Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

Các Phép Thần Thông

1. THẦN TÚC THÔNG
Sau phần mô tả về 4 đại chủng là nói về các loại thần thông. Ở đây, trước hết bàn về Thần túc thông.
Hành giả muốn thực hiện các năng lực thần thông cần phải hoàn tất 8 thiền chứng về các đề mục thiền khởi từ đề mục đất và cuối cùng là đề mục màu trắng. Ðồng thời vị ấy còn phải tăng trưởng 6 pháp sau đây: Tăng cường Tín, để tâm khỏi dao động; tăng cường Tấn để tâm khỏi giải đãi; tăng cường Niệm để tâm khỏi lơ đễnh (thất niệm); tăng cường Ðịnh, để tâm khỏi trạo cử; tăng cường Tuệ, để tâm khỏi mê muội; tăng cường Quán chiếu, để tâm khỏi bị lung lạc (bởi phiền não). Ðó là 6 pháp hỗ trợ làm cho tâm trở nên bất động.
Ngoài ra, còn có 8 pháp khác dùng để yểm trợ thần thông như sau: Tâm được định tĩnh nhờ định tứ thiền; tâm được thuần tịnh nhờ tách rời các triền cái, tâm được trong sáng nhờ vượt qua tầm; tâm không lỗi lầm nhờ không có các ác dục; tâm được vô nhiễm nhờ các cấu uế biến mất, tâm được nhu nhuyến nhờ sự tự chủ; tâm dễ sử dụng nhờ có quyết tâm; tâm vững chắc nhờ sự tu tập đã viên mãn.
Thông thường bản luận xếp các thứ thần thông (thành công) thành 10 loại, như sau: 1, Thần thông do quyết định; 2. Thần thông bằng biến hóa; 3. Thần thông bằng thân ý sinh; 4. Thần thông bằng sự can thiệp của trí; 5. Thần thông bằng sự can thiệp của định; 6. Thần thông của các thánh giả; 7. Thần thông do nghiệp; 8. Thần thông do công đức; 9. Thần thông do kỹ thuật; 10. Thần thông do nỗ lực đúng. Ðó là 10 loại thần thông.
1. Thần thông do quyết định: chẳng hạn hành giả quyết định biến một thân mình thành ra cả trăm, nghìn thân.
2. Thần thông do biến hoá: Hành giả từ bỏ hình dáng thông thường và biến thành một cậu bé hay một con rắn.
3. Thần thông do thân ý sinh: Hành giả dùng mãnh lực của tâm tạo ra một thân người theo ý đồ của mình.
4. Thần thông do sự can thiệp của trí: Hành giả vận dụng trí tuệ đoạn trừ các lậu hoặc, đắc A La hán quả, đó là thần thông do trí can thiệp.
5. Thần thông do sự can thiệp của định: Như trường hợp tôn giả Xá lợi Phất đang ngồi nhập định ngoài trời vào lúc đêm trăng, bỗng có một ác quỉ đến đánh vào đầu tôn giả vang tiếng như sấm nổ, nhưng tôn giả chẳng hề hấn gì cả. Ðó là thần thông do định can thiệp.
6. Thần thông của các bậc thánh: Hành giả có tâm thản nhiên đối với những gì đáng ghê tởm mà không ghê tởm, đó là thần thông của thánh giả.
7. Thần thông do quả báo của nghiệp: Như trường hợp chư thiên hay các loài chim bay đi trong không trung, đó là thần thông do nghiệp.
8. Thần thông do công đức: Như trường hợp Chuyển luân Vương du hành tự tại trong không gian, đó là thần thông do những công đức.
9. Thần thông do kỹ thuật: Như trường hợp những thầy phù thủy dùng bùa chú có thể bay đi trong không trung, đó là thần thông do kỹ thuật.
10. Thần thông do nỗ lực đúng: Như hành giả nỗ lực tu tập mà đạt được giải thoát, hay bất cứ người học nghề gì, do nỗ lực tối đa mà học tập thành nghề; đó là thần thông do nỗ lực đúng đắn.
Trong 10 loại thần thông kể trên, chỉ có thần thông do quyết định, do biến hóa và thân ý sinh là thực sự được gọi là thần thông mà thôi.
Bây giờ, để trình bày về những phương diện khác nhau của loại thần túc thông nầy, ở đây, nên trích dẫn một đoạn kinh văn như sau: “Vị ấy một thân hóa thành nhiều thân, nhiều thân trở thành một thân. Vị ấy hiện ra rồi biến mất, hoặc đi ngang qua tường, qua vách núi, qua những chỗ kín bít không bị trở ngại như qua hư không. Vị ấy độn thổ rồi trồi lên mặt đất như thể là ở trong nước; hoặc đi trên nước như đi trên đất. Vị ấy ngồi kiết già mà đi trên hư không như con chim, với bàn tay, vị ấy sờ chạm mặt trăng, mặt trời, và những vật có đại oai lực như thế. Vị ấy thực hiện việc làm chủ thân xác cho đến tận Phạm thiên giới”. (D I, 77)


Muốn thực hiện được các phép thần thông trên đây, hành giả trước hết phải hoàn tất các vấn đề sau: 1. Bốn cấp thiền; 2. Bốn yếu tố căn bản; 3. Tám bước; 4. Mười sáu trợ duyên và; 5. Trí quyết định.
1. Về 4 cấp thiền: như tôn giả Xá lợi Phất đã trình bày: “Sơ thiền, cõi phát sinh do viễn ly; Nhị thiền, cõi của hỉ và lạc; Tam thiền, cõi của xả và lạc; Tứ thiền, cõi của không lạc không khổ. Bốn cõi nầy của Thắng trí đưa đến sự chứng đắc các thần thông”. (D. II. 205)
2. Bốn yếu tố căn bản: Ðịnh do dục và sự quyết tâm; định do tinh tấn và sự quyết tâm; định do thanh tịnh tự nhiên và sự quyết tâm; Ðịnh do trạch pháp và sự quyết tâm.
3. Tám bước: Y chỉ vào dục đạt được định, nhưng dục khác, định khác (bước 1-2); y chỉ vào tinh tấn đạt được định, nhưng tinh tấn khác, định khác (bước 3-4); y chỉ vào tâm (niệm) đạt được định, nhưng tâm khác, định khác (bước 5-6); y chỉ vào trạch pháp đạt được định, nhưng trạch pháp khác, định khác (bước 7-8).
4. Mười sáu trợ duyên: Tâm không chán nản nên không bị giải đãi làm dao động. Tâm không mừng rỡ nên không bị trạo cử làm dao động. Tâm không đam mê thì không bị tham dục làm dao động. Tâm không oán ghét thì không bị ác ý làm dao động. Tâm độc lập thì không bị tà kiến làm dao động. Tâm không dính mắc thì không bị tham lam làm dao động. Tâm giải thoát thì không bị ngũ dục làm dao động. Tâm không trói buộc (vì cấu uế) thì không bị cấu uế làm dao động. Tâm không còn rào ngăn thì không bị rào ngăn cấu uế làm dao động. Tâm chuyên nhất thì không bị cấu uế sai biệt làm dao động. Tâm tăng cường với tín, thì không bị nghi ngờ làm dao động. Tâm tăng cường bởi tấn, thì không bị uể oải làm dao động. Tâm tăng cường bởi niệm thì không bị lơ đễnh làm dao động. Tâm tăng cường bởi định, thì không bị tán loạn làm dao động. Tâm tăng cường bởi tuệ thì không bị si mê làm dao động. Tâm quán chiếu thì không bị bóng tối vô minh làm dao động. Ðó là 16 trợ duyên đưa đến chứng đắc thần thông (Ps. II, 206).
5. Trí quyết định: Hành giả nhập thiền về phương diện thắng trí và xuất thiền, rồi quyết định như sau: “Ta hãy biến ra 100, ta hãy biến ra 100″. Ðó là trí quyết định
Một thân biến thành nhiều thân: Hành giả muốn thực hiện phép thần thông nầy – hay các phép thần thông khác – cần phải vận dụng các pháp trợ duyên đã kể trên, rồi dùng ý chí quyết định: “Ta hãy biến ra nhiều thân.”, rồi biến ra nhiều thân. Ðó là trường hợp tôn giả Cùla-panthaka (Châu-lợi Bàn-đà), như trong luận đã kể (Ps. II, 207). Tôn giả vốn tối dạ, học cả 4 tháng trời mà không thuộc một bài kệ, người anh thầy định đuổi thầy ra khỏi tu viện, đức Thế Tôn thương tình, đưa thầy một miếng giẻ bắt thầy lau bụi. Nhưng lau được một ít lâu, miếng giẻ trở thành màu đen, Thầy nghĩ rằng: “Miếng vải vốn sạch, không có gì quấy ở nó, chỉ có chấp ngã là sai lầm.”, nhờ thế thầy đắc thiền chứng, và đạt được thần biến, một thân hiện ra nhiều thân.
Phép tàng hình – làm cho biến mất: Hành giả muốn thực hiện phép thần biến nầy thì phải xuất khỏi thiền căn bản và tác ý như sau: “Ánh sáng nầy hãy trở thành bóng tối”, hoặc “Vật không bị che khuất nầy phải bị che khuất”. Thế là vật ấy sẽ khuất dạng không ai còn trông thấy nữa.
Phép thần thông đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, không bị trở ngại như đi trên hư không: Hành giả muốn thực hiện phép thần biến nầy cần phải đắc thiền về biến xứ hư không và xuất thiền, rồi tác ý đến bức tường, bức vách như sau: “Hãy hiện ra hư không”, thì nó sẽ thành hư không. Tuy nhiên, nếu núi hay vách tường đó do một vị có thần thông tạo ra trước, thì phép thần thông sau không thể hư vô hóa nó được, mà phải đi tránh qua nó.
Phép thần thông độn thổ, rồi trồi lên: Một hành giả muốn thực hiện phép nầy thì phải đắc thiền về biến xứ nước, rồi xuất khỏi thiền ấy, và quyết định rằng: “Ðất đai vùng nầy hãy biến thành nước.” Thế là đất đai vùng ấy đều hóa thành nước, và vị nầy có thể lặn xuống, trồi lên khỏi mặt đất như ở trong nước. Nhưng chỉ có vị nầy làm được thế, còn những người khác vẫn phải đi bộ trên đất ấy, vì đất vẫn nguyên trạng là đất.
Phép thần thông làm cho nước đông cứng: Hành giả muốn thực hiện phép thần biến nầy cần phải đắc thiền về biến xứ đất, rồi xuất thiền, và quyết định: “Nước ở tại chỗ nầy hãy biến thành đất.”, thế là nước biến thành đất, và vị nầy có thể đi trên đó. Hơn nữa, vị nầy còn có thể biến nước thành ra ngọc, vàng, cây, đá v.v…, nếu vị nầy muốn.
Phép thần thông bay trên hư không: Hành giả muốn thực hiện phép nầy cần phải đắc thiền về biến xứ đất, rồi quyết định: “Hãy có đất”, thế là đất hiện ra, và vị nầy có thể du hành trên ấy, nhưng vị nầy phải là người đã đắc thiên nhãn, để có thể tránh được những chướng ngại vật như núi, cây v.v…, trên đường đi.
Phép thần thông dùng bàn tay rờ mặt trăng, mặt trời: Phép thần biến nầy thực hiện được nhờ đắc thiền và tâm tự tại, chứ không cần phải đắc thiền bằng một biến xứ nào đặc biệt. Vị nầy tác ý đến mặt trời, mặt trăng, và quyết định với trí: “Nó hãy ở trong tầm tay ta.”, thế là mặt trăng, mặt trời nằm ngay trong tầm tay, và vị nầy có thể dùng tay sờ mặt trăng, mặt trời.
Phép thần thông nhỏ biến thành lớn, lớn biến thành nhỏ: Con độc long Nandopananda ỷ mình có thần thông, đã biến thành vật khổng lồ nằm khoanh núi Tu Di 14 vòng, rồi tung bụi mù mịt để gây trở ngại đoàn du hành có đức Phật và Thánh chúng. Do đó Phật đã bảo tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần lực hàng phục nó. Cuối cùng, nó đã bị chinh phục, và xin quy y Phật.
Phép thần thông rút hay tăng đường đất – làm cho xa trở thành gần hay gần thành xa: Hành giả muốn thực hiện phép nầy cần phải là người đã làm chủ được thân xác, và nếu muốn đi đến cõi Phạm thiên, liền quyết định: “Cõi Phạm thiên hãy đến gần đây.” thế là nó đến gần. Hoặc đối với một chỗ rất gần nếu muốn nó xa, liền quyết định: “Chỗ này hãy cách xa ra”, thế là chỗ ấy cách xa đến một mức độ mà hành giả muốn.
Phép thần thông biến ít thành nhiều: Tôn giả Mục Kiền Liên đã thực hiện phép nầy như kinh Bổn Sinh đã kể (Ja. I, 348). Có khi, đức Thế Tôn cũng từng biến một tô cháo, đủ cho cả Tăng chúng dùng một bữa no nê.
Ngoài ra, còn có các phép thần thông như biến nặng thành nhẹ, biến nhẹ thành nặng, hoặc biến mình thành một con voi hay một em bé, như trường hợp Ðề Bà Ðạt Ða đã làm (Vin. II, 185).

2. THIÊN NHĨ THÔNG
Bây giờ đến lượt mô tả về Thiên nhĩ thông, ta có thể dẫn đoạn kinh sau đây làm căn cứ: “Vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Thiên nhĩ thông. Với Thiên nhĩ thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy nghe cả 2 loại âm thanh, âm thanh của Chư thiên và âm thanh của loài người, xa cũng như gần.” (D. I, 79)
Thiên nhĩ thông: tức tai giống như tai của chư Thiên, vì chư thiên có khả năng nghe được một đối tượng âm thanh dù cách rất xa, do họ đã giải thoát khỏi các cấu uế.
Thuần tịnh: Thiên nhĩ nầy hoàn toàn trong sạch, không có cấu uế.
Siêu nhân: vượt khỏi phạm vi của loài người. Hành giả muốn thực hiện phép thần thông nầy cần phải đạt được thiền chứng căn bản về thắng trí, rồi xuất định và tác ý đến các âm thanh thô ở xa mà tầm tai có thể nghe được, như tiếng chuông, tiếng trống trong tu viện, hay tiếng sư tử trong rừng sâu. Thế rồi, vị ấy tuần tự tác ý đến những loại âm thanh vi tế, xa xôi ở 4 phương trời. Bấy giờ diễn tiến 4 hoặc 5 Tốc hành tâm xảy ra. Ba hay 4 tâm đầu là giai đoạn chuẩn bị gồm có tâm cận hành, tâm thuận thứ, và tâm chuyển tánh thuộc dục giới, còn tâm thứ tư hay thứ 5 là tâm an chỉ thuộc thiền thứ tư ở Sắc giới. Hành giả định giới hạn từ một tu viện, đến một khu làng, dần dần đến cả thế giới hay xa hơn nữa, tất cả âm thanh trong phạm vi ấy đều nghe được, nếu hành giả tác ý đến nó. Ðây là cách hành giả nới rộng tâm thiên nhĩ từng phạm vi.

3. THA TÂM THÔNG
Giải thích về Tha tâm thông, kinh văn viết như sau: “Vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Tha tâm thông. Vị ấy dùng tâm của mình thâm nhập vào tâm của các chúng sinh khác, và hiểu chúng như sau: – Tâm có tham biết là tâm có tham; tâm không tham biết là tâm không tham; tâm có sân biết là tâm có sân; tâm không sân biết là tâm không sân; tâm có si biết là tâm có si; tâm không có si biết là tâm không có si; tâm chật hẹp biết là tâm chật hẹp; tâm tán loạn biết là tâm tán loạn; tâm đại hành biết là tâm đại hành; tâm không đại hành biết là tâm không đại hành; tâm hữu thượng biết là tâm hữu thượng; tâm vô thượng biết là tâm vô thượng; tâm định tĩnh biết là tâm định tĩnh; tâm không định tĩnh biết là tâm không định tĩnh; tâm giải thoát biết là tâm giải thoát; tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát.” (D.I,79). Ðó là 16 loại tâm thông thường của các chúng sanh.
 Tha tâm thông nầy sinh khởi được là nhờ có sự trợ giúp của Thiên nhãn thông, và có thể thấy được máu trong tim của các chúng sinh đang hiện hữu. Nếu tâm của chúng sinh đó đang hoan hỉ, thì máu có màu đỏ; nếu tâm đang ưu sầu thì máu có màu hơi đen; nếu tâm an tịnh, thì máu có màu trong như dầu mè. Do quan sát như vậy mà thấy rõ tâm trạng của chúng sinh.
Chỉ khi Tha tâm thông được củng cố như thế, tâm hành giả mới dần dần biết được tâm trạng của chúng sinh ở cõi Sắc và Vô sắc mà không cần phải xem máu trong tim nữa.
 Ở đoạn văn trích dẫn có mấy từ sau đây cần phải giải thích: Tâm đại hành là tâm thuộc phạm vi Sắc giới và Vô sắc giới. Tâm không đại hành tức ngược lại tâm trên. Tâm hữu thượng là tâm thuộc về 3 cõi. Tâm vô thượng là tâm siêu thế – vượt ngoài 3 cõi. Tâm định tĩnh là tâm đạt được định cận hành và định an chỉ. Tâm không định tỉnh là tâm không đạt cả 2. Tâm giải thoát là tâm đạt đến một trong 5 thứ giải thoát sau: Giải thoát bằng sự thay thế pháp đối lập (nhờ tuệ quán); giải thoát nhờ sự đàn áp các pháp chướng ngại (nhờ định); giải thoát bằng sự đoạn trừ các chướng ngại (nhờ đạo lộ); giải thoát bằng sự an tịnh (nhờ quả chứng); giải thoát bằng sự từ bỏ (nhờ đạt được Niết bàn). Tâm không giải thoát là tâm chưa đạt được bất cứ giải thoát nào trong 5 loại trên.

4. TÚC MẠNG THÔNG
Ðể giải thích về Túc mạng thông, kinh văn viết: “Vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng thông, nhớ đến nhiều đời trước của mình, đó là: một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, 10 đời, 20 đời, 30 đời, 40 đời, 50 đời, 100 đời, 1000 đời, 100. 000 đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp. Vị ấy nhớ tại chỗ kia ta có tên như thế, chủng tộc như thế, tướng mạo như thế, đồ ăn như thế, thọ khổ lạc như thế, tuổi thọ như thế. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ, tại đây, ta có tên như thế, chủng tộc như thế, tướng mạo như thế, ăn uống như thế, tuổi thọ như thế. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sinh ra ở đây. Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và chi tiết”. (D. I. 81)
Túc mạng thông hay Túc mạng trí là cái trí nhớ lại những đời quá khứ. Trong trường hợp nhớ lại các đấng Giác ngộ trong quá khứ đã cắt đứt dòng luân hồi, thì chỉ có các đấng Giác ngộ mới làm được. Có 6 hạng người nhớ đời quá khứ, đó là: Ngoại đạo; đệ tử thường; đệ tử trẻ xuất sắc; đại đệ tử; Ðộc giác; Phật.
Ngoại đạo chỉ nhớ 40 kiếp về trước, không thể xa hơn nữa, vì trí tuệ họ yếu ớt. Những đệ tử thường nhớ đến 100 kiếp hay 1000 kiếp; vì trí tuệ họ mãnh liệt. Hạng đệ tử trẻ xuất sắc cũng thế. Nhưng các đại đệ tử nhớ được trăm nghìn kiếp hay một vô số kiếp về trước. Các bậc Ðộc giác nhớ được trăm nghìn kiếp và 2 vô số kiếp về trước. Còn với chư Phật thì trí nhớ không có giới hạn.
 Bản luận nêu ví dụ: Cái thấy của ngoại đạo như lửa đom đóm; cái thấy của phàm phu như ánh đèn cầy; cái thấy của đệ tử xuất sắc như bó đuốc; cái thấy của đại đệ tử như sao mai; của Ðộc giác như mặt trăng; của chư Phật như muôn ngàn tia sáng mặt trời vào mùa thu quang đãng.
Một Tỳ kheo mới tu tập muốn nhớ lại đời sống quá khứ theo cách trên, cần phải đi vào độc cư, tuần tự nhập 4 thiền và xuất thiền thứ tư thuộc căn bản thắng trí. Rồi vị ấy hướng tâm đến hành vi gần nhất của mình như lúc mới ngồi xuống, và đi ngược về quá khứ như các việc làm hôm qua, tháng trước, năm trước, v.v.. cho đến một đời, nhiều đời, hoại kiếp và thành kiếp, với những nét đại cương và chi tiết.
Về hoại kiếp có 3 loại tai nạn là hỏa tai, thủy tai, và phong tai. Ðó gọi là tam tai. Ba loại tai họa nầy lần lượt xuất hiện để hủy diệt thế giới. Ðầu tiên là hỏa tai nổi lên, từ một mặt trời lần lần đến 2 mặt trời xuất hiện rồi đến 7 mặt trời xuất hiện cùng lúc, thiêu hủy thế giới đến hết cõi Sơ thiền, và dừng lại ở Nhị thiền. Thế rồi thủy tai nổi lên phá hủy đến cõi Nhị thiền và dừng lại ở Tam thiền. Sau đó phong tai xuất hiện, phá hủy hết cõi Tam thiền và dừng lại ở Tứ thiền. Thoạt tiên liên tiếp khởi 7 trận hỏa tai, tiếp theo có một trận thuỷ tai nổi lên. Thuỷ tai nầy lập lại tới 7 lần thì đến trận phong tai. (Luận Câu xá q. 12: Theo bản luận cho biết khi tham dục quá cường thịnh thế giới sẽ bị hủy hoại bởi thủy tai. Khi sân hận quá cường thịnh thì thế giới sẽ bị hủy hoại bỡi hỏa tai, và khi si mê quá cường thịnh thì thế giới bị hủy hoại bởi phong tai)
Ở đây thiết tưởng nên giảng rõ chữ kiếp để làm sáng tỏ vấn đề trên. Kiếp (kalpa) gồm có 3 loại: Tiểu kiếp, trung kiếp, và đại kiếp. Tiểu kiếp: Lấy đời sống của nhân loại ở mức độ 10 tuổi mà khởi sự, cứ qua 100 năm thì đời sống thêm một tuổi, cho đến lúc đời sống con người được 84.000 năm; đó là kiếp tăng. Rồi bắt đầu con người từ 84.000 tuổi, cứ qua 100 năm thì đời sống giảm một tuổi cho đến lúc đời sống con người chỉ còn 10 tuổi; đó là kiếp giảm. Một lần kiếp tăng và một lần kiếp giảm như vậy được kể là một Tiểu kiếp, gồm có 16.800.000 năm. Trung kiếp: Lần lượt đủ hai mươi tiểu kiếp được kể là một trung kiếp, gồm có (16.800.000 x 20 =) 336.000.000 năm. Ðại kiếp có 4 trung kiếp. Trải qua Trung kiếp thứ nhất gọi là thành kiếp; trải qua trung kiếp thứ nhì, gọi là trụ kiếp; trải qua trung kiếp thứ ba gọi là Hoại kiếp; trải qua trung kiếp thứ tư gọi là Không kiếp. Như vậy một Ðại kiếp gồm có 4 giai đoạn là: thành, trụ, hoại và không, và thời gian là (336.000.000 x 4 =) 1.344.000.000 năm. (Phật Học từ điển, mục từ Kiếp)
Về Thành kiếp: Sau một thời gian dài, đất bắt đầu xuất hiện. Nó có màu sắc và mùi vị như lớp ván trên mặt nồi cơm vừa cạn. Rồi những chúng sinh ở cõi trời Quang Âm, do hết phước và mạng chung, liền sinh đến đó. Chúng tự phát sáng, và du hành trong hư không. Thế rồi, nghe mùi đất thơm hấp dẫn, chúng nếm thử và thấy thích thú, nên ăn chất đất ấy càng lúc càng nhiều, do đó, ánh sáng của chúng tan biến. Vì vậy mặt trời xuất hiện; sau đó là mặt trăng và tinh tú xuất hiện. Từ đó hình thành thời gian, ngày đêm, tháng năm và thời tiết. Kế đến là núi non, sông biển và ngũ cốc xuất hiện.
Những chúng sinh sử dụng chất đất đầu tiên ấy, dần dần một số trở nên đẹp đẽ, một số xấu xí. Người đẹp khinh bỉ người xấu, do đó, chất đất tinh túy kia biến mất, và từ đất mọc lên một thứ cỏ, cây leo, lúa không có trấu cám. Rồi một ngọn lửa tự nhiên nấu chín lúa ấy thành cơm, có mùi thơm ngon, và chúng sinh dùng thứ cơm ấy. Do đó, nước tiểu và phân xuất hiện, dần dần nam căn và nữ căn xuất hiện. Vì có hình thức nam nữ khác nhau nên nam giới nghĩ tưởng nữ giới, nữ giới nghĩ tưởng nam giới. Do khoảng thời gian dài nghĩ tưởng về nhau, nên cơn sốt nhục dục sinh khởi, vì thế chúng bắt đầu hành lạc. Thấy cảnh hành lạc công khai chướng mắt, nên những người trí chỉ trích và trừng phạt những kẻ ấy. Từ đó, chúng bắt đầu xây nhà với mục đích che đậy những việc xấu kia, đồng thời dùng làm chỗ cất chứa thức ăn. Bấy giờ lúa sinh ra cám và trấu, và chúng phải đi lấy phần hằng ngày để về dùng. Do vậy chúng dựng lên những ranh giới để chia phần cho mỗi cá thể. Tuy thế, có người tham lam, lấy phần của người khác, vì vậy mà thành ra có sự ăn trộm. Do có sự trộm cắp, chúng bèn hội nhau lại, bầu ra một người lãnh tụ để giữ vai trò thưởng phạt, ổn định trật tự. Người đầu tiên được mọi người bầu làm lãnh tụ trong thời kiếp này chính là Ðức Thế Tôn. Vì Ngài được tất cả mọi người trên thế gian nầy tín nhiệm, tôn kính, nên có danh hiệu là Thế Tôn. Ngài cũng có danh hiệu là điền chủ (khetta), lại được gọi là Sát đế lợi (Khettiya), tức giai cấp chiến sĩ cao quí. Ngài đem lại lợi ích cho mọi người một cách chính trực và công bằng, nên Ngài được gọi là một vị vua (Ràjà). Sau đó là Bà la môn và những giai cấp khác được tuần tự thành lập. (D. III. 85)

5. THIÊN NHÃN THÔNG
Giải thích về Thiên nhãn thông này, kinh văn viết: “Vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí biết về sự chết và tái sanh của chúng sinh. Với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, vị ấy thấy chúng sinh chết và sinh trở lại, chịu số phận hạ liệt hay cao sang, đẹp hay xấu, hạnh phúc hay bất hạnh; vị ấy biết hữu tình đi theo hạnh nghiệp của chúng: Những tôn giả chúng sinh nầy tạo ác nghiệp về thân, về lời, và về ý, phỉ báng các bậc Thánh, có tà kiến, tạo những nghiệp theo tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, đã sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục v.v… Còn những tôn giả chúng sinh nầy, tạo những thiện nghiệp về thân,về lời và về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, có chánh kiến, tạo những nghiệp theo chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung đã sinh vào một thiện thú, thiên giới. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân vị ấy thấy chúng sinh chết và tái sinh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng”. (D. I, 82)
Thiên nhãn: mắt của chư thiên. Vì nhãn quang của chư thiên rất bén nhạy, do thiện nghiệp phát sinh, nên có thể trông thấy một đối tượng ở rất xa. Một tỳ kheo do tinh tấn tu hành, trong tâm trí cũng phát sinh một thứ nhãn quang kỳ diệu như thế, nên gọi là Thiên nhãn.
 Hạ liệt: bị khinh bỉ, bị miệt thị v.v… Vì chủng tộc thấp hèn; do quả báo của si. Cao sang: Ngược lại hạ liệt, do quả báo không si. Ðẹp: có một bề ngoài dễ coi, khả ái, do quả báo của vô sân. Xấu: có một bề ngoài khó ưa, khả ố, do quả báo của sân. May mắn: đi đến một thiện thú, hoặc nơi giàu sang, do quả báo không tham. Bất hạnh: đi đến một ác thú, hoặc nơi nghèo hèn, do quả báo của tham lam. Hủy báng các bậc thánh: Các bậc thánh gồm có Phật, Ðộc giác, các đệ tử Thanh văn, hoặc những gia chủ đã chứng Dự lưu quả. Hủy báng có 2 cách: hoặc là xúc phạm, khinh miệt họ; hoặc là phủ nhận những công đức phẩm hạnh của họ. Những ai đã hủy báng các vị ấy bằng một trong 2 cách thì phải sám hối hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đối với họ. Nếu không sám hối thì đạo lộ tu hành sẽ bị chướng ngại.
Cõi dữ: đồng nghĩa với địa ngục. Ðịa ngục: là cảnh giới đau khổ cùng cực, đáng ghê sợ nhất .
Ác thú: là chỗ trú ẩn của những đau khổ.
Ðọa xứ: nơi những người phạm tà hạnh rơi vào đó. Thông thường cõi dữ chỉ cho cảnh giới của loài súc sinh; ác thú là cảnh giới của ngạ quỉ; đọa xứ là cảnh giới của A tu la, nhưng cảnh giới nầy cũng có nghĩa là cõi dữ và ác thú.
Thiện thú: chỉ cho cảnh giới của nhân loại, còn cảnh giới của chư thiên thì thường gọi là cõi trời.
Một hành giả muốn thực hiện phép Thiên nhãn thông cần phải tu tập thành tựu ba biến xứ: biến xứ lửa, biến xứ màu trắng và biến xứ ánh sáng. Nhưng biến xứ ánh sáng là tốt nhất.

TỔNG QUÁT:
Về loại Thần túc thông (đã trình bày ở chương XII) liên hệ đến 7 thứ đối tượng: đối tượng hữu hạn; đối tượng đại hành (cao cả); đối tượng quá khứ; đối tượng hiện tại; đối tượng vị lai; đối tượng bên trong; đối tượng bên ngoài. Hữu hạn: nghĩa là thuộc lãnh vực Dục giới; đại hành thuộc lãnh vực Sắc giới và Vô sắc giới; bên trong là ngay trong thân mình; bên ngoài là ở ngoài thân mình. Còn quá khứ, vị lai và hiện tại là khoảng thời gian trước, sau và ngay lúc ấy.
Về loại Thiên nhĩ thông gồm có 4 đối tượng: đối tượng hữu hạn; đối tượng hiện tại; đối tượng bên trong và đối tượng bên ngoài. Vì nó lấy âm thanh làm đối tượng, mà âm thanh thì có giới hạn, nên nó có một đối tượng hữu hạn. Vì nó phát sinh từ những âm thanh đang hiện hữu, nên nó có một đối tượng hiện tại.
Về Tha tâm thông gồm có 8 đối tượng: đối tượng hữu hạn; đại hành; vô lượng; đạo lộ; quá khứ; hiện tại; vị lai; bên ngoài. Vào lúc biết đạo và quả, nó có một đối tượng vô lượng. Vì một người thường (phàm phu) không thể biết được tâm của một bậc Dự lưu; một bậc Dự lưu không thể biết được tâm của một bậc Nhất lai; và cứ thế lên đến A la hán. Còn A la hán thì biết được tâm của tất cả. Vào lúc trí lấy tâm của một đạo lộ làm đối tượng, nó có một đối tượng đạo lộ.
Về Túc mạng thông gồm có 8 đối tượng: hữu hạn; đại hành; vô lượng; đạo lộ; quá khứ; bên trong; bên ngoài; không thể phân loại. Vào lúc nhớ lại các khái niệm như danh, tánh, trong quá khứ thì trí ấy có một đối tượng không thể phân loại. Ngoài ra những từ khác như đã giải thích ở trên.
Về Thiên nhãn thông, luận chủ chia thành 3 loại: trí biết sự chết và tái sanh; trí biết vị lai; trí biết sở hành tùy theo nghiệp.
Trí biết sự chết và tái sinh gồm có 4 đối tuợng: hữu hạn; hiện tại; bên trong; bên ngoài.
Trí biết vị lai tương ứng với 8 đối tượng: hữu hạn; đại hành; vô lượng; đạo lộ; vị lai; bên trong; bên ngoài; không thể xếp loại.
Trí biết sở hành tùy theo nghiệp tương ứng với 5 đối tượng: hữu hạn; đại hành; quá khứ; bên trong; bên ngoài. Về ý nghĩa các từ, xem những giải thích ở trên.
Theo quan điểm của luận chủ các loại thần thông- đôi khi còn gọi là thắng trí hay năng lực siêu nhiên – chỉ gồm có 5 thứ: Thần túc thông; Thiên nhĩ thông; Tha tâm thông; Túc mạng thông; Thiên nhãn thông. Nhưng thông thường kinh điển thêm một loại nữa là Lậu tận thông, thành ra 6 loại, và được gọi là lục thông.
Ba loại đầu thường gọi là thông, nhưng 3 loại sau còn gọi là minh hay trí như: Túc mạng minh hay Túc mạng trí; Thiên nhãn minh hay Thiên nhãn trí; Lậu tận minh hay Lậu tận trí.

THANH TỊNH ĐẠO
Theo Buddhaghosa

Không có nhận xét nào: