Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Liễu nghĩa của “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Hơn 100 nguyên tố vật chất mà con người đã biết, cũng chỉ là kết cấu khác nhau của các loại hạt quark (6 loại trong đó tuyệt đại đa số vật chất trên địa cầu chỉ có 2 loại : quark up và quark down) và các loại hạt electron hoặc tương tự (3 loại : electron, muon và tau trong đó chỉ có electron là phổ biến). Ngoài ra còn có hạt neutrino tuy không tham gia vào cấu tạo vật chất nhưng có mặt khắp vũ trụ, khối lượng của neutrino cực nhẹ chỉ bằng 1 phần tỉ của electron. Người ta chưa rõ chức năng của hạt neutrino trong vũ trụ, có người dự đoán đó là hạt mang thông tin, nếu giải mã được nó, con người sẽ hiểu rất nhiều về vũ trụ, cả quá khứ và tương lai.
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Đó là một câu ca dao Việt Nam, có lẽ rất quen thuộc, ai cũng biết. Ai mà lại không biết cái câu này muốn nói lên ý nghĩa đoàn kết là sức mạnh (union fait la force). Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết, tức là có ý khuyên mình phải góp công, chung sức để cho việc chung mới được thành tựu. Ý nghĩa này nếu phải diễn giải bằng hình ảnh cụ thể là giống như chiếc đũa tre mà ta có thể bẻ nó gãy từng chiếc một, nhưng nếu phải bẻ một lúc ba chiếc đến một bó (đũa), thì ta sẽ thấy từ khó gãy đến không thể gãy.
Về nghĩa đen thì có vẻ không thuyết phục, vì 3 cây chụm lại cũng không thể thành hòn núi cao. Có người thắc mắc về nguyên do của việc chụm 3 cây thành hòn núi. Bởi vì dù có chiết tự theo chữ Hán thì 3 cây chụm lại cũng chỉ thành đám rừng rậm mà thôi chữ Sâm 森 do 3 chữ Mộc 木 nghĩa là cây hợp lại có nghĩa là rừng rậm). Nhưng có người cho rằng 3 cây là 3 nét đứng hợp lại thành chữ Sơn 山 nghĩa là núi. Như vậy có thể người sáng tạo ra câu ca dao này đã liên tưởng tới chữ Sơn. Hoặc giả người đó thấy nhiều cây mọc thành rừng trên núi nên làm ra câu ca dao này theo thể tỷ (so sánh đồng hóa cây trên núi với núi). Con số 3 chỉ có nghĩa là số nhiều để đối lại với số ít là 1. Hòn núi cao chỉ là tượng trưng cho sự hợp quần tạo nên sức mạnh, tạo nên mọi thành tựu.
Nhưng về mặt triết học, câu ca dao này lại có ý nghĩa vô cùng sâu xa mà có lẽ chính người sáng tạo ra nó cũng chưa biết tới. Hợp quần không phải chỉ tạo ra sức mạnh đoàn kết mà còn sáng tạo từ chỗ không có gì tới chỗ có tất cả.
Đây là ý nghĩa mới, chỉ được phát hiện vào cuối thế kỷ 20.
Trong thập niên 60 của thế kỷ 20, với sự hỗ trợ của các máy gia tốc cỡ lớn, các nhà khoa học đã khám phá hạt quark, là một loại hạt hạ nguyên tử cơ bản nhất, chính loại hạt này kết hợp với nhau, tạo ra hạt proton và hạt neutron của hạt nhân nguyên tử:
Ba hạt quark hợp lại thành hạt proton :


Ba hạt quark hình thành theo một cấu trúc khác thì thành hạt neutron :

Proton và neutron hợp lại thì thành hạt nhân nguyên tử. Ví dụ nguyên tử hydrogen, đó là nguyên tố nhẹ nhất, chỉ có 1 proton và 1 electron
Nguyên tử hydrogen
Nguyên tử helium cũng là một loại khí nhẹ, hạt nhân có 2 proton, 2 neutron và 2 electron


Nguyên tử helium
Kích thước của hạt quark vô cùng nhỏ, người ta không thể trực tiếp nhìn thấy được mặc dù đã phóng đại nguyên tử lên 64 tỷ lần.
Vật chất được cấu tạo bởi nguyên tử. Nhưng nguyên tử thực ra trống rỗng, nhân nguyên tử chỉ có kích thước bằng 1/10.000 (một phần mười ngàn) đường kính nguyên tử. Đường kính của một nguyên tử, chẳng hạn carbon, là 0,5nm (nanomét, 1nm = một phần tỉ mét) Mà nhân nguyên tử lại được cấu tạo bởi những hạt proton và neutron, các hạt này có kích thước 0,00000001 nm (một phần trăm triệu nanomét). Như vậy hạt proton nhỏ hơn nguyên tử 50 triệu lần. Còn hạt quark bên trong hạt proton thì nhỏ đến mức không thể đo được kích thước, không thể nhìn thấy được, chỉ cảm nhận một cách gián tiếp bằng cách đo sự tán xạ của chùm hạt electron khi bắn vào hạt proton. Sự tán xạ chứng tỏ rằng bên trong hạt proton có những phần tử vật chất khiến cho hạt electron bị lệch hướng (tán xạ) khi đụng phải, phần tử đó chính là hạt quark. Như thế, hạt quark nhỏ đến mức được coi như một chất điểm. Thế thì thử hỏi có bao nhiêu vật chất thực sự có trong một nguyên tử ?
Câu trả lời là rất ít, gần như không có. Cái thực sự chúng ta cảm nhận được chỉ là đám mây những hạt điện tử quay rất nhanh chung quanh nhân trong một nguyên tử trống rỗng tạo ra cảm giác là vật chất có thật, thậm chí rắn chắc, vô cùng kiên cố như sắt thép, kim cương. Thế nhưng đám mây electron tạo cảm giác đó lại do nhân nguyên tử quyết định mà thành phần chủ yếu của hạt nhân, cũng như của toàn bộ vật chất là do hạt quark quyết định. Hạt quark tuy nhỏ như thế nhưng lại là thành phần quyết định việc nguyên tử có tồn tại hay không. Hạt quark có đặc tính lạ lùng là không tồn tại riêng lẻ, một hạt quark thì không tồn tại, nhưng 3 hạt quark hợp lại thì thành hạt proton, hoặc hạt neutron để từ đó tạo thành nguyên tử vật chất rồi thành vũ trụ vạn vật.
Một sự vật đơn lẻ thì không thành cái gì cả, nó chỉ là con số không. Nhưng khi kết hợp nhiều cái đơn lẻ đó lại thì thành vũ trụ vạn vật. Đây chính là nguyên lý của nhân duyên hay duyên khởi, nó mang ý nghĩa to lớn sâu thẳm nhất, điều mà người sáng tạo ra câu ca dao trên có lẽ chưa hề nghĩ tới. Điều này đi xa hơn rất nhiều ý nghĩa đoàn kết tạo nên sức mạnh của bó đũa. Thuyết thập nhị nhân duyên của Phật giáo chính là hiển bày ý nghĩa này. Vật chất thật ra trống rỗng không có gì cả, vô thủy vô minh và nhất niệm vô minh đã tạo ra vũ trụ vạn vật qua quá trình 12 nhân duyên từ vô minh cho tới lão tử. Như vậy câu ca dao cổ xưa:
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Có thể cải biên cho thời hiện đại như sau :
Một quắc (quark) làm chẳng nên nguyên (tử)
Ba quắc chụm lại nên thiên, địa, người
Hơn 100 nguyên tố vật chất mà con người đã biết, cũng chỉ là kết cấu khác nhau của các loại hạt quark (6 loại trong đó tuyệt đại đa số vật chất trên địa cầu chỉ có 2 loại : quark up và quark down) và các loại hạt electron hoặc tương tự (3 loại : electron, muon và tau trong đó chỉ có electron là phổ biến). Ngoài ra còn có hạt neutrino tuy không tham gia vào cấu tạo vật chất nhưng có mặt khắp vũ trụ, khối lượng của neutrino cực nhẹ chỉ bằng 1 phần tỉ của electron. Người ta chưa rõ chức năng của hạt neutrino trong vũ trụ, có người dự đoán đó là hạt mang thông tin, nếu giải mã được nó, con người sẽ hiểu rất nhiều về vũ trụ, cả quá khứ và tương lai.
Có những điều huyền bí mà khoa học chưa thể hiểu được. Ví dụ ngày xưa, Phật giáo Trung Hoa có ghi nhận một vị sư người Ấn Độ, Ngài Trí Dược Tam Tạng 智药三藏 đã đến Quảng Châu Trung quốc bằng đường biển vào năm 502 đời Nam Bắc Triều (Quảng Châu thuộc Nam Triều 420-589), ban đầu ông đến chùa Pháp Tánh 法性寺 (chùa này do một vị tăng Ấn Độ khác là Cầu Na Bạt Đà La xây dựng trong thời Lưu Tống). Trên đường đến Ngũ Đài Sơn, ông đi qua suối Tào Khê, thấy nước suối rất trong lành, ngon ngọt, phong cảnh giống núi Bảo Lâm bên Thiên Trúc, ông bảo đệ tử rằng “170 năm sau khi tôi tịch diệt sẽ có một vị thánh tăng đến đây hoằng pháp, khai ngộ cho rất nhiều ngưòi”, thế nên ông đã đề nghị quan Thiều Châu Mục là Hầu Kính Trung xây dựng chùa. Hầu Kính Trung tâu lên Lương Võ Đế và được sắc chỉ cho phép xây dựng, năm 504 hoàn thành, Lương Võ Đế theo lời tâu, đặt tên chùa là Bảo Lâm Tự 宝林寺 (nay là chùa Nam Hoa cách Thiều Quan 25 km về phía đông nam, tên Nam Hoa Thiền Tự 南华禅寺 do Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận 赵匡胤 đặt sau khi đã trùng tu vào năm Khai Bảo nguyên niên 968). Về sau quả đúng như vậy, sư Huệ Năng (638-713), Tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Quốc, vào năm Nghi Phụng nguyên niên 676, đời Đường Cao Tông, đã đến chùa Pháp Tánh (nay là chùa Quang Hiếu 光孝 ) gặp hai ông tăng đang tranh luận không dứt về việc gió động hay phướn động, ngài nói rằng “chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm của các ông tự động”, năm sau 677, Huệ Năng đến chùa Bảo Lâm trụ trì, đại hoằng dương Thiền tông trong 37 năm, ông và các đệ tử về sau đã khai ngộ cho hơn 5000 người kiến tánh. Khi Huệ Năng viên tịch, đã để lại thân xác bất hoại của mình để làm tin cho đời sau, trải qua 1300 năm, đến nay nhục thân đó vẫn còn gần như nguyên vẹn, chỉ bị hư hỏng chút ít do sự phá hoại của con người, hiện nay được thờ tại chùa Nam Hoa, 25 km về phía đông nam thành phố Thiều Quan 韶关, cách Mã Đôi trấn 马坝镇 4km về phía nam, bên bờ suối Tào Khê 曹溪, . Thiều Quan (Shaoguan) cách Quảng Châu (Guangzhou) 220 km về phía bắc.


Phải chăng vị sư chùa Bảo Lâm là Trí Dược Tam Tạng đã nắm được thông tin (nhờ có thần thông) biết được quá khứ vị lai, nhưng khi chúng ta lý giải bằng khoa học thì thông tin đó được truyền, hoặc giả sẵn có, khắp không gian chứa trong các hạt neutrino. Một trường hợp khác cũng được ghi lại trong sử sách là nhà thơ Hoàng Đình Kiên, sống vào đời Tống ở Trung quốc. Kiếp trước ông là một người nữ, giỏi thơ văn, không lấy chồng, qua đời lúc 26 tuổi, trước khi chết đã xếp sách vở thơ văn của mình vào một cái rương, khóa chặt lại, tự cất chìa khóa, rồi nói với bà mẹ là kiếp sau chính mình sẽ đến mở chiếc rương này. Về sau quả thật hậu thân của nàng là nhà thơ Hoàng Đình Kiên, nam nhân, thi đậu cử nhân, làm huyện trưởng, đã tìm đến đúng nhà bà mẹ kiếp trước, tự nhớ lại chỗ cất chìa khóa và tự mở chiếc rương. Ông tìm thấy trong đó đúng bài văn bài thơ mà kiếp này ông đã nhờ chúng mà thi đậu Tú tài và Cử nhân. Hạt neutrino tràn ngập khắp vũ trụ phải chăng chính là hạt mang thông tin mà những người như Trí Dược và tiền kiếp của Hoàng Đình Kiên thấy trước được tương lai.
Trong số nguyên tố, có 4 thứ tạo thành chất hữu cơ là carbon, hydro, oxy và nitro là 4 nguyên tố quan trọng nhất tạo thành chất sống cấu tạo nên cơ thể sinh vật, trong đó con người là một thành tựu vĩ đại của thiên nhiên. Nói Thượng đế tạo ra loài người hay Phật tánh tạo ra con người thì cũng cùng một ý mà thôi, chỉ có suy diễn ra một Thượng đế hũu ngã có quyền lực tuyệt đối là cách diễn đạt cho người bình dân hiểu.
Bao bọc chung quanh hạt nhân là đám mây điện tử (electron) luôn luôn chuyển động theo những quỹ đạo không xác định, phân theo tầng lớp tùy thuộc mức năng lượng. Các nguyên tố khác nhau có số electron khác nhau tùy thuộc vào số lượng proton và neutron trong hạt nhân. Tốc độ của electron chậm hơn nhiều so với ánh sáng, nếu được gia tốc tối đa cũng chỉ là gần bằng tốc độ ánh sáng, nếu có gia tốc thêm nữa cũng chỉ làm tăng khối lượng của electron chứ không làm tăng tốc độ, và chính đám electron này tạo ra 5 thứ cảm giác căn bản của 5 giác quan chúng ta (nhãn=mắt , nhĩ=tai, tị=mũi, thiệt=lưỡi, thân=thể xác). Các cảm giác này gọi là thức= biết, được bộ não thu nhận, tổng hợp lại thành ý thức. 5 giác quan cùng với bộ não được gọi là lục căn (6 bộ phận căn bản của ý thức). Đối tượng của lục căn là lục trần (sắc=hình thể, thanh=âm thanh, hương=mùi, vị= cảm giác do lưỡi tiếp thu, xúc= cảm giác do thân thể tiếp thu, pháp= sự vật do ý thức nhận biết) Lục căn tiếp xúc với lục trần sinh ra lục thức ( 5 loại cảm giác riêng biệt của 5 giác quan và 1 loại cảm giác tổng hợp của bộ não gọi là ý thức). Tất cả mọi cảm giác của chúng ta đều có bản chất là điện tử (electron) hoặc quang tử (photon) hay gọi một cách tổng quát hóa là lượng tử. Ví dụ cảm giác về âm thanh là do dao động của các phân tử không khí, thành phần chủ yếu của không khí là oxygen (O2) và Nitrogen (N2) mà hai nguyên tố này cũng như mọi nguyên tố vật chất khác được chúng ta cảm nhận qua các electron của chúng. Cảm giác bằng mắt nhìn về hình dáng, màu sắc của một vật là do các photon. Còn cảm giác khi sờ mó, tiếp xúc, ăn uống là do các electron. Nói chung, mọi vật chất đều có thể quy về năng lượng và mọi hạt cơ bản đều có thể quy về lượng tử. Mọi cảm giác vật chất hay ý thức đều có bản chất là lượng tử. Sự kiên cố vững bền của vật chất là do hạt nhân nguyên tử rất khó bị phá vỡ. Khi phá vỡ được hạt nhân nguyên tử thì sản sinh một lượng lớn năng lượng, một vài nguyên tố mới được hình thành, nhiều tia phóng xạ phát ra rất nguy hiểm do các proton, neutron tự do bắn ra dưới dạng các tia như alpha, beta, gamma, . Tuy nhiên các hạt quark bên trong hạt proton và neutron thì vẫn không hề hấn gì, chúng vô cùng bền vững không thể phá vỡ, bởi vì muốn phá vỡ được chúng phải cần tới một năng lượng vô hạn. Khoa học hiện nay chưa có cách gì phá vỡ được chúng nên các nhà khoa học gọi đó là hiện tượng giam hãm (confinement) có nghĩa là 3 hạt quark bị giam vĩnh cửu trong hạt proton hoặc hạt neutron không cách chi thoát ra được. Tuy nhiên, điều mà khoa học hiện đại chưa biết tới là sức mạnh tâm linh có thể giải phóng được hạt quark bởi vì tâm linh là một dạng năng lượng vô hạn. Lục Tổ Huệ Năng đã để lại nhục thân bất hoại của mình, khi ông viên tịch, sức mạnh tâm linh giác ngộ của ông là thần thông, làm biến đổi hoàn toàn cơ cấu vật chất của cơ thể ông, không cần bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài, toàn bộ thân xác ông đều trở thành bất hoại, trải qua 1300 năm vẫn y nguyên, không cần bảo quản. Ngoài Huệ Năng, các Ngài Hám Sơn và Đơn Điền cũng là các vị giác ngộ, cũng làm được như vậy. Hiện nhục thân bất hoại của 3 Ngài vẫn còn được thờ tại Nam Hoa Thiền Tự, tại Thiều Quan, phía bắc Quảng Châu, nơi có con suối Tào Khê nổi tiếng. Ở Việt Nam cũng có hai nhục thân bất hoại nổi tiếng của hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, đang được thờ tại chùa Đậu, tên chữ là Thành Đạo tự, còn gọi là chùa Pháp Vũ tọa lạc tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Một người có công năng đặc dị của Trung Quốc hiện đại là Trương Bảo Thắng cũng có khả năng dùng tâm linh điều khiển được hạt quark, khiến chúng tách rời nhau ra, làm cho vật chất biến mất, ông có thể đi xuyên qua tường giống như đi qua không khí. Sau đó lại làm cho chúng trở về trạng thái cũ. Thực ra bức tường và thân thể chúng ta đều không có thật, nhưng vì chúng ta chấp thật nên chúng thành trở ngại khiến ta không thể đi xuyên qua tường được. Còn chư Phật, chư Tổ, chư Bồ Tát không chấp thật nên có thể đi xuyên qua tường dễ dàng. Nhưng các ngài rất ít khi biểu hiện thần thông, bởi vì e ngại người đời mê chấp vào thần thông. Trong những trường hợp bất đắc dĩ phải hiển thị thần thông thì thường các ngài nhập diệt ngay sau đó để người đời khỏi chấp trước, nên ta ít có dịp nhìn thấy, nhưng qua trường hợp của Trương Bảo Thắng, chúng ta biết được việc đó là có thật. Mặt khác thần thông cũng chẳng phải điều gì lạ, nó cũng là thuộc tính của Tâm, cũng tức là của vật chất, khi có đủ nhân duyên thì hiển bày, chẳng hạn ngày nay ai cũng có thể thực nghiệm thiên nhãn thông ( thấy xa ngàn dặm), thiên nhĩ thông (nghe xa ngàn dặm) qua những phương tiện internet như Yahoo Messenger, Skype, Google Talk …và các phương tiện viễn thông khác nhất là điện thoại di động. Các files thông tin có thể theo sóng vô tuyến như wifi, wimax, 3G đi xuyên tường, xuyên qua vật thể, ngày nay chẳng còn là điều gì lạ lẫm. Các thông tin trên internet có thể hiện hữu khắp nơi trên quả địa cầu, bất cứ nơi nào có đủ nhân duyên thì sẽ hiển hiện. Nhân duyên đó là computer, laptop, netbook, smartphone, wifi, GPRS, 3G v.v…

Truyền Bình
Nguôn: Duylucthien

Không có nhận xét nào: