Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Một bản đồ tâm linh đơn giản

Vì sao chúng ta dấn thân vào con đường tâm linh? Ta đã tìm được những lợi lạc gì, gặp phải những khó khăn trở ngại gì? Mục đích cuối cùng mà ta muốn là gì? Con đường chúng ta đang đi có một sơ đồ và một định hướng rõ ràng không? Ta đang ở đâu và nó sẽ dẫn về đâu? Ta có cảm giác mù mờ trong hệ thống tôn giáo, tổ chức tâm linh hay những pháp môn mà ta đang tham gia không? Mớ hiểu biết và kinh nghiệm mà ta thu lượm được có khi nào làm ta cảm thấy rối bèn ben và mất định hướng không? Bài viết nầy hệ thống hóa lại ngắn gọn những cái nhìn và kinh nghiệm được gom góp từ nhiều vị Thầy và bạn đạo, hy vọng rằng nó sẽ giúp được hành giả tự tìm ra các câu trả lời cần thiết cho bản thân.

Lý do nào khiến ta bước chân vào con đuờng tâm linh?

Có người thì:
Quá đau khổ, không còn lối thoát, chỉ muốn chết… Bệnh hoạn, mất mát, thất vọng, thấy mọi thứ là vô thường nên ta đi tìm giải thoát qua đường tu.
Thấy người khác đau khổ quá, mình muốn tu để có khả năng cứu giúp và phục vụ.
Thấy nhiều bạn bè, người thân từ quá nên mình tư theo… phong trào.
Thấy cuộc sống vô nghĩa, đi tìm một cái gì cao siêu, ý nghĩa hơn.
Không biết lý do chính xác, chỉ biết rằng có một sự thúc giục bên trong.
Muốn tìm được chính mình, xem mình là ai.
Bản thân hay người thân đau nặng mà y học không cứu chữa được nên muốn tìm một giải pháp khác từ con đường tâm linh.

Những lý do khác.

Sau một thời gian tu học, lý do tiếp tục tu có thể thay đổi. Nếu ta hiểu được lý do ban đầu chỉ là những cơ duyên mầu nhiệm giúp ta hướng vào con đường tâm linh và ta nhìn ra được sự sắp xếp vi diệu ấy, ta sẽ an vui tiến bước. Dần dần, có thể ta sẽ thấy việc tu chỉ là một tiến trình tự nhiên, không cần thiết phải có lý do gì cả. Nhưng trước khi đến được chỗ nầy, ta cần nhìn được tiến trình nầy rõ ràng hơn.

Chúng ta tu ra sao? Trong quá trình tu tập, chúng ta thường kinh qua một số bước như sau:
Ta bắt đầu khám phá hình như có những gì to lớn, mầu nhiệm và huyền vi.
Ta mải miết thu gom kiến thức, càng ngày càng nhiều hơn.
Ta vui mừng, hoan hỷ, muốn mọi người học hiểu giống ta.
Ta hăng say giải thích, tranh cãi, phục vụ, giảng dạy.
Ta thoáng nhận ra nơi bản thân mình một thân phận mới, đặc biệt hơn.
Ta liên tục thu thập nhiều chứng nghiệm mới, tri thức tâm linh mới.
Ta bắt đầu nhận ra những điều bất toàn ở mọi người tu chung quanh ta.
Ta đầy ấp những thu lượm, bắt đầu cảm thấy rối ren, thoáng thấy tu hoài sao chẳng đến đâu hết, vẫn còn có cái gì đó chưa được đáp ứng trong ta.
Ta bắt đầu tìm kiếm xa hơn, bên ngoài con đường tâm linh mà ta đang di.
Có thể vì chán nản hoặc thức tỉnh, ta dừng lại, ta ngồi yên.
Ta bắt đầu nhận ra những gì sâu thẳm bên trong, ta cảm thấy bình yên chút ít.
Ta nhận ra điều bất toàn trong ta và cố gắng cải thiện.
Ta dần dần nhận ra có những điều không cải thiện được, ta phiền não hơn. Có lúc, ta chán nản, không muốn tu nữa.

Cuối cùng thì chuyện gì sẽ xãy ra?

Lòng ta lắng xuống, các thôi thúc lơi dần, các bất toàn ít làm phiền ta hơn.
Từ từ, ta hiểu ra có một người trong mình vẫn hằng ngồi quan sát trong thinh lặng, bình yên. Còn những điều rối ren khác kia hình như không phải là mình. Từ sự thinh lặng vô biên, ta cảm giác yên hàn và đầy đủ. Mọi tìm kiếm không còn nữa. Ta thể nhập vào tĩnh lặng và mang nó theo vào đời sống hằng ngày. Sự hiểu biết không do kiến thức xuất hiện nhiều dần.

Đến giai đoạn nầy, cái nhìn của ta bao quát hơn. Tâm trí không còn hoạt động theo phản ứng nhiều nữa. Các quan niệm và phân biệt phải quấy, tốt xấu cũng lu mờ dần. Tâm ta đi lần đến cái nhìn “như thị” và bình yên.

Ta trở thành an nhiên hơn, bao dung hơn. Tự nhiên, ta không còn nói và làm theo nhu cầu của bản thân nhu trước kia mà bây giờ hình như ta thường thuận theo nhu cầu của người khác khi nói hay làm một điều gì. Bản thể cá nhân tự xóa dần. Giờ thì ta tự tại trong mọi hành sự, việc gì đến thì làm, hết thì ngưng, không thắc mắc chi cả.


N.A.T.O
Nguồn: ue-global.com

Không có nhận xét nào: