nguyện vọng đó biểu lộ một cách vụng về.
Sự cố gắng nhân từ, sự giúp đỡ vị tha, lòng yêu thương, sự thiện cảm sẽ phát sinh trực giác để dắt dẫn người chí nguyện đến sự sáng suốt hoàn toàn. Là vì người học một bài học đầu tiên và quan trọng nhứt là nhìn thấy Thượng Ðế trong mọi sinh vật.
Sự tri giác của nhà huyền môn còn phải sắc bén để có thể nhìn xem mọi vật xuyên qua màn che và ảo ảnh của cõi vô hình; vì vậy, người phải tuyệt đối chân thật, vì một lời dối trá là một bóng tối rọi vào sự sáng suốt nội tâm. Các tư tưởng của người phải đi sát với sự việc và không được để thành kiến làm sai lệch; người cố gắng tìm hiểu mọi ý kiến để khám phá chơn lý, dù ý kiến này phát sinh từ đâu. Lời nói của người phải chân xác và chừng mực, hành động của người phải cương quyết và đắn đo.
Còn nhiều đức tánh khác mà người chí nguyện phải có, như sự thanh khiết, sự dịu dàng, sự khiêm tốn, sự bền chí, sự cương quyết, sự ngay thật, lòng sùng tín, sự tự chủ, và trên tất cả là một ý chí sắt đá.
Nếu các đức hạnh này luôn luôn được nghĩ đến, nếu chúng ta quí trọng và ước mong chúng, nếu chúng ta cố rèn luyện và thực hành chúng thì ở thế gian này không có một mãnh lực nào có thể ngăn cản chúng ta tiến đến sự hoàn thiện.

Sự tập trung

Chúng ta sẽ tiến mau, nếu chúng ta tập chú ý vào công việc hằng ngày. Nếu chúng ta đừng để trí xao lãng bởi những tư tưởng không liên hệ đến các công việc chúng ta làm, đến các ý kiến chúng ta nghĩ, ấy là chúng ta tập trung tư tưởng. Ðó là một quyền năng thuộc vào loại quí báu nhứt mà con người có thể tập luyện, dầu y là sinh viên huyền môn hay không.
Trong mọi phạm vi, nếu chúng ta có thể tập trung tất cả trí lực vào một việc nhứt định, đó là một điều cực kỳ quí báu. Những người thành công nhứt trong cuộc đời là những người đã thực hiện được sự tập trung ấy. Chỉ có một biện pháp duy nhứt để tiến đến mục đích đó: sự luyện tập hằng ngày.
Cái đức tánh vô giá ấy không ai cho ta được, mỗi người trong chúng ta phải tự cố gắng rèn luyện lấy. Một phương thức rèn luyện hay nhứt là chú ý vào mỗi công việc của chúng ta trong ngày, là cố gắng làm tròn nó một cách khéo léo, minh bạch và đắn đo tột bực. Chúng ta không vội vàng nhưng cũng không lười biếng, không cẩu thả. Mỗi hành vi phải được thực hiện một cách cương quyết, với tất cả sự cố gắng để nó được hoàn toàn.
Ðó là một sự luyện tập rất quan trọng đối với nhà kinh doanh, giáo sư, kỹ sư, nội trợ và cả với nhà huyền môn. Luyện tập như thế và chủ trị cái trí luôn luôn xao xuyến của chúng ta để ý thức được như thế nào là sự tự chủ và trí lực của con người. Cái trí hỗn loạn của chúng ta trước kia đã gây cho ta nhiều tai hại bây giờ trở nên một dụng cụ chính xác và nhiệm mầu.

Sự suy gẫm

Nhà huyền môn dùng luật lặp lại chẳng những để chủ trị cái trí nhờ các cố gắng thường xuyên mà còn để đào luyện tánh tình. Suy gẫm là tập trung cái trí vào một đức hạnh mà chúng ta muốn có hay vào một vấn đề tâm linh mà chúng ta muốn hiểu rõ ràng.
Về việc tham thiền, chúng ta phải chọn một chỗ an tĩnh và mỗi sớm mai khi tắm rửa xong, thì đến đó ngồi yên, lưng thẳng, hai bàn tay để trên đầu gối và chú tâm vào một tư tưởng, một lời nói cao siêu hay một bài kệ trong kinh. Trong lúc tham thiền, chúng ta phải loại các tư tưởng và hình ảnh không liên hệ đến đề tài suy gẫm. Sự tập trung này rất khó khăn và đòi hỏi một sự cố gắng lâu dài.
Chúng ta phải nhất quyết chú ý vào tư tưởng được chọn, xem xét nó dưới mọi khía cạnh và tìm hiểu tinh hoa của nó để lãnh hội trọn vẹn ý nghĩa.
Trước khi tham thiền, chúng ta không sao nhận thức được mức độ sáng suốt mà ta có thể hoạch đắc trong vài khoảnh khắc tập trung mạnh mẽ và liên tục. Nhiều chơn trời mới cực kỳ xinh đẹp sẽ khai mở ở tâm trí ta. Những mối tương giao mới cũng hiện lên giữa các quan niệm khác nhau, nhờ đó chúng ta phát giác được nhiều ý nghĩa thâm thúy mà trước kia không ngờ. Các điều này không sao có thể đến với chúng ta giữa muôn ngàn quyền lợi và ấn tượng lộn xộn trong ngày. Chúng ta chỉ có thể có một sự hiểu biết thật sự trong phút giây vắng lặng hoàn toàn.
Một đức tánh có thể được chọn để làm đề tài tham thiền. Chúng ta có thể lấy đức tánh dịu dàng chẳng hạn để suy gẫm trong một tháng. Mỗi buổi sớm mai, khi tĩnh tọa trong sự vắng lặng, chúng ta suy gẫm về tánh dịu dàng, thùy mị và dễ yêu mà ai cũng muốn có từ người đàn ông mạnh khoẻ đến một cô gái mỹ miều. Chúng ta tưởng tượng lúc nào ta cũng dịu dàng trong hành động, lời nói và tư tưởng hằng ngày.
Sau buổi tham thiền, chúng ta đặt mình trong đời sống quay cuồng, chúng ta hãy nhớ các tư tưởng ban mai và cố gắng thực hành.
Ðối với các đức tánh khác cũng vậy. Chúng ta cần suy gẫm đức tánh này xong đến đức tánh khác mà ta muốn có. Sự áp dụng luật lặp lại sẽ lần lượt cho ta những đức hạnh quí báu để tô điểm tánh tình. Và nhờ thế từ bước một, ta tiến đến năng khiếu nhãn thông siêu đẳng.
Lý do là khi ta trau luyện tánh tình và mở mang trí tuệ, khối óc chúng ta cũng từ từ cải tiến để trở nên mẫn cảm hơn, nhờ các luồng sinh lực tuôn xuống liên tiếp để gia tăng số tế bào não bộ.

Sự chiêm ngưỡng [26]

Một giai đoạn khác của sự tham thiền là sự chiêm ngưỡng, chính sự chiêm ngưỡng này giúp chúng ta thực hiện các nguyện vọng tâm linh. Muốn chiêm ngưỡng, chúng ta đặt ở tâm trí một lý tưởng tâm linh mà chúng ta quí mến như Ðức Chúa, Ðức Phật, Ðức Krishna hoặc một Chơn Sư. Sau đó chúng ta tưởng nhớ đến các đức tánh cao siêu của các Ngài như tình thương bao trùm vạn vật, lòng trắc ẩn bao la, sự bình an tuyệt đối, sự minh triết thiêng liêng, sự phân biện sáng suốt, quyền lực kỳ diệu, ý chí bất khuất, hay một sự hiểu biết toàn vẹn các nhu cầu và nguyện vọng của mỗi sinh linh. Ðồng thời, chúng ta mở rộng lòng ta để đón tiếp Ngài với nguyện vọng tha thiết phản chiếu phần nào sự vinh quang của Ngài để được giống Ngài. Khi chúng ta chiêm ngưỡng lý tưởng cao nhất mà chúng ta có thể ý niệm được, chúng ta sẽ được "cải biến theo hình ảnh Ngài từ vinh quang này sang vinh quang khác".
Chúng ta đừng quên rằng năng linh [27] không phải là tâm linh [28]. Năng linh là sự cảm giác mạnh mẽ của tâm thức xuyên qua khối óc, còn tâm linh là sự thực hiện khuôn mẫu thiêng liêng và sự sống duy nhứt, nó liên kết mỗi đời sống riêng rẽ vào các đời sống khác.

Sự khai mở nhãn thông

Mục đích tập trung, sự suy gẫm và chiêm ngưỡng không phải khai mở sự năng linh mà đào tạo một mẫu người thanh cao và hữu ích. Tuy nhiên, khi chúng ta công phu đến mức nào, các quyền năng đương nhiên sẽ khai mở. Ðó không phải là kết quả của sự luyện tập mà là của tánh tình thanh cao của con người.
Khi chúng ta trì chí trong công phu suy gẫm, chúng ta có thể loại trừ các tư tưởng không liên hệ đến tư tưởng chiêm ngưỡng. Sau đó một thời gian lâu nữa, ta sẽ loại luôn tư tưởng này mà vẫn giữ cái trí trong trạng thái tập trung tích cực và dũng mãnh. Nếu sự trống rỗng này[29] được thực hiện dù chỉ trong ít phút mà không bị xâm chiếm bởi ấn tượng ngoại cảnh hay tư tưởng cá nhân, tâm thức sẽ thoát nhẹ nhàng khỏi khối óc và hành giả đột nhiên thấy được cõi vô hình. Ðó là buổi bình minh của một tâm thức bao la, là sự khai mở nhãn thông siêu đẳng hằng mong ước, nó hiện ra khi siêu thức và khối óc làm một.

Một phương thức đặc biệt

Còn có một phương thức khác để khai mở năng linh siêu đẳng, nhưng chúng ta không thể nói nhiều về vấn đề này. Các chi tiết của phương thức này không bao giờ được truyền bá và chúng tôi sở dĩ nói đến là để bổ sung quyển sách và cũng để nêu rõ các tai hại của sự luyện tập nó. Nó được truyền dạy do ngay sư phụ cho đệ tử và nếu đệ tử chưa được chuẩn bị tới mức nào đó thì sư phụ không bao giờ đến dạy.
Sở dĩ phương thức này được giữ bí mật không phải do sự ích kỷ mà để bảo vệ nhân loại. Khi nhờ một phương tiện nào, một người biết được nó và luyện tập nó mà không chuẩn bị xác thân, trí thức và tinh thần trước thì người đó sẽ tự giết mình hoặc
sẽ loạn óc suốt đời hay trở thành một con quỉ dâm dục vì khí lực phát khởi không được dùng vào những mục đích thanh cao.
Phương thức này phát triển những quyền năng tâm linh siêu đẳng nhờ một năng lực vô cùng dũng mãnh được gọi là hỏa xà hay Kundalini, nó nằm ở đoạn cuối cùng của xương sống. Nếu nó được đánh thức và được điều khiển một cách sáng suốt, nó sẽ tiến theo xương sống để khai mở một số trung tâm [30] nằm trong xác thân.
Các trung tâm ấy giống như luồng trốt nhỏ, hình tròn lối năm phân bề kính và ở trong trạng thái yên tĩnh, chúng nó nằm ở bên ngoài thể phách gần phần cuối cùng của xương sống, và cạnh lá lách, rún, tim, cuống họng, đỉnh đầu và giữa hai chơn mày.
Khi luồng hỏa xà đi xuyên qua chúng nó theo một trật tự nào đó tùy hạng người, chúng nó được phát động và cảm xúc được cõi vô hình. Nhờ vậy, con người được nhãn thông siêu đẳng.
Muốn luyện tập phương thức này, sự tham dục từ lâu phải được tiêu diệt hoàn toàn, nếu không, sự đánh thức hỏa hậu sẽ vô cùng nguy hiểm, thay vì hướng lên, nó có thể bò xuống để kích thích tột độ tính dâm dật. Phương thức này rút ngắn con đường tu tập, nhưng chúng ta nên tránh nó vì có mấy người trong chúng ta đã dập tắt hoàn toàn dục tính ? Những người đinh ninh mình đã sẵn sàng để tập luyện chính là những người chưa sẵn sàng chút nào. Như vậy, không vì lý do gì và bất kỳ trong hoàn cảnh nào, chúng ta lại đánh thức hỏa xà, trừ khi có một Chơn Sư (theo đúng nghĩa Thông Thiên Học) hay một vị đệ tử của Ngài đến dạy. Phương thức ta nên theo là đào tạo cho ta một tánh tình cao thượng bằng cách tham thiền hằng ngày.

Một xác nhận

Không có ngọn núi nào quá cao đối với một người quyết tiến, vì ở trong mỗi chúng ta, đều có một nguyên lý thiêng liêng giúp chúng ta thành tựu trong mọi công việc. Sự yếu đuối, sự vô minh, sự hèn nhát đều phát sinh từ các thể của chúng ta vì chúng nó chưa được huấn luyện thuần thục.
Nhưng trong các kiếp luân hồi liên tục, chúng ta luôn luôn tinh luyện chúng nó đồng thời tập chủ trị vật chất. Ở một quá khứ xa xăm, chúng ta là người dã man ăn rễ cây trong rừng. Một ngày kia, như Saint Graal, chúng ta sẽ phát huy ánh sáng.
Tuy nhiên, chúng ta không thay đổi. Nếu có thay đổi chăng là các thể chúng ta. Sự phát triển tâm linh được thực hiện không phải bằng cách thu thập cái chi ở ngoại cảnh mà bằng cách đánh thức những khả năng tiềm tàng ở trong lòng. Lúc đầu khi kinh nghiệm đánh thức chúng nó bằng các khó khăn của đời sống vật chất, chúng nó biểu hiện một cách thô lậu dưới hình thức ích kỷ, những thèm muốn tục tằn và hành động tàn bạo, y như các ánh sáng lóe xuyên qua cửa kính đầy khói đen. Nhưng lần hồi, nhờ các công phu luyện tập, ánh sáng bên trong dần dần hiện ra rực rỡ xuyên qua các thể được tinh luyện, và tâm thức ta được cải biến theo hình ảnh của Thượng Ðế. Mỗi đức tánh ta hoạch đắc, mỗi khả năng trí thức ta phát triển, mỗi nguyện vọng tâm linh ta khêu lên đều đưa chúng ta lần đến sự vinh quang. Và tất cả sự huy hoàng tâm linh của Chơn Nhơn bên trong một ngày kia, sẽ phát huy xuyên qua thể xác tinh anh như một Thánh Ðiện.
Như thế, chúng ta hãy can đảm tiến lên. Thượng Ðế luôn luôn ngự trong lòng ta dù chúng ta nhỏ, già, khôn, dại, thanh cao hay ô uế. Khi ta ngã, ta hãy đứng lên vì không có một hố sâu nào mà ta không thể vượt qua. Nếu ta yếu đuối, ta hãy tìm sức mạnh và sức mạnh sẽ đến; nếu ta thất bại, ta hãy cố gắng thêm, vì thất bại không có, trừ khi nào ta nản chí. Nếu ta dại khờ, chúng ta phải bền chí, vì kinh nghiệm sẽ mở mang trí khôn. Hy vọng phải là ngọn đèn dắt dẫn ta. Nếu buồn khổ xảy ra, ta phải chịu đựng và rút kinh nghiệm, nếu hạnh phúc đến, ta hãy chia sớt cho mọi người.
Khi chúng ta tin rằng thế giới của chúng ta được đặt dưới sự điều khiển của một Ðấng Thiêng Liêng nhân từ vô cùng sáng suốt vô biên, chúng ta sẽ không còn sợ hãi buồn rầu, chán nản. Chúng ta hãy ngước mắt chiêm ngưỡng cái Ánh sáng thiêng liêng bất diệt ấy và để lòng tràn ngập một "sự an lạc ngoài trí tưởng tượng của con người".

H Ế T
[1] Năng linh : Psychique. Chữ năng linh thường dùng trong quyển sách để chỉ những sự việc liên hệ đến khả năng tâm linh hoặc những người đã mở được một ít quan năng linh cảm khả dĩ giúp họ tiếp xúc với cõi vô hình như nhãn thông, nhĩ thông v. v . . . Người năng linh có thể có một mức tiến thấp như bọn triệt giáo trong truyện Phong Thần. Sự năng linh, tính năng linh : Psychisme. (LDG).
[2] Couche d’atome ultimes physiques.
[3] Communications psychiques par télépathie
[4] Như cầu cơ.
[5] Vierges vestales.
[6] Système nerveux sympathique.
[7] Centres reflexes du système cérébro-spinal.
[8] Instinct.
[9] Union par esprit.
[10] Clairvoyance primitive.
[11] Union royale.
[12] Clairvoyance supérieure.
[13] Célébro-spinal.
[14] Cũng gọi là hệ dinh dưỡng.
[15] Plexus.
[16] Plexus solaire.
[17] Croissance de l’ intellect.
[18] Puissance intellectuelle.
[19] Thường được gọi là thể cảm xúc hay thể tình cảm.
[20] Passes mesmériennes.
[21] Thể phách : thể được tạo bằng chất dĩ thái. Nó được gọi là nhị xác thân vì nó liên kết chặt chẽ với thể xác để chuyển sinh lực cho thể này.
[22] Plexus solaire.
[23] Sự phát triển khối óc vật chất. ( L.D.G. )
[24] Các độc giả lưu ý về vấn đề này nên tìm đọc những quyển sách nói riêng về sự ăn chay.
[25] Acide urique.
[26] Contemplation.
[27] Psychisme.
[28] Spiritualité.
[29] Huờn hư.
[30] Luân xa.

Tác giả: J.S.COOPER
Dịch giả: Huỳnh văn Tuất và Nguyễn văn Minh

Không có nhận xét nào: